TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Putin: Sự sụp đổ của khối Xô Viết là một thảm họa cho người Nga
Monday, April 25, 2005 NDNHAT
Image
MOSCOW, Nga - Hôm Thứ Hai, Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng sự sụp đổ của đế quốc Xô Viết là một thảm họa và đã đưa tới những phong trào ly khai bên trong nước Nga.

Trong bài diễn văn hàng năm về tình hình đất nước đọc trước quốc hội và những lãnh tụ chính trị hàng đầu trong nước, ông Putin nói sự sụp đổ của Xô Viết là “một thảm họa thực sự” cho người Nga.

“Ðầu tiên và trên hết, cần công nhận rằng sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết đã là “tai biến địa dư chính trị lớn lao nhất của thế kỷ,” ông Putin nói. “Ðối với dân tộc Nga, nó đã trở thành một thảm kịch thực sự. Hàng chục triệu các công dân và đồng hương của chúng ta bỗng thấy mình nằm ngoài các đường biên giới của lãnh thổ Nga.”

Những lời tuyên bố của ông Putin là những lời lẽ mạnh mẽ nhất của ông từ trước tới nay liên quan đến sự sụp đổ của Xô Viết và được đưa ra một tháng trước khi nước Nga cử hành kỷ niệm lần thứ 60 việc chấm dứt Thế Chiến II tại Âu Châu, một cuộc xung đột mà người Nga gọi là “Cuộc Chiến Tranh Ái Quốc Vĩ Ðại.”

Trong bài diễn văn, ông Putin cũng cố thúc đẩy sự tin tưởng đặt vào nền kinh doanh trong nước, tái bảo đảm với những nhà đầu tư đang lo ngại rằng những quy định chi phối việc tư hữu hóa tài sản nhà nước và việc thu thuế sẽ không phải là những chuyển hướng vĩnh viễn.

Ông Putin nói các thanh tra thuế vụ không có quyền “khủng bố giới kinh doanh,” và ông kêu gọi chính phủ hãy hạ thấp giới hạn thời gian để khiếu nại các kết quả của những vụ tư hữu hóa trong quá khứ từ 10 năm xuống còn ba năm.

Vài nhà đầu tư ngoại quốc đã lo ngại trước các biện pháp mới đây của chính phủ nhằm buộc các doanh nghiệp Nga phải trả những khoản thuế truy thu khổng lồ, tấn công một nhà tài phiệt có tham vọng chính trị và rút lại những cải cách dân chủ, các nhà phân tích nói.

Nhưng hôm Thứ Hai ông Putin nhấn mạnh rằng Nga cần đầu tư của ngoại quốc, và “luật chơi” phải rõ ràng để thu hút đầu tư.

Có vẻ như để trả lời cho những lời cáo buộc của ngoại quốc rằng Nga đang thụt lùi về dân chủ, ông Putin nói nhiệm vụ chính trị chính của Nga là phát triển một nước tự do, dân chủ. Ông nhấn mạnh rằng các quyền tự do cá nhân sẽ không bị nguy hại bởi sự củng cố nhà nước.

“Chúng ta là một nước tự do và vị trí của chúng ta trên thế giới tân tiến sẽ được định nghĩa bởi sức mạnh và sự thành công của chúng ta,” ông Putin nói.

Những người chỉ trích đã đả kích ông Putin về những hạn chế về truyền thông độc lập, chấm dứt bầu cử trực tiếp các thống đốc, tấn công một nhà tài phiệt có tham vọng chính trị, cựu chủ tịch hãng Yukos Mikhail Khodorkovsky, với cáo trạng gian lận và trốn thuế sẽ được đem ra xét xử vào ngày Thứ Tư này.

Ông Putin nói mối đe dọa của khủng bố tại Nga vẫn cao và rằng những cuộc bầu cử nghị viện được dự trù tổ chức vào cuối năm nay tại Chechnya có thể đặt nền tảng cho sự ổn định và dân chủ trong vùng.

Sự ủng hộ dành cho ông Putin năm ngoái đã bị sứt mẻ vì những cuộc biểu tình phản đối về những cải cách xã hội ở Nga và những cố gắng bất thành trong việc ngăn chặn một cuộc nổi dậy của quần chúng tại Ukraine, một nước cộng hòa Xô Viết cũ. Hiến pháp không cho phép ông Putin ra ứng cử một nhiệm kỳ thứ ba, nhưng nhiều người cho rằng Kremlin sẽ tìm cách bảo đảm rằng một người trung thành với ông Putin sẽ đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào năm 2008. (n.n.)

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Iraq đang ngày một tiến gần tới “nội chiến”
Tuesday, April 26, 2005 Vann Phan


BAGHDAD, Iraq - Nội chiến, đó là một một từ mà mọi người tại Iraq đã cố tránh né không muốn đề cập tới từ hai năm qua.

Nhưng giờ đây, vì không có chính phủ nào được thành lập ba tháng sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trên toàn quốc và trong khi căng thẳng đang ngày càng gia tăng giữa các giáo phái và giữa các nhóm chủng tộc khác nhau tại Iraq, nội chiến là một từ hiện đang nằm trong ý nghĩ của mọi người.

Ðã có sáu, bảy cuộc đụng độ giữa người Hồi Giáo Shi’ite với người Hồi Giáo Sunni trong những vụ rõ ràng là không liên hệ gì tới cuộc nổi dậy chống Mỹ từ mấy năm nay, và những vụ này đã làm nổi bật tình thế nguy hiểm hiện tại của Iraq.

Mặc dù các chính trị gia không sẵn lòng thốt lên từ này vì sợ làm gia tăng sức mạnh của từ ngữ đó, “nội chiến” giờ đây chẳng còn là một sự cấm kỵ gì nữa.

“Tôi không muốn nói đây là một cuộc nội chiến, nhưng chúng tôi hiện đang bước đi theo con đường của dân Lebanon, và chúng tôi cũng biết con đường này sẽ dẫn tới đâu,” đó là ý kiến của Sabah Kadhim, một cố vấn cho Bộ Nội Vụ Iraq, người từng trải qua nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài trước khi trở về Iraq vì Saddam Hussein đã bị hạ bệ.

“Chúng tôi sắp sửa tiến tới cái ngày mà một số khu vực trong nước sẽ được một số lãnh chúa kiểm soát... Ðây là người Sunni chống lại người Shi’ite, và đó chính là vấn đề đang thực sự bùng cháy và có điều là tình trạng này không phải là đã xảy ra ngay sau cuộc bầu cử vừa qua.”

Tại thành phố Madaen và tại các thị trấn có người Shi’ite sống chen lẫn với người Sunni bên những dòng sống ở mạn Nam thủ đô Baghdad, các nhóm người hiềm khích nhau đã thực hiện những cuộc tấn công trả thù kể từ trước khi có cuộc bầu cử vào hồi Tháng Giêng, cảnh sát cho hay như thế. Trong tháng này, có hơn 50 tử thi đã được kéo lên khỏi dòng sông Tigris lịch sử.

Trong khu phố Shuala nghèo nàn của người Shi’ite ở phía Tây Baghdad, đã có hằng loạt những vụ đánh bom xe hơi và giết chóc, rõ ràng là có liên hệ tới những căng thẳng với các tay bạo động Hồi Giáo Sunni đặt căn cứ tại khu Abu Ghraib bên cạnh đó, từng được coi là một trong những khu bạo động dữ dội nhất tại Iraq.

Những cuộc bạo động tương tự đã dấy lên tại những thành phố nhỏ hơn ở phía Bắc của Baghdad, như là Baquba, một nơi mà những ngôi đền Hồi Giáo của người Shi’ite và của người Sunni thay phiên nhau mà bị đánh bom.

Những căng thẳng này phần nào là hậu quả của ý đồ đã được công bố từ lâu của các tay bạo động thuộc giáo phái Sunni như Abu Musab al-Zarqawi, gốc người Jordan, là tay chủ trương gieo rắc mầm mống bất hòa giữa các giáo phái để kích động một cuộc nội chiến tại Iraq.

Nhưng những cuộc bạo động này cũng phản ảnh một sự gia tăng tự nhiên những hiềm thù giữa hai giáo phái kể trên sau cuộc bầu cử ngày 30 Tháng Giêng, là biến cố chính trị đã chính thức trao quyền hành cho khối người Shi’ite chiếm đa số trong nước sau nhiều thập niên họ bị lép vế dưới tay người Sunni.

Sự thất bại không thành lập được một chính phủ ngay sau cuộc bầu cử - khi nà toàn quốc Iraq đang hừng hực khí thế đi lên với hơn 8 triệu cử tri bất chấp những đe dọa tới tính mạng mà kéo nhau đi bầu - đã cho phép những ngờ vực và đố kỵ lẫn nhau được dịp sinh sôi nảy nở trong khi tất cả mọi phe phái đều chỉ lo tranh giành quyền lực cho phần mình.

“Cánh cửa sổ đầy ắp cơ hội do sự thành công của cuộc tuyển cử đem lại đã bị buộc phải đóng sầm lại nhằm phục vụ cho chính sách săn lùng thắng lợi cá nhân và bè phái để thỏa mãn quyền lợi và tự ái,” đó là ý kiến của Toby Dodge, một chuyên gia về Iraq tại Ðại Học Queen Mary University ở Luân Ðôn.

Thật vậy, giờ đây mọi người đang chứng kiến các chính trị gia tại Iraq lợi dụng chuyện phân chia giáo phái sẵn có để giành giật thêm quyền hành, một hành động đang chứng tỏ là chỉ đem lại phản tác dụng mà thôi.

“Iraq nay còn bị chia năm, xẻ bảy và phân hóa tệ hại hơn là Lebanon nữa là đằng khác,” Ông Dodge nhận xét tiếp như vậy. (V.P.)

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Phi Cơ Lớn Nhất Thế Giới Bay Thử Tại Âu Châu Image BLAGNAC - Phi cơ chở khách khổng lồ do Aâu Châu chế tạo đã bay chuyến đầu tiên thành công, đánh dấu 1 cột mốc trong kỹ nghệ hàng không và mở ra thach thức đối với công ty Boeing của Hoa Kỳ.
4 động cơ của chiếc Airbus 380 thân phi cơ cân nặng 308 tấn cất cánh lên không trung vào lúc 10 giờ 29' sáng Thứ Tư, trước mắt của hàng ngàn quan khach 101 năm sau chuyến bay đầu tiên của anh em Wright.
Chuyến bay đầu tiên này kéo dài khoảng 4 giờ, mang theo phi hành đoàn 6 người và 22 tấn dụng cụ thí nghiệm.
Trên màn ảnh truyền hình, viên chức kỹ thuật của Airbus Alain Garcia tuyên bố "Cuộc cất cánh diễn ra toàn hảo.”
Chiếc Airbus 380 không bay xa hơn bán kính 100 dặm tính từ sân bay Blagnac ở ngoại ô thành phố Toulouse, trong khi phát cac tín hiệu về đo lường thực tế về bản doanh Airbus tại Blagnac.
Trưởng phi công thí nghiệm Jacques Rosay và và phi công chưởng cơ Claude Lelaie cùng với 4 đoàn viên mặc đồng phục màu cam.
Airbus cho biết cac đoàn viên phi hành mang dù trong chuyến bay đầu tiên theo chính sách của công ty. 1 tay vịn dẫn từ phòng lái tới của thoát hiểm sẽ vận hành nếu phi hành đoàn mất kiểm soát phi cơ.
Chuyến bay hôm Thứ Tư của phản lực cơ thương mại Airbus là kết quả của 11 năm chuẩn bị với kinh phí 13 tỉ MK, giá 1 chiếc 282 triệu MK, thể hiện vụ đánh cuộc lớn của Airbus với niềm tin rằng cac công ty hành không quốc tế sẽ cần phi cơ lớn hơn. Nhưng giới phân tich nghĩ rằng Airbus tốn nhiều thới gian và tiền bạc nhiều đến thế là sai vì trên thị trường có dấu hiệu phát triển các phản lực cơ thân rộng nhưng nhỏ hơn như chiếc Boeing 787 Dreamliner.
Ông Yves Galland, chủ tịch chi nhánh Boeing tại Pháp, cho biết ông có xem chiếc Airbus 380 cất cánh qua màn ảnh truyền hình, chia sẻ cac cảm xúc của công nhân viên Airbus - nhưng, ông trả lời phỏng vấn bằng cach nhắc lại lập luận của Boeing rằng Airbus lượng định quá cao nhu cầu phản lực cơ khổng lồ mà ông mô tả là"hoàn toàn yếu".
Ông Galland nói "Chúng tôi không có những phân tich thị trường giống như Airbus".
Ngay trong tuần này, Air Canada đặt hàng 32 chiếc Boeing mới trị giá tổng cộng 6 tỉ MK, gồm 14 chiếc 787. Air India dự định mua 50 chiếc Boeing tổng trị giá 6.8 tỉ MK, gồm 27 chiếc 787. Chiếc 787 giá 120 triệu, bắt đầu sản xuất từ 1 năm, sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2008 - tính đến nay, kiểu 787 đã được đặt hàng 237 chiếc. Airbus đã được đặt hàng 154 chiếc Airbus 380, chở hành khach 5% nhiều hơn Boeing 747. Airbus dự định đưa chiếc hạng trung A-350 vào hoạt động từ năm 2010.

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Một loạt khủng bố mới tại Iraq : 7 vụ đánh bom tự sát, 17 người thiệt mạng

Sáng nay, ít nhất 17 người đã thiệt mạng và 67 người khác bị thương một loạt 7 vụ đánh bom xe tự sát nhằm vào lực lượng an ninh Iraq tại thủ đô Baghdad.
Cảnh sát cho biết, 7 binh sĩ và 5 sĩ quan cảnh sát Iraq đã thiệt mạng trong 4 vụ đánh bom xe xảy ra chỉ cách nhau vài trăm mét và trong vòng khoảng 15 phút.
Hai quả bom xe đầu tiên phát nổ vào lúc 8h15' (giờ địa phương) tại quận Adhamiya của người Sunni (ở phía bắc Baghdad) nhằm trúng một đoàn xe của quân đội Iraq và một đội điều tra của cảnh sát Iraq. Vài phút sau, quả bom xe thứ ba phát nổ tại quận Slekh nhằm vào một đội tuần tra của cảnh sát. Tiếp đó là vụ thứ tư tại một trạm cảnh sát ở cùng quận Slekh.
Ba vụ đánh bom còn lại xảy ra tại quận al-Madain (phía đông nam Baghdad) vào khoảng 8h30 làm 3 cảnh sát và 2 dân thường thiệt mạng. Trong số các mục tiêu tấn công có khách sạn Madain và toà nhà của công ty viễn thông Madain.
Số lượng các vụ tấn công lớn nên con số thương vong, theo dự đoán, có thể sẽ còn tăng. Sự việc diễn ra chỉ một ngày sau khi Quốc hội Iraq thông qua danh sách nội các mới do Thủ tướng Ibrahim al-Jafaari đệ trình. Đây được xem là một bước ngoặt mới trong tiến trình chính trị Iraq, ba tháng sau khi diễn ra cuộc bầu cử lịch sử.
Tuy nhiên, tiến trình thành lập chính phủ mới vẫn chưa kết thúc. Nội các mới của Iraq hiện còn 2 ghế Phó Thủ tướng và 5 ghế bộ trưởng chưa được công bố, trong khi nội các lâm thời sẽ hoạt động đến khi Iraq tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới. Ngoài ra, theo nhận định, thành phần nội các mới vẫn chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn do cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni cho rằng họ bị lép vế trong cơ cấu chính quyền mới.
Chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Iraq thông qua danh sách nội các mới, một đại diện của cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni đã tỏ ra rất thất vọng về việc người Sunni có quá ít đại diện trong chính phủ mới. Ông này cho rằng những chức vụ dành cho cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni là ít nhất cả về số lượng lẫn tầm quan trọng. Nhiều nhà lãnh đạo người Hồi giáo dòng Sunni khác ở Iraq cũng cảnh báo rằng nước này sẽ phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng chính trị mới nếu những yêu cầu của người Sunni không được đáp ứng.

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Hòa Giải Lịch Sử Quốc-Cộng: Lien Chan Gặp Hồ Cẩm Đào BẮC KINH - Lãnh tụ đối lập của Đài Loan đã gặp chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm Thứ Sáu, đánh dấu cuộc hòa giải lịch sử giữa đảng Quốc Dân và chính quyền CS.
Trong buổi lễ đại sảnh đường Nhân Dân trực tiếp truyền hình ở lục địa và Đài Loan tại, 2 nhà lãnh đạo bắt tay nhau và tỏ hi vọng về sự kết thúc nhiều thập niên thù nghịch.
Ông Hồ nói với ông Lien Chan rằng lục địa và Đài Loan nên đặt trọng tâm vào định hướng hòa bình, ổn định và phát triển. Ông Lien đáp lời : Những gì chúng ta cần thực hiện là hòa giải và hòa bình.
Lãnh tụ Hồ đánh giá chuyến đi của chủ tịch đảng Quốc Dân là đưa sinh lực mới vào cac quan hệ giữa Đài Loan và lục địa, không có bang giao nhưng trao đổi mậu dịch đang gia tăng. Sau buổi lễ kéo dài nửa giờ, 2 phái đoàn đã đàm phán riêng.
Trước đó, trong cuộc nói chuyện 40 phút với sinh viên trường đại học bắc Kinh, ông Lien tuyên bố "Chúng ta không sống mãi với quá khứ" và khẳng định rằng nhân dân muốn thấy đối thoại, hòa giải và hợp tác.
Oâng Lien nhận rằng những cải tổ của Trung Quốc gồm bầu cử không phe phái ở cấp xã đang thu hẹp cac khac biệt giữa lục địa CS và đảo Đài Loan dân chủ.
Hôm Thứ 3, lãnh tụ đảng Quốc Dân bắt đầu chuyến viếng thăm 8 ngày từ Nam Kinh, thủ đô cũ của đảng - hôm Thứ Sáu ông Lien hô hào 2 chính quyền giữ nguyên trạng.
Sau đó, ông Lien thả bộ qua khuôn viên nhiều cây cối của trường đại học Bắc Kinh, được các đám đông hàng trăm sinh viên hò reo.
Cuộc gặp gỡ Hồ-Lien là lần đầu tiên kể từ cuộc đối thoại giữa lãnh tụ Tưởng Giới Thạch và Tư Lệnh quân CS Mao Trạch Đông năm 1945 trong ý định thành lập 1 chính phủ đoàn kết, nhưng 4 năm sau, phe Quốc Dân Đảng thua chạy ra đảo.
Giới phân tich không đồng ý với nhau về ảnh hưởng của chuyến đi của chủ tịch sẽ làm giảm căng thẳng hay không - 1 số nghị rằng cựu PTT và cựu Ngoại Trưởng Đài Loan có thể thu được sự tin cậy của Bắc Kinh trong khi lãnh tụ Hồ muốn mở rộng sự chia rẽ nội bộ ở Đài Loan.

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Thế giới cử hành ngày Quốc Tế Lao Động 1-5
Sunday, May 01, 2005 NDNHAT

BERLIN, Ðức - Hàng trăm ngàn công nhân đã diễn hành trên khắp thế giới để đánh dấu ngày Lao Ðộng 1-5, đòi hỏi được hưởng những điều kiện làm việc tốt đẹp hơn.

Tại Ðức, những nhà tổ chức của nghiệp đoàn nói khoảng 530,000 công nhân đã tham gia những cuộc biểu tình trên toàn quốc để phản đối những biện pháp cải tổ xã hội của Thủ Tướng Gerhard Schroeder.

Tại Ðông Ðức, những người biểu tình thuộc thành phần tân Quốc Xã đã đụng độ với cảnh sát sau khi 65 người ném đá bị bắt giữ tại Berlin vào buổi tối.

Ngày Quốc Tế Lao Ðộng là dịp để chính phủ Cuba tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ với hơn một triệu người tham dự, theo các con số ước lượng chính thức.

Lãnh tụ Fidel Castro của cộng sản Cuba đã chủ tọa cuộc tụ tập tại Havana để vinh danh công nhân và lên án chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, nước láng giềng tư bản của họ.

Trong buổi lễ ban phép lành ngày Chủ Nhật đầu tiên, Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói với hơn 50,000 người hành hương tại Công Trường Thánh Peter rằng ngài hy vọng các điều kiện làm việc sẽ chú trọng hơn bao giờ hết vào nhân phẩm của con người.

Tại Moscow, khoảng 20,000 thành viên nghiệp đoàn thương mại đã diễn hành đòi hỏi tăng lương tối thiểu để đáp ứng phí tổn sinh hoạt tối thiểu.

Tại Trung Quốc, nhà nước đã vinh danh hàng ngàn công nhân - một vài người là những lực sĩ thể thao - và gọi họ là những “công nhân điển hình,” giữa lúc người dân trên toàn quốc khởi sự cử hành lễ lao động kéo dài một tuần lễ bằng những cuộc viếng thăm tới các công trường và công viên để thả diều và giải trí.

Tại Công Trường Thiên An Môn và Cấm Thành ở trung tâm Bắc Kinh, hàng đoàn người nghỉ lễ đã thả diều và xếp hàng dài để được chụp hình trong những bộ đồ bằng lụa vàng và đỏ của vua chúa trước đây.

Tại Bắc Kinh, tối hôm Thứ Bảy, các lãnh tụ nhà nước đã vinh danh 2,969 “anh hùng lao động quốc gia và công nhân tiên tiến,” kể cả cầu thủ bóng rổ Yao Ming và lực sĩ điền kinh Liu Xiang, theo tờ Nhân Dân Nhật Báo.

Tại Hong Kong, hàng trăm công nhân, kể cả những người ngoại quốc giúp việc nhà, đã đánh dấu ngày Quốc Tế Lao Ðộng bằng cách diễn hành tới các văn phòng chính phủ đòi hỏi lương tối thiểu được áp dụng cho tất cả mọi người, giờ làm việc nhất định và được quyền thương lượng tập thể.

Một mức lương tối thiểu cần được ban hành để mọi công nhân có thể duy trì sự sống của họ và cần quy định giờ làm việc cố định để ngăn ngừa các tai nạn lao động, một người biểu tình nói.

Người ngoại quốc giúp việc nhà hiện được hưởng một mức lương tối thiểu là 3,200 đô la Hong Kong một tháng (tương đương 420 mỹ kim), nhưng trước đây, cho tới năm 2003, lương tối thiểu là 3,670 đô la Hong Kong.

Hôm Chủ Nhật, những người giúp việc tham dự một cuộc biểu tình đã thúc giục chính phủ hãy áp dụng trở lại mức lương tối thiểu cũ.

Hàng chục ngàn phụ nữ thuộc nhiều quốc gia Nam Á hiện làm việc tại lãnh thổ Hong Kong giàu có với tính cách người giúp việc nhà, phần lớn từ các quốc gia Philippines, Indonesia, Thái Lan và Nepal. (n.n.)

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Các nhà báo cử hành Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới
Tuesday, May 03, 2005 NDNHAT


PARIS, Pháp - Hôm Thứ Ba, những người tranh đấu cho tự do báo chí trên khắp thế giới đã hội họp vào một thời điểm u ám cho các nhà báo, khi các phóng viên đứng trước những mối đe dọa ngày càng tăng về chuyện có thể bị giết chết, bắt cóc, cầm tù hoặc những sự ngược đãi khác chỉ vì họ thi hành nhiệm vụ của mình.

Nhiều nhóm tranh đấu cho truyền thông nói rằng năm 2004 là năm chết chóc nhiều nhất cho các nhà báo. Vài người đã bị săn đuổi và giết chết.

Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới tại Paris đã gọi đây là “một năm đau buồn.”

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả tại New York hôm Thứ Hai đã liệt kê năm địa điểm nguy hiểm nhất cho các nhà báo trong năm năm vừa qua - Philippines, Iraq, Colombia, Bangladesh và Nga.

Các nhóm tranh đấu đã chỉ trích việc bắt giữ, cầm tù, đánh đập, hăm dọa và sử dụng báo chí hoặc các đạo luật khẩn cấp như các công cụ để ngăn cản các nhà báo loan tin.

Phóng Viên Không Biên Giới, là tổ chức giúp tổ chức cuộc hội họp hàng năm, nói Iraq vẫn là địa điểm tệ hại nhất để hành nghề phóng viên, nhưng những đe dọa khác đã nổi lên tại những nơi như Phi Châu và Bangladesh.

Robert Menard, chủ tịch của nhóm trên, nói 56 nhà báo hoặc các phụ tá của họ đã bị giết chết tại Iraq kể từ khi cuộc chiến tranh khởi sự hơn hai năm trước đây - chỉ ít hơn bảy người so với cuộc xung đột tại Việt Nam từ 1955 đến 1975.

Mười chín phóng viên và 12 phụ tá của họ đã bị giết chết tại Iraq trong năm ngoái, Phóng Viên Không Biên Giới nói. Cho tới thời điểm này năm nay, 22 nhà báo đã bị giết - chín người trong số đó ở Iraq.

Tại Philippines, kể từ năm 2000, 18 nhà báo đã bị giết chết vì công việc của họ. Tất cả đều đã báo cáo về sự tham nhũng của chính phủ và cảnh sát, buôn bán ma túy, và các hoạt động của các băng đảng tội phạm.

Tại Kenya, ngày tự do báo chí đã được đánh dấu bởi một hành động của vị đệ nhất phu nhân, người đã cùng với các vệ sĩ xông vào văn phòng của tờ nhật báo lớn nhất trong nước và nghe nói đã tát một nhiếp ảnh viên truyền hình vì người này cố quay phim vụ xâm nhập, theo lời các nhân chứng.

Bà Lucy Kibaki, vợ của Tổng Thống Kenya, Mwai Kibaki, đã phản đối những bài báo mà bà đã cố ngăn chặn.

Các nhóm truyền thông tại Phi Châu cũng muốn sử dụng ngày này để tạo chú tâm vào những luật lệ giới hạn tự do báo chí, chẳng hạn như đạo luật chống phỉ báng của Kenya, mà các nhà lãnh đạo Phi Châu thường sử dụng để đàn áp người bất đồng chính kiến. Hầu hết các nước Phi Châu đều có những đạo luật được gọi là “luật phỉ báng” nhằm cấm giới truyền thông tường thuật bất cứ điều gì có thể coi như làm mất uy tín giới lãnh đạo trong nước. (n.n.)
Last edited by khieulong on Wed May 04, 2005 4:04 am, edited 2 times in total.

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Tòa Bạch Ốc phổ biến chương trình Âu du của TT Bush
Thursday, May 05, 2005 Lê Thụy


WASHINGTON.- Tòa Bạch Ốc hôm 5-5 đã cho phổ biến chương trình Âu du sắp tới của TT Bush, trong đó nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ thăm 4 nước, bao gồm cả Nga, nơi ông sẽ dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày đồng minh đánh tan quân Ðức Quốc Xã, cùng với 50 nhà lãnh đạo của Thế giới, trong một cuộc duyệt binh quan trọng tại Công trường Ðỏ của Moscow.

Tổng thống Bush sẽ khởi đầu cuộc viếng thăm của Ông tại Riga, Latvia, vào ngày thứ Sáu 6-5, nơi ông sẽ gặp vào ngày kế tiếp (7-5) các nhà lãnh đạo của các quốc gia Baltic, mà quân đội Liên Xô đã chiếm cứ suốt gần 5 thập niên.

Các nhà lãnh đạo của 2 nước vùng Baltic này, là Lithuania và Estonia, đã từ chối tham dự lễ mừng chiến thắng tại Moscow, sau khi Nga đã không tỏ vẻ sẵn sàng lên án việc Liên Xô chiếm cứ các nước họ trước đây.

Sau khi thăm Latvia, Tổng thống Bush sẽ đến Hòa Lan, để Chủ Nhật 8-5, đến thăm nghĩa trang Hoa Kỳ ở Margraten, nơi có hơn 8,000 quân nhân Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc đệ nhị Thế chiến, được an táng.

Sau đó, cũng trong ngày, Tổng thống Bush sẽ đáp phi cơ đến Moscow để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vào thứ Hai 9-5, Tổng thống Bush dự cuộc duyệt binh quan trọng tại công trường đỏ, Moscow, cùng với các nhà lãnh đạo Thế giới. Sau đó Tổng thống Bush có cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh Hoa Kỳ và Nga.

Ngay tối thứ Hai 9-5, Tổng thống Bush sẽ đến Tbilisi, Cộng hòa Georgia, một nước Cộng hòa cũ của Liên Xô.

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Syria bắt giữ 137 người Saudi mưu toan xâm nhập Iraq
Thursday, May 05, 2005 VANN PHAN


RIYADH, Ả Rập Saudi – Nguồn tin từ báo Al-Watan của Ả Rập Saudi hôm Thứ Năm, 5 Tháng Năm, cho hay nhà cầm quyền Syria đã bắt giữ 137 người Ả Rập Saudi bị tình nghi mưu toan vượt biên giới vào Iraq là nơi mà quân nổi dậy đang thực hiện một cuộc nổi dậy từ hai năm nay kể từ sau cuộc đánh chiếm Iraq của Mỹ.


Viện dẫn các nguồn tinkhông rõ xuất xứ, tờ báo cho hay những kẻ bị bắt giữ gồm 62 người tại thành phố Deir al-Zour và 25 người khác tại thành phố Albukmal –cả hai đều ở Syria và nằm sát biên giới với Iraq–cũng như những người khác hiện đang bị giam tại các nhà tù ở Syria.


Tờ báo cũng công bố tên của 17 người mà họ bảo là nằm trong số 13 dân Ả Rập Saudi đang bị giam kia.


Hiện chưa có các giới chức Ả Rập Saudi và Syria nào sẵn đó để bình luận về tin này.


Cuộc đánh chiếm Iraq vào năm 2003 do Mỹ và các lực lượng liên hiệp thực hiện đã gây phẫn nộ trong nhiều người Hồi Giáo bảo thủ tại quốc gia láng giềng Ả Rập Saudi, và các trang nhà trên Internet của phe bạo động đã thúc giục dân chúng Saudi hãy tìm cách vượt qua biên giới tiến vào Iraq để chiến đấu chống Mỹ.


Các lực lượng an ninh Ả rập Saudi đã siết chặt an ninh tại biên giới phía bắc nước họ trong khi người ta tin rằng có hàng trăm quân bạo động đã kéo sang Syria để tìm đường tiến vào Iraq qua biên giới giữa hai nước này. (V.P.)

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Liên Âu có thể bỏ lệnh cấm bán vũ khí nếu Trung Quốc cải thiện nhân quyền
Friday, May 06, 2005 N Minh


KYOTO - Luxembourg, nước đang giữ ghế chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu (EU), hôm Thứ Sáu nói rằng việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc có thể phải ràng buộc với thành tích về nhân quyền của Bắc Kinh, trong khi EU gồm 25 nước hội viên thấy cần thận trọng về vấn để chấm dứt cấm vận.

Ngoại Trưởng Trung Quốc Lí Triệu-tinh đã vận động hành lang tại Hội Nghị Á Âu (ASEM), gồm ngoại trưởng của 38 quốc gia tham dự ở Kyodo, Nhật Bản, để mong được EU bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Bắc Kinh - đã áp đặt sau khi xẩy ra vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

“Người ta phải biết rằng việc bãi bỏ cấm vận phải có điều kiện đi kèm,” lời Ngoại Trưởng Jean Asselborn của Luxembourg nói với các phóng viên.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi có thể thay thế lệnh cấm vận bằng những qui tắc về cách cư xử, lúc đó chúng tôi có thể kiểm soát thị trường vũ khí hữu hiệu hơn vì chúng tôi sẽ có thêm những khả năng để làm như vậy. Nhân quyền cần được bao gồm trong những qui tắc về cách cư xử.”

Trung Quốc hy vọng có thể vận động để EU bãi bỏ lệnh cấm vận trong thời kỳ Luxembourg đang giữ chức chủ tịch luân phiên của khối này - thời kỳ sẽ chấm dứt ngày 30 tháng Sáu. Nước giữ chức chủ tịch kế tiếp sẽ là Anh Quốc – được coi không sốt sắng về chuyện bán vũ khí cho Bắc Kinh.

Các nhà ngoại giao Âu Châu đang có mặt ở Kyodo tỏ ý rằng EU sẽ không vội vàng bãi bỏ cấm vận trong nhiệm kỳ chủ tịch của Luxembourg.

Pháp là nước chính yếu chủ trương chấm dứt cấm vận, nhưng nói rằng đây hầu như chỉ là một hành động có tính cách tượng trưng để nhìn nhận sự trưởng thành của Trung Quốc trên sân khấu thế giới.

Nhưng đề nghị bãi bỏ cấm vận đã gặp chống đối mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Nhật Bản – họ nói rằng việc bán vũ khí hiện đại cho Trung Quốc sẽ khiến cho vùng Á Châu trở thành bất ổn, vào lúc mà Bắc Kinh chi tiêu nhiều hơn về quân sự và gia tăng áp lực lên Ðài Loan.

Ngoại Trưởng Nhật Nobutaka Machimura cương quyết chống đối chuyện bãi bỏ cấm vận khi ông gặp Asselborn, theo lời một viên chức Bộ Ngoại Giao Nhật.

Ông này nói: “Trong cuộc gặp gỡ, vị ngoại trưởng của chúng tôi nói rằng chỉ có một vấn đề chưa được giải quyết giữa EU và Nhật Bản: đó là vấn đề cấm vận vũ khí.” (nm)

Post Reply