Hương Cảng: Đô thị có tuổi thọ cao nhất thế giới! Hương Cảng (Hong Kong) không chỉ nổi tiếng vì có giá nhà cao nhất nhì thế giới. Đây cũng là đô thị nơi người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới.
Với diện tích chỉ 2.754 cây số vuông, Hương Cảng hiện là nơi sinh sống của trên 7 triệu con người. Đi đâu người ta cũng thấy những ngôi nhà chọc trời. Nhưng với hệ thống giao thông tối tân, chỉ cần mất 30 phút đồng hồ, người ta có thể đi đến bất cứ nơi nào mình muốn. Cảnh trí của thành phố ốc đảo này cũng rất đa diện: bên cạnh trên 300 ngôi nhà chọc trời là nhiều công viên với những vườn cây xanh. Xa đô thị chỉ vài cây số là những dãy núi và nhiều bãi biển. Ngoài ra với nhiều bệnh viện tối tân trong đó mọi người dân đều được hưởng những phúc lợi cơ bản, không lạ gì Hương Cảng nổi tiếng là đô thị có tuổi thọ cao nhất thế giới.
Không thua gì cư dân của những nơi được mệnh danh là “vùng xanh” (blue zones) trên thế giới như Sardinia ở Ý, Okinawa bên Nhật Bản…người đàn ông Hương Cảnh có tuổi thọ trung bình là 81.3 năm; phụ nữ sống dai hơn, thọ đến 87.3 tuổi.
Vì không được xem là một quốc gia cho nên Hương Cảng không nằm trong danh sách của 96 nước được tính tuổi thọ theo chỉ số Global AgeWatch Index. Tuy nhiên, Bác sĩ Timothy Kwok, giáo sư chuyên về khoa chữa bệnh và chăm sóc người già thuộc trường Đại học Hương Cảng, đã dựa vào những tiêu chuẩn được đưa ra trong chỉ số Global AgeWatch Index và một số yếu tố khác để do đo lường và tìm hiểu về tuổi thọ của người dân Hương Cảng.
Theo cuộc khảo sát của Giáo sư Kwok, yếu tố chính giúp gia tăng tuổi thọ của người dân Hương Cảng chính là môi sinh: đường phố trong đô thị này sạch sẽ và an toàn, nhiều phương tiện di chuyển công cộng, thực phẩm an toàn và nhiều tiện nghi công cộng khác. Người già không phải mất giờ để đến các siêu thị: ở đâu cũng có chợ! Đây là những điều kiện giúp người dân Hương Cảng có được một cuộc sống lành mạnh.
Giáo sư Kwok khẳng định rằng Hương Cảng là một đô thị xanh hơn hầu hết các đô thị khác trên thế giới. Ở đâu cũng có công viên, vườn cỏ và cây xanh. Mỗi buổi sáng, người già có thể quy tụ thành từng nhóm để tập “Tài chí” hay “Khí công”. Sau đó các cụ ngồi lại với nhau để tán gẫu hoặc ăn sáng với nhau. Bác sĩ Gabriel Leung, phân khoa trưởng y khoa tại Đại học Hương Cảng, giải thích rằng tập “tài chí” hay “khí công” mỗi buổi sáng là điều rất thịnh hành đối với người già. Bác sĩ John Beard, giám đốc phân bộ tuổi già thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định rằng cần phải có nhiều công viên để giúp cho người già có thể tập thể dục mỗi buổi sáng. Hầu như tất cả mọi khu phố tại Hương Cảng đều là thành viên của mạng lưới “Những đô thị bạn của người già”. Đây là một mạng lưới toàn cầu có mục đích khuyến khích thành lập những công viên trong các thành phố để giúp người già có điều kiện sinh hoạt với nhau, nhất là tập thể dục. Chính quyền Hương Cảng cũng đề ra sáng kiến kêu gọi chính người có tuổi đi tham quan để nhận diện các vấn đề và đưa các đề nghị lên chính quyền.
Nhưng trong các yếu tố góp phần gia tăng tuổi thọ của người dân Hương Cảng, hệ thống bệnh viện đóng một vai trò trọng yếu. Giáo sư Kwok khẳng định rằng tại Hương Cảng “ai cũng có thể được tiếp nhận vào bệnh viện một cách dễ dàng”. Theo ông, cũng như tại nhiều nước phát triển khác, ở Hương Cảng mọi người dân đều được hưởng hệ thống bảo hiểm y tế công cộng. Người già vẫn là thành phần ưu tiên khi đến bệnh viện.
Theo Bác sĩ Beard, chính nhờ được dễ dàng hưởng sự chăm sóc y tế mà người dân Hương Cảng có tuổi thọ cao. Dĩ nhiên, theo Giáo sư Leung, một hệ thống y tế tốt không chỉ đợi ở tuổi già, mà phải bắt đầu ngay từ những năm đầu đời. Điều này có nghĩa là thai phụ, thơ nhi và trẻ em cũng phải là những thành phần cần được chăm sóc y tế một cách đặc biệt để phòng ngừa những căn bệnh giết người thường xảy ở tuổi trung niên như ung thư, tim mạch, tai biến mạch máu não v.v.
Ngoài môi sinh và y tế, ý chí muốn sống cũng là yếu tố quan trọng gia tăng tuổi thọ của người dân Hương Cảng. Theo Giáo sư Leung, có đến 70 phần trăm người dân Hương Cảng trên 70 tuổi đều chào đời tại Trung Hoa lục địa. Họ đến Hương Cảng để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Rất nhiều người là di dân kinh tế. Công việc làm ăn và sự cạnh tranh trong vùng đất mới khiến họ phải vận động rất nhiều. Cũng như hầu hết người di dân và tỵ nạn trên khắp thế giới, những người Trung Hoa từ lục địa đến Hương Cảng đều có một tâm lý ổn định và lành mạnh, nhờ đó họ mới có thể thích nghi với cuộc sống đầy thử thách. Tâm lý ổn định, ý chí muốn sống, cộng với một sức khỏe thể lý tương đối lành mạnh, đó chính là những yếu tố giải thích được tại sao người dân Hương Cảng có tuổi thọ cao.
Nhưng những yếu tố nhân bản chưa đủ để gia tăng tuổi thọ của con người. Bác sĩ Kwok tin rằng bên cạnh những yếu tố như môi sinh, y tế, ý chí muốn sống của con người, thời tiết cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ của con người. Theo giáo sư này, về mặt địa lý, Hương Cảng ở vào một vị trí rất thuận lợi cho tuổi thọ. Đô thị này nằm trong vùng khí hậu ôn đới: không quá nóng mà cũng không quá lạnh. Cuộc sống trong một khí hậu như thế quả là dễ chịu. Trong những nước như Anh Quốc hay Hoa Kỳ, nhiều người phải chết vì lạnh trong những tháng mùa đông. Tại Anh Quốc chẳng hạn, trong mùa đông 2016-2017, số người chết tăng thêm 34.300 người. Còn tại Hoa Kỳ, trong năm 2008, số người chết tăng lên đến 108.500 người.
Dĩ nhiên, theo các chuyên gia về sức khỏe tại Hương Cảng, khí hậu có thể đóng góp một phần quan trọng vào việc kéo dài tuổi, nhưng không phải là tất cả. Lạnh cóng như ở Nhật Bản, người dân vẫn có tuổi thọ cao!
Trong cuộc khảo sát về những yếu tố góp phần làm cho con người sống thọ, các chuyên gia y tế tại Hương Cảng nhấn mạnh đến thức ăn. Nhờ nằm ở một vị trí ưu biệt, Hương Cảng nhìn ra biển ở mọi hướng, nhưng lại là cửa ngõ mở vào Trung Cộng, đồng thời cũng liên lạc được dễ dàng với những vùng khác ở Á Châu cho nên, đô thị này lúc nào cũng có cá tươi, trái cây và rau quả để ăn. Nghiên cứu về cách dinh dưỡng của người dân Hương Cảng, Bác sĩ Kwok cho rằng cách dinh dưỡng ở đây rất gần với cách dinh dưỡng của người dân miền Địa Trung Hải. Nói cách khác, thức ăn của người dân Hương Cảng lúc nào cũng có cá tươi, trái cây, rau quả, cơm, dầu và thịt. Riêng thịt thì luôn luôn được thái nhỏ để chiên xào chứ không bao giờ được ăn từng khối như tại các nước Tây Phương.
Thật ra, theo Bác sĩ Beard, cách dinh dưỡng của người dân Hương Cảng có thể giống cách dinh dưỡng của người Địa Trung Hải hay người Nhật. Nhưng theo ông, bí quyết sống thọ của người dân Hương Cảng nằm ở chỗ họ ít bị căng thẳng.
Một trong những yếu tố làm giảm sự căng thẳng của con người, theo Bác sĩ Beard, chính là giá trị của gia đình. Cũng như trong hầu hết các xã hội Á Châu khác, người dân Hương Cảng rất xem trọng gia đình, bởi lẽ càng lớn tuổi con người càng được gia đình nâng đỡ về mặt tài chính và xã hội.
Bác sĩ Kwok giải thích: Trước kia “những người có tuổi thích có nhiều con cái”. Nhưng ngày nay, thế hệ sinh sau Đệ nhị Thế chiến (Babyboomers), kể cả ở Hương Cảng, không muốn và cũng không có điều kiện để sinh nhiều con. Dù vậy, những giá trị truyền thống Á Đông, trong đó quan trọng nhất là lòng hiếu thảo, vẫn luôn được trân quý. Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên vẫn là đức tính cột trụ của người Á Đông nói chung và của người dân Hương Cảng nói riêng. Chính nhờ được con cháu kính trọng, yêu thương và bao bọc mà người già cảm thấy muốn sống và sống hạnh phúc.
Sống chung trong một đại gia đình, theo truyền thống Á Đông, đã từng là một cuộc sống lý tưởng. Nhưng ngày nay, hai ba thế hệ cùng sống chung dưới một mái ấm gia đình không thể thực hiện được một cách dễ dàng trong những thành phố có đông dân số như Tokyo hay Hương Cảng. Tuy không thực hiện được cuộc sống chung của đại gia đình, người dân Hương Cảng vẫn tiếp tục thực thi lòng yếu thảo của họ bằng một cách khác: họ liên lạc với người già bằng các phương tiện truyền thông hiện đại, họ chuyển tiền về giúp đỡ gia đình, người thân và nhất là người già. Đời sống thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo không hề thay đổi với người Á Châu.
Hương Cảng là đô thị có tuổi thọ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, so với nhiều nước khác, nhất là các nước Tây Phương, Hương Cảng vẫn chưa phải là một nơi lý tưởng để sống. Cựu nhượng địa của Anh Quốc và nay trở về dưới trướng của Trung Cộng, Hương Cảng vẫn còn có nhiều điểm cần cải thiện. Sự tham gia của người dân vào xã hội dân sự chưa mạnh như tại các nước Tây Phương. Riêng với người già, sức khỏe tâm thần vẫn chưa phải là một lãnh vực được quan tâm nhiều trong hệ thống y tế. Tỷ lệ tự tử của những người trên 65 tuổi tại Hương Cảng vẫn bị xếp hạng là cao so với nhiều nước khác. Trong số 937 vụ tự tử được ghi nhận trong năm 2014, có 241 người thuộc lứa tuổi nói trên. Ngoài ra, theo ước tính, cứ 3 người cao tuổi có một người có những triệu chứng trầm cảm.
Bác sĩ Kwok nhìn nhận rằng Hương Cảng không có một hệ thống hưu trí như tại nhiều nước khác. Thành ra, người già thường chỉ biết dựa cậy vào con cái.
Hiện nay, cùng với Đức, Ý và Úc Đại Lợi, Nhật Bản và Hương Cảng là hai nơi dẫn đầu về tuổi thọ của người dân. Tuy nhiên, tuổi thọ không phải là một hằng số bất biến. Như tại Hoa Kỳ chẳng hạn, mặc dù là quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, trong những năm gần đây, tuổi thọ của người dân Mỹ ngày càng sút giảm. Điều này có nghĩa là những thay đổi trong cách dinh dưỡng và nhất là tình trạng ô nhiễm có thể là nguyên nhân khiến cho tuổi thọ tại nhiều nơi sút giảm.
Riêng tại Hương Cảng, các chuyên gia y tế đang tìm cách chứng minh rằng một hệ thống y tế tốt đẹp, cải thiện việc chăm sóc tuổi thơ, di dân kinh tế và nhất là việc giảm hút thuốc nơi phụ nữ Hương Cảng so với nhiều nơi khác trên thế giới…có thể là những yếu tố góp phần vào việc gia tăng tuổi thọ của con người. Nếu đây quả thực là những yếu tố đích thực góp phần vào việc gia tăng tuổi thọ của con người thì Hương Cảng sẽ tiếp tục dẫn đầu về tuổi thọ của người dân.
Đoàn Thi