Góc nhỏ của anh 3 Giang

Tung cánh chim tìm về mái trường xưa. Mong tìm bạn học cũ, nay ở đâu xin nhắn đôi lời!!!

Moderator: CNN

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Ca dao và Tình Yêu


(không rõ tác giả)

Tình yêu vẫn luôn là một đề tài muôn thuở của văn học ở mọi giai đoạn. Nhắc đến những bài thơ tình ta không khỏi nhớ đến những nhà thơ lớn như: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận..., hay những nhà thơ thời nay như: Đỗ Trung Quân, Phan Thị Thanh Nhàn... Họ là những nhà thơ trong giai đoạn thơ văn hiện đạị Nhưng đã là người Việt Nam thì thật thiếu sót nếu ta không nhớ đến kho tàng văn chương truyền miệng của cha ông từ ngàn xưa để lại: Thơ ca dân gian. Ta hãy quay về cội nguồn như tìm lại chính mình qua một khía cạnh của thơ ca dân gian: Ca dao Việt Nam. Chúng ta cùng nhìn lại những bài ca dao mang chủ đề về tình yêụ Đó là những vần thơ trữ tình, sâu sắc, đậm đà chất dân tộc và rất phổ biến trong dân gian mà có thể bạn đã từng nghe qua.

Ca dao là một dạng của thơ và ở thời đại nào nó cũng chinh phục được người đọc. Hơn nữa, những bài ca dao với nội dung về tình yêu không cứng nhắc với những niêm luật phức tạp như thơ cổ điển. Để hiểu rõ ràng hơn, đầu tiên ta thấy rằng tình yêu nam nữ trong ca dao được thể hiện rất trong sáng và lành mạnh:

Thuyền ai lơ lửng bên sông
Có lòng đợi khách hay không hỡi thuyền?

Ta thấy sự bài tỏ tình cảm tế nhị qua hình ảnh bến và thuyền:

Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Trong bước đầu đi đến tình yêu, đâu có ai trong chúng ta dễ dàng bày tỏ được tình cảm của mình một cách "xuôi chèo mát mái" đâu. Chỉ với hai câu ca dao ngắn gọn mà đã lột tả được sự ngập ngừng rất dễ thương đó:

Thò tay mà bứt cọng ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ

Ta tìm thấy trong ca dao Việt nam những hình ảnh nói lên tình cảm chân thật, sâu đậm của người dân:

Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.

Lòng chung thuỷ của người Việt Nam là một trong những nội dung tất yếu thể hiện qua ca dao:

Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Dù có xa nhau đi nữa cũng ba vạn chín nghìn ngày mới xa.

Lòng chung thuỷ sắt son cũng được thể hiện thật tuyệt vời như:

Chừng nào cho sóng bỏ ghành
Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em.

Đặc điểm của ca dao Việt Nam là ngắn gọn, súc tích. Nó được hình thành bằng những hình ảnh, ngôn từ hết sức giản dị và chân thật gần gũi với đời sống người dân. Do đó, chỉ cần đọc qua ta có thể nhớ được dễ dàng nhưng có đọc đi đọc lại ta mới thấy hết được cái hay, cái đẹp của ca dao Việt Nam trong cách thể hiện nội dung:

Thương anh vô giá quá chừng
Trèo truông quên mệt ngậm gừng quên cay
Nhác trông thấy bóng anh đây
Ăn chín lạng hạt ớt ngọt ngay như đường.

Ca dao Việt Nam không phải là những lời thơ bóng bẩy, nó gợi lên những hình ảnh thiên nhiên gần gũi nên dễ dàng đi vào lòng người:

Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Bên cạnh đó, có những bài ca dao mà trong đó ta chỉ thấy niềm cảm thông và tình yêu cao thượng mà không thấy sự giận hờn hay trách móc:

Mình nói dối ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước rửa cho con mình.

Tất cả những mối tình không phải lúc nào cũng đi đến kết cục hạnh phúc. Trong một mối tình sẽ có nước mắt, hạnh phúc hay sự khổ đau khi chia xa và ca dao Việt Nam cũng không ngoài quy luật đó:

Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác xưa.

Hay là:

Chè non ai hái nửa nương
Cau non nửa chẽ người thương nửa chừng
Hai hàng nước mắt ngập ngừng
Thà rằng ngày trước ta đừng gặp nhau.

Như vậy đó, ca dao Việt Nam được hình thành và truyền từ đời này qua đời khác. Nó vẫn mang những nội dung không ngoài những quy luật của cuộc sống. Bằng những hình ảnh được nhân hoá, bằng phương pháp ẩn dụ khéo léo và tài tình, ca dao Việt Nam nói lên được những tâm tư tình cảm của người dân, những tình cảm mộc mạc, trong sáng và đậm đà tình nghĩa.

Trên đây chỉ là một số ít những câu ca dao nói về tình yêu trong thơ ca dân gian. Nếu có dịp, chúng ta sẽ nhắc đến những câu ca dao, tục ngữ nói về thiên nhiên, tình cảm gia đình hay về những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày.

Cho dù đi bất cư nơi đâu, ta vẫn cảm thấy tâm hồn thanh thản và ấm áp khi nghe lại những câu ca dao trong làng thơ ca dân gian Việt Nam.

Có dịp nhìn lại để chúng ta có dịp nhắc nhở nhau rằng thơ ca dân gian là một kho tàng vô giá của dân tộc Việt, một dân tộc anh hùng.


(không rõ tác giả)



3G lụm về

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

VỈA HÈ

::: Vân Giang :::

Người Nam gọi là lề đường. Người Bắc gọi là vỉa hè. Đó là khoảng cách từ nhà ra tới mặt đường dành cho người đi bộ trên các đường phố. Có những vỉa hè rộng thoáng với hàng cây rợp bóng, có những vỉa hè chật chội bụi nắng gập ghềnh từng bước chân qua.

Hồi tôi còn nhỏ, lâu lâu mới thấy một hàng cắt tóc gốc me bày chiếc ghế trên một vỉa hè khuất vắng dưới một tàng cây rợp mát, cái gương soi cỡ hai cuốn vở học trò đóng đinh treo trên bức tường phía sau một dinh thự công sở nào đó, ông thợ cắt tóc ngồi ngủ gà gật hay đang hí hoáy nháy tông đơ lách tách húi cua cho một chú nhóc gáy bôi đầy phấn cổ quàng khăn vải thùng thình trắng toát...

Vỉa hè thuở ấy sạch sẽ và rộng rãi, trên những đường phố chính vào những ngày cuối tuần nam thanh nữ tú qua lại dập dìu, lao xao những tiếng bước chân.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, cùng với thành phố hỗn loạn vô trật tự là vỉa hè hóa thành nơi họp chợ, ngồn ngộn những bàn ghế, bát đĩa, quần áo, sách báo, giày dép, máy móc... người dân SaiGon hầu như đổ cả ra đường phố, góp mặt góp tên vào đội quân vỉa hè mua đi bán lại mọi thứ hàng hóa trên đời (người ta đồn rằng có bán từ chiếc kim may tay cho tới con ốc của.. phi thuyền!) Thành phố hóa thành một cái chợ bát nháo mà mỗi vỉa hè chưng bày ra một loạt sạp hàng lôi thôi nhếch nhác với những người bán hàng phờ phạc ngơ ngác trong một đời sống trĩu nặng bất an...

Rồi đến một lúc phố phường bỗng thưa vắng hẳn - một lớp người đã tìm đường ra biển (một là con nuôi Má, hai là Má nuôi con, ba là con nuôi cá!) một lớp mịt mùng đèo cao núi thẳm, lớp khác lại đổ mồ hôi sôi nước mắt trên những luống cày khô cằn sỏi đá nơi một vùng lập nghiệp kinh tế trong mơ! Vỉa hè thôi không còn người mua kẻ bán, trong những căn nhà một thời có hoa vàng trước ngõ, tường thật là cao, có dây leo kín ngoài... bây giờ mỗi sáng mổi chiều eng éc tiếng lợn kêu! Người ta đáo xới vỉa hè để lên vồng trồng khoai sắn, xẻ luống trồng rau, trồng xả, trồng ớt.. trên các vỉa hè đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Bà Huyện thanh Quan một thời thơm ngát hương hoa Ngọc Lan là những bụi mía cao quá đầu người lá sắc như dao xạc xào trong gió, những bụi khoai mì um tùm và những vồng cải xanh um... Vỉa hè trỡ thành nơi để trồng trọt tăng gia, nông thôn hóa thành thị, đưa phố phường đô thị về gần với nguồn cội ruộng đồng!

Những tưởng thành phố này sẽ dần dần mất hết những vỉa hè bởi người ta mải quay quắt khổ sở lo cho cái ăn cái mặc (heo nuôi trên lầu, gà nằm cạnh bếp ăn, cá Trê phi quẫy đùng đùng trong bể nước phòng tắm, giàn Khổ qua trái bé xíu bằng 2 ngón tay thả leo trên sân thượng...) mổi sáng mỗi chiều vào giờ đi học đi làm hay tan trường tan sở đường phố yên ả chẳng ồn ào bởi chỉ toàn là xe đạp nối đuôi nhau! người ta đi bộ cả xuống lòng đường vẫn an toàn vì thật lâu mới có một vài chiếc xe hơi mang bảng số nhà nước chạy qua...

Bỗng đâu một ngày từng đoàn người rầm rộ cuốc xẻng ồ ạt phá bỏ đào xới dọn dẹp quang đãng hết những lùm bụi trên các vỉa hè. Thành phố đang cùng với cả nước vào thời mở cửa, người ta tha hồ mà lên kế hoạch, lập chỉ tiêu... thôi thì đủ phương đủ cách! Toàn bộ các vỉa hè trên những đường phố đều được tính toán đưa vào dự án để sửa chữa nâng cấp cho xứng đáng là thành phố bác Hồ, cho nở mày nở mặt với bè bạn năm châu!

Thế là cho dù những vỉa hè được làm từ thời Pháp thời Mỹ thời Ngụy (!) đang còn rất tốt và sẽ vẫn còn khá tốt cho đến vài chục năm sau nữa đều được đào lên " tất tần tật" làm lại hoàn toàn cho nó phù hợp với tầm quản lý vĩ mô! (nghe thì đao to búa lớn, nổ to như pháo đại chứ nếu mà bắt cắt nghĩa thì chắc chẳng mấy ai hiểu được!) đại khái là gom lại một cục làm trọn một lần cho gọn đó mà!

Vừa mới nghe TV đưa tin lát vỉa hè bằng tấm đan bê tông đã sạch đẹp, bền chắc lại rẻ tiền, người dân thành phố chưa kịp quen mắt với những ô vuông xi măng ngang dọc đã thấy báo chí đăng bài ca tụng những vỉa hè lát đá chẻ hàng trăm năm tuổi ngạo nghễ với thời gian ở nước Nga Xô Viết đàn anh thân thương! Từng tốp thợ nhem nhuốc lại hùng hục đào bẫy đâp phá từng vuông đan xi măng còn mới tinh khôi để chêm chêm nhét nhét vào đấy những tảng đá xám xịt như đá tường trại giam, dường như sẽ bền chắc đến muôn đời bất kể câu " nước chảy đá mòn! " (tôi đã kịp nếm mùi cứng chắc của mặt vỉa hè lát đá trong một lần bị công an dí chạy có cờ trên đường Nguyễn Phi, khi đang tụ tập gây mất trật tự trên đường phố để bán thuốc tây lậu những năm 80, 81)

Thì đến một ngày đẹp trời một ngài nào đó được đi học tập nghiên cứu hay đi chơi đi bời gì đó ở Hàn quốc hay Trung quốc hay Mã quốc (ở bên này hông hiểu sao người ta cứ khoái nói tiếng tàu, nước nào cũng thành ra quốc ráo trọi! Mã quốc là Mã Lai) bèn đem cái hay cái tốt đã mắt thấy mục thị ở xứ người về xứ mình bằng cách ca tụng vẻ đẹp rạng ngời mà không chói lóa của những vỉa hè lát gạch con sâu (loại gạch hình chữ nhật các cạnh có dợn sóng răng cưa trông giống như con sâu đang bò) Bộ mặt vỉa hè lại lần nữa được cải tạo, thợ làm đường lại hì hục cạy bỏ những tảng đá chẻ mới lát xuống ngày nào để lúi húi lắp ráp từng viên gạch con sâu cho nó hiện đại hóa thành phố văn minh! người ta ca ngợi sự tiết kiệm và tiện lợi của gạch con sâu vì cách làm rất đơn giản : chỉ nện phẳng mặt rồi đổ 1 lớp đất cát dầy lên trên, xếp các viên gạch cho các cạnh hình dợn sóng ăn khít vào nhau, không cần tốn xi măng, chẳng cần tô trét gì cả, tự các viên gạch sẽ nối kết với nhau một cách hết sức chắc chắn chặt chẽ.

Thế là bộ mặt vỉa hè sau một thời gian ghẻ lở xấu xí vì bị đào lên lấp xuống được thay đổi một cách đồng loạt! bên này vỉa hè lát gạch con sâu màu vàng, bên kia màu xanh lá cây, đoạn kế có màu đất xám, đọan nữa lại có màu đỏ gạch... Hàng vạn hàng vạn con sâu bò tăm tắp với đủ màu sắc đậm nhạt cũng mang lại một chút tươi tắn mới mẻ cho các vỉa hè...

Than ôi! chỉ mới trải qua một vài cơn mưa rào rồi tiếp theo vài lần nắng quái, lũ sâu nhiều màu sắc ấy đã mất đi cái vẻ đẹp bóng bẩy đều đặn ban đầu! lớp men màu trên mặt gạch xỉn hẳn xuống, phai lam nham hay chỉ còn trơ lại màu xám xịt lổn nhổn của xi măng pha quá nhiều cát. Và từng viên, từng viên bể nứt, gập ghềnh, bong tróc, dẫn đến từng mảng, từng mảng hư hỏng, xấu xí, từng đoạn từng đoạn lồi lõm, đất cát cứ đùn lên hàng đống từ những lỗ gạch ngày một lớn dần thêm...

Đi đời những con sâu làm rầu... vỉa hè ấy! lại hùng hục, hùng hục từng tốp công nhân lăn lộn với nắng bụi gió cát mịt mù để " khắc phục hậu quả! " Bây giờ có lẽ để rút kinh nghiệm những lần đã qua, người ta không dùng cùng một cách làm cho các vỉa hè khắp Thành phố mà mỗi nơi, mỗi vùng lại làm một cách khác! Vậy nên có những đoạn vỉa hè được lát gạch thoát nước vuông vức, đoạn thì đổ bê tông có đá cuội như tường nhà mồ, đọan con sâu bò lổm ngổm, đoạn trát xi măng, đoạn lại lát gạch hình kỷ hà bóng loáng trơn trợt dành làm bẫy chân người sau những cơn mưa!

Chỉ khổ cho cư dân sống trên các đường phố bên cạnh những vỉa hè! Cuộc sống của họ thường xuyên bị chia 5 xẻ 7 bởi những lần đập xây xây đập mà không biết đến bao giờ mới chấm dứt! Những nắp cống đúc bằng gang trên vỉa hè thường xuyên bị mất cắp, miệng cống toang hoác phả mùi hôi thối nồng nặc vào từng bữa cơm gia đình. Hàng cây cổ thụ cho bóng mát trên vỉa hè sau bao lần chịu cảnh đào phá cắt đứt cả rễ mẹ rễ con dần dần chết khô, bị thay thế bằng những cây non khẳng khiu lơ thơ một nhúm lá bé tẹo xác xơ...

Có làm thì mới có ăn! Chưa có thời nào mà câu Ông Bà mình nói lại đúng như cái thời này! Vậy nên người ta tha hồ nghĩ ra không phải chỉ 1001 cách làm để ăn mà có tới hàng chục vạn cách, cách đổi mới vỉa hè là một! Thử nghĩ mà xem, nếu cứ làm như thời trước, vỉa hè cứ yên ổn êm ả nằm trơ gan cùng tuế nguyệt đếm thời gian trôi, thì lấy đâu ra kế hoạch, dự án, lấy đâu ra kinh phí, lấy đâu ra tiền, và không có tiền thì lấy gì mà ăn? Lại có câu: Tay làm hàm nhai! Làm mà không ăn thì đâu có được! Như vậy là trật lất, không đúng bài bản! Vả lại còn câu: Không Thầy đố mày làm... ăn! Từ đó ta suy ra công cuộc đổi mới vỉa hè là một công cuộc làm ăn có tính toán, có bài bản, và nhất là có Thầy Bà đỡ đầu đỡ cẳng! Của thơm thảo mỗi người hưởng một ít, muốn Bà thò chai rượu ra thì Ông phải chịu mất cái giò chứ, ở đời muôn sự của chung mà!

Trên vỉa hè đường Công Lý cũ (Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý!) đoạn từ trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm ra đến ngã tư Hiền Vương (đời nay làm gì còn Vua Hiền nên đã bị đổi tên thành Võ Thị 6!) hai bên vỉa hè người ta đã trồng hai hàng cây Cau kiểng, loại cây thường chỉ được trồng làm cảnh trong công viên hay trong sân nhà, đưa ra giữa đường phố mịt mù bụi nắng ngột ngạt mùi xăng nhớt khói xe chỉ thoi thóp sống được mươi ngày, túm lá đầu rồng đuôi phụng le te đã trở màu vàng úa, mặc cho xe bồn chở nước mỗi buổi chiều lại đến phun tưới ào ào, lần lượt từng cây, từng cây rủ nhau héo queo héo quắt...

Con đường từ cầu Phan Thanh Giản ra tới Ngã 3 Hàng Xanh trước đây là đoạn mở đầu của xa lộ Biên Hòa vốn thẳng tắp và bằng phẳng, để mở rộng cho xe cộ dễ qua lại người ta đã nhờ tới nhà thầu Thanh Niên Xung Phong , có lẽ để nhớ lại một thời lội rừng leo núi lúc trước hay sao, mà khi đường làm xong bên thì cao như ngọn đồi, bên như thung lũng, lại quanh co uốn lượn với một cái bùng binh to tổ chảng cứ như gò Đống Đa, giữa đường là những vỉa hè nhỏ (gọi là con lươn) trồng một hàng cây Đại Tướng Quân lả những tàu lá mệt mỏi xa lạ với cảnh náo nhiệt ồn ào của đường phố chung quanh.

Một thời, để làm sạch đẹp văn minh phố phường, tất cả những người bán hàng rong bị cấm không được bán trên vỉa hè những đường phố lớn, ai đã từng sống qua những năm ấy hẳn chưa quên được cảnh mấy bà bán hàng gánh bỏ chạy khi thấy xe cảnh sát xuất hiện, khách thì tay cầm tô hay đĩa thức ăn, tay cầm cái ghế mình đang ngồi ngơ ngác nép vào trong những cửa hàng cửa hiệu hay bỏ chạy tán loạn. Những người bán quần áo cũ thì hớt hãi quơ túm nylon trải dưới đống quần áo vào người ùn ùn bỏ chạy mỗi khi thấy bóng dáng công an, hàng cà phê cóc ngồi nép dưới một hiên nhà cũng loảng xoảng tiếng ly tách rơi vỡ khi vội vàng bưng dọn...

Vỉa hè còn là nơi giữ xe, hàng dãy xe 2 bánh đời mới xếp hàng kiêu hãnh san sát trước các Bar rượu, nhà hàng, vũ trường đèn màu xanh đỏ rực rỡ sáng choang của một SaiGon ăn chơi với những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng của những cậu ấm cô chiêu thời mở cửa 5C (con cháu các cụ cả) tiêu tiền không cần đếm, sinh nhật đã chẳng thèm nhận quà mà còn biếu quà cho từng người đến dự, có những món quà trị giá đến 5, 6 nghìn đô!

Vỉa hè cũng được dùng vào việc chưng bày hoa kiểng vào những ngày lễ lộc hội hè! người ta bày những cái khung sắt có đủ các hình dạng: chóp nhọn, khối chữ nhật, tháp nghiêng... với các ô tròn chứa những chậu hoa bằng nhựa đủ loại, thế là giữa một vỉa hè trơ trọi khô khan chợt mọc lên sừng sững một khối hoa lá đủ các sắc màu , bày ra một vẻ xanh mát giả tạo gượng ép đến tội nghiệp bên cạnh những hàng cây bị mé nhánh cành trụi lủi hay bị xén cụt đầu mỗi lúc đầu mùa mưa để tránh bị rơi gãy xuống đầu người đi đường, thân cây trơ trọi buồn thảm và xấu xí dưới ánh nắng chói chan...

Ít nhiều gì tôi cũng đã có một khoảng thời gian gắn bó với vỉa hè : những ngày mua bán thuốc tây trên góc Nguyễn Phi- Lê thánh Tôn với những lần bị rượt đuổi chặn bắt như tội phạm vì thuốc tây là mặt hàng độc quyền của nhà nước; Những ngày giữ xe thuê trên vỉa hè trước nhà thương SaiGon và rạp hát Vĩnh Lợi từ sáng tới khuya, bữa ăn dọn ra dưới bụi nắng và những bước chân người qua lại, thường xuyên chỉ là đậu phọng chưng nước mắm và bát canh rau muống lõng bõng nước; Những ngày thức khuya dậy sớm dọn hàng bán cơm tấm, bán Bò kho, Bún bò, vừa bán vừa nơm nớp canh chừng xe công an đến tịch thu bàn ghế đồ đạc... Vỉa hè đã có từng thời nuôi sống tôi khỏi những ngày đói khổ. Đã từ lâu lắm, tôi vẫn nhìn ngắm những vỉa hè thành phố như những người quen cũ, đã là một phần trong cuộc đời tôi vốn chỉ quanh quẩn loanh quanh trong một thành phố tuy thân quen nhưng đã có rất nhiều thay đổi đổi thay.

Nhưng vỉa hè bây giờ không còn là nơi dành riêng cho người đi bộ, ít nhất là đối với người dân SaiGon. Nếu bạn nhìn thấy người nào đó đi vơ vẩn trên vỉa hè vào buổi sáng buổi trưa buổi chiều hay buổi tối, thì chắc chắn một là dân tỉnh khác đến, hai là Việt kiều ở xa về, ba là khách du lịch ngoại quốc. Người SaiGon chẳng còn ai đi bộ lang thang trên các vỉa hè vốn từ lâu đã được coi như là một nơi đầy nguy hiểm! Bạn rất có thể bị giật mất túi xách, máy ảnh, dây chuyền, lắc tay, đồng hồ... nói chung là tư trang, nếu đi lớ ngớ trên vỉa hè để vẩn vơ thơ thẩn! Ban đêm, nếu là đàn ông mà đi trên những vỉa hè tối thì rất thường gặp các cô mắt xanh má đỏ ùa ra lôi kéo, ôm ấp, sờ soạng với những lời quyến dụ đường mật, mà khi tỉnh hồn vùng thoát được khỏi vòng vây thì cái bóp tiền, cái mắt kính, cái nhẫn đeo tay đã bốc hơi một cách bí mật một đi không trở lại... và cái cảnh đeo bám lằng nhằng dai dẳng của đội quân bán vé số, đánh giày, đồ lưu niệm rẻ tiền.v.v. chắc chắn sẽ làm nản lòng bất cứ người khách du lịch nào dù là có tâm hồn mơ mộng lãng mạn đến đâu chăng nữa sau chỉ một lần dại dột dạo bước lang thang !

Tuy vậy, vỉa hè còn là nơi trú ngụ của những người khốn cùng đói khổ. Đêm khuya, khi thành phố đã dần đi vào giấc ngủ sâu sau những quay cuồng tính toán chật vật mưu sinh.. những con người sống trên các vỉa hè sau một ngày túa đi tìm miếng ăn khắp nơi lại quay trở về dưới một mái hiên quen thuộc khuất vắng - giấc ngủ nặng nề mệt mỏi không biết có còn chăng chỗ để ươm những giấc mơ..- Mùa mưa đến với những đêm co ro bó gối dưới một hàng hiên bốn bề mưa tạt gió lộng - hẳn trong lòng mỗi con người khốn khổ ấy càng mênh mông vời vợi hơn hình ảnh của một mái ấm gia đình!

Tôi đã sống gần hết cuộc đời mình trong lòng thành phố, với những mùa nắng mùa mưa, những ngày hạnh phúc đã vĩnh viễn trôi qua, và những bất hạnh mất mát mà nước mắt còn tuôn chảy nhiều hơn cả những giọt mồ hôi nhọc nhằn của nợ nần cơm áo. Buổi sáng, buổi chiều, đặt bước chân lên vỉa hè, qua những con đường, góc phố đã đổi thay thay đổi - Ruộng dâu đã biến thành biển xanh - những người quen cũ bây giờ trôi dạt mãi tận chốn nào.. có còn chăng những hoài niệm dấu yêu của một thời yên bình đẹp đẽ đã vời vợi cách xa?

Tôi vẫn ước mơ - dù cùng với thời gian, mơ ước đã dần dần tàn lụi - có một ngày nào, cùng với những bạn bè xưa, đi dạo lại trên những vỉa hè của một phố phường không xa lạ, ngắm nhìn những bước chân lanh chao liếng thoắng cùng với tiếng cười đùa hồn nhiên của bầy cháu nhỏ, cùng ôn lại những cay đắng ngọt bùi đã qua với một chút ngậm ngùi...

Bây giờ, chỉ còn lại tôi, ở đây, với những vỉa hè trơ trọi buồn thảm, mà thành phố thì trần trụi và lạnh lẽo - như một nấm mồ!




::: Vân Giang :::

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

CHUYỆN PHIẾM "CHỮ THẤT"





Thúc Sinh

Tối hôm qua, ngồi uống cà phê một mình, nhổ râu suy nghĩ .. Uống hết gần ba ly cà phê, nhổ hết gần nửa hàm râu, tôi mới giật mình hiểu ra một điều: Trên đời này, chữ thất đi kèm với bất cứ chữ nào khác hình như đều không được tốt đẹp cho lắm, đại khái như: thất bại, thất tình, thất tín, thất nghiệp .v .. v ..

Những chữ thất phải gió này dường như cũng liên hệ với nhau khá chặt chẽ, khi một người (thường là đàn ông) vướng vào một hoặc hai cái thất thì những cái thất đó sẽ link qua những cái thất khác, thành một chuỗi dài. Này nhá: Trong sở làm, đang có chức vụ cao ngon lành mà bạn cứ tung tin đồn thất thiệt, luôn thất tín (với cấp trên), thì đương nhiên bạn sẽ bị thất sủng, sau đó nếu hãng của bạn hơi slow một chút, bạn sẽ trở thành con vật hy sinh tế thần đầu tiên, đi thăm Sở Thất Nghiệp dễ dàng. Sau khi thất nghiệp, bạn rất cố gắng đi tìm việc làm mới nhưng mọi xoay sở đều thất bại (vì kinh tế đang xuống quá sá). Cứ tiếp tục thất nghiệp và thất bại như thế, khiến cô bạn gái quá thất vọng, vài tháng sau bạn sẽ thất sắc khi nhận được cú phone chia tay từ cô ta. Trong vài tiếng đồng hồ đầu, sau khi nhận được hung tin, bạn sẽ thất thần chẳng còn biết phải làm gì nữa, sau đó vài tuần bạn sẽ thất tình ! Thiếu tình cảm, thiếu tiền tiêu hơi lâu, bạn sẽ rất dễ trở thành thất chí. Cứ thế, nào là thất nghiệp, thất bại, thất sắc, thất thần, thất tình, thất chí, sáu cái thất đeo theo hành hạ dai dẳng. Quẩn trí ! không khéo có ngày bạn sẽ làm chuyện thất đức !!!

- Ðến những nơi thờ phượng những bậc thần linh, những bậc thánh nhân, những bậc anh hùng. Không tin thì thôi, đừng nên thất kính.

- Từ ngàn xưa, những bí quyết, những kỹ xảo thường hay bị thất truyền do lòng ích kỷ của con ngườị Ðây cũng là một điều đáng tiếc !

- Giấy tờ quan trọng mà không cẩn thận để thất lạc thì nhức đầu .

- Các em bé (teens) không chịu ở nhà với bố mẹ, cứ trốn nhà đi đêm, có ngày sẽ thất tung, khổ cha, khổ mẹ, khổ cả vào thân.

- Tuổi còn nhỏ, không nghe lời người lớn, cứ lêu lổng, không chịu đến trường, lớn lên sẽ thất học, tương lai bất định, khó lường ..

- Các cô gái tuổi cặp kê (teens and up) chọn bạn cũng nên cẩn thận, lỡ gặp phải bạn trai thuộc loại Sở Khanh mà thất thân với nó thì sẽ đau khổ ê chề !

- Còn các bà đã có chồng mà vẫn mê anh láng giềng đẹp trai rồi thất tiết thì sau này cũng không tránh khỏi bà con dị nghị, khổ lắm !

- Quí ông vì sơ ý nên cưới phải một cô vợ có đầu óc hơi .. thất thường thì sẽ đau đầu triền miên, thật khổ lắm chứ chẳng phải chơi !

- Nhà nông, chẳng may gặp hạn hán liên miên, cỡ ba năm liền .. thất thu thì chỉ có nước, vợ chồng, con cái, bị gậy lên đường mà thôi .

- Một người mà cứ đôi ba ngày thất hẹn một lần thì chả có ma nào muốn chơi chung, nói gì đến làm ăn, hùn hạp.

- Làm thủ quỹ nơi cửa công mà lại để tiền bạc luôn thất thoát thì thể nào cũng có ngày vào tù ?

- Chiến sĩ thất trận trở về cũng chẳng vẻ vang gì !

- Võ sĩ vừa mới thượng đài, chỉ vì khinh địch, vô ý nên bị địch thủ tấn công tới tấp, thất điên bát đảo, không còn biết đường mà đỡ. Ðánh nhau mà .. thất thế như vậy thì thua là cái chắc (chữ thất điên bát đảo dài quá, không tính).

- Anh con trai, vào ngày đính hôn (engagement) không nghe lời những bậc cha, chú chỉ dẫn, cử chỉ thiếu nghiêm trang, ăn nói leo trèo, chả thưa, chả gửi với ai, như vậy thì quá .. thất lễ, khó lòng cưới được người đẹp ?

- Các cậu mới lớn, hẹn đi movies với bạn gái. Mất gần nửa ngày để chuẩn bị gặp em, đứng chờ hơn nửa ngày trời mà người đẹp vẫn không xuất hiện, sắp sửa .. hóa đá mới âm thầm thấm thía hai chữ leo cây, mới hiểu ra con gái là chúa ác trên đời ! Trời tối, bụng đói .. thất thểu ra về, trông mới thảm hại làm sao !

Thúc Sinh tôi đã đếm rồi, tạm thời có hai mươi sáu chữ thất: thất thiệt, thất tín, thất sủng, thất nghiệp, thất bại, thất vọng, thất sắc, thất thần, thất tình, thất chí, thất đức, thất kính, thất truyền, thất lạc, thất tung, thất học, thất thân, thất tiết, thất thường, thất thu, thất hẹn, thất thoát, thất trận, thất thế, thất lễ và .. thất thểu. Rõ ràng, chả có chữ nào là tốt cả. Thôi nhá, chúng ta nên tránh xa chúng ra, càng xa càng tốt.



THÚC SINH

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Ông cha xứ
Nguyên Nhung - Dec 16, 2006



* Lời người viết:
Chuyện kể lại một góc đời thường của một linh mục sau năm 1975, với những nhọc nhằn trên đôi vai của ông cha xứ trong một xứ đạo nghèo, và tinh thần bác ái của ông bao giờ cũng là một món quà Giáng Sinh đáng trân trọng.
Nguyên Nhung


Nhà là nhà xứ mà cũng là nhà Dòng, Cha là cha xứ lại kiêm luôn việc trông nom tu viện, gồm một số tu sĩ nam, nữ nguyện tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân. Ấy là số tu sĩ chỉ độ hơn mười người, sau khi đổi đời một số đã bỏ về nhà làm ăn sinh sống. Có làm linh mục vào thời buổi ấy mới cân lượng được cây thánh giá Chúa gửi đang vác trên vai, chứ đâu sung sướng gì như người ta nghĩ: “ Một người làm Cha... cả họ được nhờ”.

Xứ chỉ là xứ nghèo, số giáo dân đến nhà thờ được vài trăm, đa số đều vất vả và đơn chiếc. Nhìn là biết ngay, giáo dân chỉ toàn đi dép nhựa với mặc áo bà ba, mấy cái áo dài chắc được đem ra chợ trời để đổi lấy cơm gạo, hoặc mấy bà mẹ khéo tay đã lấy may lại tấm áo Tết cho con. Đám trẻ con lại càng tội hơn, chúng nó đi chân đất đến nhà thờ, áo quần xộc xệch, mặt mũi vêu vao, nhìn đám con chiên cha xứ chỉ muốn rơi nước mắt...

Bây giờ nhà thờ lại thiếu linh mục, chiều thứ Bảy, ngày Chủ Nhật là ngày chạy “ show” làm lễ cho giáo dân ở hai nơi khác nhau. Mà đã xong đâu, còn phải chọn giờ làm lễ sao cho phù hợp, không làm mất thì giờ lao động của nhân dân. Chỉ có những buổi lễ ngày thường Cha phải dậy sớm lắm, nhà thờ chỉ lác đác mấy ông bà già không ngủ được đi lễ sớm, còn đám người lớn phải lo chạy gạo giờ nào mà đi lễ. Không có hát Thánh ca, không có đàn sáo trầm bổng gì hết, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy cha con chúc Bình An cho nhau.

Bình An là tốt rồi, không dám mong mỏi gì hơn. Khu nhà thờ nằm trong khuôn viên rộng rãi giờ này như mâm cỗ đập vào mắt những kẻ đói ăn, khiến Cha nghĩ nát đầu để giữ lấy làm nơi thờ phượng và làm chỗ tu học cho các tu sĩ. Nhìn bề ngoài khu nhà thờ có vẻ bề thế, nhưng sau nhiều năm không được sửa chữa, tường đã nứt, mưa đến dột nát tứ tung, tiền không có ăn, nghĩ đến chuyện quét vôi cho sáng sủa nhà thờ chắc chỉ là chuyện chiêm bao.

Nghĩ mãi Cha mới nảy ra ý kiến trồng rau nuôi gà, tất cả đều “tay làm hàm nhai”, các tu sĩ bây giờ tíu tít lên vì phải “tăng gia sản xuất”. Không phải vì cái khẩu hiệu “lao động là vinh quang” vẽ chữ vàng trên nền vải đỏ treo bên kia đường đập vào mắt Cha, nhưng “đói thì đầu gối phải bò” thôi. Nghĩ cho cùng cha vẫn thấy hợp lý, con người không thể dấn thân vào Đạo khi không tự mình lo được cho mình miếng ăn, lại cứ phải sống nhờ vào lòng từ tâm của tín hữu.

Khu nhà thờ biến thành một trại gà, vì thế mỗi buổi lễ con chiên vẫn ngửi được mùi phân gà thoang thoảng trong câu kinh nguyện. Những mảnh đất xung quanh khu nhà thờ, giờ này trồng đủ thứ rau xanh. Mùa nào thức nấy cả nhà Dòng trông vào mảnh vườn rau làm thức ăn chính. Su hào, cải bắp, khoai lang, mùng tơi, rau đay, rau muống, có chút rau xanh nấu với tôm khô cũng đẩy được bao nhiêu bát cơm gạo hẩm vào bụng. Khổ nỗi, số rau ấy được lũ trẻ đi nhà thờ tận tình chiếu cố, chả lẽ chúng nó mở miệng xin mà Cha lại từ chối, thành ra sau buổi lễ dành cho thiếu nhi ngày chủ nhật, bao nhiêu rau trong vườn được vặt trụi.

Đất còn rộng, sợ ngứa mắt người khác, cha nghĩ đến chuyện đào ao nuôi cá, thêm chút chất đạm cho mỗi bữa cơm. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, mua bao nhiêu cá giống về thả xuống ao, chỉ ngày hôm sau cá con đã nổi lềnh bềnh trắng xóa trên mặt nước. Ít lâu sau ao cá mới gầy được một vài lứa, hôm nào lưới lên Cha con được một bữa bồi dưỡng cũng thỏa lòng. Nhưng lại có vấn đề, lũ trẻ đi nhà thờ ngày chủ nhật hay leo trèo, nghịch ngợm, ao cá nằm phơi ra đó lỡ đứa nào sảy chân chết đuối là Cha lãnh nợ. Lại phải rào, dây kẽm gai lúc ấy rất hiếm, dù ngày xưa chỉ để rào quanh đồn bót với những cơ quan quân sự. Thế là cha con lại hì hục chạy vạy để rào ao nuôi cá, tiền bán trứng gà dành dụm mãi bây giờ lại đổ vào việc mua dây kẽm gai, gà không có thực phẩm đầy đủ cứ gầy teo, rồi mùa gió chướng năm đó gục xuống chết hết, cha con tha hồ ăn thịt gà” toi”.

Vấn đề chạy gạo cho cả chục người ăn là “căng” nhất. Nghĩ tới nghĩ lui, may là còn được chiếc xe Honda cũ, Cha vẫn dùng để chạy đi làm lễ từ nhà thờ này sang nhà thờ kia. Cha nghĩ ngay đến việc chạy xe “lôi” kiếm sống, gia nhập vào nghiệp đoàn “Xe Lôi” rất đông đảo. Xe lôi là một loại xe chuyên chở bình dân rất thông dụng ở miền Tây, chỉ cần một cái thùng xe phía sau là cha xứ có thể biến thành một bác chạy xe xích lô rất chân chính. Miệng lưỡi thế gian không thể cho cha là loại người trốn tránh lao động, sống bám vào công sức của người khác, lại còn giải quyết được chuyện bao tử cho bấy nhiêu con người trong nhà Dòng.

Mỗi buổi sáng ngày thường sau khi tan lễ, cha ăn uống qua loa rồi tất tả cởi chiếc áo chùng thâm, thay vào đó là cái áo lính cũ, với một mũ rộng vành kiểu nhà binh, bấy nhiêu đó là Cha có thể hòa nhập vào với dòng đời xôn xao ngoài kia. Bởi vậy mới xảy ra chuyện cười ra nước mắt giữa một ông cha xứ chạy xe lôi với một bà già giáo dân trong họ Đạo. Sáng sớm bà già đón xe đi chợ, vì chân yếu, chợ lại xa, bà không làm sao lạch được ra chợ. Bà già đứng bên đường ngoắc chiếc xe lôi vừa chạy tới. Chiếc xe tấp vào lề đường, cha xứ giấu mặt có đôi kính trắng dưới cái mũ rộng vành đội sùm sụp.

“Từ đây ra chợ, chú lấy bao nhiêu?

“Bà cho bao nhiêu cũng được.”

Bà già vừa ngồi trên xe vừa lẩn thẩn hỏi cho vui chuyện:

“Chú chạy xe có khá không?”

“Thì cũng nhàng nhàng đủ ăn, thưa bà.”

“Nhà chú được mấy đứa con?”

“Nhà tôi đông con lắm...”

Cha chỉ trả lời cầm chừng, vì cụ bà thì cha biết rồi, chỉ có bà không nhận ra ông cha xứ của mình thôi. Bà là bà cụ đọc kinh to tiếng nhất trong nhà thờ, khoác tấm áo dài màu cánh gián, ngồi gật gù dưới chiếc cột có tượng Đức Mẹ Lộ Đức, tuy mắt kém nhưng vẫn lò mò đi nhà thờ mỗi buổi sớm. Bà cụ than:

“Đông con nhưng chú có chiếc xe để kiếm cơm cũng còn khá. Tôi bây giờ chỉ sống nhờ vào con , con trai lại đi tù, con dâu ở nhà nuôi cháu cho mình thấy vất vả quá. Hôm nay, tôi phải đi chợ để làm mấy món tiếp tế cho con, chia với vợ nó chút khổ, chứ trông vào một mình nó, thật ái ngại!”

Cha thấy nao nao buồn, xung quanh Cha là những cây Thập giá đè nặng lên thân phận của những gia đình giáo dân trong xứ đạo, nhà nào cũng khổ như nhau, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Đa số đàn ông vắng mặt trong nhà, đàn bà thì chân yếu tay mềm, suốt ngày quần quật ngoài chợ kiếm ăn, nuôi một đàn con nheo nhóc cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Đức bác ái thì không thiếu trong con người linh mục, nhưng lấy gì để chia xẻ đây?

Chiếc xe rề rề tấp vào vỉa hè con phố ở đầu chợ. Bà già xuống xe, bàn tay nhăn nheo run run mở cái kim băng ngoài túi áo để lấy tiền, nhưng ông chạy xe lôi tử tế kia nhất định biếu không cho bà chuyến xe mở hàng đầu ngày. Mắt bà hấp hem nên chưa nhận ra ông ta là ông cha xứ của mình, dù nghe giọng nói kia quen quen mà chịu chưa nhớ ra được. Mãi tới khi lần mò đi vào khu chợ, vừa đi vừa cầu nguyện cho người đã làm ơn cho mình, bà mới ngờ ngợ nhận ra cái tiếng nói quen quen kia là tiếng nói ông cha xứ. Bà bồi hồi cảm động, hai hàng nước mắt cứ chực tuôn ra trên hai gò má. Bà vừa đi vừa thầm thĩ cầu nguyện Chúa nhân lành trả công cho ông cha xứ của mình.

Làm ăn quần quật thế mà cha con vẫn sống thật vất vả, bữa cơm bày biện trên chiếc bàn dài, nhìn vào chỉ có canh cua đồng nấu rau đay, một đĩa cá kho, thêm một đĩa cà pháo, hôm nào ngon lắm thì thêm một vài miếng đậu hũ xốt cà. Tiện tặn, khiêm nhường, co kéo mà sống vậy cũng chưa yên thân, giáo dân nghèo bần cùng, đơn chiếc thỉnh thoảng vào nhờ cha giúp mấy lít gạo cũng không từ chối được.

Khi dấy lên phong trào hồi hương lập nghiệp, nhà nhà đưa nhau đi xây dựng vùng quê hương mới, Cha nghĩ ngày nghĩ đêm để tìm cách giúp con chiên được ở lại thành phố. Họ đổi mới thị trường công thương nghiệp, thay vì phải đi cày sâu cuốc bẫm, cho nên cha lại phải khôn khéo ngoại giao mới được giao cho công việc điều hành một Tổ Hợp Dệt Thảm bằng cói lác, được đánh giá là hàng mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài. Nhà xứ lại nhộn nhịp người ra kẻ vào, các tu sĩ thay cha điều khiển Tổ Hợp và dạy nghề lại cho bà con trong xứ.

Không tham gia vào mấy cái Tổ hợp thì không phải là người thức thời, ai cũng biết chả sống được bằng cái nghề ấy, vì có làm cong lưng ra cũng không chạy đủ gạo cho con ngày hai bữa, chỉ có những người độc thân bám víu mà sống được, còn người nặng gánh gia đình tham gia cho có hình thức, rồi cắp túi ra chợ Trời ngồi mua chui bán nhủi. Dĩ nhiên chỉ có các vị tu sĩ phải chăm chỉ làm để lấy sản phẩm giao cho nhà nước, cũng được cấp phiếu mua gạo giá quy định, đỡ đần gánh nặng cho cha xứ.

Cũng vì lòng thương người, đức bác ái mà đời cha đôi phen điêu đứng, việc ngoài đối phó chưa xong mà việc trong lại rối rắm bằng mười. Điều làm cha buồn lòng nhất sao nó giống hệt nỗi buồn của Chúa Giêsu năm xưa, bị chính người môn đồ thân yêu bán đứng lấy ba mươi đồng bạc. Cha cô đơn chống chỏi với bên ngoài, cũng chỉ vì muốn giữ lấy cái nhà dòng cho các tu sĩ và ngôi nhà thờ cho giáo dân. Nhưng điều hành một giáo xứ và một nhà dòng, cha không tránh được chuyện người ưa kẻ không thích, khổ tâm nhất là bất cứ việc gì cha làm vì lòng bác ái, lại bị nhiều lời đàm tiếu vô căn cứ. Để rồi đôi khi cha thấy mình y hệt phạm nhân nằm trên cây thập giá, mà mỗi lời châm chích lại y như những cái đinh vô hình đóng vào tâm hồn cha, khiến Cha chỉ biết thở than với Chúa.

Cha hiểu trong đêm tối chỉ có Chúa mới lắng nghe được cha đang nói gì, hay chính tiếng nói của lương tâm đang ủi an cha để làm nốt trách nhiệm quá nặng nề trên đôi vai người linh mục tội nghiệp. Ngày xưa Chúa chỉ có mỗi Phi la Tô xét xử, mà với áp lực của đám đông đang gầm thét đòi đóng đinh Chúa, trước khi giao Chúa cho quân dữ, hắn đã phải rửa tay để thề rằng không có trách nhiệm gì trong cái chết của người công chính này. Cuối cùng, cha quyết định mình sẽ học bài học im lặng của Chúa, chờ đến một ngày người ta sẽ hiểu cha hơn, qua những việc cha làm, đó là cách hữu hiệu nhất mà vẫn rất cần thời gian mới trả lời được.

* * *

“Ai bảo chăn trâu là khổ”, cũng như “ai bảo làm Cha ... là sướng”. Thời nào Cha sướng không biết, chứ lúc ấy nghề linh mục là nghề cay đắng nhất, hai ba thứ dâu đổ vào đầu tằm, việc Đạo việc Đời phải khéo léo giải quyết, ai vác thay được cho Cha cây Thánh giá nặng nề chừng ấy. Nói theo Tôn giáo bạn thì đi tu là xa lánh việc đời, quẳng cái đa đoan để tầm đường tìm sự giải thoát cho bản thân, giá được vậy thì đã đỡ khổ. Từ sáng tinh sương tới tối mịt, khi chuông nhà thờ vang lên từng hồi dồn dập mỗi buổi sớm mai, Cha đã bắt đầu lo cho một ngày sắp đến.

Nhìn xuống hàng ghế quỳ càng ngày càng thưa thớt giáo dân, cha thấy lòng nặng trĩu một nỗi buồn. Mùa Giáng sinh sắp tới rồi, mùa Vọng thường là mùa chuẩn bị cả phần hồn lẫn phần xác. Năm nào cũng vậy, nhà thờ vui nhất mùa Giáng Sinh, ca đoàn bắt đầu chuẩn bị tập hát, những ca khúc giáng sinh rộn ràng khiến lòng ai cũng như mở hội. Đám trẻ dạo này ít tới nhà thờ, ngoài giờ đi học chúng nó bận họp hành tối ngày, công tác kiểm điểm liên miên giờ đâu mà tham gia sinh hoạt của nhà thờ. Đúng ra cũng chỉ có mỗi ca đoàn là còn tương đối hoạt động, mấy hội đoàn kia tự động giải tán, chả ai bảo ai cứ lẳng lặng mà tan hàng...

Những chiếc đèn ngôi sao sau mùa Giáng Sinh hằng năm, được bọc giấy báo cất kỹ trong kho, bây giờ được lôi ra làm lại như mới, giăng hai hàng song song bên hông nhà thờ, khiến khu nhà xứ lại tràn ngập bầu không khí Giáng Sinh.

Nhưng sao vẫn buồn thế nào ấy? Góc sân kia có thể làm hang đá ở chỗ ấy, dưới bóng mấy cây dương xỉ để nghe tiếng lá reo vi vu, như âm điệu buồn buồn của bài ca sinh nhật “Đêm Thánh Vô Cùng”, hay cảnh màn trời chiếu đất của một gia đình cách đây gần hai nghìn năm. Năm nay Cha dâng Lễ ngoài trời, vì lễ sớm, bọn trẻ con đông, nhà thờ không đủ chỗ chứa bấy nhiêu con người, ngồi trên cung thánh nhìn xuống, cha thấy mướt mồ hôi. Tất cả đã được cha tính toán để ít là cũng mang được niềm vui Giáng Sinh đến cho giáo dân trong họ đạo. Ai cũng biết xứ nghèo lắm, cha xứ cũng nghèo nàn, hiền lành nên mùa Giáng Sinh cũng chỉ được có thế, nhưng họ vẫn tuôn đến nhà thờ vào đêm Giáng Sinh. Hình như trong lúc này, họ mới cảm nhận được cái tương quan giữa cảnh đời của họ với gia đình Giêsu trong hang đá bé nhỏ kia, có vẻ gì gần gũi lắm.

Cha hồi tưởng lại những mùa Giáng Sinh vài năm trước, cả khu nhà thờ sáng rực đèn sao như mở hội. Người người không phân biệt tôn giáo kéo đến đứng đầy trên sân, vừa nghe nhạc Giáng Sinh, vừa ngắm nghía Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Năm xưa ấy, hang Bê Lem cũng khác với bây giờ, những ngọn đèn màu nhấp nháy liên tục làm lóng lánh thêm những sợi kim tuyến giăng ngang dọc trong hang đá. Có lẽ Chúa cũng không hài lòng lắm vì cái tưng bừng tương phản với sự nghèo khổ của gia đình Thánh gia, vì thế năm nay vừa để tiết kiệm điện, vừa để thích hợp với cảnh nghèo nàn rất ý nghĩa, Cha chỉ dùng một ngọn đèn mờ, tỏa ánh sáng hắt hiu xuống những tượng thánh. Buổi tối trước ngày Lễ, cha đứng ngắm nghía cảnh nghèo nàn của gia đình Thánh gia trong hang đá đơn sơ, cha chỉ biết xin Chúa ban cho cha trở nên hột muối ướp cho mặn đời, với tinh thần khó nghèo, cha có cơ hội tận hiến đời mình cho anh em mà thôi.

Buổi chiều trước lễ Giáng Sinh, lũ trẻ đã túa ra nhà thờ vây xung quanh hang đá, trầm trồ nhìn Chúa Giêsu bé nhỏ xinh đẹp đang nằm mỉm cười trong máng cỏ, tay chân giơ lên như muốn nhảy ra chơi đùa với bọn trẻ rất dễ thương kia, những nụ cười ngây thơ ấy nhìn đời rất thánh thiện như tâm hồn của chúng nó. Đám trẻ nhỏ xô đẩy nhau để được đứng gần lại với tượng Chúa, lúc này y hệt em bé của chúng nó ở nhà. Cha chưa bao giờ mắng mỏ lũ trẻ con , như đám người lớn vẫn gầm gừ với lũ nhỏ khi muốn độc quyền lãnh đạo từ trong nhà ra tới ngoài xã hội. Hình như chưa bao giờ cha nổi giận với ai, vẫn chỉ là nụ cười hiền với một câu nói nhẹ nhàng khiến người kia dù có lỗi, vẫn không mặc cảm mình là người có tội.

Cha dự trù phải có một món quà Giáng Sinh ý nghĩa cho những gia đình nghèo, mà nghĩ mãi chưa ra. Cuối cùng cha “ à” lên sung sướng, chiếc xe Honda cũ kỹ của cha kể cũng rất được việc, chỉ cần để dành chút tiền nhỏ của mỗi cuốc xe trong nhiều tuần lễ, cha cũng sẽ có tiền để thực hiện cái mộng ước đơn giản trong mùa Giáng Sinh. Đó là những ổ bánh mì nóng ròn để làm quà cho những gia đình neo đơn, khốn cùng trong cái xứ đạo nghèo của Cha. Cha thiết thực tính toán với ông chủ tịch nhà xứ, chả có gì bằng “một miếng khi đói, bằng gói khi no”, vừa hợp tình, vừa hợp cảnh, bởi hình ảnh người đàn bà trong xứ đạo trong cuốc xe buổi sáng hôm nào, vẫn còn ghi đậm trong lòng cha nỗi khổ của một người mẹ, cha vẫn nghe lòng nao nao xúc động...

Thánh Lễ cử hành vào lúc 8 giờ, thay vì nửa đêm như những năm trước, lễ đêm khuya khoắt chỉ có người lớn, ông già bà cả, còn đám trẻ con đã lên giường từ lúc 10 giờ. Nhìn vẻ náo nức của lũ trẻ con trên sân nhà thờ, tự cha cũng biết không nên dập tắt niềm vui giáng sinh trong lòng lũ nhỏ. Trên khuôn mặt chúng, cha nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện diện trong tâm hồn đơn sơ của chúng, nhìn niềm vui của trẻ con cha mới thực sự nhìn thấy sự bình an của tâm hồn. Quanh năm ngày tháng chúng được mấy giờ vui, nhất là đêm Chúa sinh ra đời, dù bối cảnh hang đá năm nay không rực rỡ, tưng bừng như những năm trước, nhưng ý nghĩa của hang đá Bê Lem chắc hẳn sẽ ghi đậm trong lòng những đứa bé thơ suốt cuộc đời. ”Suy bụng ta ra bụng người”, hồi cha còn bé, cha cũng là một cậu bé con nhà nghèo hiền lành, cha đã hiểu được niềm vui ấy vẫn rạo rực nhiều ngày trước mùa Sinh Nhật, nó cháy mãi như ngọn nến trong chiếc đèn ngôi sao lẻ loi treo bên cạnh máng cỏ, để dù khi khôn lớn, mỗi mùa Giáng Sinh về, tâm hồn cha vẫn cứ reo vui như độ còn là một chú bé con.

Khi tiếng chuông ngân từng hồi giục giã, ca đoàn bắt đầu cất tiếng hát vang dội cả một góc sân nhà thờ, những đứa trẻ con bắt đầu hòa nhịp với hội hát, khiến lòng cha tự dưng xúc động. Bao nhiêu đứa bé đứng dưới kia là bấy nhiêu hoàn cảnh gia đình bày trải trước mắt cha, có những gia đình neo đơn mà cha nhìn thấy trong giáo xứ, nhà nhà quạnh vắng chỉ có đàn bà và trẻ con. Cha hy vọng rằng lễ Giáng Sinh sang năm, trong khoảng sân giáo đường này, sẽ là hình ảnh ríu rít của đám trẻ con bên cha mẹ. Bà già được cha chở giúp trong chuyến xe lôi buổi sớm hôm ấy, dạo này đôi chân đã yếu, hai mắt đã mờ, không còn lạch được tới nhà thờ những buổi lễ sớm, con người cũng y như chiếc lá thoảng rơi xuống sân cỏ, chẳng mấy chốc lại chỉ là hạt bụi giữa cõi trần ai....

Lễ tan, giáo dân tản mát ra về, một vài người còn ra đứng trước hang đá cầu nguyện, cơn gió tháng chạp thổi qua khiến đêm Giáng Sinh mang mang một chút buồn hiu hắt. Những đêm Noel bây giờ, đâu phải tất cả trần gian đều chìm ngập trong an hòa và hạnh phúc, hình như trong Cha lại phảng phất nỗi buồn rầu nhớ thương của người chồng xa vợ, những giọt lệ âm thầm rơi trên đôi má người cô phụ, và những đứa bé thèm thuồng có được món quà nhỏ của ông già Noel trong câu chuyện huyền thoại ngày xưa.

Sau lễ, trời dần khuya, cha xứ sửa soạn đi với ông chủ tịch hàng xứ, vác bao bánh mì trên vai đi đến những nhà giáo dân neo đơn, nghèo khổ đã được chọn sẵn trước ngày lễ. Con ngõ đi vào xóm vắng gập ghềnh tối om, hai cha con bước thấp bước cao lần mò như hai thằng ăn trộm. Một bên là bờ sông, một bên là nhà ở mập mờ trong bóng đêm và cây cối, ánh điện câu vàng quạch còn hắt lên trong những căn nhà nhỏ, mùi hoa ngọc lan thoang thoảng trong gió và trên kia là bầu trời đêm nhấp nháy những vì sao muộn.

Hình như lâu lắm rồi cha chưa bước chân ra khỏi nhà xứ vào ban đêm, bởi vậy cũng vì thế mà cha chưa hình dung hết được cái buồn ngất ngây của một đêm buồn trong xóm vắng. Bóng tối làm âm u thêm những mảnh đời rách nát tả tơi, bóng tối cũng che giùm những vá víu trên manh áo cũ. Nếu làm cha xứ để chỉ biết loanh quanh khu nhà xứ, để suốt ngày bảo ban mọi người tĩnh tâm, cầu nguyện, đọc kinh rì rầm hết giờ này sang giờ khác, cha vẫn thấy không đủ. Phải đem Đạo vào Đời là thế, nhưng nhất định không thể để Chúa ở trong những chiếc hang đá diêm dúa với đèn màu chớp tắt, những cây Giáng Sinh trang hoàng lòe loẹt, hay trong cung Thánh đèn hoa rực rỡ. Nhìn những căn nhà nằm im ngủ trong bóng đêm, ánh đèn còn lay lắt bên trong cánh cửa, cha cho rằng giờ này Chúa cũng đang ẩn mình trong bóng tối với những người cô đơn, cùng khổ.

Khi Cha vừa đến căn nhà cuối xóm, qua cánh cổng gỗ, cha nhìn thấy bà cụ già hôm trước vẫn ngồi nhai trầu bỏm bẻm ngoài hiên. Cha và ông chủ tịch nhà xứ im lặng đứng ở phía bên ngoài khung cửa sổ còn mở, giáp với đường đi ngoài bờ sông, tò mò nhìn hai đứa bé đang lúi húi chúi đầu vào một góc bàn học. Trên ấy dưới một cành cây khô có từng cụm tuyết làm bằng bông gòn, chiếc hang đá bé cỏn con, trong hang là một tấm ảnh gia đình Chúa Hài Nhi bé tý teo. Hai đứa bé đang say sưa hát, tiếng hát non nớt theo cung điệu “ Chúa Sinh Ra Đời” do hai thằng bé đồng ca, tiếng hát ngọng nghịu, đớt đát của thằng bé em làm cha cảm động.Chỉ có một ngọn nến bập bùng soi vào hang đá, hắt lên khuôn mặt thiên thần của hai thằng bé đang say sưa ngắm nhìn hang đá bé nhỏ của mình, cha chưa hề nhìn thấy một bức tranh nào đẹp hơn thế.....

Hai đứa bé vẫn say sưa với ngọn đèn cầy trước chiếc hang đá bằng giấy bé tẻo teo trên bàn học, bà nó chắc là vừa ăn trầu, vừa thì thầm đọc kinh trong bóng tối, còn mẹ nó thì đang lỉnh kỉnh dọn dẹp trong nhà bếp. Cha khẽ bảo ông chủ tịch rút hai chiếc bánh mì, khe khẽ luồn qua song cửa sổ, đặt nhè nhẹ lên góc bàn con trong bóng tối, rồi vội vã bước đi...

Những ổ bánh mì tình nghĩa của ông cha xứ nghèo, như một phép lạ đêm Giáng Sinh vì nó đến đúng nơi, đúng lúc. Cha hình dung ra nét mặt ngạc nhiên của hai đứa bé khi nhìn thấy hai ổ bánh mì thơm mùi bột nướng nằm trên chiếc bàn nhỏ, nhưng điều thú vị hơn cả là ân sủng của Chúa đã tràn ngập đem niềm hy vọng vào tâm hồn hai đứa bé thơ. Biết đâu từ đây trong cuộc đời của hai đứa nhỏ, mỗi mùa Giáng Sinh về, sẽ là câu chuyện kể về hai ổ bánh mì tự trên Trời rơi xuống vào giữa đêm Chúa sinh ra đời.

Để nhớ lại một mùa Giáng Sinh xưa

Nguyên Nhung

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

"Văn Mình, Chồng Người"


Hồi trước, nghe các cụ nói :”văn mình, vợ người”, thấy chí lí quá! Bây giờ nghĩ lại thấy...trật lấc! Bởi nói như vậy, hàm ý rằng chỉ có các ông mới viết lách, chỉ có các ông mới có quyền phê phán, khen ngợi, chỉ có các ông mới thèm thuồng, ham của lạ, mới chê vợ mình mà thấy vợ người ta cái gì (?) cũng đẹp, còn “mụ nái xề nhà mình” đẻ lia chia, nên lỗi thời, lạc hậu. Tính nết thì khó chịu, gắt gỏng tối ngày; gọi con thì như hò đò sang sông; thân hình thì đi ngược lại những qui tắc về cái “đẹp”: chỗ cần đầy đặn thì lại lõm vào, chẩy xuống, chỗ cần eo óp thì lại phình ra, phốp pháp...

Nên khi có dịp gặp gỡ bất cứ người quen, kẽ lạ nào có mang vợ theo thì liền so sánh ngay: bà kia sao trông ngon mắt quá, chị nọ nói sao ngọt ngào lạ; cô này có miệng cười xinh gớm; vợ thằng cha mập như con heo nọc kia nhìn cứ như là bông hoa... lài ấy; chà! cái thằng sao phước đức mấy đời để lại mà có con vợ ngon ác... Phải chi mình... (thở dài liền mấy hơi!) Đôi khi, ông chồng ngồi cứ quay mặt ra chỗ khác, không nhìn vào chỗ mấy bà đang ríu rít, vợ thấy chồng... đứng đắn quá, lại thương, chạy lại nựng nựng một hồi, đâu biết rằng chồng mình không dám nhìn vì sợ phải lên “cơn thèm”, sợ đến tối về lại phải cưng cái thân hình “quá đát” của vợ thì chán chết!

Thiệt ra, cụ nào quan niệm chỉ có đàn ông mới “văn mình, vợ người” như thế là “lỗi thời lạc hậu” đấy. (Dĩ nhiên, cũng có những “trự” cư xử y hệt như tả ở trên) Nhưng, không phải chỉ có mấy “trự liền ông” mới viết văn. Số lượng các bà dùng ngòi bút để nổi danh cũng không thiếu gì. Mà, không viết thì thôi, hễ say sưa viết là viết khiếp lắm. Viết tục còn hơn ai nữa kìa. Mới đây, một nữ lưu viết một bài về “cái chầy cái cối” và cho rằng “chầy mà không có cối giã thì mốc thếch ra!” (đại khái như thế) Nhiều nữ sĩ khác tả “sexy” không chịu được. Có nữ sĩ chuyên tả đủ kiểu làm “love”, đàn ông đọc nghe rợn người luôn. Những nữ văn(g) sĩ này, đố ai dám nói là không mê “văn mình”! Mê thấy mồ đi chứ! Không tin, thử lên tiếng chê bai đi... Xem có bị tai nạn thảm khốc không?

Từ xưa xửa xừa xưa, từ Á sang Âu, những bà vua chúa nổi tiếng dữ dằn không thiếu. Có bà lựa toàn thanh niên khỏe mạnh để phục vụ một đêm, đợi chàng hết “xíu quách” là chặt đầu! Lịch sử những bà Messalina, rồi Võ tắc Thiên đã đầy trong sử sách. Thời hiện đại có Giang Thanh. Gần đây, dư luận nước Nga đang sôi nổi vì “Tổng Thống mặc váy” tức là cô con gái của Yeltsin tung hoành ngang dọc. Sang đến Mỹ này, học kinh nghiệm của Monica, Kathleen, hay Linda Trip... các bà luôn chiếm vị trí hàng đầu (Lết đi phoớc) thì lực lượng và năng lượng của các bà Vietnamse American lại càng khủng khiếp. Nếu mấy bà mà có “của ăn, của để”, thì tha hồ đi mỹ viện, nâng chỗ này, xẻo chỗ kia, bơm cả má cả môi, rồi chẻ cằm, cắt mắt “vân vân và vân vân”. Cùng theo cái đà văn-minh-đi-xuống của nước Mỹ đầy tự-do-làm-loạn này, các vị “liền bà” (Mẽo) đòi không mặc áo để đi lang thang ngoài đường, đòi phá thai, đòi thay vợ đổi chồng, đất Bolsa này cũng đã có vài đấng nữ lưu Anamít nổi danh làm theo y hệt.

Ngoài ra, nghe nói còn có một Hội bắt chước phong trào C.T.Y. (Cho Tình Yêu) của mấy em nữ sinh trường G... xưa mà cho... loạn lên. Chỉ khác là hội viên bây giờ là các phu nhân (Mít) lừng lẫy. Mới đây, lại có chương trình “bán trứng” qua Internet. Vừa nghe qua, tưởng là bán “hột vịt lộn” như ngày xưa vẫn nghe tiếng rao hàng trong ngõ “ai... i...v..ậ...t ....l...ộ...n...không?” nào dè các mô-đen muốn bán trứng của mình! Mấy cô quảng cáo thân hình sexy của mình trên Internet rồi nói “ai muốn có con sexy như tôi thì trả 50,000 đô”. Có cô đòi tới 150,000 đô lận! Thiên hạ nghe rao hàng, chạy đi mua tơi tả, nhưng không biết rằng lỡ ra cái “gen” sexy của cô mô-đen xinh đẹp ấy lại sang qua một đực rựa, đầu óc ngu như con bò tót thì... Ngày xưa, văn hào Bernard Shaw (?) là một người không được đẹp giai lắm, nhưng rất nổi tiếng. Một tiểu thư rất đẹp gửi thư cầu hôn đến ông và viết rằng: “nếu ngài lấy tôi, các đứa con của chúng ta sẽ có sắc đẹp của tôi và trí thông minh của ngài.” Ông đã trả lòi tiểu thư ấy như thế này: ”nhưng lỡ chúng lại có nhan sắc của tôi và trí thông minh của cô thì sao?” ô hô ai tai!

Trong một số lớn các gia đình vẫn đi lễ Chùa, đi nhà thờ đều đặn, không thiếu trường hợp mấy cô thiếu nữ tin-ne-dơ bỏ nhà đi pạc-ti rồi đi luôn không về. “Em đến Pạcti, quên niềm cay thuốc, và quên đường về..” Có những cô mới trên đôi mươi cứ thích liền ông có “dợ” rồi, nói thế nào cũng không nghe! Rất nhiều bà, hễ gặp người khác là than thở: “Oái! Cái ông nhà tôi ấy à, chán như cơm nếp nát! Tôi chỉ muốn”quăng ông ấy cho rồi!” Một vài bà thì cứ thấy ai “ngon cơm” hơn chồng mình liền ngâm câu:

Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng mán vỗ về quanh năm

Và, cứ lằng nhằng đòi giới thiệu để làm quen? Có lẽ mấy vị ấy đang muốn trả thù cái ngày mà chồng có quyền bỏ vợ dựa trên luật “thất xuất” từ đời Lê, nay cho các ông bị vợ bỏ hay “bợ vỏ” cho bõ ghét. Với Khuynh- Hướng Trần-Tục-Hóa hiện nay, khuynh hướng làm cho đàn bà nói chuyện sếch xiếc với bạn hữu đàn ông như nói chuyện văn chương, nhiều vị nữ lưu lên đài, cũng phát những từ nghe rất... trần tục! Trong khi vẫn còn nhiều vị lương y dùng từ “ung thư ngực” một cách nhẹ nhàng, một số vị nữ lưu (cùng với mấy vị nam nhân khác) khẳng định “đó là ung thư vú” vì “vú” với “ngực” khác nhau, do đó phải gọi là “vú” mới đúng! Rồi xen kẽ với những quảng cáo làm cho ”dài ra”, làm cho “nhỏ lại”, nhiều mục quảng cáo lớn nửa trang báo đứng đắn ịn chữ thật to “Ngăn ngừa Ung Thư Vú”. Chả trách gì một “spot” quảng cáo trên đài do một nam nhân xướng lên một cách khoái trá về mấy chữ trên, mà chữ cuối cùng được kéo dài giọng ra, như thể ...phê lắm. (Dĩ nhiên, ai chả biết là “Breast cancer” chứ không phải “chest cancer”, nhưng, nếu đã muốn nôm na hóa như “dzậy” thì tìm chữ nào thay thế cái chữ “nhiếp hộ tuyến” hay “ung thư tử cung” đây?) Lại kể từ khi có viên Viagra ra đời, thì bao nhiêu chuyện vui đã được tạo ra, và không thiếu dịp, chính các bà kể chuyện tiếu lâm về chuyện dùng viên thuốc này, đâu có chịu thua một vị “Từ Mẫu” kia lên đài tường thuật về công dụng của Viagra với đầy đủ chi tiết, thật là ly kỳ, rùng rợn. Cùng theo cái đà Trần-Tục-Hóa đó mà các vị tu sĩ, cha, thầy cũng không thể sống trong cái tháp tu hành kín cổng cao tường như xưa, mà phải biết hòa hợp với con chiên, Phật tử để giải thích hoặc pha trò về Viagra đều chi.

Riết rồi người ta coi nhau như đối tượng SEX, chả còn gì đáng kính trọng, chả còn chi là tình nghĩa, chả có chi yêu thương nữa vậy. Đàn ông, đàn bà nhìn nhau như muốn nuốt chửng nhau. Còn đâu những chàng thư sinh lẽo đẽo đạp xe, “anh theo Ngọ về” vào trong ngõ hẻm? Còn đâu những giây phút hồi hộp tưởng như rụng tim khi đứng gần người đẹp, khi sợi tóc nàng bay bay trên má? Còn đâu những lần hò hẹn đi ăn kem ở quán “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”? Còn đâu những ánh mắt e lệ, thẹn thùng, hơi ngước lên, hơi cụp xuống, những giọng nói thỏ thẻ, thanh thanh, những dáng đi khép nép, tay níu lấy tà áo dài khi đi ngang qua một lũ trai ngốc nghếch, đứng thờ thẫn nhìn em mà không chàng nào dám mở miệng? Và những lá thư tình vẫn nhét trong ngăn kéo, những bông hoa ép, những cánh bướm khô? Đã biến vào thế giới nào mất rồi? Thế giới của Mộng, của Hoa, của Thơ, của Nhạc, của “Từng bước từng bước thầm”, của “bàn tay năm ngón kiêu sa”? Giờ đây, gặp nhau là âm mưu về Sex, là suy ngẫm “Văn mình, Vợ-Chồng người...”

Liệu sắp Tận Thế rồi chăng?

Chu Tất Tiến

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

No Cơm Ấm Cật

Bác sĩ Nguyễn thượng Chánh & Dược sĩ Nguyễn ngọc Lan

Lời người viết:

Bài viết nầy nhằm nói lên một thực trạng của Đàn ông, nhất là những người ở vào lớp tuổi chớm già. Tây họ gọi là tabou, nghĩa là vấn đề không tiện bàn luận công khai vì nó kỳ cục và khó nói lắm! Các điều viết dưới đây cũng không thể được coi là hoàn toàn đúng hay là hoàn toàn sai được! Đây chỉ là một tổng hợp những tài liệu thu lượm được khắp nơi, nói lên những gì dân gian Đông Tây kim cổ đã nghĩ và nói đến!

Tác giả rất biết ơn các bạn bè thuộc nhóm đực rựa phe ta đã thật tình thố lộ kinh nghiệm bản thân của mình và đóng góp nhiều ý kiến rất chân thật về cái chuyện khó nói nầy.

Nếu bạn nào cảm thấy mình bị xúc phạm đó là ngoài ý muốn của tác giả!

Xìu xìu ển ển tức cành hông,
Lúng túng lung tung thấy phát rầu.
Thôi đành lỗi hẹn thế rồi xong,
Ráng chi thêm nữa thấy vương sầu! (NTC.)



Keywords: Erectile dysfunction

Trong các buổi tiệc nhậu giữa bọn đàn ông con trai với nhau, thì đố tránh khỏi những chuyện tiếu lâm, càng mặn thì càng tốt, những gì xoay quanh vấn đề sex đều được hoan nghênh hết mình. Ăn những gì, uống những gì để bồi dưỡng sức khỏe, để có đủ sức mà làm cái vụ kia, và còn phải làm cho ngon lành mới được. Mỗi người mỗi ý, mỗi kinh nghiệm riêng tư.

Nhiều người cũng nổ dữ lắm, nhưng cũng có nguời chỉ ngồi nghe và thỉnh thoảng cười mỉm chi cọp mà thôi. Phải chăng đây là mối ưu tư thầm kín của đa số bọn đàn ông chúng ta?

Vụ đó mà tuột dốc thì quê xệ lắm chớ không phải chơi đâu

Thống kê cho biết, cứ trong ba người đàn ông thì có một người, ở một lúc nào đó trong cuộc đời sẽ gặp phải trục trặc, hay bị panne giữa đường về chuyện phòng the. Thông thường thì chỉ tạm thời và trong một thời gian ngắn mà thôi, sau đó thì xe sẽ chạy trở lại một cách rất bình thường.

Tuy nhiên đôi khi cũng có những ca nặng hơn kéo dài trong một thời gian khá dài. Trong trường hợp nầy, bệnh nhân cần phải mau mau đi khám bác sĩ chuyên môn, hoặc tham vấn các nhà tâm lý cố vấn tình dục gọi là sexologue. Tình huống khó ăn khó nói nầy đôi khi có thể làm cho một số ít bà nghi ngờ về sự chung thủy của ông xã nhà mình …



Tại sao và tại sao?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trục trặc về sinh lý mà thường gặp nhất là trường hợp thằng nhỏ không chịu nghe lời thằng lớn, mềm yếu như trái chuối chín mùi thấy mà phát chán..

Cũng có khi lúc mới bắt đầu dọn mấy món ăn chơi giáo đầu, thì nó có vẻ ngon lành lắm, nhưng đến khi bắt đầu ăn thiệt thì nó lại trở chứng, mắc cở và từ từ xìu xuống. Hỡi ôi thế là đời…tàn! Quê ơi là quê! Còn gì là nam nhi chi khí nữa!

Đúng là thứ đồ con khó dạy, thằng lớn thì muốn nhưng thằng nhỏ lại làm thinh, còn nói cho văn chương một chút là lực bất tùng tâm. Khoa học gọi hiện tượng nầy là rối loạn cương dương (dysfonction érectile, erectile dysfunction). Tại sao và tại sao? Một phần do nguyên nhân tâm lý mà ra, và chúng rất phức tạp, không ai giống ai hết.

Chỉ riêng sự kiện mất tự tin, lo sợ không biết mình làm ăn có đàng hoàng mỗi khi thượng đài hay không cũng đủ ức chế khả năng ham muốn của người võ sĩ, khiến anh ta lo lắng và chào cờ không nổi, hoặc chỉ chào sương sương không đủ cứng, quẹo qua quẹo lại, nhão nhẹt… hoặc có khi thì giữ cờ không được lâu, hoặc tệ hơn nữa là thình lình cờ lại rũ xuống không đúng lúc, chẳng hạn như khi vừa mới trùm áo mưa hay khi thằng nhỏ vừa mới chui đầu vô động thiên thai. Có bạn quen nhờ chị năm may tay, nên đôi khi có dịp phải may máy thì thằng nhỏ có vẻ e dè khép nép có lẽ nó bị mặc cảm chăng?

Cũng có trường hợp khi vừa mới thấy mục tiêu thì nó hoảng hồn hoảng vía mất hết bình tĩnh, làm súng bị cướp cò khạc hết đạn một cách bừa bãi vô tội vạ. Trường hợp hi hữu nầy thường xảy ra cho các cậu trẻ chưa nhiều kinh nghiệm chiến trường. Nếu nói theo lối cải lương, thì đây là hiện tượng khóc ngoài biên ải. Càng sợ càng lo thì càng bị ức chế và càng bị ức chế thì càng làm cho nó bị xẹp xuống, và càng bị xẹp xuống thì càng sợ càng lo vv…. Đúng là cái vòng lẩn quẩn mà thôi! Càng tệ hại hơn là khi bị chính người đẹp…chế nhạo.

Nói chung, tình trạng bết bát nầy, nhỏ bất tuân lớn thường xảy ra là khi cơ thể hoặc do tinh thần quá mệt mỏi, quá suy nhược vì lo rầu phiền muộn, trầm cảm, quá căng thẳng do stress hay do sau cơn bệnh nặng, hay bị áp lực vì một biến cố nào đó vv…hoặc do thể xác kiệt sức vì làm việc quá độ, bị surmenage, hết xí quách, burn out hay bị suy dinh duỡng vv… Một số bệnh tật cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lý của đấng mày râu.

Tất cả những nguyên nhân nào làm giảm máu tới dương vật hay làm máu không ứ lại tại đó đều dẫn đến tình trạng bất lực hay liệt dương (impuissance, impotence).

Đó có thể là các tình trạng gây sơ cứng động mạch, gây cao áp huyết ở các cụ cao tuổi, như trong bệnh tiểu đường thường gây biến chứng ở những mạch máu nhỏ, bệnh cholesterol cao, hoặc do hút nhiều thuốc lá. Ngoài ra các phản ứng phụ của các thuốc làm hạ áp huyết, thuốc làm hạ đường huyết, hoặc thuốc trị bệnh tâm thần đều có thể đưa đến bất lực.

Các bệnh làm tổn thương đến thần kinh dương vật, thí dụ như bị chấn thương vùng cột sống, hoặc sau một cuộc giải phẫu cắt bỏ tận gốc tiền liệt tuyến. Các loại thuốc như Proscar (Finasteride), dùng trị bệnh triển dưỡng tiền liệt tuyến cũng có thể làm giảm sự ham muốn (libido) trong thời gian điều trị. Thuốc Amphétamine (Ectasy) cũng vậy.

Cuối cùng là tuổi tác, càng già kích thích tố sinh dục hay hormone testostérone càng giảm đi rất nhiều và lẽ đương nhiên vụ kia cũng theo đó mà giảm hay tuột dốc luôn.


Dựng cờ lên bằng cách nào?

Khi bị kích thích (sờ mó, hình ảnh tươi mát, xem phim xxx, đọc Cõi Thiên Thai, ý tưởng gợi dục...), dây thần kinh dẫn tới dương vật tiết ra chất nitrous oxide. Dưới tác dụng của chất nầy, cơ trơn của thể hang (corpora cavernosa penis) bao quanh thân dương vật sẽ tiết ra chất cyclic guanosine monophosphate (cGMP) gây giãn nỡ động mạch giúp máu dồn về dương vật làm cho nó phình to và cương cứng lên. Sự gia tăng áp suất máu làm các tĩnh mạch bị ép lại và ngăn chặn máu không cho thoát ra khỏi dương vật để về tim được... Khi xong việc, enzyme phosphodiesterase type 5 (PDE5) được tiết ra và hóa giải chất cGMP làm hàm lượng của nó giảm đi khiến động mạch dương vật co thắt lại và ngăn máu vào thể hang, đồng thời làm giãn nỡ tĩnh mạch giúp máu thoát ra khỏi dương vật một cách rất nhanh chóng, và dương vật do đó mà..xìu xuống... Các thuốc cường dương như Viagra, Cialis, Levitra đều nằm trong nhóm thuốc ức chế enzyme PDE5 (PDE5 inhibitors).

Đông và Tây gặp nhau

Dù ở vào thời đại nào, dù ở bất kỳ nơi nào đi nữa thì việc ăn uống đầy đủ bổ dưỡng cũng là điều kiện tối cần thiết để có một sức khỏe tốt và nhờ đó mới hy vọng có được một hoạt động sinh lý bình thường. Sử sách Đông Tây kim cổ không thiếu gì những bằng chứng về những loại thực phẩm, hoặc thuốc men khả dĩ có thể giúp con người bồi dưỡng sinh lực, giúp tăng cường và duy trì sự ham muốn. Các thứ nầy được gọi là cường dương (aphrodisiac)…

Bọn đàn ông chúng ta đều đã từng nghe nói đến toa thuốc “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” của Minh Mạng rồi. Tôi không biết có bạn nào đã thử chưa và cũng không biết nó có 100% effet như lời truyền tụng hay không? Đại khái toa thuốc nầy gồm có các vị thuốc như sau: Thục địa Đào nhân, Sa sâm, Đương quy Bạch truật, Phòng phong, Bạch thược, Trần bì, Xuyên Khung Cam thảo, Phục linh, Tần giao, Tục đoạn, Mộc hoa, Kỷ tử, Thương truật, Độc hoạt, Khương hoạt, Đỗ trọng, Đại hồi và Nhục quế (theo Bs Nguyễn văn Dương).

Ngoài ra cũng phải nói đến các món sơn hào hải vị, nhân sâm và lộc nhung đều là những món đại bổ thường dành cho những người nhiều tiền lắm bạc.

Đặc biệt là ở Việt Nam mình, cũng không hiếm gì những loại “thuốc tiên”, thuốc “gia truyền”, những loại thực phẩm, và những loại rượu ông uống bà khen. Đó là những thứ rượu thuốc bổ dương, cường tinh, như rượu Càn Long đệ nhất tửu, rượu Hà thủ ô, rượu sâm nhung, rượu Tắc kè, Ngũ gia bì, rượu ong chúa, Dâm dương hoắc, cao hổ cốt, hải mã, rượu rắn Hổ mang Tam xà đại hội, rượu Bồ cạp, rượu ong đất, rượu con bửa củi, rượu chuối hột, huyết rắn, huyết chim Se Sẻ hòa rượu, rượu ngọc dương Dê vv… Theo tâm lý của người tiêu thụ, sản phẩm càng hiếm, càng bí hiểm và càng đắt giá chừng nào thì món hàng càng quý càng có giá trị cao chừng nấy. Hình như bên Việt Nam mình rất mạnh về khía cạnh này lắm…

Bởi vậy hàng dỏm cũng nhiều, và lang băm tha hồ mà hốt bạc. Ai tin thì ráng chịu!

Không phải chỉ có VN mình mới có ba cái vụ rượu thuốc phục vụ sex đâu. Các dân tộc khác cũng vậy thôi.. Trước năm 75, thuốc Durabolin rất phổ biến tại Saigon. Mấy ông nào cảm thấy hết xí quách, bình điện hơi yếu vì phải vừa phục vụ vừa bà lớn vừa o bế bà nhỏ, có thể ghé tiệm thuốc Tây mua 1-2 hộp Durabolin về nhờ y tá trong xóm lụi cho một mũi để lấy lại sức mà làm tiếp… Tại Montreal, hốt một toa thuốc Bắc đại bổ để ngâm rượu cũng phải từ 80 $ trở lên mới bảo đảm chất lượng khá được… Cẩu nhục (thịt chó), thịt sư phụ (thịt dê), cũng nằm trong thành phần của vài toa thuốc để hỗ trợ cho cái vụ ấy. Mấy năm gần đây, với sự bộc phát mạnh mẽ của phong trào thuốc thiên nhiên (Produits naturels, herbal products), người ta cũng thấy xuất hiện rất nhiều quảng cáo nói về đủ loại thuốc cứu tinh cho đàn ông… Lang băm cũng nhiều! Nếu đúng như lời quảng cáo thật hấp dẫn của họ, thì có lẽ trong tương lai vài chục năm nữa cả thế giới nầy sẽ không còn bệnh tật gì ráo trọi??

Ngoài thuốc ra, châm cứu, khí công, yoga và thôi miên (hypnothérapy) cũng được người ta đồn đãi là có khả năng giúp chữa trị các tình trạng rắc rối về sinh lý…

Nói chung, hình như phía Đông Y rất mạnh về lãnh vực nầy. Các món độc địa, hiếm hoi, đắt hơn vàng và toàn là đồ quốc cấm như sừng tê giác, bột dương vật hổ, mật gấu cũng như các loại thú rừng lạ và quý hiếm vv…thường được Đông Y quảng cáo là những vị thuốc mầu nhiệm còn hơn cả Viagra hay Cialis nữa! Khoa học phương Tây đã từng cho xét nghiệm và phân tích thành phần hóa học của các sản phẩm trên và cho biết là nó chả có chứa những gì đặc biệt hết, ngoài những khoáng chất thông thường mà thôi… Chỉ tội nghiệp cho vô số loài vật hiếm quý càng ngày càng bị diệt chủng bởi tham vọng của một số người!


Ăn gì bổ nấy!

Nguyên lý nầy cũng không phải mới mẽ gì cho lắm…Đông y và Tây y đều có đề cập đến hết. Trong dân gian VN, nhiều người tin tưởng rằng những món ăn như thịt dê, thịt chó, ngầu pín, dế bò, ngọc hành, ngọc dương hay trái dứng sư phụ (dê) đều có tính bổ dương cho đàn ông. Đây là những món ông ăn bà khen! Là đàn ông con trai với nhau, chúng ta thường hay bàn bạc và trao đổi kinh nghiệm một cách vui vẻ và thích thú mục nầy. Nếu có mặt các bà thì mình dám bị rủa là ăn làm chi ba cái thứ đồ quỉ đó. Mà đúng thật vậy, trong công việc hằng ngày tại các lò sát sinh ở Canada, người viết thấy thỉnh thoảng thấy nhà máy cho thu lượm lại dế của dê, cừu, bò hay ngầu pín bò tơ để bán. Mấy món lạ và độc địa nầy chỉ thấy bán tại một vài nơi đặc biệt như những tiệm thịt của người Á rạp ở Montreal mà thôi. Tác giả vì tánh tò mò nên đôi khi cũng có dùng thử ba cái đồ quỉ đó cho biết với người ta, nhưng sao thấy nó “cũng vậy mà thôi”. Không biết có phải tại mình ăn ít quá không đủ liều chăng?

Thức ăn tạo sự ham muốn.


Theo tài liệu, thì các chất sau đây có thể có ảnh hưởng tốt cho hoạt động sinh lý: nhân sâm, lộc nhung, đồ biển như tôm cua sò hến, các loại gia vị (gừng ,sả, tiêu, tỏi, đinh hồi, cari, moutarde, ớt trái, vanille…), các loại rau mùi, ngò Tây, céléri, các loại hạt nẩy mầm, hạt bí, hạ dẻ, các loại rau cải như củ cải trắng, artichaut, asperge, tỏi, củ hành, hành lá, hẹ, rượu champagne, chocolat vv…Đối với rượu, uống một tí thì cảm thấy hưng phấn, ăn nói uyên thuyên, thật vui vẻ yêu đời! Uống nhiều thì phản ứng sẽ ngược lại, và nếu quá chén nữa để xỉn quất cần câu thì chỉ còn nước cho chó ăn chè và ngủ thẳng cẳng luôn tới sáng mà thôi!

Dân nhậu chuyên nghiệp lâu ngày thì có thể bị yếu sinh lý!
Ngày xưa các bậc đàn anh thường hay nói là món thịt bò bifteck và món sođa hột gà rất có effet, không biết có đúng vậy không các huynh?


Những cây thuốc cứu tinh!

Theo sự tin tưởng của dân gian trên thế giới thì có một số thực vật có ít nhiều tính năng bồi dưỡng hoặc chữa trị các ca yếu sinh lý. Các nhà khoa học thì không nhất thiết đồng ý điều nầy…Tuy vậy, họ cũng nhìn nhận là một vài loại thảo mộc có thể chứa các hoạt chất nào đó, có thể làm giãn mạch, bồi dưỡng sinh lực và giúp tăng cường sự ham muốn. Nhân sâm, lộc nhung, hà thủ ô, và dâm dương hoắc là những thí dụ được người mình thường nói đến... Ginkgo biloba (bạch quả) cũng được xem là có ích cho hoạt động sinh lý vì nó làm tăng cường sự lưu thông máu… Nux vomica, chứa chất strychnine tạo kích thích, chất nầy rất nguy hiểm… Noix de Kola, vùng Côte d’Ivoire Phi Châu, hoạt chất là caféine...

Ở Mexique có cây Damiana (Turnea diffusa)… Vùng Địa Trung Hải có cây Mandragore, hoạt chất là chất scopolamine có khả năng kích thích não…

Nga có cây sâm Eleutherocoque, còn được gọi là Ginseng de Sibérie…

Ấn độ có cây Tribulus terrestris được dân chúng địa phương dùng để chữa trị bệnh bất lực... Tại Brésil, Nam Mỹ và đảo Guyanne có cây Muira Puama còn gọi là Bois bandé (làm cho thằng nhỏ sừng lên) để dùng ngâm rượu. Một tiệm thực phẩm của người Haitien, bên cạnh métro Jarry Montreal, cũng có bán loại sản phẩm nầy dưới cái tên là Man Yaya…

Trên dãy núi Andes ở Péru, Nam Mỹ có cây Maca, củ của loại thực vật nầy tương tợ như củ cải, được dân bản xứ dùng làm thức ăn, đồng thời nó cũng là một vị thuốc để bồi dưỡng sức khỏe và sinh lý. Dân Péru còn gọi cây Maca là Viagra thiên nhiên…

Xứ Gabon, bên châu Phi, có cây Yohimbehe mà vỏ được dùng để chữa trị bệnh khó nói của đàn ông… Châu Mỹ La Tinh có hạt của cây guarana (Paullinia cupana), Trung Đông có Scilla maritama, Philippines có hoa cây ylaa-ylaa (Cananga odorata Hook) vv…tất cả đều được người dân bản xứ xem như bổ ích cho sinh lý…

Củ của Butea superba, một loại thực vật họ đậu, được dân bản xứ Ấn độ, Trung quốc, Lào, Phi luật Tân, Thái lan dùng để bổ dương…Epimede (Epidemium grandiflora), tên một loại cỏ có nguồn gốc Nhật Bản. Trung Hoa gọi nó là yin yan huo rất bổ ích trong các ca liệt dương.. Sâm Cao Ly, Nhân Sâm (panax ginseng) giúp bồi bổ sức khỏe, làm giãn nỡ động mạch dương vật để đem máu đến cho thằng nhỏ.


Các loại thuốc tạo sự ham muốn?


Có thể phân ra làm 2 nhóm :

1) Nhóm thứ nhất chiếm đa số thuộc nhóm ‘tà đạo’ :

Đây là những loại thuốc được thấy quảng cáo rất nhiều và được bán khắp mọi nơi, kể cả trên internet! Thuốc mua dễ dàng không cần phải có toa bác sĩ! Các thuốc nầy không được cơ quan y tế Canada nhìn nhận. Không có gì bảo đảm hết, có thể rất nguy hiểm cho sức khỏe là đàng khác. Mua những loại sản phẩm nầy có thể bị tiền mất tật mang như chơi. Không ít những món nầy được nhập cảng từ Á châu, nhất là từ Trung quốc…Poppers, chứa chất nitrite d’amyle làm giãn nỡ mạch, tạo khoái cảm, được dân chơi mua về hít. Rất nguy hiểm!

Bọ Tây Ban Nha Spanish fly hay cantharide (Lytta vesicatoria) là tên một loại bọ cánh cứng, thấy nhiều ở miền nam Châu Âu, Châu Á và Mỹ Châu. Bọ được xay ra để làm thuốc, chất cantharidine có tác dụng làm xót niệu đạo, làm giãn động mạch, kích thích thằng nhỏ cứng lên. Thuốc ở dạng lỏng hoặc viên, bán trong các sex shop tại Montreal, giá khoảng 16$ một chai. Thuốc rất nguy hiểm, có thể làm cho nó cứng luôn không chịu xìu xuống nữa. Sử dụng nhiều có thể gây xuất huyết thận và làm chết người!

Mấy năm gần đây, Gs Etienne Emile Beaulieu, người Pháp, đã cho tung ra thị trường một loại hormone trích lấy từ tuyến nang thượng thận, đó là chất DHEA (déhydroépiandrostérone). Theo quảng cáo, DHEA có thể cải lão hoàn đồng, và giúp cho các bà chị không còn nếp nhăn trên mặt, trẻ mãi không già. Đối với các ông xồn xồn thì sẽ được trẻ lại 1-2 chục tuổi, gỡ gạc được chút đỉnh…

Bình thường, trong cơ thể, DHEA có nồng độ cao nhất ở tuổi niên thiếu, sau đó giảm dần, đến tuổi thất thập cổ lai hy thì nó chỉ còn lối 10-20% so với hồi 20 tuổi. DHEA cũng có nhiều phản ứng phụ. Không nên sử dụng lúc đang mang thai hoặc lúc cho con bú, lúc các bà đang uống các thứ hormones khác, hay đang bị ung thư vú hoặc buồng trứng. Đối với các ông, thì không được sử dụng DHEA nếu đang bị bệnh tiểu đường hay đang bị ung thư tiền liệt tuyến..

Tại Hoa Kỳ và Canada, DHEA không được FDA và Health Canada nhìn nhận.

2) Nhóm thuốc thứ hai thuộc loại ‘chính đạo’ tức là những thứ được giới khoa học nhìn nhận cũng như đã được chính phủ cho phép bán trong các tiệm thuốc Tây. Các loại thuốc nầy đều cần phải có toa bác sĩ mới mua được.

Tuy là chính đạo, nhưng chúng cũng có rất nhiều tác dụng phụ không kém phần nguy hiểm cho người sử dụng. Cần phải tuân theo lời chỉ dẫn của bác sĩ…

* Thuốc YOHIMBINE, có tính làm giãn mạch, giúp máu dồn về thằng nhỏ làm nó cứng lên. Thuốc có thể làm hạ áp huyết xuống, nguy hiểm đối với người già và những người có bệnh thận… Tại Canada, Yohimbine có bán dưới dạng viên. Hình như tại một vài quốc gia, Yohimbine có ở dạng thuốc mỡ (onguent) để thoa lên thằng nhỏ!

* VIAGRA (1998), đây là chất Sildenafil citrate, do Cty Pfizer sản xuất. Thuốc viên màu xanh có 3 nồng độ khác nhau (25 mg, 50mg, và 100mg), giá trên 15$ Can/viên. Uống một viên 1 giờ đồng hồ trước khi lâm trận, và nên uống lúc bụng trống. Bắt buộc cần phải có sự kích thích tình dục trước mới làm cho nó sừng lên được. Viagra có tác dụng làm giãn cơ và giãn động mạch, giúp máu dồn về dương vật và tạo sự cương cứng. Viagra không phải là thuốc tạo hứng, hay thuốc kích thích sự ham muốn. Viagra cũng không có ảnh hưởng trên sự xuất tinh, nên không thể xài Viagra để trị trường hợp khóc ngoài biên ải được. Viagra cũng không phải là thuốc để những ông nào có đời sống tình dục bình thường, muốn tăng “thành tích” của mình lên để lấy điểm. Phản ứng phụ của Viagra thường là nôn mửa, nghẹt mũi, nhức đầu, bốc hỏa (facial flushing), đôi khi có xáo trộn về thị giác thí dụ như thấy không rõ, hoặc nhìn thấy các đồ vật có màu hơi xanh… Hi hữu cũng có thể xảy ra hiện tượng súng cứng hoài không chịu xìu sau khi xong việc, rất nguy hiểm nếu tình trạng này kéo dài trên bốn tiếng đồng hồ. Quan trọng hơn hết là Viagra có thể làm tuột áp huyết xuống quá nhanh, rất nguy hiểm đối với những người đang đau tim nặng hoặc những ai bị đau thắt ngực angine de poitrine (angor) hay đang xài những thuốc làm giãn động mạch thuộc nhóm Nitrate, loại viên hoặc tem dán (Nitroglycérine, Isordil, Nitro-Dur, Nitrostat). Đã có nhiều người bỏ mạng vì lý do nầy rồi. Cũng không nên xài Viagra nếu đang có áp suất máu quá thấp (hypotension). Viagra tương tác với một vài loại thuốc như thuốc trị bao tử Cimétidine (Tagamet), thuốc trụ sinh Erythromycine, thuốc trị nấm Kétoconazole và thuốc diệt siêu vi Ritonavir (trị Sida). Các thuốc vừa nêu trên đều làm nồng độ Viagra trong máu gia tăng rất nguy hiểm. Viagra được lối 23 triệu người sử dụng trên thế giới!

* CIALIS, đây là chất Tadalafil, do Labo Lilly sản xuất. Thuốc ở dạng viên 5mg, 10mg và 20 mg. Tương tự như Viagra, Cialis dùng trị những trường hợp rối loạn cương dương, chẳng hạn như súng không cứng, làm biếng chào cờ lúc cần hoặc chào không đuợc lâu.

Thức ăn không ảnh hưởng đến tác dụng của Cialis. Thuốc có effet sau khi uống chừng 15 đến 30 phút (nhưng bắt buộc phải có sự kích thích tình dục trước đó). Thuốc có thể lưu lại trong máu rất lâu từ 24 tới 36 giờ. Nói rõ ở đây là không phải thằng nhỏ ở tư thế chào cờ permanent trong 36 giờ đâu. Đau lắm chịu sao thấu..Thật sự ra, đây có nghĩa là trong khoảng thời gian tối đa 36 giờ, người chiến sĩ luôn luôn ở tư thế ứng chiến, nếu lại được khiêu khích mơn trớn tiếp là có thể xáp chiến tiếp được… Tác dụng phụ của Cialis gồm có nhức đầu, nôn mửa, đau lưng, nhức các bắp cơ, nghẹt mũi, và mặt bốc hỏa.

Cũng như Viagra, trường hợp súng vẫn còn cứng liên tục (priapism) trên 4 tiếng đồng hồ thì phải đi gặp bác sĩ ngay lập tức, nếu chần chừ lâu hơn nữa thì súng có thể bị hư vĩnh viễn và bạn sẽ trở thành bất lực mà thôi… Trường hợp bị giảm thị lực hoặc bị xáo trộn thị giác như lẫn lộn màu xanh dương và màu xanh lá cây, thì phải ngưng thuốc ngay và đi khám bác sĩ. Cũng như Viagra, không nên xài Cialis nếu bạn có bệnh tim, cần phải đi khám bác sĩ trước. Nếu đang xài các produits nitrés (nitroglycérine) để trị bệnh đau thắt ngực thì tuyệt đối không nên uống Cialis, vì có thể làm áp suất máu tuột xuống quá nhanh, dám chết lắm. Cialis có thể tương tác (interactions) với thuốc Kétoconazole, Érythromycine, Ritonavir, Rifambicine (trị lao phổi), Phénobarbital, Phénytoine, Carbamazépine (trị co giật kinh phong) và cả với nước bưởi nữa!

* LÉVITRA, đây là chất Vardenafil HCl, thuốc viên 2,5mg, 5mg, 10mg và 20 mg để trị rối loạn cương dương. Thuốc do Labo Bayer Pharma và Klaxo Smith Kline phối hợp sản xuất. Uống 1 viên lối 45 phút hay 1 giờ trước khi thượng đài. Thời gian Lévitra lưu lại trong cơ thể lối 4-5 giờ tương tợ như Viagra. Có thể uống Levitra khi vừa mới ăn xong, tuy nhiên, tác dụng của Lévitra có thể bị chậm lại sau một bữa ăn có chứa quá nhiều chất béo mỡ dầu. Phản ứng phụ của Lévitra cũng tương tự như 2 loại thuốc Viagra và Cialis.

Không nên uống Lévitra nếu đang trị bệnh đau thắt ngực, hoặc đau tim nặng. Cũng không nên uống nếu đang bị suy thận nặng (đang làm dialyse lọc thận), có áp huyết thấp.
Lévitra có thể tương tác với nước bưởi (không nên uống chung 2 thứ nầy với nhau), với thuốc Indinavir, Kétoconazole, các thuốc nầy làm chậm lại sự thải bỏ Lévitra ra khỏi cơ thể. Cũng không nên uống Lévitra, nếu đang xài các thuốc trị đau thắt ngực thuộc nhóm produits nitrés.

Nói tóm lại, Viagra, Cialis và Levitra là những thuốc giúp thằng nhỏ chào cờ được dễ dàng Thuốc chỉ có tác dụng nếu có sự kích thích tình dục. Chúng không phải là thuốc để tạo sự ham muốn tình dục.Uống Viagra vừa xong mà ra salon mở TV xem chương trình chung kết World Cup giữa Pháp và Ý thì uổng phí vì thuốc sẽ không có tác dụng được. Cả 3 loại thuốc nầy đều có thể đưa ta đến đỉnh vu sơn, nhưng nếu sử dụng không đúng cách chúng cũng dám đưa ta đi luôn về cõi…bên kia thế giới lắm. Không nên giỡn mặt, ham rẻ mà tự tiện ra chợ trời mua hoặc mua qua Internet, trúng nhằm hàng dõm nguy hiểm lắm, phải có ý kiến của bác sĩ đàng hoàng, và chỉ mua trong pharmacie để tránh thuốc giả… Mỗi ngày chỉ nên uống 1 viên mà thôi. Đừng có tham mà uống nhiều hơn 1 viên/ngày, dám đứt bóng đi luôn lắm đó… Tháng 5/ 2005, cơ quan FDA có cho điều tra xem coi thật sự có phải Viagra, Cialis và Levitra làm tổn thương thần kinh thị giác, làm giảm thị lực và gây mù lòa hay không?

Khoa học gọi hiện tượng nầy là Non Arteritic Anterior Ischemic Optic Neuropathy NAION Nguyên nhân do hệ thống mạch máu đến nuôi thần kinh thị giác bị tắt nghẽn.

Có tất cả vài chục ca mù lòa được ghi nhận, trong đó 38 ca do bệnh nhân có sử dụng Viagra 4 ca bệnh nhân có xài Cialis, và có 1 ca do Levitra gây ra.

Hiện nay các nhà khoa học đang điều tra vấn đề này và nếu kết quả xác nhận nguyên nhân mù lòa là do 3 loại thuốc trên gây ra thì chắc chắn trong tương lai các nhà bào chế sẽ bị các nạn nhân lôi ra tòa kiện đòi đền bù thiệt hại cho mà mạt luôn…

Cơ quan FDA bắt buộc các nhà bào chế những thuốc trị rối loạn cương nhóm thuốc ức chế men phosphodiesterase type 5 (PDE5 inhibitors), như Viagra, Cialis và Levitra phải ghi thêm câu cảnh báo trên nhãn thuốc về tác dụng xáo trộn thị giác và mù lòa có thể xảy ra!

Những năm trước đây trên thị trường cũng thấy có một số thuốc men có công dụng giúp các ông chữa trị các trường hợp rối loạn cương dương, chẳng hạn như:

* PT 141, đây là một loại thuốc dùng để xịt vào mũi, và từ đó tác động thẳng lên não. Từ nơi này lệnh được chuyển xuống “thằng nhỏ”để biểu nó thức dậy mau lên. Thuốc PT 141 thuộc nhóm melanocortin agonist. Theo quảng cáo thì nó còn hiệu quả hơn cả Viagra, Levitra và Cialis nữa. Có cái lợi là các ông bị bệnh tim và đang ngậm thuốc nitrates vẫn có thể dùng PT 141 được như thường một cách an toàn. Thuốc do Palatin Technologies Inc sản xuất và dự trù sẽ được tung ra thị trường vào năm 2008? Đặc biệt PT 141 cũng có thể dùng cho quý bà nữa!

* Intrinsa, nói rõ đây là một loại thuốc chỉ dành riêng cho đàn bà mà thôi. Hoạt chất là hormone nam tính Testosterone. Thuốc có dưới dạng tem để dán trên da bụng và bà chị phải chịu khó dán thường xuyên trong nhiều tháng liên tiếp mới bắt đầu thấy mình có dấu hiệu bớt giá băng… Tiên khởi Intrinsa được nhà bào chế Proctor & Gamble’s sản xuất ra nhằm giúp các bà nào đã bị cắt bỏ buồng trứng, có được cuộc sống tình dục bình thường, kế đến là cũng để giúp đem trả tuổi xuân lại cho các bà chị trên 50 đã mãn kinh... Intrinsa chưa được sự chấp thuận của cơ quan Bảo vệ Thực Phẩm & Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA).

* CAVERJECT, đây là chất Alprostadil, do Labo Pfizer sản xuất (1982). Thuốc được tự mình chích thẳng vào thể hang (corpora cavernosa) nằm trong thân của thằng nhỏ.

Thuốc giúp máu dồn ào ào về chỗ đó làm cho nó cứng lên. Phản ứng bất lợi là có thể làm cho thằng nhỏ cứng permanent trong thời gian thật lâu dài và không chịu xìu xuống khi xong việc, rất đau nhức và nguy hiểm, có thể làm mô dương vật bị tổn thương khiến thằng lớn bị bất lực vĩnh viễn phải giả từ vũ khí suốt đời... Bất lợi khác là có thể gây xuất huyết và làm máu tụ lại (hématome) dưới da nơi điểm chích vào và lại nữa sự kiện chích vào chim sẽ đau thấu mây xanh, mất hứng. Ngoài ra Caverject cũng có thể tương tác với các thuốc kháng đông (anticoagulants), các thuốc làm giãn mạch (vasodilatateurs), các thuốc trị cao máu (antihypertenseurs) và một vài loại thuốc chống co thắt (antispasmodiques).
* MUSE (Medicated urethral system for erection), do Labo Janssen Ortho và Labo Abbott sản xuất (1997). Đây là những viên thuốc loại Alprostadil, nhỏ hơn hạt gạo để nhét vào đầu của niệu đạo (urèthre), làm giãn động mạch ở thể hang và làm thằng nhỏ cương cứng lên mau chóng sau 5-10 phút. Ngày nay ít được sử dụng vì nó làm đau chim, đôi khi gây chóng mặt và làm tuột giảm áp huyết….Nhưng nguy hiểm nhứt là sau khi xong việc, nó có thể cứng đầu không chịu xuống mà vẫn còn chào cờ hoài trong một thời gian khá lâu.

* PAPAVÉRINE, dưới dạng thuốc để mình tự chích thẳng vào gốc dương vật, gây giãn động mạch, đem máu vô làm cho dựng cờ. Cũng như các thuốc ở trên, Papavérine có thể gây nên tình trạng thằng nhỏ cứng luôn không thèm xuống, rất nguy hiểm nếu kéo dài trên 4 tiếng đông hồ.

* PHENTOLAMINE, chích thẳng vào thể hang nơi gốc dương vật, 10 phút sau sẽ lên. Tác dụng và phản ứng phụ tương tợ như Papavérine.

Để tránh các tình trạng bất lợi, để cải thiện cách sử dụng và cũng như để giảm thiểu các phản ứng phụ, chất alprostadil (Muse và Caverject) được cải biến thành crème để thoa lên thằng nhỏ hoặc dưới dạng tem để dán… Thuốc Spontane mà hoạt chất là scopolamine tác động thẳng vào não bộ. Spontane có dưới dạng thuốc để ngậm dưới lưỡi. Ngoài ra còn có kem thoa Topiglan (Alprostadil gel). Thoa một tí kem lên đầu thằng nhỏ, sẽ giúp nó cứng lên… Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu phương pháp trị bệnh bất lực bằng di thể trị liệu (gene therapy). Thí nghiệm còn đang được thực hiện trên chuột đực chắc còn lâu mới có thể đem áp dụng qua cho người ... Ráng chịu khó chờ nghen các bạn!!


Thuốc thiên nhiên thì sao?

Mặc dù bán dưới dạng ống (ampoule), và dạng viên như thuốc Tây, nhưng các loại thực phẩm thiên nhiên chỉ được Health Canada xếp vào nhóm những thực phẩm bổ sung, mua tự do không cần phải có toa bác sĩ ... Đa số là thuốc bổ, thuốc bồi duỡng sinh lực và sinh lý. Các thuốc thiên nhiên được đề cập và quảng cáo nói đến nhiều nhất là nhân sâm, lộc nhung (bois de velours, velvet), gelée royale ,Ginkgo biloloba, Ginkgo & Bacopin, Isoflavone, Noix de Kola, Maca royale, Zinc gluconate, Spiruline, Vitamin C, Bêta carotène, Vitamines E, antioxidants vitamins A+C+E+Sélénium, huile de carthame, lécithine và L-Arginine…

Avena sativa (green oat) cũng có thể giúp tăng sự ham muốn? Có hữu hiệu hay không, người viết xin chịu thua không biết được, nhưng biết chắc chắn chúng đều là thuốc bổ, không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc, không bổ chỗ nầy thì cũng phải bổ chỗ khác, ngoài ra cũng nên kể đến yếu tố tâm lý (effet placebo) nữa…

Nhằm mục đích thương mại nên cũng có một số nhà sản xuất thiếu lương tâm cho trộn các thuốc Tây trị rối loạn cương dương vào thuốc thiên nhiên của họ. Mấy năm trước, một số tiệm thuốc Bắc ở các Phố Tàu Canada có bán một loại thuốc trợ dương cho đàn ông bị yếu sinh lý. Đó là thuốc viên Hua Fo nhập cảng từ Trung quốc. Nhà sản xuất đã cố tình cho trộn Viagra trong thuốc Hua Fo cho nên đây là một loại thuốc rất nguy hiểm cho những người nào có bệnh tim và đang xài thuốc trị đau thắt ngực nhóm dérivés nitré.

Ngoài Hua Fo ra, Cơ quan Health Canada cũng cảnh giác dân chúng nguy cơ có thể xảy ra nếu các ông sử dụng thuốc Bell Magnum Bullet, một loại thuốc trị yếu sinh lý sản xuất tại Canada và có chứa bất hợp pháp chất Tadalafil (Cialis).
Cơ quan FDA Hoa Kỳ cũng đã cảnh giác người tiêu thụ chớ nên xài các loại thuốc trị yếu sinh lý mua tự do hoặc qua ngõ Internet. Các loại thuốc nầy là thuốc thiên nhiên nên không bị chi phối chặt chẽ bởi luật lệ như các loại thuốc Tây. Theo cơ quan trên, thì các thuốc thiên nhiên nầy có chứa một cách bất hợp pháp những hoạt chất tương tợ như Viagra, Cialis và Levitra nên chúng có thể tương tác với những loại thuốc Tây mua theo toa (prescription drugs) dùng để trị bệnh tim mạch! Bệnh nhân có thể bị chết bất tử vì áp huyết bị tuột giảm quá nhanh chóng. Để tránh cảnh tiền mất tật mang mà có khi còn bỏ mạng nữa, các bạn đàn ông ta cần đề phòng cẩn thận các loại thuốc thiên nhiên như: Zimaxx, Libidus, Neophase, Nasutra, Vigor-25, Actra-Rx, 4Everon.

Cùng nhóm với những loại thuốc nầy còn có thuốc Virile-Rx sản xuất tại Hoa Kỳ và thấy quảng cáo có bán tại VN. Danh xưng herbal viagra cũng thường được các nhà bào chế thuốc thiên nhiên lạm dụng nhằm mục đích thương mãi. Nói tóm lại, không phải chỉ có Trung Quốc mới là xếp sòng về thuốc dõm và hàng mạo hóa đâu. Hàng dõm cũng có khi được sản xuất tại Âu châu và ngay cả tại Bắc Mỹ nữa. Ham vui, uống bậy uống bạ có khi bị teo chim, bị liệt chim hoặc có khi cũng dám đi theo ông theo bà luôn lắm đó.



Đây là sự thật: thuốc ham muốn chỉ có ở giữa hai cái lỗ tai mà thôi!

Theo cơ quan Quản trị thực phẩm và dược phẩm FDA Hoa Kỳ, tất cả các loại thuốc mua tự do không cần có toa, gọi là OTC (over the counter), thì không có một thứ nào có khả năng tạo sự ham muốn hay làm cho hứng lên cả. Tất cả, chẳng qua là những loại thuốc bổ và các loại vitamins mà thôi…

Thuốc gây ham muốn tốt nhất chỉ có ở giữa 2 cái lỗ tai, tức là ở trong đầu của chúng ta mà thôi. Cảm giác ham muốn có được là do yếu tố tâm lý mà ra, khoa học gọi là effet placebo. Các nhà chuyên môn đều cho rằng sự ham muốn là kết tinh của một cơ thể khỏe mạnh, cộng thêm một trí tưởng tượng phong phú, trong một khung cảnh thoải mái, êm đềm và gợi cảm.


Kết luận

Hình như tất cả thức ăn tạo sự ham muốn đều có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nhiều vitamins A, B6, E và nhiều hormones, nhiều amino acids thiết yếu, nhiều chất khoáng như phosphore, calcium, magnesium, sắt, và đặc biệt chất kẽm (Zn) có rất nhiều trong sò ốc.

Nói chung thì đây là những chất rất cần thiết cho sức khỏe, cho hoạt động của hệ sinh dục và cho việc sản xuất ra nội tiết tố.

Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ bổ dưỡng, thư giãn, tập thể dục thường xuyên, bớt rượu, bỏ thuốc đó là những nguyên tắc chính để có một sức khỏe tốt. Được vậy, thì chuyện kia cũng không mấy gì khó khăn cho lắm.

Ở đời, không có cái gì vĩnh cửu cả. Có lên thì phải có xuống, có thịnh ắt phải có suy…

Già cả rồi, lỡ bài vở học có lâu thuộc hoặc... không thuộc là điều rất normal không một ai tránh khỏi hết! Muốn so sánh hay đòi hỏi mình phải còn bằng như hồi ba bốn chục năm về trước đêm bảy ngày ba thì làm sao mà được.

Đây cũng là lẽ thường tình của tạo hóa mà thôi, phải vậy không các cụ nhà ta./.







Tài liệu tham khảo:
- Dr D. Perreault, Secret d’homme; Édit Frison-Roche
- Y. Boudreau, Le Viagra; Edimag,Edit
- Hoàng đông Bích, Ngọc phòng bí kíp : Nhà xb Vietnam, Cali
- J.L. Degaudenzi, Guide des aphrodisiaques; Edit Blanche, Paris
- T. Nordenberg, Looking for a libido lift; FDA Consumer magazine,Jan-Feb 96
- Dr Đặng phú Ân, Những thành tựu y học đầu thế kỷ 21 trong việc chữa trị bệnh bất lực của đàn ông; Niên giám Thời báo Montreal 2005

Montreal, Jan 01, 2007

Bác sĩ Nguyễn thượng Chánh & Dược sĩ Nguyễn ngọc Lan

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

TÌNH GIÀ TRÊN NET



Thiên Thư

Đứa cháu ngoại của tôi nay đã mười sáu tuổi, nếu nó đi chơi hoang đem về một em bé là tôi trở thành Bà Cố. Trời ơi Bà Cố! Sao mà nghe già quá vậy, trong lúc tôi vẫn còn cảm thấy tình xuân phơi phới. Tôi chẳng có nghề ngõng gì, quanh năm suốt tháng ở nhà lo cơm nước cho chồng, nên cũng buồn chán.

Ở nước Mỹ nhiều người học hành đỗ đạt thành danh, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ… tôi cũng thèm có một chữ “sĩ” với đời, nên cố gắng nặn ra một vài vần thơ với ước mong được gọi là “Thi sĩ”. Muốn có danh hiệu “Thi sĩ” cũng chẳng khó khăn gì, trước hết là sáng tác vài bài thơ con cóc, theo thể “Tự Do” nghĩa là muốn viết gì thì viết, tự do mà! Xong bỏ tiền ra in sách, rồi tổ chức một buổi ra mắt thơ thật rình rang, mời một bậc trưởng thượng trong làng văn đến ca tụng và chi chút tiền cho đài truyền hình và báo chí tới quay phim, chụp hình, viết báo giới thiệu. Thế là với một mớ thơ con cóc tôi trở thành một nhà thơ, có mặt trong hội văn học nghệ thuật, được tiếp xúc giao du với giới thượng lưu trí thức của làng ta.

Mỗi khi có đại hội văn bút, văn nghệ văn gừng gì tôi được mời dự với tư cách nhà thơ, được chụp ảnh đưa lên báo, lên truyền hình, lên mạng internet... lên kinh khủng.

Khi thằng con của tôi sắp vào đại học nó mua một computer, nó dạy tôi sử dụng. Trời ơi sao tuổi già thật là dỡ, đầu óc không lĩnh hội nhanh, học trước quên sau. Có khi mằn mò cả buổi trời mới ra một bài thơ, tôi đụng cái nút nào không biềt, nó chạy tuốt luốt, mất luôn bài thơ tình thật lãng mạn của tôi, có tức không? chỉ còn nước hét lên cho hả giận.

Vạn sự khởi đầu nan, những khó khăn ban đầu đã qua, tôi bắt đầu mê Net và hai mẹ con dành nhau cái computer. Ông xã tôi đành bóp bụng mua cho mỗi người trong nhà một cái, thế là đời sống trong gia đình tôi thay đổi từ đấy; mạnh chồng, vợ, con cái, suốt ngày mỗi người ôm cái computer của mình, chẳng ai thèm nói chuyện với ai tiếng nào.

Buổi sáng, mở mắt ra tôi nhào lại computer, vô mạng xem có thư từ không, rồi dạo qua các mục tin tức, chỉ đọc tin từ trên các diễn đàn chữi nhau, bôi bẩn nhau đủ mất hết cả ngày giờ rồi. Đi đâu về, chưa cởi áo ngoài ra tôi đã nhào lại computer coi i meo không.

Dần dần tôi bỏ hết những sinh hoạt hằng ngày trước đây như tập thể thao, tập đàn, may quần áo, đọc báo, tệ hơn nữa là tôi bỏ luôn cái việc nấu nướng cho chồng con ngày hai bữa ăn cơm. Sân trước vườn sau, vườn tược, hoa cỏ, rau rác gì tôi cũng bỏ tuốt hết.

Trước đây tới giờ ăn vợ chồng con cái cùng ngồi vào bàn ăn, trò chuyện, chồng tôi kể chuyện trong sở làm, tôi kể chuyện hàng xóm láng giềng, bạn bè... Cơm nước xong thì hai vợ chồng xem tin tức trên TV, lúc rãnh rỗi thì cùng xem mấy cuốn phim ca nhạc Paris By Night hay Asia, không có gì hấp dẫn nhưng vợ chồng cũng có những giây phút gần gũi bên nhau.

Từ ngày có computer tôi ôm riết cái computer, viện cớ làm thơ, viết văn, đang hứng không thể ngưng được, tôi để cha con tự túc tự cường lo ăn uống lấy, hết đồ hộp đến thức ăn đông lạnh, chịu khó ăn dùm. Lúc đầu ông chồng tôi quạo vì không được hầu hạ như trước. Mỗi lần ông ta cằn nhằn thì tôi hỏi mắc mỏ, mỗi người có một thú vui, ông có thích tôi đi shopping rồi cuối tháng ông trả bills không? Có thích tôi đi hàng xóm đánh tứ sắc không?

Nghe tới đi shopping là ông chồng xanh mặt vì tôi chúi đầu vô tủ kính xem hột xoàn một chút, bốc một hột nho nhỏ bằng ngón tay út là đi đứt của ổng mấy tháng lương, thôi để cho bà làm gì làm.. Nhưng rồi sau này chính anh ta cũng bị cuốn hút bởi computer. Cơm nước xong là anh ta cũng nhào lại cái computer, ngồi cả buổi ở đó để đọc báo hay xem hình ảnh sex trên mạng không chừng? Có khi tôi hỏi chuyện thì anh ta chỉ ừ hử cho qua chứ không hứng thú chia vui sẻ buồn với tôi như trước đây.

Đọc tin xong thì anh chồng đi ngủ để mai còn dậy sớm đi cày, trả nợ nhà, nợ xe, nợ nuôi con ăn học… cuối tuần thì cũng có nhiều dịch vụ đặc biệt trong nhà dành cho anh ta như cắt cỏ, sửa xe, sửa mái nhà..rốt cuộc rồi vợ chồng sống bên nhau ngày này qua tháng khác mà chẳng có thì giờ tâm tình. Tình thật mà nói lúc mới lấy nhau anh ta cưng chìu, bồng bế tôi lắm, nhưng với thời gian, theo luật vô thường của tạo hóa nay tôi đã cũ xì, và mập ù anh ta bồng không nỗi nữa! với những ràng buộc của đời sống, anh chồng biết tôi chẳng chạy đi đâu, nên không “care”, vì vậy vợ chồng gần nhau trong gang tấc mà xa cách nghìn trùng.

Về phía mấy ông, trong bàn nhậu, khi mấy ông đã quá đô (dose), không còn biết điều gì nên nói, điều gì không nên nói giữa bàn tiệc thì sẽ nghe mấy ông tâm sự... Cô thư ký thì bụng thon, ngực tròn như hai trái dừa khô, môi lúc nào cũng chúm chím cười xinh như mộng, hương thơm từ thân thể nõn nà tươi mát của nàng lúc nào cũng tỏa ra ngào ngạt, tội gì để cho thằng khác dớt. Về nhà thì ôi thôi bà xã... bụng mập như có bầu, ngực thì nhão nhẹt chảy lòng thòng tới rún, đầu tóc bù xù, mùi thức ăn bám trong quần áo hôi như cú. Răng giả, đi đâu bả mới đeo vô, còn ở nhà thì gở ra cho thoải mái, mỗi lần cười đưa hai cái nanh, lại thêm cái tật hay nhằn, thật xẩu mình!

Về phía mấy bà, người nào cũng than thở về cái tình trạng mới chuộng cũ vong. Có bà than chồng thích trăng hoa với gái tơ, chẳng lẽ mỗi lần chân ổng dẫm bùn mình chặt bỏ, lấy đâu mình xài, thôi thì rữa lại xài đỡ. Có bà than chồng cầm quyền, keo kiệt, kiểm soát tiền bạc rất chặt chẽ... thôi khi mấy bà ngồi với nhau, hết chuyện nói thì đem ông chồng yêu quý ra tố khổ, nghe không hết. Những lúc đó tôi mới thấy mình thật có phước, được chồng cưng quá trời đất, muốn gì được nấy, nên tôi nguyện với lòng, nếu một ngày nào lỡ trời xuôi đất khiến cho phải lòng anh chàng nào thì tôi sẽ đem tình yêu thầm kín đó xuống tuyền đài, chứ không bao giờ phản bội chồng tôi. Thật ra thì trái tim của tôi bây giờ cũng đã già nua, cằn cỗi quá rồi, hầm ba ngày cũng không mềm thì yêu với đương gì nỗi nữa?

Ăn chơi ngon hơn ăn thiệt, đời sống có nhiều buồn phiền, khổ đau, được lắng nghe, được chia sẻ là một nhu cầu tinh thần, mà vợ chồng già thì chán phèo, đó có phải là lý do làm cho người ta thích đùa giỡn trên Net?

Nhờ xàng xê nhiều chổ, tiệc tùng nào tôi cũng đi dự, chẳng những dự thôi mà còn tặng rất nhiều tiền cho những sinh hoạt cộng đồng, từ thiện, chùa chiền, nên chẳng mấy lúc tôi, nhà thơ con cóc được nổi tiếng, có rất nhiều người ngưỡng mộ.

Nhiều lúc tôi đang thơ thẩn làm thơ bổng nhiên chữ trên computer của tôi nhảy tưng tưng, có ngườimuốn “chat” : “Chào Chị”, “Hân hạnh được làm quen chị”... kèm theo vài lời ca tụng thơ văn của tôi tuyệt vời. Lúc còn thơ mà nghe khen ngợi như vậy là tôi khoái chí tử, nay đã già, tôi còn lạ gì mấy ông dê xòm. Biết đâu anh ta cũng đang “chat”, đang thả dê với hằng chục bà từ Âu sang Á, nên tôi chẳng lấy gì cảm kích, coi những lời khen tặng đó như nước đổ đầu vịt, mặc dầu vậy cũng cảm thấy… mát mát!

Có ông thì muốn coi tôi như một người em văn nghệ. Có người muốn coi tôi là “hiền muội “, chắc ông này coi phim Tàu, phim chưỡng nhiều? Có ông thì làm thơ cho tôi, rất muồi mẫn. Có người thì xin địa chỉ để gởi sách chuyện dài. Chèn ơi, ở Mỹ ai có thì giờ mà đọc chuyện dài? Có ông thì gởi cho nhiều hình ảnh nghệ thuật, hoa lá cành tùm lum, thôi thì đủ thứ. Có điều đặc biệt là mấy ông bạn trên Net không thích cho biết mặt, nếu có gởi hình thì họ gởi cái hình mấy chục năm trước, chắc bây giờ già khú, xấu òm? Tôi cũng chẳng cần biết mặt mũi làm gì, có què giò, cụt cẳng cũng không sao, tôi có đi lựa ý trung nhân đâu mà lo. Ai ngưỡng mộ thì mình lịch sự trả lời, ai vui thì giỡn, ai dê thì dẹp.

Với computer, ngồi nhà tôi biết đủ thứ từ nhạc, đến thơ, đến chuyện tình lẩm cẩm, chẳng trách còn thì giờ đâu để nấu những món ăn ngon miệng và đấm bóp cho chồng như trước đây?

Tôi nhớ chuyện chị Tâm kể, con của chị ấy muốn vợ mà không có bạn gái, nó tìm vợ trên Net, nó mua vé phi cơ đi tới Texas, Cali, Ohio, Arizona … để gặp người tình trên Net, người thì mập, người thì xấu… mất bao nhiêu thì giờ, tiền bạc rồi không đi tới đâu. Chị Hương thì nói chỉ giữ chồng kỹ lắm, không bao giờ để ông chồng đi đâu một mình, vậy mà qua computer ổng “chat” với con ngựa nào rồi đòi ly dị chỉ. Nghe những câu chuyện như vậy tôi nghỉ “quái đản” thật, làm sao chỉ có gỏ lóc cóc trên keyboard, không biết mặt biết mũi gì mà rồi mê nhau đến nỗi ly dị vợ nhỉ?

Rồi một hôm, rồi một hôm… có một ông già cô đơn đến nơi này! Tôi đặt cho anh chàng cái tên “Ông già cô đơn”, không có nghĩa là ông nầy già, gầy còm, ốm yếu, suốt ngày ngồi bên lò sưởi nhớ quê nhà, mà tôi đặt anh ta là ông già cô đơn vì anh ta than anh ta đang lăng xăng tìm vợ mà chưa được bà nào vừa ý. Tôi chẳng tin, mà cho dù anh ta có một chục vợ đi nữa thì cũng chẳng ăn nhầm gì, tôi chỉ xạo xạo, giỡn chơi cho vui thôi mà.

Tuyệt nhiên anh ta không hề “dê” tôi, có lẽ kỹ thuật cua đào của anh ta “siêu” hơn người khác? Tôi không biết bằng cách nào mà anh ta đã gây được cảm tình với tôi, chắc chọc tôi cười nhiều? Cứ mỗi lần ngồi vào computer thì hình như tôi mong được i meo của anh chàng. Lâu không được thì tôi cảm thấy nhơ nhớ chút xíu.

Thỉnh thoảng anh chàng điện thoại cho tôi, tôi chẳng có nhõng nhãnh, đưa đẩy tình tự gì cả, tôi chỉ hỏi một câu rồi lắng nghe anh chàng kể huyên thiên về anh ta, tôi chỉ ậm ừ tỏ vẽ thích thú theo dõi câu chuyện, thế thôi. Đấy là một kỹ thuật của “đắc nhân tâm”, nghe nhiều hơn nói. Giữa tôi và anh chàng không hề nói chuyện yêu thương, tôi chẳng có lẳng lơ, có tình ý nên không có mặc cảm ngoại tình chay, ngoại tình mặn gì cả. Chẳng lẽ một người đàn bà đã có chồng rồi thì không được có cảm tình quý mến một người nào khác dù một tình bạn trong sáng?

Bổng một hôm ông già cô đơn gọi điện thoại cho tôi, với một giọng đầy xúc cảm anh ta nói với tôi rằng, từ trước tới giờ anh xạo xạo với em chơi cho vui chứ anh có vợ, có con, có một gia đình hạnh phúc. Có một hôm anh vội vã đi làm để computer “on”, không cần “password” bà xã vô đọc được hết những thư từ mình liên lạc với nhau. Bà xã không giãy đong đỏng lên như đĩa trúng phải vôi, không la hét như mấy người đàn bà ghen khác, mà chỉ buồn buồn ngày này qua ngày khác... vì biết anh đã dấu trong tim một bóng hình… Đây là một hình phạt nặng nề, nên anh hứa danh dự với bà xã là sẽ đổi screen name và không bao giờ liên lạc với em nữa. Anh ta nói một vài lời mà tôi tin là chân thật, coi như “lời tỏ tình dễ thương “. Thôi mình nên chia tay từ đây…

Nghe như vậy tôi ngạc nhiên và bối rối, tôi tưởng hai người vẫn đùa với nhau mà! Có lần tôi nghỉ mình không nên đùa dai, hiện tại tôi chỉ muốn giỡn chút xíu cho vui, cho qua những ngày tháng buồn phiền của cuộc sống, nhưng nếu cái tình trạng cảm thông, chia sẻ này kéo dài mãi thì ai biết được ngày sau sẽ ra sao? thôi thì cũng nên chia tay đi!.

Rồi từ đó tôi không được thư của anh chàng nữa, một tuần rồi một tháng, hai tháng... tôi cảm thấy một nỗi buồn man mát, đời như trống vắng, buồn tẻ. Buổi sáng mùa Đông trời lạnh, tôi thức dậy, vẫn nằm co trên giường như con mèo dúm, tôi kéo mền lên tận cổ, áp má lên gối, nằm đó suy nghỉ vẫn vơ...nhớ! Lý trí tôi cố xua đuổi những ý nghĩ mộng mơ xa xôi để vui với hiện tại, với chồng con.

Những ước mơ trong tâm thức bị đè nén thì nó lắng chìm vào tiềm thức, có hôm nó vụt hiện về trong giấc ngủ, tôi chiêm bao thấy được i meo của chàng… rồi hai người tiếp tục đùa giỡn trên Net… niềm vui rộn rã đánh thức tôi dậy. Trong bàng hoàng, nửa mơ nửa tĩnh, tôi nghỉ… Thiên Thần Tình Ái đã đáp cánh xuống đây, bắn vào trái tim già nua, cằn cỗi của “Bà Cố” một mũi tên, cho tôi cái thú đau thương, một nỗi đau thật dịu dàng, êm ái!

Thiên Thư

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Truyện Cổ Tích: Con Heo Phạm Trư

Ngày xửa ngày xưa, khi thế giới còn hỗn mang mờ mịt. Vì lo rằng sẽ có nhiều hỗn loạn, nên Thượng Đế ban cho loài vật khả năng biết nói như loài người. Ngài hy vọng, nhờ có thể đối thoại mà người và thú sẽ đỡ được nhiều...đụng chạm.
Loài người, vì nghe cầm thú nói năng cũng như mình, nên chẳng có ai ăn thịt, họ chỉ trồng trọt ở đồng bằng,ăn rau ăn trái, sống rất hiền lành.
Loài thú cũng an phận ở rừng.
Nhưng một ngày kia, có con cáo tu đã thành tinh, nó tụ họp muông thú lại mà tuyên truyền rằng :
- Cái bọn gọi là người : Bay cao, chạy nhanh, nhảy xa, lặn giỏi... tất tất đều thua chúng ta ! Vậy thì tại sao bọn chúng được ở trong nhà trong cửa, nệm ấm chăn êm, còn chúng ta phải ở nơi rừng rú ? Hỡi các đồng chí thú, hãy vùng lên !
Nó còn hứa, sau khi đè bẹp được loài người, sẽ chia đều hết thảy những gì cướp được của họ cho loài thú.
Vậy, bọn thú vật hẹn nhau : Đúng mùa thu sẽ làm cách mạng lật đổ loài người. Ra vẻ hung hăng nhất, đồng ý với con cáo thành tinh nhiều nhất là một gã heo ( Ngày xửa ngày xưa ấy, dĩ nhiên gã là heo rừng ). Gã heo rừng ngồi đặt vè cho có vần có điệu, thêm thắt bổng trầm cho có cao có thấp, rồi gã gọi những bài vè ấy là “Nhạc kháng chiến.”
Muông thú bị kích thích bởi “Nhạc kháng chiến” của Heo Rừng, thi nhau thí mạng tấn công loài người.
Loài người, dù có trí khôn và có can đảm chiến đấu, nhưng họ bị giới hạn rất nhiều vì lòng nhân đạo nên phải tạm thua, rút về đồng bằng. Bọn thú vật hoàn toàn làm chủ rừng rú.
Vui mừng với cái quyền làm chủ chưa được bao lâu, muông thú bỗng trắng mắt... vì... cái thằng Cáo luôn tự xưng là đầy tớ... nó kiểm soát hết thảy các ông chủ !
Nó ra luật : “Phải nói năng như thú, không được dùng tiếng người !”
Nó răn đe: “Con nọ phải canh chừng thằng kia, có biểu hiện linh tinh gì là phải báo cáo ngay !”
Con cáo đầy tớ phát cho mỗi chủ nhân của nó một cuốn sổ. Con nào, thằng nào, muốn dời hang dọn tổ cũng đều phải ghi chép vào đấy. Cuốn sổ còn ghi khẩu phần lương thực, có cân lượng đàng hoàng. Nhưng mà nó điếm thúi : Chỉ đủ cân, đủ lượng thôi, không bao giờ nó phát đúng loại thực phẩm mà các chủ nhân của nó có khả năng tiêu thụ !
Heo, Bò, Gà, Vịt... Nai, Hoẵng, Hươu, Chim... đều đói nhăn răng !
Những con thú mạnh và dữ một chút, có khả năng phản kháng, thí dụ như Beo, Cọp, Sư Tử v..v... thì đã về phe với con cáo thành tinh hết rồi ! Mà cái đám ấy, chúng nó chẳng yêu kính gì con Cáo già, chúng nó về phe với Cáo vì... khi loài người còn làm chủ muôn loài, chúng nó đâu có được thoải mái muốn xơi gì thì xơi như bây giờ ! Cứ thế, cứ thế... muôn thú đều khổ sở, trừ con Cáo và đám đàn em thời cơ chủ nghĩa của nó.
Heo rừng thế mà khôn ! Nó chẳng chịu đói được như những con thú kia. Nó cũng chẳng ngu gì mà liều mạng với Cáo. Nó chuồn về đồng bằng xin làm tôi tớ cho loài người. Nó “Dinh tê !”...
... Một buổi sáng, ông nông dân họ Việt tên Nam mở cửa chòi tranh ra đồng. Ông thấy một con heo phủ phục trước cửa khóc lóc...
...Heo rừng khóc có cung có bậc đàng hoàng, ngoài những kể lể về nỗi cơ cực của phận heo trong triều Cáo, nó còn lớn tiếng nhục mạ con cáo thành tinh chẳng tiếc lời. Len lén nhìn mặt ông nông dân họ Việt, nó thấy ông có vẻ chưa bị thuyết phục, nó bèn chuyển tông ca ngợi những cái gọi là vĩ đại của loài người, nó hoan hô cuộc đời, nó hoan hô cuộc tình...
Ông Nam, kinh nghiệm chiến đấu với thú vật cũng nhiều lắm chứ ! Mặt lạnh như tiền, ông hỏi :
- Họ và tên ?
- Thưa ngài, con họ Phạm tên Trư.
- Mỏ mày nhọn. Nanh mày dài. Chân mày khoẻ. Cáo nó xấu vậy sao mày không trừ khử nó mà chạy về đây khóc lóc ỉ ôi ?
- Ối giời ơi ! Ông ơi ! Nó là cáo đã thành tinh rồi. Vả lại, con là heo... nhạc sĩ mà ! con đâu phải là heo chiến sĩ !
- Mày làm tao cười đau bụng ! Thế mày muốn cái gì ?
- Ông chiến đấu can trường, chỉ có ông mới diệt được Cáo tinh. Con cắn cỏ ngậm vành xin ông cho con được hưởng ké một chút Ánh Sáng Miền Nam... vì... con Muốn Sống, ông ơi !
- Tao đã phải chạy từ miền Bắc ! Hmmm !...
Từ lúc ngoài cửa ồn ào, bà Nam đã đã thức dậy, đã nghe chuyện, bà quá tội nghiệp Phạm Trư nên bà can thiệp :
- Mèn đéc ui, ông xả ui, con cái... ủa ! con heo nhà ai ngó tụi nghiệp goá chừng chừng ! Thì thui đi mà ông xả, loài vật củng có con hiền con dử, ông mần khó nó chi ?
Lại thêm một đám con ùa vào liến thoắng :
- Tía ơi, con heo này ngó dzể thương !
- Thày ơi, cho con nuôi nó nhá !?
- Ba à, làm khó nó chi ! tốn bao nhiu á !?
Vì vợ, vì con, ông Nam tạm quên những lý luận chính trị, cho con heo Phạm Trư có tên trong Sổ Gia Đình....
Cuộc chiến giữa loài người và loài thú ngày càng khốc liệt.
Phe thú vật, xếp sòng là tinh Cáo, nhờ chủ trương (ít nhất là trên tuyên truyền) cho mọi con thú được thoải mái thoả mãn thú tính nên càng ngày càng đông. Những con vật hiền lành dù không thích cũng phải theo, vì... tất cả thú dữ đã theo tinh Cáo mất rồi ! Thỉnh thoảng có con nào chống đối cách tiêu cực, nghĩa là không chịu xông pha ra cắn xé loài người, thì cũng chết vùi chết giập đâu đó, vì… không có sổ hộ khẩu !
Phía loài người càng lúc càng thưa thớt ! Vì muốn làm người thì phải tự ép mình tuân giữ quá nhiều điều dựa trên lương tâm và nhân đạo. Nào là nhân, nào là nghĩa, còn lễ, còn nghĩa, trí, tín... Cho nên, chẳng kể những kẻ chỉ lo trùm mền cho ấm cật, chỉ kể những thằng người nhiều thú tính thôi... phe loài người mất bộn quân !
Lực lượng đã yếu kém như vậy rồi, loài người còn miễn quân dịch cho những người có lý do chính đáng ! Phạm Trư được miễn quân dịch vì lý do : Người Việt gốc... heo !
Ở chỗ an toàn nhất. Ăn những món ngon nhất. Phạm Trư dành ra khoảng 1 phần trăm thời gian của nó để viết vài bài hát, có bài là ca tụng sự chiến đấu anh dũng của loài người, thúc giục loài người đi chiến đấu, có
nhiều bài là than khóc cho những mất mát của loài người .... nhờ vậy mà Phạm Trư, 1 con heo, bỗng dưng được loài người yêu mến tặng cho 2 chữ “Nhạc sĩ.” Rất ít người (gần như là không có) để ý rằng : Gần 1 trăm phần trăm thời gian còn lại, hắn dùng để viết nhạc bán cho những thằng được miễn quân dịch khác nhảy đầm múa mọi !
Càng nổi danh và giàu có, Phạm Trư càng khó kềm chế cái máu lợn trong người hắn ! Nhưng hắn may mắn ! Vì mỗi lần hắn giở trò con heo (kể cả những lần bị bắt quả tang, có thừa phát lại lập vi bằng đàng hoàng) hắn đều được những người dễ tính binh vực bằng câu : “Nhân vô thập toàn ! huống chi... heo !?” Hoặc hùng hổ hơn : “Ghen tài với heo đấy à !?”
Tiền tuyến chiến đấu cô đơn như vậy !
Hậu phương tả pín lù như vậy !
Cho nên có 1 ngày :
Ông Nam bị dã thú phanh thây !
Làng Việt Nam bị tràn ngập bởi thú rừng !
Bà Nam, bằng những hơi tàn sức mỏn sau cùng, cố làm được 1 việc : Đưa những đứa con đứa cháu còn sống sót, vượt núi cao rừng rậm, vượt sông dài biển lớn ... đi tị nạn ở những làng khác, rất xa... rất xa... Trong đám con cháu may mắn vượt thoát ấy, có cả con... heo Phạm Trư.
... Sang tới làng mới, con cháu nhà họ Việt có người chuyên cần luyện võ, quyết tâm lấy lại làng xưa khi đủ lớn; có người chăm chỉ học văn, phòng khi anh em phục hội sẽ dựng lại luân thường đạo lý; cũng có người chỉ chăm chỉ làm ăn, nhưng không phải lo thân mà vì họ lo 2 lẽ : 1 là sẽ có tiền muốn lập lại làng xưa, 2 là sẽ dùng bạc vạn làm mồi mua thú. Nói chung, dù khác nhau cách làm, nhưng chẳng ai quên cha mẹ ông bà, làng xưa xóm cũ... ngoại trừ cái thằng Phạm Trư !
Quen thói được bố mẹ nuôi nuông chiều ngày trước. Tưởng có thể bán mồm nuôi trôn như khi còn ở làng cũ ... Phạm Trư chẳng chịu học hành hay làm ăn gì hết trơn hết trọi ! Những con heo con của nó cũng vậy ! Những bài vè có dấu nhạc mà Phạm Trư viết ra trên xứ lạ, dù lời lẽ “vuốt đuôi thời thế “ có làm cảm động cháu con dòng họ Việt, nhưng không nuôi sống hắn được ! Muốn dùng gần 1 trăm phần trăm thời gian để buôn nhạc như ngày xưa cũng chẳng xong ! Vi, làng người ta an bình bao nhiêu năm, ai cũng học cao hiểu rộng... đâu dễ gì mà bán đồ dổm ! Cũng may, ở cái làng mới, dân làng ai cũng giàu có, nên, bất kể người giả hay heo thật, đều được chăm sóc chu đáo khi đến 1 lớp tuổi gọi là... già !
Bất đắc chí như vậy, Phạm Trư ăn tiền già, mỗi ngày lên đồ lớn trắng tinh ngồi giạng chân giữa chợ, oai như ... nhạc sĩ heo ! Mỗi đêm theo điệu nhạc xập xình, rình gái tơ để rủ rê múa mọi, cho thoả cái máu lợn trong người heo.
... Trở lại vương quốc Cáo...
... Sau khi xơi sạch tất cả các tài sản vật chất và tinh thần loài người để lại, bọn thú vật đâm ra lúng túng vì sắp chết đói tới nơi !
Muông thú bèn họp khẩn, đề ra “Kế hoạch 9 nút” … mục tiêu là : “phải làm sao không...đụng chạm đến đám dân rất giàu và rất mạnh của làng bên kia, nhưng vẫn tóm gọn được của cải và trí tuệ của những người làng cũ đang tị nạn bên làng mới...”
Để “triển khai” cái kế hoạch 9 nút, Cáo tinh ra lịnh cho cọp, beo, gấu, ó... phải tạm thời giấu hết móng vuốt đi. Rồi bọn nó liên tiếp gửi sang làng Tân Mỹ công ca, phượng múa...
Đa số loài người, nhờ có kinh nghiệm chiến đấu đã trả giá bằng xương máu, nên không bị bọn thú vật đánh lừa. Nhưng những thằng người đã từng trốn quân dịch và những con heo đã từng được miễn dịch thì lại khác: Kế hoạch 9 nút của Cáo tinh là cơ hội cho bọn nửa người nửa thú này giải toả những tự ti mặc cảm mà bọn chúng phải chịu đựng khá lâu trong thế giới văn minh. Vì vậy, hết thằng này đến con khác đua nhau hưởng ứng, có thằng về rừng họp báo ca ngợi Cáo tinh, có con bỏ tiền mướn đại hí viện cho mèo gào rượn đực ! Riêng Phạm Trư, nó đội 7 cái lá đơn xin được phục hồi quyền làm... thú trên đầu. Tam bộ nhất bái trên đường về... rừng cũ.
Cho con heo quyền làm heo thì quá dễ ! Nhưng Cáo tinh muốn lợi dụng con heo vào việc khác cơ, nó bắt Phạm Trư phải công khai chửi lại loài người trên “Báo nói” và “Báo viết” của nó. Lúc nào PhạmTrư bí lù thì có cán bộ hà hơi tiếp sức liền tút suỵt !
Quá thèm cái phận làm heo, Phạm Trư hung hăng chửi tùm lum, chửi trào cả cám ra khoé mép, chửi luôn cả bố mẹ nuôi là ông bà Nam ngày trước.
Oan hồn của những người dòng họ Việt, vì thế mà không siêu thoát được. Họ kéo nhau lên kêu nài Thượng Đế, trách Thượng Đế không công bằng.
Thượng Đế nhăn mặt : “Lỗi tại các người đã không biết phân biệt và tránh xa cầm thú, nay lại còn oán ta !?”
- “Nhưng thưa ngài, tại ngài cho nó biết nói, biết hát !”"
- “Ơ ! cứ biết nói tiếng người thì là người à !? Cái chức nhạc sĩ của nó cũng do bọn các ngươi phong cho nó chớ đâu phải ta !”
Nói vậy, nhưng sau khi đuổi các hồn oan đi rồi, Thượng Đế ngồi nghĩ lại và thấy mình cũng có lỗi phần nào ! Ngài chuộc lại lỗi lầm bằng cách : “Từ đó về sau, không cho con thú nào biết nói nữa. Riêng loài heo, bị phạt chung với Phạm Trư, chỉ được ăn cám xú và... loài người có quyền thiến heo, thọc tiết heo, làm thịt heo, ăn thịt heo khi nào họ muốn.”

Nguyên Hạnh

Soure: Take2tango

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Trẻ Không Chơi, Già Đổ Đốn


Chiếc xe hơi màu đen mới cóong xịch đỗ trước cửa một nhà nghỉ nằm khuất trong con đường nhỏ ở khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Chẳng cần chú ý đến xung quanh, người đàn ông đầu tóc bóng mượt sực nức nước hoa khoác tay cô gái còn khá trẻ vào đăng ký phòng.

Không đợi khách phải nhắc nhở, hai người thanh niên phục vụ tại nhà nghỉ vội vã lấy tấm bạt trùm qua chiếc xe, che kín biển số. Rất chuyên nghiệp, cô gái bước lên cầu thang, còn người đàn ông nhận chìa khóa phòng, dặn dò mang đồ uống rồi đi theo. Sau hai giờ bên nhau, họ trả phòng, người đàn ông vội vã lên xe còn cô gái bước vào một chiếc taxi chờ sẵn. Cả hai tất tả về cơ quan làm việc.

Nhân viên nhà nghỉ này chẳng buồn thống kê xem có bao nhiêu cặp tình nhân dắt nhau vào đây mỗi ngày. Khách đến rồi đi trong chỉ trong vài giờ nghỉ trưa, đa phần đều ăn mặc rất lịch sự, nom giống vẻ những có địa vị trong xã hội.

Có người bảo: "Nếu cho thang điểm 100, hôn nhân của tôi có thể chấm 80 điểm, 20 điểm còn lại tôi cần được bù đắp bên ngoài". Người thì nói: "Với gia đình tôi chỉ có trách nhiệm không có tình yêu. Vì con cái và lương tâm, tôi không ly hôn nhưng cũng không thể lừa dối tình cảm của mình". Có 1001 lý do để ai đó tìm đến những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ. “Cặp bồ” bỗng chốc trở thành một thứ mốt thời thượng lan nhanh trong giới doanh nhân lúc nào không hay.

Ông Cường, giám đốc một công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực xây dựng, trong một lần nhậu cùng bạn bè hùng hồn tuyên bố: “Vợ giống như món thịt bò, làm sao các ông chồng có thể nhai từ ngày này sang ngày khác, nếu như các bà vợ không biết tự đổi món bằng cách chế biến mình thành bò quay, bò tái, bò xào…”. Câu nói đầy ẩn ý của Cường khiến cả bàn nhậu toàn những ông chủ doanh nghiệp vỗ tay rầm rầm hưởng ứng. Minh chứng cho quan niệm khá thoáng của mình, Cường thay bồ như thay áo, cô nào cũng "bốc lửa" khiến không chỉ bạn bè mà ngay cả đối tác làm ăn cũng phải ngưỡng mộ.

Vợ đẹp, con ngoan, một căn nhà khá sang trang ở giữa trung tâm Hà Thành - những gì mà Dũng, giám đốc một công ty chuyên về lĩnh vực du lịch đang có luôn được họ hàng, làng xóm coi đó là mục tiêu để họ phấn đấu. Ông cứ giữ cái hư danh về một gia đình lý tưởng của những năm 90 cho đến một ngày ông tham dự bữa tiệc chiêu đãi cùng bạn bè, rượu ngon, có các em chân dài chiều chuộng.

Đêm ấy, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, kể từ khi cưới vợ, ông không về nhà, dù chỉ cách đó khoảng 4 cây số. “Trẻ không chơi, già đổ đốn”, câu nói này quả là đúng khi áp vào trường hợp của ông Dũng. Được các em chân dài với “kỹ nghệ cao” chiều chuộng, ông trượt dài trên tình trường. Dù vẫn yêu con, có trách nhiệm với gia đình song cũng kể từ đó, ông bắt đầu sinh ra chứng “hám của lạ” và càng ngày ông càng thấy bà xã mình chậm đổi mới. Đi đâu cũng một kiểu tóc, một nụ cười quen thuộc, một lối ăn mặc giản đơn, khiến ông coi việc có em chân dài bên cạnh như một phần tất yếu trong các bữa tiệc tùng.

Chuyện xem "vợ là địch, bồ là ta" được không ít doanh nhân sử dụng như một phương châm hoạt động thời bình. "Sống trong lòng địch luôn nhớ đến ta, chiến sự xảy ra lại về với địch", Giám đốc một công ty chuyên về trang trí nội thất tại Saigon ví von. Bản thân ông này cũng không giấu chuyện mình có tới 3 cô bồ cùng một lúc. Ông quan niệm có "em út" là để thêm hương vị cuộc sống và chia sẻ niềm đam mê riêng và những mệt mỏi trong công việc của mình chứ không phải là mục tiêu chủ yếu. Gần 20 năm chung sống, bà vợ ông hiểu tính "hoa lá" của chồng nên làm ngơ, miễn là ông vẫn chu toàn trách nhiệm với gia đình.

Mỗi tuần, ông bố trí lịch "làm việc" với các cô bồ gần như theo một lập trình máy vi tính. Thứ 2, 3 ông đi ăn trưa hoặc tối với cô Mai - chuyên gia về tư vấn pháp luật. Hai ngày kế tiếp, ông dành thời gian nói chuyện với người yêu khác - một PR gạo cội cho các công ty nước ngoài. Thứ 6 là thời gian với "bà vợ hờ" già nhưng có nhiều mối quan hệ trong giới quan chức. Thứ 7, chủ nhật không thể thiếu cô bé xinh xắn thư ký mới ra trường nhưng hát karaoke rất hay, nếu dẫn đi tiếp khách cuối tuần thì hết sức hiệu quả.

Ông cho rằng nếu công việc gắn thêm chút tình cảm vào sẽ thân mật theo kiểu gia đình. Chính quan niệm như vậy nên ông không ngần ngại ôm ấp hoặc đưa quý cô vào khách sạn. Thế nhưng, cô bồ nào cũng đòi hỏi được sở hữu tuyệt đối nên không ít lần ông rơi vào những tình huống "tréo ngoe". Các nhân viên công ty của ông cũng thường xuyên chứng kiến cảnh 3 bà một lúc xông vào văn phòng ngài giám đốc để "làm cho ra lẽ". Thậm chí, sau những trận om sòm như vậy, nhiều nhân viên che miệng cười khi thấy sếp bầm tím mặt mũi tay chân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chủ một khách sạn trong con hẻm trên đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, Saigon, cho hay những trận đánh ghen doanh nhân không thiếu ở chỗ nghỉ của bà. "Khách đến thường chạy luôn xe vào sảnh khách sạn, để quay đầu ra ngoài, thế mà không hiểu các bà vợ làm thế nào cũng lần được dấu vết để theo bắt ghen", bà nói. Theo bà Huyền, những lần như vậy khách sạn lại phải thuyết phục khách hàng "tình thương mến thương" mà về nhà nói chuyện gia đình, chứ không dám gọi công an vì sợ mất khách.

Ông Hải, một giám đốc khác ở Saigon cũng vì cái tật hẹn hò ngoài luồng này mà đang đối mặt với phiên tòa ly hôn do vợ khởi động. Song, ông vẫn luôn phân trần: "Làm ăn thì phải vậy. Giống như các bữa tiệc tùng chiêu đãi, làm sếp mà không có "chân dài" sao đáng mặt doanh nhân thành đạt". Kết quả là tòa xử chấp thuận ly hôn, vợ ông được quyền nuôi con còn quyền điều hành công ty của ông dần dần do cô bồ thư ký thâu tóm, kể cả chuyện tài chính.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc một công ty tư vấn nhận xét hiện tượng ngoại tình hay cặp bồ trong giới công sở đang nổi lên như một căn bệnh của cuộc sống hiện đại, hầu hết xuất phát từ nhu cầu được giãi bày, chia sẻ, tôn trọng... của người vợ hoặc chồng khi gia đình xảy ra khó khăn, mâu thuẫn. Họ tìm đến với nhau không chỉ cho nhu cầu về thể xác mà đó còn là sự thiếu hụt trong tâm hồn.

"Tối nay có việc không về nhà" hay "Anh bận đi tiếp khách cơ quan" - nhiều người vẫn thường gọi điện thông báo với người nhà như vậy. Bận giao tiếp hay đi nhậu với hội bạn... vẫn là lý do chính đáng và thường gặp nhất mà các ông chồng hay nói với vợ mình. Nhưng vẫn còn một số lý do không thể nói ra là họ không muốn về nhà vì đã chán ngấy tiếng cáu gắt của vợ nhưng vì chút sĩ diện bản thân họ không muốn ly hôn. Mỗi người khi làm việc đều có những lý do riêng, rốt cuộc ai đúng ai sai bản thân cuộc sống cũng không có đáp án

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đàn ông ngoại tình, phần lớn do người chồng không còn cảm thấy bị hấp dẫn từ chính người vợ của mình, hay họ chán ngấy cảnh gây gổ, cãi vã thường xuyên trong gia đình... Bên cạnh đó, sau nhiều năm kết hôn, nhiều bà vợ trở nên lười và thụ động trong việc chăm sóc bản thân mình. Khi không tìm được nét đẹp của vợ và không còn rung động nữa, họ sẽ đến với người phụ nữ khác.

"Ngọn lửa đam mê giữa vợ chồng lâu ngày dễ bị lụi tắt, người vợ phải lựa chọn thời cơ để thắp nó lên. Nếu không, ông chồng sẽ nhờ đến người đàn bà khác làm việc ấy. Và đó là một trong những lý do khiến đàn ông lập "phòng nhì"...


Phan Linh Anh

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Đằng Sau Cuộc Phiêu Lưu Tình Ái Online



Chàng là lính hải quân chuẩn bị phải lên đường làm nhiệm vụ. Nàng là cô bé xinh đẹp vẫn gửi cho chàng những bức ảnh mặc đồ lót quyến rũ. Đó là những gì cả hai nghĩ về nhau qua chat cho đến khi án mạng xảy ra và sự thực được phơi bày.

Trên thực tế, hai nhân vật nói trên đều ở độ tuổi trung niên và cùng lao vào cuộc phiêu lưu tình ái trên Internet với những lời nói dối tưởng như vô hại.

Thomas Montgomery, công nhân 47 tuổi đang làm việc tại nhà máy Dynabrade, New York, tự nhận là một anh lính trẻ sắp sang Iraq và bắt đầu chat với một "cô gái 18 tuổi" từ năm 2005.

Khi vợ của Montgomery phát hiện ra mối quan hệ này, bà gửi cho cô bé kia một tấm ảnh gia đình kèm thông điệp: "Như cô thấy đấy, Tom không phải là thằng nhóc 18 tuổi. Còn tôi là vợ ông ấy. Cô đã bị lừa rồi".

Cô gái này nhớ Montgomery có lần đã nhắc đến một người bạn tên là Brian Barrett, 22 tuổi. Cô liền liên lạc với cậu ta để xác định thông tin. Kể từ đó, cô tiếp tục chat với Barrett nhưng cũng vẫn trò chuyện cùng Montgomery.

Ngày 15 tháng 9 năm 2006, Brian Barrett, sinh viên trường Starpoint (Mỹ) và đang làm thêm tại nhà máy Dynabrade để có tiền đi học, bị giết hại. Bạn bè Barrett mô tả cậu là người trầm tính và khiêm tốn. "Cậu ấy là một thanh niên lịch thiệp và nhã nhặn", Tom Sarkovics, huấn luyện viên bóng rổ của Barrett, nhận xét. "Tôi không tin ai đó lại có thể hại cậu ấy".

Thế nhưng Barrett đã bị bắn 3 phát vào cổ và tay trái ở khoảng cách rất gần ngay khi cậu vừa vào xe tải lúc 10 giờ tối. Cơ thể của Barrett được tìm thấy 2 ngày sau đó khi một đồng nghiệp phát hiện ra chiếc xe của cậu đỗ ở một vị trí biệt lập gần nhà máy.

Đến ngày 27/11, cảnh sát khẳng định chính Thomas Montgomery là kẻ giết người. Nguyên nhân là do Montgomery đã ghen tị khi biết mối quan hệ của Barrett với cô gái kia.


Cả Montgomery và Barrett đều không hề biết rằng "cô bé" mà họ quen qua mạng ấy thực ra đã hơn 40 tuổi, đang sống ở West Virginia và vẫn dùng thông tin cá nhân của con gái mình để "săn" đàn ông.

Trong phiên tòa diễn ra hôm 10 tháng 1 năm 2007, Montgomery im lặng không thanh minh gì. Ông còn phải ra tòa một lần nữa vào tháng 6. Vợ ông (không được tiết lộ tên tuổi) cũng đang hoàn tất thủ tục li dị.

"Tôi hy vọng vụ án này sẽ khiến mọi người tỉnh táo trước khi thiết lập các mối quan hệ trực tuyến, đồng thời suy nghĩ kỹ mỗi khi quyết định làm điều gì đó để tránh hậu quả về sau", J.A. Hitchcock, chuyên gia về tội phạm mạng và là tác giả cuốn Net Crimes & Misdemeanors (Tội phạm và những hành vi xấu qua Internet), nói.


Siu tầm

Post Reply