
Tổng thống Obama phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 23/5/2016. Hoàng Giang
31.05.2016
Có một bình luận trên VOA ở bài viết kỳ trước khiến tôi suy nghĩ khi người đọc bị bất ngờ trước một câu viết của tôi rằng “Thật khó để Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ.” Thật ra tôi cũng rất đắn đo khi có suy nghĩ như vậy, nhưng bởi bản thân tôi cũng giật mình trước thái độ của dân chúng đối với sự có mặt của Tổng thống Obama tại đất nước mình trong những ngày vừa qua.
Tôi rất muốn đặt một câu hỏi thẳng thắn rằng: “Sẽ có sự thay đổi lớn nào xảy ra tại chính đất nước mình, sau khi Obama rời khỏi Việt Nam?” Hay tất cả chúng ta rồi sẽ quay lại cuộc sống bình thường như vừa đón đưa xong một ban nhạc thần tượng Hàn Quốc? Liệu có ai để ý xem báo chí quốc tế nhận định gì về cuộc viếng thăm của tổng thống Mỹ hay chỉ đơn giản lướt qua vài cái tít tâng bốc của truyền thông trong nước? Dân Việt hồ hởi bởi sự có mặt của tổng thống Mỹ vì lẽ gì? Vì nước Mỹ giàu có? Vì nước Mỹ thân thiện? Sự thịnh vượng lên xuống theo thời. Nếu nói về phát triển kinh tế, chính Hoa Kỳ đang cực kỳ e ngại cường quốc Trung Hoa. Sự thân thiện? Đó là một chiêu bài PR không hơn không kém. Chưa kể nếu các bạn muốn tìm hiểu về chính trị Mỹ, họ luôn muốn hướng tới hình ảnh của một đất nước thích khoa trương về sức mạnh. Chính vì vậy, sự thân thiện của Obama trở thành một hiện tượng và không ít người Mỹ tỏ ra bất đồng với sự nhún nhường quá mức của ông.
Dân chúng Việt niềm nở với Obama, chứ không phải Bush hay Clinton, bởi ông là người quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong khi không làm như vậy với Trung Quốc. Vậy là đa số chúng ta hả hê nghĩ rằng không còn phải sợ tay Tập Cận Bình dòm ngó đến biển đông nữa bởi Việt Nam giờ đã có Obama làm bạn, đã có Obama hỗ trợ, đã có vũ khí từ đất nước hùng cường bậc nhất thế giời. Chúng ta hồ hởi với Mỹ để xù lông hung hãn với nước láng giềng. Nên nhớ, nước Mỹ luôn luôn là đất nước hai mặt. Nếu trong số các bạn có đọc về thể chế tư bản, thì Hoa Kỳ là một quốc gia đầy cơ hội. Chính nước Mỹ quay lưng lại với đồng minh Anh Quốc trong cuộc tranh chấp kênh đào Suez giữa Anh và Ai Cập năm 1956 để dễ dàng tiếp cận với lượng dầu khổng lồ tại Saudi Arabia.
Báo The New York Times ngày 24 tháng 5 có đăng bài với tựa đề “As Obama Presses Vietnam on Rights, Activists Are Barred From Meeting”. Trong bài báo đưa rất rõ ràng cụ thể về 3 nhà hoạt động nhân quyền có tiếng nói tại Việt Nam mà tôi cũng đã đề cập đến trong một bài viết trước bao gồm ông Nguyễn Quang A, blogger Phạm Đoan Trang, và luật sư Hà Huy Sơn. Ông John Sifton của Human Right Watch nhận định rằng sự cấm đoán hay ngăn cản các nhà hoạt động xã hội đến gặp với Tổng thống Obama không chỉ là hành động xúc phạm đến ông mà còn là xâm phạm đến quyền con người khi tước đoạt quyền tự do thể hiện ý kiến cá nhân. Bài báo không chỉ đơn giản là đưa thông tin, 2 tác giả Gardiner Harris và Jane Perlez tỏ rõ thái độ và quan điểm qua từng câu chữ. Họ tường trình về 2.300 thính giả ăn mặc đẹp đẽ, ngồi ghế nhung đỏ và chắc chắn hầu hết đã được chính phủ sàng lọc, reo hò mừng rỡ khi Obama xuất hiện. Họ reo lên một lần nữa khi ông nói: “Việt Nam là một đất nước độc lập tự chủ, và không một đất nước nào có thể thay đổi điều đó,” như một ám chỉ liên quan đến Trung Quốc, đã từng tự tuyên bố chủ quyền biển Đông. Tuy nhiên, cả khán phòng im bặt khi ông đề cập các chủ đề về thực thi chủ quyền.
Chúng ta im lặng, bởi hoặc là chúng ta không biết, hoặc không ai quan tâm, hoặc quá mơ hồ về vấn đề đó. Obama cũng nói một câu rất tâm đắc rằng “Đất nước các bạn phải dựa vào chính mình.” Nhưng có vẻ lời nói ngắn ngủi ấy vẫn chưa đủ thấm. Với một đất nước mà nhân quyền còn là một vấn đề nhức nhối thì việc tự do mua bán vũ khí sẽ trở thành một vấn đề đáng lo ngại hơn vui mừng. Tôi nhấn mạnh lại câu hỏi của mình một lần nữa, rằng sẽ có sự thay đổi lớn nào xảy ra tại chính đất nước mình, sau khi Obama rời khỏi Việt Nam? Khi mà chính quyền đã tự chứng minh rằng họ không xứng đáng với mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ bằng những hành động cấm đoán như trên, và bản thân dân chúng thì hung hãn vô cùng trong những lời chê bai cô bé sinh viên trẻ tuổi mặc áo dài vàng cầm đóa hoa thập cẩm tặng ngài tổng thống, hay chỉ trích ông cán bộ nhà nước đi công được bác bảo vệ cõng qua làn nước ngập mùa mưa Hà Nội?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
bởi: Phan Bảo Lâm từ: TpHCM
01.06.2016 14:28
Trả lời
Tôi hiểu bài viết của bạn. Nó khá trí tuệ khi bạn dựa vào câu nói của ông Obama "đất nước các bạn phải dựa vào chính mình". Nhiều người VN, trong đó có, không, phải nói là phần lớn, những blogger "dân chủ" cho rằng, chỉ có dựa vào Mỹ thì VN mới "an toàn". Người ta cho rằng, dựa vào Mỹ thì Mỹ sẽ đánh thay VN như đánh thay cho VNCH. Buồn cười. Thời thế thay đổi. Người dân Mỹ bây giờ sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Toàn những kẻ hoang tưởng.
Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta chỉ có thể dựa vào Mỹ về mặt tinh thần còn việc của chúng ta, Mỹ không làm thay được. 1 người không hiểu gì về dân chủ - nhân quyền, cho dù có định cư ở Mỹ thì cũng coi như chưa có dân chủ - nhân quyền (với cá nhân anh ta), đơn giản vì anh không biết nó tồn tại cũng như không biết cách xài. Các blogger muốn gặp tổng thống để làm gì ? Để than thở là ở VN họ bị chính quyền đàn áp ra sao vì họ muốn đấu tranh đòi cái gì. Những chuyện đó ông Obama làm sao giải quyết được ?
Có 2 con đường để đấu tranh. 1 là đấu tranh âm thầm, nâng cao ý thức của người xung quanh rồi lan dần ra theo cách tự nhiên. Cách này rất vững chắc nhưng mất thời gian và ....chả ai biết ta là ai. Cách 2 là công khai đánh bóng tên tuổi, làm đình làm đám và lẽ tất nhiên phải chịu sự nguy hiểm từ phía chính quyền. Cách 1 là cách ưa chuộng của giới trí thức, của các nhà tư bản thích đứng trong bóng tối giật dây hơn là chường mặt trước công chúng. Cách 2 là cách của các nhà "hoạt động cách mạng", đánh cược tính mạng bản thân với sự cứng rắn của chính quyền, kích động sự bất mãn trong dân để chống chính quyền. Những đảng viên CS đã từng là những người như thế khi họ chưa nắm chính quyền.
Phương Tây ưa chuộng cách 1 hơn cách 2. Ở 1, xã hội có sự đồng thuận rất cao vì ý thức tương đối đồng đều, không ai có thể lợi dụng đám đông để lũng đoạn chính trị. Ở 2, đám đông rất dễ bị lợi dụng. Đang biểu tình ôn hòa, có người ném đá hành hung cảnh sát, cảnh sát mạnh tay trấn áp, thế là ôn hòa biến thành bạo động, có người bị bắt, bị thương và bị chết. Bất kể nguyên nhân sự việc thế nào, ngày hôm sau nhất định sẽ có ai đó lu loa lên rằng chính quyền đàn áp nhân quyền. Cái sự việc này không phải là tưởng tượng, nó đã từng xảy ra ở Thái Lan, Ukraine và Syria trước khi các quốc gia này xảy ra đảo chính, nội chiến và khủng bố.
Phương Tây đặt sự hiểu biết lên hàng đầu. Phải hiểu biết rồi mới có thể lập kế hoạch khả thi và cuối cùng là thực hiện kế hoạch ấy theo trình tự lập sẵn. Người VN thì thua. Người ta biểu tình vụ cá chết để chống Formosa chứ không phải vì môi trường, bất kể Formosa có phải thật sự là nguyên nhân gây ô nhiễm hay không. Con kênh, dòng sông trước nhà ô nhiễm như thế, trực tiếp liên quan đến cuộc sống của mình chả ai biểu tình. Buồn cười.
Dễ bị lợi dụng như thế mà đòi dân chủ - nhân quyền cái gì. Người ta biểu tình để đòi xây dựng luật. Theo luật, Tây Ta Tàu, bất kể là ai, phạm luật là "chém". Còn Ta biểu tình là để chống Tàu, ai gây ô nhiễm không quan tâm, còn Tàu gây ô nhiễm là không được. Cái này gọi là dân chủ - nhân quyền sao ? Cái này gọi là quan tâm môi trường sao ? Lũng đoạn chính trị thì có. Nhìn biểu tình vụ cá chết, tôi lại liên tưởng đến những vụ biểu tình của người TQ đòi tẩy chay hàng Nhật khi TQ tranh chấp với Nhật quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông. Chúng ta giống người TQ như tạc về suy nghĩ, hành vi và thái độ mà đòi cái gì "thoát Trung". Bắt chước văn minh Phương Tây, nói dễ nhưng làm thì hơi bị khó đấy.