THỬ TÌM HIỂU THÊM

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

Post Reply
CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

THỬ TÌM HIỂU THÊM

Post by CNN »

Để tránh mở đề tài mới hoài, CNN đề nghị chúng ta viết vào đề mục này các bài sưu tầm trên báo hoặc trên Net.
CNN xin mở đầu với bài về "Giáng Sinh", post xong CNN sẽ đi nhà thờ.

Lịch sử thiệp Giáng sinh

Cứ mỗi dịp Giáng sinh về mọi người lại trao nhau những cánh thiệp xinh xắn kèm theo những lời chúc thân thương, nhưng có mấy ai biết rằng thiệp Giáng sinh đã ra đời từ rất lâu, khoảng hơn 2 thế kỷ trước.


Thiệp Giáng sinh thay lời muốn nói

Tập tục gửi thiệp Giáng sinh bắt nguồn từ xứ sở sương mù vào năm 1843. Trước đó, mỗi dịp Giáng sinh về, mọi người chỉ có thể viết thư tay chúc mừng Giáng sinh và đích thân đem đến người nhận. Thời gian sau, nhờ hệ thống bưu điện phát triển mà việc gửi thư chúc mừng Giáng sinh không còn tốn nhiều công sức nữa.

Loại thiệp Giáng sinh đầu tiên do J.Horsley - một họa sĩ ở London - thiết kế. Một người bạn thân giàu có là Sir Henry Cole đã nhờ Horsley thiết kế cho mình một tấm thiệp thật đẹp để ông gửi người thân và bạn bè.

Thế là Noel năm 1843, Horsley trình làng tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên trên thế giới là kiểu tranh 3 phần được vẽ bằng tay. Phần ở giữa mô tả cảnh một gia đình quây quần bên bữa tiệc Giáng sinh và hai phần còn lại tả cảnh trẻ em nghèo được cho ăn no và mặc ấm. Trên tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên này nổi bật câu chúc mừng: "Chúc bạn Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc!" (Merry Christmas and a Happy New Year to you!).

Với mẫu thiết kế thiệp Giáng sinh trên, Henry Cole cho ra lò 1.000 tấm thiệp và trong số này hiện còn khoảng 12 tấm vẫn nằm đâu đó trong các bộ sưu tập cá nhân hay ở các viện bảo tàng.

Bùng phát thiệp Giáng sinh

Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát ở Anh khi chính phủ nước này thông qua một đạo luật vào năm 1846 cho phép người dân có thể gửi thư đến bất kỳ nơi nào trong nước với giá rẻ. Trong suốt 10 năm sau đó, thiệp Giáng sinh trở thành mốt thịnh hành ở nước Anh và không lâu sau du nhập sang cả Đức.

Thế nhưng phải mất 30 năm sau thì người Mỹ mới hào hứng đón tiếp làn sóng thiệp in này. Năm 1875, Louis Prang - một thợ in gốc Đức sống tại Boston - bắt đầu tung ra thị trường các loại thiệp in chất lượng cao và ông nhanh chóng được gán cho danh hiệu "cha đẻ các loại thiệp Giáng sinh Mỹ".

Tranh trên thiệp của Prang rất đa dạng, từ tranh Thánh Mẫu, cây cối được trang hoàng, ông già Noel cho đến các loài hoa với muôn sắc màu như hoa hồng, hoa cúc, hoa phong lữ... song những tấm thiệp này thường có giá rất cao.

Thiệp của Prang được công chúng đánh giá cao do ông đã cất công pha trộn đến 20 sắc màu trên một tấm thiệp. Kể từ năm 1881, ông xuất ra thị trường đến 5 triệu thiệp mỗi năm. Đến thập niên 90 của thế kỷ 19, Prang thôi kinh doanh do người Mỹ bắt đầu chuộng những loại thiệp có giá rẻ được nhập từ Đức và tình trạng này kéo dài mãi đến sau Thế chiến thứ nhất, khi ngành sản xuất thiệp chúc mừng của Mỹ ra đời.

Ông già Noel lên mặt thiệp

Suốt thời kỳ nội chiến ở Mỹ (1860-1865), Tổng thống A. Lincoln đã yêu cầu họa sĩ tranh biếm họa chính trị T. Nast phác họa tranh ông già Noel cùng lính liên bang để khuyến khích tinh thần của họ. Và hình ảnh ông già Noel yêu nước trong bộ trang phục màu đỏ xuất hiện trên mặt thiệp trở nên phổ biến trong mùa Giáng sinh.

Suốt Thế chiến thứ 2, hình ảnh chú Sam hay những hình mẫu yêu nước khác xuất hiện chủ đạo trên mặt thiệp Giáng sinh nhằm nhắc nhở người dân Mỹ tưởng nhớ đến sự hy sinh của nhiều người khác để họ có khoảnh khắc vui vẻ như hôm nay.

Thiệp Giáng sinh với những hình vẽ hài hước trở nên thịnh hành vào thời chiến tranh lạnh. Thiệp Giáng sinh cũng dần trở thành công cụ hữu hiệu thể hiện ước nguyện của con người ở từng thời điểm khác nhau. Chẳng hạn những năm 60-70, ở Mỹ xuất hiện loại thiệp với hình ảnh ông già Noel cưỡi... tên lửa thay vì con tuần lộc truyền thống nhằm phản ánh lòng đam mê của Mỹ với ngành vũ trụ còn non trẻ.

Ngày nay chỉ riêng ở Mỹ, hơn 2 tỉ thiệp Giáng sinh với khoảng hơn 3.200 kiểu mẫu cùng 14 ngôn ngữ khác nhau được chuyền tay nhau mỗi năm. Nếu tính chung trên thế giới thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Thiệp Giáng sinh là loại thiệp "hút hàng" nhất trong năm. Cùng với loại thiệp in, thiệp điện tử cũng trở nên thông dụng với hơn 300 chủ đề khác nhau mà người nhận có thể nhận được ngay.

Source: Wikipedia.org

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Con người có thể chế ngự động đất?


Liệu những cảnh hoang tàn như thế này ở Phuket, Thái Lan, có thể được chặn trước?
Cảnh điêu tàn của thảm họa trên Ấn Độ Dương mới đây đặt ra cho loài người một câu hỏi: Chẳng lẽ chúng ta không có cách nào để vừa cải tiến được hệ thống cảnh báo, vừa thực sự ngăn ngừa những trận động đất kinh hoàng diễn ra.

Trong mùa đông, các quan chức ở nhiều vùng miền núi đã ngăn ngừa những trận lở tuyết lớn bằng cách kích nổ những vụ trượt lở nhỏ, thậm chí phải dùng đến cả đại bác quân sự. Hiểm họa cháy rừng ở một vài nơi được giảm bớt bằng những "đám cháy nhỏ có kiểm soát", nhằm ngăn chặn sự tích luỹ những thân cây chết - yếu tố gây nên những vụ hoả hoạn lớn.

Một trận động đất là hệ quả sau cùng của một quá trình tích luỹ ứng suất (sức căng) chậm chạp, dai dẳng lên các bề mặt đá đang cố gắng trượt qua nhau, bị đẩy đi bằng những chuyển động nằm sâu trong lòng trái đất. Lực này tích luỹ ngày một nhiều, và đá cố gắng kháng cự lại nó đến mức tối đa. Đến một lúc nào đó, đá không giữ nổi nữa, hai mảng thạch quyển đột ngột trượt qua nhau, giải phóng năng lượng dưới dạng các sóng địa chấn.

Lớp vỏ bề mặt trái đất bị phân chia thành một vài mảng lớn và một số mảng nhỏ hơn. Chúng di chuyển vài centimét mỗi năm, cưỡi trên những lớp đá nửa nóng chảy sền sệt ở bên dưới.
Trên đất liền, các cú rung lắc này được cảm nhận như những trận động đất; dưới biển, sự trồi sụt của vỏ trái đất dẫn tới sự hình thành các con sóng thần có thể băng qua các đại dương trong vài giờ và rồi đổ ụp xuống vùng nước nông của một lục địa nào đó dưới dạng các con sóng vĩ đại.

Trong một chừng mực nào đó, con người đã tình cờ kích thích động đất, cung cấp cho các nhà khoa học ý tưởng về sự giải phóng ứng suất có chủ ý, nhằm giảm bớt thiệt hại do những trận động đất "thật" gây ra. Song, các nhà địa chất cảnh báo rằng việc thay thế một trận động đất lớn bằng một loạt trận nhỏ hơn có thể khiến con người rơi vào nguy hiểm cao hơn.

Ý tưởng thuần hoá động đất

Khi các mảng này di chuyển, chúng tách ra xa nhau hoặc xô lại gần nhau, giải phóng động đất dọc theo biên giới giữa các mảng.
1- Các mảng rời xa nhau, khiến cho phần ở giữa sụt xuống.
2- Đới hút chìm, nơi mảng đáy biển bị cuốn xuống dưới mảng lục địa.
3- Nơi hai mảng nghiến lên nhau, chúng không mạnh như ở đới hút chìm, song có sức phá huỷ lớn hơn do ở gần bề mặt.
4- Hai mảng lục địa xô vào nhau, khiến đất đá uốn nếp và dâng lên thành núi.
5- Magma dâng lên qua khe nứt giữa đáy biển, khiến đáy biển mở rộng ra.
Con người đã kích thích động đất tự nhiên thông qua một loạt hành động trên mặt đất, chủ yếu là khi xây dựng những hồ chứa nước lớn. Dưới trọng lượng của nước tích luỹ trong hồ, các lớp đá ở bên dưới bị nén lại và trượt đi.

Việc đào hầm vào lòng đất cũng là những kịch bản rõ nhất về động đất nhân tạo.

Năm 1961, quân đội Mỹ đã khoan một cái giếng chứa chất thải sâu 3.600 mét vào núi Arsenal ở Colorador, phía đông bắc Denver. Bắt đầu vào tháng 3/1962, chất thải lỏng chứa asen được bơm xuống giếng. Sau đó, một điều thú vị đã xảy ra: một loạt trận động đất bất thường xuất hiện trong vùng. Vào cuối năm 1962, đã có gần 200 trận động đất. Đầu tiên chúng chỉ nhỏ, nhưng đến tháng 12 chúng đã phá huỷ vài ngôi nhà ở những thị trấn gần đó. Trong vòng 5 năm kế tiếp, động đất tăng lên cả về tần số và cường độ, và đến tháng 4/1967, một trận động đất đo được tới 5 độ richter.

Mối liên hệ giữa cái giếng chất thải và những trận động đất nhanh chóng được xác nhận, và việc bơm chất thải ngừng lại. Tuy nhiên, các cơn rung lắc vẫn tiếp tục. Vì thế vào năm sau đó, quân đội Mỹ bắt đầu cho rút chất lỏng từ giếng lên, trong nỗ lực làm giảm động đất. Và quả thực đến một mức nào đó, khi sự chèn ép của chất lỏng vào lớp đá sâu ngừng lại, động đất cũng tắt dần.

Chuyện xảy ra là khối chất lỏng dường như có tác dụng "bôi trơn" các lớp đá, vốn đã chịu ứng suất. Theo nghĩa đó, quân đội đã không tạo ra động đất, mà chỉ đẩy nhanh quá trình của nó bằng cách khiến cho các khối đá dễ trơn trượt hơn. Thay cho một trận động đất lớn sẽ xảy ra sau vài thế kỷ nữa, Colorador đã hứng chịu một loạt rung lắc nhỏ.

Liệu nguyên lý này có thể áp dụng được cho những đứt gãy nguy hiểm hơn? Về lý thuyết, nhờ các giếng sâu chúng ta có thể đưa chất lỏng vào một đoạn của đới đứt gãy, trong khi các giếng khác ở đầu kia của đoạn sẽ hút chất lỏng ra, nhờ thế sẽ giải phóng ứng suất một cách vô hại. Quá trình này có thể tiếp tục từ đoạn này đến đoạn khác, cho đến khi cả đới đứt gãy bị thuần hoá, đón đầu một trận động đất dữ dội có thể xảy ra bất chợt trong tương lai.

Những trở ngại

Giả thuyết này "được nhắc lại cứ sau vài năm, nhưng... không may nó lại tiềm chứa những nguy hiểm chết người theo vài cách thức nào đó", William Ellsworth, trưởng nhóm thảm họa động đất tại Hiệp hội khảo sát địa chất Mỹ, cho biết.

"Trước tiên, phải mất 1.000 trận động đất cấp 6 mới giải phóng hết năng lượng của một trận động đất cấp 8", ông nói. Nhưng vì những trận động đất nhỏ cũng khá nghiêm trọng, nên tốt hơn cả là giới hạn các trận động đất nhân tạo xuống cấp 4 - điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải tạo ra 1 triệu rung lắc nhỏ hơn để tránh một chấn động khổng lồ.

"Nhân số lần động đất ước tính với chi phí để tạo ra nó, bạn sẽ có được bản quyết toán vượt xa các chi phí có thể mất mát trong một trận động đất lớn", Ellsworth nói.

Ngoài ra, Ellsworth cũng giải thích "không có gì đảm bảo rằng bạn có thể ngăn cản một trận cấp 4 không biến thành một trận cấp 6 hoặc cấp 8, đặc biệt là ở thời điểm bắt đầu quá trình. Vì thế, dự định tốt đẹp của bạn có nguy cơ sẽ tạo ra một tai biến mà bạn đang muốn tránh".

Thomas J. Ahrens, một giáo sư địa vật lý tại Viện Công nghệ California, đồng ý với cảnh báo của Ellsworth. Giống như "Công viên khủng long kỷ Jura", những động đất nhân tạo như vậy có thể "dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát", ông nói.

Cũng có ý kiến cho rằng thảm họa là ở chỗ, khi ta cố gắng nặn ra một trận đất, thì có nguy cơ nó sẽ kích thích một trận động đất khác không được biết tới. Một trở ngại nữa mà ý tưởng này cần vượt qua là vấn đề pháp lý.

Có lẽ một trăm năm nữa, các nhà địa vật lý sẽ lập được bản đồ những đứt gãy trong vỏ trái đất, và các kỹ sư địa lý sẽ đào những cái giếng bôi trơn để điều chỉnh quá trình trượt của vỏ trái đất, nhờ thế làm giảm được tác hại của những chấn động lớn, bất ngờ gây ra. Từ nay đến đó là cuộc chạy đua của các nhà khoa học, kỹ thuật và các vụ kiện tụng.

Thuận An (theo MSNBC)

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

"Tự do": một ẩn ngữ ly kỳ
Bạn hiền,

Đêm hôm trước, khi chia tay, tôi có hứa lần này tôi sẽ kể một trong những chuyện rất ly kỳ trên đời này, ly kỳ như chuyện "Ngàn Lẻ Một Đêm" của nàng Sheherazade. Hứa là hứa vậy, nhưng thú thật tôi chưa hình dung sẽ kể cái gì. May thay, cách đây mấy ngày, tôi tình cờ nghe được một mẩu đối thoại, và chính mẩu đối thoại ấy làm nẩy ra câu chuyện ly kỳ sau đây.

Này nhé, tôi đang đi loanh quanh trong thư viện để tìm một cái gì đọc chơi vui, thì thình lình tôi nghe một người đàn ông nói đối thoại với bạn của ông ấy.

"Anh thích đọc loại sách gì?"

"Tiểu thuyết."

"Tiểu thuyết cũng có nhiều loại. Tôi thích đọc kiếm hiệp. Còn anh?"

"Tôi thích đọc truyện trinh thám và khoa học giả tưởng."

"Vậy thì có lẽ mình nên bước qua dãy bên kia. Bên này toàn là sách triết lý. Mới thấy mấy cái nhan đề, đã muốn nhức đầu."

"Triết lý có lẽ cũng cần thiết chứ?"

"Có lẽ vậy. Nhưng tại sao họ lại viết lách phức tạp đến thế! Họ không viết đơn giản được à?"

"Tôi đoán là những vấn đề ấy không thể viết đơn giản được."

"Nhưng nếu thế thì có mấy ai đọc! Viết mà không có người đọc, không khéo lại thành vô dụng..."

"Nói thế thì tội cho mấy ông hiền triết..."

Bạn hiền,

Bạn nói thật với tôi đi. Bạn có thích đọc sách triết lý không? Không à? Nhức đầu à? Vâng, bạn không muốn phải nhức đầu. Bạn muốn mọi sự trong cuộc sống đều đơn giản, dễ hiểu. Bớt động não chừng nào thì khoẻ chừng ấy. Ai mà không muốn thế? Nhưng sao bạn chóng quên vậy? Sáng nay, bạn mới than phiền với tôi rằng sống trên đời không phải là dễ, rằng cuộc sống vô cùng phức tạp, rằng phải chi bạn có khả năng phân tích cái phức tạp đó để tìm ra một phương cách sống chính xác hơn, hạnh phúc hơn... Bạn hiền của tôi ơi, chứ không phải mấy ông hiền triết làm việc ấy giùm bạn, và giải thích những cái đáp số trong những cuốn sách của họ cho bạn tìm đọc ư? Chứ không phải bạn chẳng tránh được triết lý ư? Chứ không phải hàng ngày bạn vẫn lao tâm khổ trí để tìm cho ra cái gì là đúng hay sai trong hành vi và ý tưởng của mình ư? Tại sao bạn không giở những cuốn sách nhức đầu ấy ra mà đọc thử, biết đâu bạn sẽ nhặt được cái gì trong đó khiến bạn bớt nhức đầu trong cuộc sống của chính bạn?

Khổ quá, bạn lại than phiền rằng những cuốn sách ấy chứa đầy những ẩn ngữ làm bạn nhức đầu thêm! Vâng, thì tôi tôn trọng ý kiến của bạn. Tôi chỉ xin kể lại cho bạn nghe một câu chuyện rất ngắn của văn hào Franz Kafka về chính cái mà bạn gọi là "ẩn ngữ". Bạn nghe chơi vui nhé. Chuyện có nhan đề là "Về những ẩn ngữ":[1]

Nhiều người đã phàn nàn rằng ngôn từ của bậc hiền triết luôn luôn chỉ là những ẩn ngữ và vô dụng trong cuộc sống hàng ngày, mà cuộc sống hàng ngày lại chính là cuộc sống duy nhất chúng ta có. Khi nhà hiền triết nói: "Hãy vượt qua", ngài không muốn bảo rằng chúng ta nên băng qua một cái gì đó để đến một nơi nào đó -- một việc chúng ta chắc hẳn làm được nếu nó đáng với công sức bỏ ra -- nhưng ngài lại muốn nói về một điều xa xăm ảo diệu nào đó, một điều chúng ta chưa từng biết, một điều mà ngài cũng không thể diễn tả đơn giản hơn được, và do đó không thể giúp ích cho chúng ta một chút nào cả. Tất cả những ẩn ngữ này được tạo ra cốt để cho chúng ta biết rằng điều bất khả tri là bất khả tri, và chúng ta vốn đã biết như thế rồi. Tuy nhiên những điều chúng ta hàng ngày phải nhọc nhằn lưu tâm đến lại là một vấn đề khác.

Bàn về điều này, có lần một người đã nói: Sao lại còn do dự? Nếu quý vị chỉ đi theo những ẩn ngữ, thì chính quý vị sẽ trở thành những ẩn ngữ và quý vị sẽ gạt bỏ hết những mối lưu tâm hàng ngày.

Một người khác nói: Tôi dám đánh cuộc rằng điều anh nói cũng là một ẩn ngữ.

Người thứ nhất nói: Anh thắng cuộc rồi đấy.

Người thứ hai nói: Nhưng, rủi thay, tôi chỉ thắng trong ẩn ngữ.

Người thứ nhất nói: Không, anh thắng trong hiện thực; chứ trong ẩn ngữ thì anh đã thua cuộc rồi.

Sao bạn ngẩn người ra vậy? Phải chăng bạn đang thắc mắc không hiểu mình đang sống bên trong hay bên ngoài ẩn ngữ? Cuộc sống con người quả là hết sức ly kỳ, chứ không phải hay sao?

Thử nói về một chuyện rất gần, chuyện của bạn và tôi. Một ngày nọ mình cảm thấy rất rõ rằng đã mất tự do. Không chịu được trạng huống ấy, mình liều chết, xuống tàu, ra khơi, tìm đến một miền đất xa xăm nào đó, để giành lại tự do cho mình. Bây giờ mình tự hỏi: tự do là một hiện thực, hay chỉ là một ẩn ngữ? Mình đã đi tìm tự do. Mình đã đến một miền đất mới. Mình thực sự có tự do chưa? Mình đã làm gì với cái tự do ấy?

Tôi không phải là một triết gia, nên tôi không có những câu trả lời, mà chỉ có những câu hỏi để tự hỏi. Tôi vẫn thường nói tôi đã có tự do rồi, và, vâng, quả là tôi có thể bay đến mọi phương trời, như một con chim trong không gian vô hạn. Nhưng cái thân xác của tôi bay, hay cái tinh thần của tôi bay? Thân xác của tôi đã vượt qua đại dương, hay tinh thần của tôi? Hay cả hai?

Thú thật với bạn, lúc trước tôi cứ tưởng ý nghĩa chữ "tự do" rất là đơn giản, mà không ngờ nó phức tạp, ly kỳ đến thế. Con chó sổng xích là được tự do. Con chim sổ lồng là được tự do. Con người thì nhiều khi đã vượt qua ngàn dặm biển cả, mà chưa chắc đã tháo được cái sợi xích, đã đập vỡ được cái lồng trong đầu. Tại sao thế?

Bắt chước lối lập ngôn của Kafka, tôi muốn tự hỏi thêm một câu nữa: Mình có dám chắc rằng trên hành trình đi tìm tự do, mình đã hoàn toàn thắng cuộc -- nghĩa là mình đã nắm bắt được tự do trọn vẹn như một hiện thực và như một ẩn ngữ -- hay mình chỉ thắng trong hiện thực, chứ trong ẩn ngữ thì mình đã thua cuộc rồi – nghĩa là thân xác đã bay vút lên trời cao, mà tinh thần vẫn còn mắc kẹt sau hàng song sắt?

Ôi, chúng mình lại vô tình la đà vào triết lý mất rồi! Thôi, có lẽ mình nên đi ngủ sớm, kẻo lại nhức đầu. Hẹn gặp lại nhé. Cõi người ta cứ mãi mãi ly kỳ...

Ngoạ Đàm

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Giai thoại về một câu ca
Bình Định xưa là nơi đất lành chim đậu. Chuyện cách đây hơn 4 thế kỷ, có một người con nhà ca kỹ "xướng ca vô loại" ở đất làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng thông minh và hiếu học, vì luật lệ hà khắc của chúa Trịnh không cho phép con nhà xướng ca ứng thí khoa trường, đã quyết chí tìm đường lập thân ở xứ Đàng Trong.

Sách "Trịnh - Nguyễn diễn chí" do Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1763) soạn có viết việc này: "... bẩm tính thông minh, sáng trí, thông hiểu sự tích cổ kim, các sách ngũ kinh, chư sử, Kinh Thư không sách nào là không đọc" và khi không được dự thi "ngày đêm suy nghĩ để tìm phương kế lập thân, anh em họ hàng đều không hay biết". Con người chí lớn đó là Đào Duy Từ (1572-1634). Vào xứ Đàng Trong, ở đất Bình Định, ông chính thức cộng tác với chúa Nguyễn từ năm 1627 đến năm 1634. Với một năng lực lớn, văn võ song toàn, tài cao đức rộng, Đào Duy Từ đã giữ một vai trò lớn trong buổi đầu khai nghiệp của nhà Nguyễn Đàng Trong.

Ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhân (Hoài Nhơn ngày nay) tỉnh Bình Định, Đào Duy Từ được các thân hào nhân sĩ nhìn nhận. Quan Khám lý Cống quận công Trần Đức Hòa, nhân vật có tên tuổi lúc bấy giờ và là em kết nghĩa với Sãi Vương, thương yêu gả con gái cho và tiến cử lên Sãi Vương, được Vương mến phục và trọng dụng. Nhớ lại buổi đầu dừng chân ở đất này, sách trên có chép: "Một hôm Duy Từ đi qua phủ Hoài Nhân. Nơi đây địa hình phong phú tươi đẹp, phong tục hào hiệp, Duy Từ quyết chí ở lại đây tìm chỗ nương thân trong thôn ấp, chịu làm đầy tớ nhà người để tìm kế lập thân. Nhưng Duy Từ vẫn chưa tìm được nơi vừa ý, đành phải dừng chân ở quán nước nghỉ ngơi..."

Một kẻ chăn trâu ở mướn mà luận bàn với các ông nho học ở làng về lẽ nho quân tử, nho tiểu nhân và kẻ chăn trâu anh hùng, kẻ chăn trâu tôi tớ... thì đâu phải là kẻ bình thường trong thiên hạ.

Chuyện Đào Duy Từ rời bỏ quê hương ở Đàng Ngoài chạy vào Đàng Trong theo Chúa Nguyễn gắn liền với giai thoại một câu ca nói về mối quan hệ giữa một Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài với Đào Duy Từ ở Đàng Trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Giai thoại kể rằng: Sau khi Đào Duy Từ bỏ vào Đàng Trong theo Chúa Nguyễn, Trịnh Tráng sai người đưa thư và lễ vật vào Nam chiêu dụ Đào ra Bắc với mình. Đào không ra và gửi cho Chúa Trịnh bài thơ sau:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra?

Trịnh Tráng lại tiếp tục cho người vào gặp Đào Duy Từ một lần nữa. Ông vẫn không ra và gửi tiếp cho Chúa Trịnh hai câu sau :

Có lòng xin tạ ơn long
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.

Trịnh Tráng tức giận bèn làm mấy câu hát nhắn với Đào:

Có ai về tới Đàng Trong
Nhắn nhe bố đỏ liệu trông đường về
Mải tham lợi, bỏ quê quán tổ
Đất nước người, dù có như không...

Giai thoại là thế chẳng biết hư thực thế nào. Phải đâu Đào "mải tham lợi, bỏ quê quán tổ" mà chỉ vì Bình Định là nơi đất lành thì chim đến đậu, nơi đãi sĩ chiêu hiền, dưỡng nuôi bao tài năng văn hóa, văn học cho dân, cho nước. Câu ca bây giờ được giảng dạy ở nhà trường phổ thông lớp mười:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra?

Câu ca đã một thời gắn liền với mảnh đất vốn trọng sĩ, đãi hiền có bề dày văn hóa lịch lãm và thượng võ là Bình Định.


Trần Xuân Toàn

CNN
Posts: 1017
Joined: Wed Dec 01, 2004 8:18 am

Bật quẹt ZIPPO

Post by CNN »

BẬT QUẸT ZIPPO

Cuối thập niên 50, một chiếc Zippo được tìm thấy trong bụng 1 con cá và đã xử dụng được lại ngay sau lấy từ bụng cá ra. Chúng ta, chắc không ai lạ gì với cái bật lửa Zippo, nhất là những ai hút thuốc lá.

Một buổi tối mùa hè êm ả vào năm 1932, George G. Blaisdell đã cười vào người bạn khi anh này đang cố gắng mồi điếu thuốc với chiếc bật lửa mạ nhôm rẻ tiền. George hỏi bạn “Sao không kiếm một cái bật lửa tốt hơn, để khi bật phải ra lửa?” và một ý tưởng chợt đến với George.

George quyết định sẽ sản xuất một bật lửa sáng giá, tin cẩn và không bị gió thổi tắt. Năm đó George đã xin được quyền thiết kế một bật lửa từ nhà sản xuất bật lửa của Áo. George và nhân viên làm kiểu bật lửa nhỏ lại, mạ crôme vỏ bên ngòai, chế tạo chiếc bản lề để giữ nắp vào thân và chiếc màn chắn gió cho ngọn lửa. Thích thú với tên của một sản phẩm mới xuất hiện thời đó là cái zipper (dây kéo), George đặt cho cái bật lửa mới là “zippo”.

Những chiếc bật lửa zippo đầu tiên được bán vào năm 1933, với giá gần 2 đô la (rất lớn lúc đó). Công ty đã sản xuất được 82 cái trong tháng đầu tiên và với mánh khóe, George đã đưa lời bảo đảm suốt đời - vẫn còn giá trị ngày nay - sản phẩm của mình. Từ đó, những chiếc zippo đã xuất xưởng liên tục.

Trong thế chiến thứ II, George đã gửi những chiếc zippo đến các sĩ quan cao cấp và các nhà báo ngòai mặt trận. Sự tin cẩn - bật là lên và không tắt - và bền bỉ của nó đã nhanh chóng được chấp nhận. Quân đội Mỹ đã đặt hàng tòan bộ hàng tồn kho của công ty.

Nhưng nó được coi là biểu tượng (icon) khi các nhà làm phim chọn làm pop như trong các phim “From here to Enternity” khi Reed mồi điếu thuốc cho Mongomery Clifft với chiếc zippo vào năm 1953. Và rồi sau này những phim như “Die Hard” (1988) khi Bruce Willis giết kẻ xấu với chiếc zippo (đốt chiếc máy bay), hay trong Terminator 2 khi Arnie chấm dứt cuộc đời của T-2000 cũng với chiếc zippo.

Ngày nay, với hơn 400 triệu zippo trên tòan thế giới. Bạn có thể mua chiếc rẻ nhất khỏang 30 đô la Úc và chiếc vàng ròng khỏang 8000 đô la Úc, đủ để đốt một lỗ hổng trong túi.

Các con số khác:

Cuối thế kỷ XIX, khoa học gia người Áo tên Carl Auer von Welsbach đã dùng hỗn hợp cháy và đá lửa để sản xuất chiếc bật lửa hiện đại như ngày nay (trên nguyên tắc).

Năm 1932, George và nhân viên bắt đầu chế tạo những chiếc zippo bằng tay.

Năm 1939 zippo được chế tạo bằng vàng 14-cara xuất hiện trên thị trường

Thập niên 60: hơn 200 ngàn chiếc zippo theo lính Mỹ đến Việt Nam. Một Trung sĩ TQLC Mỹ đã thóat chết nhờ chiếc zippo trong túi áo trước ngực, nó đã ngăn cản viên đạn đi vào ngực anh.

Năm 2002, tại một chợ trời ở Tokyo, một người đã trả 18 ngàn đô la Mỹ cho một chiếc zippo nguyên thủy năm 1933.

Năm 2003, chiếc zippo thứ 400 triệu đến tay khách hàng vào ngày mồng 3 tháng chín.

Source: Sunday Age - 30Jan2005

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Sự Thật Mất Lòng

Post by linhgia »

Sự thật mất lòng
--------------------------------------------------------------------------------
"Thành là một gã nông dân thật thà chất phác, chăm chỉ làm ăn, có niềm tin sắt đá là ‘ở hiền sẽ gặp lành’, luôn luôn thành thật với mọi người. Thành không hiểu sao có người lại nói dối, không hiểu mọi người nghĩ gì mà lại nói dối. Một hôm mới đi cày về đến nhà thì Thành thấy hào quang sáng rực, Phật hiện ra với gương mặt từ bi. Thành quỳ sụp xuống:
- Lạy Phật, con thật có hồng phúc lớn nên mới được gặp Phật.

- Thấy con chăm chỉ làm ăn, ta ban cho con một điều ước, bây giờ con nghĩ kỹ đi, con ước gì thì con sẽ được điều đó.

- Lạy Phật, con không dám tham lam, con chỉ mong sao nhìn thấy được ý nghĩ của người khác để tránh bị người khác lừa gạt.

- Ta ban cho con điều mà con ước nguyện, nói xong Phật biến mất.

Thành như chợt tỉnh thấy mình còn đang quỳ dưới đất, không biết là mình có đang trong mơ hay không. Thành chạy ra ngoài vườn tìm vợ.

- Em ơi, anh vừa được gặp Phật.

- Quý hóa quá, anh đã tài giỏi bây giờ lại được gặp Phật chắc sẽ tài giỏi hơn nhiều nữa, vợ Thành trả lời.

Nhưng nhìn vào mắt vợ thì Thành lại thấy được ý nghĩ của vợ: "Cái thằng khờ này hôm nay lại giở trò khùng, thật khổ cho thân tôi, không biết kiếp trước tôi làm gì mà kiếp này tôi lại lấy phải thằng khùng này".

Thấy được ý nghĩ của vợ, Thành nghĩ là ước nguyện của mình đã được Phật độ. Thành chạy sang nhà hàng xóm, gặp Thật cũng mới đi cày về.

- Anh Thật ơi, hôm nay anh mạnh khỏe không.

- Cám ơn anh, hôm nay tôi thấy trong người mạnh khỏe lắm.

Nhưng nhìn vào mắt Thật thì Thành lại thấy được ý nghĩ của Thật: "Cái thằng ngốc này sao hôm nay lại học đòi lịch sự, không biết nó sang đây định nhờ vả mình việc gì, mình thật xui, đang mệt mỏi mà lại còn bị thằng ngốc sang quấy rầy".

Thành đi thăm tất cả bè bạn, bà con, đâu đâu người ta cũng niềm nở ngoài mặt với Thành, nhưng khi nhìn vào đôi mắt người đối diện thì Thành lại thấy được toàn những ý nghĩ dối trá, ghen tỵ, xấu xa. Quá thất vọng, Thành đi tới chùa, vào lễ Phật và cầu nguyện xin Phật lấy lại phép lạ để Thành khỏi phải nhìn thấy sự gian dối của người đời".

Bình cười lớn, cảm thấy vô cùng thích thú sau khi đọc xong câu chuyện vui. Bình là một sinh viên thông minh, mới vừa vào học ở đại học ở Sàigòn khoảng đầu thập niên 1960. Câu chuyện kích thích trí tò mò của Bình và từ đó Bình luôn luôn cố gắng đoán ý nghĩ của người khác, dựa trên nét mặt, giọng nói, thái độ của người đối diện. Mặc dầu không thể nào kiểm chứng kết quả dự đoán của mình nhưng Bình tự cho rằng mình đoán cũng không sai nhiều lắm.

Bốn mươi năm sau, sống qua nhiều chế độ, qua nhiều nền văn hóa, qua nhiều cuộc bể dâu, Bình thấy câu ca dao ngày xưa:

Dò sông dò biển dễ dò
Ðố ai lấy thước mà đo lòng người
Có thể diễn tả phần nào sự phức tạp của con người. Nhưng chuyện suy nghĩ về tâm lý con người vẫn là một nguồn vui của Bình. Có lần nhân đọc báo địa phương trong đó có tin tức:
"Agnette (một nữ bác sĩ tâm lý) nộp đơn để kiện Thomas (một nam bác sĩ tâm lý) vì mười năm trước, khi chưa là bác sĩ tâm lý, sau khi ly dị người chồng cũ Agnette bị khủng hoảng tinh thần và lúc đó có nhờ Thomas chữa trị. Khi đó Thomas đã lợi dụng hoàn cảnh cô đơn của Agnette để hoán chuyển tình yêu (love transfer) của Agnette và vì vậy Agnette đã trở thành người yêu của Thomas".

Bình rất thích thú khi biết rằng các bác sĩ tâm lý có thể hoán chuyển được tình yêu. Bình tự nhủ việc tìm hiểu tâm lý con người chẳng phải là chuyện dành riêng cho các chuyên viên tâm lý. Ai ai cũng cần biết các quy luật tâm lý để hiểu được chính mình, để hóa giải được những cảm xúc tiêu cực có hại cho sức khỏe tinh thần và vật chất của bản thân mình. Nhiệm vụ của các chuyên viên tâm lý là tìm kiếm ra những quy luật đó và giúp đỡ những bệnh nhân nhận thức những quy luật đó để có thể tự hóa giải được.

Bình rất thích thú khi tìm hiểu các quy luật:

- Hành động tạo ra cảm xúc.

- Niềm tin tạo ra sự lệ thuộc. Khi đã tin vào một chủ thuyết nào, con người dễ trở thành cuồng tín.

- Thay đổi diễn biến trong tư duy (inside movie) là một biện pháp hữu hiệu để xóa bỏ các cảm xúc tiêu cực.

- v.v...

Tâm lý của một cá nhân không những là nguồn gốc của sự sung sướng và đau khổ của người đó mà còn là một yếu tố quyết định cho sự suy nghĩ của người đó nữa.

Thương nhau củ ấu cũng tròn. Lãng mạng thay, khi con người yêu nhau thì cái gì dở cũng thành hay, méo cũng thành tròn v.v... để rồi đôi khi lại "Thương nhau thì lại bằng mười phụ nhau".

Hết thương lại đến ghét nên đôi khi "Thương nhau lắm, cắn nhau đau".

Bình tự nhủ rằng: tình cảm con người đôi khi che mờ cả lý trí, không còn biết tới phải trái. Cái gì của mình, của gia đình mình, của phe mình, của dân tộc mình v.v... đều cho là đúng là hay hơn của người khác. Ðó là một trong những nguồn gốc của sự bất đồng ý kiến, sự chia rẽ trong gia đình, trong xã hội, giữa các đảng phái, giữa các quốc gia, giữa các ý thức hệ, giữa các tôn giáo v.v...

Sự chia rẽ trong dân tộc Việt Nam làm cho rất nhiều người rất bi quan, có người than rằng "nơi nào có dân Việt Nam là có chia rẽ". Thực ra, sự bất đồng ý kiến cũng rất cần thiết cho sự tiến bộ và trong dân tộc nào mà không có chia rẽ. Riêng dân tộc Việt Nam, sự chia rẽ có thể trầm trọng hơn các dân tộc khác vì những lý do khách quan sau đây:

- Một ngàn năm đô hộ của giặc Tầu.

- Một trăm năm đô hộ của giặc Tây. Muốn dễ cai trị thì kẻ xâm lược luôn luôn phải "chia để trị", kích thích người miền nam đòi tách khỏi Việt Nam, ra sức bảo tồn phong kiến ở miền bắc để kìm hãm sự phát triển của nhân dân Việt Nam v.v...

- Ba mươi năm nội chiến từng ngày vì đất nước Việt Nam trở thành bãi chiến trường quốc tế của chiến tranh ý thức hệ.

- Năm mươi năm "trồng con người mới xã hội chủ nghĩa" ở miền bắc và ba mươi năm "trồng người" ở miền nam. Thay vì phát huy nền văn hóa sẵn có, người ta lại đòi xóa bỏ nó, nên đã tạo ra những hậu quả vô cùng tai hại: cái hay cũ thì mất gần hết, cái dở cũ thì lại phục hồi quá mau để giữ vai trò quan trọng trong xã hội; cái hay mới thì chưa xuất hiện đã sụp đổ với sự sụp đổ của ý thức hệ "chủ nghĩa cộng sản" trên thế giới, cái dở của cái mới chẳng hạn như lấy bạo lực để chuyên chính thì giữ vai trò thống trị trong xã hội.

- Phong thổ, khí hậu thay đổi rất nhanh từ bắc vô nam tạo ra sự khác biệt về giọng nói ngay đối với những vùng lân cận chẳng hạn như giọng Huế khác hẳn giọng Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Những cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới cũng được "thừa kế gia tài chia rẽ đó" nên càng kêu gọi đoàn kết thì lại càng chia rẽ hơn!

Sự bất đồng ý kiến rồi tới sự chia rẽ có thể xẩy ra trong mọi tầng lớp của xã hội, trong các mối liên hệ gia đình, xã hội, đảng phái, quốc gia, tôn giáo v.v... Từ sự cãi cọ, tranh luận đến sự thù hằn, sự trả đũa những đòn tấn công của đối phương rồi tới chiến tranh, con người thường luôn luôn nghĩ là chính nghĩa ở phe mình.

Khi sự bất đồng ý kiến vượt qua một giới hạn nào đó thì xẩy ra vợ chồng ly dị, gia đình tan rã, chia rẽ trong xã hội, sự tàn sát lẫn nhau giữa các đảng phái, giữa các quốc gia, giữa các ý thức hệ, giữa các tôn giáo v.v...

Bình tự nhủ muốn tránh những sự đổ vỡ đó thì chúng ta cần tìm hiểu nguyên do của những sự bất đồng ý kiến. Một khi ai ai cũng hiểu rõ nguyên do thật sự của sự bất đồng ý kiến thì sự đoàn kết, sự hòa giải để xây dựng hạnh phúc của cá nhân, của gia đình, của xã hội sẽ muôn phần dễ dàng hơn.

Sự bất đồng ý kiến giữa mọi người đa số là do sự khác biệt:

- Về học vấn, chẳng hạn như một người không được đi học nghĩ rằng cơn gió lốc lớn là do rồng hút nước.

- Về văn hóa, chẳng hạn như người phương đông thường nghĩ rằng người phương tây ít tình cảm hơn.

- Về nhiệm vụ, chẳng hạn như người bác sĩ dễ bị ám ảnh bởi vi trùng.

- Về tổ chức, chẳng hạn như đảng viên của một đảng phái chính trị cho rằng quyền lợi của đảng chính là quyền lợi của dân tộc.

- Về tôn giáo, chẳng hạn như những người theo Hồi giáo hiện nay cho là chính sách của chính phủ Mỹ là sai lầm, là tàn bạo.

- Về quyền lợi cá nhân, đây là sự bất đồng ý kiến thông dụng nhất vì để bảo vệ quyền lợi con người có thể gây ra mọi chuyện kể cả chiến tranh.

Bình nghĩ rằng nếu chúng ta quan niệm rằng những suy nghĩ của bản thân mình và của những người bất đồng ý kiến với mình bị các yếu tố trên chi phối nặng nề thì chúng ta đã tiến được một bước dài trong vấn đề tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết mọi bất đồng.

Nhưng nghĩ sâu xa hơn, Bình thấy với kiến thức nông cạn của mình mà mình đã thấy rõ thì tại sao nhân loại còn đầy dẫy chia rẽ, còn đầy hiểm họa chiến tranh. Do tình cờ đọc cuốn sách "Psychology of Intelligence Analysis" của Richards J.Heuer, Jr., (1999), một tài liệu để huấn luyện các chuyên viên tình báo Hoa Kỳ, đặc trách phân tích tình hình các quốc gia trên thế giới, Bình mới hiểu thêm quá trình hoạt động của não bộ của chính bản thân mình.

Hoạt động của não bộ:

Theo kết quả của các công trình nghiên cứu về tâm lý học thì con người ít khi nào nhận thức được những gì xẩy ra trong não bộ của mình. Nhiều chức năng liên hệ tới sự nhận thức, trí nhớ và sự phân tích các dữ kiện được tiến hành độc lập đối với ý thức của con người. Vì sự giới hạn của khả năng trí tuệ nên con người không thể thích ứng trực tiếp với thế giới phức tạp ở chung quanh nên bộ não thường tạo ra những mối liên kết đơn giản hóa đối với thực tế và hoạt động bằng những mối liên kết đó. Chính những sự đơn giản hóa đã tạo ra những sự lệch hướng trong quá trình nhận thức của con người.

Tại sao chúng ta không thấy được sự thật:

Sự nhận thức của con người về một hiện tượng thiên nhiên hay xã hội luôn luôn bị ảnh hưởng lớn lao của kinh nghiệm trong quá khứ, học vấn, văn hóa, nhiệm vụ, tổ chức và quyền lợi của cá nhân đó cũng như những đặc tính riêng biệt của các hiện tượng đó. Vì vậy con người nhận thức thế giới chung quanh qua "lăng kính nhận thức" của bản thân mình. Quá trình nhận thức bằng ngũ giác của con người không phải là một quá trình thụ động (ghi nhận các hiện tượng) mà là một quá trình chủ động xây dựng hình ảnh của các hiện tượng khách quan bằng "lăng kính nhận thức" của bản thân mình. Vì vậy các hình ảnh đó luôn luôn khác biệt ít nhiều với sự thực. Dù chúng ta ý thức được sự hiện hữu của "lăng kính nhận thức" của chính bản thân mình thì chúng ta vẫn có thể không nhìn thấy sự thật vì các quy luật khách quan sau đây:

- Xu hướng thấy những gì "mình dự trù sẽ thấy": thí nghiệm chứng minh rằng những gì "mình dự trù sẽ thấy" bám sâu trong "lăng kính nhận thức" đến nỗi chúng có thể ảnh hưởng trên nhận thức của mình kể cả khi mình đã cảnh giác. Lý do chính là vì "lăng kính nhận thức" ẩn tàng trong phần vô thức chứ không phải trong phần ý thức của não bộ. Sự "dự trù sẽ thấy" tạo ra bởi kinh nhiệm trong quá khứ, sự huấn luyện, văn hóa và tổ chức của từng cá nhân.

- Ấn tượng dễ hình thành nhưng khó thay đổi: thí nghiệm chứng minh rằng ấn tượng lúc đầu rất dễ hình thành, nhưng một khi đã hình thành rồi thì bộ não của chúng ta luôn luôn dùng ấn tượng đó để nhận thức những cái mới. Do đó nhận thức mới thường bị biến dạng bởi những ấn tượng mà chúng ta đã có sẵn.

- Cái mới bị đồng hóa vào cái hiện hữu: thí nghiệm chứng minh rằng nhận thức do ngũ giác mang lại một khi đã hiện hữu trong não bộ sẽ có khả năng đồng hóa những nhận thức mới, sự kiện đó làm cho nhận thức những cái mới của chúng ta bị sai lạc.

- Sự tiếp xúc ban đầu với những nguồn tin thiếu chính xác có ảnh hưởng trên sự nhận thức chính xác ngay sau khi sự thật đã rõ ràng: thí nghiệm chứng minh rằng sau khi tiếp xúc với những nguồn tin sai lạc, trí não con người trở thành thiếu bén nhậy đối với những nguồn tin chính xác.

Bình suy xét lại bản thân mình, suy xét lại nhận thức của chính mình, suy xét về "lăng kính nhận thức" của mình để có thể nhận thức sự việc một cách chính xác hơn, để có thể điều chỉnh những sự thiếu sót do "lăng kính nhận thức" của bản thân. Bình nhận thấy quả thật những quy luật khách quan nêu trên đã làm cho suy nghĩ của Bình bị lệch hướng trong quá khứ. Vì lệch hướng nên con người đánh giá sai lầm hành động của người chung quanh, đánh giá sai lầm về bản thân mình, sa lầy vào những cảm xúc tiêu cực, sức mạnh tinh thần và vật chất bị hao mòn v.v...

Lệch hướng do tri giác:

Chúng ta nên phân biệt lệch hướng do tri giác với các loại lệch hướng do kinh nghiệm trong quá khứ, học vấn, văn hóa, nhiệm vụ, tổ chức, quyền lợi. Ðể đối phó với mọi sự kiện phức tạp trong đời sống hàng ngày, thường vượt khỏi khả năng suy luận của mình, con người thường đơn giản hóa mọi sự việc (quy nạp phóng đại), nghĩa là tạo ra những quy luật riêng cho sự suy luận của bản thân mình, dựa trên một số ít sự kiện mà bản thân đã trừng trải, chẳng hạn như sau khi nhận xét :

Anh A giầu có và không ăn gian

Anh B giầu có và không ăn gian

Anh C giầu có và không ăn gian

Thì đưa ra quy luật: Mọi người giầu có đều không ăn gian.

Dùng những quy luật tương tự như vậy để xét đoán mọi người thì thông thường cũng giúp cho con người đối phó được với sự phức tạp của đời sống, nhưng sẽ dẫn đến những sự suy xét lệch lạc, gọi là sự lệch lạc do tri giác (cognitive biases).

Sự lệch lạc này không do tình cảm hoặc cảm xúc hoặc thành kiến mà do quá trình nhận thức trong phần vô thức. Chẳng hạn như:

Chúng ta thường có cảm giác rằng vật nào ở gần thì rõ nét hơn. Thấy một vật không rõ nét, chúng ta thường nghĩ rằng vật đó ở xa hơn khoảng cách thật sự giữa ta và vật đó; ngược lại, thấy một vật rõ nét thì chúng ta lại nghĩ rằng vật đó ở gần hơn khoảng cách thực sự. Như vậy dựa trên "sự rõ nét" để ước lượng "khoảng cách" đưa đến sự lệch lạc.

"Lệch lạc do tri giác" cũng tương tự như ảo giác, dù có cảnh giác cũng vẫn bị lệch lạc. Cảnh giác về sự lệch lạc không đem lại cho ta nhận thức chính xác. Vì vậy "sự lệch lạc do tri giác" rất khó bị loại bỏ.

- Lệch hướng khi lượng giá các bằng cớ

Con người thường ít đánh giá cao các kết quả thống kê, mặc dầu đó là những bằng cớ có giá trị cao; trong suy luận ít chú ý đến sự thiếu bằng cớ; quá nhậy cảm đối với sự hợp lý của bằng cớ; thiếu nhậy cảm đối với giá trị thật của bằng cớ, chẳng hạn như ý kiến hợp lý của một thiểu số dễ bị lầm lẫn cho là dư luận của quần chúng.

- Lệch hướng trong quan niệm nhân quả

Nhận định dựa trên sự liên hệ nhân quả cần thiết cho sự giải thích các hiện tượng trong quá khứ, hiểu biết các hiện tượng đương thời, và dự đoán các hiện tượng tương lai. Những nhận định đó thường bị lệch hướng vì những yếu tố mà con người ít có ý thức. Con người thường tìm những nguyên nhân của các hiện tượng ngẫu nhiên, thường lượng giá thiếu chính xác về người khác. Con người cũng thường cho rằng hậu quả càng lớn thì nguyên nhân càng lớn. Khi nhận định về thái độ của người khác, con người thường nghiêng về tính chất và hoàn cảnh cá nhân mà ít chú ý đến hoàn cảnh khách quan. Con người cũng thường lượng giá quá cao sự quan trọng cá nhân mình trong nguyên nhân và mục tiêu của thái độ của người khác. Con người cũng hay có những ảo giác về những mối liên hệ chỉ vì không hiểu một cách trực giác các dữ kiện cần thiết cho sự hiện thực của các mối liên hệ đó.

- Lệch hướng trong sự lượng giá xác suất

Khi ta nghe dự báo thời tiết: xác suất của mưa ngày hôm nay là 80%, khi đi ra ngoài, chắc chắn chúng ta nên mang theo dù che mưa. Xác suất đó thường được tính toán dựa trên các dữ kiện khoa học chính xác. Nhưng đối với các hiện tượng hàng ngày xẩy ra chung quanh chúng ta thì khi lượng giá xác suất của một hiện tượng, con người thường dùng các dữ kiện không quan hệ gì đến xác suất, chẳng hạn như: giả thuyết có sẵn, hiện tượng mới xẩy ra, hiện tượng có liên hệ tới cá nhân mình, hiện tượng có những chi tiết đáng nhớ, tầm quan trọng của hiện tượng.

- Lệch hướng do bản chất của quá trình suy tư (hindsight biases).

Con người thường lượng giá quá cao sự chính xác của dự đoán trong quá khứ của bản thân mình.

Con người thường đánh giá quá thấp những điều mà họ biết được nhờ dự đoán của người khác.

Ðứng trước một hiện tượng đã xẩy ra, con người thường nghĩ rằng hiện tượng đó là chuyện tất yếu xẩy ra và có thể dự đoán trước được.

Sự lệch hướng của cả ba trường hợp đó là do sự sử dụng kiến thức hiện tại để xét đoán việc xẩy ra khi kiến thức đó chưa hình thành. Khi những dữ kiện mới được thu nhận, đầu óc con người đồng hóa ngay một cách vô thức vào những kiến thức có sẵn, hoặc những tư duy được tái cấu trúc để bao gồm được những dữ kiện đó.

Sau khi đã tái cấu trúc, chúng ta không thể trở lại trạng thái tư duy lúc trước, cũng giống như con chó của Pavlov sau khi nghe tiếng chuông bị nhỏ dãi không thể trở lại trạng thái tư duy trước khi nghe tiếng chuông.

Sự lệch hướng do chính quá trình suy tư là một sự lệch hướng rất khó điều chỉnh, mặc dù chúng ta đã cảnh giác cao.

Trả lời những câu hỏi sau đây có thể giúp chúng ta điều chỉnh sự lệch hướng đó:

Nếu là người dự đoán hiện tượng:

Giả thử hiện tượng đối nghịch đã xẩy ra thì ta có ngạc nhiên không?

Nếu là người đã nghe người khác dự đoán:

Nếu người khác dự đoán chuyện đối nghịch thì lúc đó mình có tin không?

Nếu là người khác:

Nếu chuyện đối nghịch đã xẩy ra, phải chăng là có thể dự đoán trước được?

Bình xét lại những suy nghĩ trong quá khứ của mình, những ảnh hưởng của "kinh nghiệm, học vấn, văn hóa, tôn giáo, nhiệm vụ, tổ chức, quyền lợi" đã làm cho Bình sai lạc biết bao nhiêu trong các quyết định trên đường đời, chẳng hạn như:

- Học tập với mục đích để làm quan: mục đích đó đã làm mất hẳn ý nghĩa của sự học tập, mất đi rất nhiều những phúc lợi của sự học tập, mất cả đi một số ngày tháng tươi đẹp của tuổi trẻ.

- Thích ngồi nhà mát, ăn bát vàng: quan niệm này đun đẩy Bình luôn luôn tìm cách trốn tránh lao động chân tay.

- Thích nhàn: quan điểm này tạo nên những giờ phút trống rỗng, buồn chán trong cuộc đời Bình.

- Thích làm người hùng: quan điểm này làm cho Bình háo thắng, thiếu khiêm tốn.

- Thiếu tinh thần cởi mở đối với người khác văn hóa, khác tôn giáo.

- v.v...

Nhưng ngoài những ảnh hưởng đó thì ngay cả quá trình suy nghĩ của Bình lại cũng đưa tới những sự lệch hướng khó tránh khỏi nhất là khi nhận định về người khác. Thế mà đã từ lâu Bình tự cho là mình có thể đọc được ý nghĩ của người khác giống như trong câu chuyện "Thành đã được Phật ban cho phép lạ để nhìn thấy ý nghĩ của người khác". Càng suy nghĩ Bình càng thấy trước kia mình đã phạm biết bao nhiêu sai lầm.

Và Bình chợt hiểu ra rằng những sự bất đồng ý kiến trong các thành viên của một gia đình, trong các thành phần giai cấp của xã hội, giữa các ý thức hệ, giữa các tôn giáo, giữa các đảng phái, giữa các quốc gia v.v... là kết quả tất yếu của những sự lệch hướng đó. Bình cảm thấy tương lai của nhân loại rực rỡ, sự hiểu biết về những sự lệch hướng đó sẽ giúp mọi người có thể dễ tha thứ cho nhau hơn, sẽ giúp mọi người giải quyết mọi bất đồng ý kiến, mọi mối bất hòa một cách hòa bình hơn. Bình hy vọng mình sẽ được chứng kiến ngày mà nhân loại xóa bỏ được bạo lực trong quan hệ giữa người với người.

Phó Thường Dân

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

« BỔN PHẬN PHẢI NHỚ »

Post by phu_de »

.
« BỔN PHẬN PHẢI NHỚ »
Nguyễn Gia Tiến

Bốn chữ « Bổn phận phải nhớ » là dịch từ câu tiếng Pháp « Devoir de mémoire ». Mấy danh từ này thường được dùng để chỉ cái bổn phận, cái nghĩa vụ, hay là sự khuyến cáo, sự bắt buộc, đối với lương tâm con người, không được quên tội ác diệt chủng 6 triệu dân Do Thái của chủ nghĩa Nazisme trong Đệ Nhị Thế Chiến. Người ta coi tội ác này quá trầm trọng, vượt ra ngoài lãnh vực của những gì thuộc về nhân tính, để bước qua địa hạt của vô nhân tính. Và Nhân loại sẽ không bao giờ được phép quên thảm trạng này, thảm trạng đã gây ra « bởi con người đối với con người». Giới trẻ tại Âu Châu luôn luôn được nhắc nhở có bổn phận phải ghi nhớ tội ác diệt chủng của Phát xit Đức. Thảm kịch này, gọi là Shoah hay Holocaust, đã được ghi vào chương trình giảng huấn tại các trường học, để nhắc nhở học sinh khỏi quên.

Người Âu Châu giải thích rất có lý rằng khi làm như vậy, không phải vì họ « hận thù » Hitler hay vì « hoài niệm quá khứ », mà chính là họ nghỉ đến hiện tại, và tương lai. Họ cho rằng khi giới trẻ được thông tin đầy đủ, ý thức được hậu quả trầm trọng của một chủ thuyết điên rồ, tàn bạo, đã khiến hàng triệu người vô tội bị giết, thì có nhiều hy vọng hơn để những thảm kịch này đừng tái diễn.

Ngày 27 Tháng 1, 2005 vừa qua, Âu Châu đã long trọng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), nơi Phát xít Đức thủ tiêu hơn 1 triệu người Do Thái bằng hơi ngạt rồi thiêu xác. Nhiều trường học đã tổ chức cho những phái đoàn học sinh, lần lượt đến thăm địa điểm các trại tập trung cũ, thấy tận mắt những « lò thiêu xác » còn được giữ nguyên vẹn, nay đã trở thành viện bảo tàng, trưng bày tội ác của chủ nghĩa Nazisme. Nhiều hình ảnh thương tâm được trương lên. Chẳng hạn các tấm hình chụp hàng trăm tù nhân phụ nữ lõa thể, nhiều người còn bồng bế con nhỏ trên tay, xếp hàng chen chúc, nối đuôi nhau vào một đường hầm dẫn tới phòng hơi ngạt. Họ không biết là sẽ bị đưa đến phòng hơi ngạt vì bọn cai tù SS nói rằng vào hầm để đi tắm !

Chiến dịch thông tin về thảm họa Holocaust, không phải để nhắc nhở quá khứ, mà nó thực sự nhằm vào hiệu quả đối với tương lai. Nó lưu ý giới trẻ Âu châu đừng quên « bổn phận phải nhớ » về thảm kịch này. Bởi vì thảm họa có thể lại tái diễn, khi đây đó tại vài nước Âu Châu, người ta thấy lại bắt đầu nhen nhúm xuất hiện những phong trào Néo nazis trong đám thanh niên quá khích. Tuy nhiên, chúng sẽ chẳng lôi cuốn được ai, nhờ giới trẻ ý thức được cái « bổn phận phải nhớ ».

Tại Việt Nam đã có không ít những thảm kịch diễn ra trong mấy chục năm qua. Tuy nhiên, ý niệm về một « bổn phận phải nhớ » đối với các thảm kịch này, hình như không được khuyến khích, không nằm trong « truyền thống » của người Việt Nam. Hơn nữa, đôi khi còn được hô hào « quên » bớt đi ! « Quên quá khứ, hướng về tương lai », đó là khẩu hiệu đang hợp thời !

Từ ngày Hồ Chí Minh và nhóm Cộng Sản Việt du nhập chủ thuyết Mác xít vào Việt Nam, những thảm họa đã không ngừng nối đuôi nhau tiếp diễn trên giải đất chữ S từ nửa thế kỷ nay. Và có lẽ còn đau thương hơn, khi những thảm họa lại được gây ra « cho người Việt Nam bởi chính người Việt Nam », bởi những người cùng chung một dòng giống.

Trong cuốn « Hắc Thư của Chủ Nghĩa Cộng Sản » (Livre noir du Communisme) xuất bản gần đây, sử gia Stéphane Courtois làm thống kê và cho thấy tội ác của các chế độ Cộng Sản đã vượt xa chủ nghĩa Nazisme. Bởi vì manh tâm tận diệt một giai cấp đâu có khác gì diệt một chủng tộc. Nạn nhân của Cộng Sản lên tới tổng số 100 triệu người bị giết trên khắp thế giới. Trong đó thành tích của Hồ Chí Minh được xếp hạng cao, không thua kém các tên đồ tể Pol Pot, Mao, Staline ...

Thực vậy. Chỉ trong vòng hai thập niên, hai thảm kịch di cư tị nạn khổng lồ đã xảy ra trên đất nước Việt Nam. Một triệu người phải đau thương rời bỏ Miền Bắc vào Miền Nam. Rồi ba triệu người phải từ bỏ quê hương để lưu đày khắp thế giới, với hàng trăm ngàn thuyền nhân bỏ mình trên biển cả. Thảm họa chưa hề xảy ra tại một nước nào trên thế giới. Cũng như chưa từng có trong lịch sử Việt Nam suốt một ngàn năm Bắc thuộc, và một trăm năm Pháp thuộc. Riêng Cộng Sản Việt Nam đã thực hiện được thành tích đó trong hai chục năm.

Rồi những thảm kịch khác, như khi Hồ Chí Minh rập khuôn theo quan thày Trung Cộng trong vụ Cải Cách Ruộng Đất, khiến hàng trăm ngàn người bị thảm sát. Giết hại chôn sống hàng ngàn người trong vụ Tết Mậu Thân. Giam cầm hành hạ hàng trăm ngàn người trong các trại tập trung cải tạo.

Trên đây chỉ là một số những sự kiện bi thảm được biết đến nhiều nhất, do CS Hà Nội gây ra.Trong tương lai, khi chế độ phi nhân này sụp đổ, chắc chắn còn cơ man những tội ác nữa sẽ lần lượt được phanh phui.

Tất cả những đau thương tang tóc này, để dẫn đến hậu quả sau cùng ngày nay, là một nước Việt Nam tụt hậu nghèo đói nhất thế giới, dưới một chế độ bạo tàn tham nhũng.

Nhận định về tội ác của Cộng Sản có lẽ không ai nhìn rõ hơn là chính người Cộng Sản. Trần Độ, người Cộng Sản kỳ cựu, đã phải thú nhận rằng tội ác của Cộng Sản Việt Nam không thua gì « tội ác của cả Tần Thủy Hoàng lẫn Hitler cộng lại ». Lời ví von của Trần Độ, dù có người không tin, nhưng không ai có thể chối cãi nó đã nói lên cái tầm mức bao la vô cùng trầm trọng của cuộc diệt chủng do Cộng Sản Việt gây ra trên đất nước Việt.

Ở đây mở dấu ngoặc để bàn về danh từ « cách mạng lão thành » mà đôi khi báo chí hải ngoại dùng đề cao Trần Độ và những đảng viên CS ly khai, phản tỉnh. Chúng ta hoan nghênh những người này, vì họ đã gia nhập hàng ngũ Dân Chủ, đã nhìn ra bản chất của chế độ phản dân hại nước. Nhưng danh từ « cách mạng lão thành » ở đây không thể là một « chứng chỉ » cho một « sự nghiệp chính chuyên » nào, mà chỉ cho thấy là họ đã để thời gian trôi qua khá nhiều, trước khi có đủ sáng suốt can đảm rời bỏ hàng ngũ của tội ác.

Sau khi Miền Bắc lọt vào tay Cộng Sản, các thảm kịch trải qua hình như đã dễ dàng rơi vào quên lãng, không được ghi lại trong trí nhớ người dân Việt. Các kinh nghiệm đau thương chẳng hề được rút ra.Trong suốt cuộc chiến vừa qua tại Miền Nam, một số trí thức và thành phần tôn giáo, dưới hình thức này nọ, « phản chiến » hay « thành phần thứ ba », đã không chịu « học bài » lịch sử, đã quên cái « bổn phận phải nhớ ». Vô tình hay hữu ý, họ lại tiếp tay cho CS mau chóng chiếm được Miền Nam.

Ngày nay, sau mấy chục năm lưu vong Hải Ngoại, « bộ nhớ » của người Việt tị nạn lại càng tồi tệ hơn. Một số « trí thức tị nạn » đã quên lý do vì sao có ba triệu người Việt lưu vong ở Hải ngoại. Họ đang tiếp tay với nhóm thân Cộng tại trường Đại Học Massachusetts để « viết lại căn cước » cho người Việt tị nạn !

Rồi những luận điệu gần đây hô hào « quên quá khứ, xóa bỏ hận thù ». Coi như lịch sử Việt Nam 50 năm qua trắng bạch, sạch trơn. Chẳng có gì đáng ghi nhớ, chẳng có thảm kịch nào xảy ra ! Và tuổi trẻ Việt Nam, chẳng hề rút được kinh nghiệm gì, lại có thể sẽ sẵn sàng được lôi cuốn vào một chuỗi những thảm họa khác trong tương lai !

Người Âu Châu đã khôn ngoan ngăn ngừa trước, dạy cho lớp trẻ của họ một « bổn phận phải nhớ ».

Lịch sử Việt Nam còn dài. Không có gì bảo đảm để lại không tái diễn trong tương lai những thảm họa tương tự. Không có gì bảo đảm để các tập đoàn tội ác như nhóm Cộng Sản Hồ Chí Minh, sẽ không xuất hiện dưới những hình thức khác.

Chúng ta tự hỏi cái « bổn phận phải nhớ » nơi người dân Việt có được nhắc nhở, có được thi hành đúng mức, để ngăn ngừa những thảm kịch trong tương lai ?

Thụy Sĩ, Tháng 2/2005

.

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Đo Lòng Người

Post by linhgia »

Ðố ai lấy thước đo mà lòng người
--------------------------------------------------------------------------------

Ngày xưa người ta thường nói:
Dò sông dò biển dễ dò
Ðố ai lấy thước mà đo lòng người.
Ngày nay, với tiến bộ không ngừng về mọi ngành khoa học, con người càng ngày càng tìm hiểu rõ về bản chất của mình hơn. Khoa học không những giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ thể con người, tâm lý con người, mà còn hiểu rõ về tác dụng hỗ tương giữa vật chất và tinh thần trong mỗi cá nhân. Trước kia vấn đề tâm lý của con người chỉ được phản ảnh phần nào trong các tôn giáo, và những người không giữ được trạng thái cân bằng về tâm lý thường được các thầy tu giúp đỡ để chữa trị bằng niềm tin.
Sự liên hệ mật thiết giữa trạng thái tâm lý và sức khỏe thể chất càng ngày càng được nhìn một cách khoa học hơn. Người ta đã từng thí nghiệm chữa bệnh bằng niềm tin, chẳng hạn như cho bệnh nhân uống một thứ bột vô hại nhưng lại nói rằng đó là thuốc chữa bệnh, kết quả là có tới 30% khỏi bệnh vì tin là đã uống thuốc để chữa bệnh. Vì vậy ngày xưa người ta thường nói: "phúc chủ lộc thầy" nghĩa là người bệnh khỏi là nhờ phúc đức cá nhân của mình và người thầy thuốc được hưởng lợi nhờ cái phúc đó.

Thực ra thiên nhiên đã tạo cho cơ thể chúng ta có sẵn những phương tiện để chống đỡ với bệnh tật, chẳng hạn như trong máu chúng ta có bạch huyết cầu để tiêu diệt vi trùng. Khi tình trạng tâm lý cá nhân thoải mái, niềm tin trong tâm hồn được đáp ứng thì tình trạng thể chất được tăng cường để chống lại bệnh tật, vì vậy có tới 30% đã khỏi bệnh mà không cần thuốc thật. Tiếc thay, có một số người đã lợi dụng khả năng chữa bệnh của niềm tin để "buôn thần bán thánh"!

Một khi bệnh tật quá mạnh so với phương tiện chống đỡ sẵn có của cơ thể thì lúc bấy giờ thuốc chữa bệnh mới thực sự cần thiết. Nhưng theo đúng quy luật của thiên nhiên, vật nào cũng có hai mặt xấu và tốt, và mặt xấu của thuốc chữa bệnh là tạo ra những hậu quả mới có thể nguy hại đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy sự sử dụng thuốc giống như con dao hai lưỡi. Ngày xưa, có người đã cho rằng : "khi có bệnh mà không tìm thầy thuốc thì cũng tương đương là gặp thầy thuốc có khả năng trung bình; nghĩa là nếu chẳng may gặp thầy thuốc kém trung bình thì còn tệ hơn là không nhờ thầy thuốc trị bệnh. Có người quá tin tưởng ở phúc đức còn nói "nhất thế y tam thế si" nghĩa là một đời làm thầy thuốc, vì phạm nhiều tội lỗi, nên ba đời sau bị trời phạt bắt ngu si!

Tình trạng tâm lý và sức khỏe thể chất luôn luôn có sự quan hệ hỗ tương, nếu tình trạng tâm lý thoải mái có thể giúp cơ thể chống lại được một số bệnh tật và tình trạng thể chất mạnh khỏe làm cho tâm lý con người sảng khoái, thì ngược lại sự lo âu sầu não làm cho cơ thể yếu đi và một cơ thể đau ốm gây ra tình trạng chán nản buồn bã.

Ðó là một quy luật thiên nhiên khách quan. Quy luật này có thể đẩy con người vào một chu kỳ đau khổ không có lối thoát: vì đau ốm nên lo âu sầu não, vì lo âu nên sức khỏe thể chất mất tính đề kháng nên càng dễ bị đau ốm hơn. Ngày xưa khi rơi vào chu kỳ đó, nhiều người đã phải dùng niềm tin tôn giáo để có lối giải thoát. Trong các quốc gia tiến bộ bây giờ người dân dễ dàng thoát khỏi chu kỳ đó nên quần chúng những con chiên ngoan đạo đã giảm rất nhiều.

Chúng ta cũng có thể vận dụng quy luật thiên nhiên khách quan này để dùng "tình trạng tâm lý" tăng cường sức đề kháng của cơ thể cũng như giữ cơ thể lành mạnh (tập thể dục, ăn uống điều độ v.v...) để tạo tình trạng tâm lý thoải mái, an lạc.

Ðể có thể giữ tình trạng tâm lý lành mạnh, chúng ta thử tìm hiểu khái quát về tâm lý của con người. Theo các nhà tâm lý học Âu Mỹ thì con người có những đặc điểm tâm lý sau đây:

1. Ai ai cũng nghĩ đến quyền lợi bản thân (quyền lợi vật chất và quyền lợi tinh thần) mỗi khi phải chọn lựa hành động, chẳng hạn như những người vô sản ủng hộ phong trào cộng sản thế giới vì tưởng rằng có lợi cho họ.

2. Ai ai cũng sợ bị người khác khước từ và thích được người khác đón nhận. Khi cái "sợ" quá lớn, có người tìm cách lẩn tránh để khỏi bị thất bại, chẳng hạn như không đi xin việc nữa để khỏi bị bác đơn, không dám tỏ tình dù thiết tha với tình yêu vì sợ không chịu đựng nổi sự khước từ v.v... hi cái "thích" quá mạnh, người ta có thể hy sinh cả quyền lợi cá nhân để làm vừa lòng người khác.

3. Ai ai cũng thích mọi người đề cập đến những vấn đề liên quan đến bản thân mình. Những nhà hùng biện đã lợi dụng điểm này để kích động quần chúng tham gia thực hiện những điều mà họ mong muốn.

4. Con người thường hành động vì những lý do thầm kín, chẳng hạn như một chính trị gia hô hào mọi người yêu nước, yêu dân tộc để thỏa mãn những tham vọng cá nhân. Vì vậy người xưa có câu: "nhất tướng công thành, vạn cốt khô", nghĩa là sự thành công của một tướng lãnh là do hàng vạn người chết oan.

5. Ai ai cũng mang một mặt nạ xã hội. Sự thực này chắc chắn bị các nhà đạo đức giả phản đối dữ dội, chẳng qua cũng chỉ vì quyền lợi của họ mà thôi, họ khó lòng lừa gạt được người khác nữa! Xã hội nào thì cũng có những ràng buộc, những tập quán, những luật lệ riêng; để tồn tại trong xã hội, con người phải chọn một mặt nạ mà theo ý cá nhân của mình là phù hợp nhất, chẳng hạn như "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" hoặc là "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" v.v...

Nhận thức về những đặc điểm đó không những giúp chúng ta hiểu rõ người khác hơn mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân mình, một bước dài trong sự làm chủ được tình trạng tâm lý của bản thân mình. Nhưng những đặc điểm đó chỉ phản ảnh được phần xấu của con người. Nếu chúng ta dùng cái "thước" đó để đo lòng người thì chúng ta có thể dễ dàng thành công trong việc đấu tranh với người khác, nhưng chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý khi cần đấu tranh với chính bản thân mình; và cuộc đấu tranh này lại chính là cuộc đấu tranh có tính cách quyết định trong việc mưu tìm hạnh phúc của con người. Dĩ nhiên tâm lý con người còn có những phần tốt nữa, chẳng hạn như trong văn hóa phương đông người ta thường nói đến:

- đặt quyền lợi của loài người lên trên quyền lợi cá nhân, không phải vì đạo đức giả, mà vì nhận thức được cá nhân thì nhất thời, loài người thì vĩnh cửu.

- đặt sự tự trọng cao hơn sự chối từ hay đón nhận của người khác.

- lấy sự khiêm tốn làm niềm vui trong tâm hồn.

- đặt những quy luật thiên nhiên và xã hội cao hơn những ý nghĩ thầm kín cá nhân.

- hòa mình với những người chung quanh nhưng vẫn giữ được giá trị tinh thần của bản thân.

Trong sự giao tiếp hàng ngày với người chung quanh, có người dễ dàng thành công, có người gặp toàn những phản ứng bất lợi. Sự khác biệt đó không phải là không có nguyên do rõ rệt: phản ứng của người khác đối với mình chẳng qua là sự phản ánh của cách giao tiếp của bản thân mình. Ai ai cũng có một cách giao tiếp riêng, nhưng theo các nhà tâm lý học Âu Mỹ thì người ta có thể xếp vào một số loại sau đây để có thể hiểu rõ hơn về cách giao tiếp của mọi người cũng như của chính bản thân mình:

1. Loại phòng thủ. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "phòng thủ" , luôn luôn lo sợ bị người khác tấn công. Mọi người thường thích tránh xa những ai sử dụng loại giao tiếp này, vì vậy những người này hay than phiền về sự lạnh nhạt của người đời.

2. Loại sợ sệt. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "sợ sệt" luôn luôn chấp nhận phần lỗi về mình. Họ tự coi như nhân viên thừa hành của mọi người. Chúng ta có thể quan sát loại giao tiếp này của một số ít người Việt có mặc cảm thấp kém khi giao tiếp với người da trắng (phải chăng vì 100 năm đô hộ của giặc tây?).

3. Loại vua chúa. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "vua chúa" vừa kiêu ngạo, vừa ích kỷ, luôn luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Mọi người thường ghét ngầm loại này và chẳng chút xót thương khi họ gặp việc khó khăn.

4. Loại hời hợt. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "hời hợt" đon đã nói cười để mọi người biết đến mình, làm bộ tự phê bình để mọi người chú ý, không bao giờ suy nghĩ trước khi nói. Họ không tế nhị và không có cá tính riêng biệt.

5. Loại độc tài. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "độc tài" muốn kiểm soát sự suy nghĩ cũng như cảm xúc của người khác. Họ tiếp xúc với mọi người chỉ có mục đích để đạt được những gì họ muốn. Họ thường bị cô lập và cô đơn.

6. Loại bi kịch. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "bi kịch" luôn luôn thổi phồng những chuyện nhỏ nhặt thành những bi kịch lớn lao. Mọi người đều mất tin tưởng đối với những người giao tiếp theo loại bi kịch.

7. Loại nạn nhân. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "nạn nhân" không bao giờ chịu nhận trách nhiệm của họ đối với mọi hiện tượng xẩy ra cho họ. Họ cho rằng họ không phải là nhân tố, không phải là kẻ cộng tác, cũng chẳng phải là người thụ hưởng các thành quả của các hành động. Họ tự coi như bị bắt buộc sống trong bể khổ và những sự khổ đau đó là do kẻ khác gây ra cho họ. Họ thường thụ động, thiếu kiểm soát và không có khả năng vượt các trở ngại.

8. Loại biết hết. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "biết hết" tự cho là mình thông thái, mổ xẻ từng hoàn cảnh đến mức nhàm chán. Sự phân tích quá mức làm cho mọi người chung quanh chỉ muốn xa lánh họ.

9. Loại rỉ tai. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "rỉ tai" thích thì thầm vào tai người khác những chuyện mà họ nói là chỉ có họ biết. Không ai tin tưởng những người này. Trong khi cố gắng tìm cách để thân mật và được người khác tin tưởng, họ đã làm mất niềm tin của mọi người đối với họ.

10. Loại ba phải. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "ba phải" luôn luôn trả lời về mọi đóng góp, mọi giải pháp của người khác bằng một câu: "đúng, nhưng mà... " , và tiếp theo là những lập luận để bác bỏ mọi đóng góp, mọi giải pháp của người khác. Họ làm cho người khác bị bực bội và rồi chính họ bị bực bội.

11. Loại trì hoãn. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "trì hoãn" gặp việc gì cũng nói để mai sẽ làm. Loại người này không thực tế, không muốn giải quyết các vấn đề của bản thân. Mọi người chẳng ai muốn giúp đỡ họ vì biết rằng giúp cũng vô ích mà thôi.

12. Loại giấu giếm. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "giấu giếm " luôn luôn giấu giếm một chuyện nào đó. Khi người khác tìm cách lật tẩy thì họ càng giấu giếm kỹ hơn. Mọi người mất tin tưởng ở họ và không muốn có những thân tình với họ.

13. Loại tráo trở. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "tráo trở" thay đổi thái độ quá mau, ai tâm tình với họ hôm trước thì hôm sau đã thấy hối hận tại sao mình lại dại dột quá tin người. Họ làm cho mọi người sợ họ và mất tin tưởng.

14. Loại không tưởng. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "không tưởng" muốn áp đạt cho mình và cho người khác những mục tiêu không thực tiễn, không phù hợp với cuộc sống hiện thực chung quanh, nhất quyết đóng vai ngây thơ vô tội, bất chấp cả những quy luật đơn giản trong đời sống.

15. Loại toàn hảo. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "toàn hảo" luôn luôn cho là mình hơn người khác, luôn luôn có thái độ kiêu ngạo, ngang ngược. Nhưng trong cuộc sống thực tế không có gì là toàn hảo cả, người xưa đã có câu "nhân vô thập toàn" nghĩa là ở trên đời không có ai là toàn hảo cả, chân lý đó ngày nay vẫn đúng và sẽ còn đúng mãi trong tương lai. Vì vậy những người đó không bao giờ đạt được mục tiêu của họ, luôn luôn cảm thấy bứt rứt, ít khi nào được thoải mái tươi vui.

16. Loại thảm họa. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "thảm họa" luôn luôn cho rằng họ biết rõ ngày tận thế sắp đến. Ðối với họ, ở nhà cũng như ở sở làm việc, trong kinh tế hay trong thời tiết, thảm họa luôn luôn sắp đến. Cuộc sống của họ luôn luôn vội vã, lo âu. Cảm xúc thái quá của họ làm những người chung quanh khó chịa và mệt mỏi.

17. Loại cằn nhằn. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "cằn nhằn" không bao giờ bằng lòng với bất cứ chuyện gì, luôn luôn than thở, nóng quá, lạnh quá, mệt quá, xa quá, khó quá v.v... cuộc đời bất công, không ai biết đến nhu cầu của họ, không ai lo lắng cho họ, họ bị phân biệt đối xử, bị bạc đãi. Họ hết cằn nhằn đến than thở, hết than thở đến cằn nhằn. Mọi người chung quanh chỉ muốn họ câm miệng lại.

18. Loại buôn tội. Những người giao tiếp với người khác theo kiểu "buôn tội" hiểu rằng nếu tạo được cho người khác có mặc cảm tội lỗi là có thể điều khiển và kiểm soát người khác được. Dù bạn đối xử thế nào thì họ cũng đóng vai bị tổn thương nặng nề để bạn có cảm giác là đã phạm tội hay xấu hổ về hành động của bạn.

Cách phân loại nói trên giúp ta nhìn thấy cái sai của mình cũng như cái sai của những người chung quanh. Trong sự giao tiếp với mọi người, nếu chúng ta dùng cái "thước" đó để đo lòng người thì chúng ta có thể dễ thành công trong sự đấu tranh với người khác, nhưng chúng ta sẽ rất khó thành công trong sự mưu tìm hạnh phúc. Nếu trong sự giao tiếp giữa người với người chỉ có những loại đó thì chúng ta chỉ thấy con người là xấu xa. Thực ra trong sự giao tiếp giữa người với người cũng còn những loại tốt đẹp, (không kể những trường hợp đạo đức giả), chẳng hạn như:

- chỉ dẫn cho người khác.

- giúp đỡ người gặp khó khăn.

- hành động bác ái, từ bi.

- hành động hy sinh cho kẻ khác.

- đem lại hạnh phúc cho người khác.

- cảm hóa người tội lỗi cải tà quy chánh.

- v.v...

Từ mấy ngàn năm nay, người ta đã suy nghĩ về bản chất con người. Có những triết gia cho rằng: "nhân chi sơ, tính bản thiện" nghĩa là khi mới sinh ra là con người đã mang tính thiện. Có triết gia lại cho rằng: bản chất của con người là ích kỷ, luôn luôn thủ lợi cho bản thân mình. Biết bao nhiêu nghiên cứu, biết bao nhiêu tranh luận, nhưng cũng chưa bao giờ con người hoàn toàn đồng ý về bản chất của chính mình.

Nhưng đối với người thường dân thì câu chuyện lại rất đơn giản, ở bất cứ nước nào, ở bất cứ thời đại nào mà chẳng có kẻ xấu, người tốt, kẻ ác, người hiền lành. Ngay trong bản thân một người thì cũng có cái xấu cái tốt, cũng có khi hay khi dở, lúc thiện lúc ác v.v...

Nhận định về những đặc điểm tâm lý của kẻ khác theo kiểu Âu Mỹ thì chúng ta thấy con người rất xấu xa, luôn luôn ích kỷ, luôn luôn có những ý nghĩ thầm kín, luôn luôn che giấu bản chất của mình. Nhưng phương pháp nhận định đó cũng giống như một cái "thước" đo lòng người khá chính xác. Những nhận định đó đã đóng góp cho sự xây dựng những chính quyền pháp trị, dựa trên luật pháp để ngăn ngừa những hành động xấu xa của con người. Sự thành công của những nước Âu Mỹ trong việc xây dựng những chế độ nhân bản chứng tỏ sự chính xác của "thước" đo lòng người đó. Cái thước đo đó cũng giúp cho nhân dân loại bỏ được tệ nạn sùng tín cá nhân, thấy được bộ mặt thật của những "cha già dân tộc" của những "lãnh tụ xã hội cũng như lãnh tụ tôn giáo"; giúp cho nhân dân thoát cảnh nhẹ dạ tin người lãnh đạo để bị trao thân lầm tướng cướp, đến khi biết được thì đã quá muộn.

Cách phân loại những cách giao tiếp giữa người với người theo kiểu Âu Mỹ cho chúng ta thấy sự giao tiếp giữa người với người là sự đấu tranh không khoan nhượng, không thương xót giữa người mạnh, kẻ yếu, người khôn, kẻ dại. Nhưng cách phân loại đó cũng giống như một cái "thước" để đo cách giao tiếp của mọi người một cách khá chính xác, không những giúp chúng ta hiểu người khác hơn mà còn thấy được những sai lầm của mình trong quá khứ.

Với ảnh hưởng văn hóa phương đông, nhất là ảnh hưởng của Khổng giáo, nhiều người vẫn còn cho là "nhân chi sơ tính bản thiện" nghĩa là con người khi mới sinh ra ai cũng là người tốt cả, chỉ vì khi lớn lên bị ảnh hưởng của các người xấu mới trở thành xấu mà thôi. Chúng ta không bàn đến sự đúng hay sai của quan niệm triết lý này ở đây. Nhưng trong thực tế cuộc sống, quan niệm đó đã trở thành một cái "thước" đo lòng người thiếu chính xác. Quan niệm đó đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng những chính quyền "đức trị". Những chính quyền này luôn luôn nói tới dùng đạo đức để trị dân. Nhưng một khi con người nắm quyền trong tay thì tâm hồn lại bị thoái hóa nhanh chóng, quyền hạn cũng giống như một chất xúc tác để biến con người từ "đạo đức thật" sang "đạo đức giả". Vì vậy những chính quyền nhân danh "đạo đức" để trị dân luôn luôn thoái hóa để biến thành con "quái vật" hút máu mủ nhân dân cho đến khi bị lật đổ bằng bạo lực.

Cách giao tiếp giữa người với người ở phương đông mặc dầu cũng có đủ loại như các nhà tâm lý Âu Mỹ phân loại, nhưng thường được che đậy bởi những tập tục, văn hóa. Với ảnh hưởng lâu đời của Khổng giáo, phương đông thường đơn giản hóa những giao tiếp giữa người với người vào hai loại chính: kiểu "quân tử" và kiểu "tiểu nhân". Sự đơn giản hóa này tạo thành sự mất chính xác trong việc đo lòng người. Hơn nữa sự sắp xếp vào hai loại đó lại thường lầm lẫn vì những lý do chủ quan nên không giúp cho chúng ta hiểu mình hiểu người hơn.

Nói tóm lại, quan niệm về đặc điểm tâm lý của con người cũng như sự phân loại cách giao tiếp giữa người với người của phương tây giống như một cái thước đo lòng người một cách khá chính xác, để chúng ta có thể trả lời câu đố ngày xưa:

Ðố ai lấy thước mà đo lòng người.

Nhưng sự chính xác của cái "thước" đo lòng người đó lại là con dao hai lưỡi, có thể gây chấn thương trầm trọng cho tâm hồn của chúng ta. Trong sự đấu tranh với người khác, trong sự đấu tranh giành tự do dân chủ thì cái "thước" đo ấy như một vũ khí cần thiết, nhưng trong sự đấu tranh với bản thân mình thì cái "thước" đo ấy lại tạo ra sự mất tự tin, sự mất chính nghĩa và dẫn đến sự mất sức mạnh tinh thần cũng như sự mất hạnh phúc.

Vì con người lại chính là tập hợp những thể thống nhất của những mặt đối lập, chẳng hạn như "thiện và ác", "xấu và tốt", "yêu và ghét" v.v...

Cái "thước" đo nói trên sau khi giúp ta thấy được phần "ác", phần "xấu", phần "đáng ghét" của người khác thì lại tạo ra mâu thuẫn ngay trong tâm hồn của người sử dụng, vì nó kích thích sự phát triển những phần "ác, xấu, đáng ghét v.v... " và xói mòn những phần "thiện, tốt, đáng yêu v.v..." trong tâm hồn của đương sự. Và theo một quy luật thiên nhiên:

"Người hạnh phúc thì có xu hướng thiện, tốt, đáng yêu v.v... và ngược lại khi làm những việc thiện, tốt, đáng yêu v.v... thì con người cảm thấy hạnh phúc".

Người sử dụng cái "thước" đo nói trên mà không nắm vững quy luật này thì sớm muộn cũng rơi vào cái cạm bẫy mà thiên nhiên đã đặt sẵn (lưới trời lồng lộng) để rồi oằn oại đau khổ sau khi đã thành công, sống trong âu lo bứt rứt, không tiếp thụ được giá trị của cuộc sống v.v...

Nói tóm lại, "thước" đo lòng người theo kiểu Âu Mỹ rất cần thiết cho sự xây dựng và tồn tại một xã hội nhân bản, công bằng, dân chủ và trong sự đấu tranh với mọi người chung quanh trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng trong cuộc đấu tranh với chính bản thân mình thì chúng ta cần loại bỏ những độc chất do sự sử dụng cái "thước" đó. Và theo tôi nghĩ chỉ có một biện pháp duy nhất để loại bỏ những độc tố đó là làm những việc thiện, tốt, đáng yêu v.v....

Phó Thường Dân

Post Reply