Bập bùng những hơi thở buồn!
Du Tử Lê
Với tôi, Lê Giang Trần như một “Công tử Bạc Liêu” lỡ thời, thất thổ. Giữa khi Trần chưa kịp biểu diễn những đường gươm hoa mỹ của một tay chơi
tỉnh lẻ về thủ đô, dưới những ngọn đèn màu Saigon thì, lịch sử sang trang. Ðổi đời. Sóng biển Ðông quăng, ném Trần ra trại đảo.
Từ những chao chát nắng, mưa rát mặt ở hoang đảo, bản năng sinh tồn thiết lập cho Trần bảng chỉ dẫn mới.
Bảng chỉ dẫn như một cuộc lột xác cay nghiệt, để sống còn. Những kinh nghiệm quá khứ thủ đắc được từ những năm tháng “tay chơi”
bất kể ngày đêm, đã bị thực tế lóc sạch, thả đáy biển sâu.
Những mưu sinh thoát hiểm mới, làm thành một thân thế khác cho Trần - Trước khi trại đảo tiễn Trần vào đất liền. Vùng đất mới.

Nhà thơ Lê Giang Trần. (Hình: Triết Trần)
Từ những năm tháng Houston, thủ vai người bảo trì, sửa chữa, quản lý mấy chục căn hộ của một chung cư, cũ kỹ... tới những năm tháng di chuyển về Los Angeles theo tiếng gọi khẩn thiết của người cha, trong vai trò của quản lý một tiệm buôn bán thực phẩm Á Ðông nhỏ của gia đình... “Công tử Bạc Liêu” nửa đời, nửa đoạn kia, như một chiếc lá nổi, chìm theo dòng sống, trăm dòng, nghìn bến. Và, hồi chuông nghiệt ngã cuối cùng đã gióng giả gọi đích danh Lê Giang Trần, khi Trần ngã xuống trong một tai nạn khuân vác nặng: Cụp xương sống.
Từ giã mọi toan tính, mơ ước... dù chấp chới, nhỏ nhoi. “Tay chơi Bạc Liêu” một thời trở thành chuyên viên chuyển âm phim bộ, khi phong trào phim bộ Hồng Kông “lên ngôi” trong cộng đồng Việt tỵ nạn, quê người. Nhưng, rồi một lần nữa, định mệnh vẫn chưa chịu buông tha Trần. Ðịnh mệnh (đúng hơn bệnh hoạn và sự xuống thang của phim bộ Hồng Kông) lại nhận đầu Trần vào khó khăn mới: Ðối mặt thực tế cay nghiệt cơm, áo đời thường!
Cho tới một buổi tối, tôi nhớ, thời gian đó, khoảng giữa thập niên 1980, dì Từ Hạnh, một người bạn của chúng tôi, đem Lê Giang Trần về địa chỉ 1029 Ranchero Way, Garden Grove, căn nhà nhỏ, giáp tuyến với thành phố Santa Ana - Ðịa chỉ tiếp nhận khá nhiều những mảnh đời lưu đày, cần một nơi nương náu, ấm áp cho những ngày tháng đầu, tỵ nạn.
Ðó cũng là thời gian, Võ Thạnh Ðông mới... “ra riêng” dựng bảng tuần báo “Nghệ Sĩ” - Việt Dzũng theo tiếng gọi của Lê Văn Hào, trở lại Houston, khai trương “Nhà in Thế Giới.”
Trước đó, Trần Duy Ðức cũng đã dẫn Ðặng Thanh Phong, một cựu KQ, chuyên viên cơ khí, thất nghiệp về nhập bọn với đám làm báo còn lại của chúng tôi là Lê Dũng, Kim Ngân, Nguyễn Ngọc Oánh, Cao Ðông Khánh, Ðỗ Vẫn Trọn...
Trần Duy Ðức lãnh nhiệm vụ hướng dẫn “Công tử Bạc Liêu” lỡ thời, thất thổ, những công việc liên quan tới nghề làm báo thời đó là cắt, dán, trình bày (đôi khi còn phải bỏ dấu tay nữa...)
Tôi nhớ, cuối tuần, mùa Hè, khi báo đã được bỏ in, trên bậc cấp bước vào vườn sau, bên cạnh vòi nước tưới cây mà, phía trước là cây chanh sai trái, xa hơn, cuối sân, cây avocado cổ thụ cho bóng mát quanh năm... Lê Giang Trần ngồi, ôm guitar hát những bài hát cũ. Những bài hát đã hòa tan trong máu của Trần. Nó hiện diện tự nhiên, mặc nhiên, như hơi thở, quá buồn!
Những buổi tối thanh bình như vậy, tôi nhớ, Trần hát rất nhiều ca khúc quen thuộc. Có hai bài dường như không một lần “tự biên tự diễn” nào, Trần không hát - Ðó là “Ngăn Cách” của Y Vân và “Bài không tên số 2” của Vũ Thành An.
Tôi cũng nhớ, khi tiếng guitar bập bùng của Trần vẳng đưa trong không gian yên tĩnh của đêm Garden Grove, con đường nhỏ Ranchero Way, tiếng hát Trần cũng bập bùng những kỷ niệm rói tươi, thì dù ngày mai, có phải dạy sớm đem báo tới các thành phố rất xa như Canoga Park, Ventura, Los Angeles... Ðặng Thanh Phong vẫn chồm dạy khỏi chiếc bàn ăn lớn, cuối phòng khách, để nghe Trần hát. Số anh em khác, trừ phi không có mặt, ai cũng bước lại gần, tìm một chỗ ngồi thích hợp, để được nghe rõ hơn, tiếng “bập bùng” đi ra từ lồng ngực tay chơi nửa đời, nửa đoạn này!
Khi Trần hát:
“Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời. Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài. Khi chia tay lần đầu, duyên chưa đậm mầu cũng đã say nhiều - Một thời gian quen biết, tình ta tha thiết muôn phần...” Nhất là khi tới đoạn coda:
“Không! Trăm không ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng: 'Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình.'” (Wikipeadia-Mở)
Trần cao giọng lập đi lập lại ca từ “Không. Trăm không ngàn lần...” - Với tinh thần dứt khoát không giận hờn, không oán trách... Nhưng chúng tôi, những người nghe lại cảm nhận được một điều gì ngược lại. Nó thê thiết, nó đau đớn, chua xót hơn chính ý tứ mà những ca từ kia nhắm tới!!!
Cũng vậy, khi Lê Giang Trần bước qua “Bài không tên số hai”:
“...Kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê đã chiều - Tình yêu đã hết, xót xa đã nhiều - Ðời thôi sẽ còn mai sau - Thôi em đừng xót thương - Rồi ngày tháng phai đi - Thôi cuộc tình đó tan rồi - Không còn gì nữa, tiếc mà chi...” (Nđd)
(Thì) tôi thực sự không biết Trần muốn nhắn gửi những lời ân tình đó cho người con gái ở bên kia biển Ðông? Hay cho chính... Trần, trong hoàn cảnh lưu đày này?
Gần đây, tình cờ một bạn đọc, gởi lại tôi bài viết ngắn, tôi viết thay cho lời tựa mở vào “Saigon ở phố lưu vong” - Ðọc lại bài viết ngắn của mình, sau hơn 20 năm, tôi còn thấy ngậm ngùi cho Trần, cho những kẻ thủy chung với kỷ niệm, gắn bó với nơi chốn:
“...Tự nào giờ, tôi vẫn cho những kẻ thiết tha, gắn bó với nơi chốn, với cảnh đời y đã đi qua, chính là kẻ thủy chung ở với ta vậy.
“Lê Giang Trần chính là người ở với kỷ niệm, ở với nơi chốn. Cõi thơ của anh, đầy những cánh chim về núi. Cõi thơ của anh, bay trên những dậm trường khuất lấp, chân mây...
“Và, bạn còn muốn đòi hỏi gì khác hơn, những dậm trường tan nát trong thơ người mang tên Lê Giang Trần này?” (Trích Du Tử Lê, tựa “Saigon ở phố lưu vong, 1991)
Có dễ vì Lê Giang Trần tin rằng không ai đòi hỏi nơi Trần một điều gì khác hơn nữa, cho nên, phải mất 22 năm sau, Lê Giang Trần mới hiến tặng cho những người yêu thơ mình, thi phẩm thứ hai, tựa đề “Trạm người quá bước” - - Tập thơ ra đời cũng do thiện duyên của bằng hữu bốn phương ấp ủ và, nuôi nấng giùm anh.
“Trạm người quá bước” theo tôi, là một thể nghiệm thi ca mới mẻ, bước tới những chân trời lồng lộng bâng khuâng. cật vấn bản thể... Vì thế (?), nhà thơ Phan Tấn Hải, trong một bài đăng tải trên nhật báo Việt Báo, đã viết:
“Thơ của Lê Giang Trần là một trận gió ‘thơ mộng mãnh liệt’ khi bạn mở trang sách ra, sẽ thấy những dòng chữ được nhà thơ ném lên trời, và rồi biến thành những trận gió lạnh buốt làm cho chàng run rẩy đối mặt với cuộc đời thơ mộng.
“Lê Giang Trần, trong phần Kết, cũng đã tự trình bày về thi tập này:
“'Những bài thơ này chuyên chở đời sống của những người đã sống một cách ‘thơ mộng’ mãnh liệt mà nhờ tình cờ hay tình thân tôi được biết. 'Chính cái chất thơ mộng hay mãnh liệt ấy gây xúc động cho tôi viết xuống một mảng đời. Nhất là cuộc sống đau đáu ấy lại là đời sống tị nạn lưu vong'. (trang 153)
“Thơ của Lê Giang Trần đa dạng, ngôn ngữ có nơi đùa cợt như khi gặp lại bằng hữu sau nhiều năm xa cách, có nơi bùi ngùi khi nhớ bạn đã bước qua cõi bên kia, có nơi tha thiết với mùi hương của tình nhân chợt nhớ lại...” (Trích Phan Tấn Hải/Việt Báo).
Trước khi khép lại bài viết này, tôi muốn mượn vài cảm nhận đã được nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ làm cho sắc xuống, khi ông viết về thi phẩm “Trạm người quá bước” của Lê Giang Trần:
“...55 bài thơ, bàng bạc những hồi ức, kỷ niệm với những chiêm nghiệm sâu lắng, đầy tính nhân văn về quê hương, tình người, tình bạn. Chữ thơ giản dị, mộc mạc, nhưng đã tạo được âm vang rất rộng, rất sâu. Chữ vẫy gọi chữ, âm vẫy gọi âm, dội vào tâm thức người đọc những liên tưởng, những hình ảnh, những ý tứ rung động đến nao lòng...” (Trích Nguyễn Lương Vỵ).
(Garden Grove, Tháng Năm 2015)