Liên Âu trên đôi vai Angela Merkel
Hùng Tâm
Người Việt

Sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay, hãy nhìn vào cuộc bầu cử tại Ðức năm tới…
Hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Một, bà Angela Merkel thông báo quyết định tái tranh cử năm tới để làm thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Ðức trong nhiệm kỳ thứ tư. Với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU đang cầm quyền của mình, bà hứa hẹn tranh cử qua chương trình hành động tập trung vào các đề mục như dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cá nhân. Sau khi Vương Quốc Anh Thống Nhất quyết định triệt thoái khỏi Liên Hiệp Âu Châu (Brexit) và ông Donald Trump trở thành tổng thống tân cử tại Hoa Kỳ, nhiều người mong bà Merkel có thể là sức mạnh ổn định cho nước Ðức, Liên Âu và cho cả thế giới trước những bất trắc và cuồng nộ chính trị ở quá nhiều nơi.
Sau bài tuần trước “Hiệu ứng Donald Trump và Âu Châu – Vì sao nhiều lực lượng Âu Châu chào mừng chiến thắng của Donald Trump?” Hồ Sơ Người Việt kỳ này tìm hiểu về bài toán của Merkel.
Ðối diện thực tế 2017
Nếu năm 2016 đã gây nhiều chấn động – với cao điểm là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sau hàng loạt hoạt động khủng bố, việc Liên Bang Nga tham chiến tại Syria, vụ Brexit, v.v… – thì 2017 sẽ là năm còn gây nhiều bất ngờ hơn nữa. Liên Âu sẽ đối diện với các mối nguy kinh tế, tài chánh, an ninh và chính trị.
Pháp sẽ có bầu cử tổng thống vào Tháng Tư và Tháng Năm qua hai vòng bỏ phiếu. Nếu đảng Mặt Trận Quốc Gia Front National của Marine Le Pen đắc cử – giả thuyết hơi khó – Pháp có thể rụt khỏi khối tiền tệ Euro và cả Liên Âu, như nước Anh. Ðảng Cộng Hòa thuộc xu hướng trung hữu cố tránh kịch bản tan rã đó trước sự tê liệt của đảng Xã Hội đang cầm quyền với Tổng Thống Francois Hollande có mức hậu thuẫn thấp nhất lịch sử. Ngày mùng 4 tới, Ý sẽ trưng cầu dân ý về Hiến Pháp và có thể có tổng tuyển cử sớm vào đầu năm tới. Khi ấy, Phong Trào Năm Sao mà thắng cử thì việc Ý đòi ra khỏi Liên Âu sẽ là một mối nguy khác cho cả khu vực.
Nếu Mặt Trận Quốc Gia tại Pháp và Phong Trào Năm Sao tại Ý mà thực hiện lời hứa là đòi tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở trong khối Euro, Ðức sẽ phản ứng ra sao, bà Merkel phải làm gì? Tương lai của cả khối Euro lẫn tổ chức Liên Âu sẽ nằm trên đôi vai của thủ tướng Ðức. Bà phải nhượng bộ hai quốc gia sáng lập ra hệ thống Âu Châu thống nhất để tránh khủng hoảng cho cả tập thể. Khi ấy, cử tri Ðức nghĩ sao trong cuộc tổng tuyển cử?
Tức là khi ta vừa bóc tấm lịch qua năm 2017, thủ tướng Ðức đã phải đổi ưu tiên. Chương trình hành động của bà hết nhắm vào lý tưởng tự do dân chủ trong sự hội nhập Âu Châu mà phải tìm cách bảo vệ quyền lợi của nước Ðức trước nguy cơ tan tác của Liên Âu. Không chỉ có vậy. Thủ tướng Ðức còn phải nhìn về hai hướng Ðông-Tây.
Từ phía Ðông, cảm giác bất an của các nước Ðông Âu và Trung Âu trước sự bành trướng của Liên Bang Nga là một thách đố cho toàn khối Liên Âu. Từ hướng Tây, việc ông Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ với câu hỏi thuận lòng dân Mỹ là vì sao ta phải cáng đáng việc bảo vệ Âu Châu và đóng góp tới 70% ngân sách của Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO, sẽ gây thêm phân hóa.
Khi đó, các nước ở xa tầm đạn của Nga, như Áo và Ý, có thể đồng ý với chủ trương của ông Trump, là nhìn lại quan hệ với Moscow: hòa hoãn hơn. Ngay trong tháng tới, nước Áo có thể bầu một nhân vật cực hữu lên làm tổng thống, với chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia, chẳng khác gì ông Trump, đảng Năm Sao của Ý hay Mặt trận Quốc Gia của Pháp. Khi ấy, các nước Ðông Âu quá gần Nga, như Ba Lan hay Estonia chỉ còn trông cậy vào nước Ðức, hoặc đi tìm liên minh quân sự khác để bảo vệ an ninh. Trong ngoặc đơn, nền độc lập, dân chủ hay nhân quyền cho Ukraine là ưu tiên nhỏ của các nước.
Khi đó, thủ tướng Ðức phải mua thời gian chừng dăm ba tháng, là kêu gọi các nước tiếp tục cấm vận kinh tế Nga về tội xâm lăng và khuynh đảo Ukraine, nhưng bà chẳng có nhiều hy vọng. Qua lời Phó Tổng Thống Joe Biden, Chính quyền Barack Obama từng bắn tiếng hăm dọa là nhiều nước sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận nếu Ukraine không tăng cường diệt trừ tham nhũng nội bộ! Trước khi Donald Trump là tổng thống tân cử, Hoa Kỳ đã tự chuẩn bị kịch bản ấy. Nôm na là hy sinh Ukraine để cùng Liên Bang Nga diệt trừ tổ chức khủng bố Hồi Giáo ISIS tại Syria và Iraq. Với Donald Trump, việc bãi bỏ lệnh phong tỏa kinh tế Nga chỉ là vấn đề thời gian – mà sẽ là bài toán cho bà Merkel: nước Ðức chưa có khả năng quân sự để đảm nhiệm việc bảo vệ Ðông Âu và sự vẹn toàn của cả khối Liên Âu.
Chưa kể là Ðức vẫn là hy vọng sau cùng của làn sóng tỵ nạn đến từ Trung Ðông. Hy vọng đó khiến thủ tướng Ðức và lý tưởng Âu Châu càng rơi vào thế kẹt.
Kinh tế Ðức và chủ nghĩa dân tộc
Nước Ðức là cột trụ của cả khối Âu Châu, với ưu điểm là nền kinh tế giàu mạnh nhất mà cũng bị nhược điểm là có nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất cảng. Giải pháp kinh tế của Ðức là khối Euro, một thị trường xuất cảng chính yếu, lại gây ra bài toán chính trị là Ðức phải cáng đáng gánh nặng tài chánh để duy trì hệ thống Euro khiến dân Ðức càng phân vân với làn sóng tỵ nạn. Trong các cuộc bầu cử địa phương năm nay, đảng CDU của bà Merkel đều thất cử vì sự phân vân đó.
Nhìn rộng ra ngoài, tập thể Liên Âu gồm 28 quốc gia lại có nhiều ưu tiên khác biệt.
Nhân danh dân chủ, hay quyền dân, nhiều quốc gia nghiêng dần về giải pháp bảo vệ chủ quyền và ưu tiên riêng. Ưu tiên ấy có thể là an ninh hay kinh tế. Vì vậy, ngược với lập trường của thủ tướng Ðức là mở cửa tiếp nhận di dân, nhiều quốc gia mặc nhiên phủ nhận chánh sách phân phối di dân và ra lệnh kiểm soát biên giới của mình. Ðấy là về an ninh, một trong nhiều lý do của vụ Brexit. Về kinh tế, để duy trì hệ thống Euro, Ðức phải thông cảm với việc nhiều nước xé rào và bị bội chi ngân sách hoặc vay mượn nhiều hơn tiêu chuẩn chung của toàn khối. Như vậy, chánh sách và chủ trương của Ðức bị nhiều nước thách đố trong thực tế. Ngoài lằn ranh về an ninh theo trục Ðông-Tây, thì về kinh tế sự khác biệt Nam-Bắc, giàu mạnh tại miền Bắc và khủng hoảng tại miền Nam, cũng là bài toán cho nước Ðức ở giữa.
Thủ Tướng Angela Merkel nằm tại giao điểm của nhiều mâu thuẫn về quyền lợi của các nước.
Sau những kinh nghiệm chết người về chủ nghĩa quốc gia dân tộc – hai thế chiến chứ không ít – nước Ðức không còn muốn tự ý hành động mà cố tìm sự đồng thuận với các lân bang và trở thành đầu máy của cả tập thể. Từ sau Thế Chiến II, trật tự Âu Châu được xây dựng trong tinh thần đó. Nhưng khi tập thể, như những toa tàu đòi chạy theo hướng khác, lại phân vân về lẽ thống nhất, đầu máy đó có thể bị lật. Tấm lịch sinh hoạt chính trị của Âu Châu trong năm 2017 là lộ trình của nhiều hướng chạy ngược – và sẽ kết tụ vào cuộc bầu cử tại Ðức.
Sai lầm của truyền thông chính mạch
Trong năm nay, chúng ta thấy truyền thông dòng chính, từ Âu qua Mỹ, đánh giá sai và bị bất ngờ trước hai biến cố là Brexit và Donald Trump. Chìm sâu ở dưới, người ta không nhìn ra làn sóng đáy là chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong nhiều nước. Dư luận coi thường cử tri Anh Quốc khi dại dột ly khai, và khinh miệt ứng cử viên Donald Trump là thô bỉ, cực đoan hay kỳ thị.
Bây giờ, truyền thông chính mạch có thể tái diễn sai lầm cũ khi giới thiệu thủ tướng Ðức.
Trước nhiều biểu hiện cực đoan quá khích tại Âu Châu và Hoa Kỳ, người ta tin rằng Thủ Tướng Angela Merkel là thành lũy sau cùng của sự ôn hòa tỉnh táo khả dĩ đẩy lui cuồng phong bão tố. Bản thân bà Merkel từng lãnh những biệt danh ngoạn mục sau 11 năm làm thủ tướng, như “Iron Frau” Phụ Nữ Thép, “Mutti of Germany” Quốc Mẫu Ðức, hay “Thủ Tướng Của Thế Giới Tự Do.” Ðứng đầu trong tệ sùng bái là tờ The New York Times, với danh hiệu lên trang nhất của số ra ngày 12 vừa qua: “Người Bảo Vệ Tự Do Tây Phương Sau Cùng” – Liberal West’s Last Defender. Khi làm báo, người ta hay tìm đề tựa bắt mắt nên lại đơn giản hóa sự thể. Bà Merkel không đơn giản như vậy mà nói ngay rằng đấy là “điều kệch cỡm, gần như phi lý.”
Sinh trưởng tại Ðông Âu dưới gót giầy Liên Bang Xô Viết vào năm 1954, Thủ Tướng Merkel có ý thức cao độ về tự do và chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc thời Hitler là tai họa cho dân tộc Ðức, chủ nghĩa Cộng Sản là tai họa cho tự do dân chủ của dân Ðức. Vì vậy, hai dòng tư tưởng là tự do và dân tộc có những quan hệ đan kết phức tạp mà con người ta khó đơn giản hóa thành khẩu hiệu, là chứng tật bẩm sinh của truyền thông nông cạn.
Chủ nghĩa tự do đòi hỏi một nền tảng xã hội trong đó quyền tự do của từng cá nhân – một trong các chủ điểm tranh cử lần này của bà Merkel – được hiện hữu và bảo vệ. Nền tảng xã hội đó là khái niệm “quốc gia dân tộc,” dân tộc phải có quốc gia. Nhược điểm của hệ thống chúng ta gọi là tự do dân chủ là người dân phải được quyền lên tiếng chống lại những dàn xếp chính trị trên thượng tầng. Nếu người dân nhiều nước Âu Châu không hài lòng với dàn xếp chính trị gọi là Liên Âu và đòi xét lại, hoặc ly khai, họ có toàn quyền, nhân danh tự do dân chủ.
Khi gọi đó là sự nổi loạn, là tinh thần cực đoan quá khích, người ta có thể quên cái quan hệ trên-dưới. Trên là cơ chế “siêu quốc gia” như khối tiền tệ Euro hay tổ chức Liên Âu với đầu não nằm tại Bruxelles của nước Bỉ, hay Strasbourg của nước Pháp. Dưới là người dân Hy Lạp, Anh, Pháp, Ý, Áo, Hung, Ba Lan, v.v… Vụ nổi loạn hiện nay tại Âu Châu là chủ nghĩa dân tộc của từng nước không chấp nhận sự cai trị của một thiểu số ưu tú trong quốc gia của mình là các chính đảng truyền thống, hay trong cơ chế quốc tế là các tổ chức của Euro và Liên Âu.
Không riêng gì bản thân bà Merkel đang bị kẹt trong mâu thuẫn này. Dân Ðức cũng có quyền cổ xúy cho chủ nghĩa quốc gia Ðức, và đảng Alt-D, một giải pháp khác cho nước Ðức, đang là một thách đố từ cánh hữu. Dù bà Merkel có đắc cử hay không, nước Ðức vẫn phải giải quyết bài toán đó, với một lãnh tụ khác, mà không rơi vào trường hợp đáng sợ của Otto von Biskmark hay Adolf Hitler.
Kết luận ở đây là gì?
Bà Angela Merkel lên cầm quyền khi nước Ðức đã tái thống nhất và từ đó ra sức bảo vệ thành quả cho quốc gia trong một khuôn khổ quốc tế. Khuôn khổ đó đang bị rung chuyển từ bên trong và bị khủng bố Hồi Giáo tấn công từ bên ngoài. Bà không thể đội đá vá trời. Năm 2017 còn đáng sợ hơn 2016 đang kết thúc.