Mùa hè, trời mưa, Việt Nam, thị trường nhạc
Friday, June 10, 2005
Lê Ngọc

Tháng 6 trời mưa, trời mưa không dứt. Theo với mưa là cái èo uột của sinh hoạt âm nhạc trong nước. Tháng 5, 6, 7 là tháng chết của làng âm nhạc khi cả tuần không điểm mặt được chương trình nào ra hồn. Thời điểm giữa năm thường là mùa mưa ở Sài Gòn (thị trường sôi động nhất trong làng âm nhạc Việt Nam hiện nay) nên gây khó khăn cho công việc tổ chức. Ðồng thời thị trường cả hai miền xuống vực một cách nhanh chóng khiến cho cứ đúng thời điểm này các ca sĩ lại đua nhau bay show đi nước ngoài để lại một showbis chết cứng giữa mùa nước lên.
Từ đầu tháng 5 cho đến nay, cả hai thị trường Nam - Bắc chững lại và biểu hiện sự mệt mỏi một cách rõ rệt. Khán giả không còn mặn lòng với những show diễn phải nặn lội dưới mưa nên hầu hết cứ đến giữa năm, bộ máy showbis ngừng hoạt động. Vào những thời điểm này, khán giả sẽ biểu hiện một đặc trưng của mùa mưa: Nằm nhà coi truyền hình và nghe băng đĩa nên mùa mưa là của truyền hình và băng đĩa. Còn riêng ca sĩ, phần lớn sẽ bay show hải ngoại nếu có tiếng để lại một lượng nhỏ các ca sĩ chui vào phòng tập, phòng thu và nghỉ ngơi trong mấy tháng dài vắng show.
Cứ thế, hàng năm cứ đến giữa năm là y như rằng không có cách nào để kéo thị trường trở lại. Nhất là năm nay, khi những công ước yêu cầu ngày càng chặt, quản lý ngày càng khắt khe gây hạn chế trong việc sử dụng ý tưởng của các ca sĩ lại càng khiến cho mùa mưa tẻ nhạt. Buồn vì thiếu show hàng đêm bên cạnh những chiếc album vô hồn không có cảm giác tạo nên cho người xem một viễn cảnh bình lặng, chán nản trong mùa “chết sân khấu”.
Sân khấu chào thua mùa mưa
Cứ đến tầm này, Sài Gòn thường mưa lớn và ròng rã liên tục cả ngày. Có những đợt mưa lớn kéo dài mấy ngày trời khiến cho đường sá ngập lụt, gây cản trở cho người đi lại khá nhiều. Sân khấu Sài Gòn mang một sự biểu hiện rõ nét của những tụ điểm hiện đại trong nhà nhưng cũng lắc đầu, chào thua trời mưa. Trong công việc lắp đặt âm thanh và ánh sáng, một vài nơi phải chuyển âm thanh từ các nơi khác vào nên mùa mưa không tất cả đều phải dừng lại để không bị hỏng. Bó gọn được vài nơi có đầy đủ mọi thứ thì ca sĩ không có, khán giả vắng tanh dẫn đến chuyện làm show chẳng khác gì đưa mình vào ngõ hẻm. Các bầu show xác định rõ cho mình hướng đi, thà ngồi chơi cũng không chịu lỗ nên mùa mưa sân khấu Sài Gòn đóng băng toàn bộ.
Khác với Sài Gòn, Hà Nội không mưa nhiều và lâu nhưng sân khấu không có, âm thanh tồi tàn, kịch bản thường xuyên thất bại khó lòng có thể hoàn thành một chương trình tốt. Ca sĩ Hà Nội không có nhiều, triển vọng mê đi tỉnh, ca sĩ các nơi khác bận lưu diễn... quanh năm Hà Nội vẫn thiếu show hay. Có một vài chương trình vẫn trụ vững diễn đều đặn nhưng khi khán giả càng vắng thì đồng bộ tê liệt khiến cho mấy tháng gần đây không có một chương trình nào đủ sức hút khán giả đến sân. Với thời tiết mưa cả ngày, khán giả ít chăm chỉ đi chơi, đến sân khấu, quán bar nên chọn giải pháp an toàn: Giải trí tại gia. Ðặc biệt hơn, những tháng giữa năm là tháng kết thúc năm học nên khán giả trẻ phần lớn là học sinh tập trung thi tốt nghiệp, thi học kỳ hay thi đại học nên không ai mặn mà quan tâm đến âm nhạc chứ đừng nói riêng đến sân khấu xem ca sĩ diễn làm gì cả.
Mùa mưa khiến cho truyền hình lên đời, những chương trình thu từ mùa quýt năm nào nhưng được phát lại cũng dễ dàng được người xem đón nhận. Lượng khán giả theo dõi đài ngày càng tăng, các chương trình ca nhạc cũng có sự ủng hộ cao hơn nên cứ đến mùa mưa là nhà đài tăng cường phát sóng. Ðồng thời, có một lượng ca sĩ nắm bắt rõ thị trường từng mùa nên trước tháng “chết” họ phát hành album mới, tận dụng triệt để thị hiếu của khán giả, thời tiết. Cứ thế, sân khấu mùa mưa không có chỗ đứng để lại một thời kỳ đóng băng, nghỉ dài trong làng âm nhạc Việt Nam.
Ca sĩ đối phó mùa mưa
Hiện nay, danh sách ca sĩ bay show đi diễn ở các tụ điểm nước ngoài ngày một tăng. Có những ca sĩ xác định mùa mưa phải bay show bằng được nên cả năm đi van ông, lậy bà để móc nối sô ở nước ngoài. Theo như ước tính ca sĩ đi lưu diễn tại thời điểm này cho biết, phần lớn các ca sĩ đổ bộ vào Mỹ và Canada một cách mạnh mẽ như: Lam Trường, Ðan Trường, Ðàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Hồng Ngọc, Nguyễn Hồng Nhung...
Còn một vài ca sĩ khác sẽ chia nhau đồng bộ ở các nước Châu Âu khác như: Ánh Tuyết, Kasim Hoàng Vũ, Vân Khánh, Thu Minh (Pháp), Ưng Hoàng Phúc (Úc, Mỹ), Khánh Ngọc (tại châu Âu, Úc)... Xu hướng diễn show ở nước ngoài là một giải pháp khá an toàn cho hầu hết các ca sĩ khi họ vừa có tiếng, vừa có tiền mà lại nhân cơ hội đi nước ngoài chơi hoặc quay video clip... Thường những show này các ca sĩ thu về khoảng 1,000$ đến 4,000$ cao hơn hẳn so với tiền catxe họ diễn trong nước.
Từ những lợi nhuận trên mà ai cũng muốn lưu diễn mùa mưa, để lại sân khấu trong nước nguội lạnh. Nhưng không phải ai cũng đi lưu diễn được nên chỉ những ca sĩ hạng sao, có tiếng mới kiếm được sô bay xa còn lại hầu hết đều chui vào phòng thu tận dụng thời gian nâng cao trình độ. Ðồng thời, đoán trước được những tình trạng đáng buồn của màu vắng đủ thứ (ca sĩ, show diễn...) có một vài người chuyển hướng sang làm nghề tay trái để không bị ngủ đông suốt mấy tháng trời.
Theo như thông tin các ca sĩ trong nước cho biết thì sau mùa mưa này sẽ còn một loạt album đổ bộ như: Triệu Hoàng, Ðinh Tiến Ðạt, Ðàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Duy Mạnh, Ðăng Khôi, Lê Kiều Như.... Còn trước mùa mưa đã có không ít ca sĩ kịp thời gian cho ra mắt album như Hiền Thục, Hồng Hạnh, Nguyễn Hồng Nhung, Nghi Văn, Thủy Tiên... hàng loạt những cái tên cả mới cả cũ vẫn liên tiếp chạy đua với thị trường. Có một điều đáng tiếc, mùa mưa là mùa ca sĩ vip đi Tây thì ca sĩ trẻ không thể bứt phá lên được, dù đó là cơ hội tốt nhất cho họ trong năm.
Cả năm chạy đua với thị trường, với fan club đông đảo những ca sĩ lâu năm vẫn giữ được phong độ trong các show lớn, nhỏ. Ðể lại khoảng trống im lặng cho những ca sĩ trẻ ít ai nhớ đến gây nên một sự phân biệt vị trí rõ rệt. Nhưng khi ca sĩ hạng top bay show, những chương trình ở nhà dù ít nếu ca sĩ trẻ biết tận dụng họ sẽ làm nên chuyện khác hẳn với hôm nay.
Khi ca sĩ trẻ không làm chuyện, vài người chuyển qua làm nghề tay trái tránh mùa mưa. Những hợp đồng đóng film hay diễn thời trang đều được chọn hết thời điểm mùa im ắng kéo dài khoảng 3 hoặc 4 tháng để tránh thời kỳ này, tiêu biểu như Nguyên Vũ, Ðoan Trang... Có những ca sĩ, chán cảnh phải ngủ đông và một vài sự khắc nghiệt của làng âm nhạc nên tận dụng cơ hội chuyển luôn qua đóng film như Minh Anh (thành viên cũ nhóm F5), Nguyễn Phi Hùng, Hứa Vĩ Văn...
Mùa mưa làm show về mưa?
Cho đến thời điểm mùa mưa, hầu hết các bầu show, đạo diễn đều không có cách giải quyết để hạn chế tình trạng ca sĩ tan đàn xẻ nghé, khán giả ngủ quên. Trước đây, từng được chứng kiến một chương trình mưa từ đầu đến cuối nên cách trốn chạy mùa mưa không còn được xem là hợp lý nếu người tổ chức biết cách tạo lửa. Khán giả Việt trong nước đều là những khán giả hết sức chịu khó theo đuổi từng chương trình của các ca sĩ thần tượng nên nếu có một chương trình hay, kịch bản tốt, nhân lực khá chắc chắn mùa mưa chỉ là một chuyện nhỏ.
Trong một show ca nhạc của dọc chương trình Hội Chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao do báo Tiếp Thị Gia Ðình tổ chức tại Hà Nội, giữa trời mưa nhưng khán giả vẫn chịu khó đứng xem dưới những làn áo mưa đủ màu. Khi ca sĩ hát xung lên, toàn bộ áo mưa được bỏ xuống để khán giả và ca sĩ hòa chung một không khó hết sức sôi động. Show diễn trong mưa đấy đã thành công tuyệt đối, những ca khúc hát dưới mưa, có cả ca khúc hát về mưa được thể hiện ăn ý, khớp với khán giả, thời tiết và hoạt cảnh sân khấu mang lại một vài tín hiệu vui cho show mùa mưa. Nhưng sau chương trình đó, vẫn chưa có bầu show nào dám làm một kịch bản về mưa trong mùa ẩm ướt này.
Không phải khán giả không chịu khó, khi đạo diễn hết kịch bản và ý tưởng thì mùa mưa mãi vẫn là mùa chết với làng âm nhạc.
Sau mưa gặp bão?
Mùa mưa vừa hết, sân khấu trở lại sôi động như thường thì cũng là lúc các ca sĩ hoạt động hết công suất để chạy đua thành tích cuối năm. Cứ nhìn lại năm nay, hàng loạt ngôi sao đang tránh nạn đưa ra dự định phát hành album, làm liveshow như: Ưng Hoàng Phúc, Hàn Thái Tú, Phương Thanh, Lam Trường... sẽ rõ. Toàn bộ dự định được chuẩn bị từ đầu năm, nghẽn mạch trong mùa mưa và được thực hiện trong mùa mưa sẽ cùng lục được tung ra sau mùa mưa tạo nên cơn bão thành tích. Không chỉ thế, hầu hết các giải thưởng có giá trị trong nước đều được tổ chức vào cuối năm nên sau mùa mưa là mùa đua ác liệt nhất của làng showbis Việt.
Một điều dễ hiểu khiến cho vài ca sĩ để đến cuối năm mới bắt đầu tạo sức bật vì những ai có cơn sốt, gây chấn động giữa năm, đầu năm đều không tạo nên được cú hích như làm vào cuối năm. Có những người, cả năm im lặng, không lên tiếng nhưng bùng nổ vào cuối năm thì vẫn tạo được tiếng vang hơn hẳn những ca sĩ chạy đua cả năm nhưng mấu chốt để tạo bước ngoặt lại làm vào giữa năm. Ðây là trường hợp của Lam Trường khi giữa năm 2004 anh tổ chức tour lưu diễn xuyên Việt rầm rộ mà bị lãng quên ngay sau đó.
Cuối năm nay, như đã đưa ra dự định thì có khá nhiều liveshow của các ca sĩ sẽ diễn ra tại Sài Gòn. Với những dự định liên tiếp như này, chắc chắn thị trường nhạc Việt hết mưa sẽ gặp bão.