Canberra và Sydney nổi sóng: Hơn 15,000 người biểu tình chống văn hóa vận CSVN 04 November 2005 - 13:57
DÂN VIỆT: Trong một tuần lễ được ghi nhận là sôi động nhất trong hơn 30 năm sinh sống yên lành của cộng đồng người Việt ở Úc, bốn cuộc biểu tình quy mô trên phạm vi cả nước đã và sắp diễn ra với tinh thần sôi sục đấu tranh chưa từng thấy với sự tham dự cả hàng chục ngàn người ở thủ đô Canberra và hai thành phố lớn Sydney và Melbourne. Mục tiêu của các cuộc tranh đấu ấy là bày tỏ thái độ phản kháng nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam qua sự thách thức trực tiếp và công khai của Hà Nội dưới hình thức các buổi văn nghệ tuyên truyền cho chế độ nhân dịp đánh dấu 60 năm cai trị của đảng CSVN.
Theo ghi nhận của Dân Việt, cuộc biểu tình ở Canberra ngày thứ Hai 31.10 có khoảng 2,000 người tham dự và ở Sydney ngày thứ Tư 2.11 khoảng 12,000 người. Tờ Canberra Times loan tải cuộc biểu tình 31.10 ở thủ đô là “quy mô nhất trong nhiều năm qua” trong khi nhật báo The Sydney Morning Herald cho biết hơn 8,000 người đã tham dự biểu tình 2.11. Theo ước lượng của một sĩ quan chỉ huy lực lượng cảnh sát giữ trật tự tại chỗ, khoảng 10,000 người đã có mặt trong các khu vực chung quanh Tòa Thị chính Sydney, nơi đoàn “Duyên dáng Việt Nam” trình diễn trong đêm 2.11. Tuy nhiên, số người tham dự đã tăng lên đáng kể khi những chuyến xe lửa từ nhiều vùng ngoại thành đổ về trung tâm thành phố vào trước giờ trình diễn và họ đã đứng tràn ra cả hai bên một đoạn đường dài ngoài khu vực dành riêng cho đoàn biểu tình.
Từ Canberra, giòng thác tuôn trào...
[right]
http://www.danviet.com.au/bieutinh/images/IMG_3568.jpg[/right]Thủ đô Canberra, nơi chỉ có một số ít người Việt cư ngụ, đã trở thành nơi thử lửa đầu tiên của cuộc “đụng độ lịch sử” giữa chế độ cai trị trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại trên mặt trận đấu tranh văn hóa khi nhà cầm quyền CSVN chọn hí viện Canberra Theatre làm nơi ra mắt chương trình Đại nhạc hội DDVN vào đêm thứ Hai 31.10 vừa qua.
Với sự tiếp sức của các cộng đồng từ New South Wales, Victoria và Queensland, Ban tổ chức biểu tình ở thủ phủ ACT đã vận động được khoảng 2,000 người chống lại màn văn hóa vận núp bóng dưới cả trăm ca sĩ tên tuổi và người mẫu mỹ miều trong chương trình. Cùng với các vị lãnh đạo cộng đồng ở địa phương như các ông Lê Công và Đoàn Việt Trung, cuộc biểu tình còn có sự tham dự của nhiều vị đại diện dân cử cấp liên bang như Dân biểu Michael Hatton (Lao Động, đơn vị Blaxland) và Dân biểu Chris Bowen (Lao Động, đơn vị Prospect), hai khuôn mặt quen thuộc luôn hỗ trợ cho các vấn đề quan tâm của cộng đồng người Việt.
Trước đó, vào buổi chiều cùng ngày, hai dân biểu Allan Cadman và Chris Bowen cũng đã phát biểu tại Hạ viện – và được chính thức ghi vào biên bản họp của Quốc hội Liên bang – về sự cai trị độc tài của nhà cầm quyền CSVN trong 60 năm qua và lên tiếng hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của cộng đồng người Việt ở Úc đòi hỏi tự do và dân chủ cho Việt nam.
Một điểm mà nhiều người ghi nhận là tuy được phát vé miễn phí (gần 1,500 vé được phân phối cho các du sinh và gia đình, các cơ quan ngoại giao và những cơ sở kinh tài có hoạt động ở Việt Nam) nhưng số khán giả đến xem DDVN được mô tả là khá thưa thớt (trong khi tờ Thanh Niên của Nguyễn Công Khế mô tả trong số báo điện tử ngay hôm sau là “chật rạp”). Theo ước lượng của các “khán giả” lọt vào bên trong, hội trường vào giờ mở màn có khoảng 600 - 800 người dù nó có sức chứa đến hơn 1,000. Phần lớn những người đi xem là du học sinh từ miền bắc Việt nam và khoảng 1/3 là người Úc hoặc nhân viên ngoại giao đoàn. Họ đã phải đi tránh địa điểm tập trung của đoàn biểu tình để vào bên trong bằng lối cửa hông từ phía sau nhà hát. Một số vì e ngại đụng chạm hoặc không cảm thấy thoải mái đã bỏ dở chương trình để ra về nửa chừng.
Tuy giờ khai mạc diễn ra như dự định nhưng chương trình bất ngờ bị “thay đổi” bởi một tiết mục ngoạn mục không có trong kịch bản: sự phản kháng tại chỗ (trong hội trường) của bốn thanh niên Việt Nam (3 nam, 1 nữ) tố cáo sự chà đạp nhân phẩm phụ nữ, tước đoạt nhân quyền và đàn áp tôn giáo bởi chế độ CSVN.
Sau diễn văn khai mạc lê thê của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bằng, người nổi tiếng khắp thế giới với biệt danh “Đại sứ mò sò” vì bị bắt quả tang về hành động bắt sò trộm khi còn giữ chức Đại sứ CHXHCNVN ở Hoa Kỳ) và bài đáp từ ngoại giao của TNS Peter Flitter, Chủ tịch hội Úc – Việt có khuynh hướng thân cộng, bốn thanh niên trong nhóm Tuổi trẻ Việt nam Lên đường đã đứng dậy, rời khỏi hàng ghế và cởi áo khoác để lộ áo thun in hình cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH và hô lớn những khẩu hiệu đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và tự do cho Việt Nam. Các cán bộ an ninh của CSVN đã lập tức vây chặt họ. Chúng đã bộc lộ thái độ côn đồ chuyên nghiệp “có giáo dục” (theo lời của Trưởng ban tổ chức Nguyễn Công Khế, chương trình DDVN chỉ dành cho những người “có giáo dục”) và một hoặc hai “người Việt từ Cabramatta” (theo sự nhận diện của các nạn nhân) bằng hành động bạo hành như cướp máy ảnh và giật phim của các thanh niên này. Chúng cũng đã bẻ gãy chiếc memory card trong máy ảnh của một thanh niên đó (tên Phú, thuyền nhân tỵ nạn trên chiếc Hào Kiệt) nhưng đã phải trả lại sau lệnh của cảnh sát Úc. Sau hành vi côn đồ đó, nhiều khán giả ngoại quốc đã bỏ về. Không khí trong hội trường từ đó cho đến khi chấm dứt chương trìng đã trở nên nặng nề và căng thẳng.
Cuộc biểu tình kết thúc trước nửa đêm và được đánh giá như một biến cố lớn trong lịch sử cộng đồng người Việt ở Canberra, nơi chỉ vỏn vẹn vài ngàn người Việt sinh sống rải rác khắp vùng lãnh thổ rộng lớn của thủ đô Úc nhưng luôn đứng đầu sóng ngọn gió qua nhiều cuộc biểu tình cấp liên bang.
Đến Sydney, bão sóng nổi lên...
[left]
http://www.danviet.com.au/bieutinh/images/IMG_3561.jpg[/left]Không khí biểu tình bắt đầu sôi sục từ sáng khi nhiều đồng hương ở các vùng miền tây nam Sydney phát giác một “trò bẩn” của Tòa Đại sứ VC: tất cả các chồng báo The Australian tại những đại lý phân phối đều bị mua sạch từ sớm. Lý do: Cộng đồng NVTD Úc châu đã đăng một thông báo tố cáo tội ác 60 năm của chế độ CSVN trên tờ báo có số in hàng triệu ấn bản mỗi ngày và được phát hành trên toàn quốc này. Tuy hành động “lấy thúng úp voi” nhằm bưng bít sự thật đó chỉ là một trò hề trong xã hội văn minh và dân chủ như Úc nhưng nó đã thổi bùng lên cơn bão sóng phẫn nộ.
Ở Úc này mà Hà Nội còn giở trò láu cá như vậy thì trong nước làm gì có được một sinh hoạt ngôn luận tự do như chế độ rêu rao, ngoại trừ những tờ báo viết theo lệnh đảng như Thanh Niên do Nguyễn Công Khế cầm đầu. Chiến thuật bịt miệng đó đã gây nên một hiệu quả ngược tai hại gấp trăm lần ngoài ý muốn của Tòa Đại sứ VC vì tin này được truyền miệng nhanh chóng trong cộng đồng, được các cơ quan truyền thông Úc khác khai thác và được đặt thành vấn đề trong các nghị trường quốc hội. “Chiến thuật quen xài” trong nước đó của Hà Nội đã góp phần châm ngòi cho ngọn lửa đấu tranh để nó nổ bùng thành sự phản kháng quy mô nhất chưa hề diễn ra trên đường phố trung tâm Sydney.
Mới từ 5 giờ chiều, hàng ngàn người đã đổ về Sydney Town Hal trước khi Ban tổ chức kịp hoàn tất các tấm phông lớn và hệ thống âm thanh. Sự hưởng ứng nồng nhiệt với lời kêu gọi của các Ban chấp hành NVTD trên toàn quốc của đồng hương đã làm bất ngờ cho cả lực lượng hàng trăm cảnh sát được huy động đến nơi để duy trì trật tự chung trong khu vực. Họ đã phải tăng cường thêm nhân sự và phương tiện để bảo vệ an ninh tại hiện trường. Những chuyến xe lửa tới tấp từ Cabramatta, Fairfield, Bankstown, Lidcombe, Marrickville... đã liên tiếp đổ xuống dòng thác người đến địa điểm biểu tình suốt nhiều giờ. Con số hành khách gia tăng đột ngột đó đã khiến cho nhiều người Úc bình thường trên những chuyến xe này tò mò tìm hiểu và một số lớn đã bày tỏ sự ủng hộ của họ khi được biết mục tiêu đấu tranh của cộng đồng ngưòi Việt ở Úc.
Điểm rõ nét đầu tiên của chúng tôi là cuộc biểu tình đã diễn ra trong khí thế sôi sục suốt hơn 4 giờ dù vẫn giữ được thái độ ôn hòa và tôn trọng luật pháp. Nhiều người đi xem DDVN, cả Úc lẫn Việt, được trao những tài liệu và bằng chứng tố cáo tội ác của chế độ CSVN trong 60 năm cầm quyền. Không một sự kiện đáng tiếc nào đã xảy ra và một số người – có thể vì cảm thấy không thoải mái hoặc đã nhìn rõ ý đồ tuyên truyền của Hà Nội – đã xé vé ra về trong tiếng vỗ tay hoan hô của đoàn biểu tình. Điểm đáng ghi nhận khác: trong khi những người đến xem hát (đại đa số là du sinh từ Việt Nam “được” Tòa đại sứ CSVN lên danh sách và phát vé miễn phí) cúi đầu xếp hàng trong thái độ miễn cưỡng trong vòng bảo vệ của cảnh sát, đoàn biểu tình đã nhiệt thành “mời” họ hãy can đảm xin tỵ nạn ở Úc để được sống trong nhân phẩm và tự do đích thực. Trong rừng cờ Úc – Việt và những chiếc bong bóng vàng in ba sọc đỏ với những khẩu hiệu đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, những bản hùng ca và tình tự quê hương đã được phát thanh liên tục vang dậy góc phố tấp nập nhất của Sydney, tạo sự chú ý cho hàng chục ngàn người Úc dạo phố đêm. Trên các bậc thang có trải thảm đỏ dẫn đến lối vào hội trường cách xa khoảng 10 mét từ đoàn biểu tình, những khuôn mặt đăm đăm tức giận của các cán bộ CSVN càng làm tăng thêm sự thất bại thảm hại của buổi diễn.
Giống như các lãnh tụ từ Hà Nội mỗi lần đến Úc, nhóm tổ chức và các thành viên biểu diễn trong chương trình DDVN đều phải đi vào hội trường bằng cổng hậu trong những chiếc xe kín mít được bảo vệ bởi các nhân viên an ninh hàng trăm người. Đây là một thất bại hiển nhiên của Hà Nội khi, trên tờ báo Thanh Niên (cơ quan tuyên truyền của đoàn TNCSVN và cũng là người tổ chức các show trình diễn này), tuyên bố rằng DDVN là “một sự giao lưu văn hóa hoành tráng và quy mô nhất từ trước đến nay” với Việt kiều ở hải ngoại. Người ta không thấy có bất cứ một cử chỉ hoặc sự xuất hiện “giao lưu” nào của các nghệ sĩ trong chương trình với hàng chục ngàn “khán giả đồng hương” đang chờ đón họ bên ngoài như được quảng cáo rầm rộ trên trang mạng của tờ báo này.
[right]
http://www.danviet.com.au/bieutinh/images/IMG_3564.jpg[/right]Ở bên trong, chương trình được khai mạc đúng giờ, cửa hội trường được khóa lại và nghiêm cấm mọi sự ra vào, nhưng đã kết thúc sớm hơn dự định vì không khí căng thẳng sau một diễn biến bất ngờ. Trong số khách mời đặc biệt có Bà Toàn quyền NSW Marie Bashie và các nhân viên ngoại giao quốc tế ở Úc. Một số khá đông khán giả khác là những “đại gia” từ Việt nam tháp tùng trên chuyến bay đặc biệt của Hàng không Việt Nam với giá vé hơn $2,000 để đến Úc xem DDVN, một chương trình mà ngay ở Việt Nam cũng không dàn dựng nổi. Về phía đại diện chế độ CSVN, cũng vẫn là các khuôn mặt từng xuất hiện trong chương trình DDVN ở Canberra như Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bằng, Tổng biên tập báo TN Lê Công Khế (trưởng ban tổ chức) và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phan Việt Muôn (người phụ trách kiều vận và công an).
Theo lời kể của một khán giả, khoảng 800 đến 1000 người đã dự buổi đại nhạc hội, đa số là du học sinh và gia đình. Hội trường còn rất nhiều ghế trống và một số đã bỏ ra về vào giữa buổi trình diễn. Chương trình đã được thực hiện với “chất lượng cao” vì gồm toàn những tài năng hàng đầu của Việt Nam, nhưng không khí khá ngột ngạt và căng thẳng sau khi một nữ khán giả bất ngờ tiến lên sân khấu hô khẩu hiệu “Đả đảo cộng sản” và “Tự do cho Việt Nam”. Diễn biến trên xảy ra ngay sau khi ca sĩ Elvis Phương vừa chấm dứt bài hát “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy, hai nghệ sĩ bị cộng đồng người Việt hải ngoại phỉ nhổ vì thái độ tự phủ nhận tư cách tỵ nạn chính trị của họ để được Hà Nội “cho phép hành nghề” trong nước.
[left]
http://www.danviet.com.au/bieutinh/images/IMG_3566.jpg[/left]Theo tin riêng của Dân Việt, nữ khán giả này dù không có vé nhưng đã lọt qua bốn chặng kiểm soát gắt gao (ghi danh, soát vé, an ninh và hướng dẫn đến chỗ ngồi) nhờ một mẹo vặt qua mắt hàng trăm cán bộ CSVN và nhân viên Úc. Vờ như một người lên tặng hoa, chị đã vượt qua hàng rào dày đặc gồm khoảng 40 nhân viên bảo vệ đứng dọc hai bên trước sân khấu, chỉ mặt Elvis Phương hét to “Đồ phản bội!” và hô lớn “Down with Vietnamese Communism”, “Freedom For Vietnam” trước khi lực lượng an ninh Úc kịp trở tay. Chị bị ít nhất 4 vệ sĩ to lớn áp tải ra khỏi hội trường và lực lượng bảo vệ an ninh đã quyết định “giữ nữ khán giả này bên trong cho đến giờ vãn hát” vì e ngại sự công bố diễn biến trên ra bên ngoài sẽ càng làm tăng thêm sự phẫn khích cho đoàn biểu tình.
Qua thân nhân của hai nghệ sĩ giấu tên có mặt trong chương trình DDVN, Dân Việt cũng được biết hoàn cảnh và tâm sự của một số diễn viên trong chuyến lưu diễn Úc châu này. Họ cho biết đáng lẽ việc phổ biến văn hóa Việt nam sang nước ngoài là một ước mơ và hãnh diện của bất kỳ nghệ sĩ nào nhưng khi biết được lý do chống đối của cộng đồng người Việt hải ngoại, họ đã cảm thấy xấu hổ và không được thoải mái khi trình diễn. Họ tiết lộ rằng, trái ngược với những lời đánh bóng trên tờ Thanh Niên, chưong trình đã được sắp xếp một cách lôi thôi, vụng về và chỉ trông cậy vào tài năng cá nhân của các nghệ sĩ. Vì lý do “bảo mật”, những người tham dự biểu diễn trong chương trình chỉ được báo trước 3 tuần trước khi lên đường kèm theo lời “nhắn nhủ” đây là sứ mạng phục vụ cho đảng, một hình thức gián tiếp cảnh cáo rằng họ sẽ “không có chỗ đứng” nếu không tham gia chuyến lưu diễn này.
Tại cuộc biểu tình, ngoài những nhân vật uy tín và dày dạn kinh nghiệm đấu tranh như Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Kỹ sư Phan Đông Bích, Luật sư Nguyễn Văn Thân, Kỹ sư Đoàn Việt Trung, Chiến sĩ Võ Đại Tôn và các vị lãnh đạo cộng đồng khác từ những tiểu bang và vùng lãnh thổ (ACT, Queensland, Wollongong, Victoria, South Australia v.v..) người ta đặc biệt ghi nhận sự dấn thân tranh đấu của thế hệ hậu duệ. Với khả năng Anh – Việt ngữ lưu loát, tinh thần yêu trọng tự do và công bằng xã hội của người trẻ, các anh chị em như Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, Luật sư Đỗ Trí Dũng, cựu Nghị viên Trần Văn Nhân, cô Tuyết Nhung v.v.. đã tạo thêm một không khí mới, khỏe mạnh và hiệu quả, qua những phương tiện truyền thông hiện đại để loan tải tại chỗ tin tức về cuộc biểu tình đến mọi cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Họ cũng đã chứng tỏ bản lãnh vững vàng qua các cuộc phỏng vấn của những tờ báo và đài truyền hình Úc, Việt và quốc tế trong biến cố này.
Cuộc biểu tình còn được sự hỗ trợ đặc biệt từ Phong trào Cửu bình (9 điểm bình luận về sự tất bại của chủ nghĩa cộng sản) trong cộng đồng người Hoa ở Úc. Nhiều diễn giả uy tín của phong trào này đã phát biểu mạnh mẽ rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa các chế độ cai trị độc đảng cộng sản sẽ tiêu vong trên toàn thế giới.

Sự hiện diện và phát biểu được nồng nhiệt chào đón đặc biệt khác là từ Thượng nghị sĩ NSW David Clark, người bày tỏ “ước mơ lớn nhất của đời tôi là được tham dự một buổi đại nhạc hội ngay tại Nhà hát Hà Nội trong một nước Việt Nam dân chủ và tự do”. Là một người luôn sát cánh với cộng đồng tỵ nạn Việt Nam trong các cuộc đấu tranh, ông cực lực lên án 60 năm cai trị của đảng CSVN là “một thời kỳ u ám và nhục nhã nhất trong lịch sử” và sẽ mạnh mẽ đòi hỏi chính phủ Úc duyệt xét lại ngân khoản viện trợ $70 triệu mỗi năm cho Hà Nội để nó không bị lãng phí vào những màn tuyên truyền trơ trẽn như DDVN. Một diễn giả khác, ông Barry Tubner, Đại diện Nghiệp đoàn TCF, cũng đã tạo nên những tràng pháo tay như sấm nổ vọng vào bên trong hội trường khi ông lên án Hà Nội cấm đoán các quyền tổ chức và hoạt động nghiệp đoàn độc lập, đàn áp tôn giáo và tước đoạt nhân quyền.
Cũng trong cuộc biểu tình này, một đại diện của Văn khố Thuyền nhân Việt Nam đã vạch trần trước các cơ quan truyền thông Úc và quốc tế về bản chất dã man “mất cả tính người” của chế độ CSVN qua hành động trả thù người chết khi Hà Nội tạo áp lực buộc hai chính phủ Nam Dương và Mã Lai phá hủy những tấm bia tưởng niệm hàng trăm ngàn thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam trên các đảo Galang và Bidong. Ông nói: “Khi Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ và tuyên bố sẵn sàng nói chuyện hòa giải với cộng đồng người Việt ở hải ngoại hồi tháng 6 vừa qua, nhà cầm quyền CSVN đã dọn đường bằng hành động đập phá tấm bia tưởng niệm những thân nhân của họ trên đảo Galang. Trước khi đoàn văn công Duyên dáng Việt nam đến Úc lần này, Hà Nội cũng đã đập nốt tấm bia còn lại trên đảo Bidong. Đối với người chết mà chế độ CSVN còn làm như vậy thì mọi hành động bất nhân nào cũng đều chỉ là phương tiện để cho những kẻ cai trị tiếp tục duy trì quyền lực.”
Cuộc biểu tình đã chấm dứt cùng lúc với sự kết thúc chương trình DDVN vào quãng 11 giờ khuya. Hầu như tất cả mọi người đều hứa hẹn “sẽ gặp lại” tại các cuộc biểu tình ở Bankstown (thứ Sáu 4.11 và Melbourne” (Chủ nhật 6.11), cũng để chống chiến dịch văn hóa vận theo Nghị quyết 36 của CSVN. Các vị chỉ huy của lực lượng cảnh sát đã đến thân ái bắt tay và khen ngợi tính kỷ luật, tôn trọng luật pháp của ngưòi Việt, một điều mà họ biểu dương như một mẫu mực sinh hoạt công cộng “hiếm thấy trong các cuộc biểu tình có hàng chục ngàn người như vậy”.
Tin thêm:
********************
(Bản dịch nguyên văn theo tin của The Canberra Times (thứ Tư 2.11.2005), nhật báo có số phát hành cao nhất ở thủ đô Canberra)
Những người tranh đấu cho nhân quyền chẳng thấy “duyên dáng” gì cả trong chuyến biểu diễn của các nghệ sĩ Việt Nam
Những khán giả đến Canberra Theatre để xem đại nhạc hội Duyên dáng Việt nam vào tối thứ Hai đã được đón chào bằng một cuộc biểu tình quy mô nhất trong nhiều năm qua tại khu vực Civic ở trung tâm thủ đô.
Với tiếng trống vang dội, những người biểu tình đã đưa cao biểu ngữ và hô lớn khẩu hiệu chế nhạo cái “duyên dáng” của đại nhạc hội này, số lượng đông đảo những người Việt Nam cư ngụ ở Canberra đã phản đối chống lại chuyến lưu diễn của hơn 90 nghệ sĩ từ Việt Nam.
Đại nhạc hội - với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao VC Lê Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VC Nguyễn Công Khế và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ VC Phan Việt Muôn – cũng đánh dấu kỷ niệm 15 năm tái lập đường bay giữa hai nước vì người ta tin rằng Úc hiện là một trong 10 nước hàng đầu có số du khách đến Việt Nam.
Khi lọt vào được bên trong hội trường, nhiều người biểu tình đã đứng dậy từ chỗ ngồi và hô lớn khẩu hiện “Nhân quyền cho Việt Nam” trước khi họ bị nhân viên an ninh đưa ra ngoài. Cùng lúc ấy, người ta có thể nghe rõ tiếng trống vọng vào bên trong từ ngoài cửa nhà hát.
Chủ tịch Hội Úc – Việt Peter Filter nói với khán giả trong nhà hát rằng trong khi ông hy vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng chuyển đổi chế độ sang một chính thể dân chủ, phương cách phản đối của những người biểu tình là “không giúp ích” cho tiến trình này. Ông tin rằng sự đối thoại mới là thích hợp hơn.
Được quảng cáo như là “một chương trình văn hóa Việt Nam vĩ đại nhất chưa hề có ở Úc”, đại nhạc hội này đã đưa ra những ca nhạc sĩ và siêu mẫu nổi tiếng từ Việt Nam.
Dù phát ngôn viên của Nhà hát Canberra Theatre nói họ chẳng biết gì về chuyện cuộc biểu tình sẽ diễn ra nhưng các thành viên trong cộng đồng người Việt ở Canberra cho biết họ đã thông báo sự kiện ấy từ hôm thứ Hai rằng họ dự định tổ chức một cuộc phản kháng để “tố cáo những tội ác của chế độ CSVN và đòi hỏi tự do và nhân quyền”. Những người biểu tình nói rằng những kẻ cai trị cộng sản Việt nam đã trở thành giai cấp tư bản đỏ thống trị. Họ cũng cáo giác rằng “trong khi chúng đốt tiền để mang 16 siêu mẫu đến Úc để khoe khoang hai màn biểu diễn trang phục áo dài thì có ít nhất 16,000 cô gái Việt Nam đã bị bán làm nô lệ tình dục”.
****************************
Phát biểu tại Quốc hội Liên bang Úc của Dân biểu Allan Cadman (đảng Tự Do, đơn vị Mitchell) và Dân biểu Chris Bowen (đảng Lao Động, đơn vị Prospect) ngay trước khi chương trình Duyên dáng Việt Nam khai diễn ở Canberra. Những bài phát biểu này được ghi lại trong hồ sơ lưu trữ chính thức của Quốc hội Liên bang Úc.
Dân biểu Allan Cadman:
“Tôi xin lưu ý quý đồng viện về sự kiện rằng chúng ta đang liên hoan kỷ niệm 30 năm định cư của người tỵ nạn từ Việt Nam. Tôi cũng xin lưu ý quý đồng viện về cái gọi là các buổi đại nhạc hội liên hoan đang được tổ chức bởi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở Sydney và Canberra. Tôi nhận thấy cái gọi là liên hoan này rất gây xáo trộn. Cuộc liên hoan đó thực sự chỉ là liên hoan 60 năm của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Đó là một hành vi xúc phạm kinh khủng đối với những người Việt Nam đến Úc và chấp nhận đất nước này như là quê hương của họ. Chế độ CSVN nói rằng “Chúng tôi là người thắng trận trong cuộc chiến. Chúng tôi có một chế độ tuyệt vời ở Việt Nam. Hãy xem quý vị đã mất mát như thế nào khi trở thành người tỵ nạn và đến Úc.”
Tôi là một thành viên trong chính phủ từng quyết định đón nhận những người tỵ nạn từ Việt Nam. Quyết định tỵ nạn không phải là chuyện dễ dàng đối với nhiều người của họ, nhưng họ đã thực hiện một sự đóng góp kỳ diệu cho xã hội của chúng ta. Họ đã làm việc cần cù và đã hy sinh to lớn cho con cái để chúng có được những vị trí trong mọi sinh hoạt trong đời sống Úc. Tôi muốn được ghi nhận công sức của họ. Họ đã đạt được những thành tự kinh tế cho mình, nhưng khi người ta nhìn lại những điều đã diễn ra ở Việt Nam dưới sự cai trị của chế độ độc đảng – như sự hạn chế quyền tự do của người dân, bị ngăn cấm di chuyển, nhiều người bị bắt giam về niềm tin Phật giáo và Công giáo của mình – người ta có thể nhìn thấy rằng họ đã bị trừng phạt vì nói lên tiếng nói cho tự do.
Tôi muốn khuyến khích tất cả người Úc tẩy chay cuộc liên hoan 60 năm chế độ cộng sản ở CHXHCNVN vì đó thực sự là một cuộc liên hoan của sự mất mát tài sản và chịu đựng khổ đau, của sự chết chóc và tội ác chống lại tự do và tình người do chế độ này thực hiện. Đau đớn thay, phần lớn sự cai trị độc ác đó vẫn còn tiếp diễn.
Theo số thống kê trong cuộc kiểm tra dân số 2001, có 174,237 người nói tiếng Việt đã đến Úc với tư cách tỵ nạn. Họ đã chấp nhận đất nưóc này là quê hương. Cộng đồng người Úc gốc Việt đã tổ chức vô số các công tác cứu trợ nhân đạo và đã tham dự các chiến dịch gây quỹ cho Bệnh viện Nhi đồng Royal Children’s Hospital cũng như cho những thiên tai ở ngoại quốc. Nhiều thành viên trong cộng đồng đã nhận được huy chương danh dự nhân ngày Quốc khánh Úc về sự đóng góp của họ cho đất nước này.
Một vài việc vừa diễn ra theo lời yêu cầu của Hà Nội đang gây một sự phẫn khích cao độ. Theo yêu cầu của Hà Nội, Nam Dương và Mã lai đã phá hủy các tấm bia tưởng niệm thuyền nhân vì Hà Nội không muốn bị nhắc nhở rằng những người đã thực sự ra đi khỏi đất nước đó để trốn khỏi thái độ khủng bố và độc tài của chế độ. Việt Nam cũng có vấn đề tham nhũng. Năm ngoái, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp Việt Nam vào hạng 102 trên thế giới. Năm nay, vị thứ đó tụt xuống 107 trong số 140 quốc gia. Cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, như Hòa thượng Thích Quảng Độ, đang bị quản thúc tại gia. Vào dịp Lễ Phục sinh năm ngoái, chế độ CSVN đã giết chết hàng trăm ngưòi Thượng ở vùng cao nguyên miền trung vì họ biểu tình ôn hòa đòi lại quyền sở hữu đất đai và tự do tôn giáo. Giới truyền thông, nghiệp đoàn và mọi hiệp hội đều bị đảng Cộng sản kiểm soát.
Tôi muốn ghi nhận sự đóng góp của một số người kiên quyết tranh đấu cho sự tự do và tương lai của nhân dân Việt Nam khi họ phản đối sự liên hoan 60 năm cai trị của CSVN. Họ là ông Đoàn Việt Trung, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Bác sĩ Bùi Trọng Cường, ông Nguyễn Luyện, Kỹ sư Phan Đông Bích, ông Lê Văn Công và ông Nguyễn Thế Phong. Tất cả những người này là các vị lãnh đạo của một cộng đồng tiêu biểu cho tự do. Họ là những người Úc tuyệt vời và tôi hãnh diện gọi họ là những công dân Úc xuất sắc vì họ đã tranh đấu một cách can đảm và vinh quang cho lý tưởng tự do, giá trị và truyền thống vĩ đại của quốc gia chúng ta...”
Dân biểu Chris Bowen:
“Đêm nay ở Canberra, cách đây không xa, một đại nhạc hội mệnh danh là “Duyên dáng Việt Nam 2005” được trình diễn. Đại nhạc hội này được bảo trợ bởi chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam để liên hoan kỷ niệm 60 năm cai trị. Một điều quan trọng mà Quốc hội Liên bang Úc nên ghi nhận là nhiều người Việt ở Úc không cảm thấy có gì để liên hoan cả.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã đánh giá chế độ Hà Nội vào hạng 102 trong số 140 quốc gia. Việt Nam là một trong bốn nước Á châu bị xếp cuối bảng về tình trạng tham nhũng và tình trạng mập mờ trong sự cầm quyền. Trong năm 2004, Hội Ký giả Không Biên giới cũng đã xếp hạng chế độ Hà Nội thứ 161 trong số 167 quốc gia.
Về mọi vấn đề nhân quyền, chế độ cộng sản đang đàn áp tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội chính trị ở Việt Nam, nơi mà đại nhạc hội “Duyên dáng Việt nam” giàn dựng để liên hoan (ở Canberra) đêm nay.
Dĩ nhiên, trong vài năm qua đã có một sự nới lỏng trong nền kinh tế của Việt nam. Sự tự do kinh tế này cần phải được thực hiện đồng bộ với tự do chính trị. Một số đông đảo người Úc gốc Việt sẽ tham gia cuộc biểu tình tại đại nhạc hội này vào đêm nay và tại Sydney vào ngày thứ Tư.
Tôi biết một số đại diện dân cử sẽ đến tham gia với họ trong các cuộc biểu tình đó. Từ ngôi nhà lập pháp này, tôi gửi lời ủng hộ của Quốc hội Liên bang đến những người biểu tình này và cam kết sẽ tiếp tục đứng lên tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam.”
danviet.com.au/news