"Tạ Ơn Anh - Người Thương Binh VNCH"
Nhà văn Đỗ Tiến Đức email cho tôi bức hình người thương binh bị cụt cả đôi chân, và cả đôi tay đang trườn người trên phố xá đông người, người chiến binh năm xưa của chúng ta quá bất hạnh, sao như mang kiếp thân bò sát ? Anh Đức trong cơn xúc động mạnh đã sáng tác bài thơ bất tử mà đài truyền hình SBTN đã đọc mấy câu thơ từ bài thơ oan khiên này. Tôi nghĩ hẳn có nhiều người hãy còn nhớ, bài "Tạ Ơn Anh":
"Anh không còn đôi chăn
Luớt trên sàn khiêu vũ
Anh không còn đôi tay
Kê đầu em giấc ngủ
Anh không còn là nguời
Cũng không thành con thú
Môi anh sao mỉm cười
Mắt như vì tinh tú
Anh ngày xưa ngày xưa
Là thiên thần mũ đỏ
Chân anh mang giầy saut
Tay lái dù trong gió
Hay anh la Nghĩa quân
Giữ làng cho dân ngủ
Hay anh là Mũ Xanh
Tuyến đầu anh trấn thủ
Đất mẹ chưa ru anh
Cuộc chiến tản cờ rủ
Tay chân làm phân xanh
Vài ba bông dại nở
Xưa lựu đạn dao găm
Nay chiếc lon nho nhỏ
Xưa đánh pháo diệt tăng
Nay cơm thừa nước đổ.
Xưa đồng đội như rừng
Gót giầy vang mặt phố
Nay xa cách muôn trùng
Một thân nơi xó chợ.
Những người hai mươi năm
Thoảng như cơn mộng dở
Còn lại khúc thân tàn
Vinh danh ngày tháng cũ`'
(thơ Đỗ Tiến Đức)
Lần đầu tiên tôi xem bức hình và đọc bài thơ bỗng như cay mắt, xót xa cho người chiến binh năm nào, chắc hẳn hình ảnh của anh đã oai hùng khi xông pha ngoài chiến trận, những ngày tháng cũ oai dũng đó đã khiến cuộc đời anh quá bi thương.
Mấy ngày hôm sau tôi nhận nhiều emails từ bạn bè bàn bạc về buổi Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh - Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa". Từ Toronto nhà văn Phạm Phong Dinh nhắn nhớ tham dự để lấy tin tức để anh và tôi viết bài chung, rồi ca sĩ trẻ Phạm Khải Tuấn cũng tại hẹn gặp tôi ngày 25-06, tức ngày Đại Nhạc Hội. Rồi từ Úc châu ký giả Nguyễn Toàn Thắng cộng tác với tờ Nghệ Thuật của anh Lê Dinh bên Montreal và tờ Văn Nghệ tại Sydney nhắc tôi viết bài. Sáng hôm 25 tháng 6 trên đường vào trường trung học Bolsa Grande, muôn người đổ xô vào trong không khí ngày đại hội, cái không gian nô nức có màu áo hoa dù của những Thiên Thần Mũ Đỏ, những Cọp Biển, Cọp Ba Đầu Rằn, Thiết Giáp, Pháo Binh, Không Quân, Hải Quân,... cái không gian gợi nhớ năm xưa, khi ngày 19 tháng 6 đến là ngày vui của những bước quân hành nhịp đều trên đại lộ Thống Nhất. Nhạc hôm nay mà cứ ngỡ như năm cũ khi hồn hân hoan bên khúc hát:
"Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn,
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang,
Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan tài.
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi,
Đây đoàn quân ra đi nhịp nhàng,
Mang theo thiên hùng ca thắm tươig trời Nam bốn phương.
Ta anh hùng muôn quân phá tan cường binh
Chí tang bồng mang theo khắp nơi tung hoành..."
(Lục Quân Việt Nam, nhạc Văn Giảng, lời Hương Việt)
Bài ca mà tôi rất yêu thích hồi còn nhỏ cùng các bạn chen lấn đi xem duyệt binh hay diễn binh thời vàng son của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Âm thanh nào đã vang lên từ những quân trường Quang Trung, Vạn Kiếp đến Đồng Đế, Lam Sơn, bài "Xuất Quân":
"Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu.
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam..."
Năm 1972, trong trận chiến vào Mùa Hè Đỏ Lửa, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến VNCH đã vẻ vang tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị để người dân miền Nam quen thuộc với bài "Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị", bài hát nói lên nét uy dũng của QLVNCH, tô đậm giai đoạn hào hùng của các chiến binh miền Nam xông pha bảo vệ bờ cõi:
"Cờ Bay, Cờ Bay oai hùng trên thành phố thân yêu
vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.
Cờ Bay, Cờ Bay tung trời ta về với quê hương
từng ngóng đợi quân ta tiến về.
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn đất thân yêu,
Quảng Trị ơi! Chào quê hương giải phóng.
Hồi sinh rồi này Mẹ, này Em,
Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời..."
Cờ Bay Trên Cỗ Thành Quãng Trị 1972
Tình cờ tôi bắt gặp một anh chiến binh cao niên, tóc bạc phơ, trong đồng phục màu áo hoa rừng phai màu, anh ngồi hàng ghế sau cùng, anh liếc mắt ngó rừng cờ vàng của VNCH trong sung sướng đến rưng nước mắt, tôi đến gần làm quen anh, anh là một HO với 10 năm tù. Anh kể khi nhìn cờ VNCH tung bay trong gió, anh chạnh lòng nhớ năm xưa khi mỗi tiền đồn, mỗi căn cứ quân sự của chúng ta có bóng dáng cờ bay lồng lộng trong gió như ngày hôm nay. Tôi nhớ chuyện kể của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm khi ông bị Cộng Sản giam cầm ở miền Việt Bắc. Ông kể lại là khi ở trại giam Hoàng Liên Sơn và có hôm đi đánh sắn từ vị trí đồi cao ông ngó xuống thấy cờ đỏ sao vàng của CS ngạo nghễ tung bay trong gió, ông nghĩ đến thân phận lưu đầy biệt xứ, gia đình tan nát, vợ con nheo nhóc, quê hương quằn quại dưới sự thống trị tàn bạo của giặc Cộng, ông lấy chiếc lá sắn khô vàng nghệ đặt lên lòng bàn tay, rồi đặt 3 cọng sắn đỏ rực song song làm biểu tượng cho cờ VNCH đã thiếu vắng mà ông đã yêu dấu lấy nó. Ông nghẹn ngào đến cùng cực để nước mắt đã tuôn trào ra. Chuyện của anh HO hôm nay và chuyện của Vũ Đức Nghiêm có mẫu số chung, vì tất cả chúng ta vẫn còn ấp ủ hòai niệm khó phai, cần được vinh danh ngày tháng cũ đó.
Những người đã an toàn thoát ra xứ ngoài định cư tại các xứ phồn thịnh tự do là những người may mắn, nhìn lại các anh thương binh bất hạnh còn kẹt lại ở quê nhà vì thiếu điều kiện thoát thân, họ và gia đình sống trong lầm than tủi nhục, những người chiến binh uy dũng, đã vào sinh ra tử kia đối diện với cái chết như cơm bữa, nay họ phải hóa thân thành kiếp người ăn xin, hát dạo hay bán vé số. Thương phế binh Cộng Sản được Cộng Sản giúp đỡ, cấp dưỡng tri ân. Thương phế binh VNCH bị "Đồng Minh tháo chạy" bỏ rơi và bị kẻ chiến thắng Cộng Sản trù dập, bạc đãi. Họ là những chiến hữu bị quên lãng quá lâu. Anh Không Quân Phạm Đình Khuông trao tôi bức thơ đau lòng của một thương phế binh (TPB) từ bên nhà gửi sang như sau:
"Thưa các anh chị,
Em tên là LK, sinh năm 1943. Vào năm 1965 em đi học khóa Hạ Sĩ Quan ở trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang. Về đơn vị tác chiến thuộc tiểu khu Vĩnh Long. Năm 1968 em theo học khóa Sĩ Quan Thủ Đức, Khóa 1/68, ra trường ở đơn vị 3/1 thuộc tiểu đoàn Địa Phương Quân Gia Định, vì bị thương được nghỉ một tháng. Sau đó em đổi về tiểu khu Sa Đéc, chi khu Đức Tôn với cấp bậc trung úy. Vào ngày 10-11-1974, đi hành quân đạp phải mìn của Việt Cộng bị thương đui một con mắt và không thấy rõ, điếc một lỗ tai và cụt mất hai tay. Lúc đó em được chuyển về bệnh viện Long Xuyên, nhưng vì vết thương quá nặng nên các bác sĩ chuyển em lên Tổng Y Viện Cộng Hòa cho đến ngày 01/05/1975. Khi Việt Cộng tiếp thu, họ đuổi hết bệnh binh về, trong đó có em. Khi về nhà thì hai mắt còn ra máu, hai tay chưa lành hẳn, còn băng bó. Đến ngày 06/05/1975 họ mời em đi học tập cải tạo, nhốt ở chi khu Giáo Đức 18 ngày. Mỗi ngày vợ con em phải vào để thay băng và dẫn em đi vệ sinh. Sau đó họ đưa em đưa em xuống trại Mỹ Phước Tây nhốt 6 tháng. Nhờ bạn tù giúp đỡ, đút cơm tắm rửa cho em. Khi được thả về nhà, em còn bị quản chế hai năm. Vợ con em phải đi làm thuê, làm mướn mới có miếng ăn!
Em viết thư này cho các anh chị mà lòng em hết sức đau khổ. Trong suốt 27 năm qua, em không được ai giúp đỡ. Khi nhận tin được giúp đỡ, em hết sức mừng rỡ như mẹ đi chợ về mua bánh cho em, trong lúc em khao khát đợi chờ. Mong các anh chị tận tình giúp đỡ, em thành thật cám ơn tất cả các anh chị trong hội.
Ấp Binh, ngày 29/11/2002.
LK."
[left]
http://img.photobucket.com/albums/v519/ ... age002.jpg[/left]Lá thơ của anh thương binh LK. gởi sang Hoa Kỳ cám ơn vì anh đã được trợ giúp (người viết không đề rõ tên anh vì lý do tế nhị cho anh). Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH (HHOCTTPBQP/VNCH) gửi tiền giúp anh ngày 04/02/2003.
Tôi được nghe tin tức về TPB từ anh Trần Thy Vân, người may mắn vượt biển ra đi. Anh nguyên là Ðại đội trưởng Ðại đội 1, Tiểu đoàn 21, Liên đoàn 1 Biệt Ðộng Quân, bị mất hai chân trong một trận chiến tại mặt trận Mộ Ðức, Quảng Ngãi vào Tháng Ba, 1974, anh kể về đời sống lầm than của tập thể TPB: “Sau Tháng Tư, 1975, phần lớn thương binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải đi xin ăn, sau này lúc có vé số, anh em mới chuyển qua bán vé số kiếm sống. Ða số anh em kiếm sống hết sức chật vật. Có trải qua cảnh đó mới biết, mới dễ thông cảm. Hội Thương binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng quyên góp giúp đỡ một số anh em bị cụt hai tay, cụt hai chân, mù hai mắt, liệt tứ chi nhưng không xuể. Thương binh, quả phụ và con em tử sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đói khổ, cần giúp đỡ nhiều lắm. 31 năm đã qua, anh em chết cũng nhiều. Tổ chức giúp đỡ càng sớm, càng tốt. Cần nhất là làm sao để đưa quà tặng của mình đến tận tay người nhận. Nếu làm không khéo thì chính quyền Cộng sản sẽ chặn lại.”
Do đó nhu cầu cho TPB là một việc làm cấp thiết ở cấp rộng lớn như cấp quốc gia. Với người viết bài thì người Cộng Sản Việt Nam sau khi chiếm miền Nam xong, họ áp dụng những hành vi trả thù thất nhân tâm, cho giải tán, đào xới mồ mả của người chết, xua đuổi các thương bệnh binh của chúng ta ra khỏi nhà thương. Đây là hành vi do bản năng thú tính, súc sinh và man rợ. Vì vậy sau bao năm trôi qua, TPB của VNCH đã ngậm đắng nuốt cay, đề tài TPB đã là nỗi thương tâm của tất cả chúng ta, là vết thương lòng ray rứt tâm tư mỗi người ra đi tìm tự do cho chính mình. TPB bị CS hất hủi đã đành, TPB cũng bị "Đồng Minh tháo chạy" bỏ rơi luôn. Phần số họ hẫm hiu lắm. Bài học 1975 có mấy ai quên đâu. Vì thế nên TPB VNCH chỉ còn trông đợi tình xưa nghĩa cũ của đồng bào hải ngoại VNCH, mấy lúc gần đây nhiều đoàn thể, nhiều tổ chức cứu giúp TPB ra tay tổ chức lạc quyên rộng lớn. Trước đây sự cứu giúp cho bên nhà như người mù, người già, trẻ em mồ côi, trẻ em dị tật, nạn nhân phong cùi, nạn nhân bão lụt vẫn ưu tiên hơn TPB VNCH trong cộng đồng ở hải ngoại. Xét cho cùng thì tất cả nạn nhân đều nên giúp đỡ, nhưng nhìn khía cạnh ơn nghĩa thì một vị bác sĩ trẻ ở Bắc Cali đã nêu lên quan điểm của tình "quân dân cá nước", bài viết xúc động lòng người, làm cho chúng ta suy nghĩ về căn bệnh nội tâm:
"Tôi viết thư cho anh hôm nay, không phải như người Việt kiều xa xứ được ưu đãi trong một đời sống an lành và thoải mái hơn về vật chất lẫn tinh thần, đang nghiêng mình xuống với người đồng loại bất hạnh, nhưng tôi viết với tâm trạng của một cô gái năm xưa, đã lớn lên yên ổn giữa thành phố Sài Gòn, nhìn tuổi thơ ấu của mình trôi qua dưới ánh hỏa châu và những tiếng bom đạn hàng đêm vẫn vọng về từ chiến trường xa. Ở đó bao xương máu và nước mắt của cả một một thế hệ tuổi trẻ đã đổ xuống cho những cô gái nhỏ như tôi được tiếp tục bình yên đến trường. Ở đó vẫn có biết bao người chiến sĩ như các anh còn ôm tay súng chiến đấu đơn độc tới những giờ phút cuối, để gia đình chúng tôi có cơ hội xuống thuyền ra đi, tìm đến những quê hương hạnh phúc mới, bên này bờ biển Thái Bình Dương.
Chính với lòng tri ân và ngưỡng mộ đó mà tôi thấy cần phải viết thư cho anh, cho các bạn của anh, những lời các anh xứng đáng được nghe, nhưng có lẽ những lời đã chưa bao giờ được nghe từ ba mươi mốt năm trôi qua, để các anh hiểu được rằng, những hy sinh của mình đã không lãng phí và vô ích. Những tượng đài có thể bị đạp đổ, nhưng những hình ảnh đã ghi khắc trong lòng sẽ chẳng bao giờ có thể bị xóa nhòa. Chúng ta đã mất mát rất nhiều thứ, những người thương binh như các anh đã mất mát một phần thân thể, mất tình yêu và tuổi trẻ. Còn những người Việt tị nạn như tôi cũng mất cả nơi chốn dung thân để phải tha hương lưu lạc khắp mọi phương trời.Có một điều mà hôm nay, tôi mong chúng ta không đánh mất là tình người đến với nhau để khoảng không gian anh đang sống và hít thở bớt đi niềm lẻ loi và cô độc.
Cuối cùng, dù tôi không thể gởi nguyên một bài hát về, cũng xin cho tôi được tặng anh và các bạn anh hùng không tên tuổi của anh lời tựa của bài hát là "YOU ARE MY HEROES", bởi vì cuối cùng trong cuộc đời này không có điều gì cao thượng hơn là hy sinh cuộc đời mình để cho người khác được quyền sống. Trong ánh mắt tôi mãi mãi không có những người thương phế binh thương tật, mà chỉ có những người trai anh hùng một thời đã chọn cho mình con đường đi và sống đích thực có ý nghĩa nhất.", Nguyễn Thị Liên Hương, Bắc Cali.
Đó là lá thơ của y sĩ Liên Hương ở San Jose' gởi thăm một thương binh VNCH tại quê nhà. Anh Không Quân Phạm Đình Khuông đã đọc trên khán đài hôm đó. Mọi người tham dự Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh - Người Thương Binh VNCH" để tưởng nhớ những anh chiến sĩ oai hùng năm xưa, mà ngày nay sống vất vưỡng trong nỗi bất hạnh. Một ca sĩ còn non tuổi đời, nhưng cha là một HO, mẹ dạy dỗ cháu thi văn, ngâm thơ. Bé Đan Vy, 11 tuổi, xuất hiện nhiều nơi trong sinh hoạt chung của cộng đồng, cháu ngâm thơ thật điêu luyện, phát âm rất chuẩn Việt ngữ. Cháu đại diện cho nhiều người nói lên niềm thao thức của họ, giải bày cái thực tế bi ai của những thương binh, những chiến sĩ vô danh bị bỏ quên từ bao năm nay:
"Tôi vẫn nhớ nơi quê tôi xa thẳm
Bao mảnh đời tan nát sống lang thang
Nay đầu đường góc chợ nghèo nàn
Thân tàn phế giữa trần ai đau khổ
Tôi vẫn nhớ trên xứ người rực rỡ
Từng ngày qua tôi sống với tự do
Từng ngày qua tôi sống với cơm no
Công lao ấy là của người Chiến Sĩ
Họ hy sinh cả cuộc đời trai trẻ
Xác thân kia cho lý tưởng ngày mai
Đâu biết rằng đời dâu bể đổi thay
Trăm cay đắng nhục nhằn dành cho lính
Tôi vẫn nhớ sau một cơn chinh chiến
Vẫn còn đây, trong dòng lệ đau thương
Người đi rồi, có được giây phút chạnh lòng
Đến chiến hữu, những ngày xưa chung sống
Tôi vẫn nhớ chưa một lần quên lãng
Công lao kia, người Chiến Sĩ năm xưa
Ai nỡ lòng đem bôi bẩn xóa nhòa
Không giúp đỡ cứu người đang bất hạnh"
(Bài "Tôi Vẫn Nhớ", thơ Hà Lan Phương )
Mọi người đã thấy rằng ngày Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh - Người Thương Binh VNCH" là ngày thực sự thể hiện ân tình "Quân dân cá nước" hướng về quê hương của những ngày tháng cũ, để mọi người ghi nhớ công ơn của bao chiến sĩ vô danh, họ hy sinh mạng sống của mình để cho người khác được sống bình yên tại hậu phương, như ý tưởng của bác sĩ Liên Hương. Đan Vy trong quân phục Dù với beret đỏ trên tóc xuất sắc tiếp với bài ngợi ca "Chiến Sĩ Vô Danh" trong sự ngưỡng mộ của khán giả khắp nơi. Một mầm non tươi sáng của cộng đồng chúng ta.
Trong cuộc chiến chống khủng bố và chế độ độc tài tại A Phú Hãn, báo chí Mỹ viết nhiều về "Bomb's lady", tức nữ chuyên gia về chất nổ Dương Nguyệt Ánh, người đã cầm đầu toán chuyên viên chế tạo loại bom áp nhiệt (thermobaric bomb) đầu tiên của Hoa Kỳ, lọai bom mà khi nổ sẽ tạo ra một sức nóng và một làn sóng chấn động có khả năng hủy diệt tất cả những gì ở trong tầm sát hại của nó. Nó cũng được gọi là "bom diệt hầm ngầm", đây là lọai vũ khí lợi hại dùng để hủy diệt các hang động, những địa đạo được dùng làm căn cứ chỉ huy của đối phương trong cuộc chiến A Phú Hãn. Công tác đã hoàn tất trong vòng 67 ngày, được xem như một kỷ lục trong ngành khoa học kỹ thuật quốc phòng. Từ miền Đông Bắc Hoa Kỳ khoa học gia Nguyệt Ánh gửi Ban Tổ chức Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh" với lòng chân thành về cảm nghĩ của cô về vấn đề cứu giúp TPB như sau:
"Rất hoan nghênh ý định tổ chức đại nhạc hội giúp Thương Phế Binh của anh. Giá mà Nguyệt Ánh ở gần thì thế nào cũng xin tình nguyện đến giúp Ban Tổ Chức một tay. Rất tiếc không có dịp về được. Xin thân mến chúc anh Nam Lộc và các anh chị nghệ sĩ một buổi đại nhạc hội thành công mỹ mãn, quyên được thật nhiều tiền để giúp TPB VNCH. Cộng đồng chúng ta gây quỹ quanh năm để cứu trợ bão lụt, giúp người già, trẻ em mồ côi, v.v… nhưng điều đáng buồn là ít ai nghĩ đến việc giúp các TBP VNCH ngày trước. Giúp đỡ họ không những chỉ là một việc làm từ thiện như cứu giúp nạn nhân bão lụt thiên tai, mà là một BỔN PHẬN vì chính họ là ân nhân trực tiếp của tất cả chúng ta, những người Việt Nam quốc gia. Nếu không có sự hy sinh của họ thì làm sao chúng ta có thể đến được bến bờ tự do để có ngày hôm nay." kỹ sư Dương Nguyệt Ánh.
Tôi gặp anh Nguyễn Trọng Phú, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam Cali (THSVVNMNC), một tổ chức đóng góp nhiều lợi ích cho cộng đồng, và anh cũng là người trẻ mang trọng trách đương kiêm chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali (CDVNMNC). Vì là một thành viên cũ của THSVVNMNC và đại diện cho giới trẻ dấn thân lãnh đạo Cộng đồng, tôi hỏi anh cảm tưởng về ngày Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh", anh cho ý kiến như sau:
"Khi em tham dự buổi Đại Nhạc Hội gây quỹ, em rất xúc động, không những chỉ vì thấy nhiều đồng hương hăng hái tham gia và đóng góp công của, nhưng còn vui thêm vì thấy rất nhiều người trẻ tuổi tham gia vì họ có những suy nghĩ đến người lính VNCH năm xưa, những người không may mắn bị mang vết tích chiến tranh trên thân thể. Nhiều người trẻ, như trong thế hệ em, được sống trong khung cảnh tự do, được đi học và có cơ hội tìm hiểu về thể chế tự do VNCH. Khi học trong những lớp lịch sử, hay qua sách vở tại đại học Mỹ, và phải nói rằng những cung cách nhìn sách vở đó nhìn về người lính VNCH, rất hời hợt, phiến diện và thiếu trung thực. Vì vậy, khi thấy nhiều người trẻ hân hoan tham gia, em rất vui sướng. Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh - Người Thương Binh VNCH" cho em niềm tin vững chắc một điều, là hình ảnh của người lính năm xưa hay những thương binh VNCH được tri ân trong lòng những người trẻ nối tiếp bậc cha chú đã tham dự trong trận chiến, và hẳn là họ không bị lôi cuốn bởi những điều tuyên truyền vì thiên kiến của sách vở Cộng Sản hay của quan điểm phản chiến Hoa Kỳ, điều này làm sai lệch lối nhìn của họ. Rất may điều này không xảy ra, hôm nay tại đây như anh thấy đó. Em mong rằng cộng đồng người Việt chúng ta có thể dùng những sinh họat như Đại Nhạc Hội Thương Phế Binh hay ngày 30/04 hoặc 19/06 để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ nối tiếp công cuộc đấu tranh cho VN sớm có Tự Do, Dân Chủ, và Nhân Quyền. Để tuổi trẻ VN vẫn suy tư và cám ơn người chiến sĩ và những thương binh VNCH", Nguyễn Trọng Phú.
Với đồng bào hải ngoại có lẽ không ai không biết cái thiện tâm của người trẻ khác là luật sư Trịnh Hội, Hội từ bỏ khung cảnh tiện nghi Úc châu để trở về Phi Luật Tân trong 7 năm trời ròng rã chỉ để tranh đấu cho người tị nạn Việt Nam. Hôm nay hai vợ chồng anh đến với Đại Nhạc Hội trong hai vai trò làm MC và trả lời điện thoại ghi nhận số tiền lạc quyên đóng góp qua điện thoại. MC Trịnh Hội cho biết là Ban Tổ chức có sáu đường dây để nhận điện thoại của đồng bào từ các nơi ở Hoa Kỳ và Canada gọi vào, mà cả sáu đều bận rộn liên tục. Tôi cũng được biết là hãng điện thọai quốc tế Total Call Mobile đã bảo trợ cho buổi đại nhạc hội và cung cấp miễn phí các đường giây điện thọai cùng mọi phương tiện để khán thính giả đài SBTN và các nghệ sĩ gọi vào liên lạc đóng góp. Kết quả cuộc TV telethone đầu tiên của người Việt tại hải ngọai đã thu được gần $70,000.00 mỹ kim trong vòng 5 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, Trịnh Hội rất vui cho tôi biết cảm nghĩ của anh và Kỳ Duyên như sau:
"Trịnh Hội và Kỳ Duyên, cũng như các bạn đồng nghiệp khác, rất vui và cảm thấy may mắn là mình đã có dịp giúp đỡ những người bất hạnh, và kém may mắn hơn mình, đặc biệt là quý chú, bác thương phế binh trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nếu bất kỳ ai thấy được những hình ảnh tàn phế của quý chú bác, sẽ thấm thía được những khổ đau, trong cả hai phương diện tinh thần lẫn vật chất, của những người bị bỏ quên này. Chắc chắn họ cũng sẽ góp phần giúp đỡ như Trịnh Hội, Kỳ Duyên và tất cả các ca nghệ sĩ đã tham dự trong ngày chủ nhật 25-06 vừa qua."
Khi ra sân khấu, MC Kỳ Duyên nhắc lại điều làm cô xúc động trong cuốn DVD Asia-50 là sự xuất hiện của người ca sĩ bé nhất, là cháu Trần Thiện Anh Chí, người viết bài đồng ý với nhận xét này và nghe nhiều bạn bè rất thích sự trình bày rất dễ thương của bé "Nhật Trường Jr.". Sau khi Kỳ Duyên giới thiệu hai giọng ca Mỹ Lan và Anh Chí xuất hiện trên sân khấu thì ca sĩ tí hon, 4 tuổi, với quân phục Dù và M-16 trên tay trình bày nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie", tiếng vỗ tay hoan hô thích thú vang dội. Người ta đến gặp cháu để đóng góp vào thùng lạc quyên. Một người bạn trẻ khác bỏ show ở nơi khác để bay về cùng ca sĩ Dạ Nhất Yến góp tiếng hát của mình cho Đại Nhạc Hội, đó là ca nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn, anh cho tôi cảm nhận như sau:
"Khải Tuấn đã may mắn bay về Nam Cali kịp tham dự Đai Nhạc Hội "Cám Ơn Anh - Người Thương Binh VNCH". Dù khi đứng trên sân khấu ca hát hay khi ôm thùng đi lạc quyên cùng với Dạ Nhật Yến, Khải Tuấn rất vui khi thấy tinh đồng hương và nghĩa đồng bào thật mênh mông nhiệt tình, thật sốt sắng cho các chú bác thương phế binh bên nhà. Đây phải nói là một trong những sinh họat xã hội cộng đồng mà Khải Tuấn thích nhất từ trước đến nay. Mong rằng sự giúp đỡ này từ đồng bào hải ngọai hướng về quê nhà cho người thương binh của chúng ta sẽ làm ấm lòng họ.".
Khải Tuấn trong binh phục Hải Quân trông thật đẹp mắt, khung cảnh xung quanh nói lên màu cờ sắc áo của bao đơn vị tinh nhuệ của QLVNCH. Tôi đồng ý với nhận xét của ký giả Lê Tam Anh khi anh viết:
"Người ta thấy đầy đủ các sắc phục quân đội xưa: Không Quân, Hải Quân, Lục Quân, Biệt Động, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến... Nhưng nếu càng vào bên trong còn thấy những quân chiến cụ, trang thiết bị hành quân dã chiến, những máy móc liên lạc, cùng các loại súng... Phải công nhận các anh em Quân nhân còn nhiệt tình đã chuẩn bị một cuộc “hành quân” với đầy đủ trang thiết bị để cho quan khách và người tham dự Đại Nhạc Hội “ Nhớ Ơn Anh” thêm phần bi tráng... ".

Đây là điểm son của Ban Tổ chức mà điển hình là Liên Hội Cựu Chiến Sĩ QLVNCH, đài SBTN và Trung Tâm Asia đã bảo trợ cho tiết mục mà anh Lê Tam Anh đã đề cập như trên. Từ Miramar, Florida nhà báo Chu Bá Yến nhận xét:
“Hân hạnh gửi đến quý vị trong Ban Tổ Chức. Mục tiêu của buổi Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” rất là cao thượng. Đồng bào hải ngoại luôn luôn hướng về quốc nội, đặc biệt là những chiến sĩ VNCH đã hy sinh một phần thân thể vì chiến đấu để bảo vệ Tự Do Dân Chủ cho miền Nam Việt Nam và phải chịu sự trả thù dã man của chế độ CS. Thành quả của buổi Đại Nhạc Hội đã nói lên đầy đủ “tình chiến hữu nghĩa đồng bào” đối với các anh em Thương Binh. Tôi tin rằng người Việt ở khắp nơi đã theo dõi đầy đủ tin tức của buổi Đại Nhạc Hội trên. Mong quý vị nhận nơi đây lời cám ơn của tôi về nghĩa cử của qúy vị.”
Từ miền Nam cực Úc châu ký giả Nguyễn Toàn Thắng viết:
“Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh: Người Thương Binh VNCH" là một việc làm đầy ý nghĩa được những người Việt đồng hương tại Nam Cali thực hiện để vinh danh và ghi ơn những Chiến sĩ QLVNCH, đã vì nước mà quên thân mình. Các anh em đã hy sinh một phần thân thể của chính mình cho cuộc chiến. Sự thành công của Đại Nhạc Hội được xem như vượt bực, tôi xem trong sự chiêm ngưỡng thích thú từ miền Nam Cực xa xôi với Mỹ châu, tôi xem màu áo hoa dù của những anh lính chiến, tôi vui mừng đến rơi lệ khi cờ vàng của VNCH tung bay trong gió, tôi viết những dòng này để khen ngợi và cám ơn ban tổ chức đáp ứng được cái nhu cần chính đáng, nỗi mặc cảm mang nặng canh cánh trong lòng mỗi chúng ta là Thương Phế Binh VNCH đã cần giúp đỡ. Xin cái thế giới này hãy cư xử bằng tình người, nhất là với những anh hùng đã bị quên lãng quá lâu. Tôi xúc động những gì tôi đã xem phát tuyến từ Nam Cali hôm 25 tháng 6. Chân thành cảm ơn.",
Từ miền Đông Bắc Canada giáo sư Nguyễn Trọng Đông đã góp ý như sau:
"Ngày xưa mỗi khi tôi có dịp ghé qua Trung Tâm Chỉnh Hình Sài Gòn hay Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm bè bạn, rồi mục kích các anh thương binh được trợ giúp tập đi đứng, hay ngồi xe lăn lăn đi đó đây. Lòng mình bứt rứt trong hoàn cảnh chẳng may của họ. Sau ngày 30-04 năm 75, những thương binh VNCH bị hất hủi, bị xua đuổi ra khỏi nơi họ đang được điều trị bởi những người CS trong rừng rú ra. Tôi xót xa cho người thương binh chúng ta. Khi xem trên Ti Vi buổi Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh" được đông đảo đồng hương hưởng ứng. Tôi rất vui mừng. Mong sao những anh em Thương Phế Binh được giúp đỡ bằng tinh thần cũng như vật chất.".
Nhà báo Trương Sĩ Lương từ Dallas gọi viễn liên nhận xét về ĐNH "Cám Ơn Anh":
[right]
http://img.photobucket.com/albums/v519/ ... age008.jpg[/right]"Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh", không những chỉ đạt thành quả về mặt tài chánh mà còn là một thành công lớn về phương diện tinh thần. Đây là một an ủi lớn lao đối với anh em thương phế binh bên nhà, họ là những chiến hữu của chúng ta đã sống trong nỗi khổ đau cùng cực sau cuộc chiến. ĐNH "Cám Ơn Anh", đồng thời cũng nói lên sự biết ơn qua đặc tính rất nhân bản, tình người của dân Việt sống trong tự do mà không không quên thương phế binh tại quê nhà. Xin được ca ngợi những anh em đã bỏ công sức rất nhiều cho buổi ĐHN hữu ích này."
Hai người góp mặt trong buổi Đại Nhạc Hội có thể xem là chính yếu là bà Trung Tá Không Quân Nguyễn Hạnh Nhân, Hội Trưởng Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, và nhạc sĩ Nam Lộc. Bà Hạnh Nhơn đã thay mặt Hội HOCTTPBQPVNCH phát biểu cảm tưởng để khai mạc buổi ĐNH, xin được trích đoạn như sau:
"Hôm nay là một ngày trọng đại của người Việt tỵ nạn chúng ta. Tôi rất lấy làm vinh dự và xúc động được đại diện Ban Tổ Chức lên đây để có mấy lời bày tỏ cùng quí vị.
Kính thưa quí vị, chiến tranh đã kéo dài trên quê hương chúng ta suốt hơn hai mươi năm, để lại cho tuổi trẻ thời đó một hậu quả vô cùng đau thương. Trước tình hình của đất nước, anh em thanh niên đến tuổi trưởng thành phải lên đường nhập ngũ, nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ miền Nam, chiến đấu anh dũng, giành từng tấc đất để giữ an-ninh cho hậu phương chúng ta được sống trong an lành. Hằng trăm ngàn tử sĩ đã hy sinh tánh mạng trên các chiến trường để lại cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Hằng trăm ngàn chiến sĩ khác đã trở thành phế nhân, đui mù, què cụt, bại liệt còn sống sót, đang lê tấm thân tàn đi bán vé số, bán nhang, lượm ve chai, thậm chí làm kẻ hành khất vì không có ai lo lắng, giúp đỡ cưu mang. Nhiều Anh em lớn tuổi, bệnh hoạn đã lần lượt ra đi trong mòn mỏi tuyệt vọng.
Ðành rằng có nhiều tổ chức cứu trợ thương phế binh đang rãi rác hoạt động, trong đó có hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, nhưng vẫn như muối bỏ bể. Ðể đáp ứng số lượng hồ sơ anh em gởi qua ngày càng nhiều, lên đến 8, 9 ngàn, chúng tôi mạnh dạn tổ chức Ðại Nhạc Hội hôm nay với ước mong gây một quỹ khả quan để gởi về giúp cho anh em một số vốn nhỏ, hầu có thể mưu sinh trong một thời gian lâu dài hơn. Và nhất là để vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho sự sống còn của miền Nam nước Việt trước năm 1975..."
Tưởng cũng nên ghi nhận Hội HOCTTPBQPVNCH được thành lập ngày 19 tháng 6 năm 1992 bởi những cựu tù nhân HO. Người đầu tiên được bầu vào chức vụ điều hành Hội là cố Hội Trưởng Lê Hữu Ngạc. Hội thu thập tên tuổi của những anh em TPB và họ giúp theo sự lạc quyên trong vòng thân hữu bạn bè. Bằng ý chí kiên nhẫn Hội đã tồn tại và phát triển đến ngày nay. Để đóng góp cho Hội có thêm ngân khoản giúp đỡ mà số TPB càng ngày càng gia tăng, nhạc sĩ Nam Lộc đề nghị và thuyết phục Ban Điều hành Hội nên có những buổi đại nhạc hội gây quỹ, lạc quyên từ đồng bào hải ngoại. Nhạc sĩ Nam Lộc đã có kinh nghiệm tổ chức những buổi đại nhạc hội trên bình diện rộng lớn, trước cũng như sau năm 1975. Nhạc sĩ Nam Lộc phát biểu cảm tưởng:
"Tất cả những điều gì muốn nói, thì bà Hạnh Nhơn, trưởng ban tổ chức đã thay mặt chúng tôi để chia sẻ cùng quý vị rồi. Trong giây phút này, tôi chỉ xin mạn phép được thay mặt ban tổ chức, các hội đoàn tham dự, anh chị em nghệ sĩ và toàn thể quý vị, để nhắn gởi đến các Thương Phế Binh và Quả Phụ Tử Sĩ VNCH, hiện còn đang sống ở quê nhà rằng: Chúng tôi luôn biết ơn và kính phục sự hy sinh cao cả của quý vị trong cuộc chiến bảo vệ tự do và dân chủ. Chúng tôi xin thành thật chia sẻ niềm đau cùng nỗi đắng cay mà quý vị đã phải trải qua suốt 31 năm, kể từ Tháng Tư định mệnh 1975. Hy vọng buổi đại nhạc hội hôm nay, sẽ thể hiện được một phần nào tấm chân tình mà người Việt ở hải ngoại đã và đang tiếp tục dành cho quý vị..."
Khi buổi ĐNH làm tổng kết số tiền thu góp lại thì quả là một sự thành công lớn, số tiền vào giờ chót tổng cộng là $300,000.00 Mỹ Kim được trao đến hội HO Cứu Trợ TPB và Quả Phụ VNCH. Số đồng hương tham dự lên đến 15,000 người. Nhạc sĩ Nam Lộc đã thay mặt Ban Tổ Chức gửi lời cảm tạ đến quý đồng hương ở khắp nơi trên thế giới đã tích cực hổ trợ và đóng góp cho chương trình đạt được sự thành công về tinh thần cũng như vật chất thật khích lệ.
Theo bài viết của phóng viên Chu Tất Tiến khi anh phỏng vấn một số người thì những ý kiến của nhiều quan khách được ghi nhận lại, hai vị tôi xin trích lời từ bài phóng sự của anh như sau:
- Dược sĩ Nguyễn Đức Năng: "Ngày xưa, tôi phục vụ trong Sư Đoàn 2, Quân Khu 2. Bổn phận của chúng tôi là phải có mặt để chia xẻ với anh em Y Sĩ trong vấn đề giúp đỡ các Thương phế Binh Cộng Hòa, những anh em chiến sĩ cùng chiến tuyến trước đây."
- Bác Sĩ Phùng Gia Thanh: "Ngày xưa, tôi ở trong Quân Y, đóng ở Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng. Theo tôi thấy là hiện nay, những Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa đã bị bỏ quên rất tàn tệ. Chúng tôi, tất cả những Y Sĩ đã cảm thấy rất đau lòng khi thấy tình trạng của những anh em cũ bị bỏ rơi. Khi còn ở trong quân đội, chúng tôi đã luôn tìm cách giúp đỡ họ. Sang đến bên này, thật sự, chúng tôi cũng không biết làm cách nào để giúp họ nhiều được. Đây là dịp cho Hội Y Sĩ bày tỏ tấm lòng của chúng tôi, dù chỉ là một cơ hội nhỏ thôi. Trong tương lai, chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục giúp đỡ họ nhiều hơn và dưới nhiều hình thức khác nữa."
Để kết luận cho bài viết, tôi muốn dùng lời nói của hai vị dược và y sĩ trên cho sự suy nghĩ chung là khi VNCH còn, những anh em thương bệnh binh của chúng được lo lắng và giúp đỡ. Những chẳng may cho dòng lịch sử của VNCH bị bức tử vì thời cuộc, sự bất hạnh đã tàn nhẫn đổ ập lên cuộc đời của những anh em TPB, để cuối cùng tất cả đồng hương chúng ta chung vai với nhau như nhận xét của các anh Chu Bá Yến, Nguyễn Trọng Phú, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Trọng Đông, Trương Sĩ Lương hay các thân hữu mà nhà văn Phạm Phong Dinh giúp tôi thu thập dữ kiện trong bài này, đặc điểm chung là Đại Nhạc Hội "Cám Ơn Anh" còn có giá trị như biểu tượng của sự đoàn kết trong cộng đồng và sự kiện để mỗi người chúng ta có dịp hướng lòng về người TPB trong ý nghĩ tri ân, và để cầu chúc họ được những ngày còn lại là sẽ không bị bỏ quên, một sự sưởi ấm dù muộn màng, nhưng đã đến, để chúng ta đừng quên lời bé Đan Vy ngân nga:
"Tôi vẫn nhớ nơi quê tôi xa thẳm
Bao mảnh đời tan nát sống lang thang
Hay đầu đường góc chợ nghèo nàn
Thân tàn phế giữa trần ai đau khổ"
Hay những câu thơ của Đỗ Tiến Đức được đọc trên Ti Vi ngày nào:
"Những người hai mươi năm
Thoảng như cơn mộng dở
Còn lại khúc thân tàn
Vinh danh ngày tháng cũ."
Phạm Phong Dinh & Trần Việt Hải
Hình thêm qua links:
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... FBC4pSxfRr
http://www.freewebtown.com/quy161/Camon_Anh.htm
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... pg&.src=ph
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... pg&.src=ph
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... pg&.src=ph
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... pg&.src=ph
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... pg&.src=ph
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... FBptiWxfRr
http://pg.photos.yahoo.com/ph/bdqnphung ... FBsDL.68So
