Thầy Tô của trường HNC
Posted: Fri Jan 07, 2005 8:40 pm
Thầy Tô của trường HNC
Trong danh sách giáo sư của trường HNC không ai có tên là thầy Tô. Thầy Tô là biệt hiệu ngộ nghĩnh của học trò tinh nghịch chúng tôi đặt cho thầy Lê xuân Khuê dạy môn vạn vật, sử, địa của trường HNC.
Tại sao thầy Khuê lại có biệt hiệu đó? Mời qúi vị xem trích đoạn một bài giảng của thầy Khuê về đời sống côn trùng loài có cánh, loài Ong, như sau :
"...Một buổi sáng mùa xuân tiết trời ấm áp, ong chúa là con ong cái duy nhất của tổ ong vụt bay lên bầu trời trong xanh, một bầy ong đực bay theo. Con ong đực nào khỏe nhất sẽ bắt kịp ong chúa và chúng nó Tô nhau."
Học sinh lớp 6 hay lớp 7 (đệ Thất hay đệ Lục) gì đó nghe đến đây ngơ ngác nhìn nhau thầm hỏi Tô là gì? Có anh mạnh dạn giơ tay, được thầy cho phép đứng lên hỏi: "Thưa thầy 'Tô' là gì ạ?" Thầy trả lời: "Các em cứ viết như vậy, làm bài kiểm cũng viết như thế, đừng hỏi."
Chúng tôi nghe vậy cũng còn ấm ức lắm. Tiếng Việt chỉ có tô màu, tô son, làm gì có tô nhau. Giờ ra chơi chúng tôi có dịp bàn tán về 2 chữ bí ẩn đó nhưng không ai biết.
Một ngày kia, gần tới giờ thầy Khuê vào lớp dạy học, một anh học sinh có tiếng là láu lỉnh trong lớp ngồi bàn đầu ra cửa trông chừng, vừa thấy bóng thầy Khuê đang đi về phía lớp học, anh ta chợt la to: "Thầy Tô đến!" Cả lớp đứng dậy chào thầy. Chúng tôi lục tục đứng dậy để chào thầy mà trong lòng ai nấy đang buồn cười vì hai chữ "thầy Tô" được đặt cho thầy Khuê, cả lớp nhìn nhau nín cười. Ðến khi thầy cho phép ngồi xuống, không nhịn được nữa, cả lớp cười bò như bầy ong vỡ tổ. Thầy Khuê đứng trên bục giảng hơi ngạc nhiên nhìn đám học trò đang cười rũ rượi bên dưới, thầy cũng cười rồi bảo: "Các em im lặng. Hôm nay chúng ta sẽ học bài. Các em chuẩn bị ghi chép bài."
Nhiều anh bạn lớp tôi khi nhắc đến thầy Khuê cũng đồng ý là thầy có giọng nói giảng bài nghe như là thầy đang hát một bài hát.
Thầy Khuê thường vào lớp với cái cặp to căng phồng nhưng tôi để ý là chẳng khi nào thầy mở cái cặp đó ra. Thầy giảng bài không thấy dùng sách vở nào cả, đứng trước bàn giáo sư, thao thao bất tuyệt, khá nhanh cho học sinh ghi chép, mỗi bài giảng của thầy chúng tôi phải ghi khoảng 4 hay 5 trang giấy. Nhiều anh cũng như tôi không ghi kịp, anh L.B.H. ngồi cạnh tôi ghi bài của thầy giảng giống như viết tiếng ...Tàu. Anh nói với tôi là dùng phương pháp ghi tốc ký mới kịp với lời thầy giảng.
Tôi cũng thích nghịch ngợm, chờ cho thầy giảng độ hơn hai trang giấy thì giả bộ đưa tay lên xin phép thầy giảng lại từ đầu. Thầy Khuê thản nhiên đọc lại hai trang, có khi hơn hai trang giấy học trò chi chít chữ, không sai một dấu chấm câu, xuống hàng hay sót một dấu phết. Chúng tôi rất phục thầy. Nay chúng ta mới tìm ra thầy Khuê kính mến trong một căn nhà nhỏ ngõ hẻm ở Việt Nam, thầy nay tóc đã có nhiều sợi bạc màu nhưng lòng kính trọng của học sinh HNC đối với thầy cũng như tất cả các thầy cô khác của trường Hồ ngọc Cẩn vẫn không thay đổi mà còn nhiều hơn trước.
Anh cựu học sinh HNC nào có dịp về VN hãy ghé thăm thầy Khuê, cô Dung, cùng các Cô, Thầy hiện còn tại quê nhà, để thầy trò hàn huyên nhắc lại chuyện đời học sinh Trung Học Hồ Ngọc Cẩn có nhiều kỷ niệm thơ ngây ngày đó.
Bùi Văn Toàn (HNC 64-71)
2001
Trong danh sách giáo sư của trường HNC không ai có tên là thầy Tô. Thầy Tô là biệt hiệu ngộ nghĩnh của học trò tinh nghịch chúng tôi đặt cho thầy Lê xuân Khuê dạy môn vạn vật, sử, địa của trường HNC.
Tại sao thầy Khuê lại có biệt hiệu đó? Mời qúi vị xem trích đoạn một bài giảng của thầy Khuê về đời sống côn trùng loài có cánh, loài Ong, như sau :
"...Một buổi sáng mùa xuân tiết trời ấm áp, ong chúa là con ong cái duy nhất của tổ ong vụt bay lên bầu trời trong xanh, một bầy ong đực bay theo. Con ong đực nào khỏe nhất sẽ bắt kịp ong chúa và chúng nó Tô nhau."
Học sinh lớp 6 hay lớp 7 (đệ Thất hay đệ Lục) gì đó nghe đến đây ngơ ngác nhìn nhau thầm hỏi Tô là gì? Có anh mạnh dạn giơ tay, được thầy cho phép đứng lên hỏi: "Thưa thầy 'Tô' là gì ạ?" Thầy trả lời: "Các em cứ viết như vậy, làm bài kiểm cũng viết như thế, đừng hỏi."
Chúng tôi nghe vậy cũng còn ấm ức lắm. Tiếng Việt chỉ có tô màu, tô son, làm gì có tô nhau. Giờ ra chơi chúng tôi có dịp bàn tán về 2 chữ bí ẩn đó nhưng không ai biết.
Một ngày kia, gần tới giờ thầy Khuê vào lớp dạy học, một anh học sinh có tiếng là láu lỉnh trong lớp ngồi bàn đầu ra cửa trông chừng, vừa thấy bóng thầy Khuê đang đi về phía lớp học, anh ta chợt la to: "Thầy Tô đến!" Cả lớp đứng dậy chào thầy. Chúng tôi lục tục đứng dậy để chào thầy mà trong lòng ai nấy đang buồn cười vì hai chữ "thầy Tô" được đặt cho thầy Khuê, cả lớp nhìn nhau nín cười. Ðến khi thầy cho phép ngồi xuống, không nhịn được nữa, cả lớp cười bò như bầy ong vỡ tổ. Thầy Khuê đứng trên bục giảng hơi ngạc nhiên nhìn đám học trò đang cười rũ rượi bên dưới, thầy cũng cười rồi bảo: "Các em im lặng. Hôm nay chúng ta sẽ học bài. Các em chuẩn bị ghi chép bài."
Nhiều anh bạn lớp tôi khi nhắc đến thầy Khuê cũng đồng ý là thầy có giọng nói giảng bài nghe như là thầy đang hát một bài hát.
Thầy Khuê thường vào lớp với cái cặp to căng phồng nhưng tôi để ý là chẳng khi nào thầy mở cái cặp đó ra. Thầy giảng bài không thấy dùng sách vở nào cả, đứng trước bàn giáo sư, thao thao bất tuyệt, khá nhanh cho học sinh ghi chép, mỗi bài giảng của thầy chúng tôi phải ghi khoảng 4 hay 5 trang giấy. Nhiều anh cũng như tôi không ghi kịp, anh L.B.H. ngồi cạnh tôi ghi bài của thầy giảng giống như viết tiếng ...Tàu. Anh nói với tôi là dùng phương pháp ghi tốc ký mới kịp với lời thầy giảng.
Tôi cũng thích nghịch ngợm, chờ cho thầy giảng độ hơn hai trang giấy thì giả bộ đưa tay lên xin phép thầy giảng lại từ đầu. Thầy Khuê thản nhiên đọc lại hai trang, có khi hơn hai trang giấy học trò chi chít chữ, không sai một dấu chấm câu, xuống hàng hay sót một dấu phết. Chúng tôi rất phục thầy. Nay chúng ta mới tìm ra thầy Khuê kính mến trong một căn nhà nhỏ ngõ hẻm ở Việt Nam, thầy nay tóc đã có nhiều sợi bạc màu nhưng lòng kính trọng của học sinh HNC đối với thầy cũng như tất cả các thầy cô khác của trường Hồ ngọc Cẩn vẫn không thay đổi mà còn nhiều hơn trước.
Anh cựu học sinh HNC nào có dịp về VN hãy ghé thăm thầy Khuê, cô Dung, cùng các Cô, Thầy hiện còn tại quê nhà, để thầy trò hàn huyên nhắc lại chuyện đời học sinh Trung Học Hồ Ngọc Cẩn có nhiều kỷ niệm thơ ngây ngày đó.
Bùi Văn Toàn (HNC 64-71)
2001