TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Người nước ngoài tháo chạy khỏi Libya Hàng loạt chính phủ đang hối hả điều động máy bay, tàu phà vào Libya để sơ tán công dân. Những người nào chưa được chính phủ giúp thì đi ô tô hoặc thậm chí chân đất sang nước láng giềng lánh nạn.
Image
Hai nhân viên thuộc Tổ chức Chữ thập đỏ đưa một công nhân Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Benghazi lên tàu về nước hôm 23/2. Ảnh: AP.


Lo ngại nội chiến sẽ bùng nổ tại Libya, nhiều nước như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Ảrập Xêút thuê tàu biển và máy bay tới quốc gia Bắc Phi để đưa công dân của họ tới nơi an toàn, AFP cho hay.

Hàng chục nghìn người nước ngoài chen chúc ở sân bay tại thành phố Tripoli, thủ đô Libya, với hy vọng sớm rời khỏi đây trong bối cảnh bạo lực ngày càng tăng. Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán 6.000 công dân của họ bằng máy bay, tàu biển và ô tô. Đây là một trong những chiến dịch sơ tán lớn nhất tại nước ngoài mà Istanbul từng thực hiện trong vài năm gần đây. Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu hôm qua thông báo rằng 21 nước yêu cầu Istanbul cho phép công dân của họ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng nghìn người nước ngoài tại Libya chạy sang Tunisia từ khi biểu tình bùng nổ hôm 15/2, Tổ chức Di cư Quốc tế thông báo.

Hơn 300 công nhân Nga và gia đình họ trở về thủ đô Matxcơva trên ba phi cơ chở khách.

“Họ đốt một đồn cảnh sát sát nhà chúng tôi. Nhiều tiếng súng vang lên trong đêm, trong đó có cả tiếng súng máy. Chúng tôi không dám ngủ trong nhiều đêm”, một phụ nữ kể trên đài truyền hình quốc gia Nga khi bước xuống sân bay.

Đối với nhiều nước châu Á, đưa công dân tại Libya về nước là một thách thức to lớn về mặt vận tải. Khoảng 150 nghìn công nhân châu Á đang mắc kẹt tại Libya, trong đó có 60 nghìn người Bangladesh, 30 nghìn người Philippines, 23 nghìn người Thái Lan, 18 nghìn người Ấn Độ, 3 nghìn người Nepal.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo đang theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho lao động và kiều dân Việt Nam tại Lybia. Hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam, chủ yếu là công nhân, tại nước này.

Trung Quốc đã đưa được khoảng một nửa trong số 30 nghìn công dân của họ bằng tàu biển từ Hy Lạp. Thậm chí Bắc Kinh còn điều động cả những tàu đánh cá, tàu chở hàng tại các vùng biển gần Libya tham gia nỗ lực sơ tán.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Seoul thuê một phi cơ chở khách của Ai Cập đưa khoảng 1.400 công dân của họ tại Libya sang Ai Cập.

Phó Tổng thống Philippines, ông Jejomar Binay, sẽ bay tới Trung Đông vào ngày mai để đánh giá kế hoạch di dân Philippines ra khỏi Libya.

Italy từng tiếp nhận dòng người tị nạn khổng lồ sau cuộc nổi dậy tại Tunisia. Giờ đây Ngoại trưởng Franco Frattini của Italy cảnh báo số người tháo chạy từ Libya sang nước này sẽ lớn hơn nhiều lần và yêu cầu EU có kế hoạch trợ giúp.

Minh Long

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Gia đình tổng thống Libya thề sống chết trong nước

Image
Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. Ảnh: EPA.
Con trai của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi tuyên bố gia đình này sẽ ở lại đất nước bằng mọi giá, dù cuộc bạo động đẫm máu đang khiến chiếc ghế của Gaddafi lung lay.
> Người nước ngoài tháo chạy khỏi Libya / Libya bên bờ nội chiến
“Kế hoạch của chúng tôi là sống và chết tại Libya”, Seif al-Islam Gaddafi phát biểu với kênh truyền hình CNN khi được hỏi liệu họ có kế hoạch dự phòng nào cho tình hình bất ổn hiện tại ở quốc gia Bắc Phi này hay không.

Con trai của Tổng thống Gaddafi thừa nhận rằng lực lượng trung thành với bố ông mất kiểm soát ở miền đông đất nước nhưng cho rằng giới chức sẽ sớm giành quyền kiếm soát các khu vực đó.

“Có hơn hai triệu người dân ở đó, trong khi số khủng bố chỉ từ 200 đến 300 là cùng. Người ta kêu gọi và cầu cứu chúng tôi. Chúng tôi không thể để một nhúm khủng bố kiểm soát một phần đất nước và người dân Libya”, Seif al-Islam nói.

Khi được hỏi liệu quân đội có tấn công tại thành phố Benghazi hay không, ông nói rằng không chỉ quân đội mà cả đất nước này sẽ giúp giải quyết vấn đề.

Seif al-Islam cũng chỉ trích báo chí, đặc biệt là kênh truyền hình Ảrập Al Jazeera vì cho rằng họ đã đưa tin không trung thực về số dân thường thiệt mạng cũng như hoạt động của những người ủng hộ chế độ này. "Tất cả những thông tin bịa đặt là từ kênh Al Jazeera. Chúng tôi biết rõ lý do", Seif al-Islam tuyên bố và cáo buộc kênh truyền hình này hậu thuẫn khủng bố.

Seif al-Islam khẳng định bố ông không định phá các giếng dầu nếu tình hình xấu đi. "Chúng tôi sẽ không bao giờ phá dầu. Nó thuộc về người dân", ông nói.

Các biểu tình ở Libya là một phần trong cả làn sóng phản đối đang tràn khắp Trung Đông và Bắc Phi, nơi có nhiều nhà lãnh đạo nắm quyền hàng thập kỷ. Mở màn ở Tunisia tháng 12 năm ngoái, làn sóng này đã lật đổ tổng thống Tunisia Ben Ali và tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Những cuộc biểu tình chống chính phủ lan ra khắp các nước như Yemen, Bahrain, Iran.

Ngọc Sơn

User avatar
VuPhong
Posts: 2923
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Triều Tiên dọa bắn sang Hàn Quốc Quân đội Triều Tiên hôm nay tuyên bố sẽ nổ súng về phía Hàn Quốc trong lúc miền nam chuẩn bị cho một cuộc tập trận chung quy mô lớn với quân đội Mỹ - điều mà miền bắc gọi là bước chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng.
Bình Nhưỡng cảnh báo rằng họ sẽ bắn về biên giới nếu Seoul tiếp tục cho phép việc rải truyền đơn về phía bắc, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho hay. Lời cảnh báo cũng đã được chuyển đến phái bộ quân sự Hàn Quốc sáng hôm nay.

"Chế độ bù nhìn phản bội ở Hàn Quốc phải nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình và lập tức chấm dứt cuộc chiến tâm lý chống Triều Tiên", AP trích dẫn tuyên bố của KCNA.
Image
Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập quân sự trên sông Hàn hôm 25/2. Ảnh: AP.
Triều Tiên tố cáo các nhà hoạt động và nghị sĩ Hàn Quốc đã thả nhiều khinh khí cầu mang theo hàng trăm nghìn tờ truyền đơn chỉ trích chính phủ Triều Tiên, vào đúng dịp lễ quan trọng bậc nhất ở nước này - sin nhật chủ tịch Kim Jong-il lần thứ 69 vào giữa tháng hai.

Lời cảnh báo được đưa ra chỉ một ngày trước khi cuộc diễn tập quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu. Triều Tiên cho rằng hoạt động này là bước chuẩn bị cho một cuộc xâm lược, cho dù Seoul và Washington khẳng định cuộc tập trận chỉ có tính chất phòng vệ và hai nước không có ý định tấn công Bình Nhưỡng.

Cuộc tập trận mang tên Key Resolve/Foal Eagle bắt đầu vào ngày 28/2 và có sự tham gia của 12.800 lính Mỹ. Khoảng 200.000 lính Hàn Quốc cũng sẽ tham dự.

Theo AFP, tướng Mỹ Walter Sharp, đứng đầu lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, trước đó cho biết cuộc tập trận nhằm tập luyện các phản ứng "trước một loạt viễn cảnh thực tế, không chỉ là đánh bại một cuộc tấn công thông thường".

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao nhất trong nhiều năm vào năm ngoái, sau vụ tàu chiến Hàn Quốc bị đánh chìm khiến 46 quân nhân thiệt mạng; và việc pháo kích vào một đảo của Hàn Quốc làm 4 người chết. Quan chức quân sự của hai miền đã gặp nhau cuối tháng trước nhưng đàm phán đổ vỡ. Triều Tiên tuyên bố sẽ không trở lại bất kỳ cuộc đối thoại nào với Hàn Quốc nữa.

Thanh Mai

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Liên Hợp quốc trừng phạt lãnh đạo Libya Hội đồng Bảo an hôm qua ra quyết định trừng phạt nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, gia đình và các quan chức thân cận nhằm gây sức ép để ông này ngừng đối đầu với người biểu tình.
Với tỷ lệ phiếu nhất trí tuyệt đối 15-0 đạt được sau cả một ngày thảo luận, hội đồng quyết định áp đặt lệnh cấm vận vũ khí, và yêu cầu các nước thành viên Liên hợp quốc đóng băng mọi tài sản của ông Gadhafi, bốn con trai và con gái. Hội đồng cũng ra lệnh cấm di chuyển đối với nhà lãnh đạo Libya, gia đình và giới thân cận, trong đó có các nhà lãnh đạo ủy ban cách mạng vốn bị cho là liên quan nhiều đến tình trạng bạo lực hiện nay.

Các thành viên Hội đồng Bảo an cũng nhất trí đưa vụ việc đàn áp người biểu tình sang tòa án quốc tế để điều tra xem chế độ của Gadhafi có phạm tội ác chống nhân loại hay không.
Image
Các chướng ngại vật tự tạo trên đường phố thủ đo Tripoli của Libya. Lực lượng trung thành với tổng thống Gadhafi đang củng cố lực lượng tại thành phố này.
Ảnh: AP.
Tuy nhiên Hội đồng Bảo an không xét đến đề nghị lập vùng cấm bay phía trên Libya, cũng không có kế hoạch can thiệp quân sự vào Libya. Liên minh quân sự Bắc Đại tây dương NATO tuyên bố không có ý định can thiệp vào Libya.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ca ngợi các thành viên hội đồng vì đã đạt sự nhất trí, và cho rằng điều đó "gửi một thông điệp mạnh mẽ, rằng sự vi phạm các quyền cơ bản của con người sẽ không được tha thứ".

Đại sứ của nhiều nước phương tây ca ngợi nghị quyết trừng phạt. Đại sứ của Libya tại Liên hợp quốc, người trước đây vài ngày đã tuyên bố quay sang ủng hộ người biểu tình chống chính phủ, cũng ca ngợi nghị quyết trừng phạt Gadhafi.

Các cuộc biểu tình ở Libya bắt đầu từ ngày 15/2, đã lan rộng ra gần một nửa đất nước, chủ yếu ở phía đông. Cho đến nay người biểu tình đã làm chủ nhiều thành phố. Trong khi đó ông Gadhafi và lực lượng ủng hộ vẫn giữ thủ đô Tripoli và đe dọa sẽ trấn áp mạnh mẽ làn sóng biểu tình.

Libya không xa lạ gì với các lệnh trừng phạt. LHQ đã ra lệnh trừng phạt Libya sau vụ điệp viên nước này cài bom cho nổ tung một chuyến bay của Mỹ, khiến 270 người chết trên bầu trời thành phố Lockerbie (Anh).

Năm 2003, Libya thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công và cam kết sẽ từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hủy dueetj. Năm 2009, Mỹ và Libya trao đổi đại sứ lần đầu tiên trong vòng 35 năm, sau khi Tripoli trả 2,7 tỷ USD tiền đền bù cho gia đình các nạn nhân vụ Lockerbie.

Thanh Mai

User avatar
VuPhong
Posts: 2923
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Ai Cập cấm Mubarak và gia đình di chuyển

Văn phòng công tố viên Ai Cập hôm qua ban hành lệnh cấm đi lại đối với tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak cùng người thân.

Image
Cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Ảnh: AFP
BBC dẫn lời phát ngôn viên văn phòng công tố còn cho biết, gia đình Mubarak gồm bản thân cựu lãnh đạo này cùng vợ Suzanne, vợ chồng hai con trai Ala và Gamal cũng bị phong tỏa tài khoản và các loại tài sản.

Chính quyền mới Ai Cập yêu cầu một số chính phủ đóng băng các tài sản ở nước ngoài của gia đình Mubarak. Trong khi đó, những người biểu tình và nhà hoạt động chống tham nhũng đang gây sức ép để điều tra về tài sản của gia đình từng quyền lực nhất Ai Cập này, vốn được ước tính có từ 1 đến 70 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại diện pháp lý của Mubarak bác bỏ những thông tin cho rằng cựu tổng thống Ai Cập đã tích trữ khối tài sản khổng lồ trong thời gian cầm quyền. Đến nay đã có 3 thành viên chính quyền Mubarak bị kết tội tham nhũng gồm các cựu bộ trưởng nội vụ, du lịch và nhà ở.

Cựu tổng thống Hosni Mubarak bị buộc phải từ chức hôm 11/2 vừa qua sau gần 30 năm cầm quyền, do sức ép dữ dội của làn sóng biểu tình khắp cả nước. Hiện ông được cho là sống tại biệt thự riêng ở thành phố du lịch Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ trong tình trạng sức khỏe kém.

Ông Mubarak chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho quân đội, lực lượng sau đó lập ra một chính phủ lâm thời để xây dựng hiến pháp mới và tổ chức tổng tuyển cử. Kể từ đó cựu lãnh đạo từng quyền lực bậc nhất thế giới Ảrập này không hề xuất hiện hay lên tiếng công khai.

Đình Nguyễn

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Tây sẵn sàng dùng vũ lực với Gaddafi

Thủ tướng Anh David Cameron và các lãnh đạo phương Tây khác đang sẵn sàng ra lệnh có hành động quân sự chống chính quyền Gaddafi,
trong bối cảnh lo ngại lãnh đạo Libya có thể sử dụng vũ khí hoá học.

Image
Máy bay chiến đấu Tornado của không quân hoàng gia Anh. Ảnh: RAF
Người đứng đầu chính phủ Anh hôm nay tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng quân sự vì nước Anh "không thể tha thứ việc chính quyền Libya dùng vũ lực chống lại người dân của mình". Quan điểm cứng rắn của London thể hiện qua tuyên bố của ông khi nói rằng sự ra đi của Gaddafi là "ưu tiên cao nhất của Anh".

Ông nói trước các nghị sĩ rằng, Anh và đồng minh đang cân nhắc đưa máy bay chiến đấu đảm bảo vùng cấm bay tại Libya, tuần tra và bắn hạ những chiếc máy bay Libya tấn công người biểu tình. "Nếu đại tá Gaddafi sử dụng quân đội chống lại người dân của mình thì thế giới không thể đứng yên. Đó là lý do tại sao chúng ta nên cân nhắc về một vùng cấm bay", Telegraph dẫn lời ông Cameron nói thêm.

Trước đây, vùng cấm bay đã từng được các nước phương Tây áp dụng tại Iraq và Bosnia với lý do ngăn chặn các chính quyền "cứng đầu" tại những nước này dùng không quân chống thường dân. Tham mưu trưởng quân đội Anh David Richards đã được đề nghị vạch ra các phương án cho những chiến dịch của quân đội Anh có thể thực hiện tại Libya.

Theo đó, nếu vùng cấm bay được áp dụng, Anh sẽ huy động các máy bay chiến đấu như Tornado và Typhoon từ căn cứ Akrotiri đặt trên đảo Síp. Trong các phương án của tướng Richards cũng bao gồm những chiến dịch dự phòng trên bộ trong trường hợp máy bay bị rơi hoặc trúng đạn.

Một phương án khác của Anh là cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho các nhóm bên trong Libya. Bên cạnh đó, Pháp cũng khẳng định họ sẽ hậu thuẫn một chiến dịch can thiệp bằng quân sự với các đối tác NATO. Mỹ cũng bắt đầu "điều chỉnh vị trí đóng quân" tới gần Libya để linh hoạt thực hiện các quyết định sắp tới.

Lực lượng của Mỹ đang có mặt gần nhất tại Libya gồm tàu sân bay USS Enterprise ở Biển Đỏ cùng tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge, với một phi đội trực thăng và 2.000 lính thuỷ quân lục chiến. Ngoài ra Mỹ có căn cứ máy bay của hải quân ở Sigonella, trên đảo miền nam Italy Sicily, cách Libya gần một giờ bay.

Giới quan sát dự đoán các nước phương Tây có thể phát động ném bom lực lượng của Gaddafi khi vùng cấm bay có hiệu lực, nếu phát hiện Libya tiếp tục tấn công người biểu tình. Những người chống Gaddafi cũng đang kêu gọi NATO không kích vì lo ngại không thể đương đầu với lực lượng còn mạnh của chính quyền.

Những lời cảnh báo quân sự của phương Tây được đưa ra sau khi chính quyền Gaddafi bị cáo buộc đã ra lệnh cho máy bay tấn công một đài phát thanh do người biểu tình đang sử dụng tại thành phố Benghazi. Một kho vũ khí nằm trong tay lực lượng chống chính phủ tại thành phố Ajdabiya cũng nổ tung hôm qua.

Không quân Libya được trang bị các máy bay đa nhiệm vừa tiêm kích vừa ném bom Mirage do Pháp chế tạo. Ngoài ra lực lượng này còn có các trực thăng quân sự như loại trực thăng pháo hạm Mil Mi-24 do Liên Xô chế tạo. Các tin tức từ Libya cho biết chính loại trực thăng này đã được sử dụng để chống người biểu tình.

Trong khi đó, Telegraph dẫn các nguồn tin Anh cho rằng Libya vẫn đang cất giữ chất độc hoá học. Theo đó dù đã cam kết từ bỏ vũ khí huỷ diệt năm 2003, chính quyền Gaddafi được cho là vẫn giữ lại tới 14 tấn chất hoá học có thể sử dụng chế tạo khí mustard.

Cũng nguồn tin trên phán đoán số chất hoá học được cất trong những cơ sở tuyệt mật trên sa mạc. Một quan chức cao cấp chính phủ Anh cho rằng, các chất hoá học này cần phải được pha trộn và chiết xuất ra những quả đạn mới có thể được sử dụng làm vũ khí. Tuy nhiên sự hiện diện của các chất hoá học trên vẫn gây ra "mối lo ngại" và Anh muốn đảm bảo chúng đã được phá huỷ.

Đình Nguyễn

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Tàu chiến Mỹ tới gần Libya

Hai tàu chiến Mỹ chở theo lính thủy đánh bộ và khí tài vượt qua kênh đào Suez hôm qua và ngày càng tới gần Libya.

Image
Tàu đổ bộ USS Ponce qua cảng Ismailia ở Ai Cập, chở theo binh sĩ và vũ khí. Ảnh: AFP.

Image
USS Ponce đang ngày càng tới gần Libya. Ảnh: AFP.

Image
Ngoài USS Ponce, một tàu chiến khác cũng trên đường tới Libya là USS Kearsarge. Nó chở theo 42 trực thăng. Ảnh: AFP.

Image
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết hai con tàu chở theo 400 lính thủy đánh bộ và sẵn sàng
tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo cùng sơ tán khẩn cấp khỏi Libya. Ảnh: AFP.

Image
Dù tàu đang áp sát Libya, giới quốc phòng Mỹ vẫn thận trọng về khả năng can thiệp quân sự vào Libya,
đất nước đang rơi vào hỗn loạn vì các cuộc biểu tình chống tổng thống nắm quyền 41 năm nay. Ảnh: AFP.

Hải Ninh

User avatar
TheLang
Posts: 1977
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Ai Cập có Thủ tướng mới

Hội đồng Tối cao quân đội Ai Cập hôm qua bổ nhiệm một cựu bộ trưởng Giao thông làm người lãnh đạo chính phủ.

Image
Giáo sư Essam Sharaf (ngồi giữa trong hàng ghế đầu) theo dõi một cuộc thi khoa học dành cho sinh viên trong năm 2010. Ảnh: itp.net.


Trong một thông báo được công bố trên mạng xã hội Facebook, giới chức quân sự Ai Cập thông báo họ giao trách nhiệm thành lập chính phủ tạm quyền cho cựu bộ trưởng Giao thông Essam Sharaf.

Ông Sharaf trở thành Thủ tướng đầu tiên trong thời kỳ hậu Mubarak sau khi Ahmed Shafiq, người tiền nhiệm của ông, từ chức để đáp ứng yêu cầu của những người chống chính phủ. Nhận ghế thủ tướng trong những ngày tại vị cuối cùng của cựu tổng thống Mubarak, ông Ahmed Shafiq được coi là nhân vật thân cận với Mubarak. Vì thế mà người biểu tình muốn ông ra đi.

Phe đối lập hoan nghênh quyết định của quân đội, coi đó là một chiến thắng đối với “quyền lực nhân dân”. Trước đó quân đội đã thỏa mãn hai yêu sách khác của những người biểu tình là giải tán quốc hội và đình chỉ Hiến pháp.

Mặc dù vậy, nhiều người cảnh báo phe đối lập vẫn phải tiếp tục duy trì áp lực để quân đội thực hiện những cam kết cải cách, như soạn thảo Hiến pháp mới và xây dựng lại bộ máy cảnh sát.

Vốn là một giáo sư cơ khí, ông Sharaf từng tham gia chính quyền của cựu tổng thống Hosni Mubarak từ giữa năm 2004 tới cuối năm 2005. Cựu bộ trưởng Giao thông chiếm được cảm tình người những người chống Mubarak khi tham gia cuộc biểu tình 18 ngày ở quảng trường Tự do tại thủ đô Cairo. Đối với những người kêu gọi cải cách ở Ai Cập, Sharaf đại diện cho tầng lớp công chức có trình độ chuyên môn cao. Sau khi rời chính phủ vào năm 2005, ông thành lập một hiệp hội khoa học.

“Sharaf là một nhà cải cách và ông phê phán hệ thống chính trị cũ”, Shady Ghazali, một nhà lãnh đạo của phe đối lập, nhận xét.

Giới trẻ Ai Cập thể hiện niềm vui của họ trên các mạng xã hội. Ngay sau khi Sharif được bổ nhiệm làm Thủ tướng, tên của ông bắt đầu lan truyền trên mạng Twitter. Liên minh Thanh niên, một trong những tổ chức phát động cuộc biểu tình lật đổ ông Mubarak, tuyên bố rằng họ sẽ tập trung tại quảng trường Tự do để mừng chiến thắng và mời Sharif tuyên thệ nhậm chức tại quảng trường này.

Cựu tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ông Mohamed ElBaradei, cảm ơn quân đội đã lắng nghe nhân dân.

“Hôm nay thể chế cũ đã sụp đổ hoàn toàn. Chúng ta đang đi đúng hướng”, ElBaradei viết trên trang Twitter.

Sau khi cựu tổng thống Mubarak từ chức hôm 11/2 bởi làn sóng biểu tình mạnh nhất trong 29 năm cầm quyền của ông, số vụ phạm tội – đặc biệt là cướp có vũ khí, hoạt động thanh trừng lẫn nhau giữa các băng đảng xã hội đen - tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Do từng trấn áp người biểu tình nên một bộ phận cảnh sát không dám ra đường để trấn áp những tên tội phạm. Vì thế mà các phần tử xã hội đen mặc sức hoành hành. Nhiều người dân tin rằng quân đội nên ưu tiên khôi phục trật tự và an ninh để cuộc sống của người dân Ai Cập trở về trạng thái bình thường.

Việt Linh

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Libya bị loại khỏi Ủy Ban Nhân Quyền LHQ

Ðồng thuận 192/192 phiếu
LIÊN HIỆP QUỐC - Bằng biểu quyết đồng thuận của 192 quốc gia hội viên, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Ba, 1 tháng 3, biểu quyết truất bỏ tư cách thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc của Libya vì hành động đàn áp dân chúng biểu tình của Ðại Tá Moammar Gadhafi.


“Biểu quyết này là một phê phán nặng nề về việc những nhà lãnh đạo Libya đã làm với nhân dân của họ. Hoa Kỳ vẫn còn cảm giác kinh hoàng về tình hình ở Libya. Hành động này là thêm một lời cảnh cáo rõ rệt khác cho ông Gadhafi và những người đứng về phía ông, rằng: phải chấm dứt sự tàn sát,” theo lời bà Susan Rice, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.

Tháng 5 năm ngoái việc bầu Libya vào Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bị những tổ chức nhân quyền phê phán mạnh mẽ.

Bản tuyên cáo chung, ký tên 37 tổ chức, viết: “Ðại Tá Gadhafi liên quan với các nhà tù chứ không phải trong cơ chế cao nhất của thế giới về nhân quyền.” Bản tuyên cáo gọi chính quyền của ông ta là “một trong những chế độ bạo ngược tàn ác và lâu dài nhất thế giới.” Tuy nhiên lời khiếu nại này không được Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc quan tâm tới sau khi 155 quốc gia hội viên đã bỏ phiếu bầu cho Libya. Ngược lại, trong cuộc biểu quyết ngày Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011, toàn thể 192 hội viên đều đồng thuận loại trừ Libya.

Bà Rice tuyên bố trong dịp này: “Chúng tôi rất tiếc Libya đã được bầu năm ngoái. Chúng tôi coi đó là một điều bất hạnh.” Nhưng bà giải thích rằng việc ấy đã không tránh được khi những nhóm quốc gia trong mỗi khu vực chỉ đề cử một ứng viên vào vị trí, và nói thêm, rằng “chính vì vậy mà Hoa Kỳ vẫn chủ trương phải có sự cạnh tranh trong những cuộc bầu cử.”

Tuy nhiên, ông Jorge Valero, đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng Ðại Hội Ðồng đã sai lầm khi loại Libya vì cuộc điều tra của Ủy Ban Nhân Quyền dự tính thực hiện ở Libya chưa được thực hiện. Theo ông: “Những quyết định như thế này chỉ nên có sau cuộc điều tra cụ thể và đủ tin cậy xác định được tính cách trung thực của những sự kiện.”

Phái bộ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc cũng lên án Hoa Kỳ hoạch định một cuộc xâm lăng vào Libya. “Những ai đề xướng việc sử dụng vũ lực chống Libya không phải là để bảo vệ nhân quyền mà để thành lập một xứ bảo hộ tại nguồn dầu lửa và năng lượng quan trọng nhất ở Trung Ðông,” Ðại Sứ Valero nói.

Bà Rice, ngược lại, lên án Ðại Sứ Valero là “sống trong một thế giới hoang tưởng.” Bà cho hay: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ sự bóp méo cố ý và dơ bẩn về chính sách và thái độ của nước Mỹ” và gọi lời nhận định của Venezuela là “đáng hổ thẹn,” “cần phải đặt vấn đề về thành tích nhân quyền của nước này.”

Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc gồm 47 nước thành viên được bầu với nhiệm kỳ 3 năm từ các ứng viên do khối quốc gia từng khu vực đề cử. Năm ngoái, Libya vận động sự tán trợ của nhóm 6 nước Phi Châu, Á Rập, Hồi Giáo: Botswana, Gabon, Jordan, Lebanon, Nigeria, và Qatar để được đề cử. (C.H.)

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Quân đội Anh sẵn sàng vào Libya trong 24 tiếng Một đơn vị bộ binh gồm 600 quân của Anh vừa trở về từ Afghanistan đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai tới Libya trong vòng 24 tiếng nếu có lệnh.

Telegraph dẫn các nguồn tin cho biết, đơn vị trên đang đóng tại Fort George, gần thành phố Inverness, phía bắc Scotland. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định lực lượng này chỉ được chuẩn bị sẵn sàng cho các chiến dịch nhân đạo khi cần thiết, chứ không tham chiến tại Libya.
Image
Binh sĩ Anh thuộc lực lượng được cho là đã sẵn sàng tới Libya. Ảnh: Armybase


Tiết lộ về tình trạng sẵn sàng xung trận của binh sĩ Anh diễn ra khi ngày càng có nhiều mối lo ngại về việc đại tá Gadhafi cố giữ quyền lực tại Libya có thể đẩy nước này vào cuộc nội chiến đẫm máu, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Các thành viên khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm qua cũng đồng ý lập các kế hoạch dự phòng về việc lực lượng vũ trang có thể can thiệp vào Libya như thế nào. Anh cũng đang chuẩn bị cử các nhà ngoại giao và cố vấn đặc biệt tới thành phố Benghazi, miền đông Libya, đang nằm trong tay phe nổi dậy.

Mỹ cũng đã điều các tàu chiến tới gần Libya như một thông điệp gửi tới chính quyền đại tá Muammar Gadhafi. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama tỏ ra thận trọng về các hành động quân sự và cho biết, Mỹ chỉ đang chuẩn bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong bối cảnh đó, cuộc nội chiến tại Libya giữa hai lực lượng ủng hộ và chống Gadhafi đã bùng phát mạnh mẽ trong ngày hôm qua. 17 người thiệt mạng trong một vụ nổ tại thành phố Benghazi đêm qua. Lực lượng nổi dậy cho rằng đây là hậu quả của một vụ không kích do phe ủng hộ Gadhafi tiến hành.

Điểm nóng giao tranh dữ dội nhất là khu vực thành phố Zawiya, cách thủ đô Tripoli khoảng 50 km về phía nam, khi binh sĩ ủng hộ Gadhafi mở cuộc tấn công tổng lực để giành lại thành phố này từ tay quân nổi dậy. Cả hai bên sau đó xác nhận chỉ huy nhóm nổi dậy chiếm giữ Zawiya hơn một tuần qua đã thiệt mạng.

Cho đến chiều qua, thế giằng co vẫn diễn ra tại Zawiya khi chưa có bên nào kiểm soát hoàn toàn thành phố. Chưa có thống kê về số người thiệt mạng tại đây, nhưng các nguồn tin ước tính con số này là hơn 15 người.

Đình Nguyễn

Post Reply