Vào thập niên 80 khi vừa ra tù cải tạo và cùng gia đình vượt biên tới Thái Lan, Thần Báo có duyên may được mục kích tập thơ từ sau bức màn sắt của người tù chính trị Nguyễn Chí Thiện gởi lọt ra hải ngoại. Lướt nhìn qua tập thơ của người tù khốn khổ, Thần Báo bùi ngùi thương cảm và biết ơn tác giả, vì trong những bài thơ ấy chan chứa tình yêu của con người trọn vẹn, tình nhà tình nước chết chưa hết tình:
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất đảng
Đội lại khăn tang
Đêm tàn ngay rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa
Kẻ bạo lực xô chân
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng tiến quân ca
Và quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la.
Bài thơ Nguyễn Chí Thiện quả là một Ca Khúc Khải Hoàn của chiến sĩ và đồng bào song phương bạn và địch "về với miếu đường mồ mả gia tiên." Những người cộng sản cũng như người quốc gia, toàn quân từ bỏ phương tiện đấu tranh, tạ tội trước Bàn Thờ Tổ của Làng Xã Việt – một biểu tượng tâm linh sâu vững nhất trong đại cuộc kết hợp toàn dân, hòa hợp hòa giải hai miền Nam Bắc, xóa bỏ những hận thù, những ngăn cách, những phân chia chiến tuyến quốc cộng – để cùng nhau xum hợp và dựng lại Kỳ Đài Bách Việt. Và phải có được Tình Yêu như thế, chúng ta mới xứng đáng được làm Con Cháu Việt, con cháu của Tổ Tiên dòng giống Tiên Rồng siêu việt.
Bài thơ trên cũng là một Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam sau cuộc chiến “huynh đệ tương tàn – nồi da xáo thịt” tiến đến kết thúc để bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới nhằm mang lại ơn ích, mang lại ấm no hạnh phúc, an bình và thịnh vượng cho dân tộc hầu theo kịp tiến trình phát triển chung của nhân loại.
Chiến tranh đã qua, chẳng những toàn dân đánh đuổi giặc nước mà mỗi người còn tự dẹp tan mọi thứ giặc trong chính bản thân mình. Các chướng ngại quốc cộng được đánh tan, với những kinh nghiệm tuyệt hảo, với niềm tin chan chứa, và với sức sống tràn đầy, giờ đây trước Bàn Thờ Tổ, khối người toàn hiệp (hiệp nhất và toàn hảo) đem trọn tâm sức cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới. Với cuộc sống phát xuất từ tâm khảm của những con người thấm nhuần tinh hoa nhân bản, và từng trải qua kinh nghiệm đau thương của chiến tranh. Toàn Dân Việt Nam sẽ hiên ngang bước vào một kỷ nguyên của một xã hội tràn đầy tình yêu và hạnh phúc làm người.
Và bài thơ trên cũng còn là một dấu chỉ của Con Cháu Tiên Rồng trưởng thành khi ta biết yêu, biết sống, biết cư xử trong mối tương quan song phương hai chiều – người cộng sản và người quốc gia – trong một Xã Hội Đồng Bào. Anh Em Một Bọc, sẵn sàng chết cho nhau và mãi mãi có nhau.
1. Tình Yêu và Con Người
Không tình yêu con người không thể sống. Trong tình yêu con người vẫn sống. Tình yêu quyết định sự sống con người. Có tình yêu đời sống con người mới thật là sống, biết sống, quý trọng sự sống.
Tình yêu chỉ đến với những ai biết yêu trọn vẹn, yêu với trọn chính mình, yêu với người mình yêu, yêu với nơi mình sống yêu.
Người tây phương thường lặp đi lặp lại Chân Thiện Mỹ như là ba tuyệt đối. Họ bỏ quên một tuyệt đối quan trọng khác là Tình.
Mỹ chú trọng tới thể chất, Chân thuộc phần trí khôn, và Thiện nối kết con người với phần siêu linh. Nhưng vì thiếu Tình, không chú trọng đúng mức đến Tình, cho nên không thể có nếp sống đạt được Thiện. Đây là nguyên nhân làm cho xã hội phương tây phải lặn ngụp trong những bế tắc của vật chất hạn hẹp và của suy luận hàm hồ. Bởi thế khi thiếu Tình con người không được sống trọn vẹn là người.
Thế giới, đặc biệt phương tây ngày nay đang hồi tỉnh qua cơn cuồng say với những tiến bộ của nền kỹ thuật vật lý và hóa học.
Khi chỉ căn cứ trên vật lý, hóa học, y khoa, khảo cổ là các ngành khảo cứu hoàn toàn dựa trên vật chất vô thức, vô tình thì Thần Báo xin hỏi khoa học làm sao có thể vượt lên khỏi thế giới vật chất?
Vậy mà ảo giác đỉnh cao trí tuệ của giới học thức tây phương đã say mê thành quả đến nỗi cho rằng những khám phá là những sáng tạo. Sự cuồng si đến độ họ quyết đoán rằng chỉ có vật chất là nền tảng, là cương vực của con người và của cả vũ trụ. Nếu như thế có khác gì người nghiện rượu quả quyết rằng thế giới không có gì giải khát con người hơn rượu; hoặc như con ốc quen sống dưới đáy biển khẳng định là không thể có sự sống ngoài vùng biển nước bao la. Quả là tai hại!
Văn minh vật chất nhận chìm tâm hồn con người trong máy móc cơ xưởng, trong rộn ràng của phương tiện truyền thông, trong chật vật của mưu tìm sinh kế. Và bởi thế xã hội biến con người thành những bộ máy hay những con vật phản xạ có điều kiện.
Chủ thuyết, chủ nghĩa, thể chế… chối bỏ tình yêu, khinh thường tình yêu, nhận chìm hoặc giết chết tình yêu trong tâm hồn con người. Họ lấy những phản ứng, những cách sống được khảo sát từ trên súc vật để biện minh và dùng làm khuôn mẫu cho con người và xã hội.
Khi quan niệm con người là con thú tiến bộ, hay là sinh vật kinh tế, tiêu thụ, khi nhìn nhận con người với một số đặc tính mà chối bỏ những đặc tính khác… khi chủ trương con người đối xử bằng đấu tranh, hận thù… thì sao con người có được hạnh phúc an vui?
Xã hội con người, từ đó phải noi theo những thử nghiệm của loài thú mà sống, mà cư xử, mà giao tiếp nam nữ... đấu tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua… áp bức, bất công… xin hỏi có khác chi con người đối xử như “ác thú đấu tranh” của cộng sản hay tư bản, chớ nào phải kiếp người? Không tâm hồn, không tình yêu con người trở thành ác thú tàn bạo nhất.
2. Yêu người - yêu nước
Nhiều ca dao tục ngữ tình tứ đã tràn ngập trong xã hội Việt và phản ảnh quan niệm sống yêu của dân tộc Việt.
Trong suốt dòng lịch sử, Tổ Tiên chưa bao giờ coi thường tình yêu, hay ép buộc tình yêu nam nữ. Ngay trong sử sách của người Hoa cũng ghi nhận cách sống đặc biệt của dân tộc Việt, nhưng dù sao họ cũng thêm bớt nhằm mục đích tuyên truyền trong mưu đồ xâm lăng của họ.
Khiếm khuyết tình yêu, giới trí thức Tống nho cố tình ngụy tạo ra một xã hội Việt đồng hóa với văn hóa Hán. Tiếp đến giới phục vụ tây học, các phong trào văn học của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 tới nay truyền bá tư tưởng tự do. Đang khi các nhà văn học phải biết rằng điều kiện của Tự Do là Tự Chủ. Điều kiện của Tự Chủ là Tự Quyết, tức quyền tự mình quyết định. Điều kiện của Tự Quyết là Khả Năng Nhận Định và Ý Thức Trách Nhiệm... Mặt khác, họ lại tuyên truyền xuyên tạc bóp méo tư tưởng dân tộc, nếp sống thuần phong mỹ tục Làng Nước bằng những hủ tục ở thời suy thoái. Âm mưu này muốn người Việt tin rằng mình thuộc gốc Hoa, nhưng chính người Hoa thì không bao giờ coi người Việt là Hoa.
a. Văn hóa Việt khác biệt với Tống Nho
Cần phân biệt giữa lớp người theo Khổng học với đại đa số dân chúng Việt. Đã bao thời người ta chỉ căn cứ vào sách vở, sáo ngữ của thiểu số người theo Khổng học mà gán ghép những tục lệ hủ lậu vào cho toàn thể dân tộc Việt. Và cũng bởi đó, lịch sử gây nhiều hiểu lầm, tranh chấp và tạo ra một hình ảnh một xã hội Việt khiếm khuyết tình yêu.
Lịch sử minh xác rằng đại đa số dân Việt có một nếp sống riêng, khác biệt với nhiều điều thường thấy trong tài liệu sách vở. Sở dĩ có tình trạng này, vì xã hội Việt thời ấy gồm hai hạng người: hạng biết chữ và hạng không biết chữ.
Hạng biết chữ là những người học chữ nho, đọc tài liệu sách vở người Hoa và theo Khổng học. Đang khi hạng không biết chữ, không biết đọc biết viết… nhưng lại biết sống theo truyền thống và đạo sống Tổ Tiên mình.
Với sự phức tạp đó, hạng không biết chữ chiếm hơn 95% dân số. Nhưng 95% dân chúng sống theo tình yêu, phong tục và niềm tin riêng… thì lại không được biết đến bằng hạng 5% biết đọc biết viết, và biết ghi chép thành sách vở.
Giờ đây chúng ta chỉ căn cứ vào tài liệu sách vở thì chỉ được biết nếp sống dân Việt 5% và bởi thế đã có nhận định sai lầm về văn hóa Việt.
Rồi vào đầu thế kỷ hai mươi, phong trào lưu cổ tận tình cổ võ cho văn hóa phương tây. Chủ trương là phải triệt hạ uy tín của các tầng lớp sĩ phu Việt đang lãnh đạo toàn dân chống thực dân Pháp. Nhiều người, có thể nói rằng nhóm văn học điêu ngoa đả phá những tệ đoan của giới học thức khuôn rập Tống nho, rồi lầm tưởng là toàn thể dân tộc Việt. Cái quái ác của thời cận đại vẫn còn di hại trong nhiều thế hệ cho tới hôm nay, và nhiều kẻ nhắm mắt nói hùa theo cộng sản rằng “vua quan ta phong kiến!”
Dĩ nhiên ở thời suy thoái, xã hội lại càng có nhiều tệ đoan cần phải sửa chữa. Nhưng bởi đã không phân biệt rõ ràng giữa hai vấn đề xã hội: đâu là thiểu số và đâu là văn hóa dân tộc; cho nên, các trào lưu văn học tiếp tay với thực dân Pháp, cộng sản và tư bản tiêu diệt, hủy hoại tinh thần nhiều thế hệ người Việt Nam. Chủ trương này lại được đảng Cộng Sản VN khai thác triệt để nhằm bảo vệ chế độ cầm quyền thêm danh nghĩa trường tồn.
b. Sáo ngữ và tác hại
Lố bịch khi họ dùng sáo ngữ: gái phải tam tòng, môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nam nữ thọ thọ bất thân… gán ghép cho xã hội Việt đã cưỡng chế, gò bó tình yêu. Trong Đoạn Tuyệt, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khi phê phán bà mẹ chồng của Mai với những sáo ngữ. Sáo ngữ đó có thể đúng với 5% dân số khuôn rập Tống nho, nhưng Thần Báo xin hỏi đã lấy gì làm bằng chứng mà gán ghép một cách vô lý cho toàn thể dân Việt.
- Gái phải tam tòng. Theo Khổng học, hễ sinh ra làm kiếp phụ nữ thì phải tam tòng, tức là phải sống dưới quyền quyết định của cha, của chồng và của cả thằng con trai mà bà đẻ ra. Nhưng trong xã hội Việt không có những quái đản đó. Nhiều người Việt, cả đàn ông lẫn đàn bà, thích có con trai. Nhưng không phải vì vậy mà khinh chê con gái. Trái lại cha mẹ Việt thương yêu và chiều chuộng con gái hơn con trai. Ca dao Việt Nam: "Trai mà chi, gái mà chi? Con nào có nghĩa, có nghì thì hơn.”
- Môn đăng hộ đối. Hễ làm cha mẹ, thì cha mẹ nào mà chẳng muốn con cái mình được xứng đôi vừa lứa? Nhưng xin hỏi rằng môn đăng hộ đối là gì đối với hạng 95% dân số không biết chữ, lại vừa đang phải lo cơm ngày ba bữa trong cảnh cày sâu cuốc bẫm.
- Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Với 95% dân số sống ở thôn xóm làng mạc, có cùng một chế độ bình sản, mức sống như nhau thì còn được bao chỗ nữa mà đặt.
- Nam nữ thọ thọ bất thân. 95% trai gái hằng ngày gặp gỡ nhau trong cùng thôn làng, đầu đường cuối ngõ, trên sông ngoài ruộng… cấy cày gặt hái có nhau, đạp lúa giã gạo, đi chùa đi lễ, hội hè đình đám… sao lại cứ nói chưa hề gặp mặt? Chưa hề biết nhau? Chưa hề yêu nhau?
c. Vấn đề tình dục
Trước đây nhiều xã hội và trào lưu phương đông và tây đều chủ trương tình dục là điều cấm kỵ, và cấm đoán trong việc gọi đích danh những cơ quan của con người. Nhưng đại chúng Việt đã không e ngại mà còn dùng những từ ngữ chỉ cơ quan sinh dục đặt tên cho con cho cháu; hơn thế nữa lại gọi tên chúng một cách tự nhiên, không mặc cảm.
Ngoài ra những câu đố, những chuyện vui cười, những ca dao tục ngữ cũng đề cập tới khía cạnh tình dục một cách thi vị mà không có hậu ý. Tuy nhiên người Việt cũng không chấp nhận sự lố lăng và lối sống thú vật của những trào lưu phương tây. Bởi vì chính nó đã hạ thấp nếp sống và phẩm giá của con người.
Từ đó, che dấu hoặc lộ liễu quá đáng đều là những khiếm khuyết đối với người Việt.
d. Tục ở Rể
Để chuẩn bị cho hôn nhân, người Việt có tục ở rể trước khi cưới; chưa cưới nhưng chàng đã tới ở chung trong nhà. Thói tục này khác biệt với quan niệm nam nữ cách biệt (thọ thọ bất thân) và tới ngày cưới cũng chưa thấy mặt của người Hoa.
Với nếp sống làng xã, tục ở rể không cần thiết cho đôi tình nhân gặp gỡ nhau. Nhưng đây là một phương thức tuyệt hảo giúp cho gia đình nhà gái tìm hiểu cá tính của chàng rể tương lai. Sau thời gian sinh hoạt cận kề, dầu chàng trai có mưu đồ thì gia đình nhà gái cũng phát hiện tính nết và phẩm hạnh nơi chàng. Nhờ đó mà những vị làm cha làm mẹ sẵn có kinh nghiệm có thể thẩm định tầm hạnh phúc nhân duyên suốt đời của con cháu mình.
Tục ở rể cũng là dịp ngàn vàng để giúp chàng và nàng tìm hiểu nhau, chấp nhận cho nhau, yêu nhau trước khi quyết định để tiến tới hôn nhân mà sống chung với nhau.
- Chấp Nhận và Cảm Thông. Dầu bất cứ hoàn cảnh hay vì lý do gì mà đôi nam nữ gặp nhau, ngay cả những cảnh ngộ ngỡ ngàng hay có cuộc sống khác biệt… nếu hai người biết chấp nhận cho nhau, biết thực tâm tìm hiểu lẫn nhau, và biết cảm thông… thì cuộc tình đó mới hạnh phúc, và mỗi ngày tăng trưởng thêm hạnh phúc.
Nhưng ngược lại, cuộc tình dầu có được khởi sự tốt đẹp mà mỗi người cứ tự đóng khung trong ốc đảo, càng ngày lại càng xây thêm tường ngăn cách… thì chỉ đổ vỡ, đắng cay.
- Trọn Vẹn Cho Nhau. Khi yêu nhau vợ chồng phải ứng dụng nguyên tắc nhận thực chính mình vào cuộc sống hằng ngày; chỉ thấy con người và là con người trọn vẹn; chớ không vì tài sắc; gái tham tài trai tham sắc như bao xã hội đương đại. Hơn thế nữa vợ chồng phải biết dùng tài năng và của cải để giúp cho nhau thăng tiến trong cuộc sống lứa đôi, nhằm chung hưởng cuộc sống và kết hai cuộc sống thành một cho dù bất cứ hoàn cảnh nào.
Chấp nhận cho nhau, không vì bất cứ lý do gì mà lìa nhau. Sẵn sàng chết cho nhau và mãi mãi có nhau. Khi vợ chồng đối xử với nhau như vậy thì Tình Yêu mới thực sự trọn vẹn, cuộc sống mới mỗi ngày một thêm hạnh phúc, và bền vững bên nhau.
3. Kết luận
Bài thơ Nguyễn Chí Thiện có thể nói là một Kết Hợp Tâm Hồn Dân Tộc. Đây chính là bản ca tụng tuyệt vời cho Tình Yêu. Hễ là con người, dù là bạn hay địch, chỉ toại nguyện khi được yêu thương. Con người sẵn sàng đợi chờ, khắc khoải, chịu gọt dũa miệt mài, chịu khổ nhục đắng cay, cũng chỉ để được giây phút kết hợp tâm tình trước Bàn Thờ Tổ. Và khi gặp nhau, người quốc gia và người cộng sản chỉ một giọt nước mắt cho nhau hơn vạn lần lời xin lỗi… những quá khứ khổ đau, những năm tháng đợi chờ ngày đoàn viên với Ca Khúc Khải Hoàn này cũng vụt tan biến.
Tình Yêu Dân Nước, và điểm tối hậu của Tình Yêu là Kết Hợp Toàn Dân.
Hihihi....Cám ơn anh linhgia 3G đã qua tận bên D/Đ LVD nhắn tin cho OTGH Cám ơn sư wuynh Phu De thật nhiều nghen ...Sư wuynh đâu cần phải gửi quà mà ! Sẽ liên lạc với ông Ba Mươi sau để nhận ....
"Cái răng, cái tóc là gốc con người", tôi nghĩ chúng ta ai cũng công nhận "chân lý" bất di bất dịch này. Thử tưởng tượng 4 đại mỹ nhân của Trung Hoa như Bao Tự, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền và Tây Thi mà không có cọng tóc nào trên đầu thì có còn được truyền tụng là mỹ nhân không. Lan trong "Hồn bướm mơ tiên" của Khái Hưng nếu không có chiếc khăn che đầu thay cho mái tóc thì liệu anh chàng sinh viên Ngọc có mê tít thò lò, một hai rù quyến cô nàng phải hoàn tục không. (Nếu tôi trích dẫn sai thì cũng không có gì quan trọng, tôi chỉ muốn nêu lên khía cạnh đẹp của mái tóc trong nhan sắc của phụ nữ mà thôi). Từ ngàn xưa cho đến bây giờ, các văn nhân, thi sĩ đều xem mái tóc như một nét mỹ miều của người phụ nữ. Không biết cơ man nào là giấy mực đã mô tả suối tóc huyền mơ, những sợi tóc thênh thang như mây trời. Ca nhạc Việt Nam trữ tình lãng mạn thì hầu như bài nào cũng đề cập đến mái tóc của người yêu, của người em gái thơ ngây vô số tội. Chẳng hạn như Chiều Tím của nhạc sĩ Đan Thọ:
Chiều tím, chiều nhớ thương ai
Người em tóc dài
Sầu trên phím đàn
Tình vương không gian
Mây bay quan san
Có hay...
Hay nhạc sĩ Từ công Phụng với ca khúc: "Mãi mãi bên em":
Bờ vai ngoan hương tóc xỏa buông mềm
Để dạt dào như giòng suối vây quanh...
Này em ơi, đừng dấu buồn phiền trong mắt sâu
Đừng dấu bàn tay trong tóc mây
Từng ngày dài hồn anh mãi tương tư...
Hay trong nhạc phẩm "Vì sao em buồn" mà tôi quên mất tiêu tên nhạc sĩ sáng tác:
Vì sao em buồn mây vương suối tóc
Vì sao em buồn nắng nhạt màu trôi...
Trong chúng ta chắc đã lắm người từng mềm lòng ngắm những mái tóc thề buông lơi đến tận lưng ong của những thiếu nữ tuổi dậy thì lúc tan trường về tà áo dài tha thướt tung bay trong nắng nhạt hoàng hôn. Tóc không những được nữ phái nâng niu mà mái tóc bồng bềnh phiêu lãng của các thi sĩ trong trường phái lãng mạn của Pháp như Lamartine như Musset cũng đã một thời được các chàng trai Việt ưa chuộng. Thanh niên o bế mái tóc cho gợn sóng lăn tăn, cho bồng bềnh trong gió, thậm chí còn cho lòa xòa che phủ vầng trán thông minh. Mãi cho đến lúc tài tử màn bạc Yul Brynner cho ra lò cái đầu trọc tếu trong phim "The King and I" bấy giờ mái tóc của các chàng trai mới rẽ sang một bước ngoặt quan trọng và cho đến ngày nay, khi tay vợt Agassi từ bỏ mái tóc dài của thiếu nữ, ra sân quần vợt với đầu tóc sư cụ thì tóc mất hẳn tính ưu việt trong nhan sắc của phái nam.
Ngược giòng thời gian về lại đầu thế kỷ thứ hai mượi, cậu bé Việt Nam tóc húi cua (do từ chữ "court" tiếng Pháp có nghĩa là ngắn) ngồi ngay thẳng trước bàn học chứ không còn nằm bò ra như các học trò của các cụ đồ Nho thuở xa xưa, bấy giờ cậu ta bỏ cái đầu tóc để chừa 3 cái vá, bỏ Hán tự để học tiếng Tây. Không còn ê a như chú tiểu niệm kinh lúc học "Nhất thiên tự": Thiên trời, địa đất, cữ cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa, cự cựa, nha răng.v.v... Bây giờ cậu bé Việt Nam học tiếng Pha Lang Sa. Ai trong chúng ta đã từng học tiếng Pháp thì không thể nào không biết câu: "Ma soeur, chị tôi, long dài, mou mềm." Chỉ cần ghép ba tiếng Tây và nghĩa tiếng Việt của ba tiếng này là có ngay được một câu hay không thể nào chê được. Hay như rứa thì thôi! Tôi nghĩ phải vinh danh anh chàng nào đã sáng tạo ra "bài học" ngữ vựng tuyệt vời này mới được. Học tiếng Tây mà như thế thì tuyệt cú mèo, vừa hấp dẫn lại vừa dễ hiểu, dễ thuộc. Dù cậu bé có ê a đọc làu làu như thế, đọc vang cả nhà như vậy thì bà chị hay ông bố hay bà mẹ ngồi nghe cũng đành chịu thua mà không trách mắng gì được vì chữ nghĩa rành rành ra đấy chứ có phịa tí ti nào đâu. Thằng bé ngây thơ học tiếng Tây một cách vô tội vạ mà người lớn vì đầu óc ma bùn nên mới nghĩ xiêng xẹo, ấm ớ, chứ nói có sách mách có chứng thì làm sao mà sai được.
Đấy tiếng Tây và tiếng Ta có những tiếng đồng âm ghê gớm như thế đó. "Mou" và mu, "long" và lông, đồng âm mà khác nghĩa một trời một vực. Tiếng Tây còn có một chữ nữa đồng âm với tiếng mẹ đẻ của ta, hay và ý nghĩa vô cùng. Đấy là chữ "cheveu" và chữ "sợ vợ". Tôi cho là hay và thâm thúy vì ngoài cái sự đồng âm ra thì cái nghĩa của chữ "cheveu" còn có nhiều liên quan mật thiết với chữ "sợ vợ". Này nhé: "Le cheveu" có phải là tóc không? "Cheveu" đồng âm với "sợ vợ" có đúng không nào? Và anh chồng nào mà sợ vợ thì trong cuộc sống lứa đôi trăm năm hạnh phúc làm sao tránh khỏi có đôi lần bị vợ nắm tóc kéo. Vậy sợ vợ phải liên quan đến tóc. Do đó mà "Le cheveu" tức là anh chồng sợ vợ đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ còn chối cãi làm răng được bây chừ.
Tôi xin đưa ra thêm một bằng chứng cụ thể nữa về mối liên quan giữa tóc và "đức tính" sợ vợ:
Có nhiều giải thích về cái đầu hói của liền ông: Giới y khoa đưa ra rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do vấn đề "sex". Những ông nào có cuộc sống tình dục mạnh thì phần nhiều đều bị chứng bệnh hói tóc. Giải thích theo kinh nghiệm thực tế không có một mảy may tính chất khoa học nhưng rất hợp lý và đúng theo nghiên cứu khoa học là như ri: Những ông chồng rất mạnh về "sex" được vợ xoa đầu khen giỏi, khen hay nên tóc trên đầu lần hồi bị rụng hết nên hói nguyên cả đầu. Quý phu quân nào khá mạnh về "sex" thường được phu nhân vỗ đầu khen và khuyến khích cố gắng thêm nữa, thế là lần hồi tóc trên đỉnh đầu bị rụng, sinh ra hói trên đỉnh đầu. Quý vị liền ông nào sức thì không bao lăm nhưng mà muốn làm vừa lòng vợ nên cố gắng hết mình để "trả bài", dù không thuộc bài làu làu nhưng mà có cố gắng nên được vợ xỉa tay vào trán mắng yêu: "Này, nghèo mà ham lắm!" Vì cứ bị xỉa ngón tay vào trán nên lâu dần tóc trước trán bị rụng mất tiêu do đó mà sinh ra hói trán.
Đấy, giải thích như vậy có phải là vấn đề sợ vợ liên quan đến tóc trên đầu của phe phái đàn ông không. Nếu không sợ vợ sao lại để vợ xỉa tay vào trán, lại xoa đầu, vỗ đầu khen hay, khen giỏi. Đàn bà rất ít người bị hói vì họ thường bị động trong vấn đề tình dục. Chỉ có đàn ông chúng ta là hăm hở, ham hố, chủ động trong vấn đề ái ân nên bị Trời đày đọa cho mang bệnh hói tóc và vì thế mà ông nào đầu hói cũng e thẹn sợ người ta biết mình đam mê tình dục nên bằng mọị cách phải làm cho tóc mọc trở lại, như uống thuốc, bôi thuốc "thoa đâu mọc đấy" hoặc cấy tóc trên đầu hay mang tóc giả như mấy ông quan tòa thời xa xưa bên Âu Châu.
Nói đến loại thuốc được quảng cáo thoa đâu mọc đấy, tôi bỗng nhớ thời gian tôi vượt biên không thành công bị tù, giam trong trại tù của tỉnh Sóc Trăng. Lúc bấy giờ trong phòng giam của tụi tôi có một anh chàng trung úy VC nguyên là trưởng trại giam này nhưng bị nhốt vào tù vì bị nghi là chủ chốt tổ chức vượt biên. Tuy bị giam nhưng anh ta là một thứ "tù cha" vì các bò vàng trong trại trước đây là thuộc hạ của anh ta nên đối xử với anh ta vẫn còn tình nghĩa thầy trò. Anh chàng trung úy này không biết mua được ở đâu một chai thuốc thoa đâu mọc đấy. Ngày nào anh ta cũng bắt một ông họa sĩ (cũng bị giam vị tội vượt biên) dùng bút lông nhúng vào thuốc mọc lông vẽ trên mặt ông ta một bộ râu quai nón thật đẹp. Ngày nào ông họa sĩ cũng o bế tô lui tô tới bộ râu quai nón cho anh chàng trung úy. Phải công nhận bộ râu quai nón do ông họa sĩ vẽ trông thật đẹp và oai hùng, tôi nghĩ chắc cũng không thua gì "Râu hùm hàm én" của Từ Hải.
Ngày nào cũng tô, cũng vẽ, dùng hết chai thuốc mà mặt anh chàng cựu trung úy VC vẫn nhẳn thin, mặt trơ, trán bóng chẳng thấy ló ra được một cọng râu nào khiến anh ta chửi thề luôn miệng là mua nhằm thuốc dổm. Tuy bị tù đày nhưng những lúc thấy anh chàng cựu bò vàng này tức giận vì bị lừa bip, chúng tôi cũng tìm được những giây phút tâm hồn thoải mái, vui với một niềm vui nhỏ bé. Tôi thầm nghĩ thằng công an này chắc cũng thuộc loại "cheveu" nên mới mong có được bộ râu quai nón để lòe đời rằng ta là anh hùng chẳng bao giờ biết sợ vợ, rằng ta là "chồng chúa, vợ tôi."
Nhắc đến tình trạng "chồng chúa, vợ tôi", không thể nào quên được hoạt cảnh gia đình "Nước mắm chưa hâm" sau đây:
Một anh chàng sợ vợ nổi tiếng trong làng, một hôm kính cẩn thưa với vợ rằng: bấy lâu nay anh thủ phận hiền phu, trong nhà ngoài ngõ ai cũng biết rõ đức tính sợ vợ của anh và đã tôn anh làm giáo chủ đạo "Thờ Bà". Bây giờ em chịu khó cho anh vùng lên một lần bằng cách để anh mời bạn bè, bà con thân thuộc đến ăn nhậu lai rai rồi anh đóng vai "chồng chúa" và em thủ vai "vợ tôi" hiền thục để cho trong làng biết rằng chí khí nam nhi của anh cũng cao vời vợi chứ không phải chỉ đựng đầy một cái lá đa. Sau màn trình diễn này, anh bảo đảm là cả anh lẫn em đều được hãnh diện và được bà con lối xóm ngợi khen. Anh chỉ xin được một lần này thôi sau đó thì tất cả lại trở về nếp sống gia đình cũ xưa. Cô vợ nghe ra cũng bùi tai thế là chấp thuận cho anh chồng đóng vai anh hùng không sợ vợ. Hôm tiệc tùng đãi bạn bè, anh chồng đã lên nước, hoạnh họe đủ điều và chị vợ cắn răng phục tùng, bụng bảo dạ khi khách khứa ra về thì mày biết tay tao. Đến lúc chị vợ mang chén nước mắm vào bàn tiệc, anh chồng ghé đủa nhúng vào chén nước mắm, đưa lên miệng nếm thử và phùng mang trợn mắt thét:
"Nước mắm chưa hâm như thế này mà dám mang lên à? Đem xuống bếp hâm lại đi!"
Đến đây thì sức chịu đựng nhẫn nhục của chị vợ đã cạn láng. Chị ta cầm chén nước mắm, nghiến chặt răng tạt vào mặt chồng: "Này, nước mắm chưa hâm, này, chưa hâm này! Bà nực lắm rồi, không thể chịu đựng được nữa!"
Quý ông không sợ vợ, hãy coi chừng nhé! Một ngày đẹp trời nào đó sẽ thấy vợ vùng lên làm cuộc cách mạng mùa Thu và các bà ăn hiếp chồng cũng đừng vội mừng vì chồng mình cũng có thể vùng lên tương tự như thế đó!
Câu chuyện sư tử Hà Đông do bài thơ của thi sĩ Tô Đông Pha viết tặng ông bạn Trần Quý Thường mô tả cảnh ông đánh rơi cây gậy lúc nghe tiếng thét của vợ chắc không mấy ai là không biết vì con sư tử Hà Đông này đã trở thành biểu tượng của người đàn bà ăn hiếp chồng. Trong gia đình mà có một sư tử Hà Đông thì lắm lúc bực mình thật nhưng cũng thật vui mắt vì con sư tử cái nào cũng đẹp, cũng lông lá um sùm, cũng mỹ miều trên phương diện thẩm mỹ. Hơn nữa, thế nào chả có lúc sư tử Hà Đông bỗng nhu mì, nhu mỉ, thu nanh, dấu vuốt để trở thành con mèo sơn móng đỏ "ngái ngủ trên tay anh". Đàn bà dù hung dữ bao nhiêu thì cũng có lúc yếu mềm, nhủn như con chi chi lúc ân ái đam mê mặn nồng vì đàn bà dầu sao thì cũng thuộc phái yếu.
Suy nghĩ cho cùng, trong một phạm vi nào đó, sợ vợ cũng là một đức tính cần thiết trong công cuộc bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong buổi đón dâu cho thằng con trai trưởng của tôi, tôi đã nửa đùa, nửa thật ứng khẩu bài diễn văn ngắn gọn sau đây:
"Con sắp bắt đầu cuộc sống lứa đôi, bố có một kinh nghiệm bản thân, hôm nay bố truyền lại cho con. Muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình con phải biết sợ vợ. Sợ vợ mới nên người... chồng tốt. Nhờ sợ vợ mà con lánh xa được tứ đổ tường, không bê tha rượu chè, cờ bạc, hút xách, trai gái. Đức tính sợ vợ là cái thắng cần thiết cho cái xe để tránh cảnh cái xe tuột dốc mà không có thắng và do đó sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình."
Dĩ nhiên là nhà gái đã vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt lời khuyên bảo vàng ngọc của tôi vì có lợi cho cô dâu và mang lại uy thế cùng can đảm cho cô dâu chân ướt chân ráo mới về nhà chồng. Lúc tôi đang đưa lời khuyên dạy con tôi thì tôi liếc mắt thấy bà chị họ của tôi nhăn mặt có vẻ không bằng lòng vì bà chị của tôi rất mực chìu chồng. Sau buổi tiệc cưới, chị tôi nói riêng với tôi rằng lời khuyên của tôi đã bắt thang cho con dâu ăn hiếp con trai của tôi. Sao lại dại dột như thế? Tôi chỉ biết cười trừ! May mắn thay, thằng con trai trưởng của tôi không biết sợ vợ nhưng hạnh phúc gia đình vẫn không có gì trở ngại vì nó biết xa lánh tứ đổ tường.
Cuộc loạn bàn về "Le cheveu" đến đây xin chấm dứt vì tóc của tôi đang dựng đứng lên sợ có người nắm xoắn vì đã nói nhăng nói cuội. Suy cho cùng, nghĩ cho tận, cái răng cái tóc là gốc con người nên thà có tóc còn hơn hói đầu bị người ta biết tỏng là mình ham "sex".
Tôi chỉ nói lung tung chứ nguyên nhân gây bệnh hói tóc như tôi trình bày theo kinh nghiệm nhân gian chưa chắc gì đã đúng. Vậy mong quý vị có mái tóc khiêm nhường đừng bận tâm suy nghĩ mất vui và cũng xin quý vị bỏ qua cho cái tội nói năng không khoa học kỹ thuật của tôi.
Phụ Đính: Sau đây là câu chuyện có thật 100% do bạn tôi kể lại cho tôi nghe sau khi đọc bài viết của tôi:
"Bạn nói rằng mấy anh chàng đầu hói là do "sex" mạnh, được vợ thưởng nên sinh ra sói đầu. Có thể lắm chứ! Câu chuyện của bạn làm tôi nhớ đến một câu chuyện tếu có thật mà tôi là người trong cuộc. Hồi đó vừa mới tốt nghiêp Sư Phạm, trong một kỳ chấm thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, buổi tối, chúng tôi, cơm nước xong, một nhóm giám khảo ngồi tán dóc trong sân trường có gió mát trăng thanh, câu chuyện đưa đẩy đến vấn đề "sex". Trong nhóm có một ông giáo già gần đến tuổi về hưu, có mái tóc thật khiêm nhường nếu không muốn nói là "hoi sắc". Tôi nhớ có anh bạn đã hỏi cụ giáo: Đã đến tuổi xấp xỉ lục tuần này chắc cụ đã nhiều phen xông trận, xin cụ kể cho chúng con vài kinh nghiệm để rộng đường kiến thức. Tôi nhỏ tuổi nhất trong nhóm nên đã láu táu hỏi cụ: Khi người đàn bà đạt đến đỉnh cao khoái lạc thì họ phản ứng như thế nào?
Cụ giáo già chịu chơi trả lời không e ngại, ngập ngừng: - "Nó cấu, nó véo mình, nó nhổ tóc mình".
Nghe vậy tôi phá ra cười: "Vậy là con biết rồi, tại răng mà cụ hói đầu!"
Loài vật khi có chuyện cần... o bế nhau thường tặng quà cho nhau.
Anh khỉ khèng khẹc, nhăn nhó tặng cho chị trái chuối ngon nhất anh leo trèo mệt nghỉ mới hái được.
Anh cọp gầm gừ chiếu lệ nhưng sẵn sàng cho chị cọp ăn ké miếng đùi hưu anh vừa chạy đuổi mướt mồ hôi săn được.
Anh nai vàng ngơ ngác âu yếm nhường cho nàng chỗ cỏ ngon anh đang ăn dở.
Anh gà trống oai hùng, ưỡn ngực, rướn người thật cao, cất tiếng gáy ra điều ta đây người quân tử, anh hùng lắm khi nhường cho nàng vài con giun anh trầy vi, tróc vẩy bới được.
Riêng loài chim hay tặng quà cho nhau nhất. Các cậu chim bồ câu lãng mạn hay nhặt vài ba chiếc lá, chiếc lông, cọng cỏ mà cậu cho là đẹp nhất đem tới trước mặt nàng, đặt xuống trước mặt nàng rồi lông xù ra, đầu gật gù, miệng rù rù những lời ân ái.
Đẹp mã như cậu công thì đi một màn biểu diễn nhan sắc và tài khiêu vũ của mình để chinh phục nàng: Cậu xòe chiếc đuôi rực rỡ, dựng đứng lên như chiếc quạt muôn mầu rồi say sưa khiêu vũ, lượn lờ hết vòng này sang vòng khác quấn quanh người đẹp, bày hết vẻ hào hoa, phong nhã cho nàng ngã lòng.
Cậu chim cánh cụt không có nhan sắc rực rỡ, không bay bướm như cậu công nhưng cậu rõ ra vẻ con nhà thư hương, trí thức.Cậu thận trọng tìm một viên đá sỏi nhiều mầu sắc, đẹp nhất rồi trịnh trọng như một ông đồ mặc áo dài đen, cậu đặt viên đá xuống dưới chân người đẹp, đứng thẳng người, lịch sự cúi đầu chào trước khi ríu rít bày tỏ tình yêu chân chính của mình.
Hầu hết các cậu chim, khi tìm được đối tượng và chính thức ngỏ ý với người yêu đều có hảo ý xây dựng hạnh phúc gia đình với người yêu lý tưởng của mình. Chiếc lá, cọng rong, cành cây, viên sỏi, mảnh giấy... Tất cả đều là những món quà nói lên tình yêu chân chính của các cậu. Các cậu ngỏ ý muốn xây dựng một mái ấm gia đình với nàng. Sính lễ trong lần tỏ tình đầu tiên, các cậu chứng tỏ bằng cách góp phần rất thực tế cho tổ ấm đôi ta chứ không đầu môi chót lưỡi chút nào. Khi các cô chim bằng lòng thì lập tức họ dắt nhau đi xây tổ uyên ương, khỏi nghi lễ lôi thôi, khỏi chờ đợi, khỏi thay quần áo vài ba lần, khỏi mời chào bà con họ hàng đến dài cả cổ hay phải chạy ra tòa làm thủ tục hôn nhân rắc rối. Thế mà họ sống với nhau rất hạnh phúc và ta chỉ thấy chim chóc đánh nhau vì ăn chứ chưa thấy họ đánh nhau vì ...ghen bao giờ!
Có rất nhiều giống chim trung thành với nhau cho đến chết, không lang thang đi khuya, về tắt, không ăn vụng, không lừa dối, ngoại tình, không bia ôm, bia bọt, không tắm hơi, không “tầu nhanh, tầu chậm”, không “xào khô, xào ướt”, không tầu suốt, tầu đêm”, không ... ăn chay, ngủ mặn khác nhà.
Nổi tiếng nhất trong truyền thuyết là chim phượng và chim hoàng, một con trống, một con mái. Tục truyền khi một con mất thì con kia kêu khóc cho đến lúc hộc máu ra mà chết chứ chúng không bao giờ tái giá hay tục huyền chi cho rắc rối cuộc đời ...chim!
Chuyện người cũng kể rằng Lạn Tương Như vì giỏi đàn, đàn khúc “Phượng cầu Hoàng” làm người góa phụ nửa chừng xuân tuyệt sắc Trác Văn Quân say mê đắm đuối, bỏ nhà trốn theo chàng, chẳng kể gì tới tai tiếng thế gian.
Kể lan man như thế để chứng tỏ rằng chuyện tặng quà cho người đẹp là chuyện xưa như trái đất, là bản năng của tất cả mọi sinh vật trên địa cầu, chẳng có gì lạ lùng, đáng tự hào là riêng của những con người văn minh, hào hoa phong nhã cả.
Các ông cứ hay cho rằng mình khiêm nhường, mình lại hào hoa lịch sự, nên mới gọi phe kia là “phái đẹp”.
Tuy ra vẻ lịch sự nhường nhịn nhưng “khẩu phục mà tâm không phục” nên các ông lại “chế” thêm ra chữ “phái yếu” dành cho phe tóc dài để ngấm ngầm tự phụ rằng:
- Ta gọi họ là phái đẹp cho các bà nở mũi thế thôi chứ người hùng anh chính là phái khỏe chúng ta đây này. Cái phái yếu ớt, nhỏ bé thế kia dù có đẹp cách mấy mà không có những bắp thịt này để ương tựa thì... chết ngay chứ chẳng chơi. Đừng thấy người ta khen mà tưởng bở nhá.
Vừa tự phụ, vừa ra vẻ bao dung, nhưng thâm tâm, các chàng luôn muốn làm “sếp” các nàng. Cuộc chiến đấu âm thầm giữa hai phe cứ cù nhẳng, cù nhằng từ thời khai thiên, lập địa cho tới ngày nay.
Dù sao đi nữa, chàng bao giờ cũng được hân hạnh làm người hành động trước.
Ngày chưa nắm được bàn tay người đẹp, ngày nàng còn là cô bé ngây thơ, là tấm lụa đào phất phơ giữa chợ thì chàng lịch sự ra gì. Em cứ ngỏ ý sơ sơ là chàng đáp ứng đầy đủ.
Em thích hoa hồng?
Có ngay, thiếu gì trong quán Hẹn trước cửa Thảo cầm viên. Nếu có đủ tiền, chàng sẽ tặng em mỗi ngày một bông, cho em cầm để “lấy le” với bạn rằng em có người ái mộ!
Em thích ăn xoài tượng chấm nước mắm với đường?
Chàng chạy ngay ra chợ, vác về những trái xoài tượng to như ...con voi, chua chua, giòn giòn tới buốt răng, nhức óc cho em.
Em thích kẹo, bánh, cà rem, cóc, ổi, me giốt, chùm ruột, ô mai mơ, ô mai cam thảo...?
Yên trí, chàng còn tiền đổ xăng tới nhà em thì món nào cũng mua đủ hết.
Hết bịch này tới bịch khác. Hết tuần này tới tuần khác, tháng này tới tháng khác.
Lỡ mà chàng trót dại, yêu nhằm cô em còn bé bỏng như cô bé 13 của nhà thơ:
“Em là con gái trời cho đẹp
Tuổi mới mười ba đã đẹp rồi!”
Chàng sẵn sàng gồng mình nuôi em ... ăn quà từ năm này sang năm khác luôn cho tới ngày... mình là của nhau cho tiện đường chiều chuộng.
Chàng còn được ở gần, còn được đem quà tới cho người đẹp ăn là chàng còn may mắn, còn hạnh phúc.
Mặt mày em sáng rỡ, đôi mắt em cười cười, liếc liếc, miệng thì vừa ăn vừa nói liến thoắng, ríu rít như tiếng chim khuyên, hỏi làm sao chàng không điên đảo thần hồn?
Cái miệng xinh xinh, hàm răng chuột nhọn nhọn với mấy cái răng khểnh xinh xinh ấy mà ăn ra gì! Ăn nhanh và giỏi hơn chuột nhiều.
Có than, con bé ăn quà dữ quá làm chàng thiếu cả tiền trả bà bán thuốc lá lẻ đầu đường, chàng phải năn nỉ để hẹn trả bà vào dịp đầu tháng lãnh lương.
Nhưng không sao, kể gì ba chuyện nhỏ đó?
Người ta ăn nhiều của mình là người ta mắc nợ mình, người ta... có gì với mình đấy. Càng ăn nhiều càng tốt. “Há miệng mắc quai” mà. Ăn rồi là hết đường từ chối.
Tình ta cứ thắm thía, ngọt ngào, đậm đà cay, chua, mặn, ngọt như những món quà chàng chịu khó tha đến cho em.
Mỗi lần được hân hạnh đem quà tới cho em, chàng luôn hí hửng mừng vui, reo thầm, đắc thắng:
- Anh đây nè cưng! Quà đây nè cưng! Cứ ăn đi, đừng “đề cao, cảnh giác”, đừng ngại ngần gì hết nghe cưng. Ăn riết rồi sẽ có ngày cưng về sửa túi nâng khăn cho ta để trả nợ đấy nghe.
Âm mưu của chàng cao cường nhưng con mồi cứ hết sức ngây thơ như con nai vàng ngơ ngác, ra sức nhõng nhẽo mà ...ăn.
Các chàng kêu:
- Các cô chỉ nghĩ xấu cho chúng tôi. Lịch sự, chiều chuộng đàn bà là bản chất của đàn ông. Chúng tôi yêu mến các cô nên chúng tôi tự nguyện chiều chuộng các cô chứ chúng tôi không hề có “ý đồ” gì cả. Mà có phải chỉ lịch sự, mời chào các cô không đâu, chúng tôi còn mời cả bạn các cô nữa mà.
Các bà cô đã về chiều xì một tiếng dài thậm thượt ra vẻ “đi guốc trong bụng” các cậu thanh niên:
- Xì, chưa thấy các cậu tử tế với các bà già bao giờ, chỉ lẽo đẽo chạy theo các cô xinh đẹp trẻ măng măng để được sai phái xách bịch nylông, vác quà về cho các cô ăn vặt. Hơn nữa, các cô xí xí cũng chẳng mấy khi được các cậu hầu hạ, bao bọc, mời ăn bao giờ.
Bà mẹ cười cười, thêm vào:
- Mẹ có sai đi đâu thì nó lại kêu lên oai oái rằng “con bận lắm!”.
Các chàng thộn mặt ra không trả lời được.
Thì ra, chuyện yêu thương chiều chuộng người ta chẳng qua cũng có “ý đồ” cả, chẳng ai có lòng đại bác vô điều kiện dù là trong tình yêu của các cậu, các cô!
Chồng chị là một kỹ sư giỏi, chị yêu anh vì sự vững chãi, chín chắn của anh, chị yêu cái cảm giác ấm áp mà chị có mỗi khi chị tựa đầu vào vai anh. Và sau 3 năm tìm hiểu, anh chị đã đi đến hôn nhân.
Nhưng đến hôm nay, sau hai năm là vợ chồng, chị bỗng thấy mệt mỏi với những cảm giác mà chị phải trải qua khi chung sống với anh.Những lý do khiến chị yêu anh trước đây, bỗng biến thành những lý do tạo nên sự đổi thay trong chị.
Chị là một phụ nữ nhạy cảm, và rất dễ bị thương tổn trong tình yêu, chị luôn khao khát những khoảnh khắc lãng mạn, giống như là bé gái nhỏ thèm khát kẹo ngọt. Nhưng anh lại trái ngược với chị, anh không có sự nhạy cảm, và hoàn toàn không quan tâm đến những khoảnh khắc lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng, điều này đã làm cho chị càng chán nản hơn.
Và chuyện gì đến phải đến, một hôm chị quyết định cho anh biết rằng chị muốn ly dị, rằng chị không thể chung sống với anh thêm một giờ phút nào nữa. Rất bất ngờ khi nghe chị yêu cầu như thế, anh chỉ biết hỏi
- Tại sao?
- Em cảm thấy mệt mỏi, không có lý do nào cho mọi thứ trên thế gian này! - chị trả lời.
Anh không nói gì thêm nữa, nhưng suốt đêm đó, anh không ngủ, và chìm sâu vào những ưu tư, khắc khoải với ánh sáng lập lòe của điếu thuốc gắn trên môi. Sự im lặng của anh càng làm cho cái cảm giác thất vọng trong chị tăng lên, đấy là một người đàn ông không thể biểu lộ gì ngay cả đến lúc gặp tình huống khó khăn như lúc này, còn gì nữa để mà chị hy vọng ở anh?Cuối cùng rồi anh cũng lên tiếng, anh hỏi chị :“Anh có thể làm gì để thay đổi ý định của em?”.
Ai đó đã nói đúng: “Rất khó khăn để thay đổi tính cánh của một con người”, và chị nghĩ rằng chị không thể nào thay đổi cách sống của anh. Nhìn sâu vào mắt anh, chị chậm rãi trả lời: “Đây chính là câu hỏi, nếu câu trả lời của anh có thể thuyết phục em, em sẽ thay đổi ý định ly dị. Nếu em nói, em muốn bông hoa ở phía bên kia vách núi, và cả hai chúng ta đều biết rằng khi anh cố hái bông hoa đó cho em thì anh sẽ chết, anh có vẫn cố làm cho em hài lòng chứ?”.
Anh đáp “Ngày mai anh sẽ trả lời câu hỏi cho em…”. Những hy vọng của chị hoàn toàn bị chìm xuống khi nghe câu trả lời của anh.
Sáng hôm sau, chị tỉnh giấc và nhận ra anh đã đi rồi. Chị nhìn thấy một mảnh giấy với dòng chữ ngoệch ngoạc của anh, được dằn dưới ly sữa, trên chiếc bàn ăn gần cửa…. và chị bắt đầu đọc.
“Em yêu, Anh sẽ không thể nào hái bông hoa đó cho em, nhưng hãy cho anh giải thích những lý do mà anh không thể”.
Ngay những dòng đầu đã làm tan nát trái tim chị, chị tiếp tục đọc.
“… Khi em sử dụng máy vi tính, anh luôn sắp xếp phần mềm cho em dễ sử dụng, và khi em kêu lên trước màn hình khi có sự cố, anh luôn chuẩn bị những ngón tay để có thể giúp em phục hồi lại những chương trình. Em thường bỏ quên chìa khóa cửa, nên anh luôn chuẩn bị đôi chân để sẵn sàng chạy về mở cửa cho em. Em rất thích đi du lịch, nhưng lại thường hay bị lạc đường trong những thành phố xa lạ, nên anh phải chuẩn bị đôi mắt của mình để chỉ đường về cho em. Em thường đau bụng trong mỗi lần gần đến tháng, nên anh luôn chuẩn bị lòng bàn tay mình để sẵn sàng xoa bụng cho em để em dịu cơn đau.Khi thấy em luôn thích ở nhà, anh lo rằng em sẽ có thể bị mắc bệnh tự kỷ, vì thế anh phải luôn pha trò và chuẩn bị những câu chuyện vui để em quên đi nỗi buồn chán. Khi em luôn chăm chú vào màn hình vi tính, anh sợ như vậy có hại cho đôi mắt của em, nên anh phải để dành đôi mắt của anh để khi chúng ta già, anh sẽ có thể giúp cắt móng tay, và nhổ những sợi tóc bạc cho em. Anh có thể nắm bàn tay em đi tản bộ trên bãi biển, để em thưởng thức cảnh mặt trời mọc và bãi cát xinh đẹp… và anh sẽ cho em biết rằng màu sắc của những bông hoa cũng rực rỡ như gương mặt tươi tắn của em… Vì vậy, em yêu, trừ phi em chắc chắn rằng có ai đó yêu em hơn anh đã yêu em… nên bây giờ anh không thể hái bông hoa đó cho em, và chết…/.”
Nước mắt của chị không ngừng rơi trên trang giấy, làm nhạt nhòa những dòng chữ của anh… Chị đọc tiếp:
“…Bây giờ, nếu em cảm thấy hài lòng thì hãy mở cửa ra, vì anh đang đứng đó với bánh mì và sữa tươi cho buổi sáng của em, những món ăn mà em thích…”.
Chị lao đến cửa và mở bung nó ra, trông thấy anh với gương mặt lo lắng, chị nắm chặt tay anh, cùng với ổ bánh mì và chai sữa, bây giờ chị biết chắc rằng không ai yêu chị như anh đã yêu chị, và chị quyết định quên đi bông hoa ở bên kia vách núi… đó là cuộc sống và tình yêu.
Khi được sống trong sự đầy đủ, dư thừa của tình yêu, thì cái cảm giác sôi nổi trong tình yêu thường bị khô héo đi, và người ta không còn có thể nhận thức được đâu là tình yêu chân thật và đâu là tình yêu giả dối, giữa cảm giác bình yên và buồn chán đó.
Ông Khang và bà An đã chung sống vui vẻ với nhau đã hơn một phần tư thế kỷ. Nếu nói họ không yêu nhau thì cũng chẳng đúng, vì họ đã có một bầy con trưởng thành đang học đại học hay đã ra trường đi làm việc rồi. Hai người con trai đầu là Thịnh đang làm bác sĩ ở thành phố Springfield và Vượng làm giáo sư dạy đại học ở Rolla, hai anh em cùng ở chung một tiểu bang Missouri, cách nhau chừng một tiếng, đã có gia đình riêng, dù chưa có mụn con nào, chỉ vì họ chưa muốn thôi, nếu không thì ông bà Khang đã có thể là ông bà nội chứ chẳng chơi. Chỉ còn hai cô con gái út là Hạnh và Phước là con đang học đại học, sáng đi chiều về ở chung với ông bà ngay thành phố Omaha, bang Nebraska nhưng đã có nhiều người ngắm nghé rồi, vì họ chẳng những giỏi mà còn đẹp và hiền lành nữa. Nhìn bên ngoài, ai nấy đều cho gia đình ông bà là một gia đình hạnh phúc, chỉ cần nhìn bức vẽ chân dung toàn bộ gia đình nhân ngày lễ kỷ niệm 25 năm hôn lễ của ông bà với tên của mỗi người trong gia đình ai cũng trầm trồ khen ngợi thật xứng hợp và thật hay: Khang An Thịnh Vượng Hạnh Phước! Ấy vậy mà thiên đường sập đổ một cách không ngờ, chiếc cầu yêu thương bỗng nhiên gãy nhịp, không mấy ai có thể tiên liệu trước!
Ông Khang không phải là một người đàn ông bê tha rượu chè trai gái hay như một số Việt kiều trở về quê hương, thấy gái đẹp mọc mời rồi trửng mỡ trăng hoa trở về xin ly dị với người vợ cũ, đã cận kề ông xây dựng một tổ ấm uyên ương với bầy con thành đạt để tìm hạnh phúc mới! Không, ông Khang không tệ hại như thế! Bà An suy nghĩ nát óc mà cũng không ra một giải thích nào hợp lẽ! Bà đã khóc lóc năn nỉ ông suy nghĩ lại vì hạnh phúc lứa đôi, vì thanh danh gia đình, ôi thôi bao nhiêu lý lẽ mà ông cũng đành đoạn ra đi. Bà hối tiếc là bà đã không đi cùng ông dịp tháng 8 rồi như mọi năm suốt mấy chục năm qua.
Đúng vậy mỗi năm khoảng giữa tháng 8, gia đình ông bà đều để dành thời gian nghỉ phép để kéo nhau về Carthage, Missouri để kính viếng Đức Mẹ. Bà An không phải là đạo giòng, bà chỉ theo đạo lúc lấy ông Khang, nhưng bà từ lòng sùng kính Đức Mẹ như Phật Bà Quan Thế Âm, dần dà bà nhận thức và sùng kính Đức Mẹ còn hơn cả ông Khang vì bà nhận thấy Đức Mẹ gần gũi rất nhiều với bà, gần như mẹ ruột của bà vậy. Tối nào trước khi lên giường ngủ bà cũng lâm râm cầm tràng hạt ra lần chuỗi đọc kinh xin cho gia đình bình an, con cái thành đạt, mọi nơi mọi nước được ấm êm... Vậy mà chỉ không đi có một lần là chuyện xảy đến, làm như bà bị phạt vậy! Bà không nghĩ vậy, Đức Mẹ nào có chấp nhất chuyện đi Carthage hay không đi, lòng thành kính của bà có bao giờ thuyên giảm về Đức Mẹ đâu!
Bà bỡ ngỡ khi ông Khang sau chuyến hành hương Carthage về nói rằng ông đã tình cờ gặp lại người yêu thưở trước năm 1975, ông lấy bà vì lúc đó không có ai thôi, bây giờ ông muốn dành gần nửa đời còn lại cho người yêu năm xửa năm xưa. Đột ngột và tự ái bà đã nói sẵng, "Ông muốn làm gì thì làm!" Ai ngờ viện vào câu nói lúc tức giận đó, ông hôm sau ra luật sư làm giấy tờ ly dị thật! Ông để lại cơ ngơi cho bà, không lấy gì, để bà lo cho các con! Mà ông cần gì chứ, lương lậu ông cao, con cái thì trên 18 tuổi rồi, bà cũng có không những một việc mà hai việc, việc thường làm ban ngày, rồi tối đi làm phụ trội thêm, sắp sửa cho các con, ông đâu phải lo lắng chia chác tiền lương nữa. Còn cái khoản tiền hưu trí tương lai, ông đã bỏ vào đó tối đa theo phép của luật trung ương nên tha hồ sống thoải mái sau này. Ông chỉ đưa quần áo và những thứ của riêng ông ra đi ra ở riêng chờ ngày ký giấy tờ ly dị rồi ra đi xây tổ uyên ương mới. Bao nhiêu lần bà năn nỉ ông suy nghĩ và trở về nhưng ông cũng không nghe.
Tới ngày ra tòa, bà như cái máy ký cho xong chuyện, không biết là mình đã ký trả tự do hết mọi thứ cho ông, không đòi lấy một tí gì về số tiền khổng lồ trong quỹ hồi hưu của ông, quỹ hồi hưu của bà không bao nhiêu, chỉ mới gần đây thôi khi các con đã lớn hết rồi bà mới đi làm thêm, chứ trước đây chỉ có một việc mà hãng lại không cho dịch vụ đó. Khi chuyện đã ngã ngũ rồi, thì bà con hàng xóm mới nói, thì cũng đã trễ rồi. Thực ra bà có tiếc gì tiền của, mà tiếc quãng thời gian thanh xuân của mình lo cho chồng ăn học thành tài, cho con từng chút mà bây giờ bị chồng ruồng rẫy như thế này mới đau nhói. Phải chi bà là một người không ra gì, thì còn hiểu được, chứ bà ở 47 này trông vẫn còn có nhan sắc, tuy rằng không được như thời 18 lúc bà lấy ông Khang, nhưng vợ chồng cùng già với nhau sống đã 26 năm trời, bước qua một thiên niên mới mà chẳng giữ nghĩa với nhau cũng lạ. Nhiều đêm khi đi làm việc phụ về, bà nhìn quanh nhà cô quạnh lắm, không dám than phiền gì với Hạnh và Phước vì chúng nó cũng đang ở tuổi cập kê. Bà không muốn nỗi buồn mình lan tỏa truyền nhiễm sang con cái của mình. Bà cắn răng chịu đựng, thở dài âm thầm trong phòng ngủ rộng tênh hênh của mình vì không còn ông Khang ở đây.
Bà đã làm gì sai nhỉ? Bà cứ phân vân suy nghĩ hoài! Ông muốn ăn gì, bà cũng nấu, con cần gì, bà cũng lo cho đủ! Công, dung, ngôn, hạnh nếu không được một trăm phần trăm thì cũng 90 phần trăm! Bạn bè ông Khang lúc nào qua chơi, cũng có bia, rượu, đồ nhậu sẵn cho chồng và bạn chồng thì còn đòi chi nữa! Còn chuyện ấy ư, thì cũng năm thì mười họa không còn như chục năm đầu, nhưng lúc nào ông muốn, bà cũng chiều, dù đi làm về có mệt, bà cũng không quên tắm rửa sửa soạn mà! Nhưng từ khi ông sang tuổi năm mươi, chuyện gối chăn cũng nhạt dần vì ông có lẽ yếu, bà cũng không than vãn gì và còn an ủi ông khi ông xin lỗi bà lúc nửa chừng, "Mình đừng lo, mình già hết rồi, con cái cũng đã lớn... Nếu mình muốn thì nói với bác sĩ xin thuốc Viagra gì đó!" Không biết có phải vì tự ái đàn ông Việt Nam không, ông Khang không đi bác sĩ xin thuốc trợ dương nhưng cũng thưa dần chuyện gần gũi vợ, nhưng bà cũng chẳng phàn nàn, vợ chồng cốt ở cái nghĩa, cái tình với nhau thôi, chứ nhiều lúc có thân mật thì càng nồng nàn thấm thiết hơn, nhưng không phải là điều phải có. Bà thừa hiểu ông Khang hơn bà những 10 tuổi thì sức khoẻ cũng không bằng ở tuổi bà, nhưng bà có dám làm gì để chồng tủi buồn đâu. Ông chỉ đi làm một việc, chứ mấy năm gần đây bà đi làm cả hai việc, hay là tại ông nghĩ bà bỏ bê ông, hay là ông đã gặp lại bà Nga ở đâu trên Internet trong lúc con cái và bà bận bịu rồi hẹn nhau gặp dịp Đại Hội Thánh Mẫu ở Carthage cũng không chừng, người yêu cũ thì người yêu cũ thật, chứ giữa rừng người mà tình cờ gặp nhau rồi nối lại tình xưa trong vài ngày thì cũng hơi lạ.
Mọi việc dù sao cũng trễ rồi! Bà chỉ muốn tìm ra nguyên do tại sao bà bị bỏ rơi cái rụp thôi! Chứ chim đã bay lẽ nào bay trở lại! Trừ khi chiếc lồng son, bầu trời xanh kia gây thêm nhiều sóng gió, mà nếu ông trở lại thì bà có thể tha thứ không nữa, có thể bà sẽ tha, có thể bà sẽ chối từ, nhưng bà muốn biết lý do thực sự vì sao tổ ấm bà bị tàn phá đột ngột như vây. Bà không có ý định trả thù hay tìm hiểu bà Nga, dù bà cũng muốn biết bà Nga là ai, làm gì, mà đã cướp được trái tim chồng bà một cách mau lẹ! Chắc bà Nga ít ra cũng tuổi bà hay hơn bà vì bà Nga đã là người yêu cũ của ông kia mà, nếu trẻ hơn bà thì ông Khang nói dối, mà già hơn bà thì chưa hẳn đã đẹp hơn bà. Bà An thấy mình nghĩ lẩn quẩn quá, dù gì thì ông Khang cũng đã là của người ta, xưa hay mới thì cũng thế thôi! Hay là tại lúc gặp bà Nga, ông Khang cảm thấy mình hưng phấn như tuổi hai mươi, của bao nhiêu năm về trước, của những đam mê ngày nào, quên đi ám ảnh bất lực hay những viên thuốc màu xanh xanh đỏ đỏ quảng cáo ầm ầm trên truyền hình và báo chí Mỹ.
Thành phố Omaha đêm nay buồn ghê! Bà nhìn ra cửa sổ nghĩ thầm! Tuyết rơi, đèn mờ, lạnh lẽo như băng, mà hồn bà còn giá băng hơn! Bà bật đèn đi ra xuống phòng dưới rót ly sữa uống, thói quen, để thêm chất vôi bổ xương! Phòng các con bà vẫn còn ánh đèn qua khe cửa, nhưng bà không nói gì, chúng nó còn yêu đời và bận bịu với việc học! Nghe nỗi lòng của bà chắc chúng lại buồn hơn! Chắc là số hồng nhan bạc phận, phải chi hồi đó đừng vội vã lấy chồng ở tuổi mười tám lúc còn lớ ngớ trong trại tỵ nạn thì không phải gặp cảnh này! Nhưng khi nhìn lên ảnh: Khang An Thịnh Vượng Hạnh Phước, bà mỉm cười thấy lại bình an, bà không ân hận gì, giá được thêm một tí nữa thì hạnh phúc hoàn toàn! Bà thầm gọi, "Khang ơi, anh ở vùng nắng ấm California, anh có hiểu không?"