Mua tên lửa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trên đe dưới búa
Trọng Nghĩa

Tên lửa S-400 "Triumph" đất đối không, được triển khai gần thành phố Gvardeysk, sát Kaliningrad, Russia. Ảnh chụp ngày 11/03/2019.REUTERS/Vitaly Nevar/File Photo
Bất chấp áp lực từ phía Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ vẻ kiên quyết xúc tiến việc mua hệ thống tên lửa Nga S.400. Phát biểu vào hôm qua, 04/04/2019 tại Washington, bên lề hội nghị của khối NATO, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng việc mua tên lửa của Nga là một thương vụ « đã chốt », không thể hủy bỏ.
Trên nguyên tắc, các dàn tên lửa S400 sẽ được giao vào mùa hè năm nay, nhưng từ nay đến đó, tình hình có thể thay đổi: nếu thương vụ S400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, còn nếu hủy bỏ đơn đặt hàng, Ankara lại vấp phải phản ứng bất bình của Nga.
Trong một động thái có thể nói là nhằm tiếp tục duy trì sức ép để buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc mua hệ thống phòng không của Nga, Lầu Năm Góc ngày hôm qua đã thẳng thừng bác bỏ một đề nghị của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, muốn cùng thành lập một nhóm làm việc để xác định xem hệ thống S400 có tác hại đến thiết bị của Mỹ và NATO hay không.
Hoa Kỳ lo ngại rằng công nghệ được Nga sử dụng trong hệ thống tên tên lửa S-400 có thể giúp Nga thu thập dữ liệu của các loại chiến đấu cơ của khối NATO, đặc biệt là loại F-35 của Mỹ. Ngoài mối lo ngại gián điệp, còn có vấn đề tương tác giữa hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ với các hệ thống còn lại trong khối NATO.
Trong tình hình đó, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Charles Summers, gần đây đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu những « hậu quả nghiêm trọng », nếu cứ tiếp tục mua hệ thống tên lửa của Nga.
Theo hầu hết các nhà phân tích, đây là một lời đe dọa rất nghiêm túc, căn cứ vào các quan ngại thực thụ như kể trên.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể chịu những hậu quả nào ?
Một hậu quả trước tiên là kế hoạch đặt mua chiến đấu cơ tiên tiến F-35 của Mỹ đã bị ngăn chặn. Ankara muốn mua đến 100 chiến đấu cơ loại này, phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu qua Mỹ tập lái.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư 1 tỷ đô la vào kế hoạch trang bị loại vũ khí này, nếu không thực hiện hợp đồng, Mỹ có thể bị phạt. Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, một số nguồn tin đã cho biết là Washington sẵn sàng trả tiền phạt.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào phạm vi áp dụng của luật Caatsa cho phép chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với bất kỳ thực thể hoặc quốc gia nào ký kết thỏa thuận vũ khí với các tập đoàn, công ty Nga.
Nguy cơ về phía Mỹ là như thế. Nhưng nếu theo Mỹ và từ bỏ hợp đồng đã ký, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy quan hệ với Nga vào một tính thế tế nhị.
Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Nga là một đối tác chiến lược rất quan trọng của Ankara tại Syria, một nước giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ mà tình hình bất ổn sẽ có tác hại rất lớn.
Mặt khác, nếu giải thích không tốt với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nguy cơ bị Mátxcơva trừng phạt về mặt kinh tế. Một ví dụ cụ thể là Nga có thể hạn chế lượng du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, mà mỗi năm lên đến hàng triệu lượt người.
Đối với Ankara, những biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington hay của Mátxcơva đều tác hại không nhỏ, vì lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế, bị suy thoái lần đầu tiên từ 10 năm nay.