(BBC)

Sau khi ông Boris Yeltsin rút đi, đảng Cộng sản Liên Xô rơi vào một tình thế hết sức khó khăn.
Ngày 12 tháng Bảy năm 1990 là ngày ông Boris Yeltsin tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Liên Xô, mở đường cho một loạt thay đổi chính trị ở Nga.
Đang ở cương vị Chủ tịch Quốc hội và là một chính trị gia được dân chúng mến mộ, sự kiện ông Yeltsin bỏ đảng đã dẫn đến việc nhóm Cương lĩnh Dân chủ tuy nhỏ nhưng có thế lực cũng tuyên bố tách ra khỏi đảng Cộng sản Liên Xô.
Và nhất là sau khi ông Yeltsin rút đi, đảng CSLX do ông Michail Gorbachov lãnh đạo bỗng rơi vào một tình thế hết sức khó khăn.
Vài giờ sau một cuộc bỏ phiếu, ông Yeltsin đột nhiên đứng lên phát biểu trước một hội trường nhốn nháo.
Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, từ góc độ trách nhiệm rất lớn với nhân dân Nga và để đi đến một hệ thống đa đảng, tôi thấy mình không thể nào chỉ nhận chỉ thị từ đảng cộng sản nữa”.
Ông nói thêm: “Với tư cách là người được bầu chọn vào vị trí cao nhất của nước cộng hòa, tôi sẽ chỉ tuân theo ý kiến của nhân dân”.
Sau đó, ông rời phòng họp. Một số đại biểu hét lên: “Nhục nhã!”, một vài người khác thì vỗ tay.
Ngay sau đó, ông Gorbachov chỉ thị cho các đại biểu rút tư cách đại biểu quốc hội của ông Yeltsin.
Cũng ngay lập tức, nhóm dân biểu Cương lĩnh Dân chủ tuyên bố bỏ đảng Cộng sản, đưa đến chỗ lần thứ nhì đảng có chia rẽ.
Lần trước là năm 1903,khi chia rẽ giữa hai phe Bolshevik và Menshevik đưa Lenin lên nắm quyền.
Lần này, nối bước ông Yeltsin là các vị Anatoly Sobchak, tân thị trưởng Leningrad, và Gavriil Popov, thị trưởng Maxcơva.
Cải cách hay cách mạng?

Ông Boris Yeltsin đứng ra kêu gọi nhân dân Nga chống lại cuộc đảo chính năm 1991
Trước đó, ông Yeltsin đã là người đứng đầu các cải cách thể chế ở Liên Xô trong vòng 18 tháng liền. Ông liên tục phê phán TBT Gorbachov là không dám làm mạnh hơn nữa để đẩy nhanh cải cách đảng.
Dù phê phán ông Gorbachov, ông Yeltsin vẫn được tín nhiệm cao trong đảng. Ông rời đảng không phải vì bị mất thế mà ở vị thế đầy quyền lực. Cũng trong ngày 12.07.1990 đó, tên của ông được nêu để chọn vào Ban Chấp hành Trung ương.
Nhưng sức mạnh chính trị lớn nhất của ông là mối quan hệ mật thiết với người dân bình thường của Nga.
Theo điều tra dư luận đầu tháng Bảy 1990 do tờ Tin tức Maxcơva thực hiện, có tới 84% người dân ủng hộ ông.
Trong những ngày sau khi ông và nhóm cải cách tuyên bố bỏ đảng, hàng chục nghìn người dân kéo đến ngoài tường Điện Kremlin để bày tỏ sự phản đối đảng CSLX.
Boris Yeltsin
Trong khoảng một năm tiếp theo, mâu thuẫn giữa phe bảo thủ và những người có thiên hướng cải tổ cầm chừng trong hệ thống bị đẩy lên đến mức cao nhất, đưa đến cuộc đảo chính tháng Tám 1991 nhằm vào ông Gorbachov.
Dù không còn đứng về phía ông Gorbachov, ông Yeltsin đã tự động kêu gọi một cuộc cách mạng nhân dân để chống lại phe đảo chính.
Sự thất bại của phe bảo thủ đã khiến Liên Xô tan rã. Ông Yeltsin, ở cương vị tổng thống của Nga, bỗng trở thành nguyên thủ quốc gia của một đại cường sau Chiến tranh Lạnh.
Ông đưa ra một loạt cải tổ cơ bản trong tình thế hỗn loạn.
Dù bị phê phán, năm 1996, ông vẫn trúng cử làm tân tổng thống đầu tiên của Nga thời hậu Xô Viết.
Ông từ nhiệm đầu năm 2000 vì lý do sức khoẻ và vì sức ép nội bộ do các hành vi đáng xấu hổ chính ông gây ra trên trường quốc tế bởi bệnh nghiện rượu.
Vài tháng sau, người được ông chọn là Vladimir Putin thắng cử làm tân tổng thống Nga.