2008.02.03
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Năm Đinh Hợi sắp bước qua để nhường chỗ cho tân niên Mậu Tý 2008. Người dân tại nhiều địa phương trong nước năm nay đón Tết thế nào? Trà Mi ghi nhận tâm tình chia sẻ của một số cư dân tại nhiều vùng miền khác nhau, từ thành thị đến nông thôn, từ trong Nam cả ngoài Bắc.

Nhiều người hối hả mua sắm chuẩn bị cho 3 ngày Tết. AFP PHOTO.
"Tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người", không khí đón Tết năm nay của bà con ra sao? Mời quý vị cùng Trà Mi ghé thăm một số tỉnh thành Bắc-Trung-Nam để cùng chia sẻ nhé.
Khắp nơi nhộn nhịp
Từ điểm xuất phát là Hà Nội, chúng tôi gặp gỡ anh Bắc, một doanh nhân trẻ năng động và thành công thuộc thế hệ 8X đang hoà mình trong dòng người mua sắm Tết tại thủ đô. Anh cho biết: "Mọi người đổ xô đi các hội chợ. Rồi mọi người rầm rộ đi gửi quà Tết cho nhau."
Trà Mi: Anh thấy không khí Tết năm nay so với các năm có gì đặc biệt hơn không? Vui hơn hay đơn giản hơn?
Doanh nhân Bắc : Năm nay thì mọi người vui vẻ hơn tại vì có rất là nhiều điều thay đổi trong một năm cho tất cả mọi người, giới trẻ và đất nước.
Trà Mi : Anh nói những điều thay đổi đó là những điều gì ạ?
Doanh nhân Bắc : Thứ nhất là khu vực tư hữu hoá, tư hữu hoá nhiều hơn và doanh nhân giờ họ đã tự chủ hơn trong rất là nhiều các hoạt động xã hội và kinh tế của đất nước.
Trà Mi : Thế còn đời sống của người dân thì sao?
Doanh nhân Bắc : Đời sống của người dân hiện tại thì cũng khó khăn lắm, giá thức ăn rồi mọi giá sinh hoạt các thứ đều tăng lên vùn vụt. Trung bình lương tăng từ 10 đến 20% nhưng trên thục tế thì như vậy nhiều người vẫn thấy đói tại vì lương của họ quá thấp. Rồi vấn đề an toàn thực phẩm, vấn đề lo ngại hàng năm và càng ngày càng nhiều dịch bệnh. Ở Việt Nam kiểm soát vệ sinh y tế hoặc vệ sinh sinh hoạt rất là kém. Đây là mối lo lắng nhiều hơn.
Vẫn còn nhiều mối lo

Mai Vàng, một trong những biểu hiệu của không khí Tết tại Việt Nam. AFP PHOTO.
Chia tay anh bạn Hà thành, trên đường xuôi về Nam, mời quý vị cùng chúng tôi dừng chân tại Mũi Né, một địa danh nổi tiếng với những đồi cát vàng và những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Người dân tại các làng chài thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ năm qua đời sống ra sao và họ chuẩn bị, lo toan như thế nào cho ngày Tết? Đáp lời câu hỏi này, một bạn trẻ địa phương chia sẻ:
Rời vùng đất của các làng chài ven biển, chúng ta hãy ghé thăm những tỉnh miền cao với nhiều đồi núi chập chùng thuộc Cao Nguyên Trung Bộ. Một giáo chức tại đây cho biết không khí đón xuân của bà con địa phương:
"Tình hình năm nay thì ở trên Cao Nguyên bà con ăn Tết có vẻ khấm khá tại vì ở vùng Cao Nguyên đây chủ yếu bà con mà trúng cà phê, rồi trúng mì thì cũng đỡ lắm.
Còn những người làm công ăn lương nhà nước với dân nghèo thì cũng hơi vất vã. Cho nên chủ yếu họ trồng cà phê, trồng tiêu, cho nên họ quan tâm nhiều đến chuyện phân bón, xăng dầu giá cả lên cao.
Họ cũng lo lắng cho chuyện nhà nước đang cấm xe công nông, xe độ chế. Bà con ở đây có cái đó là phương tiện chính yếu mà nếu bị cấm thì họ sẽ gặp khó khăn."
Giá cả tăng cao
Tiếp tục hướng về Nam, chặng dừng chân kế tiếp của chúng ta sẽ là Sài Gòn. Tại trung tâm đô hội có đà phát triển nhanh bậc nhất cả nước, không khí đón Tết cũng đã bắt đầu hiện diện tại các quầy thực phẩm hoa quả ngày Tết, tại những khu mua sắm lớn, hoặc những nhà khá giả, chứ tại các ngôi chợ bình dân hay trong những gia đình lao động nghèo, không khí đón Tết dường như không mấy gì nhộn nhịp.
Chị Mùi, chủ gian hàng thịt tại ngôi chợ nhỏ ở Thanh Đa, nhận xét:
"Mọi năm thì còn đông đảo vui vẻ, thấy người ta đi chợ hăng hái, chứ còn năm nay đi chợ thấy cũng vắng, tham gia chủ yếu ngó thì nhiều chứ mua thì ít. Mọi năm trời ơi muời mấy là chợ bán đông, đi chen lấn vậy đó.
Năm nay đi thưa rỉnh à. Năm nay ăn Tết không thấy vui vẻ, hăng hái như mấy năm về trước. Vật giá hiện nay cái gì cũng lên, cái gì cũng lên, vàng cũng lên, đồ ăn thì cái gì cũng mắc, mắc , mắc mà mình làm ra tiền thấy giá trị hổng có được gì hết, thịt cũng lên, cái gì cũng lên. Bởi vậy tham gia bán thì thịt bây giờ bán cũng ế, cái gì cũng ế hết.
Tại vì cái gì cũng lên, giá mắc nè mà người ta lại không dám ăn nữa. Người ta nói "Trời ơi, cứ càng ngày dịch bệnh hoài, hàng hoá lại lên giá hoài". Ông Sáu, một người lao động bình dân chuyên nghề ba gác máy tại quận 11, chia sẻ thêm: "Cũng như mọi năm thôi, tới cận Tết thì cũng rộn rịp. Coi như vậy nhưng mà thực chất thì không biết như thế nào. Một năm chỉ có một ngày Tết thôi thì mọi sự đều để gát qua để mà lo cho cái Tết."
Trà Mi : Dạ. Mọi sự để gát qua như ông nói đó là gát qua những cái lo toan. Xin đựơc hỏi những cái lo toan của bà con hiện nay là gì ạ?
Ông Sáu : Đó là cuộc sống. Những cái mà mình muốn nó được tốt đẹp hơn thì mình chưa thấy được, thành ra mình vẫn cứ mong chờ cho nó được tốt đẹp hơn. Về mặt kinh tế thì thấy là đổi mới, nhưng mà cái bộ mặt hình thức bên ngoài thì nhiều hơn là cái chiều sâu bên trong của đa số giới lao động.
Càng ngày sự cách biệt giữa giàu và nghèo nó càng xa ra. Tôi cũng phải rong ruổi trên đường dài để mà đánh đổi lại bằng cái đồng tiền thì thật sự nó không đáng. Sáng ra bảy giờ rưởi mình đã bước ra khỏi nhà và có bữa gần 11 giờ đêm mình mới quay được về nhà. Bương chãi chở hàng này nọ, ai sai gì làm nấy.
Vẫn còn nhiều người không có Tết
Ra khỏi ngoại thành Sài Gòn, tiếp tục cuộc hành trình hướng về miền Tây Nam Bộ, chúng tôi gặp bà Minh, một dân oan khiếu kiện đất đai ở Long An, tỉnh giáp ranh ngay cửa ngõ phía tây thành phố. Bà bộc bạch:
"Cái này là tôi cũng nói lên sự thật. Tôi cũng thay mặt bà con mà nói là khổ lắm cô ơi. Bởi vì bà con mất đất phải ở tạm. Ra Tết mùng 6 này là giải toả đó. Thành thử bà con cũng khổ sở lắm, bởi vì mần muớn không à. Mà gần Tết lại thất nghiệp nên ăn Tết rát là khổ. Người ta có đất có ruộng thì nói đúng ra người ta đỡ hơn mình.
Hiện bây giờ bà con dân oan chắc năm nay họ không có ăn Tết đâu cô ơi. Bây giờ người ta đang mần kiếm tiền để mà mua gạo ăn trong 3 ngày Têt đó cô. Vật giá thì càng ngày càng lên. Những người nghèo nói đúng ra là mình gói ghém sao cho nó gọn thôi. Bây giờ cầu nguyện sao cho có tiền để tích trữ gạo ăn trong 3 ngày Tết này."
Hỏi thăm thêm về tình hình hiện nay của bà con khiếu kiện sau nhiều lần bị giải tán về địa phương, chúng tôi đựơc biết:
"Tụi tôi đã đi lên tỉnh đó chớ, tự hổm rày không có lên thành phố (Sài Gòn), thì tỉnh cũng cho hay là trong Tết này nó đánh nước trong, ra Tết nó mới đánh nước tư, thành ra nó nói là bà con thông cảm về qua Tết đi rồi sẽ giải quyết. Nhưng mà từ đó tới giờ là nó chưa có bồi thường cho ai mà cũng không hỗ trợ ai, cũng không cứu vãn gì được hộ nghèo hết trơn."

Đào Tết được bày bán trên các đường phố Việt Nam. AFP PHOTO
Những mong mỏi cho Năm Mới
Trước thềm năm mới, người dân mong mỏi những gì? Những người nông dân chân lắm tay bùn khốn đốn vì mất đất đai như bà Minh, có chung một nguyện vọng:
"Đề nghị lên những chỗ có chức năng thẩm quyền hay là quốc tế hay là nhân quyền để can thiệp cho những người dân oan mà mất đất đặng mà ra Tết này giải toả thì dân không biết ở đâu. Mà những người có đất đang ở mà lại bị ănh hưởng thì thấy xã hội này nó quá bất công. Tôi đề nghị lên những người có chức năng để trừng trị những kẻ chính quyền nó làm nhiều hành động đối với dân quá bất công đi."
Anh bạn trẻ ở làng chài Mũi Né thì ước ao:
"Em ước làm sao mà ở tại Mũi Né có được sự công bằng. Chính quyền giúp đỡ cho địa phưong một cách nhiệt tình chớ không có khi mà có một việc gì khó khăn mà phải qua những người có chức có quyền lại gây khó dễ cho người dân thì em không thích những việc đó. Em muốn giành lại sự công bằng cho người dân, nhưng mà em chưa có làm được.
Theo như cái xã hội chủ nghĩa em biết là người ta áp dụng thì áp dụng vậy thôi, nhưng mà người ta tới làm việc làm này làm nọ thì cũng còn nhiều cái người hắt hủi dân lắm. Em cũng có nhiều lần gửi họp thư thoại của Đài Á Châu Tự Do."
Trong khi đó, giới trẻ có học thức và nhiều cơ hội ở Sài Gòn trông đợi:
"Trông chờ vào các hoạt động chứng khoán nè, và tư hữu hoá, cá nhân hoá hết tất cả các doanh nghiệp về cả tài sản thì dần dần người dân sẽ chủ động hơn về tính quyết đoán cá nhân đời sống cá nhân."
Còn giáo chức ở vùng cao, vùng xa, khu vực miền núi Tây Nguyên cầu mong:
"Tôi thì có lẽ cũng như nhiều công chức viên chức khác thì cũng mong bà con mình khá giả lên. Chúng tôi cũng mong ngành giáo dục cũng phải có nhiều cải tiến để nó thực chất hơn một chút. Cũng mong bà con mình được học hành nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn."
Vâng, mong sao những ước nguyện của người dân sẽ sớm thành hiện thực, và cầu xin một năm mới bình an, thịnh vượng sẽ đến với tất cả mọi nhà, mọi người.
Tiếng Việt
--------------------------------------------------------------------------------
© 2008 Radio Free Asia