SÁU MƯƠI NĂM TRƯỚC

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

Post Reply
CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

SÁU MƯƠI NĂM TRƯỚC

Post by CNN »

Xin ghi chú: 60 năm qua, năm Ất Dậu 1945, là nam đã để lại cho dân tộc Việt Nam một nỗi đau buồn cực lớn: hơn hai triệu người chết đói. Trận sóng thần cuối năm 2004 giết hại trên dưới 300 ngàn người đã được cả thế giới biết đến nhưng trận đói năm Ất Dậu đã tàn sát hơn hai triệu người chỉ được rất ít người biết đến, do chưa có các phương tiện truyền thông nhanh chóng và sâu rộng như hiện nay.

Dưới đây là một câu chuyện đằng sau trận đói năm Ất Dậu. Do một vài lý do đặc biệt, CNN chỉ trích đọan mà không post nguyên văn. Xin cáo lỗi cùng Tác giả và độc giả. Vị nào muốn đọc hết xin qua phần source để đọc.

CNN


Nghĩ về nạn đói năm Ất Dậu

Điều vừa bất công, vừa vô lý, là nạn đói bao giờ cũng chỉ giết chết chính những người làm ra thóc gạo : người nông dân cùng khổ ! Năm ấy, chỉ riêng ở hai tỉnh Nam Định, Thái Bình và mấy tỉnh miền Trung đã có tới 2 triệu người bị chết đói. Và cái chết của họ đã bi thảm lại càng bi thảm hơn, vì nó đã diễn ra không phải ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mà lại là ở những thành phố xa lạ, nơi họ cố lê gót đến để tìm đường sống.

Ngày đó, không thể nào bảo là những người dân thành thị đã bàng quan trước cảnh chết đói của đồng bào mình. Sự thật, thì dân thành thị phần lớn cũng chỉ là những người xuất thân từ nông thôn, từ các vùng quê xung quanh lên đây làm ăn mới chỉ được có một vài đời. Có lẽ không ai đã sớm quên cái gốc gác quê mùa của mình. Nhưng lúc đó, quả thực là họ đã bất lực trước một tai hoạ, mà qui mô đã vượt xa những gì từ trước tới nay họ có thể tưởng tượng được.

Đây không còn là những người ăn mày chuyên nghiệp đi xin bố thí như trước kia nữa, mà là những người dân quê đích thực, vì đói mà phải rời bỏ thôn làng, lên tỉnh tìm đất sống. Lúc đầu họ lên các thị xã ở vùng quê mình : Thái Bình, Nam Định, để rồi cũng chết đường, chết chợ ở đây. Hồi đó ở Thái Bình, Nam Định, đã diễn ra trước tiên cảnh người chết ở trên các hè đường và cảnh xe chở xác đi qua các phố mỗi ngày. Cuối cùng, như tuân theo một sự thôi thúc bản năng nào đó, họ đã kéo nhau lên thẳng Hà Nội.

Ngày đó, tôi vẫn còn nhớ, có câu ca dao không biết từ đâu lan truyền ra trên khắp các cửa miệng. Bọn trẻ chúng tôi, tuy không hiểu gì hết về cái ý nghĩa sâu xa, bóng bẩy, của câu ca dao ấy, nhưng cũng vẫn cứ bó buộc phải học thuộc lòng :

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Hình như cho mãi đến khi Cách mạng tháng Tám lên, rồi đến thời kỳ Nam bộ kháng chiến, câu ca dao ấy vẫn còn hay được truyền tụng trong dân chúng.

Ngày đó, trước cảnh những người nghèo đói kéo nhau lên tỉnh để rồi cuối cùng cũng vẫn chết đói ở đây, bọn các anh chị thanh niên trong phố tôi, và ngay cả những đứa trẻ mới lên chín lên mười như chúng tôi, đều rất muốn làm một cái gì có ích, nhưng rồi cũng không biết làm gì khác hơn là ngày ngày đi xin cơm của các nhà hàng phố để đem cho họ. Nhưng rồi cũng chỉ được vài bữa. Cũng may là sau đó, Đoàn khất thực ra đời, lập đại bản doanh ở chợ Hàng Da, và lấy nơi đó làm chỗ phát chẩn. Đoàn khất thực gồm thanh niên nam nữ các phố, chủ yếu là ở khu Đông thành. Họ làm việc suốt ngày, quần quật, ở ngay chỗ đống hầm trú ẩn tránh bom Mỹ-Nhật xây bằng gạch, gần về phía phố Ngõ Trạm. Nhưng rồi cũng không được bao lâu. Làm sao mà có thể cứu đói cho hàng vạn người cùng một lúc với những bát cơm thừa canh cặn ! Và rồi còn những người ốm đau, không có thuốc chữa, những người chỉ còn thoi thóp, đang chờ chết !

Những năm tháng trước và sau Cách mạng tháng Tám dường như đi rất nhanh, nhưng sao mà súc tích đầy những sự việc ! Chúng tôi sống trong một bầu không khí sôi nổi, mà sau này không còn bao giờ tìm thấy lại được nữa.

Nạn đói như một sự cố nằm vắt ngang, nối liền thời kỳ Tiền khởi nghĩa với thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Nó là một tai hoạ do chính con người gây nên, đã đổ ập xuống đầu dân ta. Nó là một vết đen trong tiềm thức và trong ký ức của mọi người.

Nạn đói thực ra đã bắt đầu xuất hiện ngay từ đầu năm 1943 ở hai tỉnh Thái Bình và Nam Định, theo những người đã từng ở đây kể lại. Nguyên nhân chính là do chính quyền bảo hộ cố ý ngăn cản, không cho chở gạo ở trong Nam ra , điều mà trước đây họ vẫn để cho làm cho đến năm 1941. Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là do lòng ích kỷ (hại nhân). Cả Pháp, cả Nhật đều lo cho phận mình trước, dân Việt Nam có chết đói hàng triệu họ cũng mặc kệ. Không những thế, họ lại còn bắt dân quê « bán thóc » cho họ với một giá rẻ mạt, cứ mỗi mẫu ruộng trồng lúa, dù xấu hay tốt, người dân bó buộc phải bán cho nhà nước từ hai tạ đến hai tạ rưỡi thóc ! Thêm vào đó, họ còn bắt dân phải trồng cây công nghiệp (đay, gai cho Nhật ; thầu dầu cho Pháp, v.v.), thay vì trồng ngô, trồng đậu. Do đó, người dân quê ở miền Bắc và miền Trung thường thiếu thóc và thiếu cả ngô, đậu, để ăn.

Kịp đến tháng 10-11 năm 1944, một trận lũ lụt lớn đã làm cho hầu hết các nơi trên miền Bắc mất sạch cả mùa màng, dân quê bị đói kém, trong khi đó lúa gạo ở trong Nam vẫn bị cả Pháp, lẫn Nhật, thay nhau chặn lại, không cho vận chuyển ra để cứu đói. Lâm vào bước đường cùng, người dân quê ở những vùng Thái Bình, Nam Định đã phải kéo nhau lên Hà Nội để kiếm miếng sống. Hồi đó, tôi đã từng nghe, có những người mẹ hy vọng bán con cho những nhà giàu có ở thành thị để cứu lấy chúng. Có những người mong tìm được chỗ làm thằng xe, con ở, hoặc làm phu, làm thợ. Mà quả thực là dân Nam Định, Thái Bình, xưa nay vẫn từng có nhiều người lên làm ăn sinh sống được ở trên Hà Nội. Dẫu sao, đối với họ Hà Nội vẫn là cái nguồn hy vọng cuối cùng.

Từng đoàn người bồng bế nhau, lê bước trên những con đường quê gập gềnh, khúc khuỷu, rồi trên quốc lộ số 1, để cuối cùng được đặt chân lên hè phố Hà Nội. Không biết họ đã phải đi bộ mất bao nhiêu ngày mới tới nơi ? Vì bình thường, từ Nam Định đi bộ lên Hà Nội, người khoẻ mạnh và đi nhanh cũng phải mất đến hai ngày ! Từ Thái Bình lên thì lại còn xa hơn nữa ! Không lấy gì làm lạ là đến nơi, thì họ đã hoàn toàn kiệt sức. Nhiều người đã chết ở dọc đường !

Hồi đó, ngày ngày tôi đi học ở dưới làng Tương Mai, cách chỗ cuối đường tàu điện Hà Nội - Bạch Mai một quãng đường dài, phải đi bộ theo con đường đi về Quỳnh Lôi. Từ mấy năm rồi, nhiều trường tiểu học ở trên Hà Nội đã phải di chuyển xuống những làng quanh đây để tránh bom « Mỹ-Nhật ». Chúng tôi ngày ngày chứng kiến cảnh những chiếc xe bò chở xác người chết đói từ trên Hà Nội đi xuống, đống xác trần truồng và khô đét bao giờ cũng được rắc vôi, và được phủ qua loa bằng một manh chiếu rách. Những chiếc xe xác đi tới chợ Mơ, thì ré về phía Quỳnh Lôi, nhưng rồi không biết người ta đem đi chôn vùi ở đâu.

Vào khoảng đầu năm 1945, trên khắp các hè đường xó chợ ở Hà Nội, chỗ nào cũng có những người nghèo đói ở thôn quê lên cầu thực, nằm ngồi la liệt, nhất là ở khu chợ Hàng Da, nơi mà đoàn Khất thực đã lấy làm chỗ tập hợp những người này lại mỗi ngày để phát chẩn, như tôi đã trình bày ở trên.

Số người đi ăn mày, ăn xin, ngày càng đông. Nạn ăn cắp bỗng nhiên cũng bành trướng mạnh, và lạ làm sao, các dân anh chị bự thường hoạt động ở trong Sài Gòn, bỗng nhiên lại thấy xuất hiện ở ngay giữa Hà Nội ! Tôi còn nhớ kiểu cách đi đứng rất đặc biệt của mấy tay anh chị này, có một lúc đã bén mảng đến phố tôi làm ăn, với chiếc nón úp ở đằng trước ngực. Thế là ở phố tôi đã nảy ra một phong trào bài trừ kẻ cắp, cùng một lúc với phong trào tiễu trừ những tên thân Nhật, bọn này thường dựa vào thế lực của Nhật để ức hiếp dân chúng. Hồi đó chợ Hàng da chính là nơi đã từng xảy ra nhiều vụ các anh lớn ở phố tôi trừng trị bọn thân Nhật, thường vẫn hoành hành ở đây : chúng có thói cân sai, và cứ vừa đi mua, vừa cướp giật của những người bán hàng ở chợ. Cùng lúc đó, trong đám thanh niên phố tôi đã nảy sinh ra phong trào đi học Võ Việt Nam ở bãi đá bóng Eclair ngoài bờ sông. Các anh bảo học võ để tự vệ, để « đánh Pháp, đuổi Nhật », và vẫn thường bảo chúng tôi : « Các em có muốn đánh Pháp, đuổi Nhật không ? Nếu muốn thì phải khoẻ ! ». Không bao lâu, phong trào đi tập thể dục, tiền thân của phong trào Khoẻ Vì Nước, đã lan rộng ra khắp mọi nơi.

Ngày đó, có lẽ cũng do nạn đói, mà đã nảy sinh ra nhiều hiện tượng lạ. Chuột cống, xưa nay thường ít nhìn thấy, nay bỗng lần mò lên tận cửa hàng để kiếm ăn. Có những con chuột to bằng con mèo, râu ria trông đến hãi, bò lên ngồi lù lù, nhìn thẳng vào mắt người ta, chẳng sợ hãi gì cả ! Thế là lại nảy bày ra phong trào diệt chuột ! Nhà nào cũng có hai ba cái bẫy đủ loại để giết chuột, hoặc bẫy chuột sống, rồi sau mới giết, một thú tinh nghịch của bọn trẻ con chúng tôi, vì lúc bấy giờ chúng tôi rất ghét chuột. Đồng thời, người ta đồn rằng nhân bánh cuốn bây giờ cũng làm bằng thịt chuột, nên chẳng ai còn dám ăn bánh cuốn ở hàng nữa ! Có lúc lại có cả tin đồn rằng ở dưới Nam Định, Thái Bình, đói quá, người ta đã ăn cả thịt người ! Thế là mọi người lại thấy ghê ghê, khi đi ăn phở ở hàng !

Nhưng trị gì thì còn được, chứ trị đói lúc đó thì thật là vô phương, vì nó vượt quá khả năng và phương tiện của các thanh niên công tử Hà thành, thực ra hãy còn thiếu đủ mọi kinh nghiệm về mặt tổ chức, và nhất là thiếu hậu cần !

Ở một góc phố tôi, và phố Hàng Bát Sứ, có một cửa hiệu lâu nay vẫn đóng cửa kín mít, nay trở thành chỗ tụ hội lý tưởng của những người ăn mày, ăn xin, thường là những người đã mệt yếu lắm rồi, không đi được nữa, họ nằm lại đó để sống thêm được ngày nào hay ngày nấy. Thỉnh thoảng lại có chiếc « xe nhà thương » đến, chắc để chở một người ốm đi, hoặc chiếc xe bò đến để bốc xác. Có những đứa trẻ, người chỉ còn da bọc xương, hai mắt mở to, trắng dã ; chúng cứ phải nằm nghiêng, vì đứa nào đứa nấy đều đã bị mắc chứng lòi dom...

Trước những cảnh tượng đau lòng như thế, dân hàng phố không ai bảo ai, mỗi ngày mỗi nhà đều dành một phần cơm để phát cho họ và cho tất cả những người nghèo đi ngang qua phố. Kịp đến khi Đoàn khất thực ra đời, lúc đó công việc này mới được tổ chức chặt chẽ hơn, sự phân phát mới được công bằng, và đồng đều hơn.

Nhưng không được bao lâu, thì không hiểu sao, Đoàn khất thực cũng ngừng hoạt động ! Nhật đảo chính Pháp (9-03-1945), rồi chính phủ Trần Trọng Kim lên (17-04-1945), gạo ở trong Nam vẫn không tải ra được. Có một lúc, người ta đồn là gạo đã chở ra được tới Đà Nẵng, nhưng rồi bị nghẽn lại ở đây. Người dân quê nghèo ở các vùng Nam Định, Thái Bình và mấy tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục chết đói. Chính phủ Trần Trọng Kim đòi được « độc lập » từ tay người Nhật, nhưng đã hoàn toàn bất lực trong việc cứu đói này. Và cứ như thế, nạn đói tiếp tục hoành hành cho đến Cách mạng tháng Tám.

Đối với chúng tôi, những đứa trẻ mới chưa đầy mười tuổi lúc ấy, nạn đói năm Ất Dậu dẫu sao cũng là một bài học không thể nào không ghi nhớ suốt đời, mặc dầu nó chỉ như một tai hoạ khổng lồ, vượt quá sức tưởng tượng và khả năng giải quyết của mình. Nó đã chỉ khơi dậy trong chúng tôi lòng nhân đạo và một nỗi niềm uất hận, bất lực, nào đó. Nhưng nó không vạch được ra cho chúng tôi thấy rõ sự vô nhân đạo và sự độc ác của những kẻ đã gây nên tai hoạ, cũng như sự nhu nhược, vô dụng của những kẻ cầm quyền lúc ấy, điều mà mãi sau này, khi nhận thức được những nguyên nhân đích thực của nó, chúng tôi mới rút ra được những bài học cần thiết.

Tuy nhiên, trên cái nền phông đượm một màu ảm đạm và vô vọng đó, đã nổi bật lên một vài nét chấm phá, một vài sự cố nho nhỏ, đã làm cho chúng tôi thực sự xúc động và phần nào đã thức tỉnh chúng tôi.

Một trong những sự cố đó, là một câu chuyện thương tâm đã xảy ra ngay tại trong gia đình chúng tôi ngày ấy, và đã làm cho bọn trẻ chúng tôi vô cùng bất bình và oán hận. Nó chính là một trong những sự kiện đã làm cho chúng tôi bắt đầu biết băn khoăn, nghĩ ngợi và tự đặt ra cho mình những câu hỏi.

Tôi không còn nhớ sự việc đã xảy ra vào năm nào trong thời kỳ ấy, có thể vào cuối 44, hoặc đầu 45, bởi như tôi đã trình bày ở trên, thời gian trong những năm ấy đi rất nhanh, nhưng mặt khác lại như bị dồn nén lại. Dẫu sao, thì sự việc cũng chỉ có bây nhiêu : trong nhà tôi, một hôm bỗng nhiên xuất hiện một nhân vật mới, đó là « thằng xe ». Cái tên gọi này thực ra không xa lạ gì đối với chúng tôi, vì nhà tôi đã từng có những « thằng xe ». Ngày đó, gọi một người kéo xe nhà trong nhà mình bằng « thằng xe », ở ngôi thứ ba, không có gì là quá đáng cả, vì người ta vẫn thường gọi như thế. Có nhà, người chủ ý tứ hơn, gọi là « anh xe », nhưng cũng hiếm lắm. Thường chỉ có những « kẻ dưới », thấp hèn hơn, như con xen, thằng ở, thì mới dùng chữ « anh xe ». Dẫu sao, tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt của hắn, khi hắn được nhận vào làm việc, vì trong nhà tôi dạo đó thiếu người để kéo chiếc xe nhà đưa ông anh cả tôi mỗi ngày đi thăm xưởng thợ ở trên Hàng Bún.

Trở lại nhân vật « thằng xe ». Hắn có khuôn mặt hơi gầy và hơi xanh xao. Chắc hắn cũng đã từng bị thiếu ăn. Khuôn mặt thoạt trông không hiền lành cho lắm, nhưng cũng không có vẻ gì là ác. Nổi bật trên khuôn mặt đó là cặp mắt tinh ranh và lanh lợi. Sau này tôi còn khám phá ra là hắn có một cái cười rất kiêu, một cái cười nhếch mép bất cần đời. Mà hắn kiêu cũng phải, vì hắn có nhiều tài lắm : ăn khoẻ hơn tất cả những người thợ ở trong nhà, và rất dai sức khi kéo xe, vật tay cũng một cây, tài bổ củi của hắn thì không ai bì kịp ! Không hiểu sao, tôi có thiện cảm với hắn ngay từ đầu, có lẽ vì tôi cũng hay thích xuống bếp tập bổ củi chơi, và hắn đă dạy cho tôi mấy ngón làm cho tôi tiến bộ hẳn lên. Tôi chưa bao giờ thấy ai bổ củi giỏi như thế ! Mỗi ngày hắn bổ được một đống củi to tướng. Cái lưỡi búa dày như thế, mà hắn có thể bổ đúng thớ gỗ để chẻ cây củi ra thành những thanh mỏng dính, như những que diêm !

Sau mấy tháng làm việc ở nhà tôi, được ăn uống đầy đủ, hắn như đã lấy lại được hơi sức, nên lại càng khoẻ thêm, da mặt đã hồng hào hẳn. Trong nhà thầy tôi (chúng tôi gọi bố mẹ bằng thầy, u, theo lối nhà quê), lúc bấy giờ còn nhiều thợ lắm, chưa ai chạy về quê hết, mà chạy về quê lúc đó thì chỉ có mà... chết đói ! Đó là những người thợ làm đồ da, đồ mộc, đồ sắt, đồ khâu, tất cả có đến 60 người, toàn là người làng bên quê nội tôi ở Hà Nam. Họ được đưa lên đây học nghề với thầy tôi từ nhỏ, sau đó được thu dụng làm thợ, có lương tháng, và có chỗ ăn, ngủ, ngay trong nhà. Cũng nhờ thế mà làng tôi, mặc dầu là một làng rất nghèo, có rất ít ruộng, có lẽ vì thế mà không trồng lúa, chỉ có mía, lạc, khoai, đỗ tương, và củ dong, củ giềng, song những năm ấy không có ai bị chết đói cả. Những tráng đinh thì đã có công ăn việc làm ở trên Hà Nội hết cả rồi, những người còn lại ở dưới quê thì ít nhất cũng có những ruộng dong, ruộng khoai, để ăn. Trong nhà tôi còn có mấy cô sen, cô vú nữa, cũng là người làng cả. Chỉ có mỗi mình « thằng xe » là không ai biết gốc gác hắn từ đâu đến.

Ngày tháng trôi qua, thấm thoát đã sắp đến Hè. Tôi vẫn ngày ngày, đi học ở dưới Tương Mai, vẫn ngày ngày ra Bờ Hồ lấy tàu điện, mẹ tôi ngày ngày vẫn nhét vào trong cặp cho tôi một bọc cơm nắm muối vừng, hoặc tôm kho, thịt kho, để ăn vào bữa trưa.

Hà Nội đang sống những ngày khẩn trương, ít ra là đối với bọn trẻ chúng tôi. Thực ra chúng tôi cũng chỉ linh cảm mơ hồ rằng sắp xảy ra một chuyện gì, nhưng cũng không biết là cái gì ! Hàng ngày, đi học, chiều tối về chúng tôi vẫn tụ tập nhau ca hát và đàn đúm ở ngay ngoài hè phố, còn thứ Bảy, Chủ nhật, thì nào là tập kịch, nào là đi ra bãi Septo ở phố Hàng Bột tập thể thao, hoặc đi bơi trên Quảng Bá, Hồ Tây, v.v.

Hàng ngày, vẫn những cảnh tượng chết đói trên các hè phố và trên các nẻo đường ngoại ô. Quân Tàu Tưởng sang tước vũ khí của quân đội Nhật bản, bây giờ thay chân Nhật và Pháp, vẫn ngày ngày đến phố nhà tôi mua hàng. Nhưng bọn này khác với bọn khách hàng Pháp và Nhật, chúng nghèo xơ xác, làm gì có tiền mà mua, ngược lại chúng lén lút mang súng ra bán cho các anh ở trong phố. Sau này, đó là những khẩu súng đầu tiên của các anh tự vệ phố. Tôi còn nhớ hình dáng rất đặc biệt của những khẩu Pạc khoọc ...

Thế rồi, bỗng một hôm xảy ra một chuyện làm kinh động cả nhà : « thằng xe » bị đuổi ! Lý do là vì hắn đã dan díu với một con sen ở trong nhà và đã làm cho cô này có chửa ! Những chi tiết khác thì chúng tôi không được biết, nhưng trước sự trừng phạt nghiêm khắc đó của thầy tôi đối với hắn, vào lúc đó, bọn trẻ chúng tôi ở trong nhà đều cảm thấy hết sức là bất bình !

Bẵng đi mấy tuần, một hôm trẻ con trong nhà bỗng bấm nhau ra gặp « thằng xe » ở ngoài đường. Tôi hí hửng lén chạy ra, thì thấy hắn ngồi co gối ở bực cửa một cửa hàng, mặt cúi gằm. Chúng tôi chào hỏi, hắn cũng chẳng nói gì hết. Tôi để ý thấy hai chân hắn đã bắt đầu hơi bị phù. Tôi biết đó là một triệu chứng không hay rồi, vì vẫn nhận xét thấy hiện tượng này ở những người sắp chết đói. Chúng tôi bảo nhau đem cơm ra cho hắn ăn mỗi ngày ở cùng chỗ đó. Nhưng rồi hắn cũng không đến đều ở chỗ hẹn. Bẵng đi một dạo nữa, hắn mới lại lần mò đến. Lần này, đầu hắn đã bị cạo trọc, người đã bắt đầu lở lói. Mặt hắn đã khác hẳn đi rồi, gần như không còn nhận ra được nữa.

Ít lâu sau, không thấy hắn đến phố nữa. Hàng ngày tôi ra chợ Hàng Da cố ý tìm, mà cũng không gặp. Phải chi hắn cứ ở lại phố để cho chúng tôi nuôi hắn !

Chúng tôi không ai bảo ai đều nghĩ thầm : chắc hẳn « thằng xe » đã chết đói rồi ! Riêng tôi, thấy cái chết của hắn thật là vô lý.

Lẽ ra, những người lớn trong nhà, các anh các chị lớn của tôi phải can thiệp mới phải. Tại sao lại không để cho hắn quay trở lại làm việc ?

Lẽ ra, thầy tôi chẳng nên đuổi hắn đi...

Điều này làm tôi cứ băn khoăn mãi. Lẽ ra những người như hắn phải được hưởng một số phận tốt đẹp hơn. Về sau nghĩ lại, tôi vẫn thấy tội nghiệp cho hắn ! Phải chi hắn sống thêm được vài tháng nữa, ít ra cho đến những ngày tháng Tám năm ấy !

Văn Ngọc

Post Reply