Bình Luận Thời Sự

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
kalua
Posts: 838
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by kalua »

Từ vụ Huy Đức, làng báo Việt Nam tiếp tục bị chôn sống
Trúc Phương

Image
Hình ảnh lúc công an giải nhà báo Huy Đức đi vào chiều ngày 1 Tháng Sáu. (Hình được chia sẻ trên mạng facebook)


Tự do ngôn luận ở Việt Nam tiếp tục bị chém chí tử. Báo chí trở thành những cái loa bị dán băng keo. Nó chỉ được gỡ khi người ta cho phép nó nói.

Tại sao tự do thông tin ngày càng bị “cưỡng bức” thô bạo? Bởi vì sự thật trong tự do thông tin (cần nhấn mạnh yếu tố “sự thật,” ở thời mà tự do thông tin bị hoen ố bởi làn sóng tin giả) là công cụ có thể giúp lật mặt được chủ nghĩa dân chủ giả hiệu đang bùng nổ và phát triển khắp nơi, dù nó được lập luận ngụy biện bởi những kẻ đang ôm giữ mọi thứ quyền hành và muốn kiểm soát tuyệt đối cả tự do tư duy lẫn tự do biểu đạt. Sự thật, tại nhiều nơi, đã bị nhốt vào lồng và thậm chí bị chôn.

Chẳng nơi nào có thể “minh họa” cho điều này bằng Trung Quốc, Nga và Việt Nam! Điều đáng nói nhất đối với làng báo Việt Nam là nó đã trở nên “khác biệt” so với hầu hết các nước chứng kiến tình trạng báo chí bị ngược đãi, bởi “đặc điểm” rằng: Không có nhà báo chính thức nào dám lên tiếng trước các vụ bắt bớ những người nói thay cho mình hoặc nói thay người dân về những vấn đề dân chủ và thậm chí những vấn đề liên quan trực tiếp đến tự do thông tin. Ký giả miền Nam trước 1975 từng “đi ăn mày” để phản đối sự kiểm soát báo chí. Giới báo chí ngày nay có những chọn lựa khác hơn “đi ăn mày,” dù họ biết thái độ đó mang lại kết cuộc như thế nào cho xã hội lẫn quốc gia.


Trên Washington Post ngày 21 Tháng Năm, 2018 (cố) ký giả Jamal Khashoggi từng viết:

“Liệu có cách nào khác cho chúng ta hay không? Liệu chúng ta có phải chọn giữa rạp chiếu bóng và quyền công dân để có thể cất tiếng nói, dù là ủng hộ hay chỉ trích những hành động của chính quyền? Chúng ta có nên chỉ ton hót những lời bóng bẩy trước các quyết định của lãnh đạo, cái nhìn của ông ấy về tương lai chúng ta, nhằm đổi lại quyền sống và sự đi lại tự do cho bản thân và gia đình mình?”

Tự do báo chí đôi khi không hẳn là “không gian” được phép thể hiện. Tự do báo chí có khi là “khoảng cách” giữa “rạp chiếu phim” và “quyền công dân” cùng với sự chọn lựa một trong hai này. Khó có thể có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo luôn chọn “rạp chiếu phim”. Không thể đòi hỏi có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo cúi đầu chấp nhận khước từ quyền tự do ngôn luận của chính mình. Báo chí sẽ chẳng bao giờ có được sự độc lập và trung thực thông tin, nếu nhà báo không dám “tự do” “đi ăn mày” nhưng sẵn sàng “tự do” “mài bút” xu nịnh vuốt ve “các cụ,” để được thụ hưởng lợi ích kinh tế hoặc được “bảo kê” trong các cuộc đấu đá phe nhóm chính trị.

Chẳng có cái gì gọi là báo chí được “cởi trói” trong làng báo Việt Nam, như cách nói nhai nhải của Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

“Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ.” Đây là quy định được nêu tại Điều 13 của Luật Báo Chí năm 2016. Chỉ riêng quy định này đã thấy báo chí bị trói như thế nào. Mỉa mai thay, Điều 25 Hiến Pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Báo chí tiếp tục bị trói và thực hiện “các quyền” của nó khi được yêu cầu thực hiện “nhiệm vụ chính trị tuyên truyền” với nội dung bài vở được chỉ định. Lực lượng truyền thông luôn được xua ra để diễn một vở kịch chính trị tuyên truyền nhằm phục vụ chính trị đối ngoại lẫn đối nội. Chừng nào còn phụ thuộc vào tín hiệu đèn xanh thì báo chí vẫn còn sống dài dài với nỗi thấp thỏm bị siết cổ nửa đêm bằng tin nhắn hoặc cú gọi lạnh tóc gáy từ một “đồng chí” tuyên giáo. “Sáng đăng, chiều gỡ” đã trở thành “hoạt động báo chí” quen thuộc của làng báo trong nước nhiều năm qua.


Cá nhân ông trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương cũng là công cụ. Tuyên truyền phục vụ đường lối chính sách của đảng vẫn là “tôn chỉ” xuyên suốt của hoạt động báo chí Việt Nam. Thậm chí cách thức thể hiện cũng được chỉ định. Cơ quan truyền thông trung ương VTV chỉ được phép dùng từ “đối phương,” “lính bên kia biên giới”… chứ không được đề cập trực tiếp đến “Trung Quốc.”

Khi các trưởng phòng ban, thư ký tòa soạn hoặc ban biên tập nói chung phải chịu sự kiềm kẹp gần như hàng ngày bằng những tin nhắn trực tiếp vào điện thoại (rằng vấn đề nào được phép nói với liều lượng bao nhiêu và vấn đề nào cấm được đụng đến) thì báo chí còn lâu mới “trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.”

Ý thức tự kiểm duyệt không chỉ xảy ra với ban biên tập mà với cả người viết. Những vụ án tham nhũng hoặc những bài báo “phản biện” không phải tự nhiên xuất hiện và được tùy ý ban biên tập quyết định. “Tự do thông tin” là khái niệm được hiểu là khoảng không gian giới hạn mà phóng viên phải mặc nhiên hiểu như một ý thức nghề nghiệp hình thành như một quán tính nhắc nhở thường trực chớ nên dại dột vượt qua.

Sự cạnh tranh giữa các báo gần như không tồn tại hoặc chỉ tồn tại ở mức tiểu xảo chạy theo những tin vô thưởng vô phạt chứ không phải đẳng cấp “điều tra thông tin.” Sự nghèo nàn thông tin càng khiến báo chí nhạt nhẽo. Làng báo “cách mạng Việt Nam” không có chỗ cho phóng viên điều tra độc lập; và báo chí “cách mạng Việt Nam” không có chỗ cho làm báo độc lập. Lịch sử báo chí “cách mạng Việt Nam” chưa từng có một Bob Woodward. Báo chí Việt Nam rất thích nói về những Seymour Hersh với những bài báo phanh phui làm xấu mặt chính quyền nhưng làng báo “cách mạng Việt Nam” không thể có một Seymour Hersh dám “làm xấu mặt chính quyền” hay một New York Times dám bung ra một hồ sơ tương tự “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài.”

Những uyển ngữ kiểu “nhà báo là người xung kích trên mặt trận thông tin” chỉ là một khẩu hiệu thuần túy như một thứ hô hào rỗng tuếch. Cái khái niệm “nhà báo có tầm, có tâm” còn đáng buồn cười hơn nữa. Khi một phóng viên vượt rào và bị sa chân vào tù mà tổng biên tập không dám đứng lên bênh vực hoặc thậm chí còn không dám vào tù thăm hỏi thì “tâm- tầm” trở thành khái niệm cực kỳ vô nghĩa. Người ta có thể thấy rõ điều này trong vô số vụ nhà báo bị bắt, từ Phạm Chí Dũng năm 2021 đến Huy Đức 2024.

Việc kiểm soát báo chí nói riêng và truyền thông nói chung ngày càng gay gắt. Tại hội thảo văn hóa cách đây vài tháng, Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm dọa rằng, bộ sẽ chủ động ngăn chặn thông tin “xấu độc” từ bản “gốc,” trước khi thông tin tràn lan trên mạng xã hội, rằng từ ngày 1 Tháng Giêng 2024, nhà cầm quyền sẽ yêu cầu tất cả nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh ngoại quốc vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ mọi quy định, hệt như doanh nghiệp trong nước, nếu không sẽ bị chặn.

Theo The Diplomat ngày 9 Tháng Mười Một 2023, Việt Nam đã thắt chặt hạn chế đối với các nền tảng truyền thông xã hội, ra sắc lệnh yêu cầu họ gỡ bỏ thông tin “sai lệch” và “tin giả” trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thay vì 48 tiếng đồng hồ như trước kia; đồng thời tăng mức phạt đối với người dân đăng và phổ biến thông tin “sai lệch”. Và trong bài báo ngày 19 Tháng Sáu, 2023 trên The Washington Post, tác giả Rebecca Tan, chánh văn phòng Đông Nam Á của The Washington Post, tiết lộ rằng Facebook thậm chí có một danh sách viên chức CSVN “bất khả xâm phạm,” tức bất kỳ thông tin gì liên quan họ đều bị Facebook kiểm duyệt!

Một cách tổng quát, toàn cảnh hoạt động báo chí là một bức tranh u ám và mỗi lúc một đen tối hơn. Tất cả đều nằm trong vòng kim cô. Truyền thông và báo chí Việt Nam vẫn tồn tại. Nhưng nó đang bị chôn sống.

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by nhuvan »

Nước Mỹ về đâu?
Nhã Duy
14-7-2024

Sáng nay, vị linh mục chủ tế người Việt mở đầu thánh lễ bằng câu “Chúng ta cùng cầu nguyện cho tổng thống Trump…”.

Sau vụ nổ súng hôm qua, từ đêm qua là cả một làn sóng bị kích động dữ dội trong thế giới MAGA và MAGA Việt nói chung. Nhiều người đăng đàn với hình ảnh và lời lẽ đầy phẫn nộ sau một thời gian im ắng. Nó được mang vào cả trong nhà thờ, nơi mà không ít tín hữu đến nhà thờ để tuyên xưng đức tin của mình chứ không phải để “hiệp dâng cầu nguyện” cho những điều đi ra ngoài mục đích tôn giáo như lời người linh mục chủ tế.

Nó làm phân tâm những người tham dự thánh lễ với các quan điểm chính trị khác nhau. Thậm chí có thể làm người ta liên tưởng đến Robert Morris tại Texas, một trong những chức sắc tôn giáo là mục sư linh hướng cho Donald Trump. Robert Morris vừa thú nhận đã sách nhiễu tình dục một bé gái khi em mới 12 tuổi hồi tháng trước. Người ta khó biết được sự thật về những người rao giảng đức tin đạo mạo nhưng ủng hộ Trump, người cũng bị kết tội trong các vụ án sách nhiễu tình dục, cho đến khi bị khui ra.

Trở lại với vụ ám sát hụt tại cuộc vận động tranh cử của Donald Trump, nếu phía không-Trump đặt nghi vấn về sự thật của vụ việc là thế nào thì ở hướng ngược lại, giới MAGA, kể cả một số dân biểu Cộng Hòa cực hữu đã đăng đàn kết tội ngay tổng thống Biden và cánh tả chịu trách nhiệm cho vụ nổ súng này. Ngay cả điện Kremlin cũng ra tuyên cáo cuối tuần, mang âm hưởng những dân biểu Cộng Hòa rằng, chính phủ Biden đã tạo ra không khí chính trị như vậy (!?).

Như thường lệ, những kẻ thủ phạm lại đóng vai nạn nhân hoặc nói ngược lại trong những vụ như thế này.

Hãy hỏi ai là những kẻ cổ vũ súng đạn, đăng đàn với súng ống trên tay, ngay cả trong mùa lễ cần không khí an hòa, tươi vui? Ai là những kẻ đã đòi treo cổ người này, “xử” người kia, xách động người khác gây rối? Ai là kẻ đã xâm chiếm Ukraine và tàn sát hàng ngàn thường dân vô tội?

Có khác biệt quan điểm thế nào thì bạo lực không bao giờ là câu trả lời cho vấn đề, nó chỉ làm xã hội bất ổn và cần bị lên án ở bất cứ phía nào. Mỗi cá nhân có cách nhìn riêng trước mỗi sự việc, còn đám đông cũng dễ dàng bị xách động theo cảm tính của họ hay theo đám đông, chỉ những thông điệp kêu gọi sự bình tâm và đoàn kết từ những cấp lãnh đạo đảng phái thuộc cả hai phía, từ giới truyền thông và cả giới lãnh đạo tôn giáo, mới không để bùng phát những xung đột.

Những phát đạn là lời cảnh báo trong thời điểm này. Nước Mỹ sẽ khai mào một cuộc nội chiến dữ dội hay đoàn kết trước những bất trắc và bất ngờ sẽ tùy thuộc vào hành xử thận trọng từ cả hai bên, nhất là từ giới có thẩm quyền nói trên.

Bình Luận từ Facebook

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by nhuvan »

Trung Quốc: Hội Nghị Trung Ương 3 giữa bão táp phong ba
Trúc Phương

Image
Tập Cận Bình (Hình minh họa: Deaan Vivier/Beeld/Gallo Images via Getty Images)

Ngày 27 Tháng Sáu, 2024, Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho biết, hội nghị trung ương 3 khóa XX sẽ nhóm họp từ ngày 15 đến ngày 18 Tháng Bảy, 2024. Gọi là “Tam Trung Hội” (“Third Plenum” hoặc “Third Plenary Session”), Hội Nghị Trung Ương 3 (HNTU3) là một trong những sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu Trung Quốc.

“Tam Trung Hội” là gì?

Như thường lệ, HNTU3 Tháng Bảy, 2024 (Bộ Chính Trị khóa XX) cũng quy tụ toàn bộ hệ thống chính trị chóp bu Trung Quốc, với sự tham dự của toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng gồm 205 ủy viên và 171 ủy viên dự khuyết do Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Tập Cận Bình chủ trì. HNTU3 là một trong bảy phiên họp được tổ chức trong nhiệm kỳ năm năm của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc.


Cần biết, những HNTU3 trước đây đã tạo nên tác động lâu dài và mang tính lịch sử đối với toàn bộ đất nước Trung Quốc, từ kinh tế đến chính trị.

HNTU3 vào Tháng Mười Hai, 1978, dưới sự chủ trì Đặng Tiểu Bình đã mở ra giai đoạn cải cách, thúc đẩy quá trình chuyển đổi để Trung Quốc chuyển mình từ nền kinh tế tập trung thành một nền kinh tế mở.

HNTU3 Tháng Mười Một, 2013, định hướng thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực nền kinh tế.

HNTU3 Tháng Hai, 2018, kêu gọi đảng “đoàn kết chặt chẽ” xung quanh trung ương, với Tập Cận Bình đóng vai trò “hạt nhân;” đặc biệt việc “điều chỉnh” hiến pháp về giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, qua đó, Tập Cận Bình gần như ngồi ngai vàng suốt đời.

Không như những chiến dịch tranh cử căng thẳng ở các nền dân chủ phương Tây, khi các ứng cử viên giành sự ủng hộ công chúng với những hứa hẹn thay đổi chính sách, chương trình nghị sự của các HNTU nói chung chỉ công bố những gì Bộ Chính Trị Trung Quốc soạn sẵn từ trước. Kể từ năm 1982, mỗi Bộ Chính Trị thường tổ chức bảy HNTU trong nhiệm kỳ năm năm của họ. Chỉ có một ngoại lệ, khi Bộ Chính Trị được bầu năm 1987 tổ chức thêm hai phiên họp toàn thể do tình trạng bất ổn chính trị sau sự kiện Thiên An Môn 1989.

Trong bảy phiên họp toàn thể theo thông lệ (tức HNTU), bốn phiên họp có chương trình nghị sự ít nhiều cố định. Cụ thể, HNTU thứ nhất được tổ chức nhằm bầu các cơ quan ra quyết định của trung ương đảng; HNTU thứ hai đề cử nhân sự lãnh đạo các tổ chức nhà nước và tái cơ cấu bộ máy quản lý; HNTU thứ năm thông qua kế hoạch phát triển năm năm; HNTU thứ bảy chuẩn bị cho cuộc bầu cử lãnh đạo đảng tiếp theo. Và phiên thứ ba (HNTU3) là dịp để Bộ Chính Trị đưa ra những chính sách quan trọng.


Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Bộ Chính Trị khóa 18 đã công bố kế hoạch cải cách sâu rộng tại HNTU3 vào năm 2013. Kế hoạch chi tiết của HNTU3 năm 2013 là thành lập một ủy ban an ninh nhà nước đầy quyền lực, dẫn đến chiến dịch chấn chỉnh kỷ luật trong bộ máy đảng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Trong HNTU3 năm 2018, đảng thành lập Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia (Quốc Gia Giám Sát Ủy Viên Hội) với tư cách là một cơ quan nhà nước mới, có chức năng theo dõi chiến dịch chống tham nhũng và thắt chặt sự kiểm soát xã hội thông qua việc tăng cường kiểm soát bộ máy nhà nước.

Tam Trung Hội 2024

Năm nay, HNTU3 được tổ chức trong bối cảnh hàng loạt nhân vật chóp bu bị thanh trừng. Mới đây, ngày 27 Tháng Sáu, 2024, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố khai trừ đảng cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.” Trước đó, Tần Cương đã bị hất khỏi ghế ngoại trưởng.

Không chỉ chính trị, kinh tế mới là vấn đề đang được quan tâm nhất. HNTU3 Tháng Bảy, 2024, tổ chức trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc lao đao giữa cơn bão khủng hoảng.

Tờ Asia Times ngày 2 Tháng Bảy, 2024, cho biết, các địa phương Trung Quốc đang ôm khoản nợ khổng lồ $13 ngàn tỷ. Một trong những quả bom hẹn giờ lớn nhất là lĩnh vực bất động sản, nơi từng là trụ cột của phép màu kinh tế Trung Quốc. Giá nhà mới xây đang giảm mạnh nhất trong gần một thập niên và suy giảm đầu tư bất động sản ngày càng tăng. Cần biết, một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Trung Quốc bùng nổ là lĩnh vực xây dựng, giúp mang lại sự thịnh vượng cho các địa phương và ổn định nguồn ngân sách của chính quyền địa phương khi họ bán đất kiếm tiền.

Một trong những lý do khiến kinh tế Trung Quốc suy yếu là bởi tăng trưởng ngắn hạn không còn là ưu tiên. Nhiều dấu hiệu cho thấy Tập tin rằng Trung Quốc phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột kinh tế kéo dài và cả xung đột quân sự có thể xảy ra với Mỹ. Do đó, Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Quốc theo đuổi một chiến lược lâu dài, vĩ đại hơn, hoành tráng hơn, dữ dội hơn.

Tập Cận Bình sẵn sàng hy sinh những thiệt hại nhỏ trước mắt để đạt được sự phát triển với “chất lượng cao.” Tuy nhiên, thực tế lại khác. Cuộc tấn công vào các công ty công nghệ khiến giới doanh nhân sợ hãi. Nếu Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát dai dẳng do chính quyền từ chối thúc đẩy tiêu dùng, các khoản nợ sẽ tăng giá trị thực và đè nặng hơn lên nền kinh tế. Trừ khi Bắc Kinh tiếp tục nâng cao mức sống bằng các chính sách kích thích tiêu dùng, họ sẽ tự làm suy yếu khả năng nắm quyền kiểm soát và từ đó khả năng sánh ngang Mỹ ngày càng xa vời.

Trong khi đó, Tập Cận Bình luôn dồn sức thu vén quyền lực và thay thế các nhà kỹ trị bằng những người trung thành trong các chức vụ hàng đầu. Bởi sự trấn áp thô bạo bằng hình thức “đánh tư sản,” giới tỉ phú Trung Quốc đang tẩu tán tài sản và bản thân họ cũng chạy ra nước ngoài. Số lượng người siêu giàu ở Trung Quốc đang giảm. Khảo sát mới nhất của Forbes cho biết, trong 2,640 tỷ phú ước tính trên thế giới, hiện có ít nhất 562 ở Trung Quốc, giảm so với con số 607 năm 2022.

Tháng Ba, năm 2023, Quốc Hội Trung Quốc công bố thành lập Ủy Ban Tài Chính Trung Ương, một “siêu cơ quan quản lý” có nhiệm vụ giám sát và cải tổ toàn bộ khu vực tài chính. Cơ quan mới do chính Tập Cận Bình làm chủ tịch. Đây là chỉ dấu rõ nhất rằng Tập đang kiểm soát mọi thứ một cách tuyệt đối. Tập đặt quyền lực cá nhân và vấn đề ổn định an ninh quốc gia lên trên nền kinh tế, thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước và đưa đảng cộng sản, và bản thân Tập, vào trung tâm xã hội.


Và điều gì tồi tệ nhất?

Đã qua rồi thời Trung Quốc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và doanh nhân chấp nhận rủi ro dám đặt cược vào tương lai. Bây giờ, giá nhà giảm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, đầu tư tư nhân sụt giảm, hệ thống tài chính chìm trong nợ nần, giảm phát xảy ra, dân số già tăng nhanh…, Trung Quốc còn ngày càng bị tách biệt khỏi thế giới phương Tây, cả về mặt ngoại giao và kinh tế. Có quá nhiều vấn đề đối với Trung Quốc hôm nay và cả ngày mai.

Người dân trong nước lẫn giới đầu tư nước ngoài đều vỡ mộng. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, các công ty Mỹ tiếp tục rút khỏi Trung Quốc. Đảng ở mọi nơi. Ranh giới giữa đảng-nhà nước và khu vực tư nhân ngày càng rối rắm. Điều đó đảo ngược xu hướng vốn được thiết lập từ thời cải cách khi giới lãnh đạo lùi lại và để doanh nhân nhảy ra tuyến đầu phát triển.

Dân Trung Quốc bắt đầu không dám xài tiền. Khi thu nhập giảm và tài sản teo tóp, họ thận trọng hơn trong chi tiêu. Công ty nghiên cứu thị trường Oxford Economics ước tính rằng tiền tiết kiệm của hộ gia đình đã tăng lên 32.4% thu nhập khả dụng trong quý cuối cùng của năm 2023. Tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, một trong những khoản đầu tư an toàn nhất hiện tại, đã tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm 2023 kể từ khi mô hình này được giới thiệu vào năm 2015.

Phân tích của Goldman Sachs vào đầu năm 2023 cho thấy ba trong những ngành công nghiệp chính mà Tập Cận Bình ưu tiên là xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo, chỉ chiếm khoảng 3.5% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, không đủ lớn để thay thế lĩnh vực bất động sản, vốn từng chiếm hơn 20% nền kinh tế trước khi suy yếu sau trận càn quét trấn áp của Bắc Kinh. Ba ngành công nghiệp trên cũng không đủ lớn để mang lại việc làm cho hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học lẫn người lao động nhập cư.

Nhìn chung, tình hình kinh tế Trung Quốc tệ đến mức, trong một bài bình luận, tờ The Economist viết rằng bộ máy vận hành kinh tế Trung Quốc bị lỗi nghiêm trọng đến mức không thể sửa! Còn nữa, điều quan trọng không kém đối với Trung Quốc là nhận thức của Mỹ trong chính sách dành cho Bắc Kinh. Nước Mỹ đang chia rẽ cực kỳ nghiêm trọng nhưng lưỡng đảng Hoa Kỳ gần như luôn đoàn kết trong cuộc chiến đánh Bắc Kinh, trên mọi phương diện.

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by dodom »

Di sản và hệ quả Nguyễn Phú Trọng để lại sau khi qua đời?
July 19, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổng Bí Thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng qua đời chiều 19 Tháng Bảy khi đang tại vị ở tuổi 80. Trước sự ra đi của người đứng đầu đảng CSVN, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế đã đưa ra bình luận về di sản và hệ quả mà ông Trọng để lại.

Người ta điểm lại những gì ông đã làm, từ nỗ lực “đốt lò” chống tham nhũng trong nội bộ đến chính sách “ngoại giao cây tre” nhằm giữ cho Việt Nam không bị phương Bắc nuốt chửng, hay ngả hẳn theo Tây phương để phải đối phó với các đòn trả thù của Bắc Kinh.
Image
Ông Nguyễn Phú Trọng họp báo ngày 1 Tháng Hai 2021 ở Hà Nội sau khi được “tín nhiệm” ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba, trái điều lệ đảng. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)

Một ngày trước khi chính thức thông báo ông Trọng qua đời, Bộ Chính Trị đảng CSVN họp khẩn, đưa Chủ Tịch Nước Tô Lâm lên tạm quyền, giải quyết các công việc ở vị trí tổng bí thư. Người ta tin rằng Bộ Chính Trị đã được Quân Y Viện 108 thông báo về cái chết đang đến của ông Trọng nên mới hành động này.

Chiến dịch “đốt lò”

“Một đất nước không có kỷ luật thì sẽ hỗn loạn và không ổn định.” Khi ông Trọng tái đắc cử chức tổng bí thư đầu năm 2016 đã nói như vậy. Trên nguyên tắc, chính quyền CSVN không có lãnh tụ nắm quyền tuyệt đối như kiểu độc tài tại Nga hay tại Trung Quốc. Tuy vậy, chức vụ tổng bí thư đảng thường là người quyền hành cao nhất, uy quyền nhất dù gọi là “dân chủ tập trung” mà cả Bộ Chính Trị đều có tiếng nói.

Từ khi ông Trọng lên làm tổng bí thư, một chiến dịch chống tham nhũng đã được phát động rầm rộ khắp nơi. Ông ta lập đi lập lại lời đe dọa chống tham nhũng “bất kể người đó là ai” và “không có ngoại lệ, không có vùng cấm.”


Tổng kết lại, trong 13 năm ông Trọng làm tổng bí thư, khoảng 200,000 đảng viên đảng CSVN từ trung ương xuống địa phương đã bị “kỷ luật” dưới nhiều hình thức, trong đó, không ít người đã bị bỏ tù.

Nạn nhân hay tội nhân, gồm cả một số ủy viên Bộ Chính Trị, trong đó có hai chủ tịch nước là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, Thường Trực Ban Bí Thư Trương Thị Mai, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, hai phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam….

Một số nhà phân tích, như ý kiến ông Nguyễn Khắc Giang ở viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak Institute tại Singapore hay ông Zachary Abuza tại Học viện Quốc Phòng Mỹ, cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng là con dao hai lưỡi.

Một mặt nỗ lực làm trong sạch hóa guồng máy cai trị, nhưng đồng thời lại cho mọi người thấy, cái chế độ này tham nhũng, thối nát khủng khiếp từ trên xuống dưới. Các quan đều tham nhũng và chỉ có “đồng chí chưa bị lộ” đập “đồng chí bị lộ” khi không cùng phe cánh và không có ô dù đủ mạnh.


Người ta cũng nhìn thấy mặt trái khác của chiến dịch đốt lò là ông Trọng càng ngày càng siết chặt các quyền tự do căn bản của người dân, theo Tổ Chức Nhân Quyền Project 88. Ít nhất 200 người đã bị tù vì phát biểu trái đường lối đảng.

Đồng thời với đánh tham nhũng, những đảng viên dù ở cấp cao, nhưng không cùng phe cánh cũng bị gạt ra ngoài khi bị gán cho những tội danh mơ hồ như “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng….” Một số nhà phân tích coi đó cũng là cơ hội để các phe phái đấu đá nhau, đạp lên nhau khi càng gần đến kỳ đại hội đảng năm năm một lần.

“Ngoại giao cây tre”

Báo chí tại Việt Nam nhiều lần đưa tin ông Trọng “tự sướng” đường lối “ngoại giao cây tre” khi ngả bên này khi nghiêng bên kia nhưng không ngả hẳn về bên nào. Trong những lần thăm Bắc Kinh, bản thông cáo chung của ông Trọng với Tập Cận Bình đều cả quyết Việt Nam coi mối quan hệ với Trung Quốc là “ưu tiên hàng đầu”. Không ít lần đưa ra những lời tung hô tình anh em đồng chí “núi liền núi, sông liền sông” với “16 chữ vàng” và “4 tốt.”

Nhưng ngay sau khi Tổng Thống Nga Putin kết thúc chuyến thăm Việt Nam ngày 20 Tháng Sáu, guồng máy tuyên truyền của Hà Nội dẫn lời Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink ngày 21 Tháng Sáu nói rằng “quan hệ đối tác Mỹ – Việt chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay.”


CSVN ký thỏa hiệp Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện với Mỹ năm 2023 khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội, nâng mối quan hệ song phương lên ngang với Trung Quốc, Nga và một số cường quốc khác.

Ai sẽ lên thay?

Đây là câu hỏi người ta đặt ra ngay khi có tin ông Nguyễn Phú Trọng qua đời. Nhiều phân tích gia quốc tế cho rằng ông ta chết sẽ đẻ ra một khoảng trống quyền lực và sẽ dẫn đến những tranh chấp đấu đá nội bộ ngấm ngầm để chiếm ghế tổng bí thư.
Image
Ông Nguyễn Phú Trọng chắp tay cảm ơn sau khi được bầu làm tổng bí thư đảng CSVN lần đầu ngày 19 Tháng Giêng 2011. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images
)


Tạm thời thì Chủ Tịch Nước Tô Lâm cầm chịch theo sự “phân công” của Bộ Chính Trị. Một số người cho rằng ông Tô Lâm không còn nhiều đối thủ nên đang ở thế thượng phong nắm trọn quyền lực khi ông ta đã cài được một số tay chân vào các vị trí them chốt. Tướng Lương Tam Quang thay ông ta làm bộ trưởng Bộ Công An, tướng Nguyễn Duy Ngọc làm chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng, chẳng hạn.

Các phe khác trong đảng có chịu để một ông tướng công an leo lên ghế tổng bí thư hay không, một diễn biến chưa từng có tiền lệ?

Dù sao, cái chết của ông Trọng cũng đã “chấm dứt một giai đoạn. Cái phiên bản cộng sản hay xã hội chủ nghĩa, bảo thủ đó, nay đã cáo chung. Cái gì tiếp diễn sẽ rất khó đoán. Tuy cái hệ thống cai trị cộng sản vẫn còn đó nhưng không còn cái vỏ bọc ý thức hệ cũng như các lý tưởng,” theo nhận định của ông Nguyễn Khắc Giang.(NTB) [kn]

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by nhuvan »

Image

“Tôi biết loại người Donald Trump” – Kamala Harris đang trên đà tiến tới giành đề cử Dân chủ
Thanh Nguyen

Phó Tổng thống Kamala Harris vào thứ Hai giành được sự hậu thuẫn từ hơn ⅔ đại biểu cần thiết để tiến tới trở thành đề cử của Dân chủ, khi nhiều thành phần khác nhau trong đảng tập hợp ủng hộ bà đối đầu với ông Donald Trump vào tháng 11 sắp tới.
Nhằm mục đích đẩy lùi những căng thẳng nội bộ kéo dài nhiều tuần về khả năng tranh cử của Tổng thống Joe Biden, các viên chức dân cử nổi tiếng của Dân chủ, lãnh đạo đảng, và các tổ chức chính trị có ảnh hưởng nhanh chóng lần lượt ủng hộ Harris. Những lo lắng về Biden đã được thay thế bằng những dấu hiệu đoàn kết mới sau cơn địa chấn chính trị làm đảo lộn kế hoạch được mài giũa cẩn thận giữa hai chính đảng cho cuộc đua năm 2024.

Không có đối thủ nào xuất hiện thách thức Harris vào thứ Hai, – một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử, và hậu thuẫn Phó tổng thống.

Và các Thống đốc nổi tiếng nhất của đảng, với một số từng được xem là những đối thủ tiềm năng như Thống đốc Maryland Wes Moore ở Maryland, Thống dốc Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc J.B. Pritzker của Illinois và Andy Beshear của Kentucky, đã tuyên bố ủng hộ Harris, đặt ra câu hỏi lớn nhất hiện nay là ai sẽ nằm trên tấm vé liên danh tranh cử với Phó Tổng thống. Harris vào tối thứ Hai khẳng định tuyên bố về vai trò lãnh đạo bằng bài nói chuyện sôi nổi tại trụ sở chiến dịch vận động tranh cử ở Wilmington, Delaware.

Phó Tổng thống thông báo các nhân viên đang làm việc cho chiến dịch tranh cử của Biden rằng họ vẫn làm việc như thường lệ, và Chủ tịch Jen O’Malley Dillon cũng như Giám đốc Julie Chávez Rodríguez sẽ vẫn nắm quyền lãnh đạo chiến dịch tranh cử

Harris thừa nhận tình trạng căng thẳng lẫn lộn trong vài tuần qua, nhưng bày tỏ sự tin tưởng vào nhóm vận động tranh cử mới. “Tôi dự tính làm hết mình để gặt hái được đề cử và giành chiến thắng,” Harris nói. Bà hứa sẽ “đoàn kết đảng Dân chủ của chúng ta, đoàn kết quốc gia chúng ta, và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.”

Phó Tổng thống nhanh chóng thúc đẩy những chủ đề quan trọng trong chiến dịch chống Trump hơn 100 ngày tới, làm nổi bật sự khác biệt giữa bà là một cựu công tố và Trump bị kết tội đại hình. Harris nhắc lại thời gian làm Biện lý San Francisco, và Tổng trưởng Tư pháp California, “đã đối mặt với đủ loại tội phạm.”
“Những kẻ săn mồi lạm dụng phụ nữ, những kẻ gian lận lường gạt người tiêu dùng, những kẻ lừa đảo vi phạm luật. Vì vậy, hãy nghe tôi nói, tôi biết loại người của Donald Trump!”

“Cuộc chiến vì tương lai của chúng ta cũng là cuộc chiến vì tự do. Trách nhiệm đang ở trong tay chúng ta,” Harris nói.

Tổng thống Biden đã triệu tập cuộc họp từ tư gia ở Rehoboth, Delaware, nơi ông cô lập sau khi nhiễm COVID-19, để hỗ trợ Harris. Ông dự tính sẽ phát biểu trước quốc gia vào cuối tuần này về quyết định rút tranh cử.

“Tên hàng đầu trên tấm vé tranh cử đã thay đổi, nhưng sứ mạng không hề thay đổi,” Biden nói lần đầu tiên công khai kể từ khi thông báo quyết định rút lui. Tổng thống hứa sẽ “không đi đâu,” và dự tính sẽ vận động tranh cử cho Harris.

Biden cho nhân viên hay, quyết định rút tranh cử của ông “là điều đúng đắn cần làm.”

Khi trao lại quyền lãnh đạo cho Harris, Biden nói thêm, “Tôi đang theo dõi cô đó, nhỏ à. Tôi yêu quý cô!”

Sự rút lui của Biden đã cho phép các đại biểu của ông có quyền bỏ phiếu cho bất cứ ai họ chọn tại đại hội vào tháng tới. Và được Biden tuyên bố hậu thuẫn, Harris đang tìm cách nhanh chóng bảo đảm giành được sự ủng hộ từ đa số.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi – người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra lập luận thuyết phục riêng Tổng thống Joe Biden nên rút lại tranh cử – vào thứ Hai chính thức tuyên bố hậu thuẫn Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên tổng thống Dân chủ. Trước khi Tổng thống rút tranh cử, Pelosi chia sẻ riêng với đồng nghiệp trong đoàn đại biểu California rằng, nếu Biden làm như vậy, bà sẽ ủng hộ đại hội mở. Dân biểu tin rằng, ngay cả Harris cũng nên củng cố để giành chiến thắng cuộc tổng tuyển cử qua thủ tục bầu cử sơ bộ cạnh tranh tại đại hội Đảng Dân chủ. Trong tuyên bố gởi ra vào Chủ nhật ca ngợi sự lãnh đạo và quyết định của Biden rút lui tranh cử, Pelosi không hậu thuẫn Phó Tổng thống.
Hơn 1.300 đại biểu cam kết cho biết hoặc thông báo sẽ ủng hộ Harris tại đại hội Đảng Dân chủ, hơn phân nửa ngưỡng 1.976 do Ủy ban Quốc gia Dân chủ đặt ra.

Giành được đề cử chỉ là mục đầu tiên trong danh sách việc cần làm sau quyết định rút tranh cử đáng kinh ngạc của Biden. Bà phải chọn một người liên danh tranh cử và xoay trục một hoạt động chính trị lớn để tăng cường khả năng ứng cử khi chỉ còn hơn 100 ngày nữa đến Ngày Tổng tuyển cử.

Vào chiều Chủ nhật, chiến dịch tranh cử của Biden đã chính thức đổi tên “Harris tranh cử Tổng thống,” phản ánh bà đang thừa kế hoạt động chính trị của hơn 1.000 nhân viên, và ngân quỹ tranh cử gần $96 triệu Mỹ kim vào cuối tháng 6.

Trong ngày đầu tiên làm ứng cử viên, Harris gây quỹ được $81 triệu USD trong 24 tiếng đồng hồ – lớn nhất đối với bất cứ ứng cử viên nào từ trước đến nay. Số tiền gây quỹ khổng lồ nhấn mạnh sự nhiệt tình của cử tri đối với việc cải tổ tấm vé tranh cử năm 2024 của Dân chủ. Theo chiến dịch, hơn 880.000 “người ủng hộ cơ sở,” trong đó 60% đóng góp lần đầu tiên cho chu kỳ bầu cử 2024.

Chiến dịch cũng nhận thấy sự quan tâm tăng vọt sau khi Harris trở thành lãnh đạo, với hơn 28.000 tình nguyện viên mới ghi danh, tỷ lệ cao hơn 100 lần trung bình một ngày so với chiến dịch tái tranh cử của Biden trước đó, nhấn mạnh sự nhiệt tình đằng sau Harris.

Harris dành phần lớn thời gian thực hiện hơn 100 cuộc điện đàm với các viên chức Dân chủ, kêu gọi sự ủng hộ của họ. Bà đang tìm cách đưa đảng của mình vượt qua đấu đá nội bộ công khai trong nhiều tuần qua, kể từ phần tranh luận của Biden với Donald Trump vào ngày 27 tháng 6.

Trong các trao đổi với các lãnh đạo đảng, Harris bày tỏ lòng biết ơn về sự hậu thuẫn của Biden, nhưng nhấn mạnh bà đang tìm cách gặt hái được đề cử theo đúng nghĩa.

Hương Giang
(CaliToday)

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by nangchieu »

Bầu cử của xứ ‘tư bản giẫy chết’, trông người mà ngẫm đến ta
August 2, 2024

*Đặng Đình Mạnh
Nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden sắp mãn vào cuối năm 2024 này. Theo đó, vào ngày 05/11/2024 sắp tới, người dân Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 47 của quốc gia mình. Khi ấy, họ quyết định bỏ lá phiếu chọn lựa các ứng cử viên thuộc 2 đảng chính yếu, gồm đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ hoặc các đảng phái khác, kể cả các ứng cử viên độc lập.

Thời điểm này, hầu như sự quan tâm của công chúng chỉ tập trung vào 2 ứng cử viên, ông Donald Trump, cựu Tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa và bà Kamala Harris, đương kim Phó Tổng thống thuộc đảng Dân Chủ. Còn lại, các ứng cử viên của các đảng phái chính trị khác hoặc các ứng cử viên độc lập vẫn chưa lộ diện hoặc thông tin về họ đã bị chìm khuất trong núi thông tin khổng lồ về 2 ứng viên chính.
Image
Các “đại biểu” đảng CSVN tham dự đại hội đảng khóa 13 theo nhau vào hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội ngày 26 Tháng Giêng 2021 tiến hành thủ tục cắt đặt các ghế từ Tổng bí thư trở xuống.
(Hình: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)

Sau khi có kết quả bầu cử, vị Tổng thống thứ 48 sẽ làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng 2025 tại tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ (điện Capitol).

Trong một vài trường hợp hãn hữu, người không được người dân bầu làm Tổng thống cũng có thể trở thành Tổng thống trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm qua đời hoặc từ chức, thì người thay thế là Phó Tổng thống đương nhiệm. Sau Phó Tổng thống, pháp luật Hoa Kỳ đã quy định sẵn danh sách thứ tự các chức vụ có thể kế vị chức vụ Tổng thống.


Cho thấy, hầu hết các diễn biến hoạt động để tấn phong một vị Tổng thống Hoa Kỳ, từ ứng cử, vận động bầu cử, nhận quyên góp, bầu cử, kiểm phiếu, xác nhận kết quả, khiếu nại, bàn giao quyền lực, nhậm chức… đều thực thi trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Hoa Kỳ và thông lệ. Đó là một chu trình hoàn toàn minh bạch, có thể kiểm soát và kiểm chứng. Trong đó, người dân biết ứng cử viên Tổng thống là ai? Quan điểm chính trị ra sao? Giữa các cứng cử viên có sự khác biệt những điều gì? Để người dân có thể quyết định, chọn lựa người lãnh đạo quốc gia bằng lá phiếu của mình.

Nhờ đó, mà ý niệm pháp lý chính quyền của dân, do dân và vì dân trở thành một thực tế tồn tại tại Hoa Kỳ.
Image
Phó Tổng thống Kamala Harris vận động tranh cử tại thành phố Houston, Texas, ngày 31 Tháng Bảy 2024. (Hình: Brandon Bell/Getty Images)

Ở Việt Nam đương nhiên cũng có bầu cử, thậm chí được chế độ tổ chức rình rang để thu hút tất cả người dân tham gia. Đó là bầu cử cơ quan dân cử các cấp, từ Quốc Hội đến Hội đồng Nhân dân địa phương và chỉ vậy mà thôi.

Theo Hiến pháp, tuy Quốc Hội được quy định là cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất. Thế nhưng, tại điều 4 lại quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vô hình trung đã phủ nhận hoàn toàn vị thế của Quốc Hội. Thế nên, người đứng đầu Đảng Cộng sản là Tổng Bí thư mới là người nắm giữ quyền lực cao nhất chứ không phải Chủ tịch Quốc Hội. Quốc Hội chỉ còn là một định chế mang tính hình thức và là một tấm bình phong về ngụy dân chủ mà thôi.


Cho nên, tuy bầu cử Quốc Hội được tổ chức rình rang, thu hút mọi người dân đi bỏ phiếu, nhưng thực chất lại chẳng có quyền hạn gì ngoài việc hợp thức hóa các quyết định từ Đảng Cộng Sản. Trong khi đó, chính các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản tổ chức 5 năm một lần mới thật sự quan trọng, vì chính Đảng Cộng sản đã giành lấy vị thế quyết định tất cả những vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Tất nhiên, chỉ có một số rất ít người người dân là đảng viên Đảng Cộng sản mới có quyền tham gia Đại hội Đảng. Sau đại hội các cấp, thì chỉ còn một nhóm hơn trăm đảng viên cao cấp là Ủy viên Trung ương Đảng có quyền bầu ra các chức vụ cao cấp nhất, lãnh đạo Đảng và quốc gia.

Theo đó, lẽ ra vào Tháng Giêng 2025 sẽ diễn ra kỳ đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ XIV để bầu ra một Tổng Bí thư. Thế nhưng, Tổng Bí thư đương nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng đột ngột qua đời vào Tháng Bảy 2024 khi chưa hết nhiệm kỳ thứ ba của ông ấy, cũng đã khiến đặt ra vấn đề thay đổi người lãnh đạo quốc gia mới.


Rất nhanh, một ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng mất, thì chế độ đã thông báo cho quốc dân về việc Bộ Chính trị tạm giao quyền hạn Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản cho ông Tô Lâm, Chủ tịch nước. Và có lẽ trong ít ngày nữa, ông Tô lâm sẽ chính thức kế vị chức vụ Tổng Bí thư.

Không chỉ vậy, việc kế vị của ông Tô Lâm hoàn toàn dựa trên cơ sở thế lực của ông ấy trong Đảng vào lúc này, chứ không theo cơ sở pháp luật đã đành mà cũng không theo Điều lệ Đảng Cộng sản.

Như vậy, kể cả Đại hội Đảng chính thức theo nhiệm kỳ hoặc thay đổi Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ, thì cũng chỉ có một nhóm nhỏ là đảng viên cao cấp quyết định mọi sự hệ trọng mà thôi. Sự quyết định của họ là một chu trình hoàn toàn dựa vào vị thế cá nhân và tương quan quyền lực của các thế lực trong Đảng. Trong đó, người dân hoàn toàn đứng ngoài chu trình đó, họ không có vai trò gì trong quá trình tấn phong một người lãnh đạo có thẩm quyền quyết định vận mệnh quốc gia của mình.
Image
Cựu Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử tại thành phố Harrisburg, Pennsylvania, ngày 31 Tháng Bảy 2024. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

Người dân cũng không hề biết ứng cử viên là ai cho đến ngày bỏ phiếu, vì vậy, họ càng không thể biết xu hướng, quan điểm chính trị của người ấy, cũng như chương trình hành động là gì sau khi đắc cử.

Người trúng cử Tổng Bí thư trong cuộc bỏ phiếu, thực chất chỉ là hình thức để che đậy kết quả dàn xếp, thỏa hiệp giữa các thế lực tranh đoạt quyền lực trong Đảng Cộng Sản.


Cuộc họp Bộ Chính Trị được cho rằng vừa tiến hành vào ngày Thứ Sáu mùng 2 Tháng Tám 2024 đã là một sự thỏa hiệp như vậy: Nguồn tin khả tín cho biết rằng ông Tô Lâm, Chủ Tịch nước sẽ kế vị chức vụ Tổng Bí thư do ông Nguyễn Phú Trọng qua đời để lại. Ông Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư sẽ kế vị chức vụ Chủ Tịch nước của ông Tô Lâm.

Theo đó, thế lực công an và thế lực quân đội chia nhau các ghế quyền lực cao nhất để cai trị người dân bằng những họng súng của chế độ công an trị và quân phiệt. Tuy họng súng lên ngôi, thế nhưng, biển đảo từ cha ông để lại vẫn mất và cuộc sống dân lành vẫn không bình an.

Đó là khuôn mặt thật của nền chính trị đương đại Việt Nam.

DC, ngày 02/08/2024
Đặng Đình Mạnh

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by saohom »

Chuyện nước Mỹ: Con voi bối rối
Trần Thế Kỷ
4 tháng 8, 2024


Image
Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự Đại Hội Toàn Quốc Của Đảng Cộng Hòa (RNC) tại Diễn đàn Fiserv ở Milwaukee, Wisconsin, hôm 16 Tháng Bảy 2024. Cựu Tổng thống Donald Trump đã chọn JD Vance làm người đồng hành cùng ông, nâng cao tấm vé tổng thống của Đảng Cộng Hòa. (Hình: Jacek Boczarski/Anadolu via Getty Images)

Trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay, trong khi phe Dân Chủ đang có những bước đi chắc chắn và có thể nói là khôn ngoan, thì phe Cộng Hòa lại bị cho là đang phạm không ít sai lầm.

Một sai lầm của phe Cộng Hòa là cứ khăng khăng đòi Tổng Thống Biden từ chức trong khi ông vẫn đủ mạnh khỏe để ngồi tiếp sáu tháng nữa, tức tới cuối nhiệm kỳ. Phe Cộng Hòa quên rằng bà Harris mới là người mà họ cần đánh bại, chứ không phải ông Biden. Và rằng đánh bại được ông Biden trong cuộc tranh luận ngày 27 Tháng Sáu 2024 không có nghĩa là ông Trump sẽ dễ dàng đánh bại bà Harris trong cả cuộc đua.

Ông Biden và bà Harris là hai người khác nhau. Khác ở chỗ là thời của ông Biden đã qua, còn thời của bà Harris đã đến.


Một sai lầm nữa là phe Cộng Hòa cứ thích tấn công bà Harris dựa trên sự phân biệt chủng tộc và giới tính. Thời trước, chủng tộc và giới tính của bà Harris rất có thể là điểm yếu của bà ấy. Nhưng thời nay đã khác, vấn đề chủng tộc và giới tính rất có thể lại là điểm mạnh của bà. Bởi rất có thể người dân Mỹ đang muốn nước Mỹ sẽ có một nữ tổng thồng, trong khi bao đời tổng thống trước đây đều là nam.

Một điều nữa, tổng số người da màu ở Mỹ hiện nay xem như ngang bằng với người da trắng. Ngày trước, nói tới nước Mỹ là người ta thường nghĩ tới một đất nước chủ yếu toàn người da trắng. Ngày nay thì đã khác rồi. Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ mà!

Bà Nikki Haley, cựu thống đốc tiểu bang South Carolina, từng nói rằng đảng đầu tiên chọn một ứng cử viên từ thế hệ tiếp theo sẽ có lợi thế trong cuộc đua năm nay. Lời của bà Haley không phải là chân lý, nhưng xem ra rất có lý trước cục diện tranh cử giữa bà Harris và ông Trump. Mà chính phe Dân Chủ, không phải phe Cộng Hòa, lại là đảng đã sớm thay bà Harris trẻ trung cho ông Biden già nua.
Image
Phó Tổng Thống Kamala Harris phát biểu trong một sự kiện tranh cử tại Resorts World Las Vegas hôm 09 Tháng Bảy 2024 ở Las Vegas, Nevada. Harris công bố khởi động chương trình tổ chức quốc gia của người Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người đảo Thái Bình Dương (AANHPI) nhằm huy động các cử tri và cộng đồng người Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người đảo Thái Bình Dương trên khắp đất nước. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Đặc biệt, Giáo Sư Allan Lichtman dự báo bà Harris sẽ là người thắng cử. Tất nhiên, dự đoán của vị giáo sư sử học nổi tiếng này cũng không phải là chân lý, nhưng cần nhớ rằng từ năm 1984, ông đã dự đoán đúng người chiến thắng trong bầu cử Tổng Thống Mỹ 9 lần và chỉ sai 1 lần, khi năm 2000 ông dự đoán Albert Gore thắng nhưng rồi người thắng lại là George Bush (cuộc bầu cử lần đó bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối tái kiểm phiếu ở bang Florida).

Mới đây, trong buổi vận động cử tri tại thành phố West Palm Beach, tiểu bang Florida do nhóm vận động Cơ đốc Turning Point Action tổ chức, ông Trump có phát ngôn làm dậy sóng dư luận khi nói rằng, nếu ông đắc cử thì cử tri sẽ không cần bỏ phiếu sau 4 năm nữa vì mọi thứ sẽ được sắp xếp.

Chẳng ai hiểu ông Trump thực sự muốn nói gì khi phát ngôn như thế. Ông ấy có mất trí không vậy? Ông Trump từng gọi bà Harris là “loạn trí” nhưng xem ra người loạn trí lại chính là ông. Có cảm tưởng ông Trump đang mất phương hướng trước đà tiến của bà Harris. Ông ấy đang lúng túng? Phe Cộng Hòa đang lúng túng?

Một đại diện chiến dịch tranh cử của bà Harris tuyên bố: “Nước Mỹ có thể làm tốt hơn những ảo tưởng cay đắng, kỳ lạ và lạc hậu của ông Trump.”

Có lẽ không mấy ai phủ nhận rằng bà Kamala Harris trẻ trung, đầy sức sống đang tạo nên niềm hứng khởi, không chỉ cho cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, mà còn cho chính trường Mỹ thay đổi, điều mà ông già Donald Trump không làm được!

User avatar
VuPhong
Posts: 2923
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by VuPhong »

Harris trên đà đi lên – Trump tin cục diện tranh cử căn bản không thay đổi
By Thanh Nguyen -
August 12, 2024

Image

(CaliToday) – Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump trong thăm dò quốc gia mới nhất do Decision Desk HQ/The Hill thực hiện, cho thấy ứng cử viên mới của Dân chủ nhanh chóng giành lợi thế trong các cuộc khảo sát ý kiến cử tri như thế nào.

Harris dẫn trước 0,3 điểm sít sao trong cuộc thăm dò của DDHQ/The Hill tính đến thứ Hai, nhưng điều này xuất hiện trong bối cảnh có nhiều bằng chứng hơn cho thấy ứng cử viên tổng thống Dân chủ và liên danh Thống đốc Minnesota Tim Walz vẫn giữ được đà đi lên.

Thăm dò của The New York Times/Siena College được công bố vào thứ Bảy cho thấy, Harris dẫn trước 4 điểm ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin – ba tiểu bang nằm trong “bức tường xanh” đã xoay chuyển cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho Trump vào năm 2016 trước khi chuyển sang ủng hộ Tổng thống Biden vào năm 2020.

Tất cả thăm dò đều có sai số, nhưng những con số đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với thăm dò của Biden.

Các cuộc thăm dò của DDHQ/The Hill trong tuần qua cho thấy, Harris lần đầu tiên dẫn trước tại Pennsylvania, tiểu bang có giá trị bầu cử cao nhất trong các tiểu bang trọng yếu với 19 phiếu đại cử tri.

Theo thăm dò khác của một tổ chức hành động chính trị Dân chủ công bố vào thứ Hai, Harris dẫn trước Trump 9 điểm với cử tri 18 -29 tuổi – khối cử tri Biden chật vật giữ.

Ba tuần kể từ khi Biden rút khỏi tranh cử và hậu thuẫn Harris, Phó Tổng thống chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong các cuộc thăm dò.

Vào ngày 21 tháng 7 khi Tổng thống Biden chấm dứt tranh cử, Trump dẫn trước 2,3 điểm trong cuộc thăm dò toàn quốc của Decision Desk HQ/The Hill. Bây giờ, Harris vượt lên dẫn trước 0,3 điểm. Nếu có ứng cử viên độc lập Robert F. Kennedy Jr., Harris dẫn trước Trump 3,7 điểm.

Thăm dò theo từng tiểu bang cũng đưa ra nhiều dấu hiệu lạc quan hơn cho Harris so với Biden. Ba tiểu bang trọng yếu khác, Arizona, Georgia và Nevada, dường như đang dần rời xa đảng Dân chủ khi Biden còn trên lá phiếu, và bây giờ Harris đang thu hẹp khoảng cách.

Một số thăm dò cho thấy hai ứng cử viên sít sao ở Arizona, trong đó có thăm dò của Morning Consult/Bloomberg cho thấy bà bị dẫn trước 2 điểm, thu hẹp khoảng cách dẫn trước của Trump ở tiểu bang này từ hơn 5 điểm xuống còn 1,3 điểm.

Một cuộc thăm dò của AARP được công bố vào thứ Năm cho thấy, Harris và Trump ngang ngửa nhau ở Georgia, nơi Trump vốn dẫn trước trung bình 2,6 điểm.

Hai cuộc thăm dò ở Nevada cho thấy cuộc đua giành 6 phiếu cử tri đoàn của tiểu bang này cũng sít sao.

Việc lựa chọn ông Walz làm liên danh tranh cử cũng mang lại cho Dân chủ sự thoải mái hơn một chút ở Minnesota – tiểu bang vốn là thành trì của Dân chủ trong nhiều thập niên, nhưng là tiểu bang mà Cộng hòa trong năm nay hy vọng có thể giành được chiến thắng khi Biden đang gặp khó khăn.

Kể từ khi thay thế Tổng thống Biden, trở thành ứng cử viên chính thức của Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris vận động tranh cử khẩu hiệu mới: “Chúng ta sẽ không quay lại!”

Các cố vấn hàng đầu của ông Donald J. Trump tin rằng, khẩu hiệu đó là một sai lầm. Họ cho rằng, khi chỉ còn chưa đầy 90 ngày là bầu cử, người dân Mỹ đang hoài niệm về nhiệm kỳ tổng thống của Trump, cụ thể là nền kinh tế của Trump với chi phí cuộc sống thấp hơn.

Chiến dịch vận động tranh cử của cựu Tổng thống nhấn mạnh, cấu trúc của cuộc đua vẫn có lợi cho Trump, ngay cả khi bà Harris vươn lên trong các cuộc thăm dò.

Chiến dịch Trumpp-Vance tin rằng, ứng cử viên của họ vẫn nắm giữ lợi thế cử tri đoàn. Tính toán của họ rất đơn giản: Nếu Trump giữ được North Carolina và chỉ cần đảo ngược hai tiểu bang mà Biden đã giành chiến thắng vào năm 2020, gồm Pennsylvania và Georgia, thì ông có được 270 phiếu đại cử tri và chiến thắng. Nhưng các cố vấn lưu ý, Trump cũng có thể có con đường khác giành chiến thắng là ghép Pennsylvania với Arizona và Nevada.

Một phụ tá cho biết, họ xem sự trỗi dậy của Harris tương đương chính trị với “kẹo bông,” và một khi cử tri biết hồ sơ và quan điểm cấp tiến của bà, trong đó bãi bỏ bảo hiểm y tế tư nhân và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người nhập cư không có giấy tờ — thì tuần trăng mật của bà sẽ kết thúc.

Các cố vấn của ông Trump thừa nhận, rằng bà Harris đã thúc đẩy động lực cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu. Bà đạt được những bước tiến đáng kể trong khối cử tri cử tri Mỹ gốc Phi, làm phấn khích nữ cử tri Mỹ gốc Phi, và nam cử tri Mỹ gốc Phi cao tuổi, theo thăm dò nội bộ của Trump. Với liên danh Tim Walz, Harris đang cải thiện khối nam cử tri Mỹ trắng.

Chiến dịch của cựu Tổng thống cho rằng, cảm giác chua chát sâu sắc của hầu hết cử tri về hướng đi của nền kinh tế quốc gia, vấn đề nhập cư, và tình hình bất ổn quốc tế đều có lợi cho họ. Theo họ, Harris không thể tách mình khỏi Biden và hồ sơ của ông về những vấn đề đó sau khi giai đoạn “tuần trăng mật” của bà kết thúc.

Hương Giang

User avatar
MatVit
Posts: 854
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by MatVit »

Đừng hy vọng nhiều…
31/08/2024
Dương Quốc Chính

Hôm nay thấy nhiều người đăng cái ảnh tổng tịch phát biểu trong lễ kỷ niệm 79 năm ngày quốc khánh, với ý là bối cảnh trang trí đơn giản, kiểu Tây và cho rằng tổng tịch sẽ là người cải cách, rất chi là Tây, với niềm hy vọng lớn lao vào một tương lai tươi sáng với một nhà cải cách.


Nói thực là anh em dễ bị chăn quá đi. Mình Google ra một đống báo đảng, với góc chụp khác, thì hoa hoét vẫn đầy ra, trang trí vẫn diêm dúa như ngày nào, có khác gì mấy đâu?!
Image
Ảnh: TTXVN

Có một điều đáng chú ý hơn mà anh em không chịu để ý. Đó là khách mời các nguyên lãnh đạo, không có một đồng chí ngã ngựa nào cả. Tức là các đồng chí mới bị miễn nhiệm vì lý do cá nhân đều không có mặt. Các đồng chí có mặt đều là các đồng chí nghỉ hưu bình thường.

Còn hy vọng về tương lai thì ai chả mong muốn có một nhà lãnh đạo có tư tưởng đổi mới. Nhưng bây giờ chưa có gì để hy vọng cả, cứ bình tĩnh chờ đi. Đừng có mừng vội, đừng hy vọng nhiều, cực khoái sớm quá.

Bác tổng tịch nguyên quá trình hoạt động cách mạng toàn ở Bộ Công an, nên giờ ngồi ở trên đỉnh của chóp, quản lý mọi mặt kinh tế xã hội, thì sao mà vội mừng được. Cứ phải chờ xem những thứ bác làm đã nhé.

Thường Tây lông nó có khái niệm tháng trăng mật gì đó. Đại khái là lãnh đạo quốc gia mới nhậm chức thì phải có một thời gian trăng mật để thể hiện năng lực lãnh đạo quốc gia. Mình nghĩ là cứ để nguyên một năm trăng mật đi, tới hết nhiệm kỳ này, cho nó chắc. Lãnh đạo chưa có kinh nghiệm thì thử việc lâu lâu tí!

Nhìn thì phải nhìn các hành động lớn, về chế độ chính sách, chứ nhìn gì hoa hoét. Sự vắng mặt của các đồng chí bị miễn nhiệm (có lẽ không được mời) là một chỉ dấu là bác có thái độ không khoan nhượng với các đồng chí kiểu như vậy. Thế thôi. Chứ thời bác Trọng thì lễ lạt vẫn thấy có mặt các đồng chí kia.

Xin lưu ý là, các ông Phúc, Huệ chỉ có mặt khi vào viếng lăng cụ và ở đài liệt sĩ sáng nay, buổi lễ chính thức này thì không thấy.


Dàn lãnh đạo Việt Nam viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 30/8/2024. Ảnh: Giang Huy/VNE
Mình chỉ có một hy vọng nho nhỏ ở chỗ là, tổng tịch có vẻ đam mê nghệ thuật hàn lâm. Hy vọng người am hiểu nghệ thuật thì sẽ có hiểu biết hơn đám đông.

Bình Luận từ Facebook

User avatar
MatVit
Posts: 854
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Bình Luận Thời Sự

Post by MatVit »

Ukraine vượt lằn ranh đỏ, sao Nga vẫn im lặng?
Mai Trần
3 tháng 9, 2024

Image
(Slava Ukraini)

Vladimir Putin, vị Tổng thống đã dẫn dắt nước Nga suốt hơn hai thập kỷ, từng được xem là bậc thầy chiến lược, kiến trúc sư của một nước Nga hùng mạnh trỗi dậy từ đống tro tàn của Liên Xô. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine, được phát động vào tháng 2 năm 2022, đã xé toạc bức màn quyền lực, phơi bày một Putin mắc kẹt giữa tham vọng bá quyền và mạng lưới quan hệ quốc tế chằng chịt. Cuộc chiến, tưởng chừng là một màn trình diễn sức mạnh chớp nhoáng, đang dần khiến nước Nga sa lầy vào một vũng lầy không lối thoát, bộc lộ sự yếu kém của một đế chế ảo tưởng, đồng thời khoét sâu thêm những rạn nứt trong vỏ bọc cường quốc mà Putin dày công xây dựng. Đó chính là lý do dù tuyên bố rất kêu về cái gọi là “lằn ranh đỏ” với Ukraine, nhưng thực tế đã tan hoang, và Nga vẫn im lặng.

Giấc mộng răn đe phương Tây tan thành mây khói.

Putin từng tự hào về sức mạnh quân sự được hiện đại hóa của Nga, được thể hiện qua các cuộc can thiệp vũ trang của Moscow ở Syria và Gruzia. Cuộc tập trận Zapad năm 2021, được Moscow phô trương với quy mô trình diễn sức mạnh và truyền thông choáng ngợp, được xem như lời khẳng định đanh thép về sức mạnh của quân đội Nga. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày một thực tế khác, trần trụi và phũ phàng hơn. Quân đội Nga, vốn được cho là hùng mạnh thứ hai thế giới, đã sa lầy trong cuộc chiến với một đối thủ bị đánh giá thấp hơn nhiều.


Những chiếc xe tăng T-72 lỗi thời, hệ thống hậu cần yếu kém, và chiến thuật tác chiến lạc hậu đã khiến quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề. Hình ảnh những đoàn xe tăng bị phá hủy, binh lính Nga đầu hàng hàng loạt đã làm sụp đổ hình ảnh “gấu Nga” bất khả chiến bại mà Putin dày công xây dựng. Chiến dịch quân sự chớp nhoáng mà Putin hứa hẹn đã biến thành cuộc chiến tiêu hao dai dẳng, với cái giá phải trả ngày càng đắt đỏ.

Putin từng cảnh báo với các nước phương Tây rằng bất kỳ ai can thiệp vào cuộc chiến Ukraine sẽ phải gánh chịu “những hậu quả mà bạn chưa từng thấy”, nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và ngăn chặn sự hỗ trợ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, toan tính của Putin đã hoàn toàn thất bại.

Nga chỉ có thể ngăn chặn sự can thiệp trực tiếp từ châu Âu và Mỹ bằng cách đe dọa leo thang chiến tranh và nguy cơ đối đầu hạt nhân, nhưng lại không thể ngăn cản dòng chảy viện trợ gián tiếp đang đổ vào Ukraine. Các nước Phương Tây không những không chùn bước mà còn chứng minh sự đoàn kết mạnh mẽ, thể hiện qua việc tiến hành tăng cường viện trợ quân sự chưa từng có tiền lệ cho Ukraine, cả về số lượng lẫn chất lượng vũ khí mới, bằng cách nới lỏng hay thậm chí loại bỏ các hạn chế trước đây về khả năng tấn công của Ukraine trên lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận. Minh chứng rõ nét cho sự thay đổi này là việc Washington và các đồng minh coi cuộc tiến công của Ukraine vào Kursk, một vùng lãnh thổ của Nga, là hành động tự vệ hợp pháp theo luật quốc tế.

Để đối phó với tình hình này, Putin đã phải vạch ra một chiến lược đáp trả tự cho là đầy táo bạo: “ăn miếng trả miếng” bằng cách cung cấp vũ khí cho các quốc gia đối địch với phương Tây. Người đứng đầu điện Kremlin tin rằng bằng cách hỗ trợ các đối thủ, Nga có thể buộc phương Tây phải phân tán nguồn lực quốc phòng và tài chính để đối phó với nhiều mối đe dọa cùng lúc, từ đó làm suy yếu khả năng hỗ trợ cho Ukraine, khiến họ chùn bước hoặc ít nhất là hạn chế viện trợ cho Kyiv.

Tuy nhiên, sau những lời tuyên bố hùng hồn, Putin lại phải đối mặt với một nghịch lý trớ trêu: chính mạng lưới quan hệ quốc tế đa dạng mà Nga đã dày công vun đắp lại trở thành rào cản, đẩy Moscow vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bất kỳ quyết định viện trợ quân sự nào cho các quốc gia đối địch với phương Tây đều tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại đến các lợi ích kinh tế, chính trị và quân sự quan trọng khác của Nga trên toàn cầu, đặc biệt là những mối quan hệ đối tác quan trọng.

Đầu tiên là sự liên minh giữa hai nhà độc tài Putin và Kim Jong Un, được thiết lập với mục đích trao đổi vũ khí, dường như không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng ban đầu, đặc biệt là đối với Triều Tiên. Hiệp ước quốc phòng được ký kết giữa Nga và Triều Tiên vào tháng 6, mặc dù được cả hai bên phô trương rầm rộ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Nga có thực hiện cam kết cung cấp vũ khí quy mô lớn cho Bình Nhưỡng. Ngược lại, Triều Tiên đã phải vận chuyển hàng triệu quả đạn pháo sang Nga, cho thấy sự mất cân bằng trong mối quan hệ này.


Có thể Kim Jong Un tin rằng Bình Nhưỡng sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ với Moscow theo những cách khác, chẳng hạn như tăng cường ảnh hưởng chính trị đối với các cường quốc trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc Moscow cung cấp vũ khí quy mô lớn cho Bình Nhưỡng, ngược lại là một quyết định đầy rủi ro, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Moscow, đặc biệt là trong bối cảnh Nga đang phải đối mặt với nhiều ràng buộc địa chính trị và lợi ích kinh tế ở Đông Á.

Hàn Quốc, dù có quan hệ mật thiết với Mỹ, vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Quốc gia dân chủ phía Nam bán đảo Triều Tiên có xung đột sâu sắc với chế độ cộng sản độc tài của Bình Nhưỡng này lại hiện là thị trường xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên lớn thứ hai của Nga. Vào năm 2016, khoáng sản tự nhiên chiếm tới 3/4 tổng số hàng hóa Nga xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hai nước cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy hợp tác song phương. Việc duy trì mối quan hệ kinh tế với Hàn Quốc là điều đặc biệt quan trọng đối với Nga trong bối cảnh hiện nay, khi Moscow đang chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây và cần duy trì các mối hợp tác kinh tế trong khu vực.

Putin cũng không muốn làm phật lòng Trung Quốc khi quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện cũng là đối tác then chốt của Nga trên nhiều phương diện: là cầu nối thương mại quan trọng giúp Nga tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời là đồng minh chủ chốt cùng chia sẻ khó khăn trong bối cảnh đối đầu với các lệnh cấm vận từ Washington. Vì vậy Moscow không muốn gây tổn hại đến mối quan hệ chiến lược này bằng những hành động thiếu cân nhắc, đặc biệt là trong vấn đề nhạy cảm như cung cấp vũ khí cho Triều Tiên. Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ không hài lòng nếu Bình Nhưỡng sở hữu thêm nhiều vũ khí, bởi điều này có thể làm gia tăng căng thẳng và bất ổn định tại khu vực Đông Bắc Á, vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và chính vì những lo ngại này, Moscow vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự trao đổi vũ khí tương xứng ngược lại từ Nga sang Triều Tiên.

Tại Trung Đông, khi có thông tin cho rằng Putin đang chuẩn bị cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi ở Yemen để chống lại Mỹ, Washington đã nhanh chóng có ngay những động thái ngoại giao với Ả Rập Xê Út nhằm ngăn chặn Moscow. Điều này cho thấy rằng mối quan hệ của Nga và thành viên Ả Rập này trong khối kinh tế BRICS không đem lại liên kết lợi ích mạnh mẽ như Putin tuyên truyền.

Quốc gia Hồi giáo Iran cũng nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng để nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Nga. Là kẻ thù của Mỹ và đang trong cuộc đối đầu căng thẳng với Israel, một đồng minh thân cận của Washington, Iran dường như là lựa chọn phù hợp với chiến lược “ăn miếng trả miếng” của Putin. Tuy nhiên, Moscow nhận thấy mình đang ở trong tình thế khó xử, phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Nga đã dày công xây dựng mối quan hệ đối tác ổn định với Israel, đặc biệt là sau khi can thiệp vào cuộc nội chiến Syria. Cả Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều coi trọng mối quan hệ song phương này, xem nó như một thành tựu cá nhân. Do đó, họ không muốn từ bỏ mối quan hệ này, ngay cả khi cuộc chiến Ukraine và xung đột Gaza năm 2023 đã đẩy hai nước vào những vị trí đối lập.

Mặc dù Nga đã lên tiếng chỉ trích Israel về hành động của họ ở Gaza, nhưng những lời chỉ trích này chỉ mang tính chất hình thức. Việc cung cấp vũ khí cho Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cho đến nay, Putin vẫn chưa sẵn lòng mạo hiểm mối quan hệ với Israel để làm điều đó.

Sự thất bại của Nga trong việc ngăn chặn dòng chảy vũ khí từ phương Tây sang Ukraine cho thấy những tính toán của Putin đã không đạt được hiệu quả như mong đợi. Mặc dù điện Kremlin vẫn có thể tìm kiếm các đối tác tiềm năng ở Mỹ Latinh và châu Phi, nhưng những quốc gia này khó có thể tạo ra đủ sức ảnh hưởng để thay đổi cục diện. Nga, từng tự hào là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, giờ đây phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: họ không đủ sức mạnh để biến những lời đe dọa thành hành động cụ thể.


Khó khăn này của Nga cũng phản ánh một nghịch lý trong nỗ lực chiến tranh của họ ở Ukraine: việc duy trì mối quan hệ với phần lớn thế giới phi phương Tây vừa là lợi thế, vừa là gánh nặng đối với Moscow. Mối quan hệ này giúp Nga chống đỡ các áp lực kinh tế và ngoại giao từ phương Tây, vốn có thể đã khiến Nga suy sụp ngay từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, chính những mối quan hệ này cũng tạo ra những ràng buộc, hạn chế khả năng leo thang và trả đũa của Nga.
Image
Sức kháng cự kiên cường của quân Ukraine cũng là một bài học lớn cho Nga (Slava Ukraini)

Nền kinh tế kiệt quệ khiến Nga chật vật lo vũ khí cho chính mình

Không chỉ bị hạn chế bởi các mối quan hệ ngoại giao phức tạp, Nga còn đang phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt: nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh khiến cho việc viện trợ vũ khí cho các quốc gia khác trở nên bất khả thi. Bất chấp việc kiểm soát chặt chẽ truyền thông và đàn áp mọi tiếng nói bất đồng, Putin không thể che giấu hoàn toàn những hệ lụy tàn khốc mà cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra cho nước Nga.

Nền kinh tế Nga đang oằn mình gánh chịu gánh nặng chiến tranh, với lạm phát tăng phi mã và giá cả hàng hóa leo thang chóng mặt. Chi tiêu quân sự của Nga đã tăng 24% trong năm 2023, đạt khoảng 109 tỷ USD, so với mức tăng 20% trong năm 2022. Điều này chiếm khoảng 5,9% GDP của Nga trong năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng vọt 9,1% trong năm tính đến tháng 7 năm 2024, cho thấy giá cả leo thang trên diện rộng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Nga đã giảm xuống mức 47,1 điểm trong tháng 6 năm 2023, mức thấp nhất trong hơn một năm. Chỉ số này phản ánh sự sụt giảm mạnh trong hoạt động sản xuất và dịch vụ, cho thấy nền kinh tế Nga đang rơi vào suy thoái.

Trong báo cáo cập nhật, IMF ước tính GDP của Nga sẽ tăng 0,7% trong năm 2023 và 1,3% trong năm 2024. Mặc dù con số này khả quan hơn so với dự báo trước đó, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Như vậy, dù có sự cải thiện so với dự báo trước đó, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn kỳ vọng tăng trưởng GDP của Nga sẽ chậm lại trong năm 2023 và 2024 do ảnh hưởng của xung đột với Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế. Triển vọng dài hạn cũng được đánh giá là không mấy sáng sủa.

Nguồn lực quốc gia đang bị đổ dồn vào chiến trường, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cho sản xuất và đời sống thường ngày. Việc sản xuất vũ khí để phục vụ cho chiến trường Ukraine cũng đã trở nên chật vật. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng Nga có thể viện trợ cho các quốc gia khác trong bối cảnh kinh tế kiệt quệ này.

Người dân Nga đang phải đối mặt với cuộc sống ngày càng eo hẹp. Hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang và nỗi lo về tương lai bủa vây. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Levada – một tổ chức nghiên cứu độc lập có uy tín tại Nga, chuyên thực hiện các cuộc khảo sát về ý kiến công chúng và các vấn đề xã hội – tỷ lệ người Nga lo lắng về tình hình kinh tế đã tăng từ 48% lên 68% trong vòng một năm. Sự bất mãn trong xã hội đang âm ỉ, thể hiện qua các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, bất chấp sự đàn áp mạnh tay của chính quyền. Việc duy trì sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh kinh tế suy thoái và chiến tranh kéo dài đang trở thành một thách thức lớn đối với Putin.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến Nga ngày càng bị cô lập trên bình diện toàn cầu. Nhiều quốc gia đã lên án cuộc xâm lược và áp đặt các lệnh trừng phạt, khiến Nga bị loại khỏi nhiều tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại quan trọng. Quan hệ giữa Nga và phương Tây gần như đóng băng hoàn toàn. Xuất khẩu của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 50% trong năm 2022, trong khi nhập khẩu giảm 30%.

Để đối phó với tình trạng này, Moscow đã xoay trục, tăng cường các mối quan hệ với một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khuôn khổ BRICS. Tuy nhiên, sự cô lập và cấm vận từ Mỹ và các nước Châu Âu vẫn khiến Moscow mất dần vị thế và ảnh hưởng, đe dọa giấc mơ trở thành cường quốc toàn cầu của Putin khi nước Nga ngày càng bị xa lánh.

Cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu của Putin và nước Nga mà ông lãnh đạo. Ảo tưởng về sức mạnh quân sự, sai lầm trong tính toán, nền kinh tế suy yếu, sức ép từ trong nước và sự cô lập trên trường quốc tế đang khiến Putin rơi vào thế khó. Cuộc chiến, ban đầu được xem là một canh bạc đầy tham vọng, đang dần trở thành gánh nặng khổng lồ, đe dọa vị thế của Putin và tương lai của nước Nga.

Bản giao hưởng quyền lực mà Putin dày công xây dựng đang đứng trước nguy cơ dang dở, với những nốt nhạc lạc điệu ngày càng rõ rệt. Liệu Putin có thể xoay chuyển tình thế, vực dậy nước Nga khỏi vũng lầy chiến tranh, hay ông sẽ trở thành nạn nhân của chính tham vọng và ảo tưởng của mình? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng những dấu hiệu hiện tại không mấy lạc quan cho vị Tổng thống Nga độc tài này.

Post Reply