Phiếm luận

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Phiếm luận

Post by dacung »

Phiếm Luận 22-06-2007
Caubay

Kẻ đi cửa hậu


Vừa rồi Cậu Bảy đi dự “đám cưới lại’ của thằng bạn thân. Nó cũng đà trộng tuổi mà chưa có vợ vì cái tuổi thanh xuân bầm dập trong tù, trong trại tỵ nạn, rồi qua Mỹ đi cày ngày hai buổi. Vài năm trước nó về thăm nhà sau gần hai thập niên xa cách, gặp nàng và nó bỗng hồi xuân rất nhanh. Tụi nó, cô trinh nữ trẻ trung xinh xắn và chàng Việt kiều sồn sồn, thương nhau rất mau và chân tình thắm thiết lắm. Thế rồi cưới và mang nàng về dinh. Qua Mỹ nó làm đám cưới lại để khoe với anh em. Nhậu một bữa đã đời trong đêm “tân hôn” của nó. Bạn bè thằng nào có ý tế nhị muốn về sớm thì nó nạt ngang: “Động phòng động phiếc gì mà tụi bay lo, bữa nay tao dzui với tụi bay. Dzô!” Cũng nên nói thêm thì trong buổi tiệc đó, thực khách bàn đủ chuyện trên đời, nhưng đề tài hấp dẫn nhất vẫn là tình hình chính trị tại Việt Nam. Gì chớ nói dóc chuyện chính trị thì Cậu Bảy hăng lắm. Từ chuyện WTO, PNTR, ông Triết, ông Dũng, ông Mạnh, cá tra, cá dồ, tôm xuất khẩu, dâu Đài loan, đĩ Đại hàn, lật đò, đấu tố, bắt cóc, đánh người, bịt miệng, vu khống, ...hầm bà lằng cậu đều có mặt. Thế giới như trong lòng bàn tay của cậu. Kiến thức thông thái như thế cũng nhờ học lóm bà con trên diễn đàn. Vì thế mà khi lết tới nhà thì Cậu Bảy say mèm, quần áo để nguyên, chỉ nới cái cà vạt, nằm dài trên sofa và bắt đầu ngáy. Đó chỉ là bắt đầu câu chuyện.

- Ủa , nửa đêm rồi mà ai còn gõ cửa nhà mình vậy em? Mà gõ cửa sau nữa mới lạ chứ?

- Để em ra coi thử. Mà sao con vện nhà mình nó cũng không sủa vậy cà!

Mợ Bảy nói xong đứng dậy lấy cây chổi lông gà cắp sau đít rón rén bước ra cửa sau, bộ dạng thận trọng thủ thế lắm. Cây chổi trên tay hình như làm mợ thêm phần tự tin, như thể lăm lăm cây AK47. Bên ngoài khung cửa, dưới ngọn đèn mờ, bóng một người nhỏ thó, đội mũ tai bèo, mang dép râu, tay trái xách bị có in hình cờ đỏ sao vàng, tay phải chống gậy, lom khom dòm nhìn dáo dát như lén lút ai. Mợ Bảy mới đầu tưởng thằng ăn trộm nên định nhấn 911, sau lại tưởng ăn mày, nhưng khi nhìn kỹ lại cái lối đứng chàng hảng, hai hàng thì lập tức nhận ra ngay người quen đã lâu lắm.

- Mèn đét ơi! Anh Sáu, anh đi đâu mà đêm hôm khuya khoắt dậy anh? Dzô, dzô anh, dzô nhà có lạnh, coi chừng chó cắn nghen.

- Trời! Cô Bảy đó hả. Thiệt là may quá tui tìm đúng nhà! Cô đừng lo, tui quen đi đêm, chơi với chó quen rồi…

- Chớ anh đi đâu mà một mình lạc vô đây dậy anh Sáu?

- Tui qua Mỹ có việc, nhân thể tranh thủ ghé thăm cô dượng và cầu mong cho cô dượng mần ăn phát tài. Mới đó mà đã trên 20 năm rồi không gặp cô dượng. Coi, cô Bảy lóng rày coi bộ có da có thịt hơn hồi ở kinh tế mới nhiều đó nghen.

Mợ Bảy vốn tối kỵ những ai khen mình mập, thường ngày mà nghe cái ngữ ấy thì chắc chắn mợ sẽ nguýt một cái rõ dài, mắng đồ vô duyên, nhưng phen này biết anh Sáu thực bụng, vì anh là dân nhà quê, hồi trước theo cách mạng đói gần chết nên rất quí người mập. Vì thế mợ Bảy không những không giận mà cảm thấy rất vui, bèn hỉ hả nói:

- Anh chọc quê tui chi tội nghiệp anh Sáu. Trên đời có ai ốm hơn dân kinh tế mới đâu anh!

- Thế có dượng bảy ở nhà hông dậy cô?

Cậu Bảy nghe nói ồn ào chạy ra phía sau thì thấy anh Sáu Phong, người quen hồi xưa ở Bến Cát, Bình Dương, đang nghiêng mình lách qua khe cửa.

- Úi trời! Anh Sáu. Tui nghe anh đi Mỹ mà hổm rày ác nhơn ác nghiệt, công việc bận quá chưa kịp đi đón đó chớ.

- Chào dượng Bảy. Vô tư đi duợng, khách sáo làm chi. Tui biết dượng công việc bề bộn, thì giờ bên Mỹ quí lắm đâu có hưỡn như bên mình, hơn nữa đồng bào đi đón tui cũng đông, lại giăng biểu ngữ đầy đường nên tui cũng không thấy lẻ loi lắm.

Cậu mợ Bảy kẻ nắm tay, người nâng túi xách ân cần mời anh Sáu vào phòng khách. Tha hương ngộ cố tri, mừng mừng tủi tủi. Vào bên trong anh sáu Phong mở túi luồn tay lấy ra một chai nước tương để trên bàn rồi nói:

- Tui qua thăm cô dượng mà không biết đem món gì, thôi đem biếu cô dượng chai nước tương thựơng hạng, đây là thành quả của quê hương.

Cậu Bảy vừa nhác thấy món quà của anh Sáu đã rụng rời tay chân, đó là loại nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép khoảng 6000 lần, nhưng nể mích lòng nên cũng cười xả lả:

- Cám ơn anh. Tụi tui mà được dùng thứ này thì chắc là mau về quê thăm ông bà lắm.

Khi Mợ Bảy vào trong pha trà, Cậu Bảy nhích lại gần anh Sáu hỏi nhỏ:

- Vậy chớ có chuyện gì quan trọng hay sao mà đêm hôm ghé thăm vợ chồng tui đó?

- Đâu có chuyện gì, tui qua đây nhớ đến cô dượng nên ghé thăm, kẹt là đi ban ngày không tiện. Nói nghe mắc cỡ chứ chắc dượng đọc báo cũng thấy, tui tới xứ Mỹ này lén lén lút lút như thằng đi ăn trộm.

Cậu Bảy nghe xong lấy làm cảm kích. Hóa ra anh sáu là người có tình, dù nay đã nên người có danh phận mà vẫn không quên tình cố cựu. Cậu Bảy bùi ngùi nhớ về những ngày bo bo độn củ mì trên vùng kinh tế mới Bến Tượng, tỉnh Bình Dương. Ngày đó anh Sáu là nhân viên quèn bên tỉnh ủy, vẫn thường giúp gia đình Cậu Bảy vài cái giấy tờ như giấy đi đường, hộ khẩu… và bù lại Mợ Bảy cũng thường biếu anh khi lạng cà phê, khi vài điếu ba số. Ba con năm vừa nằm vừa ký. Hồi tưởng mông lung một hồi rồi Cậu Bảy chợt hỏi:

- Anh Sáu nói đi thăm tụi tui ban ngày không tiện là vì sao?

- Thì chắc dượng cũng biết đồng bào bên này họ hiểu lầm tui. Đi đến đâu thiên hạ xua đuổi chửi bới như đuổi chó dại. Nói nào ngay, lỗi đó cũng tại đồng bào mình ít về thăm quê, thiếu thông tin nên không thông cảm cho tui. Tui vì cảm mến cô dượng mà lén đến thăm, nhưng cứ nơm nớp sợ phiền cho cô dượng.

- Không sao đâu anh Sáu, tui thẳng như ruột ngựa, đâu phải tránh né ai. Nè anh Sáu, tui nghe báo chí bên nhà nói đại đa số kiều bào hải ngoại đều hướng về quê nhà và ủng hộ đảng của anh Sáu mà?

- Thôi dượng Bảy ôi, nói riêng cô dượng nghe chứ mấy thằng ký giả bên nhà cũng như bầy chó ghẻ của tui, biểu sủa là sủa, biếu nín là nín, chớ có gì liêm sỉ, đáng tin mà dượng để ý. Nói đa số kiều bào, máu thịt, ruột non, ruột già cho xôm tụ vậy thôi chớ thiệt ra đâu có mấy mống. Hồi trước thì tụi tôi cũng thả mấy thằng nằm vùng qua đây mà lần lần tui nó cũng ăn bả đế quốc mà dang ra hết, đâu còn nhiêu thằng. Lâu lâu mới dụ được một vài thằng bất đắc chí, hết thời, thất nghiệp, vợ bỏ mò về Việt Nam kiếm chác thôi.

Cậu Bảy nghe nói cũng thương hại nên hạ giọng an ủi:

- Thôi anh sáu cũng đừng buồn, chung qui cũng tại mình ăn ở hổng phải người ta mới giận dai như vậy. Nhưng tui hỏi thiệt anh Sáu nè, đồng bào người ta khinh miệt đã đành, mà nghe nói thái độ mấy thằng Mỹ cũng nóng mũi lắm, thế thì hà cớ gì anh Sáu qua đây cho mất mặt?

- Mặt tui có cái gì đáng mà sợ mất. Bụng đói thì đầu gối phải bò, dượng không biết hay sao? Mấy anh bên Bộ chính trị xúi tui đi chuyến này nhằm cải thiện chút đỉnh…

- Cải thiện quan hệ ngoại giao hả anh Sáu?

- Thiệt là chán cho dượng! Mới đi Mỹ có mấy năm mà quên bén tiếng Việt trong sáng hết ráo rồi. Cải thiện là đi kiếm chút đỉnh cho đỡ đói đó mà, như đi đào củ mài trên rừng hồi xưa đó.

- Chữ với nghĩa! Thì ra anh Sáu đi năn nỉ sự thương xót của mấy thằng nhà giàu Mỹ, với lại bọn phản động lưu vong, nôm na là đi ăn mày đó chớ gì?

- Dượng Bảy ôi, biết là như vậy nhưng dượng nặng lời với tui làm chi tội nghiệp. Nhục nhã gì bên này thì tui cũng ráng, miễn là mình đạt đủ chỉ tiêu Đảng giao là coi như thắng lợi rồi. Dzìa lại bển thì lại vinh quang mấy hồi.

Câu chuyện còn đang dang dỡ thì Mobay bưng trà ra và tham gia chất vấn:

- Hồi chiều tui ra chợ nghe người ta nói anh Sáu đã có buổi gặp gỡ đồng bào bên New York phải hôn?

- Tui có gặp nhóm Việt kiều yêu đảng, tui gọi họ là máu của máu Việt Nam đó.

- Đám đó chắc là Việt kiều có… dính máu nhân dân Việt Nam. Nhưng mà anh nói gì với họ anh Sáu?

- Thì trước hết tui đem thông tin cho họ biết sự thật trong nước.

- Ủa, bây giờ là thời đại internet mà thiếu thông tin như vậy sao?

- Thiếu gì cô Bảy, nhưng có nhiều điều không trung thực, thậm chí bôi nhọ đường lối của Đảng. Thông tin trung thực phải từ mồm của lãnh đạo mới chính xác.

- Thì ra thế. Anh ra ngoài này mà nói như vậy thì người ta chửi là độc tài hủ lậu cũng phải.

- Tội nghiệp tui cô Bảy, chung qui cũng vì cái ghế với mấy đồng đô thôi cô ơi.

- Rồi sao nữa anh Sáu?

- Lúc trước tui lỡ dại nói ở Việt Nam không có bất đồng chính kiến, bị mắng là láo nên kỳ này tui khôn lắm, tui sửa lại. Tui cũng cho bà con bên New York biết là trong nước mình dân chủ lắm, có bất đồng chính kiến nhiều lắm. Trong nội bộ Đảng cũng có nhiều bất đồng… chính kiến đó, như có đồng chí thì ưa món dồi, đồng chí khác thì ưa rựa mận... Ngay trong nhà tui cũng có bất đồng chính kiến. Thí dụ mụ Sáu nhà tui thì thích chính kiến nấu ăn, còn tui thì có chính kiến đá banh, nhiều lúc nửa đêm tui la lên khi thấy đội nhà đá lọt, bả rất bất đồng chính kiến với tui về điểm này. Còn vụ cha Lý, cô Công Nhân… đòi đa nguyên đa đảng thì hai năm rõ mười là họ bất phục tùng độc đảng, cái đó là vi phạm luật hình sự, không phải là chính kiến.

- Thì ra thế. Anh nói như vậy người ta mắng anh dốt cũng phải. Rồi sao nữa anh Sáu?

- Tui cũng nói là mình cần hòa bình để xây dựng đất nước. Cuộc chiến Việt Nam vừa qua chính là để xây dựng hòa bình cho Liên xô, Trung quốc và các nước XHCN anh em để tiến lên chủ nghĩa đại đồng… đô. Bộ cô dượng không biết ông Cút Xếp bên Nga đã từng nói “dân Việt Nam đã đổ máu và hiến mạng sống mình vì lợi ích của phong trào Cộng Sản thế giới” hay sao? Bà con không biết cứ cho cộng sản tụi tui hiếu chiến, xâm lăng miền Nam. Đặt mìn pháo kích thì là vũ khí của Nga của Tàu chứ mình đâu có vũ khí gì mà Mỹ Ngụy nó cũng bắt bớ tra tấn. Ngoài ra hòa bình thì phải dài lâu chứ mới 32 năm thì nhằm nhò gì. Thành quả bước đầu là đội ngũ ô sin, làm đĩ toàn cầu cũng rất đáng khích lệ.

- Thì ra thế! Anh Sáu nói như vậy người ta chê là đồ ngụy biện, cõng rắn cắn gà nhà cũng phải. Rồi sao nữa anh Sáu?

- Tui cũng nói cho họ biết là tui cũng quí trọng nhân quyền lắm. Ngày xưa bác đảng tui gây chiến cũng là để giành lại nhân quyền, có điều họ không hiểu là tui chỉ đòi nhân quyền cho người theo cộng sản mà thôi. Ai không theo cộng sản tui coi như súc vật, đâu phải con người thì quan tâm đến nhân quyền làm gì. Người dân trong nước dân trí còn thấp, họ không hiểu nên cứ đi đòi cái mà mình không có.

- À ra thế!. Anh Sáu nói vậy người ta chửi là bất lương cũng phải. Rồi sao nữa anh Sáu?

- Về chuyện chống tham nhũng thì tui cũng nói cho họ biết công lao của Đảng. Như vụ PMU18 hay Năm Cam là bằng chứng cụ thể rằng không phải tất cả toàn đảng đều dính líu trong đó. Có đồng chí có ăn, có đồng chí trơ mỏ, thành ra ta mới lôi ra ánh sáng được. Như vậy rõ ràng là trong đảng cũng có nhiều phe khác nhau, tui cho đó là chính kiến khác nhau. Đó là dân chủ của ta, theo hoàn cảnh cụ thể của ta. Vì vậy không nên nghĩ rằng cán bộ mình, dân mình tham nhũng nhất thế giới.

- À ra thế! Anh Sáu nhập nhằng dân với cán bộ có mòi hơi lộ liễu đó. Tham nhũng thì cán bộ đảng viên chứ dân lấy gì để tham nhũng mà anh Sáu đổ oan cho người ta như vậy. Còn cán bộ của anh Sáu có tham nhũng nhất thế giới không thì để cho thế giới người ta mần thống kê. Anh Sáu nói càn như vậy người ta mắng là láu cá cũng phải! Rồi sao nữa anh Sáu?

- Tui cũng dẫn chứng cho họ thấy Mỹ cũng độc tài lưỡng đảng; nước Anh, nước Nhựt có vua tức là còn trong thời kỳ phong kiến, kém xa dân chủ của ta. Ta lại hơn các nước ở chỗ có Mặt trận Tổ quốc, có Đoàn Thanh niên, có Hội Phụ nữ đều ủng hộ Đảng ta cả.

- À ra thế! Chuyện thể chế chính trị của các nước phương tây thì dài dòng lắm. Nói một tháng không xong, mà trình độ anh Sáu lại hạn hẹp, cần học thêm nhiều lắm. Còn lối lý luận của anh Sáu thì cũng y chang như hồi xưa ở rừng sâu, địa đạo mà bàn chuyện chính trị thế giới với chị Út Tịch. Ra ngoài nói như thế người ta chê anh ngu mà khoát lác như vẹm cũng là đáng đời.

Cậu Bảy vốn nể vợ, thấy vợ nói thì nín khe, nhưng thấy tình hình mỗi lúc mỗi căng, sợ không khéo làm anh Sáu buồn, nên nói chen ngang vào:

- Thôi em, anh Sáu ít đi ra ngoài thành ra chưa "nắm bắt thời đại", mình cũng nên thông cảm cho ảnh. Phần anh Sáu thì vợ chồng tui cảm ơn anh đã tới thăm. Nói nhỏ anh nghe, tui nghe anh đến Mỹ tui mừng lắm, dù cũng nực vụ trước khi đi anh qua xin phép thằng Tàu. Ráng chơi với Mỹ nghen anh, dang thằng ba Tàu ra. Tui dốt nát không dám lý luận chủ nghĩa chủ nghiết gì nhiều, chỉ thấy việc nhãn tiền mà khuyên anh như vầy. Trên thế giới này hầu hết ai chơi với Mỹ cũng khá, không có ai thân tàn ma dại như chơi với Tàu. Coi cái gương Tây Đức, Nam Hàn, Nhựt, Đài Loan rồi so sánh với Cu Ba, Bắc Hàn và bản thân anh thì rõ. Chơi với thằng Mỹ là chơi với thằng có đạo đức, vì nó có tam quyền phân lập rõ ràng. Hành pháp nó làm sai, anh kêu cứu với quốc hội, tòa án của nó. Vụ kiện chất độc màu da cam của anh là một ví dụ. Ai thắng ai thua tui không nói ở đây, nhưng anh cũng thấy tụi Mỹ nó công bằng, mã thượng lắm, không có ai đứng trên pháp luật. Thử ngẫm lại mấy thằng "đại háng" lưu manh vĩ đại liền sông liền núi phương Bắc của anh coi sao. Xưa nay nó cướp đẩt, chiếm đảo, lấn biển, giết ngư dân của anh mà anh có kiện cáo gì được đâu. Vậy thì từ nay dẹp cha mấy cái chủ nghĩa, tư tưởng tào lao đi, ráng làm người lương thiện nghe anh Sáu.

Anh Sáu Phong nghe Cậu Bảy nói lời ân tình trong lòng dạt dào cảm động, rươm rướm nước mắt nói:

- Cô dượng à, tui nghe nói tha hương mà ngộ cố tri thì quá xá đã, chỉ đứng sau việc thầy chùa động phòng; thế mà mấy hôm nay tui đi đâu cũng bị xua đuổi thiệt là rầu, nay may gặp lại cô dượng tốt bụng khuyên răn, tui an ủi nhiều lắm. Tui nguyện ghi xương khắc cốt lời giáo huấn của cô dượng. Thôi đêm đã khuya, tui xin kiếu để cô dượng nghỉ ngơi.

Vợ chồng Cậu Bảy ra sức mời mọc ở lại mà anh Sáu nhứt định từ chối, viện lẽ trời sáng khó đi, lại cũng xin ra về bằng cổng sau. Dù vậy khi đứng dậy từ giả, anh Sáu lại có vẻ chần chừ, hình như có gì muốn nói, tay vân vê cái bị. Cậu Bảy hiểu ý bén móc túi lấy tấm check ký tặng cho anh Sáu 2 triệu đô. Anh Sáu lòng mừng khấp khởi, kẹp cái bị với cây gậy trong nách, hai bàn tay chấp lại, xun xoe cám ơn vợ chồng Cậu Bảy không ngớt lời.

Ra đến đầu hè, Cậu Bảy chia tay và dặn anh Sáu: “Lần sau có đến thăm chúng tôi, xin anh đi bằng cổng trước nhé”. Anh Sáu dạ dạ rồi bước nhanh vào bóng đêm.

Khi trở vào nhà, Mợ Bảy nhìn chồng hỏi:

- Tiền đâu mà ông ký cho anh Sáu đến hai triệu đô?

- Tui trên răng dưới dái, làm gì có bạc triệu, nhưng thấy đêm hôm anh ta đến thì biết là đi xin tiền. Bởi vậy tui ký check lủng cho anh ta mừng hụt chơi.

- Ông làm vậy là đồ tiểu nhân, thất đức, có tội lừa gạt người ta đó.

- Vẫn biết như vậy, nhưng lần này tui muốn cho anh ta bài học, nếm mùi cay đắng của các nạn nhân bị đảng của ảnh bịp xưa nay.

- Ông rõ thấp trí, thiếu sư phạm. Ở đời không ai lấy lừa dối để giáo hoá kẻ lừa dối. Nhưng lỡ rồi, hy vọng sau này nhờ vậy mà ảnh khá hơn lên, bỏ tật nói láo, biết nghe điều phải.

- Tui xin lỗi bà. Vậy chờ khi nào ảnh hoàn lương, ăn ở thật thà, biết lo cho dân thì tui gởi tiền thiệt về giúp cũng không muộn.

Nói xong Cậu Bảy ngó đồng hồ thấy đã hơn 3 giờ sáng, bèn giả bộ ngáp để khất nợ và nói với Mợ Bảy lời tạ từ trong đêm: “Anh chàng đi cửa hậu này làm hư hết… kế hoạch của tui đêm nay”.

Mợ Bảy nghe nói nổi xung, giơ chân đạp cho Cậu Bảy một đạp làm Cậu Bảy giựt mình tỉnh dậy và thấy mình vẫn còn nằm trên sofa, hơi thở vẫn còn nồng mùi rượu.

Thì ra là một giấc mộng, không lành, không dữ và cũng chẳng bình thường.


San Diego, June 20, 2007

© DCVOnline

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Oan cho dân ta quá!

Bút Phím


Thỉnh thoảng, cứ nghe thông tin rằng “dân oan” ở các tỉnh lại kéo về Sài gòn khiếu kiện, trưa nay, lại nghe “dân oan” ở khu Kim Liên Hà nội đòi tự thiêu nếu công an đến giải tán họ, tôi tự hỏi: “Sao lại gọi là dân oan nhỉ?”

À, hẳn là họ bị chính quyền sở tại đối xử không công bằng, bị kẻ có chức quyền ức hiếp… Nghĩ cũng oan thật! Đất đai nhà cửa là mồ hôi nước mắt làm lụng từ đời này sang đời khác, bỗng dưng biến mất mà chỉ nhận được một số tiền không tương xứng thì ai không khỏi kêu gào oan khuất.

Bất giác sờ tay lên gáy: - Thế mình có phải là dân oan không nhỉ? Đất đai nhà cửa không bị giải tỏa, nhưng cứ có cảm giác rằng lâu nay mình vẫn phải mang trên đầu, trên cổ một cái gì đó rất nặng nề. Vẫn chưa thể lý giải nó là cái gì.

Thôi, dẹp sang bên lo viết cái đơn xin chuyển trường cho thằng nhóc đã! Vừa vào MsWord mở cái file “Don.doc” có lưu sẵn tiêu đề:

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

tôi bỗng lạnh toát cả người, như thể có một luồng điện chạy dọc suốt sống lưng. Trời đất, mình cũng là dân oan, hơn 80 triệu dân Việt hiện nay đều là dân oan cả!

Vâng, chính xác và hoàn toàn chính xác!

Đây nhé, cái gọi là Chủ nghĩa xã hội đã mang lại được gì cho dân ta ngoài cái thời bao cấp, cấm chợ ngăn sông, xếp hàng ăn độn, đói rách bần cùng... Ai nghĩ đến cái thời ấy mà không rùng mình sởn tóc gáy? Thế mà nó cứ chễm chệ nằm trên đầu trên cổ chúng ta trong mọi văn bản pháp quy, trên những cái cổng chào cao ngất, cứ như thể rằng mấy chục triệu dân Việt Nam đều phải đội ơn cái Chủ nghĩa xã hội này vậy. Oan cho dân ta quá, oan quá còn gì.

Tiếp đến là cái tiêu đề phụ “Độc lập…”.

Tôi tự hỏi hiện nay chúng ta đang sử dụng danh từ này theo nghĩa nào? Tự điển nào có thể định nghĩa được từ “độc lập” này khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa? Tự điển nào cắt nghĩa cho cái từ “độc lập” này khi Bắc Kinh lệnh cho Hà Nội phải dẹp biểu tình, cấm dân chúng không được biểu lộ lòng yêu nước bằng thái độ ôn hòa? Có ai chỉ giúp tôi cuốn tự điển ấy không? Giá nào tôi cũng mua, nếu không có thì oan cho dân ta quá, oan quá còn gì.

“…Tự do…”, ôi hai tiếng này như tắc nghẹn lại trong cổ họng tôi khi tôi hình dung cảnh hàng trăm ngàn người cùng da vàng máu đỏ, phải bỏ xác giữa biển khơi để đánh đổi cái “tự do” này lấy cái Tự Do bên kia bờ Thái Bình Dương. Đêm đêm tôi vẫn gào thét trong giấc mơ hai từ “tự do”, rồi sáng dậy loay hoay vượt tường lửa vào đọc tin tức từ thế giới Tự Do. Oan cho dân ta quá, cho cả những linh hồn đã chết oan lẫn những người còn đang sống.

Với “độc lập” ấy, với “tự do” kiểu ấy, xin nhường quyền bình luận từ “hạnh phúc” cho quý vị độc giả.

Tôi vẫn chỉ có một câu: Oan cho dân ta quá, oan quá còn gì!

Mới chỉ là dòng tiêu đề của lá đơn, tôi đã thấy oan khuất chất chồng. Chợt khám phá ra một điều thú vị: những cái gì hào nhoáng, bóng bẩy trong cái xã hội giả dối này đều chứa đựng điều bất ổn. Quên bẵng lá đơn với cái tiêu đề đáng sợ, tôi bắt đầu việc tìm kiếm các “mỹ từ” khác.

Và đây: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nhân dân ta làm chủ cái gì? Đất nước này ư?

Không. Ông chủ gì mà đầy tớ tự quyền cắt đất, nhượng biển vẫn không hề hay biết. Đến khi biết được thì cấm “ông chủ” không được hé răng kêu ca. Làm chủ kiểu gì khi một bác sĩ dịch bài viết “Thế nào là dân chủ” từ Anh sang Việt ngữ và phổ biến cho mọi người thì ông ta lập tức bị bắt bỏ tù. Oan cho nhân dân ta quá, oan quá trời ơi!

Rồi đây nữa: “…nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Thế à? “Của dân” là thế nào khi các thỏa hiệp về biên giới, lãnh hải được ký kết mà không qua một cuộc trưng cầu dân ý. Ngược lại, người dân muốn lên tiếng xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia lại phải xin phép đảng. Oan quá dân ta ơi!

“Do dân” là thế nào khi người dân không có quyền bầu lên những người họ tín nhiệm, đại diện cho quyền lợi của họ.

Cuối cùng, ai cũng thấy rõ những gì đảng và nhà nước này làm có thực sự “vì dân” không, hay chỉ vì lợi ích cá nhân của mấy triệu con người có gương mặt sắt máu, có trái tim đá sạn, có linh hồn đã bán rẻ cho quỷ dữ.

Rồi lịch sử sẽ phán xét công bằng, tội đồ dân tộc sẽ nhận đúng tội danh. Vận mệnh nước nhà chưa đến, hơn 80 triệu dân Việt có nhận thức được nỗi oan khiên mà mình đang gồng gánh suốt mấy chục năm qua không?

Đừng để những người dân mất đất, mất nhà phải cô đơn trong hai tiếng “dân oan”. Hãy chia sẻ, hãy đồng cảm cùng với họ, dân Việt ta ơi!


© DCVOnline

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Cuối năm nói chuyện với đầu gối

Tưởng Năng Tiến


Đi hỏi già, về hỏi trẻ
Tục ngữ VN


Tôi sinh ra trong một cái xóm rất nghèo, và (tất nhiên) rất đông con nít. Cùng lứa với tôi, có chừng vài chục đứa tên bắt đầu bằng chữ út: Út Lé, Út Lác, Út Lồi, Út Hô, Út Còi, Út Ghẻ, Út Mập, Út Sún, Út Sứt, Út Méo, Út Hô, Út Đen, Út Ruồi, Út Xẹo, Út Trọc … Cứ theo cách thấy mặt đặt tên như vậy, người ta có thể nhận dạng và biết được thứ tự của đứa bé trong gia đình mà khỏi phải giới thiệu - lôi thôi - theo như kiểu cách trong xã hội Âu Mỹ:

- Còn đây là thằng út, nó tên là Út Rỗ. Chả là ngay sau khi lọt lòng, cháu bị rơi vào một cái … thùng đinh!

Riêng trường hợp của tôi thì hơi (bị) khác. Tôi tên Út Khùng. Nếu nhìn mặt mà bắt hình dong thì khó ai có thể biết được là tôi bị khủng. Bây giờ thì (than ôi) tôi trông tàn tạ và héo úa lắm rồi, chớ hồi nhỏ - nói thiệt nha - cả xóm ai cũng phải công nhận là Út Khùng ngó đẹp trai và coi dễ thương hết biết.

Image
Đà Lạt
Nguồn: vietnamparadisetravel.com

Chỉ có cái kẹt là lúc mới biết đi, tôi bi rơi xuống giếng. Khi tìm ra con, nắm tóc kéo lên, thấy thằng nhỏ chân tay xụi lơ, bụng chương xình, mặt mày tím ngắt, má tôi chỉ kêu lên được một tiếng “rồi” và lăn ra bất tỉnh.

Thực ra thì “chưa.” Tôi chưa bỏ mạng nhưng cuộc đời của tôi, kể từ giờ phút đó, là kể như … rồi – theo như lời chẩn đoán của những vị bác sĩ lo việc chữa trị cho tôi lúc ấy:

- Thằng nhỏ ở dưới giếng cả buổi, thiếu oxy nên một số tế bào não đã đi đoong rồi. Nó sẽ hơi khó nuôi và cũng sẽ hơi khác người chút xíu, nhưng hy vọng cũng sống (được) chớ không đến nỗi nào đâu.

Dù đã nghe trấn an như vậy, ba má tui rõ ràng (và hoàn toàn) không yên tâm tí nào về cái chỗ “hơi khác người chút xíu” như thế. Ông bà hẳn cũng khổ tâm vì cái tên gọi, nghe hâm thấy rõ, của đứa con … cầu tự!

Cả hai quyết định dọn nhà đi nơi khác – nơi mà không ai biết là tôi đã từng bị té giếng, và té lầu (không lâu) sau đó. Bố mẹ tôi quyết tâm tạo cơ hội cho con có một cái lý lịch mới, trắng tinh, để làm lại cuộc đời. Đây thực là một cố gắng phi thường, rất đáng qúi nhưng (tiếc thay) hoàn toàn … vô vọng!

Gia đình tôi dọn từ dưới đường Phan Đình Phùng lên tuốt đường Duy Tân, một con đường dốc, ngay trung tâm của thành phố Đà Lạt. Giữa đường là cửa hiệu chuyên bán vật liệu xây cất nhà cửa, tên Lưu Hội Ký, nên lúc nào cũng có một chiếc xe ba gác trước cửa tiệm.

Trò chơi mà đám trẻ con chúng tôi thích nhất là ban đêm nhẩy lên xe, thả cho chạy từ đầu xuống đến cuối dốc. Xong, cả lũ lại hè nhau hì hục đẩy xe lên lại. Tôi nhỏ bé và ốm yếu nên thường được ngồi trên yên cầm lái. Bao giờ cũng chỉ được một phần ba khoảng đường là cả bọn đều mệt bá thở, phải ngừng lại để nghỉ.

Có lần, một đứa nổi quạu:

- Biểu thằng Tiến xuống đẩy luôn đi, chớ nó ngồi không như cha người ta vậy chỉ thêm nặng thôi, chớ đâu có ích lợi gì.

Tôi vênh váo:

- Đ…má, bộ mày tưởng tao ngồi chơi chắc. Dốc cao thấy mẹ, tao phải bóp thắng không ngừng xe mới khỏi bị tụt lại, chớ không làm sao tụi mày đẩy được lên tới tận đây!

Tôi có cái tên mới, Tiến Khùng, thay cho Út Khùng, kể từ bữa đó.

Và từ bữa đó, cho đến bữa nay, đã gần nửa thế kỷ qua. Chiều nay, tôi bỗng nhớ lại những kỷ niệm vào thuở ấu thời, sau khi đọc tờ Việt Weekly - VOL. IV, NO.50 - phát hành từ Garden Grove, California, ngày 7 tháng 12 năm 2006. Số báo này có đăng lại bài tường thuật về cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa ban biên tập Việt Weekly với ông Võ Văn Kiệt, trong thời gian họ trở về nước để làm tin về hội nghị APEC 16.

Vào dịp này, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt của nước CHXHCNVN - một nhân vật tuy đã “out” nhưng chưa “down”- tuyên bố:

“Ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thực là quá đáng.” Và cũng chính ông Võ Văn Kiệt, ngay sau đó, bầy tỏ sự lo âu rằng: “Nguy cơ lớn nhất của Việt Nam là tụt hậu, nghèo nàn. Chúng ta phải làm sao bắt kịp thế giới.”

Cũng như phần lớn những người cộng sản khác, ông Kiệt thường hay nói chữ, và nói … khá ngu! Việt Nam là một trong những quốc gia đã được xếp vào hạng lạc hậu, độc tài và nghèo nàn nhất thế giới từ lâu lắm rồi - chớ còn có “nguy cơ” hay “cơ nguy” (khỉ khô) gì nữa, cha nội!

Image
Xu 20 tuổi, người Ja-rai, Xu chưa vợ, 1 tháng làm rẫy, thu nhập được 20 ngàn. Xu nói với khách du lịch “mình thích có 5 ngàn để mua cái thuốc lá mà hút”!
Nguồn/Ảnh: static.flickr.com/mrnhatrang

Ông Kiệt, hồi nhỏ dám (cũng) bị té giếng lắm nha. Thằng chả làm tôi nhớ đến cảnh mình ngồi rà thắng, trong khi bạn bè nhễ nhại mồ hôi đẩy cái xe ba gác lên dốc Duy Tân, ở Đà Lạt. Đã vậy mà còn lớn tiếng kể công:

- Đ… má, không nhờ tao bóp thắng (liên tục) để xe khỏi bị tụt dốc thì làm sao tụi bay đẩy xe lên được tuốt tận đây!

Thiệt nghe mà muốn ứa gan, và ứa …nuớc mắt! Những kẻ chủ trương yêu nước là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa - cái chủ nghĩa (thổ tả) đã kềm hãm cả nước VN trong tối tăm, nghèo đói, cùng quẫn, áp bức, dốt nát, bênh tật, lạc hậu … hơn nửa thế kỷ qua – nay đang lớn tiếng đòi hỏi mọi người không được “phủ nhận” chỗ đứng của họ trong lòng dân tộc!

Có lần một sĩ phu Bắc Hà nói (nhỏ) với tôi rằng: “Người cộng sản giống như những kẻ lữ hành không biết dùng bản đồ nên hay bị sa xuống hố. Cứ mỗi lần như thế, sau khi lóp ngóp bò lên lại được mặt đất, họ lại tung hô chiến thắng.”

Nghe thiệt là ớn chè đậu. Chứng kiến cái thái độ “hơn hớn tự đắc” của những người cộng sản VN, khi mới chập chững bước chân vào WTO, khiến tôi thốt nhớ đến nhận xét vừa nêu và - không dưng - muốn ói.

Nếu cứ nghe theo như miệng lưỡi của ông Võ Văn Kiệt thì người ngoại cuộc dám tưởng rằng hiện tại, ở VN, có hàng trăm đảng phái đang tham chính - chỉ riêng có Đảng Cộng Sản là bị cấm cửa, không cho hoạt động, nên họ mới có chuyện đòi hỏi tội nghiệp xin một chỗ để … đứng (xớ rớ) cho vui. Sự thực, ai cũng biết, người cộng sản không chỉ “đứng” mà còn giành ngồi (độc quyền) trên đầu trên cổ của dân tộc Việt từ hơn nửa thế kỷ nay. Ông Võ Văn Kiệt còn “thẳng thắn” cho biết là họ sẽ … ngồi luôn như vậy, nếu thấy không có gì trở ngại!

Đây là nguyên văn câu hỏi của ban biên tập Việt Weekly“Trong điều 4 của Hiến pháp quy định chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Như ông đã nói, quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy quy định như vậy có nghịch lý không?”

Và ông Võ Văn Kiệt đã trả lời (lòng vòng) như sau:

“Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ nhân dân. Nếu như đảng cộng sản làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như đảng Cộng sản Việt Nam là tin cậy được … Mong muốn lớn nhất của toàn xã hội là làm sao đất nước tiếp tục ổn định để tiếp tục đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác.”

“Nhiều nước (nào) khác” đã “xẩy ra rối rắm” vì theo chính sách đa nguyên và đa đảng thì không nghe ông Võ Văn Kiệt nói (ra), và cũng không thấy ban biên tập Việt Weekly hỏi (tới). Đang xớ rớ ở Việt Nam mà biết giữ mồm giữ miệng như vậy là phải (giá). Hỏi han, ăn nói lạng quạng dám bị đụng xe hay … lỡ bị mà kẹt luôn thì chết (mẹ).

Tôi không có gì phàn nàn ban biên tập Việt Weekly về sự dè dặt như thế. Tôi chỉ lấy làm tiếc là anh em đã không có cơ may để thực hiện lời khuyên của ông bà chúng ta để lại: “Đi hỏi già, về hỏi trẻ.”

Khi rời khỏi VN, anh em đều còn rất trẻ nên đã đi theo gia đình, hoặc theo lời khuyên của những bậc trưởng thượng (trong gia đình) mình để … vuợt biên. Khi trở về, lẽ ra, nếu hoàn cảnh cho phép, anh em nên hỏi chuyện nước non với những người trẻ tuổi như Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Bạch Ngọc Dương, Lê Trí Tuệ, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Xuân Đài … Xuất lộ của VN, hy vọng, có thể bắt đầu từ những con người quả cảm và ưu tú như thế. Chớ mất thời giờ với những ông già gần đất xa trời nhưng vẫn đĩ miệng và láu cá (như cái thứ ông Võ Văn Kiệt) làm chi. Quyền lợi đã khiến cho những người cộng sản VN trở nên … khùng hết trơn rồi.

Lâu nay, họ vẫn kể công là “nhờ sự quyết tâm và dũng cảm đổi mới của Đảng” nên cả nước mới thoát khỏi cảnh cơ hàn, đói rách. Còn ai gây ra thảm cảnh này thì những người cộng sản đã (làm bộ) quên mất tiêu rồi.

Cứ theo giọng điệu tráo trở như thế, không chừng, những nạn nhân thoát chết sau vụ Cải Cách Ruộng Đất ở VN - hồi đầu thập niên 50 - rồi cũng phải ghi nhớ công ơn của Đảng luôn. Chính Đảng đã phát động Chiến Dịch Sửa Sai (sau khi đã sát hại vài trăm ngàn người) chớ còn ai khác.

Tương tự, có lẽ những cộng đồng người Việt ở hải ngoại (kể cả những phụ nữ đang đi làm thuê làm mướn hay làm nô lệ tình dục ở Đài Loan, và những em bé đang sống trong những nhà thổ ở Cao Miên) cũng đều phải ghi nhận “chỗ đứng” của người cộng sản - như là những ân nhân - chớ phủ nhận sạch trơn sao được. Nếu không nhờ vào những chính sách bất nhơn, ngu xuẩn, và sự hà khắc của Đảng (đến độ cái cột đèn - nếu có chân - cũng phải bỏ chạy) thì làm sao mấy triệu người Việt Nam có “cơ hội” xuất ngoại, đúng không?

Trong thư toà soạn, của số báo thượng dẫn, ban biên tập Việt Weekly đã nêu lên một chủ trương đứng đắn và hợp lý: “Chúng ta là những người đã từng can đảm cầm súng chiến đấu cho niềm tin của mình. Đã từng can đảm giăng buồm đi vào biển xanh âm u cho niềm tin của mình. Thì chúng ta phải có đủ can đảm nhìn thẳng vào niềm tin của mình, nhìn thẳng vào đối phương, để tìm ra tương lai. Tương lai không phải cho riêng ai, mà cho cả dân tộc.”

Tôi xin cảm ơn anh em đã tạo cơ hội cho nhiều người “nhìn thẳng vào đối phương” (thêm một lần nữa) để nhận ra rằng CS là loại người vô phương đối thoại, nếu không có súng để dí súng vào đầu của họ!

Image
Huỳnh Việt Lang và Nguyễn Hoàng Long (đã) bị họ bắt giam rồi.
Nguồn/Ảnh: DCVOnline

Từ trong nước, nhà báo Huỳnh Việt Lang - người sinh năm 1968, cùng thế hệ với anh em chủ trương tuần báo Việt Weekly – đã khẳng định như thế, trước đây, vào ngày 30 tháng 10 năm 2005: “Tập đoàn cầm quyền phản động Hà nội đã khước từ cơ may đối thoại... chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng, hoặc toàn bộ chúng tôi bị giết, hoặc chế độ cộng sản đểu cáng vô nhân tính tại Việt Nam này phải bị đánh sập”.

Mười hai tháng sau, “chế độ cộng sản đểu cáng vô nhân tính tại Việt Nam (chưa) bị đánh sập” thì Huỳnh Việt Lang (đã) bị họ bắt giam rồi. Chúng ta đang ở tình trạng đánh không nổi, hoà không xong, và đàm cũng không được nốt. Chuyện tìm ra tương lai cho cả dân tộc, theo như sự quan tâm và cách nói của anh em Việt Weekly, xem chừng, còn nhiều chông gai lắm.

Copyright © 2006 DCVOnline

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Chuyện từ những chuyến đò ngang

Tưởng Năng Tiến


Ngày 19 tháng 5 năm 2003, một chuyến đò ngang - qua bến Cà Tang - bị nước cuốn trôi, khiến cho mười tám em học sinh chết đuối! Người phải chịu trách nhiệm trong tai nạn thương tâm này là ông Võ Nghĩnh, và kẻ liên đới là bào đệ của ông ta - ông Võ Quang Trang. Cả hai đều là những công dân lão hạng. Dù không ai trong số những gia đình nạn nhân nói trên đã đưa đơn thưa kiện, ông Võ Nghĩnh vẫn bị truy tố và xử phạt ba năm tù giam vì tội vi phạm các qui định điều khiển giao thông đường thủy.

“Bị cáo Võ Quang Trang (người giao đò cho anh trai điều khiển) và UBND xã Quế Trung phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường gần 282 triệu đồng cho các bị hại… "(*)

“Trước tòa, bị cáo Nghĩnh nhận hết trách nhiệm trong vụ án. Ông nói: "Tôi lẽ ra là người chết rồi, nhưng sống được tới giờ cũng khổ sở lắm chứ sướng ích chi. Tòa xử sao tôi cũng chịu vì tôi là người có lỗi". Chủ tọa Vũ Thanh Liêm hỏi: "Biết mình già yếu, tuổi đã cao nhưng tại sao ông vẫn còn chèo đò. Lúc đó ông có biết đã vi phạm pháp luật vì không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy không?". Ông Nghĩnh đáp: "Tôi gắn bó với sông Thu Bồn từ nhỏ. Già cả rồi nhưng nghĩ tới hột lúa hột gạo nên phải làm. Cả đời tôi không đi ra khỏi làng, làm sao biết quy định của pháp luật được".

Image
Người mẹ ra bờ sông ngóng tìm con - Nguồn: Tiền Phong Online

Tính cho đến hôm nay, án tù dành cho ông ta và bào đệ vẫn chưa đáo hạn. Rồi sáng nay, ngày 7 tháng 10 năm 2006, một vụ chìm đò khác xẩy ra - ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - khiến cho 19 người thiệt mạng. “Theo người dân địa phương và một số học sinh sống sót, chủ đò tên là Phong, nhưng chuyến đò định mệnh này lại do con trai ông Phong lái, trên đò chở khoảng 25 em học sinh đang trên đường đến Trường THCS Lạng Khê. Lúc đò rời bến Chôm Lôm ra giữa sông Cả, nhận thấy đò quá nặng, lái đò loay hoay quay đò vào bờ để bớt người thì bị mất lái, chiếc đò chao đảo, học sinh hoảng loạn và đò lật chìm … các cơ quan chức năng đã vào cuộc để cứu nạn và điều tra làm rõ vụ lật đò này"

Không biết các cơ quan chức năng sẽ “cứu nạn” thế nào (khi mà 19 thi thể trẻ thơ đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ) nhưng khỏi cần điều tra thì người ta cũng có thể đoán được là Toà Án Nhân Dân Huyện Con Cuông sẽ có bản án xử phạt ra sao cho hai cha con người làm chủ con đò, ở bến Chôm Lôm. Hai anh em ông Võ Trang và Võ Nghĩnh đã trở thành vật tế thần cho oan hồn của những bé thơ ở bến Cà Tang, số phận cha con ông Phong (chắc chắn) cũng không thể khác.

Đó là những chuyện thường ngày vẫn xẩy ra ở huyện, và ở huyện nào thì những “cơ quan chức năng” cũng sẽ “xử lý” y như thế mà thôi. Chỉ có phản ứng của những giới chức ở trung ương, trong vụ đắm đò lần này, là hơi khác, và đây là một hiện tượng rất đáng khích lệ.

Ngay ngày hôm sau – ngày 8 tháng 10 năm 2006 - người dân ở bản Chôm Lôm đã nhận được công điện từ văn phòng của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông “gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến gia đình các cháu… Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và có biện pháp chấn chỉnh ngay, không để xảy ra tình trạng tương tự".

Qua hôm sau nữa, Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân cũng gửi thư chia buồn đến trường trung học Lạng Khê. Cùng lúc, bí thư tỉnh ủy Nghệ An, Nguyễn Thế Trung cũng đã đến “chia buồn với các gia đình nạn nhân, cũng như cảm ơn những người dân đã thể hiện tinh thần tuơng thân tuơng ái, tham gia tìm kiếm thi thể các em…Ông cũng ra lệnh phải “khắc phục ngay tình hình an toàn giao thông ở bến Chôm Lôm".

Ở những vùng cao, vùng xa, vùng sâu như huyện Con Cuông mà nhận được những lời chia buồn thảm thiết - cùng với sự quan tâm thắm thiết - của các giới chức lãnh đạo cao cấp như thế quả là một sự kiện hiếm hoi, và (vô cùng) cảm động. Là một người dân miền núi, tôi cảm thấy (rất) ấm lòng và an ủi. Chỉ có điều đáng tiếc là những biện pháp để “khắc phục” hoặc để “chấn chỉnh tình hình an toàn giao thông ở bến Chôm Lôm” mà qúi ông Thủ Tướng, Bộ Trưởng, Bí Thư Tỉnh Ủy đã nhắc đi nhắc lại - trong những công điện hay huấn thị vừa rồi - thì nghe sao có vẻ hơi (bị) tù mù!

Dường như không ai trong qúi ông biết rằng đây không phải là lần đầu, mà là lần thứ 4 (trong vòng mấy năm qua) đã xẩy ra tai nạn chìm đò ở bến Chôm Lôm. Lần nào cũng có người tử nạn, và lần nào người dân cũng như những cán bộ địa phương cũng đều nhận được những chỉ thị “khắc phục” (tương tự) nhưng dường như không ai biết phải xoay trở ra sao cả?

Tôi cũng e rằng không ai trong số qui vị biết rằng, “sau ba lần bị chìm đò tại bến sông này làm thiệt mạng năm học sinh, năm 2004, dự án Luxembourg đã tài trợ cho xã Lãng Khê một thuyền lớn 12 sức ngựa, có thể chở từ 25 - 30 người để đưa các em học sinh qua sông đi học. Nhưng xã Lăng Khê lại không đưa vào sử dụng vì ‘tốn dầu’, thu sẽ không đủ chi. Thay thế chiếc thuyền này, xã đã thuê đóng chiếc thuyền có trọng tải dưới 1 tấn và ký hợp đồng với ông Lô Quốc Phong (sinh 1951) người bản Chôm Lôm làm người lái. Chính chiếc đò này đã gây vụ tai nạn thương tâm ngày 7-10".

Như thế, rõ ràng, những nạn nhân trong tai nạn vừa rồi đều chết là do số - số nghèo. Và họ nghèo đến mức nào thì đây (có lẽ) là điều ngoài sức tưởng tuợng của tất cả mọi người - chứ chả riêng chi qúi ông Thủ Tướng, Bộ Trưởng hay Tỉnh Uỷ… ở Việt Nam.

“Cả bản Chôm Lôm như chết lặng trong tiếng khóc thương. Nghĩa trang của bản đã phủ thêm 13 vòng hoa trắng. Nhiều em không thể có nổi tấm ảnh thờ, gia đình phải dùng sách vở, giấy khen để làm di ảnh”.

Ở một nơi mà những cụ già đến tuổi tám muơi vẫn phải làm việc mưu sinh, và những đưá bé suốt thời ấu thơ chưa bao giờ có đuợc cơ hội chụp một tấm hình, mà đòi hỏi ông lái đò phải có giấy phép hành nghề, và khách đi đò phải có phao an toàn là những biện pháp … “khắc phục” (nghe) rất … viển vông!

Và chuyện bắc một cái cầu, thay cho những chuyến đò ngang thì còn viển vông hơn nữa – theo như nhận định của ký giả Quang Long, người đã đến tận nơi để viết bài tường thuật: ”Bao giờ bản làng Chôm Lôm heo hút mới có một cây cầu nối hai bờ sông, để các em khỏi phải qua những chuyến đò rét mướt? Bao giờ, cho đến bao giờ?”

Chả cần đợi đến hôm nay người ta mới nhận thức được khoảng cách giàu nghèo (xa thẳm, và mỗi lúc một xa) ở Việt Nam, cùng với nguyên nhân của nó. Ai cũng biết một trong những lý do chính là tệ nạn tham nhũng. Và vấn để này đã được chính phủ đặt ra trước đó, trước đến … ba ngày, nếu tính từ hôm có chuyện th ương tâm xẩy ra - ở bến Chôm Lôm.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, vào ngày 4 tháng 10 năm 2006, đã có phiên họp (đầu tiên!) về việc phòng chống tham nhũng tại Hà Nội. Trong dịp này, Thủ Tuớng Nguyễn Tấn Dũng (Trưởng Ban Chỉ Đạo) tuyên bố: ”Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì, đồng bộ từng bước ngăn chận và đầy lùi tham nhũng”.

Ông Dũng nói năng cứ y như là một người vừa mới từ trên Trời rớt xuống. Nghe sao mà dễ ợt vậy, cha nội? Nếu có chút xíu hiểu biết về thành tích và lịch sử của cái đảng (thổ tả) có tên là Đảng Lao Động VN thì có lẽ đương sự đã không lớn tiếng đến như thế. Trước đây đã lâu, vào ngày 13 tháng 9 năm 2001, ông Nguyễn Thụ (người mà tuổi Đảng nhiều hơn tuổi đời của ông Nguyễn Tấn Dũng) đã nói nhỏ nhẹ hơn, về vấn đề này, như sau:

“Từ hơn hai mươi năm nay, lấy mốc từ NQ /228 (mà cán bộ và nhân dân gọi đùa là ‘nghị quyết hai hai túm’), cho tới nay đã có hàng chục nghị quyết khác về chống tham nhũng: hết NQ14 sang NQ/15, rồi tới QÐ 240, lại ra NQ/45. Hết của Ðảng tới Chính phủ... Có khác gì chống tham nhũng bằng mồm, bằng văn bản? Nạn tham nhũng vẫn cứ như vòi bạch tuộc lộng hành khắp chốn khắp nơi"

Sống dưới sự lãnh đạo của “những cái vòi bạch tuộc lộng hành khắp chốn khắp nơi” như thế, cùng với đám ký sinh là “những doanh nghiệp nhà nước” thì khoảng cách giàu nghèo - ở Việt Nam - sẽ mỗi ngày một rộng hơn. Và chuyện bắc một cái cầu, qua những bến sông thay cho những chuyến đò ngang, mãi mãi sẽ là ước mơ vô vọng của những người dân ở bản Chôm Lôm, xã Lãnh Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Giá ngày trước Bác (giai) đừng đi linh tinh (tìm đường cứu nước, và chung chạ tùm lum) thì mọi chuyện – không chừng – đã khác, và đã khá. Cứ ở lại quê mình với bác gái, một vợ một chồng – sớm tối có nhau – không có sức vóc làm ruộng thì nuôi gà, nuôi vịt, đan lát quàng qué kiếm thêm (có lẽ) cũng không đến nỗi nào. Được thế thì bây giờ gia tộc cũng đỡ mang tiếng xấu và tỉnh nhà (chắc chắn) đã có một chiếc cầu ngang, qua bến Chôm Lôm. Còn những công dân lão hạng khắp mọi nơi (như ông Võ Nghĩnh) cũng sẽ đều được nằm chết ở nhà mình – thay vì ở nhà … tù, vì tội đưa đò – khi đã quá tuổi tám muơi.

Copyright by DCVOnline 2006

--------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: (*) Ngày 2 tháng 2 năm 2004, những gia đình có con thiệt mạng trong vụ những gia đình có con bị thiệt mạng trong vụ lật đò ở Nông Sơn, đã đồng loạt đệ đơn chống án lên TAND Tối cao, đề nghị cho bị cáo Võ Quang Trang không phải chịu trách nhiệm thanh toán hơn 140 triệu đồng bồi thường theo phán quyết của án sơ thẩm (18 gia đình bị hại trong vụ lật đò kháng cáo có lợi cho bị cáo).

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Đố ai không cười (phần 5)

Wednesday, March 26, 2008

Trần Khải Thanh Thủy


Ngày tù dài đằng đẵng, hết ăn rồi lại ngủ, hết ngủ lại ngồi chầu hẫu, tán gẫu... Thời gian như ngừng trong tê tái, khiến tôi luôn phải đối mặt với câu nói nổi tiếng của một nhà văn Nga: “Và một ngày dài hơn thế kỷ”. 285 ngày ở tù là 285 thế kỷ cộng dồn, xa cách, biệt lập.

Cám cảnh tôi chỉ còn biết lục trong trí nhớ, đánh thức quá khứ xa xăm hiện về, đúng như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét: “Quá khứ là kho đồ cũ nát mà hiện tại hỏng hóc thì đem ra dùng lại”. Hiện tại của tôi giữa lòng cổ mộ, quả là hỏng hóc, tăm tối... Ðành đào bới sâu vào bản thể mình, để không rơi vào trạng thái đẫn đờ, u mê. Phần câu đố để tự chọc cười mình và người bên cạnh bỗng trở nên đắc địa, hấp dẫn, chi phối hầu như toàn bộ cuộc sống của chị em tôi trong tù. Lần này tôi hỏi chị, giọng đầy hài hước.

- Thưa bà bảng đỏ. Phẩm chất anh hùng cách mạng trong thời đại con người mới xã hội chủ nghĩa là gì?

Ðang giữa đêm mà giọng chị tỉnh như sáo, biểu lộ thái độ ngơ ngác:

- Bảng đỏ là gì?

- Ngốc ạ, tôi bảo: - Ở trong lòng đảng mãi, sướng hếch đít lên rồi hay sao mà không biết sau hai ngày vào trại là bị đảng, khai trừ, bỏ rơi?

- Ừ nhỉ, chị nở nụ cười hình thoi, kể lể: - Tất cả chỉ vì hai chữ đảng viên... băm mấy năm tuổi đảng có ít đâu. Tưởng cả cuộc đời thanh xuân theo chí lớn, giật mình ngoảnh lại tóc điểm sương mới lập gia đình, chỉ có nhõn một đứa con, thì cuối đời cũng phải thế nào chứ, vậy mà cũng có yên với đảng của mình đâu. Nhà ba đời cách mạng củ chuối măng mai, chúng vẫn về điều tra lý lịch tận cùng...

- Thôi trả lời vào câu hỏi đi. Quá chán về chứng lý lịch cuồng, về cách hành xử của một lũ đảng tặc, bắt nhầm còn hơn bỏ sót, bắt theo chỉ tiêu, tôi giục:

- Ngày xưa ra ngõ gặp anh hùng, còn ngày nay: Cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðịnh hướng từ cơ chế xã hội tới các cửa... mình, thì ra ngõ gặp gì nào?

Chị à ờ, mắt chữ o, mồm chữ i, tôi phát chán, gắt:

- Ra ngõ gặp... ông tướng lên đài cùng bà... đại ra dáng chứ còn gì nữa!

Chị bỗng cười ngặt nghẽo khi đoán ra ý nghĩa thực của câu chuyện, thông qua việc nói lái.

- Không đúng à? Tôi nhắm nhẳng:

- Nói cho chị biết, phẩm chất đáng quý, đáng yêu này chỉ có ở Việt Nam ta thôi, nghe không? Bao nhiêu khách nước ngoài sang Việt Nam, tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của Việt Nam phải phát biểu: Ở Việt Nam thật ngược đời, hôn nhau thì lén lút mà đái bậy thì công khai, chả trách cứ ra khỏi ngõ, chỗ nào có bờ tường, có bóng cây to một tý là ông đái lên tường gặp bà... rạng ra đái... cứ khai inh cả lên, đi qua cả trăm mét vẫn còn ngửi thấy cái mùi bốc lên từ phẩm chất anh hùng cách mạng ấy.

Chị cười, đai lại chất giọng nghịch ngợm của tôi:

- Nỡm ạ, trẻ không tha, già không thương.

Tiếp tục này, tôi hứng chí tiếp: - Tiêu chuẩn làm người trong các cơ quan đảng và chính quyền nhà nước?

Chị đuối lý, vớt vát:

- Chả lẽ là những điều bác dạy: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư à?

- Ðến khổ - Tôi lắc đầu - Có mà cần thì kiếm, liếm là chính, chỉ vô tư với những thứ của công không thể động vào thôi. Nhớ chưa? Còn động vào được thì đến cả lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, hay Ba Ðình lịch sử chúng cũng bê luôn... Thôi nghe em giải thích này, đảm bảo chưa giải chị đã... thích rồi.

Tiêu chuẩn làm người trong các cơ quan đảng và chính quyền nhà nước gồm:

1. Sinh ra phải thời loạn lạc.

2. Lớn lên gặp buổi gian nan...

3. Và...

Tôi im lặng, mặc hai mắt chị tròn xoe như hai hòn bi ve.

Cuối cùng tôi... thuyết giáo:

- ... Và trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí.

Như để ngôn ngữ ngấm sâu hơn vào từng tế bào vỏ não, làm tròn phận sự của nó với chị, một người trong huyết quản không hề có chất thơ phú, văn chương, tôi... thuyết giáo:

- Một đất nước với vài chục năm chiến tranh, cả vạn ngày giặc giã, cho nên hầu hết thế hệ ông cha, và bản thân chúng ta, sinh ra ít nhất cũng vài lần chạy giặc, tản cư, sơ tán, cứ hai đứa con hai đầu đòn gánh, hễ nghe tiếng súng nổ là nhao nhác chạy, mệt đứt hơi mới dám dừng lại, quay đầu nghe ngóng... Chục năm trời gồng gánh, dắt díu kéo nhau đi, bao nhiêu thúng mủng dần sàng, xoong nồi gạo nước kéo đi hết, chả thế người dân có câu: Chuẩn bị tinh thần đi sơ tán, cánh tay liềm búa ta quyết chí vung lên, anh xách đôi giày thủng đế, em xách đôi guốc tuột quai...

- Phải đấy, chị tán dương: - Nhà tôi chỉ ở thị xã thôi cũng phải dắt díu nhau 7,8 chị em về tận quê sơ tán, khổ ơi là khổ.

- Tiêu chuẩn hai thì chị biết rồi, phàm sinh ra đã là người Việt Nam lại sống ở đất Bắc, giữa lòng đảng quan liêu, bao cấp (bao nhiều, cấp ít) thì rau cũng chẳng có mà ăn đến nỗi các nhà thơ phải làm thơ... tặng vợ:

Em có nghe thời cuộc
Run trong từng cọng rau,
Ðói nghèo và dung tục
Nhận chìm bao thanh cao

Và chị kể:

- Ôi tôi làm trong ngành thương nghiệp còn lạ gì: Thu mua của dân thì như ăn cướp, nào bỏ nọ, đọ kia, bán lại cho dân thì... cắt cổ. Xem ra được như lời các cụ: Cơm ba bát, áo ba manh, thuốc ba thang... còn khó.

- Phải rồi tôi lẩm nhẩm câu thơ: -Bởi xóm làng thương nhau, bếp mỗi chiều vẫn khói, đói bỏ xừ ra nhưng vẫn phải đỏ lửa ra vẻ ta đây no đủ, chứ đúng như các cụ nói: Sáng ăn khoai, trưa ăn cơm, tối thì xôi... nghĩa là tối thì thôi không ăn, nghe không ra, lại cứ tưởng tối sẽ được ăn xôi...

- Thế còn tiêu chuẩn 3, cô giải thích đi: - Sao lại trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí?

- Tất cả đều phải tư duy theo lối nhìn sùng tín trung cổ, cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp trên phục tùng cấp trên nữa, cả xã hội biến thành chế độ nhà tù, trại lính, mọi giá trị tự thân đều bị xóa sổ, cào bằng, mọi tư duy chỉ là bầy đàn, giống nhau và giống con vật đầu đàn, đứa nào không tỏ ra sợ hãi, không chịu phục tùng mệnh lệnh cấp trên thì alê hấp... mất lương, mất thưởng mất việc như chơi, chứ còn sao nữa? Trưởng thành sao nổi? Tôi nói một hơi, không thèm... bóp phanh (!).

- Ðúng thật, chị xuýt xoa, sống đến cái tuổi tri thiên mệnh này rồi, tôi chứng kiến biết bao nhiêu trường hợp nhãn tiền...

- Vì thế ai ai cũng phải chia động từ sợ như cụ Nguyễn Tuân - bậc thầy về ngôn ngữ Việt Nam miêu tả: Tôi sợ anh, anh sợ nó, nó lại sợ cấp trên của nó... cấp trên của nó lại sợ cấp trên của anh v.v và v.v...

- Có lẽ phải đổi tên dân tộc Kinh của mình thành dân tộc Sợ thôi, chị đưa ra lời nhận định rất chi là... trí ní.

Chợt nhớ ra điều hệ trọng, tôi nhấn mạnh:

- À, nhưng mà câu này em phải đính chính, đây không phải ý tưởng của em mà là ý tưởng của nhà văn Vũ Thư Hiên trong tác phẩm “Ðêm giữa ban ngày” đấy nhé.

Ðưa tay che miệng ngáp, chị tủm tỉm cười, nhại chất giọng thoáng hài của tôi bảo:

- Ðúng là cái... phố 4 ti này lắm chuyện thật, đêm nào cảnh vệ cũng phải nhắc: hai bà ngủ đi, hai bà liệu hồn, hai bà ít mồm, ít miệng thôi.

Tôi chuyển làn:

- Ðổi sang đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình nhé. Phần đầu: Thiên nhiên, con người và cảnh vật... cũng được khoảng 30 câu, hết vốn rồi.

- Ờ chị đáp, đề gì thì đề, miễn là có tài chọc cười nhau là được rồi, sau này ra xã hội, mỗi lần gặp bạn hàng đối tác, tôi kéo cô vào cuộc, đố mọi người để bữa ăn thêm phần rôm rả.

- Tất nhiên rồi, tôi khẳng định: - Không có thứ gia vị nào thi vị hơn đâu, gặp nhau giao tiếp, ký kết làm ăn mà cứ cắm đầu vào ăn, hoặc nói mấy câu xã giao nhạt thếch, chán lắm.

Nín thở, chờ cho bước chân của cảnh vệ xa dần, tôi tiếp tục... trổ tài, hắng giọng.

- Theo chị tiêu chuẩn chọn chồng của các bà mẹ cho con gái thời xa xưa là gì?

- Chịu! Chị bảo, thời nay thì còn biết “nhà mặt phố, bố làm to” chứ thời xửa thời xưa thì “cha mẹ đặt đâu con nằm đấy” làm gì có chuyện được tuyển chọn theo ý mình?

- Nhầm rồi chị ơi, tôi khoát tay, ngồi dạy, tiện thể đập một chú muỗi nát bét:- Thời nào có tiêu chuẩn của thời ấy, có điều công khai hay ngấm ngầm mà thôi, nghe đây này:

Chẳng giàu thì phải đẹp giai

Chẳng thông kinh sử phải dài... cái kia

- Hí hí! Chị cười: - Những 4 tiêu chuẩn kia à. Ba tiêu chuẩn đầu thì nhìn được, nghe được, thấy được, còn tiêu chuẩn cuối, không có hôn nhân thử nghiệm thì làm sao mà biết được?

Thả dài lưng trên bệ xi măng giá lạnh, tôi trả lời vắn tắt:

- Cứ đọc sách tướng số của người Tàu là ra hết, cả tính nết bên ngoài cũng như... bên trong. Nói có sách, mách có chứng: Người nào có sống mũi trường, cánh mũi rộng, thì tính tình phóng khoáng, đêm đêm không làm vợ khó chịu, còn ngược lại sống mũi đã ngắn lại hếch, gãy thì dù có chịu khó chiều vợ đến mấy đi chăng nữa cũng vẫn luôn làm vợ... khó chịu.

Như đồng cảm với suy nghĩ của tôi, có giá trị như một phát hiện mới, chị nhìn như dán lấy từng cen ti met trên khuôn mặt tôi, bày tỏ:

- Thế còn trường hợp sống mũi bè, nhưng cánh mũi rộng, lại nở phồng như... hai cái bánh rán hay như các cụ bảo: dắt trâu đi qua cũng lọt thì sao?

- Thì đó là kẻ phá gia chi tử, bán giời không văn tự chứ sao.

- Nghĩa là hoang toàn, liều lĩnh lắm phải không? Còn người có cánh mũi hẹp, sống mũi thẳng, nhưng nhọn hoắt thì sao?

- Thì đó là người cẩn thận, nghiêm khắc, chặt chẽ, hết sức keo kiệt, bủn xỉn, thậm chí đàn bà phải gọi bằng cụ... Nghĩa là 4 lần mặc váy, còn các cụ bảo: “Ðãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy tấm”... chỉ ăn người chứ không để người ăn.

Miên man, thì thầm, cuối cùng lại quay về với câu thơ của bà chúa thơ Nôm, tôi kết luận: - Muốn biết “rộng, hẹp nhỏ to vừa hoặc chật, ngắn dài khuôn khổ... có như nhau?”, phụ thuộc vào độ trường, đoản của sống mũi, độ rộng hẹp của cánh mũi.

Chợt nhớ ra điều hệ trọng, chị à lên một tiếng, nói như khoan vào màng nhĩ tôi.

- Câu này là của tôi đấy nhé, cũng có thể coi là tiêu chuẩn chọn chồng thứ hai được đấy: - Chân đi chữ bát, dứt khoát... giái to.

Tôi nhận xét:

- Khí bậy nhưng mà đúng, vì các cụ đã đúc kết thì cấm có bao giờ sai...

Ðêm chuyển dần về sáng, khắp xung quanh tiếng gà gáy râm ran, đứng sát song cửa nhìn ra đã thấy những tia hồng non bấy bớt của mặt trời đang dần dần lộ diện, đẩy trần mây tối sẩm lên trời cao...

Ðằng nào thì cũng chẳng thể ngủ được vì quy định của trại tù là 5 giờ 30 phút sáng cảnh vệ điểm danh. Tiếng kẻng sẽ khua rít lên trong sương sớm, tiếng người tập thể dục, người hô ồn ào, láo nháo, người tù phải trở dạy gấp chăn màn để khi quản giáo mở cửa cho tù tự giác lấy rác, đưa nước nóng vào là phải có mặt, nếu không, vẫn lù lù trong màn, hay nằm dài, thả lưng đo nỗi chán chường trong chăn, trên bệ xi măng, là giông tố sẽ đổ ập xuống đầu ngay, vuốt mặt không hết những lời nhắc nhở về nội quy của ngục tù... Trong lúc chị ngồi đập muỗi, tôi đố tiếp.

- Biết chị hay thuộc ca dao của các cụ, em đố chị này: Câu ca dao hay nhất nói về hôn nhân của người Việt Nam từ trước đến nay:

Chị cười: bắt nọn:

- Cô đã chẳng hứa ra tù sẽ tặng tôi quyển truyện vui của cô đấy thôi, giờ lại còn hỏi, và chị nhẩn nha đọc:

Vợ chồng như thớt với dao

Ngày thì cãi lộn đêm vào ngủ chung... đúng không?

- Ðúng thế, tôi xác nhận: Thớt với dao suốt đời băm băm chặt chặt, tưởng mâu thuẫn mà lại thống nhất... Thớt mà thiếu dao thì thớt trở thành vô dụng, dao không có thớt cũng chỉ để rỉ nghoèn... Tiện thể tôi nhại bài “Tình cây và đất” của Trần Long Ẩn:

Thớt thiếu dao thớt ngừng, ngừng hơi thở.
Dao thiếu thớt, dao sống sống với ai?
Chuyện trăm năm ân tình dao và thớt,
dao có chặt băm, thớt cũng nén lòng.

Trời se duyên nên thớt luôn gặp dao,
cho lứa đôi kết thành niềm hạnh phúc của muôn nhà.
Rồi mai đây em là thớt, anh là dao,
vĩnh phúc cho ai biết rằng, tình dao và thớt vững bền...

- Sắp sáng rồi đấy, chị nhắc, cứ thả hồn đi hoang thế này, rồi cả ngày lại vạ vật, thất thểu như người mất hồn.

Ðầy niềm vui, hứng khởi, tôi đùa:

- Yên tâm đi, hồn đi thì hồn lại tìm về trú ngụ, để còn được cười, được khóc, chỉ sợ bản thân mình trống rỗng, hồn mới bỏ đi bụi, đi hoang mà thôi, trưa nay mình sẽ ngủ...

Nhìn sang chị, tôi giao hẹn:

- Câu cuối này: Ðịnh nghĩa hay nhất về chồng?

Chị ngơ ngác, thiếu mức chắp hai tay lạy sống:

-Lạy hồn! Cho em xin hai chữ bình yên, chồng là chồng, là một nửa của mình, là sự hòa trộn chứ còn là gì nữa?

- Sai bét, tôi bảo: Người Anh có câu: Chồng là loài bò sát... 5 chân.

Thật tiếc chị lại không biết tiếng Anh, nên tôi không thể đọc bằng tiếng Anh cho chị nghe, tuy nhiên như thế cũng đủ để chị cười như nắc nẻ, đủ để xóa tan sự mệt mỏi sau gần nửa đêm “thả hồn đi hoang”...

Trại giam B14, tháng 6, 2007

Hang Ðá, tháng 3, 2008

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Nhàn đàm về hai chữ “Nhân dân”

Hoàng Cúc


Có lúc chợt nghĩ đến từ nhân dân, tôi mới tự hỏi mình rằng không biết có nơi đâu trong thế giới này, từ “nhân dân” được dùng nhiều như ở Việt Nam, và không biết có nơi đâu nhân dân phải chịu khổ sở và oan khiên hơn dân Việt Nam hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ cần phải có những công trình nghiên cứu đồ sộ với phạm vi rất lớn. Tôi tài hèn sức mọn chắc chẳng bao giờ có thể làm được chuyện quá lớn lao đó, nên chỉ đành đưa ra vài ba câu chữ nhàn đàm về “nhân dân”.
Người chăm chỉ đọc báo Nhân dân hẳn còn nhớ trước đây, dưới tiêu đề Nhân dân to tướng, có dòng chữ nhỏ hơn: “Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có lẽ vì thế mà người ta quen gọi báo Nhân dân là báo đảng?

Ngày nay dòng chữ này đã được thay thế bằng một dòng dài hơn: “Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam – tiếng nói của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam”. Dường như chính những người đã tạo ra tờ báo này cũng thấy rằng để đảng đứng trơ trọi ở đây xem ra quá lố bịch và kệch cỡm, nên nhà nước và nhân dân liền được lôi vào. Vậy hoá ra cái yếu chỉ cho ngón võ đã luyện tới bậc thượng thừa (tôi xin mượn chữ của Kim Dung để gọi nó bằng “lăng ba vi bộ”) nó nằm ở đây: đảng đã dùng công phu luồn lách và chui vào bộ áo nhân dân để tác oai tác quái.

Biết được yếu chỉ này rồi, dường như ta có thể hiểu cơ cấu vận hành xã hội Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Việc thật đơn giản, ta thử đọc lại tất cả các khẩu hiệu, các câu nói có chữ “nhân dân” được 700 tờ báo ra rả nhắc đi nhắc lại hàng ngày, rồi thay “dân” hoặc “nhân dân” bằng “đảng” xem điều gì sẽ xảy ra.

Chúng ta cùng thử nhé. Nào là quân đội nhân dân, công an nhân dân, nhà nước của dân, do dân và vì dân, rồi dân chủ… và còn biết bao nhiêu khẩu hiệu khác. Phép hoán vị này cũng chẳng có gì lạ, và cũng đã có người bàn luận về nó rồi. Điều thú vị là ở chỗ, thay đảng vào những chỗ có dân hay nhân dân, ta mới chợt nhận ra, à thì ra ý nghĩa của nó là vậy.

Ví như mới đây có vị cán bộ của một cơ quan trung ương trả lời phỏng vấn của đài BBC rằng không có chuyện trả lại cơ sở này nọ vì “Từ khi có Luật đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”. Luật đất đai ở Việt Nam qui định như thế mà, nhưng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” quả thực là một câu khiến cho các luật sư chắc cũng phải đầu óc quay cuồng may ra mới hiểu được về cái kiểu sở hữu có một không hai trên thế giới này. Chuyện giải quyết thật đơn giản, yếu chỉ trên đây sẽ cho ta hiểu ý nghĩa thực chất của câu này. Và nếu bây giờ ta đem kiểm kê một cách công khai và minh bạch về “quĩ đất” do gần 4 triệu đảng viên cộng sản “quản lí”, ta sẽ thấy thực chất của câu luật trên đây là thế nào và được áp dụng ra sao.

Tôi cũng từng suy nghĩ về câu nói “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”.

Đã có lúc, tôi lẩm bẩm nói và tự cười một mình rằng cái chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thật quá ưu việt, vì ta cứ thử tìm hiểu lịch sử khắp nơi trên thế giới từ thời thượng cổ xem có bao giờ người ta đua nhau tiêu tốn tiền bạc, thời gian và sức khoẻ để giành giật nhau chức đầy tớ, và có nơi đâu trên hành tinh này bọn đầy tớ sung sướng như ở Việt Nam ta không. Nhưng khi dùng câu yếu chỉ của món “lăng ba vi bộ”, ta sẽ hiểu ngay tại sao lại có hiện tượng ưu việt kia, trong cái xã hội ưu việt nọ.

Cái đầu óc bông lông của tôi lại nhắc tới một câu khác cũng không kém phần quen thuộc “chủ nghĩa xã hội là con đường mà Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã chọn”.

Lúc còn nhỏ tôi đã hỏi ông bà tôi rằng phải chăng Bác Hồ và thế hệ ông bà đã chọn chủ nghĩa xã hội. Ông tôi trừng mắt trả lời: tao nào biết cái chủ nghĩa xã hội nó mồm ngang mũi dọc thế nào mà chọn. Hỏi tới cha mẹ tôi, hai ông bà cũng chỉ thở dài mà nói rằng: các anh các chị được ăn học bao nhiêu năm cũng còn chẳng biết nữa là chúng tôi! Tôi lại tự hỏi mình là không biết có khi nào vì lơ đễnh hay đãng trí mà mình, và những người cùng thế hệ với mình, đã điền vội vào một bảng câu hỏi trắc nghiệm nào đó, để đến nỗi chủ nghĩa xã hội trở thành lựa chọn của nhân dân Việt Nam.

Điều đó quyết không thể xảy ra được, vì từ khi bắt đầu hiểu tiếng Việt, tôi đã nghe câu nói trên không biết bao nhiêu lần. Như vậy dĩ nhiên lỗi không phải ở thế hệ trẻ chúng tôi rồi.

Khoảng những năm 2000, giới trí thức Hà Nội và Sài Gòn có chuyền tay nhau một bài viết của tác giả Hai Cù Nèo về những chuyện động trời trong cung đình Hà Nội. Bài viết khá dài, tôi chỉ nhớ đại khái một câu tác giả nói rằng: “tôi là thằng ít học, nào hiểu cái chủ nghĩa xã hội mặt mũi nó ra làm sao, các vị cứ lôi xềnh xệch chúng tôi lên chủ nghĩa xã hội, chứ chúng tôi nào có biết gì!”. Thật ra, cứ truy hỏi nữa, chẳng chóng thì chày, người hỏi sẽ rơi vào một kiểu trận đồ bát quái khó có đường ra. Giải pháp thật đơn giản là đưa câu yếu chỉ vào câu nói kia, mọi chuyện sẽ sáng tỏ.

Khi hiểu được yếu chỉ này, ta cũng sẽ trả lời được câu hỏi mà nhiều người đặt ra: tại sao cái đám công an và quân đội “hiếu với dân” lại đi trấn áp dân oan biểu tình ở Quỳnh Lưu, Thái Bình, Sài Gòn… Công an và quân đội ấy chỉ có hiếu với dân (đã được đánh tráo), chứ dân oan làm gì có chỗ trong lòng hiếu thảo của họ.

Tôi lại nghĩ tới bài viết ngày nào của Dương Thu Hương, trong đó có đoạn:

“Lãnh đạo tập thể, làm chủ tập thể và tập thể làm chủ. Thật đúng là trò chơi chữ, đánh tráo khái niệm của kẻ gian manh. Người dân Việt Nam hẳn đã quá đủ trải nghiệm để hiểu rằng: tập thể làm chủ có nghĩa rằng không ai làm chủ thực sự hết, không một cá nhân nào chịu trách nhiệm thực sự trước toàn thể dân chúng cũng như trước lịch sử mai sau. Bởi thế, người ta có thể nhân danh làm chủ tập thể để tàn phá tài sản quốc gia, để bán đất đai mồ mả của xứ sở, để đẻ ra những công trình vô hiệu lực nhằm hớt lấy những món tiền khổng lồ rót vào những tài khoản riêng ở các ngân hàng ngoài nước. Rồi sau đó, để cho cái tập thể làm chủ kia chịu hầu toà. Nhưng cả cái làm chủ tập thể lẫn cái tập thể làm chủ kia đều vô danh vô tính vô dạng vô hình. Chúng chỉ là thứ trò chơi chữ để đánh tráo các khái niệm, tạo ra một thứ mê cung để hù doạ đám người có chữ và lừa mị dân đen”.

Ôi, hoá ra cái đại hoạ của dân tộc tôi là ở chỗ mấy chục năm qua, “nhân dân” đã bị đảng dùng thuật nhiếp hồn để trở thành bộ da lay lắt, rồi đảng chui vào như một loài cua người ta thường thấy trên các bãi biển: vỏ là ốc, nhưng ruột ốc đã bị chú cua xơi tái.

Image
Nhân dân
Nguồn: Ipicasaweb.google.com/Ảnh: linda.ujihara

Ngày nay cái xác nhân dân còm cõi đã không còn có thể mang trên mình một đảng đã trở nên quá cồng kềnh với không biết bao nhiêu những dị tật kinh khủng. Cái công phu “lăng ba vi bộ” mà Dương Thu Hương gọi bằng “trò chơi chữ để đánh tráo các khái niệm” của đảng Cộng sản Việt Nam quả là “cao thâm khôn trắc” vậy.

Đã đến lúc nhân dân (nhân dân với nghĩa chính xác, không bị đưa qua phép tráo đổi gian manh) cần phải giành lấy chỗ đứng và vị trí của mình trong một nền dân chủ thực sự. Nơi đó người dân được nói lên tiếng nói của mình, chứ không còn bị ai đó gạt gẫm rồi cứ đổ sống đổ chết cho nhân dân. Hãy nhớ rằng Nguyễn Trãi từng nói “thuyền bị lật mới biết sức dân như nước”.

© DCVOnline

--------------------------------------------------------------------------------

(1) Lời ông Nguyễn Thế Doanh, trưởng ban tôn giáo, trả lời phỏng vấn BBC ngày 3/01/2008.
(2) Bài viết Những tên tôi tớ cho ngoại bang
(3) Câu thứ ba trong bài thất ngôn bát cú có tựa đề Quan Hải, nguyên văn chữ Hán: “phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ”.

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Bước sang năm thứ 33

Việt Tâm


Nếu lấy mốc dương lịch thì người Việt đã bước sang năm thứ ba mươi ba từ hơn một tháng rồi. Còn nếu ai khư khư quyết giữ lấy thời gian theo âm lịch thì cũng chỉ còn một hai hôm nữa cái năm thứ ba mươi ba sẽ đến nốt.

Ba mươi ba năm đổi thay cuộc sống, ba mươi ba năm làm thân xa xứ, người Việt trong và ngoài nước làm gì, nghĩ gì và ước định gì trong năm mới con Chuột sắp đến?

Giờ đây, bên nhà, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn thì ai cũng đang bấn lên vì cái Tết đang dần tới. Vật giá leo thang, đồng tiền khó kiếm, người ăn không hết kẻ lần chẳng ra. Những bữa tiệc hàng nghìn Mỹ kim mỗi tối, trong khi ở ngay trước cửa các tụ điểm ăn chơi có những người đang chạy thất điên bát đảo mà vẫn không ra đồng tiền mua thức ăn, thuốc uống hay thực tế là mua tấm bánh, đồng quà cho con.

Ba mươi ba năm, số tiền từ các nơi rót về cưu mang người nhà còn kẹt lại năm sau càng cao hơn năm trước, giờ đã lên tới 10 tỉ USD/năm. Đó là chưa kể những món lận lưng hay chuyển ngân không văn bản hay qua trăm ngàn ngõ ngách luồn lách mà chẳng ông nhà nước nào mò ra nổi.

Ba mươi ba năm vật đổi sao dời. Người nào tin vào hòa hợp hòa giải thì đã hân hoan về đầu tư trong nước, từ nhà hàng, khách sạn, sòng bạc, áp phe, hợp pháp hay bất hợp pháp, dựa dẫm hay không dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào. Đồng tiền nộp ở các trung tâm nhận gửi tiền cứ nằm nguyên tại chỗ, trong khi chỉ cần chuyển qua internet là bên nhà chung cho người nhận ngay.

Sinh hoạt giao dịch đổi thay tùy theo mỗi nơi mà sự cạnh tranh làm bát nháo bát nhào cả lên, mù tịt chẳng sao mò ra đầu ra đũa. Cũng món tiền mà chi phí đổi thay dù cùng thuộc một tiểu bang, người gửi tiền cảm thấy đau hơn hoạn vì chỉ cách nhau vài trăm dặm đã bị “gọt” gấp đôi choáng váng.

Nhiều người hồ hởi gom tiền về mua đất, mua nhà ở quê. Chẳng rõ hư thực ra sao nhưng đọc bài trên DCVOnline bỗng nghe như mình đang mơ ngủ hoặc đang nghe huyền thoại.

Một thầy còn khăng khăng là học trò lẫn bạn bè đã vung ra hàng bao nhiêu đơn vị 100 mới cứng để mua hàng dãy đất bên quê nhà. Thậm chí đến cả các ông quan Nhảy Dù, Lính Thủy Đánh Bộ ác ôn cũng nhanh nhảu hòa giải ôm tiền về mua bán rất vui, dù thầy cẩn thận cũng làm ra vẻ phê phán công bằng là có thể gặp rủi ro, nhưng có hề chi vì dám làm thì mới được “nổi”.

Ba mươi ba năm rồi, người Việt đã bao phen xiểng liểng vì những mẩu huyền thoại mông lung, đã thất điên bát đảo đến mấy lần bỏ của chạy lấy người. Thê thảm đến nỗi cỡ như ông Phó Tông Tông mà cũng chỉ kịp quàng vội cái xà lỏn chạy ra hạm đội để rồi anh nhà báo Mỹ xỏ lá chộp được ảnh gửi về quê hương giữa những ngày đầu tháng 04/1975 để thóa mạ, chì chiết cho thỏa.

Vậy mà ngày nay huyền thoại đó đã thành hai bên cúc cung lẫn nhau, kẻ lạy người bái, cười mím chi cọp, xem ra con một nhà, vui ra phết.

Những anh chị đã từng đi tù sau ngày thất cơ lỡ vận hẳn còn nhớ những lời rì rầm truyền cho nhau khi cùng nằm trong vòng rào trại cải tạo. Nào là vì Bác mất nên mọi người mới phải trình diện đi học, chứ nếu Bác còn thì chẳng ai phải vào trại làm chi. Ôi cái ngây thơ chết người, cũng tỷ như cụ Diệm chót tin vào Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn hay cụ Thiệu tin vào Huỳnh Văn Trọng v.v...

Chỉ đến khi các anh chị được nhà nước cho học hàng năm, bảy năm để thấm nhuần đường lối, vắt sức lao động ra mà đói dài dài, hoặc làm ra của cải để các bố đem bán, nói là trả nợ có tội với nhân dân thì xem ra huyền thoại về Bác mới lung lay, sứt mẻ.

Lại nói về Cộng sản, đã là chủ nghĩa thì dù ở đâu cũng không có gì khác. Thế mà cũng thời gian nhập nhòa đó, nhiều cụ ông cụ bà đi tù vẫn cứ tin là Cộng sản An Nam ta “bảnh” hơn thiên hạ nhiều. Nga giam tù hàng chục năm ở Xi Bê Ri, các trại goulag, Tàu thì dài dẳng đến 9 năm, còn Cộng sản ta với nhau thì “ai học xong hiểu sớm là về”. Nghe thiết tha y hệt cha con, chồng vợ, anh em ruột thịt.

Nhưng dần dà, lóng ngóng nghe từ tướng Giáp, tướng Dũng vô thăm cháu đều ủi an thằng “phải gió” cố học cho trọn, đừng mơ chuyện can thiệp cho về. Rồi tiếp theo lắm cụ chôn chân hết trại này đến trại khác cả mười năm. Có cụ chán cuộc chơi, chọn nằm luôn tại chỗ, đếch muốn về gặp lại gia đình, vì bệnh hoạn và ốm đói… Lúc đấy thì mới thấy Cộng sản ở đâu cũng “xêm xêm” nhau hết.

Còn lắm ông tin vào Bác, nghe theo Bác bỏ cả bằng lẫn việc, bò về phụng sự dân tộc như các cụ TĐT, TĐN (Trần Dức Thảo, Trần Đại Nghĩa) thì ông lao đao, lận đận, ông cũng ển ển xìu xìu và khi trút hơi cuối cùng cũng vẫn còn tin là mình đang nằm mộng. Trong Nam thì các cụ NHT, HTP, LVT, TĐH, NTB, TNT (Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình, Trương Như Tảng, Ngô Bá Thành, v.v...) hoặc là được giao cho cái chức làng nhàng, có danh không vị, để rồi khi qua đời cũng nằm cô quạnh trong xó nghĩa trang thế thôi.

Nói chi cỡ LQC, LCT, NCĐ hay VH (Vũ Hạnh), NTV (Nguyễn Trọng Văn), NBT thi cũng không qua khỏi nuốt hận hay ngậm hờn với cái nhà hàng con con cho đến ngày dứt bóng.

Nào đã hết, huyền thoại còn khuyên mọi người hãy dẹp đi hận thù để cùng nhau xăn tay xây dựng đất nước. Nghe sao mùi hơn cô Bạch Tuyết xuống câu vọng cổ. Nhưng mà nói vậy không phải vậy. Cứ nhìn họ đối đãi với nhau, gạt ra ngoài mọi định kiến, cường điệu, ta thấy đâu phải họ đều tốt với nhau cả đâu.

Người lính cũ bị thương tàn phế vẫn phải tự lực cánh sinh bằng cách kéo xe lăn đi gào bán vé số hay hát dạo, đau có vào nhà thương “thí” thì cũng chẳng ai đoái nhìn đến gia ơn. Con bỏ học, vợ gầy gò, chồng nay đau mai yếu chỉ biết gào kêu sự trợ giúp ở mãi tận đâu đâu. Thế nhưng huyền thoại sao chỉ đề cập đến rặt những bà con “khúc ruột ngàn dặm” có tí tiền.

Cho dù đồng tiền của “bà con Việt kiều” ngày nay chẳng đáng là gì so với “tài phiệt quốc nội” nhưng có còn hơn không, may ra gom nhặt được thêm, chớ còn ba tay TPB, những người bị kẹt lại thì có gì mà vồ vập, ve vuốt.

Cái ông nhạc sĩ đã kêu rống lên năm 53 bỏ Hà Nội, năm 75 bỏ Saigon, ông ổng lo nếu lần nữa phải bỏ đi thì xuống biển hay về đâu. Thế rồi cũng òn ỉ xin về cúc cung ca tụng, già không nên nết, để cho xú danh hẳn còn lưu lại dài dài.

Ba mươi ba năm, xem ra người Việt vẫn còn thích nghe ngọt, vẫn còn tin vào ba mớ huyền thoại tầm phào. Có người gần đây nghe hải ngoại lên án việc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa vẫn ngây thơ suy nghĩ, trách đồng hương sao lên tiếng đòi hỏi làm gì, ta chọn sống như dân Hồng Kông hay Ma Cao chẳng sướng hơn làm dân Việt hay sao.

Chao ôi, nỡ nào lại có người kém thông minh đến thế, Hồng Kông và Ma Cao sở dĩ “chưa” bị cạo trọc đầu vì còn có tí ti ràng buộc với chính quyền ngày trước (Anh hay Bồ Đào Nha), chứ thả ra thì cứ coi gương Tây Tạng sẽ biết rõ người “anh em sông liền sông, núi liền núi” tàn bạo cỡ nào.

Ngố tôi xin các vị, đừng ép chúng tôi phải tin vào huyền thoại nữa. Chúng tôi sợ lắm lắm rồi.

Quí vị có “tin” họ thì Ngố tôi mong quí vị nhanh chóng đem tiền, đem của, đem cả vợ con về muốn làm gì tùy thích. Nhưng phải là chính các vị đấy nhé, đừng xúi dại người khác, rồi không dưng nêu ra anh này, chị nọ, những người đã từng bị vần đến trọc đầu để dụ khị đưa họ vào tròng thì tội lắm. Nhất là xin Thầy chớ khuyên đám học trò thơ dại, lỡ ra có đồng nào họ bốc đồng đem về rồi “trắng máu” ra cả lũ thì tội cho họ lắm.

Cỡ Thầy mà về, đem nghề và tiền bạc về may ra phất lớn. Hiện nay Mặt trận Tổ quốc đang dự trù nới rộng thành phần ngoài Đảng, Thầy về chắc được họ vời ngay, giao cho một chức Bộ này Bộ nọ thì hãnh diện cho tụi bên này biết bao. Lúc đó, nghe tin Thầy quyết định “về nhà”, dù Ngố có túng đến mấy cũng ráng mua bó hoa hồng bò ra tận phi trường tặng Thầy với lời chúc thượng lộ bình an.

Mong lắm thay. Nhưng đến ngày nào thì sẽ có huyền thoại Thầy về bên nhà nhỉ?

© DCVOnline

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Thứ Sáu, 04/04/2008

"Con đường nào ta đi..."


TTO - Rất nhiều bạn đọc gửi thư về Tuổi Trẻ Online chia sẻ nỗi bức bối lẫn thất vọng của mình: tránh kẹt xe ở đường này lại gặp ở đường khác, tránh giờ này lại gặp giờ khác, không cách gì thoát ra được. Riêng bạn đọc P.NGUYEN gửi hẳn một... bài nhạc phóng tác từ bài Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy, với chú thích "xin tạ lỗi nhạc sĩ Phạm Duy".

Vì ý kiến bạn đọc rất nhiều, ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu nỗi bức xúc mang tên "Con đường nào ta đi" của bạn P.NGUYEN, "thay lời muốn nói" của hàng ngàn bạn đọc khác:

"Con đường nào ta đi..."

Con đường nào ta đi cũng đào lên đào xuống.
Con đường chiều thành đô, con đường bụi mịt mù...

Con đường giờ tan ca, công trình che bít lối.
Xe kẹt dài lên hè - con đường nào ta đi????

Con đường mà khi mưa, nước tràn như dòng suối.
Ta dùng xuồng ta đi, nên nhìn còn thẹn thùng.

Con đường nào ta đi - tới nhà hay vào lớp…
Con đường làm công trình, con đường đầy gian nan.

Thế rồi đường vào nhà, cũng tìm hoài không ra.
Đi lạc vòng quanh phố, không đường vào.
Đứng ở ngoài đầu đường. Giống ở đầu con sông.
Trông về con đường cũ, mênh mông, mênh mông…

Hỡi nhà thầu làm đường, hãy làm giùm mau mau!!!!
Ít người làm như thế, trên đường dài.
Có vài người cào cào, biết giờ nào cho xong?
Trả về con đường cũ như xưa, như xưa…

P.NGUYEN

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Tuân Nguyễn và Nguyễn Tuân

Tưởng Năng Tiến


“Việc xảy đến với Tuân… thật đột ngột và bất ngờ. Nó cứ như tai họa từ đâu bỗng giáng xuống gia đình Vương Thúy Kiều vào năm Gia Tĩnh triều Minh… Trong một khoảng thời gian ngắn, tai họa đến với ba người bạn tôi: Tuân Nguyễn, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương.” (1)

Hà Nhật tâm sự như trên, trong bài viết “Tuân Nguyễn, Kẻ Mộng Mơ,” đọc được ở talawas hôm 22 tháng 2 năm 2008. Tôi không quen nhưng biết cả ba nhân vật vừa kể, và những tai hoạ “đính kèm” trong cuộc đời (lao đao) của họ. Hôm nay, xin được thưa chuyện về ông Tuân Nguyễn trước.

Trong một bài viết khác (“Người Bạn Lính Cùng Tiểu Đội”), Phùng Quán kể lại rằng:

“Hòa bình lập lại, Tuân ra khỏi quân ngũ, đi học tiếp và tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, làm thầy giáo. Sau đó được điều về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam…Còn tôi, lâm vào cảnh khổ nạn văn chương Nhân văn Giai phẩm phải về tá túc bên bờ hồ Tây, nhập phường câu cá trộm…”

“Trong khi bạn bè thân thích, kể cả máu mủ ruột thịt, người yêu, đều xa lánh tôi, thì Tuân Nguyễn vẫn gắn bó, cưu mang tôi. Mặc dầu lúc này anh là người có chức danh của một cơ quan quan trọng, bắt đầu có tiếng tăm trên thi đàn. Tuân mò tìm được nơi tôi tá túc, thường xuyên mang cho tôi áo quần, tem gạo, phiếu thịt, kẹo, thuốc lá căng tin…”

“Một lần, tôi hỏi Tuân:

− Cậu hay gặp mình, thế nào cơ quan họ cũng biết. Cậu không ngại à…?

− Có ngại cái con cặc. Đù mạ …!” (2)

Ở Việt Nam mà quan hệ và nói năng “linh tinh” kiểu đó thì … lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (không chừng ) sẽ lôi thôi lớn. Tuân Nguyễn bị bắt vào ngày 21 tháng 10 năm 1964, và được thả … mười năm sau đó!

Sau đó, vẫn theo lời Phùng Quán:

“Một buổi vào giữa trưa, tôi đang ngồi đun bếp, thì cửa liếp xịch mở. Tôi ngẩng lên, ngồi lặng đi một lúc khá lâu. Tôi bật gọi, cổ nghẹn tắc:

− Trời… Tuân!

“Phải, người đang đứng trước mặt tôi là Tuân Nguyễn. Da mặt vàng úa và hơi phù nề. Cặp kính cận vành đồng rỉ xanh và hai gọng được thay bằng hai vòng dây gai xe. Cái miệng vẫn rộng nhưng không còn tươi nữa. Cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu. Như bừng tỉnh, tôi loạng choạng đứng dậy. Và hai chúng tôi ôm chặt lấy nhau lúc nào không biết. Phút chốc hai gương mặt dãi dầu, bầm dập khổ nạn trần gian, đẫm lệ. Tôi thì thầm qua nước mắt:

− Thế mà đã gần mười năm rồi… Mười năm tốt đẹp nhất của một đời người…

“Tuân cười buồn:

− Chắc cậu không tin mình còn có ngày trở về?

− Cậu gầy yếu quá… Người của sách vở, của mộng mơ… Cậu đâu được chuẩn bị để nhận một đòn chí mạng như vậy…

“Tuân ngồi xuống cạnh bếp lửa, hơ hơ hai bàn tay gầy guộc, nói:

− Sức thích nghi vô tận cũng là một điều bí ẩn của con người, cậu ạ.

“Tôi thổi cơm, rán cá, nấu canh chua. Hai đứa ngồi ăn ngay bên bếp.

− Nghĩ cho cùng, không có cái rủi nào lại không chứa sẵn ít nhiều cái may. Có lẽ nhờ vậy mà con người mới có thể tồn tại trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.

− Cậu thử nói cái may cậu tìm thấy trong mười năm qua xem nào, tôi hỏi.

− Trước hết, mình có dịp suy gẫm thêm về cuốn tiểu thuyết mình định viết, vì đã viết được hai chương đầu… Nhưng điều may mắn này mới là quan trọng hơn cả: trong mười năm qua, mình đã sống giữa những con người vô cùng phong phú và phức tạp, chất liệu sống vàng ròng cho các nhà văn…”

Số “vàng ròng” qúi báu này, tiếc thay, Tuân Nguyễn không bao giờ có dịp đưa vào tác phẩm. Ông đột ngột giã từ cuộc sống, sau một tai nạn lưu thông.
Hà Nhật bùi ngùi kể lại:

“Vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm Tuân rồi đưa Tuân đến nghĩa địa Gò Dưa bên Thủ Đức, cúng ‘mở cửa mả’ cho Tuân, những chuyện ấy dồn dập xảy ra cứ như là không có thật. Buổi chiều ấy, ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe mà lạnh người:

− Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi, sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn, sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”(3)

Có lẽ vì “xót” bạn nên nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã nói (hơi) quá ra như thế. Chứ những mảnh đơi te tua bầm dập, với chung cuộc thê thảm và lảng xẹc (cỡ) như Tuân Nguyễn − hay chỉ hơn thua chút đỉnh − đâu có nhằm nhò hay hiếm hoi gì, ở Việt Nam.
Nơi đây, cứ theo như lời Phùng Quán:

Chín người − mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ, và bị lưu đầy…

Một nhà thơ khác, ông Nguyễn Chí Thiện, thì diễn tả nghe (có vẻ) kém … tế nhị hơn:

Trại lính, trại tù người đi không ngớt…
Người về thưa thớt, dăm ba!

Nghe mà thấy ghê! Và đúng thế thì ông Tuân Nguyễn chỉ là một đại diện tiêu biểu − cho hàng chục triệu người “đi không ngớt” vào những “trại lính, trại tù,” và cả chục triệu những “cuộc đời rạn vỡ” khác − ở Việt Nam thôi, đúng không? Hy vọng là giáo sư Cao Xuân Hạo đủ bao dung, cho phép kẻ hậu sinh này đổi lại vài chữ trong câu nói (“lạnh người”) của ông − như sau:

− Người Việt sinh ra ở đời để đóng vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên “Trời ơi sao dân tộc tôi khổ thế này,” khi nhìn vào Việt Nam sẽ thấy nỗi khổ của dân tộc mình chưa là cái … đinh gì (xất) cả!

Khổ như thế, đã đành. Chuyện không đành là ở đất nước này khi đề cập đến những chuyện khốn nạn, tàn ác, bất nhân, vô luân … (đại loại như những chuyện nát lòng đã xẩy ra cho Tuân Nguyễn) thì mọi người bỗng dưng nhỏ giọng, thì thào; hoặc rào đón, che chắn trước sau − cứ y như là họ sợ sẽ bị thần linh (hay ôn hoàng dịch vật gì đó) quở phạt vậy.

Thiệt, nghe mà phát mệt. Thử đọc một đoạn của nhà thơ Vũ Từ Trang, trong bài “Tuân Nguyễn Phận Mỏng Cánh Cò” – xuất hiện trên Việt Báo. VN, vào 14 tháng 10 năm 2007 mà xem:

“Giá như anh không va vấp, không gục ngã, thì anh đã thành đạt như bao bạn bè trang lứa mê văn chương chữ nghĩa một thời… Cái chết của anh như một định mệnh. Một tai nạn giao thông với một con người lầm lũi sống và yêu cuộc sống. Một cái chết của một cánh cò trắng đang bay…”(4)

− “Va vấp” vào cái con cặt gì vậy!

Dù là một người (vô cùng) nho nhã, tôi cũng (suýt) lây tật xấu của ông Tuân Nguyễn mà văng tục chửi thề − như thế − cho nó đã (tức). Mà không tức (ứa gan) sao được chớ?

Giúp đỡ bạn bè trong cơn hoạn nạn, thẳng thắn trình bầy quan niệm sống của mình trước mọi người là cách hành xử bị coi là “va vấp,” đáng bị bỏ tù − hay sao? Ra tù, với “da mặt vàng úa hơi phù nề và cặp môi nhợt nhạt vì thiếu máu,” lúc phải ở nhờ, lúc thì sống chui rúc trong một căn phòng chỉ rộng bằng … chiếc chiếu. Xin đi làm việc thì bị khước từ vì có “thành tích là một tên phản động.” Vậy mà khi lìa đời thì được ông thi sĩ đồng nghiệp mô tả đó là “cái chết của một con cò trắng đang bay.”

− Đụ mạ, “bay” kiểu gì kỳ cục dữ vậy − cha nội? Nói như vậy mà nói (lấy) được sao?

Nếu không “đãi bôi” theo kiểu đó thì mọi người cũng chỉ dám khe khẽ thở dài, buồn rầu, ái ngại đổ thừa cho “số phận” (không may) của Tuân Nguyễn mà thôi. Ông Hà Nhật đã nhắc lại điệp khúc “mất mùa vì tại thiên tai” – như thế − để kết luận cho bài viết (thuợng dẫn) như sau:

“Tên thật của Tuân Nguyễn là Nguyễn Tuân, ngẫu nhiên mà trùng tên với nhà văn tài hoa bậc nhất nước ta. Có lẽ khi đặt tên cho con, các vị thân sinh của anh không hề nghĩ gì đến chuyện này, vì phải rất lâu sau khi con trai họ ra đời thì Nguyễn Tuân mới có Vang bóng một thời cho người đời ca tụng. Tránh việc trùng tên cho người ta khỏi ngộ nhận, hóa ra Tuân Nguyễn đã tự nhận mình như một sự đảo ngược của số phận: một người thì có đủ thứ vinh quang, một người thì gặp toàn nghiệt ngã.”

Cái được mệnh danh là “đủ thứ vinh quang” này, theo như chính Nguyễn Tuân xác nhận, ông gìn giữ được suốt đời là nhờ biết … sợ! Mà sợ hãi tới cỡ đó, vào thời buổi đó, nghĩ cho cùng, cũng phải (giá) thôi. Thời phải thế, thế thời phải thế.

Bỉ nhất thời dã.
Thử nhất thời dã.
Hồi đó là một thời.
Bây giờ là một thời (đã) khác.

Người Việt hôm nay ăn nói và hành xử (đã) khác xưa chăng? Không dám (khác) đâu. Đọc thử poster giới thiệu Hoàng Hưng, hồi cuối năm ngoái, của một nhà thơ “đương đại” thì biết:

“Tên thật Hoàng Thụy Hưng, con một gia đình trí thức Hà Nội, có thơ đăng báo từ năm 11 tuổi… Mười tám thi đỗ vào Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội… ông đã bỏ học, tình nguyện lên Tây Bắc…. Hai mươi ba tuổi, ông về dậy văn cấp ba tại Hải Phòng…. Về Hà Nội.… Hoàng Hưng rẽ sang một hướng khác: ông không nhìn đời toàn mầu hồng nữa, ông kết bạn với những thành phần ‘phức tạp’, và đến năm 1982, vì một lý do ‘đáng tiếc’, ông phải bước vào trại cải tạo.”

Image
Hoàng Hưng biểu tình chống Trung Cộng (Sài Gòn, 12/2007)
Nguồn: hahtncttg.org

Nghe cứ y như thể Hoàng Hưng đang là một thanh niên trí thức, lý tưởng, tràn đầy nhiệt huyết bỗng (khi khổng, khi không) đâm ra đổ đốn, giao du toàn với bọn đầu trộm đuôi cướp, rồi đến năm 1982 vì “một lý do đáng tiếc” không tiện nói (kiểu như móc túi hay giựt đồ và bị bắt gặp quả tang) ông phải bước vào trại cải tạo vậy!
Cái được mô tả là “thành phần phức tạp,” và “lý do đáng tiếc” − khiến Hoàng Hưng phải vào tù − được chính ông tường thuật như sau, qua đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA.org), nghe được hôm 22 tháng 7 năm 2007:

“Cái lý do trực tiếp của nó là khi tôi cầm trong tay tôi bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 1982 khi tôi từ Thành Phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhà thơ Hoàng Câm có tặng tôi bản thảo chép tay Về Kinh Bắc…Tôi không nghĩ là nó có vấn đề gì nhưng không ngờ họ lại bắt tôi và họ bảo tôi lưu truyền văn hóa phẩm phản động….” (5)

Chữ “họ” trong đoạn văn thượng dẫn là một đại danh tự, dùng để thay thế (hay ám chỉ) cái tập đoàn cộng sản − những kẻ đã hành xử quyền lực một cách bất nhân và bạo ngược hơn nửa thế kỷ qua − ở Việt Nam, chứ còn ai vào đó nữa. Bao giờ mà người dân Việt còn “kiêng”, chưa chỉ thẳng vào mặt, và đặt thẳng tên cho chúng nó (rõ ràng) như vậy thì “họ” vẫn tưởng mình là những người của “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Nam,” và vẫn có thể tiếp tục tác yêu tác quái, trên đầu muôn dân trăm họ.


© DCVOnline
--------------------------------------------------------------------------------

(1) Online: http://snipurl.com/20oqb [www_talawas_org]
(2) Online: http://snipurl.com/20oqg [vnthuquan_net]
(3) Online: http://snipurl.com/20oqb [www_talawas_org]
(4) Online: http://snipurl.com/20oqo [vietbao_vn]
(5) Online: http://snipurl.com/20or0 [www_rfa_org]

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Vẫn (cứ) theo gương Bác

Tưởng Năng Tiến


Sau nhiều năm lưu lạc, khi trở lại cố hương, ông Cao Ngọc Quỳnh bùi ngùi kể lại: ”Tôi cô đơn lạc giữa dòng người, dòng hoa, dòng đèn và dòng… khẩu hiệu. Vẫn những khẩu hiệu ấy của nhiều chục năm về trước với những sắc màu rực rỡ hơn trong sự mầu nhiệm của nền kinh tế thị trường.”

Họ Cao khiến tôi nhớ đến “những dòng khẩu hiệu ấy của nhiều chục năm về trước,” cùng với một tiếng thở dài - cố nén:

- Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm.
- Chủ Nghĩa Mac Xít Lê Nin Nít Bách Chiến Bách Thắng Vô địch Muôn Năm.
- Hồ Chủ Tịch Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta.
- …

Suốt đời phải sống giữa cả đống “ Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc - Bách Chiến - Bách Thắng - Vĩ Đại - Quang Vinh - Muôn Năm ” … giăng mắc ở khắp nơi như thế, nếu không bị loạn thị, người dân Việt (ít nhiều) chắc đều trở thành mụ mị. Do đó, “Tổ Quốc (nếu được) Nhìn Từ Xa” trông có vẻ lại rõ nét hơn:

“Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày
Xứ sở nhân tình sao thật lắm thương binh
Đi kiếm ăn đủ kiểu
Nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng …
Xứ sở thông minh sao lắm trẻ em thất học
Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương…
Xứ sở thiêng liêng sao lắm đình chùa làm kho hợp tác…”
Nguyễn Duy (Tổ Quốc Nhìn Từ Xa - 1988)

Hai mươi năm sau, năm 2008, một công dân khác - ông Phạm Đình Trọng - từ Ấn Độ cũng vẫn lại nhìn về Việt Nam với nỗi niềm ray rứt, trăn trở và bất an (y trang) như trước:

“Ấn Độ là đất nước của thần linh ...Việt Nam cũng là đất nước của thần linh… Nhưng chỉ vài chục năm cách mạng vô sản, nhiều đình chùa có tự ngàn xưa bị san phẳng, thần linh bị báng bổ… Những thần linh giả được đôn lên. Thần tài được tôn thờ…”

” Những ngày ở xứ sở của thần linh, tôi cứ tiếc nuối, cứ ngẩn ngơ nhớ đến cụ Phan Chu Trinh, một thần linh lớn lao, cao cả của chúng ta mà chúng ta chưa nhận thức đầy đủ.”

”Cùng thời với Gandhi, chúng ta có Phan Chu Trinh. Cùng tư tưởng, cùng cách lựa chọn như Gandhi, Phan Chu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, mà phải trước hết nâng cao dân trí cho họ. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập. Gandhi đã thực hiện điều đó. Ấn Ðộ đã giành độc lập theo cách đó và đã thắng lợi!”

”Ðịnh mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta đã chọn con đường cách mạnh vô sản!” Ðó là cái giá chúng ta phải trả cho con đường cách mạng vô sản mà chúng ta đã chọn!”

Nói là “Tổ Quốc Nhìn Từ Xa” nghe cho nó có vẻ giang hồ (vặt) và kiểu (cọ) chút đỉnh, chứ thực ra thì cũng không cần lê la xa xôi gì cho mệt, chỉ cần sống trên cao chút xíu - nhiều công dân Việt Nam - cũng có thể nhìn ra được rõ ràng thực trạng (phũ phàng) của đất nước mình.

Từ cao nguyên Lâm Viên, ông Mai Thái Lĩnh, một biên tập viên của tạp chí Lang Biang (tờ báo đã bị đóng cửa vào tháng 5 năm 1988) cũng đã trình bầy những quan điểm tương đồng như ông Phạm Đình Trọng, qua một loạt bài viết công phu – “Tìm Hiểu Quan Niệm chính Trị Của Phan Châu Trinh” - đọc được trên talawas vào những ngày 24 tháng 2, 26 tháng 2, và 24 tháng 3 năm 2007, xin trích dẫn một đoạn ngăn ngắn:

“Nếu quân chủ (quân trị) là chế độ mà một ông vua hay một dòng họ (hoàng gia) làm chủ, nếu dân chủ (dân trị) là chế độ mà toàn dân làm chủ, thì chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị) chính là chế độ trong đó một đảng làm chủ. Chế độ đó thực chất chỉ là một chế độ quân chủ kiểu mới, một chế độ quân chủ trá hình.”

”Như vậy, chế độ độc đảng toàn trị chỉ là một chế độ dân chủ giả hiệu, không phải là một chế độ dân chủ đích thực. Vì thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu như tất cả, hay hầu hết những gì Phan Châu Trinh nhận xét về chế độ quân chủ đều có thể áp dụng cho chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị), tức là một chế độ trong đó một đảng làm chủ. Dù có thay một ông “vua cá nhân” bằng một ông “vua tập thể” thì những nét tương đồng vẫn có thể tìm thấy dễ dàng, nếu như mỗi chúng ta không bị những thứ chữ nghĩa “biện chứng” làm cho mờ mắt, hoặc bị những giáo điều của “tôn giáo mới” làm cho đầu óc khờ khạo, u mê.”

”Và cũng từ đó, chúng ta càng hiểu một cách sâu sắc tại sao hàng loạt các nhà nghiên cứu dựa trên quan điểm Marx - Lenin đã và đang luôn luôn tìm mọi cách để bưng bít, xuyên tạc quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, một trong những nhà dân chủ đầu tiên và có thể là nhà dân chủ lớn nhất của nước ta trong thế kỷ 20.”

Quan điểm của ông Mai Thái Lĩnh được ông Hà Sĩ Phu (một cư dân khác, cũng sống hơi cao, trên cao nguyên Lâm Viên) tận tình chia sẻ - qua một loạt những bài viết khác: “Tư Tưởng Và Dân Trí Là Nền Móng Xã Hội” - đọc được trên Thông Luận vào những ngày 15 tháng 5, 17 tháng 5 và 1 tháng 6 năm 2007. Xin trích dẫn một đoạn ngắn:

”Nếu đoàn tàu Việt Nam thuở ấy rẽ vào đường ray Phan Chu Trinh, nhằm hướng xã hội dân chủ như Na Uy, Thuỵ Điển bây giờ thì sao nhỉ? “

”Nếu nương vào Pháp để đi lên thành công, không thành cộng sản, thì giản ước được bao nhiêu thứ:

• không có cuộc đánh Pháp 9 năm
• không có cuộc “Nam Bắc phân tranh lần thứ 2” dẫn đến cuộc đánh Mỹ
• không phải tham chiến ở Căm-pu-chia
• không tranh giành gì để phải đánh Tàu năm 1979
• không có lý do gì phải tiến hành cuộc “đổi mới hay là chết”
• không có lý do gì để xuất hiện làn sóng đòi dân chủ-nhân quyền, dẫn đến hài kịch bịt miệng bị cáo trước toà cho thiên hạ xem, vân vân… “

“Nghĩa là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu hận thù… và tăng thêm được bao nhiêu là hạnh phúc… “

”Nhưng bất hạnh thay, lịch sử đã không chọn Phan Chu Trinh. Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không chọn Phan Chu Trinh.”

Bộ thiệt vậy sao, Trời? Ông Phạm Đình Trọng thì nằng nặc cho là vì “định mệnh trớ trêu đưa đẩy chúng ta đã chọn con đường cách mạng vô sản!” Còn ông ông Hà Sĩ Phu thì nhất định nói rằng “dân tộc này đã không chọn Phan Châu Trinh.” Nói cách khác, theo hai ông, là “chúng ta” hay “dân tộc này” đã lựa ông Hồ Chí Minh - đúng không?

Nếu đúng vậy thì xin thưa (trước) là trong số những người mà ông Phạm Đình Trọng gọi là “chúng ta,” và ông ông Hà Sĩ Phu tóm gọn thành cả “dân tộc này” (kể như) không có … “em” đâu đó nha.

Ít nhất cũng có tới nửa phần dân tộc Việt - trong hơn một phần tư thế kỷ - đã chiến đấu không ngừng, đã chấp nhận hy sinh hàng triệu mạng sống, chỉ để cố giữ cho nửa phần quê hương VN không bị rơi vào thảm hoạ vô sản hoá và bần cùng hoá.

Mà nói vậy - không lẽ - nửa phần dân tộc Việt còn lại đều đã đồng lòng cắm cúi bước theo con đường (“kách mệnh”) mà “Bác kính yêu đã chọn” hay sao? Vơ đũa cả nắm như vậy (e) còn trật dữ nữa.

Cả dân này Việt - nói tình ngay - chưa bao giờ có cái may mắn được lựa chọn bất cứ chuyện gì. Họ chỉ bị huyễn hoặc (hay được lãnh đạo) để lao vào những cuộc chiến rất “thần thánh” nhưng hoàn toàn không cần thiết - thay vì kiên trì nghe theo lời kêu gọi thống thiết “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan - thế thôi.

Nếu nói theo kiểu của ông Bùi Tín, họ sống giữa “thế kỷ mây mù” mà. Và ông Hồ Chí Minh là nhân vật mù mờ, đáng ngờ nhất của thế kỷ này. Chỉ cái tên gọi, ngày sinh, ngày tử, và chuyện tình ái (lăng nhăng) của ông ấy không thôi cũng đủ cho toàn dân … phát mệt, và khiến cho không ít kẻ phải mất việc hay mất mạng!

Sống và hoạt động “kách mệnh” cùng thời với ông Hồ mà không bị bán đứng, không bị ám sát, không bị hãm hại, không bị thủ tiêu… là may mắn và phước đức lắm rồi. Còn chuyện bị xuyên tạc, bị cái bóng đen và dàn loa tuyên truyền của Đảng ông ấy che khuất lấp (như trường hợp của cụ Phan Châu Trinh) thì kể như là chuyện nhỏ.

Sở dĩ ông Hồ Chí Minh gạt được nhiều người, trong nhiều năm, và có thể trở thành một thứ “thần tượng giả được đôn lên” (nếu nói theo cách của nhà văn Phạm Đình Trọng) vì ông ta có được sự đồng lõa của cả một băng đảng chuyên môn làm bạc giả - Ðảng Cộng Sản Việt Nam.

Nửa thế kỷ trước, không ít những người thuộc thế hệ cha anh của tôi chưa bao giờ may mắn có được cái độ lùi cần thiết để nhìn rõ về chân dung của ông Hồ (nói riêng) và cuộc cách mạng vô sản (nói chung) một cách rõ ràng như thế. Thực không có gì ngạc nhiên là họ đã… trao duyên lầm tướng cướp, và cũng không có gì đáng trách vì họ đã cầm nhầm tiền giả.

Có đáng trách chăng là cho mãi đến hôm nay, sau khi cả dân tộc đã bị đẩy đi đến tận cùng sự bi đát (theo con đường Bác đi) mà Tuổi Trẻ Online vẫn thản nhiên rầm rộ cổ động “bạn đọc tham gia viết bài Hoạt Động Theo Gương Của Bác.” Ông Nguyễn Văn Hùng, một độc giả, đã “tham gia” với bài viết “Chiếc Gối Thần Của Bà Tôi” – có đoạn – như sau:

“Bà tôi không theo đạo bà bảo chiếc gối bông là ‘chiếc bùa hộ mệnh’ của bà. Tôi để ý mỗi khi có việc gì hệ trọng thì bà lại lần giở chiếc gối, lấy ra một tờ giấy ố vàng đưa lên áp vào ngực và lẩm nhẩm khấn vái như người ta đọc kinh…”

“Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước rợp cờ hoa mừng giải phóng, bà tôi lặng lẽ làm mâm cơm thắp hương lên bàn thờ Bác. Khác với mọi lần, bà tôi kính cẩn khấn vái rất lâu, nước mắt bà chảy dài làm tôi cũng muốn khóc theo. Khấn vái xong bà gọi tôi đến lấy cho bà chiếc gối. Tôi hồi hộp nhìn theo tay bà lần giở từng lớp bông gòn lấy ra một túi nilông đựng một tấm ảnh Bác Hồ đen trắng được bà cắt ra từ tờ báo Quân đội Nhân dân cũ và một tờ giấy ố vàng hơi nhàu, đó là bản Di chúc của Bác (3).“

Giữ “lề bên phải,” cho nó an toàn, là điều có thể thông cảm được trong hoàn nghiệt ngã đối với những người đang sinh sống bằng nghể truyền thông - ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp tục cổ võ cho chính sách ngu dân của nhưng kẻ đang cầm quyền ở xứ sở này thì lại là chuyện khác. Một chuyện bất nhân, ác tâm và ngu xuẩn.

Copyright © DCVOnline

Post Reply