Thiện Lê/Người Việt HOLLYWOOD, California (NV) – Thế giới ca nhạc có rất nhiều danh ca để lại nhiều ca khúc bất hủ, và họ từng trải qua nhiều khó khăn trong cuộc đời để thành công với những ca khúc đó. Chính vì vậy, Hollywood muốn kể lại cuộc đời của họ qua màn ảnh lớn, và có những phim rất thành công để nhiều thế hệ khán giả biết được tên tuổi của các danh ca trong phim.

Tài tử Rami Malek đóng vai ca sĩ Freddie Mercury trong phim “Bohemian Rhapsody.” (Hình: npr.org) Không chỉ kể lại chính xác cuộc đời của các danh ca, những bộ phim về các ca sĩ đó còn đòi hỏi khả năng diễn xuất rất nhiều từ các diễn viên để thể hiện được tâm lý của nhân vật.
Hollywood có rất nhiều phim hay về các ca sĩ có thật ngoài đời, nhưng khán giả nên xem thử năm tác phẩm dưới đây.
Bohemian Rhapsody
Trong nhiều thập niên, hàng triệu khán thính giả vẫn không quên được những ca khúc và những buổi trình diễn của ban nhạc Queen, phần lớn nhờ vào giọng hát của ca sĩ chính là Freddie Mercury. Đến năm 2018, Hollywood mới công chiếu phim “Bohemian Rhapsody” nói về cuộc đời của ca sĩ Mercury, và thành công vang dội.
Phim dùng ca khúc thành công nhất của Queen làm tựa, tài tử người Mỹ, Rami Malek đóng ca sĩ người Anh, Freddie Mercury.
Phim bắt đầu từ năm 1985, khi ban nhạc Queen chuẩn bị trình diễn tại sân vận động Wembley ở London, sau đó trở về năm 1970.
Lúc đó, ca sĩ Freddie Mercury là một người xếp hành lý ở phi trường Heathrow, có tên thật là Farrokh Bulsara, và vẫn còn sống với cha mẹ.
Một hôm, ông đến quán rượu để nghe ban nhạc Smile hát, rồi gặp ban nhạc đó sau buổi trình diễn. Ông nghe tin ca sĩ chính của ban nhạc này không muốn hát nữa, và họ đang tìm người thay thế ca sĩ đó. Cuối cùng ông được nhận vì có giọng hát đặc biệt.
Vẫn giữ tên Smile, ban nhạc này hát khắp nước Anh, nhưng chưa thành công lớn. Vì vậy, ca sĩ Mercury kêu gọi các thành viên của ban nhạc bán chiếc xe van để có tiền thu âm một album nhạc, từ đó bắt đầu thành công vang dội, và ban nhạc Smile đổi tên thành Queen.
Bộ phim này còn đưa khán giả qua những xung đột của ban nhạc Queen, cũng như cho thấy nhiều khía cạnh trong cuộc đời của ca sĩ Mercury, nhất là giới tính của ông.
Tuy các thành viên căng thẳng, nhưng ban nhạc Queen vẫn sáng tác được nhiều ca khúc bất hủ như “We Will Rock You” và “Another One Bites the Dust.”
Sau một thời gian hát riêng, ca sĩ Mercury trở lại với ban nhạc Queen, và cuối cùng qua đời vì bệnh AIDS.
Trong phim này, tài tử Rami Malek thể hiện rất xuất sắc vai ca sĩ Mercury, từ giả giọng Anh rất thành công, đến thể hiện được cá tính của ca sĩ đó.
Nhờ diễn xuất đó, ông đoạt giải Oscar vai nam chính hay nhất qua phim “Bohemian Rhapsody.”
Không chỉ vậy, bộ phim này làm cho nhiều khán giả trẻ tìm hiểu về âm nhạc của Queen sau khi xem.

Cố tài tử Chadwick Boseman trong vai ca sĩ James Brown của “Get On Up.” (Hình: aarp.org) Get On Up
Trong mắt nhiều khán giả trẻ, cố tài tử Chadwick Boseman thành công nhất qua vai siêu anh hùng Black Panther, nhưng ông từng đóng những phim đòi hỏi khả năng diễn xuất rất cao. Một trong những phim đó có “Get On Up” của năm 2014, nói về danh ca nhạc soul, James Brown.
Ca sĩ James Brown là một tên tuổi gắn liền với thể loại nhạc soul, và được coi là một nhân vật vô cùng quan trọng của âm nhạc Mỹ trong thế kỷ 20. Với nhiều ca khúc đến giờ vẫn làm thính giả không quên được, ông từng được gọi là “cha đỡ đầu của nhạc soul.”
“Get On Up” là những từ được hát nhiều nhất trong ca khúc “Get Up (I Feel Like Being a) Sex Machine” của danh ca Brown, nên được dùng làm tựa phim nói về cuộc đời của ông.
Bộ phim này được thể hiện không theo trình tự thời gian như nhiều phim khác, và không đi theo nhân vật qua từng giai đoạn trong cuộc đời của họ. Người dẫn chuyện của “Get On Up” là ca sĩ Brown, kể lại từng giai đoạn trong đời mình.
Vào năm 1939, ca sĩ Brown trong thời niên thiếu phải sống chung với người cha ngược đãi, và mẹ ông bỏ đi làm gái mại dâm.
Đến lúc 17 tuổi vào năm 1949, ông phải ngồi tù vì ăn cắp một bộ veston, sau đó được nghe ca sĩ Bobby Byrd hát trong tù, và bắt đầu nhảy vào con đường âm nhạc.
Phim đưa khán giả qua những ngày trình diễn tại hệ thống “sân khấu ruột heo” (chitlin’ circuit) dành cho người gốc Phi Châu trong thập niên 1960, sau đó đến những năm thành công nhất của danh ca Brown, trong đó có trình diễn cho lính Mỹ ở Việt Nam vào năm 1973, và máy bay chở ông suýt bị bắn rớt.
Cố tài tử Chadwick Boseman thể hiện rất thành công vai danh ca Brown, và được khen ngợi rất nhiều cho vai diễn đó. Tuy không hát thật, nhưng ông tự nhảy hết mọi điệu nhảy của danh ca Brown.

Trong phim “Ray,” tài tử Jamie Foxx trong vai danh ca Ray Charles. (Hình: tamildeluxe.org) Ray
Đối với thể loại nhạc soul, không ai không biết đến tên tuổi của danh ca và nhạc sĩ Ray Charles. Chính vì vậy, không có gì có thể vinh danh ông như tác phẩm “Ray” của năm 2004.
Phim được công chiếu vào Tháng Mười, 2004, chỉ bốn tháng sau khi nhạc sĩ Ray Charles qua đời.
Trong phim, nhạc sĩ Charles phải chứng kiến em trai của mình bị chết đuối khi còn nhỏ. Đến 9 tuổi, ông bị mù vì cườm mắt. Tuy vậy, mẹ ông luôn hỗ trợ và khuyên nhủ con trai không nên tự hành hạ bản thân nữa.
Ông bắt đầu thành công khi đi trình diễn nhạc jazz ở Seattle, khi vừa phải đối chọi với sự nghiện ngập ma túy, và còn ngoại tình khi đi trình diễn.
Tuy nhiên, vợ ông luôn hỗ trợ và giúp vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời. Nhờ vậy, ông mang nhiều thay đổi đến cho thể loại nhạc soul và trở thành một tên tuổi không thể quên được.
Tài tử Jamie Foxx diễn xuất rất thần sầu trong “Ray,” thể hiện một người mù và những cảm xúc của người mù rất xuất sắc. Ông phải đeo kính đen cho người mù 14 tiếng trong một ngày để đóng vai Ray Charles.
Vừa là ca sĩ, tài tử Foxx biết chơi đàn dương cầm, nên tự chơi đàn trong những cảnh. Tuy vậy, ông phải hát nhép vì cho rằng mình không thể nào giả được giọng hát của danh ca Ray Charles được.
Nhờ diễn xuất trong “Ray,” tài tử Foxx đoạt giải Oscar vai chính hay nhất của năm 2004.

Tài tử Taron Egerton đóng vai Elton John trong phim “Rocketman.” (Hình: kmuw.org) Rocketman
Chỉ một năm sau sự thành công vang dội của “Bohemian Rhapsody,” Hollywood lại đưa khán giả vào cuộc đời của một ca sĩ người Anh khác là danh ca Elton John qua phim “Rocketman.”
Với tài tử Taron Egerton trong vai chính Elton John, “Rocketman” bắt đầu từ thập niên 1950, lúc ông còn là một thiếu niên với tên thật là Reginald Dwight, và sống với cha mẹ và bà ngoại.
Tuy nhiên, cha mẹ ông thiếu tình thương cho cậu con trai, và chỉ có bà ngoại Ivy là người duy nhất chăm sóc ông.
Reginald bắt đầu học dương cầm, rồi được Nhạc Viện Hoàng Gia Anh nhận, sau đó bắt đầu đam mê nhạc rock, và đi hát tại các quán rượu địa phương.
Khi lớn lên, Reginald tham gia ban nhạc Bluesology, và ban nhạc này được mời trình diễn chung với vài ban nhạc Mỹ. Sau đó, Ronald Isley thấy Reginald có tiềm năng, và nói anh nên tự viết nhạc để thành công hơn.
Anh quyết định đổi tên thành Elton John, với Elton là tên của người chơi kèn saxophone cho ban nhạc Bluesology và John lấy từ ca sĩ Long John Baldry.
Ông bắt đầu viết nhạc và tìm được nhiều thành công trong sự nghiệp, sau đó thú nhận mình là người đồng tính.
“Rocketman” đưa khán giả qua các thăng trầm trong sự nghiệp của ca sĩ Elton John, từ quan hệ đồng tính đến sự nghiện ngập, với diễn xuất tuyệt vời của tài tử Taron Egerton.
Nhờ thể hiện chính xác cuộc đời ông, ca sĩ Elton John từng kể ông khóc nức nở khi xem “Rocketman.”

Tài tử Joaquin Phoenix đóng vai danh ca Johnny Cash và minh tinh Reese Witherspoon vai June Carter trong phim “Walk the Line.” (Hình: themoviedb.org) Walk the Line
Một trong những phim về ca sĩ có thật được khen ngợi nhiều có “Walk The Line” của năm 2005 nói về danh ca nhạc country, Johnny Cash, do tài tử Joaquin Phoenix đóng.
Bộ phim này nói về cuộc đời của danh ca Cash, từ lúc còn nhỏ ở Arkansas, sau đó nhập ngũ Không Quân, đóng quân ở Tây Đức vào năm 1950. Lúc đó,ông mua một cây đàn guitar và bắt đầu sáng tác nhiều ca khúc.
Sau khi giải ngũ, ông đi làm nhân viên bán hàng, rồi quyết định lập một ban nhạc, và từ đó sự nghiệp nhạc country của ông bắt đầu.
Không như các phim về những nhân vật có thật ngoài đời khác, tài tử Phoenix không đóng vai Johnny Cash, mà hoàn toàn hóa thân thành nhân vật. Từ cách ăn nói đến từng cử chỉ, ông đều làm khán giả nhớ đến danh ca Cash.
Để chuẩn bị cho vai diễn, ông mất đến sáu tháng trời để tập đánh guitar và tập hát. Điều đó được thể hiện rất rõ trong phim vì khán giả tưởng như họ đang xem Johnny Cash thật trên sân khấu.
Trong những cảnh trình diễn, tài tử Phoenix tự hát hết các ca khúc. Không chỉ vậy, ông còn thể hiện được tâm lý của danh ca Cash trong những năm u tối. Ông tính toán từng cảnh để làm cách nào chinh phục được khán giả.
Vì vậy, đạo diễn James Mangold từng nói quay tài tử Phoenix sau lưng hay quay trước mặt không hề ảnh hưởng đến diễn xuất của ông.
Ngoài ra, sự ăn khớp với minh tinh Reese Witherspoon lại càng làm cho “Walk the Line” hay hơn.
Minh tinh Witherspoon được giải Oscar vai nữ chính hay nhất qua vai người tình June Carter của danh ca Cash, và tài tử Phoenix được đề cử Oscar vai nam chính hay nhất của năm 2006. Điều đó khiến nhiều khán giả thắc mắc tại sao ông không đoạt giải năm đó.
Tuy vậy, ông đoạt giải Golden Globe vai chính trong phim về âm nhạc của năm 2006. (Thiện Lê) [qd]