Cà Phê...Vịt

Buồn vài phút xin ghé thăm đây; muốn tán gẫu ghé đây... Chia sẻ tâm tư vô đây.... Không biết nói gì làm gì vô đây!!! Bài viết sẽ giữ lại trong 7 ngày và quá hạn sẽ đi vào thiên cổ của không gian Cyber!!!

Moderator: khieulong

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Image

Sư Cỏng Tiểu Nương
Hai nhà sư trẻ đi bộ trên đường trở về chùa, sau chuyến đi công chuyện cho sư phụ.

Đến một bờ sông cạn, hai vị sư sắp sửa xăn ống quần để đi (lội) bộ qua sông. Có một cô gái ăn mặc rất đẹp tiến đến chào hỏi hai vị sư và xin được giúp đở.

- Thưa Thầy, nhờ Thầy cổng giúp giùm em qua sông. Em rất sợ nước, không biết lội và cũng sợ bị ước quần áo mới nên không thể tự qua sông được. Trời cũng đã quá trưa rồi mà nhà em vẫn còn xa.

Sau một phút suy nghĩ, sư đệ trả lời:

- Cô chuẩn bị và leo lên lưng tôi, tôi sẽ cổng cô sang đến bờ bên kia.

Đến bên kia bờ, sư đệ để cô gái xuống, chào từ biệt và đường ai nấy đi.

Trong nữa đoạn đường còn lại trở về chùa, sư huynh bắt đầu và tiếp tục trách móc sư đệ.

- Tại sao sư đệ đã là người xuất gia mà còn vấn vương, mà còn cổng cô gái kia?

Sư đệ làm thinh và tiếp tục đi cùng sư huynh.

Về đến chùa, sư huynh vẫn còn trách móc thêm một lần nữa. Cuối cùng, sư đệ mới trả lời:

- Đệ đã bỏ cô gái ấy tận bờ sông kia. Chính sư huynh mới là người tiếp tục cổng cô gái về đến chùa.

User avatar
CarteNoire
Posts: 372
Joined: Mon Sep 21, 2009 11:58 pm

Post by CarteNoire »

KHI BỌN PHẢN QUỐC KẾT TỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC

Image


Image


Theo dõi vụ xử án tại Hà Nội và Hải Phòng trong những ngày vừa qua, lòng cứ nhớ đến những vụ án tương tự cách đây gần tám chục năm. Đó là vụ chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp xét xử các nhà cách mạng Việt Nam tranh đấu cho nền độc lập tự chủ của nước nhà. Đó là vụ xử án anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông ngày 23.3.1930. Với chính sách đàn áp dã man mọi cuộc nổi dậy của nhân dân ta, tên toàn quyền thực dân Pasquier (1) sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Yên Bái và bắt được nhiều chiến sĩ yêu nước, đã không giao cho ngành tư pháp thụ lý mà đã ký nghị định thành lập cái gọi là "Hội Đồng Đề Hình" (2) để kết tội các tù nhân chính trị mà không cần các thủ tục pháp lý như biện hộ, chống án vv... Hội đồng này đã tuyên bố hàng trăm bản án tử hình, hàng trăm bản án tù đày biệt xứ đối với những người yêu nước chống đối chúng.

Vụ xử án chín người yêu nước trong các ngày 6, 7, 8 và 9/10/2009 vừa qua tại Hà Nội và Hải Phòng thật không khác gì các phiên xử tù nhân chính trị thời thực dân Pháp Pasquier, nếu không muốn nói là tệ hại hơn, bỉ ổi hơn. Tệ hại hơn ở chỗ CSVN đã dùng ngay hệ thống tư pháp của mình bao gồm điều 88 bộ luật Hình Sự và tòa án của họ để gán ghép tội lỗi cho những người công dân Việt Nam. Đây là điều mà tên toàn quyền thực dân Pasquier không dám làm để tránh bị người ta đánh giá nền tư pháp của Pháp là man rợ, mà phải lập ra Hội Đồng Đề Hình để xử tội những người yêu nước Việt Nam. Bỉ ổi hơn ở chỗ thực dân Pháp là quân xâm lược chiếm đóng nước ta, nên chúng thẳng tay đàn áp dân thuộc địa nổi loạn bằng bạo lực chống lại chúng. Trái lại, chính quyền cộng sản coi những người Việt Nam chống đối lại chúng một cách ôn hòa, bất bạo động, như kẻ thù khác giống nòi và đã không ngần ngại gán ghép những người yêu nước vào cái tội vu vơ là "tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam" để giáng lên đầu họ những án tù nặng nề, vô lý.

Họ là ai ? và họ đã làm gì nên tội ?

Sinh viên Ngô Quỳnh, sinh năm 1984 đã tham gia cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên Hà Nội nhân cuộc rước đuốc thế vận Bắc Kinh, ngày 29/4/2008, hô hào bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối Trung Quốc xâm lược. Anh bị kết án 3 năm tù kèm theo 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Kim Nhàn, 60 tuổi, dân oan bị chính quyền tịch thu nhà đất, đi khiếu kiện nhiều năm ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội. Đầu tháng 9/2008 đã cùng một số người treo biểu ngữ phản đối chính quyền CSVN. Ông lãnh án 2 năm tù và 2 năm quản chế.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn, 66 tuổi, cựu đảng viên đảng CSVN, cán bộ hồi hưu, đã có nhiều bài viết và thơ đòi hỏi đa nguyên, đa đảng. Ông đã cùng các bạn treo biểu ngữ trên cầu vượt tại Hải Phòng hồi đầu tháng 9/2008 đòi hỏi bảo vệ biên giới và chủ quyền quốc gia cũng như thực hiện đa nguyên đa đảng. Ông bị kết án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, 50 tuổi, là một trong những người đứng đầu khối Dân Chủ 8406. Bị công an bắt và đánh đập dã man khi ông cùng sinh viên tổ chức biểu tình bất bạo động chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo Việt Nam. Ông bị 6 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Văn Tính, sinh năm 1942, cựu cán bộ giảng dậy, đã sớm có ý thức chống đảng cộng sản độc tài và đã bị tù trong 2 thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Ông đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên. Ông lãnh bản án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Văn Túc, 45 tuổi được biết đến qua nhiều bài viết tố cáo những bất công xã hội và nạn tham nhũng cũng như sự hủ hóa của đảng CSVN. Ông bị bắt vì tham gia treo biểu ngữ trên cầu vượt ở Hải Phòng. Ông bị tuyên án 4 năm tù và 3 năm quản chế.

Anh Phạm Văn Trội, sinh năm 1972, tham gia tranh đấu cho Nhân Quyền từ năm 2006. Nhiều lần bị công an sách nhiễu, đấu tố, đánh đập. Anh bị 4 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Vũ Hùng, 43 tuổi, là giáo viên tại tỉnh Hà Tây, đã bị bắt và sách nhiễu bởi công an nhiều lần từ năm 2007. Thày giáo Hùng đã tham gia cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên Hà Nội chống Trung Quốc và bị bắt, bị hành hung dã man. Thày giáo Hùng bị tòa án Hà Nội kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.

Nhà thơ Trần Đức Thạch, sinh năm 1952, là cựu quân nhân của chế độ. Ông đã sớm có những tư tưởng tự do, dân chủ, chống độc tài từ thập niên 90. Ông đã bị tòa án Hà Nội lén lút đưa ra xét xử vào ngày 6/10/2009. Thân nhân và bạn bè không được thông báo, không có luật sư biện hộ mặc dù CSVN tuyên bố là công khai xét xử theo đúng pháp luật. Ông bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.

Chín bản án vừa rồi là một xỉ nhục cho chế độ cộng sản tại Việt Nam. Các tòa án của chế độ đã không có bằng chứng cũng như yếu tố thuyết phục để buộc tội các bị cáo. Các phiên tòa này chỉ là một trò hề lố bịch và hèn hạ. Kết tội các bị cáo "tuyên truyền chống Nhà Nước" trong lúc mọi phương tiên thông tin tuyên truyền đều nằm trong tay Nhà Nước là chuyện bỉ ổi không thể tưởng tượng nổi. Như vậy, thực chất là không có vấn đề "tuyên truyền chống Nhà Nước". Vấn đề ở chỗ nào ?

Nhìn lại quá trình cũng như bản cáo trạng, người ta thấy cả 9 bị cáo đều có chung một số hoạt động. Đó là họ tuyên xưng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đòi hỏi toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới, biển đảo. Họ lên án và phản đối Trung Quốc xâm lược. Chính những hoạt động này đã đụng chạm đến chủ nhân của bọn bán nước. Bọn này đã cúi đầu làm theo chỉ thị của Bắc Kinh để trừng phạt những kẻ nào dám chống Thiên Triều. Lịch sử đã ghi nhiều tên việt gian bán nước, theo ngoại bang giết hại người Việt Nam yêu nước. Nhưng hồi đó, quân ngoại bang chiếm đóng nước ta, đô hộ dân ta, nên có nhiều kẻ vì ham danh lợi, vì bị ép buộc đã làm việc cho giặc. Ngày hôm nay, bao nhiêu xương máu đã đổ ra để giành được độc lập, tại sao còn có chuyện Trung Quốc hoành hành tại nước ta ? Hiển nhiên là có kẻ bán nước đang nằm ở trên chóp bu Nhà Nước CSVN. Bọn này sợ đụng chạm đến quan thày của chúng và sẽ mất đi sự che chở, mất đi con đường tháo chạy khi nhân dân đứng lên hỏi tội chúng. Vì thế đã có những phiên tòa, những bản án phi lý, bất công vừa qua.

CSVN đã một lần nữa chứng tỏ trước nhân dân ta là họ dựa vào thế lực ngoại bang, làm tay sai, đầy tớ ngoại bang và quay lại đàn áp nhân dân ta. Bọn bán nước mượn danh giai cấp công nhân để led-n nắm chính quyền, nhưng giai cấp công nhân là giai cấp cần cù lao động để làm ra miếng ăn, làm ra của cải. Bọn mạo danh, bản chất là thành phần cặn bã của xã hội, chây lười, ăn bám, bóc lộ, độc tài.

Là người Việt Nam ai cũng phải thấy được phải lấy dân tộc làm căn bản, lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Tại khu di tích lịch sử Nguyễn thái Học ở Yên Bái, nơi thực dân Pháp đã dựng máy chém, nơi các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hiên ngang hiến mình cho Tổ Quốc, giữa hai phần tượng đài và phần mộ là một tấm bia lớn cách điệu. Trên hai mặt bia đều khắc dòng chữ vàng “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ ” (Louis Aragon ). Mỉa mai thay, những lời lẽ này lại do chính quyền Yên Bái khắc ghi khi xây dựng khu di tích này từ 1991 đến 2002.


1.Pierre Marie Antoine Pasquier. Toàn quyền từ 1926 đến 1934.
2.Comission criminelle


Trần Đức Tường

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Image

Tình Yêu Sét Đánh của Cụ Già Tuổi 90
Cụ bà Sheila đã gây ra tiếng sét ái tình cho cụ ông 90 tuổi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Họ là một trong những cặp tân hôn lớn tuổi nhất thế giới.

Cặp đôi mới cưới rất hạnh phúc khi quyết định kết hôn ở tuổi xưa nay hiếm.

Cụ ông và cụ bà đã về hưu, với tổng số tuổi lên tới 181, đã trở thành cặp đôi mới cưới lớn tuổi nhất ở Anh sau một lễ kết hôn được tổ chức đầm ấm hôm qua.

Cụ bà Sheila Walsh, hiện 87 tuổi và cụ ông Les Atwell, 94 tuổi, đến từ Paignton, Devon, gặp nhau từ bốn năm trước sau khi người giúp việc cho Atwell giới thiệu ông với một người bạn. Bà Walsh kể lại: “Bạn tôi nói với tôi về Les và tôi đoán rằng ông ấy có vẻ được. Nhưng khi biết ông ấy đã 90 tuổi rồi thì tôi nghĩ rằng sẽ không đi đến đâu cả. Tuy nhiên, khi tôi gặp Les, đúng là tình yêu đến từ cái nhìn đầu tiên”.

Hai người gặp nhau lần đầu ở ngoài cửa hàng tạp hoá Tesco ở Paignton. Ông Atwell đã chọn địa điểm này để ngỏ lời cầu hôn người mình yêu ba năm sau đó.

“Nghe có vẻ không lãng mạn nhưng đây là nơi đầu tiên chúng tôi gặp nhau, vì vậy tôi quyết định cầu hôn cô ấy tại đó. Chúng tôi không mất nhiều thời gian để chuẩn bị đám cưới. Khi bạn ở tuổi tôi thì bạn cũng không quá cầu kỳ”, ông tâm sự.

Đám cưới của họ diễn ra đầm ấm trước sự chứng kiến của gia đình, với sự tham gia của con trai và hai cháu gái ông Atwell. Cặp đôi hạnh phúc này sẽ tận hưởng tuần trăng mật trên biển Địa Trung Hải, họ còn chuẩn bị đi du lịch ở Barcelona, Rome và Athens.

Trước đó, James Mason, 93 tuổi và vợ Peggy, 85 tuổi, cũng đến từ Paignton, giữ danh hiệu đôi vợ chồng mới cưới lớn tuổi nhất sau khi kết hôn năm 2007. Những người nắm giữ kỷ lục gần đây nhất thuộc về Cyril Sergeant và Madge Robbins, kết hôn tháng 2/2008 ở Birmingham với tổng số tuổi 178.

Kỷ lục thế giới thuộc về cặp đôi người Pháp, Francois Fernandez, 96 tuổi và Madeleine Francineau, 94 tuổi, kết hôn năm 2002.

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Chuyện tình dục 'dễ đùa, khó nói'
Hà Mi
BBCVietnamese.com


Image
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng tác giả của nghiên cứu Tình dục, Chuyện dễ đùa khó nói

Khảo sát mới nói người Việt thích đùa về tình dục nhưng lại ngại không muốn nói chuyện nghiêm túc về đề tài này.

Kết quả một nghiên cứu về Tình dục của Viện nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam mới được công bố nói trong một xã hội còn nhiều định kiến về giới tính và sex, việc thiếu bàn thảo nghiêm túc về đề tài này đã dẫn đến những hệ lụy nhất định.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng tác giả công trình cho biết bằng việc xem xét các mối quan hệ tình dục khác nhau như trước hôn nhân, trong hôn nhân, ngoài hôn nhân và cả tình dục đồng giới, cũng như xem xét vấn đề giáo dục giới tính, đã cho thấy việc không được thảo luận cởi mở và nghiêm túc trong nhiều năm đã khiến kiến thức tình dục tại Việt Nam khá nghèo nàn và thiên lệch.

Định kiến sâu nặng

Một phát hiện chính nữa của khảo sát này là tình trạng định kiến giới vẫn còn rất sâu nặng, dẫn tới định hình rất nhiều quan niệm sai lầm về tình dục của phụ nữ và nam giới do đó hạn chế đời sống tình dục của cả phụ nữ lẫn nam giới tại Việt Nam.

Quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với nam giới là bình thường nhưng nếu lấy vợ mà đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân thì tất cả các bạn đều không thích
MC Hồng Hạnh
Với sự tham gia của 245 người thuộc bốn thế hệ, từ 15-65 tuổi, đủ thành phần xã hội khác nhau, đây là khảo sát đầu tiên có tính xã hội về tình dục được thực hiện tại Việt Nam, với mục đích tìm hiểu quan niệm, thái độ và hành vi tình dục của người Việt trong vòng nửa thế kỷ qua.

Việc thu thập dữ liệu được thực hiện tại Hà Nội, tp HCM, Cần Thơ và Hà Tây cũ, từ năm 2004-2007 và sau 2 năm phân tích dữ liệu, các tác giả đã cho công bố kết quả, và đồng thời xuất bản cuốn sách mang tên "Tình dục trong xã hội Việt Nam hiện đại: Chuyện dễ đùa - khó nói".

Tình trạng bất bình đẳng giới về tình dục phản ánh quan niệm không chỉ của người thế hệ trung niên mà cả ở giới trẻ, qua nhiều ý kiến tham gia chương trình gọi điện thoại trực tiếp trên sóng phát thanh về phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế, chương trình "60 Phút Bạn và Tôi", đang được thực hiện tại 15 tỉnh.

Hồng Hạnh, một MC 22 tuổi ở đài Hà Nội kênh 2 (Hà Tây cũ), cho biết các bạn nữ tham gia chương trình có quan niệm “thoáng” về quan hệ tình dục trước hôn nhân hay về trinh tiết vẫn là không nhiều.

“Trong khi các bạn nam gọi điện thoại tới thì đều nghĩ rằng việc có quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với nam giới là bình thường nhưng nếu lấy vợ mà đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân thì tất cả các bạn đều không thích,” Hồng Hạnh nói, và kết luận thêm “Nghe có vẻ rất ích kỷ!”.

Có lẽ tại Việt Nam, nói về tình dục bị coi là không đứng đắn, nên đề tài này đã trở thành chuyện dễ đùa khó nói. Ngay chính cha mẹ khi muốn nói với con cái về đề tài này cũng ít người dám nói trực tiếp mà phải dùng nhiều hình thức gián tiếp khác nhau.

Vĩnh, một thanh niên Huế, kể, ba mẹ thường đùa “nếu vợ nó mà có bầu trước khi cưới thì ... nó què giò” hay “tới khi cưới mà đã có bầu thì không cho vào nhà, không cho lại bàn thờ, hoặc phải đi lui ra sau chuồng heo v.v.”, và câu nói đùa chính là một cách “báo động” và bày tỏ quan niệm của cha mẹ với con cái về đề tài này.

Còn chính các bậc cha mẹ thì ngay cả những người có quan điểm phải cởi mở với con cái về vấn đề tình dục thì vẫn phần nào dè dặt và tìm cách “nói” gián tiếp như chị Hoa, một bà mẹ có hai con ở Hà Nội đã làm.

“Cách mình nói chuyện với con gái về vấn đề này đó là mình đã viết một bức thư và dặn con đọc thư đó khi lên máy bay trên đường bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà,” chị Hoa kể.

“Trong thư mình dặn cháu rất nhiều điều, trong đó có chuyện quan hệ tình dục. Mình phân tích cho cháu hiểu tình yêu là gì, tình dục là gì và nếu người ta không làm chủ được trong các quan hệ tình dục thì sẽ có những hậu quả như thế nào,” chị Hoa cho biết thêm.

Việc nói về tình dục tại Việt Nam vẫn gần như một đề tài cấm kỵ vì vậy chuyện tình dục được biến thành chuyện đùa để phần nào biến đề tài cấm kỵ và tế nhị đó thành dễ nói hơn, để vượt qua quan niệm Nho giáo khắc kỷ cũng như những tuyên truyền khô cứng một thời vẫn phần nào đè nặng lối suy nghĩ của ít nhất 2 thế hệ (trước/trong và sau chiến tranh) tại Việt Nam.

Các tác giả nghiên cứu hy vọng nó sẽ giúp thay đổi nhận thức về tình dục tại Việt Nam và "đã tới lúc phải học cách nói nghiêm túc" về đề tài này.

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Obama 'dạy tiếng Anh ở Nhật'

Image
Bìa CD ghi bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Obama. Ảnh: NYT.
Những cuốn sách và băng đĩa ghi các bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang là hàng hot ở Nhật, đặc biệt là với những người muốn học tiếng Anh.

CD ghi bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống với sách kèm theo đã thành công rực rỡ với 200.000 bản được bán ra kể từ khi xuất bản hồi tháng giêng. Cuốn tuyển tập các bài diễn văn của Obama thậm chí còn xuất sắc hơn với hơn nửa triệu bản từ tháng 11 năm ngoái. Obama đang nổi lên như một giáo viên dạy tiếng Anh ở Nhật.

Tràn ngập thị trường xuất bản ở Nhật là các tít: "Làm thế nào diễn thuyết tiếng Anh theo phong cách Obama?", "Học ngữ pháp tiếng Anh từ Obama", "Tôi có thể với Obama: 40 cụm từ tiếng Anh có sức lôi cuốn từ các email của Tổng thống".

Các nhà xuất bản đang thi nhau chiếm lấy ngành công nghiệp dạy tiếng nước ngoài ở Nhật - thị trường đáng giá tới 767 tỷ yên hay 8,7 tỷ USD, New York Times cho hay. Con số này bao gồm tiền sách, CD, từ điển, chương trình học trực tuyến, những bài thi tiêu chuẩn và những lớp học thêm. Phần lớn trong số tiền này được chi cho việc học tiếng An.

Hầu hết người Nhật, kể cả những người học tiếng Anh, đều gặp khó khăn trong việc nắm bắt một bài diễn văn của người bản ngữ.

Tuy nhiên "tiếng Anh của ngài Obama thì rất dễ hiểu, ông phát âm từ rất rõ ràng và nói với tốc độ tương đối chậm. Phạm vi từ mà ông dùng cũng thích hợp với cả những người trình độ cao và thấp, đôi khi chỉ nằm trong phạm vi cơ bản cho những người không phải bản ngữ", giáo sư Tadaharu Nikaido, một chuyên gia ngôn ngữ nhận xét

Vẫn có một số lượng lớn người mua đĩa nhưng không thể hiểu được Tổng thống Obama nói gì. Những nhà xuất bản nói rằng kể từ khi cho ra đời bộ đĩa và sách, họ thường xuyên nhận được những tấm thiếp của bạn đọc viết về sự cảm động của họ khi nghe những bài nói chuyện của Obama. Yuzo Yamamoto, một biên tập viên tại Asahi cho biết "Một số thậm chi còn nói rằng từ duy nhất mà họ nghe được là "đúng, chúng ta có thể", tuy vậy họ vẫn chảy nước mắt".

Ông Yamamoto còn cho rằng sự chân thật trong lời nói và cách biểu đạt của Tổng thống làm bài diễn vặn dường như có nhạc.

Cơn sốt Obama dường như phản ánh một số mặt trong xã hội đang đổi thay của Nhật Bản. Dường như người dân đang mong đợi một thế hệ lãnh đạo có phong cách giao tiếp hiệu quả, năng động và truyền cảm hứng hơn, một điều vốn không phổ biến ở đất nước hoa anh đào.

"Nước Nhật không chú trọng đến giao tiếp" Yamamoto nói "Trong một công ty Nhật, hoặc một đảng phái chính trị hoặc bất cứ ở đâu có nhóm người Nhật, mọi vấn đề được thông qua bằng sự nhất trí, kết quả cũng là sự nhất trí, sự nhất trí là quan trọng nhất. Vì thế, cái sự nhất trí đó thường bị người nghe lãng quên".

Hải Minh

User avatar
ngayngo
Posts: 1209
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Post by ngayngo »

Hoa Biển ANH THY

Image
CD nhạc do Nhật Trường ký tặng tác giả Vũ Thất

Image
Bản scan Thư Nhật Trường gửi Vũ Thất.

Sau tháng 4/75, để trả đũa miền Bắc thống nhất miền Nam bằng vũ lực, miền Nam bắt đầu tấn công miền Bắc bằng… âm nhạc. Nhạc miền Nam nhanh chóng vượt Bến Hải, chiếm Hà Nội, Hải Phòng, lan tận ải Nam Quan. Thậm chí nhạc lính của miền Bắc cũng dần dần mất định hướng xã hội chủ nghĩa, đành chịu để nhạc lính miền Nam giành dân lấn đất. Đến nay, ba mươi hai năm trôi qua, rõ ràng là Đêm nguyện cầu đã phủ mờ Trường sơn đông Trường sơn tây. Và Tiếng chày trên sóc bam bo đã chìm dần trong Tiếng hát hậu phương âm vang Trên bốn vùng chiến thuật.

Riêng nhạc lính của nhạc sĩ miền Nam Trần Thiện Thanh có cái lạ là sau cuộc đổi đời, không chỉ lấn lướt nhạc lính của các nhạc sĩ miền Bắc mà còn làm thay đổi cả cảm nhận của chính người miền Nam. Trước kia, rất nhiều người coi lời ca Trần Thiện Thanh là cường điệu, là hào nhoáng nhưng khi quê hương sỏi đá biết buồn, những lời đó lại gây nhức nhối tận tâm can.

Tôi cũng không thoát khỏi sự chuyển hướng này mà không chừng còn …sâu đậm hơn. Trước đây, tôi không chỉ cho lời ca Trần Thiện Thanh là đầu môi chót lưỡi mà còn thích nghêu ngao những câu sửa đổi cợt đùa, như “trên ngôi cao chín tầng hoàng hậu đẹp … không giống ai”! Vậy mà khi từng trải những đêm dài trong ngục tù cải tạo, dù chỉ với một giọng ca làng nhàng, chỉ với từng tiếng đàn lập dập mà lạ lùng sao chính những lời chót lưỡi đầu môi đó lại thắm thía gợi về những buồn vui đời lính, về những vùng biển mặn xa khơi.

Tôi bắt đầu yêu nhạc Trần Thiện Thanh từ đó. Cho nên khi an cư lạc nghiệp xứ người, tôi đã tìm mua bất cứ băng nhạc, CD và DVD nào có giọng ca hoặc nhạc của Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Một là để thưởng thức trọn vẹn hàng trăm tác phẩm đa dạng của anh, hai là như một lời xin lỗi….

Khi được tin anh đã qua Mỹ 1993, tôi rất vui mừng. Tôi muốn nhìn lại hình ảnh Nhật Trường trên Tiếng Hát Đôi Mươi mà hai mươi năm trước tôi không mấy quan tâm. Quả nhiên, qua cuốn video Holywood Night, tôi đã vô cùng thích thú gặp lại Nhật Trường trong phong thái diễn tả rất đặc thù. Hình ảnh của anh trong bộ quân phục trắng hải quân gợi nhớ hình ảnh của chính tôi ngày nào. Thêm vào đó là bài Hoa Biển mang tôi trở về những kỷ niệm với nhạc sĩ Anh Thy …

Cuối năm 1967, đang chỉ huy toán giang đỉnh hoạt động vùng sông Măng Thít, tôi bất ngờ được lệnh thuyên chuyển về Phòng Tâm lý chiến Bộ tư lệnh Hải quân. Tôi chắc là nhờ “uy tín” mấy bài thơ, mấy truyện ngắn đăng trên tờ nguyệt san Lướt Sóng mà được ban biên tập “triệu hồi” tăng cường. Vào trình diện vị trưởng phòng, tôi không dấu vẻ thất vọng khi ông lại giao cho cái chức hoàn toàn ngoài năng khiếu: Trưởng ban văn nghệ Hải quân. Tôi viện lý do không rành đờn ca xướng hát để từ chối. Ông cười, bảo tôi có máu văn nghệ mà được giao cho nguyên ban văn nghệ thì còn đòi hỏi gì!

Ban văn nghệ Hải quân lúc đó có khoảng 20 người, gồm ban tân nhạc và ban kích động nhạc , ban kịch, hai nhân viên chuyên trị cổ nhạc và một ảo thuật gia. Đó cũng là lần đầu tôi thấy “dung nhan” hai nhạc sĩ thành danh là Nguyễn Vũ, Mặc Thế Nhân. Còn nhạc sĩ Anh Thy thì đó là lần thứ hai.

Nguyễn Vũ vóc dáng nhỏ con, chững chạc, ít cười. Mặc Thế Nhân ngang tầm Nguyễn Vũ, miệng nếu không tía lia thì luôn chúm chím. Còn Anh Thy, người cân đối, cao ráo, khuôn mặt điểm vài anh hoa phát tiết, miệng rộng môi dầy, cười hở hai hàm răng đều đặn.

Đó đúng là hình ảnh Anh Thy tôi gặp hai năm trước. Thời gian đó tàu tôi về Mỹ Tho phối hợp hành quân với các giang đoàn. Một bữa nghỉ bến, tôi đang ngồi viết một truyện ngắn thì Anh Thy bước đến trước bàn, chân chập lại, tay đưa lên chào. Anh xưng tên. Chúng tôi thăm hỏi thân mật. Được một lúc, Anh Thy tươi cười mở quyển Lướt Sóng, chỉ bài thơ:

- Thật là may được gặp ông thầy đúng lúc! Em viết bản nhạc khá lâu mà không đặt ra lời. Nay gặp cái tựa bài thơ của ông thầy em chịu quá. Xin phép cho em “chôm” cái tựa Hoa Biển để làm tựa cho bản nhạc.

Tôi vồn vã: Khỏi cần chôm cái tựa, hân hạnh tặng Anh Thy nguyên bài thơ để phổ nhạc.

Anh Thy đọc một trong tám đoạn: “Áo trắng em may hoa bọt biển. Còn đêm nay nữa, sáng xong rồi. Áo trắng anh mang cho trọn kiếp. Còn em một buổi để rồi thôi”! Rất tiếc ông thầy, nghe…thảm quá! Em chỉ thích những gì vui vui…

Ba nhạc sĩ thành danh nhưng chỉ mình Nguyễn Vũ ôm đàn trên sân khấu, còn Mặc Thế Nhân thì giữ vai kịch sĩ, Anh Thy thì làm hoạt náo viên. Dịp ấy cũng là lần đầu tôi biết mặt ca sĩ kích động Elvis Phương: Hồi đó anh biết chỉ mỗi bản tân nhạc Mộng Dưới Hoa mà dân làng xã đều ….ngáp khi anh trình diễn. Còn đỡ hơn là khi anh hát kích động Anh –Mỹ, họ bỏ ra về. Có lẽ vì vậy mà năm sau anh xin qua Biệt đoàn văn nghệ trung ương.

Ban văn nghệ thường tháp tùng trên một trong hai chiếc y tế hạm, phối hợp thực hiện công tác có tên gọi chung là dân sự vụ. Công tác gồm trình diễn văn nghệ, khám bệnh phát thuốc, phát quà và truyền đơn. Đối tượng là các đơn vị Hải quân, gia đình binh sĩ và dân chúng ở các làng xã vùng xôi đậu, các hải đảo xa khơi… Mỗi chuyến kéo dài từ một đến hai tháng.

Sau chuyến công tác đầu tiên vùng Rạch Giá - Phú Quốc, tôi biết được tính tình và biệt danh của từng người. Như tay trống kích động tên Minh rất vui nhộn, có bộ mặt dài như mặt ngựa nên bạn bè gọi Minh ngựa. Hai tay đờn hiền hậu có cùng tên Đức nên được phân biệt Đức Cống, Đức Cạp. Riêng Anh Thy tuy dáng vẻ hào hoa, lịch lãm nhưng do mang tên thật là Phạm Văn Khổn nên bị anh em âu yếm tặng cho cái biệt danh khó nghe: Khổn Lò! Dù vậy nhạc sĩ nhà ta lại tỏ ra thích thú.

Ngay tối mồng một, Việt Cộng đột nhập tấn công Bộ tư lệnh Hải quân. Tuy cả toán đặc công bị tiêu diệt nhưng đủ để biến ban văn nghệ thành trung đội tác chiến. Chừng tháng sau, khi được chỉ định làm trưởng trại tiếp cư Phạm Thế Hiển, tôi kéo trọn trung đội này qua bên kia cầu chữ Y để giữ an ninh trật tự….Nhiều tháng sau đó, toàn ban lại khăn gói xuống chiếc y tế hạm, trực chỉ miền Trung, ngược dòng Hương giang đến ủi bãi bên cầu Tràng Tiền và bắt đầu công cuộc cứu trợ đồng bào nạn nhân cộng sản.

Ở Huế trở về, tôi được thăng cấp, thăng chức phó phòng, bàn giao ban văn nghệ cho một sĩ quan tân đáo. Bẵng một thời gian, một buổi sáng, Anh Thy vào văn phòng tặng tôi bản nhạc mới ra lò “Lính Mà Em”. Anh cho biết đã sáng tác trong những ngày ở Huế. Tôi có dịp hỏi anh học nhạc với ai. Anh Thy tươi cười, nghe cái “air” thì biết là ai rồi. Tôi thú nhận không rành nhạc. Anh lại cười, là Nhật Trường sư phụ!

Ngoài Anh Thy , Mặc Thế Nhân và Nguyễn Vũ cũng thỉnh thoảng tặng tôi các bản nhạc và các dĩa hát mang giọng ca Lệ Thu, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền… Tôi cứ áy náy nghĩ đến chuyện phải tặng lại cái gì. Thời may bỗng tới. Buổi chiều đang đọc văn thư, tôi bất ngờ nhận điện thoại từ nhà văn Huỳnh Văn Phú. Chúng tôi mất liên lạc nhau từ sau trung học. Anh đang làm trưởng phòng Tâm lý chiến Bộ Tư Lệnh Sư đoàn TQLC đồn trú cách chỗ tôi làm vài khu phố. Anh rủ đi nhậu ở một quán bên lề đường Phạm Ngũ Lão, tình cờ tôi ngồi cạnh nhà xuất bản Thiên Tứ. Ông Thiên Tứ thấy tôi mang hia đội mão hải quân nên trêu chọc: “ Binh chủng nào cũng có truyện viết về binh chủng của họ như Đời Phi Công, Đời Pháo Thủ…Chắc Hải quân có người nhái nên lặn kỹ quá”! Tôi khích lại: “Nếu ông in thì tôi viết.” Ông Thiên Tứ tỉnh queo: “Nếu anh dám viết thì tôi dám in”. “Thật không”? “ Sao không thật? Chỉ với một điều kiện: cái tựa phải là Đời Thủy Thủ”.

Tôi thấy cũng dễ… ăn tiền. Cứ dựa vào bốn năm đi tàu từ ngày ra trường, rồi thêm mắm thêm muối là thành truyện dài thỏa mãn điều kiện. Hăng hái, tôi miệt mài viết ba tháng liền nhưng vì ướt át quá nên trở ngại…. phối hợp nghệ thuật. Mãi đến giữa năm 1969 tôi mới có sách để “đáp lễ” các nhạc sĩ quen của tôi. Khi đọc dòng đề tặng Mến tặng nhạc sĩ Anh Thi, anh gãi đầu xin sửa thành Thy. Vài hôm sau, Anh Thy chê: “ Truyện viết về sĩ quan mà lại lấy cái tựa “Đời Thủy Thủ”. Tôi bào chữa: “Thì quan đi tàu cũng là…thủy thủ”!

Chưa kịp hưởng cái thú chiều chiều dạo qua các nhà sách, sạp sách xem vị thế trình làng của Đời Thủy Thủ, tôi được lệnh tham dự hành quân tái lập quận Năm Căn. Toàn ban văn nghệ với sự tăng cường các chuyên viên tâm lý chiến gồm các nhà văn nhà thơ Võ Hà Anh, Phan Minh Hồng, Tống Minh Phụng, Tô Giang…, chúng tôi đảm trách phần nhiệm chiêu dụ dân chúng trở về quận cũ đang bỏ hoang. Ngày nào như ngày nào, cứ vừa ra khỏi căn nhà nổi trên sông Bồ Đề chừng vài trăm thước là bị tấn công. Tuần nào cũng có tử thương, bị thương nặng nhẹ. Việt cộng cũng không chừa cả chiếc y tế hạm có mang biểu tượng hồng thập tự to lớn hai bên hông.

Sau một tháng căng thẳng thần kinh, tôi may mắn trở về không bị sứt mẻ, lại đi nhậu với Huỳnh Văn Phú, lại bị nhà xuất bản khích tướng, rằng nếu tôi dám viết nữa thì ông sẽ dám in nữa. Tôi lại phải bỏ ăn, bỏ chơi, bỏ ngủ nhiều tháng. Nạp xong bản thảo cho Sở phối hợp nghệ thuật thì cũng vừa lúc tôi chia tay ban nhạc để về đơn vị mới vùng biên giới Việt- Miên. Ai cũng bùi ngùi. Riêng Anh Thy cười cười, mong sớm gặp lại ông thầy.

Gần Tết năm 71, lên Sài Gòn nhận quyển Trong Cơn Bão Biển từ nhà in, bản đặc biệt dành để biếu. Tôi ghé Phòng tâm lý chiến ưu tiên tặng họa sĩ Vũ Thái Hòa, người phụ trách trình bày tờ Lướt Sóng và vẽ bìa cho các quyển truyện dài của tôi. Sau đó tôi đến phòng dợt nhạc. Nhìn tựa truyện Trong Cơn Bão Biển, Anh Thy đùa: “ À, truyện về bão, không phải về quan… thủy thủ!” Tôi cười gượng: “Vẫn là truyện quan thủy thủ!”.

Về lại vùng hoạt động, lòng nhủ lòng nhất định phải viết một truyện về lính. Cuối tuần, tôi theo các giang đỉnh đi hành quân tuần tiễu. Một giang đỉnh thường được trang bị bốn nhân viên. Thuyền trưởng thâm niên nhất mang cấp hạ sĩ quan. Đây là một tập hợp các nhân vật lý tưởng cho quyển truyện tương lai. Tôi quan sát ghi nhận sinh hoạt. Tôi nghiền ngẫm nội dung, sắp xếp bố cục. Đầu năm 75, quyển Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh ra đời. Tôi ghé phòng Tâm lý chiến, hy vọng ban văn nghệ chưa đi trình diễn xa để có dịp khoe “thành tích” với Anh Thy. Nhưng Vũ Thái Hòa lại báo tin Anh Thy đã tử nạn trong một chuyến công tác vài năm trước đó…

Anh Thy để lại mươi bài hát mang niềm vui và hãnh diện cho Hải quân. Riêng nhạc phẩm Hoa Biển được in như một sử liệu trong Tuyển Tập Hải Sử, trang 205, do Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải ấn hành năm 2004 tại Hoa Kỳ.

… Ngoài những lần gặp lại Nhật Trường Trần Thiện Thanh trên cuốn video Holywood Night, tôi còn có dịp gặp tận mặt trao đổi vài câu khi anh và ca sĩ Mỹ Lan phụ trách phần văn nghệ cho buổi ra mắt sách của nhà văn Phan Nhật Nam tháng 11/1997 tại thủ đô Hoa Kỳ. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã ký tặng tôi CD mới nhất Gọi Tên Anh Là…Lính, và thật tình cờ trong đó lại có bài Hoa Biển tôi ưa thích. Sau đó, khi về lại California, anh còn gửi tặng tôi CD “Hát Cho Lính & Những Người Yêu Lính”.

Một hôm nghe tin Nhật Trường tuyên bố giải nghệ, tôi gửi mua ngay cái DVD cuối cùng của anh: Nhật Trường Giã Từ Sân Khấu.

Ngày 13 tháng 5 năm 2005, các báo đồng loạt đưa tin Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã vĩnh viễn ra đi....

Gần một năm sau, gần thủ đô của người Viêt tỵ nạn, Trung tâm Asia tổ chức một đại nhạc hội quy mô trên một sân khấu tráng lệ để vinh danh chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ tài hoa. Tôi muốn về tham dự nhưng ở quá xa. Đành phải chờ DVD 50 Anh Không Chết Đâu Anh phát hành tháng 4/2006.

Từ nhạc bản đầu tiên của DVD 1, tôi đã bắt đầu rơi nước mắt. Tôi say mê thưởng thức từng bài hát qua những giọng ca hàng đầu, qua nghệ thuật hòa âm hiện đại, trong một khung cảnh huy hoàng và trong nỗi xúc động sâu xa. Tới DVD thứ nhì, sau liên khúc Không Bao Giờ Ngăn Cách và Mùa Đông Của Anh, người điều hợp chương trình giới thiệu mục kế tiếp: “Ca khúc Hoa Biển được viết chung với nhạc sĩ Anh Thy, cũng là một Trung uý Hải quân”. Đang tràn ngập xúc động, lời giới thiệu làm tôi tỉnh người. Tôi chưa từng nghe hoặc đọc thấy tác giả Hoa Biển là Trần Thiện Thanh dù là soạn chung với Anh Thy. Trên các ấn phẩm bài Hoa Biển tôi được tặng từ xưa tới nay đều ghi một tác giả duy nhất là Anh Thy. Tác phẩm này nổi tiếng đến độ nói đến Hoa Biển là người yêu nhạc nghĩ đến Anh Thy hoặc nói đến Anh Thy là thấy Hoa Biển. Thêm một ngạc nhiên nữa, nhạc sĩ Anh Thy không thể là Trung úy Hải quân. Cho đến ngày tôi rời ban văn nghệ năm 1970, Anh Thy còn mang cấp hạ sĩ. Vào năm anh tử nạn 1973, có thể anh được vinh thăng Thượng sĩ .

Khi Anh Thy còn sống, tôi chưa từng nghe anh nói Hoa Biển được hợp soạn cùng sư phụ.

Khi Trần Thiện Thanh còn sống, tôi cũng chưa từng nghe anh lên tiếng tương tự... Vậy thì vì lý do gì sau khi cả hai nhạc sĩ đã ra người thiên cổ, tên của Trần Thiện Thanh được gắn vào Hoa Biển … Không chỉ thế, trên một vài diễn đàn liên mạng về âm nhạc, một số người cho rằng Anh Thy là bút danh khác của Trần Thiện Thanh. Lại có người nói rằng có một người lính hải quân thuộc phòng Tâm Lý Chiến không biết đờn tên Phạm Văn Khổn đã tiếm danh Anh Thy của Trần Thiện Thanh. Trước những tin tức này, tôi xin đưa ra đây thủ bút của Nhật Trường xác nhận có quen biết một người mà anh gọi rành rọt là nhạc sĩ Anh Thy.

“ K/g Anh Vũ Thất,
Xin cảm ơn thịnh tình của anh, xin gửi anh “Rừng Lá Thấp”.
Anh Thy chết trước 75 tại VN trên đường công tác ở Qui Nhơn.
Quán Anh Thy ở Cali không liên quan gì đến nhạc sĩ Anh Thy.
Cảm ơn anh lần nữa. Kính,
18/7/2000 ký tên Nhật Trường”


Còn việc Trần Thiện Thanh hợp soạn Hoa Biển với Anh Thy, ước mong rằng được nhìn thấy một chứng cứ cụ thể.

* VŨ THẤT.

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Hai Cõi Thiên Thai

Image
Văn Cao, người viết “Thiên Thai”.
Quỳnh Giao

Trong dịp Trung Thu, khi ngồi ăn miếng bánh dẻo thơm phức mùi hoa chuối, người viết bỗng nhớ về tuổi ấu thơ ở nhà... Bánh nướng thì có khi mình còn nhường người Tầu, chứ bánh dẻo thì của Việt Nam mới ngon! Từ ở nhà đã thấy như vậy.

Ngồi tại Cali thưởng trăng mà cắn miếng bánh dẻo nhân hạt sen cà của Bảo Hiên thì thấy mát ruột và nhớ nhà. Uống ngụm trà rồi miên man nhớ tới chuyện ấu thơ. Nào là Ðường Minh Hoàng du nguyệt điện, nào là vũ khúc nghê thường... Với lũ nhóc, cõi Thiên Thai lúc đó có khi chỉ là đường Ðồng Khánh trong Chợ Lớn nhờ mấy cái tủ kiếng và hình tiên múa treo lơ lửng ngang đường dây điện...

Thế rồi mình nghĩ đến cõi Thiên Thai trong thi ca, thơ phú...

Với người yêu nhạc và lại đi hát từ tấm bé, cõi Thiên Thai ấy gợi nhớ tới hai ca khúc nổi tiếng của Văn Cao và Phạm Duy. Xin hãy ăn bánh thưởng trăng bằng cách tìm về hai ca khúc ấy...

Dường như vào thuở bắt đầu sáng tác nhạc, Phạm Duy đã coi Văn Cao là một mentor (người dìu dắt) của mình. Quỳnh Giao đã có lúc so sánh sự nghiệp của hai nhạc sĩ, một Văn Cao già dặn từ trẻ và một Phạm Duy tràn đầy phong độ lúc trung niên. Khi Văn Cao viết các tác phẩm “lớn” như Thiên Thai, Trương Chi hay Trường Ca Sông Lô, thì Phạm Duy mới chỉ có Cô Hái Mơ, Cây Ðàn Bỏ Quên, Chú Cuội, Ðêm Xuân...

Nhưng thiên tài Văn Cao tắt ngúm sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc, và Phạm Duy của thập niên 50-60 thăng hoa ở trong Nam với những ca khúc xưng tụng quê hương như Tình Ca, Tình Hoài Hương, Người Về, Chiều Về Trên Sông, hay trường ca Con Ðường Cái Quan, ngoài những tình khúc để đời như Ngày Ðó Chúng Mình, Thương Tình Ca, Ðường Chiều Lá Rụng, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Còn Gì Nữa Ðâu, Nước Mắt Rơi, v.v... Qua thập niên 70, Phạm Duy vẫn lừng lẫy với đời qua những ca khúc hay và đẹp như Kỷ Niệm, Trả Lại Em Yêu, Nghìn Trùng Xa Cách, Cỏ Hồng và một trường ca nữa là Mẹ Việt Nam...

Với ngàn lời ca như Phạm Duy đã từng kể và ghi lại, thì tài năng của ông quả đã vượt qua Văn Cao quá xa. Vậy tại sao mỗi một sáng tác của Văn Cao lại như một nỗi ám ảnh của Phạm Duy?

Sở dĩ người viết dám nói vậy, vì chính Phạm Duy luôn luôn phân tích kỹ càng nhạc thuật và lời từ của Văn Cao, và khiêm nhượng tự nhận rằng mình có bị ảnh hưởng của Văn Cao. Khi Văn Cao viết Trương Chi, ông có vẻ kể chuyện cổ tích, mà thật sự là lời ta thán (hay xưng tụng) về cõi cô đơn của chính mình. Sau đó vài năm Phạm Duy viết bài Khối Tình Trương Chi hoàn toàn trong sáng theo lối kể chuyện. Quỳnh Giao cũng đã viết về cả hai ca khúc này trong mục tạp ghi (“Có hai chàng Trương”) vào đầu Tháng Chín năm ngoái.

Khi sáng tác bài Ðường Em Ði hồi cuối thập niên 60, tức là khá lâu sau Cung Ðàn Xưa của Văn Cao, Phạm Duy cũng thừa nhận rằng mình bị ảnh hưởng Văn Cao với “gót hài khai hoa,” mà viết nên “Ðường em có đi, hằng đêm bước qua, nở những đóa thơ, ôi dị kỳ”... Nghĩ vậy nên hôm nay, Quỳnh Giao tìm đến hai cõi Thiên Thai của hai đại nhạc sĩ, đó là hai bài Thiên Thai, và Tiếng Sáo Thiên Thai...

Văn Cao viết Thiên Thai đầu thập niên 50, trong bản in của nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế thì ghi là 1953. Nhạc của Văn Cao và lời của Văn Cao và Hoàng Thoái. Bài hát viết trên cung Ré thứ, hầu như là loại âm giai mà các nhạc sĩ mới sáng tác ngày xưa đều dùng. Hai đoạn mở đâu cung Ré thứ có những chuyển đoạn khéo léo như cách kể câu chuyện khi du dương, khi kỳ bí. Chỉ đến đoạn cuối, ông mới chuyển qua Ré Trưởng trong sáng và rộn rịp. Các ca sĩ ngày xưa hát toàn giọng kim thì mới ca cho đúng “ton”, toàn những nốt Fa Năm (tức là nốt Fa ở hàng kẻ thứ năm) cao chót vót, véo von trong trẻo.

Văn Cao quả là người khéo kể chuyện!

Ông bắt đầu bằng tiếng hát, “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng”... Nhưng mà “ai” hát? Chữ “ai” này đắc địa quá chừng! Chúng ta không cần biết là ai hát, chỉ thấy tiếng hát vang vọng trên sóng nước, làm cho âm ba rung cánh đào rơi, và làn khói phủ quanh trời khiến tác giả nhớ tới cảnh Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Ðào Nguyên...

Từ đây chúng ta bước vào truyện với Thiên Thai ngày tháng không tàn, và gặp cả thiên tiên dâng trái đào thơm trong điệu vũ nghê thường mờ ảo... Nét nhạc đến đây trở thành lộng lẫy, nghe như có loan, có phách và có cả đèn hoa rực rỡ của một hội hoa đăng... Nhưng non tiên nào rồi cũng hoang vắng vì thiếu tình yêu nơi dương thế! Ðiệp khúc ròn rã tiếng gió cùng tiếng phách, như tiễn người về trần, rồi thành man mác buồn khi mỗi chiều xa khơi người về trần lại nhớ tới cõi tiên...

Thật là một tuyệt tác về cả ý nhạc lẫn lời từ. Bài hát này, Quỳnh Giao thích nhất khi được nghe giọng hát trượng phu Anh Ngọc trình bày, với dàn phụ họa giọng nữ trong chương trình Hoàng Trọng ngày xưa...

Phạm Duy sáng tác bài Tiếng Sáo Thiên Thai năm 1959 tại Saigon, mà theo lời của chính tác giả là viết cho cặp song ca Thái Thanh, Thái Hằng lúc đó đang rất ăn khách và thiếu bài hát song ca.

Không như Thiên Thai là truyện cổ tích kể lại bằng nhạc, Tiếng Sáo Thiên Thai không kể chuyện hai chàng Lưu Nguyễn, mà là một bài hát lấy ý thơ của Thế Lữ phổ vào nhạc. Nhưng Tiếng Sáo Thiên Thai là một cảnh tiên êm đềm và thơ mộng. Âm điệu Habanera dìu dặt và êm ái rất thích hợp với lời ca khi lửng lơ, khi cao vút, khi xa vắng, khi mênh mông...

Tiếng Sáo Thiên Thai được viết trên cung Mi giáng Trưởng, lên cao vút (cũng là nốt Fa Năm) đều đặn như một bài thơ năm chữ và đặc biệt là cứ mỗi cuối câu, lại có một câu láy.


Xuân tươi,

Êm êm ánh xuân nồng

Nâng niu sáo bên rừng

Dăm ba chú kim đồng...


Vào thời đó, modulation của Tiếng Sáo Thiên Thai mới thật là tài tình mới mẻ vì Phạm Duy chuyển từ cung Mi giáng Trưởng qua cung Sol thứ / Ré 7/ Sol thứ / Ré 7/ Mib Trưởng / Ré 7/ Sol thứ. Rồi lại chuyển qua cung Do thứ / Fa 7, để chuyển về cung Si giáng Trưởng / Fa7/ Si giáng Trưởng, lập lại hai lần, vào nốt cảm âm để về lại nguyên cung là Mi giáng Trưởng. Hát bài này với một người đệm đàn không được cứng và không biết chuyển cung thì ca sĩ phải giữ lấy hồn mình, kẻo đi lạc lên Thiên Thai mà không hay...

Ngoài hai cô Thái Thanh và Thái Hằng thường trình bày rất quyện và điêu luyện, Quỳnh Giao nhận thấy hầu như những cặp chị em hát song ca bài này đều hay và đẹp vì hình ảnh dễ thương nữa. Thí dụ như cặp Mai Hương và Bạch Tuyết, cặp Thái Hiền và Thái Thảo, và Quỳnh Giao cũng đã hát bài này với em gái Vân Quỳnh trong tape nhạc Jo Marcel năm xưa...

Nhắc lại năm xưa, mình mới nhớ rằng Tết Trung Thu nào các trường tiểu học cũng đều dùng Tiếng Sáo Thiên Thai làm nhạc nền cho các em bé gái nhỏ múa, kể cả em nhỏ này (là người viết) khi còn học lớp Năm. Ngày nay, nếu các em nhỏ của chúng ta vẫn được múa hát trên giai điệu ấy, có lẽ chúng sẽ tìm hiểu nhiều hơn. Và biết đâu lại chẳng yêu thích hơn trò dọa ma trong ngày Halloween!

User avatar
dauden
Posts: 575
Joined: Mon Aug 24, 2009 6:09 pm

Post by dauden »

Image

Cái Nút Áo

Tác giả: Khuyết danh


Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi.

Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn 4g sáng. Tôi đến bên máy vi tính bật máy lên. Mở chương trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy nghĩ về một ngày đã qua. Nhưng chương trình lại bật lên thông báo nhấp nháy màu đỏ chói: "Tuần sau là đến ngày đầu tiên quen M". Tôi chỉnh chương trình để xem lại cái ngày đầu tiên đó và mĩm cười khi thấy lúc đó mình trẻ con hết sức.

Tôi quyết định sẽ lục tung hết Internet để tìm ra một cái thiệp độc chiêu gửi nàng. Cuối cùng tôi cũng mãn nguyện với một cái thiệp nhiều ý nghĩa. Tôi kéo ngăn tủ ra để lấy cái đĩa CD hình mình để ghép vào thiệp, nhưng chợt nhìn thấy trong đó có một gói quà xinh xắn. Biết là của M tôi hồi hộp mở gói quà. Bên trên là một tấm thiệp to, còn bên dưới là một chiếc đồng hồ để bàn rất dễ thương và một cái nút áo. Hơi ngạc nhiên khi nhìn cái nút áo, tôi vội mở thiệp ra xem.

"Anh thân mến !

Thế là chúng mình quen nhau đã 3 năm rồi. Trong 3 năm qua em rất vui vì đã quen được anh. Em đã học được rất nhiều điều từ anh.

Anh là người rất giỏi, làm được rất nhiều việc lại sống rất tốt với mọi người. Anh sống hết sức chan hoà không câu nệ giàu nghèo, chức vị. Anh hết lòng với mọi người và được rất nhiều anh em bè bạn mến yêu, kính nể.

Tối nay, cũng như bao ngày em đến nhà anh, đã 9g tối anh vẫn chưa về nhà. Khi đến nhà anh, em nhìn thấy mẹ đang khâu lại chiếc áo bị bỏng thuốc lá của anh. Nhìn mẹ chợt em nhớ đến anh, rồi nhớ đến những gì em đã thấy ở nhà anh.

Em xin phép được tặng cho anh cái đồng hồ với lời nhắn : "Thời gian luôn trôi đi lạnh lùng. Có những thứ ngày mai làm được, nhưng có những thứ ngày mai không thể nào làm được".

Và một cái nút áo với lời nhắn chân tình : "Đôi khi người ta biết được rất nhiều điều nhưng lại không biết một điều đơn giản là áo mình đang mặc có bao nhiêu cái nút !". Anh đã sống vì mọi người nhưng trong mọi người lại thiếu một người quan trọng nhất. Anh hãy xem tờ giấy bên dưới. Chúc Anh luôn vui vẻ và thành đạt".


Tôi cầm đồng hồ và cái nút lên, bên dưới có một tờ giấy xếp làm tư nằm ngay ngắn, tôi mở ra xem và thấy ngẩn ngơ với những dòng chữ dưới đây :

Em thấy anh rủ bạn về nhà cùng vui vẻ, làm xả láng mấy thùng Ken, anh em bàn tán chuyện đời, chuyện cơ quan, chuyện nhà sếp, chuyện quan trường, đủ thứ chuyện nhậu hoài bàn hổng hết.

Em thấy mẹ cặm cụi dọn dẹp thức ăn dư, lom khom nhặt từng vỏ lon xếp lại, sáng mai ra chợ đổi lấy chục chanh pha nước, cho thằng con tỉnh rượu mỗi khi say.

Em thấy anh sáng ra sạp gom gần hết báo, đọc ngấu nghiến từng bài từng mục. Ngẫm chuyện đời, chuyện quan liêu, chuyện cửa quyền, chuyện Mỹ, chuyện I rắc, chuyện SEA Games...

Em thấy mẹ cẩn thận sắp từng tờ báo, lựa riêng ra những phần quảng cáo rồi ngập ngừng hỏi cái này cân ký bán được hông con?

Em thấy anh chơi hết lòng với bạn, chẳng bỏ về dù tăng 4 hay tăng 3...

Em thấy mẹ cứ trằn trọc ra vô mãi, 2g rồi mà phòng nó vắng tanh

Em thấy anh sau một ngày làm mệt mỏi, về nhà bật máy lạnh, bật quạt, ngã lưng nằm thẳng chân, chẳng muộn phiền.

Em thấy mẹ ra hiên nằm những ngày trời nóng, rồi lẩm bẩm xem điện tháng này có quá định mức chưa.

Em thấy anh ghiền chơi vi tính, cứ băn khoăn hoài chuyện nâng cấp CPU lên 2 hay 3 Gb

Em thấy mẹ rất ghiền xem cải lương, cứ chặm nước mắt, cứ cười vui thoải mái khi xem hoài cái tivi cà giật, cái Tivi từ lúc anh tắm mưa.

Em thấy anh chuyên viên vi tính, viết phần mềm để quản lý công ty, xem công nợ, lãi lỗ, bấm một phát là có ngay. Thế mà chẳng thể nào tính đúng được tình thương của người mẹ.

Em thấy mẹ chẳng cần vi tính, vẫn âm thầm lập trình cá, cơm, rau. Biết chị Hai cái áo ủi không ngay, còn anh nữa đôi giày cả tuần chưa chịu đánh!

Em thấy anh chuyện làm chuyện lớn mà quên đi những chuyện nhỏ xung quanh.

Em thấy mẹ suốt đời vụn vặt mà dạy con mình những bài học lớn lao...


Có bao giờ các bạn nghĩ rằng mình đã thật sự quan tâm đến ai đó chưa?

Có bao giờ các bạn đã quan tâm đến những chuyện dù chỉ là nhỏ nhặt?

Có bao giờ các bạn tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác?

Hi vọng qua câu chuyện này tôi và các bạn có thể tìm lại được những bài học về sự quan tâm mà các bạn đã lỡ đánh mất.

Hãy dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho những người người mẹ, người cha, những người luôn ở bên các bạn, luôn hướng sự quan tâm về phía các bạn mà không cần đòi hỏi điều đó từ các bạn!

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Hội chứng "một mình"

Gần tuần nay chồng tôi chẳng buồn nói chuyện với tôi. Đi làm về, không cần biết đến vẻ mặt đang buồn thiu của tôi,
anh ăn qua quýt bữa cơm rồi nếu không vào phòng làm việc, xem tivi thì cũng ra khỏi nhà với câu “anh ra ngoài này có tí việc”.

Image

Mình đã làm gì sai? Tôi cố nhớ lại những việc đã làm trong thời gian qua. Nhà cửa bừa bộn ư? Không phải. Bữa cơm không đàng hoàng? Cũng không phải. Chỉ một việc duy nhất là hôm nọ tôi đi công tác đột xuất hai ngày liền, không kịp chuẩn bị mọi thứ ở nhà cho anh chu đáo, chỉ thông báo qua điện thoại rồi đi luôn. Nhưng, chồng tôi là một người rất yêu công việc, sẵn sàng thông cảm cho vợ trong những tình huống như thế, nên chắc cũng không phải vì chuyện đó mà lạnh nhạt với tôi.

Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? Hay anh đã có người khác? Linh cảm của một người phụ nữ đã hai năm làm vợ anh cho tôi biết không thể có điều đó xảy ra.

Một đêm... hai đêm... rồi ba đêm tôi vẫn trằn trọc không ngủ được, anh thì vẫn mặc kệ tôi với ngổn ngang câu hỏi không giải đáp. Không chịu được nữa, tôi cố gần gũi và gặng hỏi anh. Công việc không vừa ý? Mối quan hệ đồng nghiệp có vấn đề? Tôi có thể giúp gì anh?... Anh chỉ một câu trả lời: “Bình thường, có chuyện gì đâu”. Anh nói bình thường nhưng thái độ của anh đối với tôi lại chẳng bình thường chút nào cả. Càng cố gắng xích lại gần anh, anh càng thể hiện cho tôi thấy rằng tôi đang làm phiền anh.

Hay anh đã hết yêu tôi. Điều này thì có thể. Bao nhiêu ngày bị chồng lạnh nhạt là bấy nhiêu ngày tôi sống trong nỗi hoang mang, nghi ngờ bản thân. Càng cố gắng để xích lại thì anh lại như càng đẩy xa tôi ra. Cứ tình hình này tôi biết mình có nỗ lực nữa cũng chỉ thế thôi, chi bằng “mặc xác anh ta”.

Không vội vàng về nhà để chuẩn bị bữa cơm thật tươm tất; cũng không đoái hoài đến vẻ mặt, thái độ của anh xem hôm nay như thế nào nữa, sau giờ làm, tôi lại rủ mấy cô bạn thân lang thang dạo phố, mua sắm những thứ linh tinh cho bản thân... Sau những giờ phút giải trí, sau những việc làm cho bản thân như thế, tôi thấy mình được sống đúng với mình và lấy lại được sự tự tin suýt đánh mất trong những ngày vừa rồi. Tôi đã học được cách dửng dưng với chồng như cách anh đối xử với tôi.

Hôm nay là sinh nhật tôi. Đã gần một tháng hờ hững lạnh lùng. Tôi giật thót mình. Liệu chúng tôi còn tiếp tục thế này trong bao lâu nữa? Đang sắp xếp tài liệu trước khi ra về thì có tin nhắn: “Anh đang chờ em ngoài cổng cơ quan. Ra ngay nhé”. Tôi ló mặt ra cửa sổ, chồng tôi đang ôm bó hoa rực rỡ, vẻ mặt hân hoan chờ đợi. Chúng tôi nhìn nhau trong nỗi xúc cảm tưởng như không bao giờ khơi dậy được nữa, như chưa hề có một khoảng thời gian vừa qua.

Chúng tôi đã có một buổi tối thật kỳ diệu. Anh ôm tôi vào lòng và thủ thỉ. Không phải là anh không yêu em nữa, cũng không có lý do gì đặc biệt mà có những lúc tâm lý của người đàn ông như thế đấy. Muốn một mình, muốn sống với thế giới của mình. Giờ thì tôi đã vỡ lẽ. Tất nhiên là chẳng thú vị gì, nhưng tôi cũng đã hiểu và thông cảm cho những lúc chồng tôi muốn một mình. Phải chăng đó cũng là quy luật tình cảm của nhiều cặp vợ chồng chứ không riêng gì chúng tôi?

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắc nhở với những người đàn ông có “bệnh” như chồng tôi rằng các anh cũng phải biết điều chỉnh cái nhu cầu của mình ở mức chấp nhận được, nếu không, chị em chúng tôi không “để yên” mãi được đâu!

Theo Thu Hà...và Thu Hương

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Susan Boyle ra mắt bìa album đầu tay

Sau vài tuần hồi hộp chờ đợi, cuối cùng khán giả hâm mộ cũng được chiêm ngưỡng bìa album đầu tay của “giọng ca thiên thần” Susan Boyle.
Album “I dreamed a dream” được đánh giá là một trong những album “hot” nhất trong năm 2009 này.

Image
Bìa album đầu tay của Susan Boyle -I dreamed a dream

Susan Boyle được khán giả hâm mộ trên toàn thế giới biết tới kể từ tháng 4/2009 sau khi đoạn video clip ghi lại phần trình diễn của cô tại cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc Britain’s Got Talent năm 2009 được tung lên mạng Youtube.

Từ một phụ nữ độc thân, không nghề nghiệp, Susan Boyle bỗng trở thành thần tượng của hàng triệu khán giả trên toàn thế giới và được báo giới “chăm sóc” rất kỹ lưỡng. Kết thúc cuộc thi Britain’s Got Talent, Susan Boyle chỉ xếp vị trí thứ hai nhưng cô đã nhanh chóng có được hợp đồng thu âm với nhà sản xuất nổi tiếng Simon Cowell.

Suốt mấy tháng qua, Susan Boyle làm việc chăm chỉ trong phòng thu để có thể kịp trình làng album đầu tay trong tháng 11 tới. Hôm qua 13/10, bìa album đầu tiên của Susan Boyle đã chính thức ra mắt khán giả.
Image
Lung linh và duyên dáng trên các tạp chí thời trang
nhưng ngoài đời, Susan Boyle vẫn rất giản dị,
hình ảnh của cô tại Los Angeles, tháng 9/2009.


Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh một phụ nữ giản dị với mái tóc xoăn có phần luộm thuộm tại lần đầu xuất hiện tại cuộc thi Britain’s Got Talent năm 2009, hình ảnh của Susan Boyle trên bìa album I dreamed a dream thật duyên dáng và nữ tính. Đây là một trong những bức ảnh mà Susan Boyle thực hiện cho tạp chí Harper's Bazaar của Mỹ, hồi tháng 7/2009.

Bìa album được sử dụng tông màu trắng đen và làm nổi bật nụ cười duyên dáng của Susan. Dù phải tới 23/11 tới, album I dreamed a dream mới chính thức được phát hành nhưng thành công của nó đã đáng để nhiều người ngưỡng mộ. Hiện tại, I dreamed a dream đang dẫn dầu bảng xếp hạng những album được đặt mua trước của website Amazon.


Mi Vân

Post Reply