SV Du Học Pháp Nguyễn Tiến Trung góp ý

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

SV Du Học Pháp Nguyễn Tiến Trung góp ý

Post by dacung »

Kiến nghị của Nguyễn Tiến Trung

Nguyễn Tiến Trung
Sinh viên du học tại Pháp

Image
Sinh viên Nguyễn Tiến Trung muốn góp ý cho báo cáo chính trị

Kiến nghị dự thảo báo cáo chính trị đại hội X. Dân có quyền kiến nghị, Đảng và Nhà nước phải biết đáp ứng nguyện vọng của dân !

Trong không khí nhân dân trong và ngoài nước đang tích cực hưởng ứng việc góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ X, là sinh viên đang du học tại Cộng hòa Pháp, tôi mong muốn được đóng góp ý kiến, với mong muốn mãnh liệt là Đại hội Đảng sẽ là bản lề mở ra một trang mới cho đất nước : tiến đến dân chủ, tự do, thịnh vượng, phát triển.

Trước hết, tôi có nhận xét tổng quát rằng bản báo cáo khá xa rời thực tế, vẫn tiếp tục giáo điều kiểu cũ, nêu lên những thứ chung chung, không có chứng minh cụ thể. Phần « khuyết điểm và yếu kém » đã nêu ra được một số vấn đề gai góc của Việt Nam và những nguyên nhân chủ quan, nhưng vẫn chưa chỉ ra gốc rễ của vấn đề. Toàn bản báo cáo nêu các mục tiêu cần thực hiện nhưng không chỉ ra cách thức rõ ràng để thực hiện chúng. Từ ngữ trong bài sử dụng nhiều chỗ rất khó hiểu và nặng tính khẩu hiệu. Cả bài tôi thấy toàn những từ « huề cả làng » như « hoàn thiện », « cải tiến », « thực hiện », « kết hợp », « khuyến khích », « xây dựng », « tăng cường », « đẩy mạnh »... Một sinh viên chuẩn bị lấy bằng kĩ sư không hiểu rõ và không bị thuyết phục thì làm sao bản báo cáo có thể đi vào lòng dân tộc, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân.

Vì những lý do trên, tôi xin đặt ra một số câu hỏi để các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trả lời, nhằm giải thích cho sinh viên hiểu bản dự thảo một cách đúng đắn. Thanh niên, sinh viên sẽ là một trong những người trực tiếp thực hiện đường lối bản báo cáo đề ra, nếu họ không hiểu bản báo cáo thì họ sẽ không thể làm đúng và làm tốt được.

1. Ở phần I.1, bản báo cáo nói rằng « thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu được xây dựng ». Theo những gì tôi được dạy ở Việt Nam, khái niệm « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » nghĩa là nền kinh tế nhiều thành phần, nhưng kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Yếu tố « kinh tế quốc doanh làm chủ đạo » này không chỉ là lực cản cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta, mà còn tạo ra tham nhũng, lãng phí làm thâm thủng trầm trọng ngân sách quốc gia. Ở các nước tiên tiến, Nhà nước không có mấy nghìn công ty quốc doanh chủ đạo để cạnh tranh với các công ty tư nhân như ở Việt Nam. Hơn nữa, ở phần IV tuyên bố « các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật ». Nhưng nếu một thành phần kinh tế là chủ đạo thì « bình đẳng » ở đâu ? Câu sau mâu thuẫn với câu trước thì làm sao dân hiểu và tin được ?

Ở phần III.2 có ghi « chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế ». Các nước trên thế giới chỉ có nền « kinh tế thị trường » chứ không hề có « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa », vậy làm thế nào chúng ta hòa nhập được với thế giới khi chúng ta đang có một nền kinh tế chẳng giống ai ? Dẫn chứng cụ thể nhất là chúng ta nộp đơn xin vào WTO đã hơn 10 năm nhưng đến bây giờ vẫn chưa được chấp thuận.

2.Ở phần I.3, « độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia được giữ vững; chính trị - xã hội ổn định ». Vậy tại sao đã kí « Hiệp định biên giới » và « Hiệp định phân chia vùng vịnh Bắc bộ » đã rất lâu rồi mà đến giờ này vẫn chưa phổ biến bản đồ và văn kiện chính thức cho nhân dân, trong khi đã bắt đầu đi cắm mốc biên giới ? Đây không phải là bí mật quốc gia. Bất kì một con dân đất Việt nào cũng được quyền biết hình hài Tổ quốc. Dư luận cho rằng chúng ta bị thiệt thòi vì Đảng nhượng bộ cho Trung Quốc quá nhiều. Nếu Đảng và Nhà nước quang minh, chính đại, tất phải công bố bản đồ và văn kiện các hiệp định biên giới. Chỉ có như vậy, dân mới tin được câu « toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững ».

Tôi cũng không cho rằng chính trị – xã hội nước ta ổn định. Nếu sự thật là như vậy thì tại sao đất nước thống nhất đã hơn 30 năm rồi nhưng lúc nào Nhà nước cũng nơm nớp lo sợ bị lật đổ, còn Đảng thì sợ mất quyền lãnh đạo ? Điều này thể hiện ở ngay trong phần III.1, « Các thế lực thù địch âm mưu "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta ». Theo những gì tôi được dạy ở Việt Nam thì « thế lực thù địch » ở đây là các nước tư bản mà đứng đầu là « đế quốc » Mỹ . Vậy các nước tư bản này được lợi gì từ việc thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất, tham nhũng nhất thế giới ? Chính họ lại là những người đang giúp chúng ta tiền bạc, kiến thức để xây dựng đất nước. Và chính Nhà nước cũng nói là « Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới ». Mặt khác, một đất nước chỉ thật sự ổn định khi mọi người dân đều có quyền lập hội, lập đảng, phát biểu, và báo chí được hoạt động tự do. Vậy mà đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có một tờ báo tư nhân chứ đừng nói đến quyền lập hội, lập đảng. Mọi thông tin và các loại hình văn học nghệ thuật đều chịu sự kiểm soát của ban tư tưởng văn hóa trung ương trực thuộc một đảng duy nhất. Đàn áp, giam cầm những người bất đồng chính kiến, bịt mắt, bịt tai dân lại không cho dân thấy, dân nghe thì gọi là « ổn định » ? Tôi đề nghị phải nói cho rõ là « chính trị - xã hội nước ta chưa ổn định » và định nghĩa rõ ràng ai là « thế lực thù địch » ở đây, họ thù địch với riêng Đảng hay với Tổ quốc, với dân tộc ? Không thể có chuyện một văn bản quan trọng lại nói không đúng sự thật và lập lờ như vậy được !

3. Phần I.4, « việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có tiến bộ trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp ». « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa » là một khái niệm tôi hoàn toàn không hiểu. Không hiểu Đảng và Nhà nước lấy định nghĩa này ở đâu ra ? Chủ nghĩa Mác-Lênin có nói về khái niệm này không ? Ở các nước tiến bộ chỉ có khái niệm « Nhà nước pháp quyền », nghĩa là mọi công dân « sống và làm việc theo pháp luật ». Cần phải chỉ rõ cho dân biết hai khái niệm này khác nhau ra sao ? « Pháp quyền xã hội chủ nghĩa » tốt đẹp hơn « pháp quyền » ở chỗ nào ?

Phần I.5, « Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng được coi trọng thường xuyên và đạt được một số kết quả tích cực » ; phần XIII.1, « cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của nhân dân ». Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước không thực tâm xây dựng một « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa » ( nếu như mô hình này thật sự tồn tại). Vì một Nhà nước pháp quyền làm việc dựa trên luật pháp chứ không phải dựa trên tinh thần « phê bình và tự phê bình » của những người lãnh đạo. Cần phải hiểu là dân không cần cán bộ làm « công bộc » cho mình, cái dân cần trước hết là cán bộ làm đúng quyền hạn, đúng luật pháp. Điều này cũng cho thấy Đảng vẫn luôn « chủ quan, duy ý chí ».

4. Phần « khuyết điểm và yếu kém », mục 2, đánh giá « tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng ». Tôi cho rằng điều này đúng nhưng chưa đủ. Cần phải nói rõ là « tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí hết sức nghiêm trọng và là thảm họa của đất nước ». Đã qua bao đời Tổng bí thư, ai cũng nói tham nhũng là « quốc nạn ». Vậy mà bây giờ đã đẩy lùi được đâu ? Những vụ việc bị phát hiện càng ngày càng nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ « con bạc triệu đô » Bùi Tiến Dũng, vụ thanh tra dầu khí… Tôi nói thẳng ra là mafia đang lũng đoạn Nhà nước. Nguồn tiền cán bộ tham nhũng là do dân ta lao động đóng thuế, do kiều bào gửi về để giúp thân nhân, do chính phủ nước ngoài cho vay. Quan chức không chỉ tham nhũng mà còn sử dụng ngân sách và các nguồn tài nguyên quốc gia một cách lãng phí và kém hiệu quả. Đảng và Nhà nước cũng chưa công khai tổng số nợ cho dân. Theo những gì tôi đọc được trên web site của bộ tài chính, các ngân hàng nhà nước nợ 23 nghìn tỷ đồng, nợ trong xây dựng cơ bản là 7 nghìn tỷ đồng. Các khoản nợ khác dân không hề được biết. Thanh niên, sinh viên, học sinh rất quan tâm đến vấn đề này vì không ai khác, chính thế hệ trẻ sẽ là những người phải trả nợ. Không chỉ một mà có thể phải nhiều thế hệ mới trả nổi. Yêu cầu Đảng phải công khai số tiền nợ ! Và bản báo cáo cũng phải nêu rõ Đảng chi tiêu khoản tiền đó như thế nào ! Ngoài ra, Đảng và Nhà nước phải nghiêm túc tuân thủ Hiến pháp, thực hiện tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí để nhân dân có thể sát cánh cùng Nhà nước trong việc kiểm tra và chống tham nhũng.

5. Trong phần nguyên nhân của « khuyết điểm và yếu kém », tôi cho rằng Đảng rất dũng cảm khi nhìn nhận đó là do lỗi của mình khi nói rằng « tư duy của Ðảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới », « chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa tốt », « một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém về phẩm chất và năng lực ». Như vậy, Đảng đã thừa nhận mình chậm đổi mới chứ không phải là dân chậm đổi mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng Đảng vẫn chưa dám nhìn thẳng vào sự thật. Tất cả những nguyên nhân kể trên đều là hệ quả của một nguyên nhân duy nhất : chế độ độc đảng. Đây là sự vi phạm Hiến pháp một cách nghiêm trọng. Điều 3 Hiến pháp đã quy định « Nhà nước bảo đảm thực hiện xã hội công bằng, dân chủ », mà độc đảng, chỉ một thành phần được gọi là « vô sản » mới được quyền lãnh đạo đất nước thì công bằng xã hội ở chỗ nào ? Tư duy của bất kì người bình thường nào cũng thấy đây là một nghịch lý.

6. Phần II, « đánh giá khái quát 20 năm đổi mới », « hai mươi năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Ðảng, toàn dân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử ». Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định trên vì những nguyên nhân sau.

•Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, xếp hạng 108/152 nước .

•Việt Nam vẫn còn là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới, xếp hạng 94/143 nước .

•Việt Nam vẫn còn là một trong những nước mất dân chủ nhất thế giới, xếp hạng 138/143 nướcii.

•Việt Nam vẫn còn là một trong những nước có chỉ số tự do báo chí tồi tệ nhất thế giới, xếp hạng 135/143 nước.

•Việt Nam vẫn còn là một trong những nước có chỉ số kinh tế tự do kém nhất thế giới, xếp hạng 137/161 nước .

•Việt Nam vẫn còn là một trong những nước có chỉ số phát triển con người kém nhất thế giới, xếp hạng 112/177 nước .

•Việt Nam vẫn còn là một trong những nước có khả năng cạnh tranh kém nhất thế giới, xếp hạng 77/104 nướcv.

Chẳng lẽ những điều trên lại được gọi là « có ý nghĩa lịch sử » ? Nêu lên những điều này không phải để phủ nhận những thành tựu chúng ta đã đạt được nhưng để giúp Đảng và Nhà nước nhìn thẳng vào sự thật. Tụt hậu đã là sự thật chứ không còn là nguy cơ nữa. Đừng nhìn vào tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 7-8% mà cho đó là « to lớn », ngay cả với đà tăng trưởng này thì chúng ta cũng không thể bắt kịp Thái Lan, Mã Lai, Indonesia chứ đừng mong là « sánh vai với các cường quốc năm châu ». Tôi đề nghị thay đoạn trên bằng câu « công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được một số thành tựu nhưng rất hạn chế, và tụt hậu đã là sự thật ». Chỉ có hiểu rõ, hiểu đúng sự thực vấn đề thì chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề.

7. Trong phần II cũng có ghi « xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ». Đây lại là một khái niệm kì lạ mà tôi không hiểu được. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, tại Gettysburg, năm 1863, đã đưa ra định nghĩa về chính phủ dân chủ, đó là một chính phủ « của dân, do dân, vì dân ». Như vậy, nền « dân chủ xã hội chủ nghĩa » mà Đảng và Nhà nước muốn xây dựng khác với dân chủ ở các nước tiến bộ như thế nào khi cả hai đều nói « của dân, do dân, vì dân ». Dân chủ nghĩa là phải có bầu cử đa đảng, tự do, công bằng để bầu ra người lãnh đạo đất nước. Có phải ở Việt Nam, dân không được bầu ra người lãnh đạo cao nhất nước như Tổng bí thư nên mới cần phải thêm cụm từ « xã hội chủ nghĩa » ? Tôi đề nghị phải giải thích rõ ràng và thuyết phục cụm từ « dân chủ xã hội chủ nghĩa » trong bản báo cáo.

8. Phần X, « kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại », đến đây thì tôi cảm thấy rằng mình không còn hiểu tiếng Việt nữa. Tôi không đủ khả năng để hiểu được « sức mạnh thời đại » là sức mạnh gì ? « Sức mạnh dân tộc » kết hợp với nó sẽ ra cái gì ? Đây là một bản báo cáo chính trị quan trọng chứ không phải là bài tập làm văn của các em cấp I. Yêu cầu Đảng bỏ câu này, nếu muốn giữ thì phải giải thích thật rõ ràng cụm từ « sức mạnh thời đại ».

9. Cũng trong phần X, Đảng muốn « lực lượng vũ trang thật sự là lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng và Nhà nước ». Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc của dân chủ là lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân, cụ thể hơn là người đứng đầu Nhà nước được nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử. Lực lượng vũ trang không được phép trung thành hoặc làm việc cho bất kì Đảng phái chính trị nào. Chẳng lẽ khi Đảng yêu cầu quân đội và công an đàn áp nhân dân thì họ phải tuân theo ? Tôi đề nghị bỏ ngay từ « Đảng » ra khỏi câu trên và thay bằng từ « nhân dân ».

10. Phần XII ghi rằng « Ðại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ». Khái niệm « đại đoàn kết » đòi hỏi các thành phần xã hội phải bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Nếu như « đại đoàn kết » phải là « dưới sự lãnh đạo của Đảng », thì chẳng lẽ những người không đồng ý với các chính sách của Đảng lại không được đứng trong « toàn dân tộc » ? Độc đảng chính là hình thức chia rẽ đại đoàn kết dân tộc rõ ràng nhất. Tôi đề nghị viết lại phần này và bỏ cụm từ « dưới sự lãnh đạo của Đảng ».

11. Cũng trong phần XII, báo cáo có ghi « thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên ». Thế nhưng Đảng đã sai lầm về « chính trị », « đạo đức cách mạng » tha hóa, Đảng viên chỉ còn « lý tưởng » kiếm tiền bằng tham nhũng. Chính Đảng không làm gương được thì làm sao Đảng có thể dạy dỗ thanh niên ? Tôi đề nghị phải bỏ câu này.

12. Phần kết luận có ghi « thực hiện bằng được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", sánh vai cùng các nước trên thế giới trong nhịp bước khẩn trương của thời đại ». Tôi đồng ý với Đảng ở điểm này. Tuy nhiên, theo tôi, để thực hiện tất cả những điều trên thì trước hết, chúng ta cần phải có dân chủ. Chỉ khi có dân chủ (chứ không phải « dân chủ xã hội chủ nghĩa »), chúng ta mới có thể thực hiện những điều còn lại, vì dân chủ sẽ giải phóng mọi tiềm năng của dân tộc. Vậy trong giai đoạn hiện tại, chỉ cần ghi mục tiêu « xã hội dân chủ, giàu mạnh » là đủ rồi. Để « sánh vai cùng các nước trên thế giới », Đảng cần xem xét lại toàn bộ hệ thống chính trị và chủ nghĩa Mác-Lênin, chỉ có một vài nước trên thế giới theo chủ nghĩa cộng sản, tất cả các nước còn lại không ai chọn con đường này, như vậy làm sao sánh vai với họ được ? Hay Đảng chỉ muốn sánh vai với mấy nước chủ nghĩa xã hội còn sót lại đó thôi ? « Thời đại » với « nhịp bước khẩn trương » của nó đã từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin được hơn 15 năm, cụ thể là ở Nga và các nước Đông Âu, vậy tại sao Đảng chưa nhận ra được điều này ?

Còn rất nhiều điều trăn trở nhưng tôi chỉ ghi ra những gì tôi bức xúc nhất trong bản dự thảo báo cáo chính trị đại hội X. Để tóm tắt, tôi đề nghị những điều sau để Đảng xem xét và thực hiện :

I. Thế nào là « con đường xã hội chủ nghĩa » ? Giải thích rõ ràng các cụm từ « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa », « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa » và « dân chủ xã hội chủ nghĩa » cho nhân dân được hiểu.

II. Công khai hóa số tiền nợ của Nhà nước và tổng ngân sách quốc gia hàng năm.

III. Công khai chi tiết các hiệp định biên giới và phổ biến rộng rãi.

IV. Công khai và lập tòa án xử các vụ án lớn như vụ Tổng cục 2 - T4, vụ Sáu Sứ… để lòng dân được yên.

V. Viết lại toàn bộ bản báo cáo, không sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, những khẩu hiệu kêu to. Nêu ra vấn đề nào phải ghi rõ nguyên nhân cụ thể cùng với những biện pháp sửa đổi hết sức rõ ràng, mang tính khả thi.

VI. Sau cùng và quan trọng hơn cả, Đảng phải chấm dứt ngay lập tức việc vi phạm pháp luật : độc quyền chính trị, tham nhũng, bắt người lấy của trái phép. Yêu cầu Đảng phải nghiêm túc tuân thủ Hiến pháp, thực hiện xã hội công bằng, dân chủ bằng cách để cho nhân dân được quyền làm báo, lập hội và long trọng tổ chức bầu cử tự do, đa đảng, công bằng, có quốc tế giám sát vào năm 2007. Nếu Đảng không làm được như vậy thì đại hội Đảng X không có ý nghĩa gì cả.

Cuối cùng, trước bước ngoặt lớn lao của dân tộc mà bác Nguyễn Trung đã gọi là « thời cơ vàng » này, tôi xin chúc các vị lãnh đạo Đảng tỉnh táo để nhìn ra sự thật, chấp nhận lẽ phải, dũng cảm để làm những điều thực sự có lợi cho đất nước, vì chỉ có như vậy đại hội mới có thể thành công và đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

Ngày 28 tháng 02 năm 2006

Nguyễn Tiến Trung
tgnn169@hotmail.fr

Nguồn trích dẫn

i http://globalis.gvu.unu.edu/indicator.c ... y=VN#rowVN
ii http://www.worldaudit.org/corruption.htm
iii http://www.worldaudit.org/democracy.htm
iv http://www.worldaudit.org/economicfreedom.htm
v http://www.undp.org.vn/undp/fact/basev.htm

BBC: Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, TPHCM, hiện là sinh viên năm thứ tư, ngành Công nghệ thông tin, cộng hòa Pháp, địa chỉ DB433, INSA, 20 avenue des Buttes de Coësmes, CS 14315 35043 RENNES Cedex France. Mời đọc thêm thư của Nguyễn Tiến Trung gửi Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam đăng bên cạnh

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Cám ơn anh Đắc Ứng, bài hay quá
Tương lai Việt Nam sau nầy là do những người sinh năm 7x, 8x nầy

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Thư gửi Bộ trưởng Giáo dục

Nguyễn Tiến Trung

Kính gửi : thầy Nguyễn Minh Hiển – Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo
Đồng kính gửi : các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí, truyền thông

Sao gửi : các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh

Trước hết, em xin được gọi thầy Nguyễn Minh Hiển là thầy, mặc dù thầy chưa hề dạy dỗ em một ngày nào. Là cựu sinh viên năm thứ nhất của Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang du học tại Pháp, em muốn gửi đến thầy lá thư này để nói lên những suy nghĩ về tình trạng giáo dục, đặc biệt là giáo dục chính trị ở Việt Nam, với mong muốn rằng nó sẽ góp phần nhỏ bé vào công cuộc đổi mới giáo dục, và rộng hơn là đổi mới chính trị ở Việt Nam.

Có rất nhiều điều vô lý và không đúng với thực tế trong việc giảng dạy môn giáo dục công dân và các môn chính trị ở Việt Nam. Em xin nêu ra ở đây một vài sự việc mắt em thấy, tai em nghe ở các nước tư bản, thực dân, đế quốc như trong sách vở nhà trường. Mong là thầy sẽ giải đáp những những câu hỏi của em trong bài viết, và cũng chỉ ra cho em thấy suy nghĩ của em sai lầm hay đúng đắn ở chỗ nào.

Tại Việt Nam, chương trình giáo dục công dân cấp II và cấp III dạy rằng ở các nước tư bản, nhân dân lao động bị bóc lột đến cùng cực. Những người công nhân phụ trách công đoàn thì bị « mua chuộc » bằng cách được trả lương cao hơn. Điều này hoàn toàn sai và ngược lại, công đoàn ở Pháp rất mạnh và tập hợp được nhiều người lao động. Khi có tranh chấp với giới chủ, các cuộc đình công được tổ chức chặt chẽ và gây ảnh hưởng rất rộng. Mọi người đều có quyền đình công, chỉ cần đăng kí ngày giờ sẽ có cảnh sát theo bảo vệ. Bất kì ai khi làm việc cũng đều được trả mức lương cơ bản thấp nhất khoảng 7 euros / 1h, trung bình một tháng khoảng 1000 euros, đủ để trả tiền nhà và tiền ăn. Nhìn lại Việt Nam, mức lương cơ bản quá thấp (khoảng 400 000 VNĐ) không đủ để công nhân trả tiền nhà và phục hồi khả năng lao động, sản xuất. Các cuộc đình công của công nhân đã và hiện đang diễn ra để đòi quyền lợi cho mình lại bị Nhà nước lên án là phạm pháp, cho là họ bị kích động, xúi giục. Đối với em, đó là thái độ không đúng đắn của một Nhà nước đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Trong môn học kinh tế chính trị, sách giáo khoa nói rằng kinh tế là hạ tầng kiến trúc, còn chính trị là thượng tầng kiến trúc, và kinh tế quyết định chính trị. Thế nhưng ở nước ta, thực tế là chính trị quyết định kinh tế. Ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước đã thi hành chính sách kinh tế ngăn sông cấm chợ để tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội. Khi nhận ra sai lầm để tiến hành công cuộc đổi mới thì vẫn lại là « kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội », với kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, còn thành phần kinh tế tư nhân thì yếu và thiếu. Chính vì lý do đó mà Việt Nam không theo kịp đà tiến của các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, v.v… Kể cả với nhịp độ tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững hiện nay, Việt Nam cũng không thể bắt kịp các nước khác. Không bền vững ở đây có nghĩa là phá hoại môi trường, bán tài nguyên thô, tham nhũng, vay nợ nước ngoài chồng chất và sử dụng kém hiệu quả. Như thế, chính Đảng và Nhà nước đã không làm đúng những gì mình dạy là « kinh tế quyết định chính trị », mà vẫn luôn « chủ quan, duy ý chí ».

Trong môn học Chủ nghĩa Mác Lênin, phần chủ nghĩa duy vật biện chứng, em được dạy là « vật chất có trước và vật chất quyết định ý thức », và « con người có khả năng hiểu được tự nhiên ». Đây là những điều đến bây giờ khoa học vẫn còn tranh cãi. Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, một bộ óc lớn của Việt Nam đang làm việc tại Mỹ, trong quyển sách « Giai điệu bí ẩn » đã được phát hành ở trong nước lại cho rằng con người không bao giờ hiểu được tự nhiên. Nếu thế giới quan khoa học của ông sai thì làm sao ông có thể trở thành một nhà khoa học tên tuổi tầm cỡ thế giới. Trong khi những nhà khoa học trong nước được trang bị chủ nghĩa Mác Lênin lại không thể tìm ra hoặc tìm ra rất ít những cái mới. Vậy thì theo thầy, chúng ta có nên dạy và áp đặt cho học sinh, sinh viên những điều vẫn còn đang tranh cãi hay không ? Ngoài ra, Mác đã nói « Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, cần phải hủy diệt », Lênin coi tôn giáo là « một trong những thứ đê tiện nhất đã từng có trên trái đất này », điều 4 Hiến pháp cũng ghi là chúng ta « theo chủ nghĩa Mác Lênin », nhưng hiện nay báo chí nói nhiều về cán bộ Đảng viên cao cấp dùng xe công để đi chùa, chính những người Đảng viên còn không tin vào « vô thần » như vậy thì làm sao lại bắt sinh viên tin được. Hơn nữa, khi chúng ta thực hiện điều 4 Hiến pháp thì làm sao có thể thực hiện điều 70 Hiến pháp về tự do tôn giáo. Theo em, cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này. Không thể có chuyện văn bản pháp luật cao nhất nước lại chồng chéo như vậy được, và cũng không thể dạy một đằng lại đi làm một nẻo.

Trở lại môn giáo dục công dân, thầy cô dạy là « Đảng Cộng sản là đại diện cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội », điều 4 Hiến pháp cũng ghi như vậy. Đối với em, đây là một tiên đề vì nó không có gì để chứng minh. Em đã tìm khắp các web site của Đảng và Nhà nước nhưng không thể tìm thấy một tí thông tin gì liên quan đến giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Họ gồm bao nhiêu phần trăm dân số, tỉ lệ nam nữ thế nào, trình độ học vấn trung bình đến đâu, lương trung bình là bao nhiêu, ước mơ, nguyện vọng của họ là gì, đã có những cuộc điều tra toàn diện nào về công nhân Việt Nam hay chưa ? Như vậy, Đảng không hiểu và không biết gì về giai cấp công nhân lại tự cho mình là đại diện trung thành của giai cấp đó. Ngoài ra, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc (UNDP) về Việt Nam, 74% dân số sống ở nông thôn, như vậy giai cấp công nhân không thể chiếm hơn 20% dân số, và đại diện của giai cấp công nhân có thể đại diện cho cả dân tộc Việt Nam hay không ? Mặt khác, theo em, điều 4 Hiến pháp lại mâu thuẫn với ngay điều 2 và điều 3 Hiến pháp, vì điều 2 ghi là « tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân » và điều 3 ghi là Nhà nước « bảo đảm thực hiện công bằng xã hội », còn điều 4 lại ghi Đảng « là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ». Thưa thầy, làm sao có công bằng xã hội khi chỉ có một Đảng độc quyền lãnh đạo ? Trên thực tế, tổng bí thư là người có quyền lực cao nhất nước, cao hơn cả chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, nhưng trong Hiến pháp lại không có một dòng nào quy định quyền và nghĩa vụ của ông đối với nhân dân ! Nhân dân không bầu ra Tổng bí thư thì việc ông không có trách nhiệm với dân cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng có tới gần 100% là Đảng viên, điều này có bình thường không khi chỉ có 2 triệu Đảng viên trên 84 triệu dân Việt Nam ? Tất nhiên chúng ta có thể nói vì Đảng viên là những người ưu tú nhất của dân tộc nên họ được bầu, nếu sự thật là như vậy thì Việt Nam đã trở thành con rồng châu Á từ lâu rồi, và chắc chắn bây giờ chúng ta không thể thua các nước láng giềng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… , xa hơn nữa là Hàn Quốc. Em không tin trí tuệ Việt Nam lại thua kém trí tuệ các dân tộc khác.

Bất kì một nền giáo dục nào cũng phải dạy cho học sinh, sinh viên tinh thần sáng tạo, óc phê phán và đổi mới. Nhưng theo em, nền giáo dục Việt Nam đã thực hiện rất tồi chức năng này, thể hiện qua việc nhồi nhét những kiến thức không đúng và không hợp thời. Chúng em chỉ được học cách nhớ và vâng lời, hoàn toàn không thể nói trái lại sách giáo khoa và có ý kiến khác với thầy cô, chính vì vậy nên bài viết của Phi Thanh lại trở thành một hiện tượng, trong khi đó là một điều bình thường ở một đất nước bình thường. Chúng em được học những tư tưởng thù hận và nghi kị đối với các nước tư bản, phải tiêu diệt, đào mồ chôn họ chứ không được học cách sống chung trong hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngày 11/09/2001, khi cả thế giới bàng hoàng và đau đớn khi hai tòa nhà WTC ở New York bị tấn công, em đã nhảy lên vui mừng vì « đế quốc Mỹ » bị trừng phạt. Tính « ác » trong người em trỗi dậy nhưng em lại cho đó là suy nghĩ đúng đắn, theo những gì được dạy dỗ. Đến bây giờ em vẫn không hiểu tại sao lúc đó em có thể suy nghĩ như vậy. Hiện nay, khi các nước tư bản đầu tư vào Việt Nam, bạn bè của em có những người trong các lớp cảm tình Đảng, có những người là sinh viên xuất sắc, họ lúc nào cũng nghĩ rằng tư bản muốn làm « diễn biến hòa bình » để lật đổ chính quyền nhân dân, bóc lột, đô hộ dân mình. Họ không biết rằng thời đại tư bản nguyên thủy man rợ đã qua lâu rồi và bây giờ là kinh tế thị trường văn minh. Hợp tác với nhau là hai bên cùng có lợi chứ không hề có chuyện bên nào bóc lột bên nào. Nếu anh dở thì anh được lợi ít hơn hoặc thiệt thòi hơn. Như vậy, nền giáo dục đang dạy cho học sinh, sinh viên những điều sai lầm : cứ nghĩ rằng « đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta anh hùng », còn tư bản là bóc lột, man rợ, chống phá chúng ta. Khi vào WTO, Việt Nam sẽ đương đầu với nền kinh tế hùng mạnh của các nước như thế nào khi thế hệ trẻ không hiểu gì về mình, không hiểu gì về người ? Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam và em cho rằng đó là có tội đối với Tổ quốc.

Trong giảng đường đại học, sinh viên không được bày tỏ công khai những suy nghĩ của mình về chính trị nếu ý kiến đó trái với đường lối của Đảng, ngay cả khi Đảng đã chứng minh rằng mình cũng có thể sai lầm qua việc cải cách ruộng đất hoặc chủ trương ngăn sông cấm chợ. Các diễn đàn của thanh niên Việt Nam, lớn nhất là Trái Tim Việt Nam online (www.ttvnol.com) bị cấm bàn về chuyện chính trị « nhạy cảm ». Tại sao thế hệ trẻ quan tâm đến vận mệnh đất nước thì lại bị cấm đoán ? Ở đây, em cho rằng Đảng và Nhà nước đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Điều 69 Hiến pháp ghi là « công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí », « có quyền hội họp, lập hội » nhưng thực tế hoàn toàn không đúng như vậy. Đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có báo chí tư nhân, báo đài đều thuộc Nhà nước và chịu sự kiểm soát của ban tư tưởng văn hóa trung ương, như vậy làm sao bảo đảm được quyền tự do ngôn luận của dân ? Làm sao có thể dạy cho chúng em Đảng mang lại tự do cho nhân dân trong khi chính chúng em thấy chúng em không có quyền được tự do nói ? Xã hội sống trong sợ sệt, ai muốn yên thân thì cứ tụng những điều được học và được tuyên truyền. Thế hệ trẻ trở nên thờ ơ với vận mệnh đất nước vì có quan tâm cũng không được nói, có nói thì cũng không được lắng nghe. Bây giờ chỉ còn các cựu chiến binh, các vị lão thành cách mạng góp ý cho Đảng và Nhà nước. Khi thế hệ này mất đi đất nước sẽ ra sao ? Thưa thầy, em cho rằng tình hình hết sức nghiêm trọng rồi. Nếu cứ tiếp tục kiểu giáo dục và cấm đoán này, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu.

Trong chương trình học cũng dạy chúng em là chủ nghĩa xã hội đi vào giai đoạn thoái trào do phạm một số sai lầm cũng như do sự chống phá của « các thế lực thù địch ». Thế nhưng người bạn của em đang du học ở Nga đã hỏi chính những người Nga và họ không cho là như vậy. Không có thế lực thù địch nào ở đây cả. Khi dân đói khổ quá thì phải vùng lên để xây dựng một chính quyền mới tốt đẹp hơn, hoàn toàn không đúng như sách giáo khoa đã ghi là « nhân dân Liên Xô đã bước đầu xây dựng được chủ nghĩa xã hội ». Những người bạn Rumani trong trường em cũng kể lại cho em nghe những tội ác man rợ do chủ tịch Đảng cộng sản Rumani Xô-xếc-cút gây ra. Những người bạn Cuba kể cho em nghe về việc mất tự do dân chủ ở đất nước mình khi chỉ có một chủ tịch Đảng cộng sản cầm quyền hàng chục năm và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Ở nước Bắc Triều Tiên, những người cộng sản thực chất là gia đình trị theo kiểu phong kiến, cha truyền con nối. Ở Campuchia, những người cộng sản Khmer Đỏ đã phạm phải tội ác diệt chủng. Ở Trung Quốc, trong thời kì « cách mạng văn hóa », Mao Trạch Đông đã cho giết hàng chục triệu người. Còn ở Nga, chính những người trong Đảng cộng sản Liên Xô đã nói rằng Stalin là một tên bạo chúa, giết đồng đội, đồng chí và nhân dân để thỏa mãn tham vọng của mình. Thế nhưng em được học trong sách giáo khoa là :

« …Việt Nam có Bác Hồ
Thế giới có Stalin
Việt Nam có tự do
Thế giới có hòa bình… »

(Tố Hữu)

Khi nghị quyết 1481 của châu Âu ra đời, thực chất là do những nước đã từng sống dưới chế độ cộng sản đề nghị như Hungary, Cộng hòa Séc và các nước vùng Baltic, trong đó có cả cựu đảng viên cộng sản các nước đó. Hoàn toàn không phải là các thế lực cực hữu làm chuyện này như báo chí trong nước miêu tả. Đây không phải là một cuộc chiến ý thức hệ như tuyên truyền mà đây là lẽ phải, là luật pháp, vì giết người nghĩa là vi phạm pháp luật và phải bị trừng trị. Ở nước ta, sau cải cách ruộng đất chiếm đoạt tài sản của dân và gây nên cái chết của bao nhiêu người, những người chịu trách nhiệm chỉ việc lên tiếng xin lỗi là xong, không hề bị trừng trị theo pháp luật, dù những người chứng kiến sự kiện đó vẫn còn sống đến bây giờ. Thầy ơi, liệu sinh viên chúng em còn tin vào những gì được học và dạy dỗ không khi thực tế toàn chứng minh những điều ngược lại ? Và làm sao chúng em có thể tin vào một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khi những người vi phạm pháp luật không bị đem ra tòa ? Một nền giáo dục không trung thực sẽ không thể đào tạo ra những con người trung thực.


Chúng em cũng được dặn dò phải « xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc » nhưng cũng lại phải « trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa xã hội ». Đối với em đây là việc rất khó vì truyền thống dân tộc ta là nhân nghĩa, khoan dung. Văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa tinh hoa của ba hệ tư tưởng lớn : Phật, Nho, Lão và sau này có thêm đạo Thiên Chúa. Đạo Phật với tư tưởng từ bi, hỉ xả. Đạo Nho với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và suy nghĩ xả thân cho đất nước. Đạo Lão với tinh thần trung dung, coi thường danh lợi. Đạo Thiên Chúa với tình yêu bao la cho con người. Nhưng chủ nghĩa Mác Lênin lại là « bạo lực cách mạng », phải đào mồ chôn người khác, và phải luôn nuôi trong đầu những ý nghĩ hận thù. Chúng ta đâu có xứng đáng là con cháu Nguyễn Trãi với việc sử dụng bạo lực để đàn áp người trái ý kiến với mình. Nguyễn Trãi dạy rằng :

« Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo. »

(Bình Ngô đại cáo)

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, đồng bào miền Nam bị kềm kẹp, áp bức quá nên phải bỏ nước ra đi, gây nên sự kiện « thuyền nhân » gây xúc động và căm phẫn cho toàn thế giới, đến nỗi có cả một từ riêng để chỉ về sự kiện này là « boat people ». Điều này hoàn toàn trái với tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và lòng nhân đạo, tình yêu nước thương nòi được dạy trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Di chúc của Bác cũng dặn dò phải miến thuế nông nghiệp cho dân một năm nhưng những người lãnh đạo lại giấu đi, không làm theo lời Bác. Ngay cả những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã không làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì làm sao có thể bắt chúng em tin theo và thực hành theo tư tưởng ấy ?

Với tư cách là công dân của nước Việt Nam, một người sinh viên vẫn đang là một thành viên của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, em có những kiến nghị như sau để cho thầy và các vị lãnh đạo xem xét :

Về mặt giáo dục :

1. Bỏ lối dạy học theo kiểu AQ , chúng ta không thể nói chúng ta là « cái mới, cái tiến bộ » khi chúng ta là một trong những nước nghèo nhất, tham nhũng nhất thế giới, vẫn đang phải ngửa tay xin tiền viện trợ từ chính các nước tư bản. Cần dạy cho thế hệ trẻ biết vị trí đúng đắn của nước mình đối với quốc tế để thấy được cái nhục của nghèo khó và lạc hậu và từ đó biết vươn lên.

2. Bãi bỏ các môn học chính trị không thiết thực và không đúng đắn nữa trong bối cảnh hiện nay. Đó là các môn Triết học Mác Lênin, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu có dạy Triết học thì nên chỉ ra cái hay, cái chưa hay của tam giáo Nho, Phật, Lão, đạo Thiên Chúa, chủ nghĩa Mác Lênin và các triết gia phương Tây để tránh cho thế hệ trẻ cái nhìn phiến diện, một chiều. Nếu muốn dạy tư tưởng Hồ Chí Minh thì trước hết phải thực hiện những gì trong tư tưởng Hồ Chí Minh như tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Không thể nói mà không làm, không thực hiện nhưng bắt người khác phải nghe theo.

3. Tôn trọng những ý kiến khác biệt của học sinh, sinh viên, không áp đặt, không bắt học thuộc lòng những thứ không cần thiết, gây hại như chủ nghĩa Mác Lênin vì điều đó giết chết sự sáng tạo và óc suy nghĩ độc lập của thế hệ trẻ.

4. Học tập cách làm sách giáo khoa và hệ thống phân ban của các nước tiên tiến. Sau bao nhiêu năm đến giờ này nước ta vẫn chưa có một bộ sách giáo khoa tốt, vẫn phải sửa đi sửa lại. Còn phân ban thì lúc bỏ lúc làm, gây lãng phí rất lớn tài sản và sức lực của nhân dân.

Về mặt chính trị, xã hội :

1. Một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không thể chỉ có một Đảng lãnh đạo vì như thế rõ ràng là bất công, độc tài và lạm dụng quyền lực. Đảng cộng sản cần phải chứng tỏ mình là sự lựa chọn của nhân dân qua bầu cử thật sự tự do, thật sự công bằng, thật sự dân chủ. « Vàng thật không sợ lửa », nếu « ý Đảng » chính là « lòng dân » thì dân sẽ bầu cho Đảng lãnh đạo. Khi đó Đảng sẽ có cơ hội đập tan cáo buộc là độc tài, và « các thế lực thù địch » sẽ không thể « lợi dụng chiêu bài nhân quyền, dân chủ » để chống phá.

2. Xây dựng Nhà nước Pháp quyền thật sự chứ không phải Đảng quyền như từ bấy lâu nay. Đừng chỉ có nói mà phải thực sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận. Phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Chấm dứt việc bưng bít thông tin một cách có hệ thống. Ngừng ngay việc kiềm chế báo chí thông qua Ban tư tưởng văn hóa trung ương.

3. Nghiêm chỉnh thi hành việc chống tham nhũng, lãng phí, cửa quyền để khôi phục lại lòng tin của nhân dân, bắt đầu bằng việc kê khai tài sản. Phải để có tự do báo chí và tự do thành lập hội như đã quy định trong Hiến pháp nhằm hỗ trợ hiệu quả việc chống « quốc nạn » này.

Trên đây là những suy nghĩ và kiến nghị của em, sau khi đã hiểu trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ «Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào» và «thật thà, dũng cảm». Khi đọc những bài báo của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, bác Nguyễn Trung, anh Phan Thế Hải và các vị lão thành cách mạng khác, em cũng muốn bày tỏ cho thầy và các vị lãnh đạo thấy suy nghĩ của mình, vì thế hệ sinh viên du học chúng em phải mang kiến thức, tư tưởng tiến bộ ở phương Tây về để xây dựng đất nước. Em hi vọng rằng dân tộc chúng ta lại làm được điều thần kỳ như Nhật Bản và Hàn Quốc, cả một dân tộc vì cái nghèo, cái hèn mà đứng lên, chứ không tự ru ngủ mình vì quá khứ oanh liệt đã qua.

Cuối thư, em chúc thầy sức khỏe và sự tỉnh thức. Rất mong nhận được phúc đáp của thầy trong thời gian nhanh nhất.


Ngày 22 tháng 02 năm 2006

Sinh viên năm thứ tư – ngành công nghệ thông tin

Nguyễn Tiến Trung

tgnn169@hotmail.fr

BBC: Nguyên văn lá thư có tựa đề Thư ngỏ của một sinh viên bình thường trong một đất nước không bình thường. Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, cựu học sinh trường Lê Hồng Phong, TPHCM, hiện ở tại địa chỉ DB433, INSA, 20 avenue des Buttes de Coësmes, CS 14315 35043 RENNES Cedex France

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

phu_de wrote:Cám ơn anh Đắc Ứng, bài hay quá
Tương lai Việt Nam sau nầy là do những người sinh năm 7x, 8x nầy
Không có chi, anh phu_de!

Hy vọng sẽ có nhiều anh em nữa như anh nầy mới xứng đáng là "lãnh đạo, chỉ huy", chứ không như vài thằng Công Nghệ hay ham "danh Công Nghệ" luồn cuối nịnh bợ, cho nên tới 2 chử CS cũng không dám động tới, chứ đừng nói là lên án CS!
dacung

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Anh Dacung ơi
Tình trạng đó thì chổ nào cũng có hết, khi đề cập tới chuyện chống Cộng thì bọn đó như đĩa phải vôi nhìn thấy muốn "ói", hehehe,
À tui có điều thắc mắc là đài BBC là đài thân Cộng, không bị firewall ở VN, chuyên môn loan tin có lợi cho Cộng Sãn sao lại đăng bài nầy?

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

phu_de wrote:Anh Dacung ơi
...

À tui có điều thắc mắc là đài BBC là đài thân Cộng, không bị firewall ở VN, chuyên môn loan tin có lợi cho Cộng Sãn sao lại đăng bài nầy?
Tôi không nghĩ vậy. Nó tương đối trung lập. Đăng 2 chiều cho nên nhiều khi mình cũng ê mình lắm! Hay là nó theo chiến thuật "hư hư, thực thực" để khỏi bị blocked?
dacung

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Ngày xưa đài BBC cũng từng giúp bọn Việt Cộng xâm chiếm miền Nam bằng cách loan tin thất thiệt.
Ngày nay thì đa số nhân viên là SV du học các nước Đông Âu từ miền Bắc ở lại họ toàn loan tin có lợi cho CS mặc dù họ cũng thấy sự tự do dân chủ ở cái nước tiên tiến rồi, , tui nghĩ là ý đồ gì đây của bọn CS nên cho đăng tin nầy?

Post Reply