
Ngày Của Mẹ
Chúa nhật đầu tháng 5 bên này là ngày của mẹ. Mỗi năm mẹ chỉ được một ngày để đám con tặng hoa, gởi thiệp, tặng những món quà nho nhỏ, gởi những lời thăm vụng về, làm những thiết thân vụn vặt để tỏ tình yêu mẹ. Với những gian nan mẹ đã chịu đựng trong đời, một ngày một năm để con nhớ mẹ thật vẫn không là thiếu thốn lắm sao? Nhưng mẹ là mẹ của con. Con vẫn nhiều miệt mài dong ruỗi, nếu một năm con chỉ dành cho mẹ được một ngày, hẳn là mẹ vẫn cười xí xóa phải không?
Mẹ. Mẹ Việt Nam. Ôi, tôi yêu những người mẹ Việt Nam, những người đàn bà đã tiêu dùng đời mình qua những ngày tháng gian truân. Những ngày tháng Việt. Những ngày tháng tiếp tiếp liên liên mờ mờ mịt mịt, kết thành chuỗi lịch sử trường thiên, mà mỗi trang mỗi đoạn đều chất đầy gai nhọn, đều được viết bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Sao người ta không nói “Bố Việt Nam” mà chỉ có “Mẹ Việt Nam” thôi nhỉ? Sao thi ca, âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam hầu như vắng bố, mà lại bàng bạc hình ảnh mẹ? Mẹ già như chuối bà hương, như xôi nếp ngự, như đường mía lau. Mấy nghìn năm chinh chiến, bố lặn lội sa trường, con chỉ lớn lên với mẹ. Mẹ nuôi con thui thủi một mình. Những buổi trưa hè, mẹ ngồi ru con ngủ, tiếng ca dao buồn và mắt mẹ sâu; mắt mẹ dõi theo những hàng cau vời vợi. Những buổi chiều trời sẫm tối, mẹ đưa con chập chững ra vườn, theo mẹ tưới những vồng lang vồng sắn. Hằng đêm mẹ con trò chuyện cùng bóng mẹ lung lay dưới ánh đèn dầu. Năm năm tháng tháng, lâu thật là lâu, bố được về thăm nhà. Mẹ trẻ lại và vui như cô dâu mới. Mẹ cười nói nhiều hơn. Me chải tóc soi gương, là quần ủi áo. Mẹ mua cho con áo mới. Mẹ dọn cửa dọn nhà, lăng xăng nấu nướng. Con nhìn mẹ, và con cười. Và con vui thật là vui.
Được vài ba bữa bố lại đi. Những lần tiễn bố đi, mẹ khóc. Mẹ dặn dò và mắt mẹ đỏ hau. Và mẹ lại lao đầu vào cuộc chạy ăn đầu bù tóc rối, buôn thúng bán bưng, ngược xuôi tất tả. Trời mưa, trời nắng, me bương chải đầu làng cuối chợ. Mẹ tiện tặn từ đồng xe lam xe buýt, từng ly nước trà dọc đường, cho các con đủ ăn đủ mặc, đủ học đủ hành, và lại còn đua đòi chưng diện với người ta. Thuở còn nhỏ mẹ không được đi học, vì ông bà bảo con gái đi học làm gì. Mẹ phải lo việc đồng áng thật nhanh để còn kịp chạy trốn đến trường học lóm vài ba chữ. Ngày nay mẹ lo cho mấy đứa con học hành chữ nghĩa, để lâu lâu đám con có dịp chê mẹ nhà quê, thiếu văn minh tiến bộ. Nhưng mẹ có bao giờ trách các con đâu. Ờ, thì bây giờ các con giỏi cả rồi, mẹ có biết gì đâu. Mẹ chỉ biết lo thôi. Mẹ lo ngày lo đêm, thiếu ăn mất ngủ. Mẹ hốc hác trằn trọc. Giấc ngủ mẹ luôn luôn là những mộng mị oái ăm, những cơn thở dốc giục giã, những giật mình hốt hoảng, những lắng lo chồng chất triền miên. Mẹ vẫn không hay nói rằng cuộc đời mẹ phải trèo hết ngọn núi này đến ngọn núi khác đó sao? Và trên những dốc núi, những ghềnh đá cheo leo, thỉnh thoảng có những lằn sét nổ — những bản tin đẫm máu từ chiến trường mà mẹ vẫn giả vờ như không nghe thấy. Mẹ lao đầu vào cuộc sống cực khổ, chạy trốn những bản tin, dùng những sợi chỉ lắng lo để đan cho mẹ một thế giới hão huyền, trong đó chỉ có chạy gạo chạy cơm, chạy ăn chạy mặc, nhưng không hề có gươm đao súng đạn, không hề có những bản tin từ chiến trường xa. Ôi, xưa nay thời chiến chinh mấy người đi mà trở lại.
Làm sao mẹ đi qua cuộc đời như thế nhỉ? Làm sao mẹ có đủ sức mạnh, đủ chịu đựng lặn lội mấy mươi năm, lo cho cả đàn con nheo nhóc nên người? Ôi, tôi yêu những người mẹ Việt Nam. Những người đàn bà phi thường đã âm thầm bước trên gai nhọn, đưa nước tôi đi qua hằng bao thế kỷ. Đất nước này, non sông này, qua nghìn năm đau thương, đã tiếp tiếp tạo nên bao thế hệ đàn bà kiên nhẫn, chịu đựng phi thường; những người đàn bà với những tình yêu vô bờ bến; những người đàn bà giản dị quê mùa mộc mạc, chỉ với tình yêu và hai bàn tay trắng, đã tạo nên bao chiến tướng kim cổ lừng danh.
Một bông hồng cho mẹ. Một bông hồng cho Mẹ Việt Nam. Một bông hồng cho những dòng suối ngọt ngào, những cội rễ tình yêu vô tận. Tình yêu của mẹ như mưa móc tưới mát hồn con. Tình yêu của mẹ cho con thấy được thế giới không phát triển bằng những lý thuyết kinh tế chính trị xa xôi, mà thực sự chỉ bằng tình yêu trong lòng mẹ, trong lòng con, trong lòng tất cả mọi người. Ngày nào con còn tình yêu trong lòng, thì con sẽ còn đủ sức mạnh theo chân mẹ đạp lên gai nhọn, trèo những ngọn núi cao. Tất cả những phức tạp của đất nước, của cuộc đời thật ra cũng chỉ giản dị thế thôi, phải không mẹ?
Trần Đình Hoành.