
Về "Bài Tango cho mùa Thu"
Tôi theo bố mẹ vào Sàigon từ năm chưa đầy tám tuổi, trước thời "Di Cư" bốn năm năm chứ không ít. Trước đấy thì chi biết là trong năm có mấy tháng người ta rục rịch chuẩn bị ăn Tết, thời tiết dễ chịu chứ không còn cái màn co ro rét mướt của mấy tháng trước. Rồi sau Tết chẳng bao lâu thì khí trời đã bắt đầu oi bức; có những hôm đúng là nóng đến nơi đến chốn! Cho đến một ngày trời đất có phần mát mẻ trở lại thì khi ra phố tôi chỉ để ý đến những cái lồng đèn đủ kiểu đủ cỡ người ta bày bán cùng với bánh mứt nhân dịp "Trung Thu". Trong những ngày tháng đó mà đi đường có thấy lá rơi hay có tí gì khang khác trong khung trời xanh trên cao, trong những tàn lá, v.v.. thì thử hỏi xem con nít hơi đâu mà lại đi để tâm đến những chuyện như thế?
Thế rồi một khi vào Nam thì mọi việc trở nên đơn giản: Cứ mưa rơi đâu chừng nửa năm thì trời đất lại khô ráo trong vòng nửa năm; tuy giữa những ngày mưa thì vẫn có đầy rẫy ngày nắng, và ngược lại! Nhưng bấy giờ, bắt đầu lớn lên thêm chút đỉnh, bắt đầu đọc sách báo có sẵn trong nhà thì chả hiểu sao thơ văn của ai người ta viết thì cũng đầy rẫy hình ảnh của mùa Thu. Nhất là trong những bài hát. Và tất nhiên là thiên hạ tả tình tả cảnh về mùa Thu trên đất Bắc! Lúc bấy giờ đọc sách của Thạch Lam thấy tả cảnh mấy chị em đi nhặt lá bàng trong những đêm mùa Thu thì tôi không khỏi thắc mắc: "Lá bàng nó rơi ở ngõ ngách nào ttrên đường phố Hà Nội mà sao dạo trước mình đâu có hay?". Rồi hàng ngày có dịp nghe người ta hát trên đài phát thanh: "Anh mong chờ mùa Thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ.." thì thằng bé là tôi thuở ấy cứ thắc mắc: "Thì ở đây sắc trời về chiều chẳng xanh lơ là gì?"
Chỉ có điều là ngoại cảnh một đàng, còn thơ văn người ta viết một nẻo nhưng đến một lúc thỉ có hiện tượng mà trong tiếng Anh người ta gọi là: "Life imitating art"; tâm thức con người ta trong cuộc sống lắm khi bắt chước rập khuôn theo nghệ thuật! Tức là nếu như những hàng cây "Dầu" cao ngất nghểu ở một số con đường trong thành phố Sàigòn mà có lúc chúng thả những tấm lá khô trên mặt đường mà mình chưa từng đọc gì về thơ văn mùa Thu ở một nơi khác thì ấy đơn giản chỉ là chuyện lá khô lìa cành để cho đám lá mới mọc lên. Nhưng vì có hàng hà sa số những bài thơ, những truyện ngắn truyện dài, những bài hát về Thu cho nên tình cờ hôm nào chạy xe gắn máy - thời tôi mười bốn mười lăm - mà gặp lúc những tấm lá Dầu to bản kia rơi đủng đỉnh từ trên cao thì trong lòng tôi lại chợt hiện lên chữ "Thu"!
Mãi về sau, khi thường xuyên đi ngược về xuôi trên tuyến đường Sàigòn - Cao Nguyên thì có những tháng trong năm mà khung cảnh ngoài trời đất rất có vẻ Thu! Có điều là những rừng cây chỉ đổi màu từ sắc xanh qua sắc nâu già chứ không có cái màn mùa màng thay đổi màu sắc như ở những nước có khí hậu ôn đới!
Rốt cuộc thì "phần số" của tôi không được sống lâu dài với ở đâu có mùa Thu thứ thiệt! Thời tôi du học ở xứ này váo cuối thập niên 60 thì hấu hết những tiểu bang miệt Đông Bắc có màu sắc rực rỡ của cỏ cây khi Thu đến thì tôi đều đã có dịp chiêm ngưỡng. Nhưng kể từ khi trờ lại xứ này vào đầu thập niên 90 và định cư ở Nam Cali thì tôi vẫn cứ mường tượng là mình sống theo khí hậu của miền Nam khi xưa, tuy thiếu hẳn tiết mục mưa! Nhưng ngẫm cho kỹ thì con người ta muốn được một cái gì đấy thì thường cũng có cái giá phải trả. Ở xứ này mà muốn có mùa Thu thứ thiệt quanh mình thì cái giá tất yếu phải trả sau đó là mùa Đông. Đối với tôi thì cái món xúc tuyết vào mùa Đông là cái giá quá cao! Chỉ còn tí an ủi là tháng này cây "Maple" tôi trồng trước nhà đã bắt đầu có những cụm lá vàng. Tất nhiên là khắp nơi, đó đây vẫn có những hàng cây đổi màu, rụng lá trong mùa Thu, thế nhưng cây cỏ ở Nam Cali. thì mùa nào cũng cứ thế mà xanh rì!
"Bài Tango cho mùa Thu" là viết trên tình thần "Thu nay vì đâu nhớ nhiểu? Thu nay vì đâu tiếc nhiều... ?" như câu hát nơi bài "Thu quyến rũ" của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, và tôi nhớ về những hình ảnh mùa Thu trên đất nước mình hơn là ở đây, cho dù cảnh sắc của mùa Thu trên đất người có rực rỡ đến mấy đi nữa!
Thanh Trang
(tháng 10, 2012)